Đồng cảm chiến lược
III. ĐỒNG CẢM CHIẾN LƯỢC
Người Mỹ, như Hans Morgenthau đã lưu ý từ lâu, có xu hướng chỉ quan sát thế giới liên quan đến Hoa Kỳ và cho rằng tiến trình của các sự kiện trong tương lai phụ thuộc chủ yếu vào các quyết định hoặc kế hoạch của Hoa Kỳ, hoặc sự chấp nhận theo cách nghĩ của chúng ta từ những người khác. Thuật ngữ cho xu hướng này là "lòng tự ái chiến lược", và nó nhấn mạnh những giả định đã có từ lâu mà tôi đã đề cập trước đó: về việc hội nhập của Trung Quốc vào trật tự quốc tế sẽ có tác động như thế nào đối với tiến trình tự do hóa và thay đổi hành vi của Trung Quốc trên thế giới.
Nhưng có một cách suy nghĩ khác về cách hành xử của các quốc gia: "sự đồng cảm chiến lược". Theo nhà sử học Zachary Shore, sự đồng cảm chiến lược bao gồm sự cố gắng hiểu thế giới nhìn người khác như thế nào, và những nhận thức đó, cũng như cảm xúc và khát vọng đó, sẽ ảnh hưởng đến chính sách và hành động của họ ra sao. Một triển vọng của sự đồng cảm chiến lược, có tính đến lịch sử và kinh nghiệm, dẫn đến một loạt các giả định rất khác nhau về Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không tự do hóa nền kinh tế hoặc hình thức vận hành của chính phủ. Nó sẽ không tuân thủ quy tắc quốc tế vốn được chấp nhận rộng rãi, thay vào đó, nó sẽ cố gắng làm suy yếu và cuối cùng thay thế chúng bằng các quy tắc có lợi hơn cho lợi ích của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tiếp tục kết hợp hình thức xâm lược kinh tế, bao gồm các hoạt động thương mại không công bằng, với một chiến dịch gián điệp công nghiệp bền bỉ. Về phô trương sức mạnh, Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm quyền kiểm soát các vị trí địa lý chiến lược và thiết lập các khu vực ưu tiên mang tính loại trừ.
Bất kỳ chiến lược nào để giảm bớt mối đe dọa từ các chính sách xâm lược của Trung Quốc phải dựa trên sự đánh giá thực tế về mức độ ảnh hưởng của Hoa Kỳ và các cường quốc khác đối với sự phát triển bên trong của Trung Quốc. Ảnh hưởng của những thế lực bên ngoài đó có giới hạn về cấu trúc, bởi vì Đảng Cộng sản sẽ không từ bỏ các hoạt động mà họ cho là quan trọng để duy trì sự kiểm soát. Nhưng chúng ta có các công cụ quan trọng, ngoài sức mạnh quân sự và chính sách thương mại.
Có một điều là, những phẩm chất "tự do phương Tây" mà người Trung Quốc coi là điểm yếu, thì trên thực tế lại thực sự là điểm mạnh. Tự do trao đổi thông tin và ý tưởng là một lợi thế cạnh tranh phi thường, một động cơ tuyệt vời của sự đổi mới và thịnh vượng. (Một lý do Đài Loan được coi là mối đe dọa đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là vì nó đưa ra một ví dụ, tuy nhỏ về quy mô nhưng đầy thuyết phục, về một hệ thống chính trị và kinh tế thành công dựa trên tự do và cởi mở thay vì độc đoán và khép kín.) Tự do báo chí và tự do ngôn luận, kết hợp với việc thực thi pháp quyền mạnh mẽ, đã vạch trần các chiến thuật kinh doanh mang tính cướp bóc của Trung Quốc tại mọi quốc gia, và cho thấy Trung Quốc là một đối tác không đáng tin cậy. Sự đa dạng và khoan dung trong các xã hội tự do và cởi mở đôi khi có thể đi quá giới hạn, nhưng chúng phản ánh khát vọng cơ bản nhất của con người của chúng ta, và chúng cũng có ý nghĩa thực tế. Nhiều người Mỹ gốc Hoa vẫn ở lại Hoa Kỳ sau vụ thảm sát Thiên An Môn và đang đi đầu trong các nỗ lực đổi mới ở Thung lũng Silicon.
Ngoài việc tập trung vào các điểm mạnh mà Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là điểm yếu của chúng, còn có các nhiệm vụ rõ ràng mà chúng ta phải thực hiện để bảo vệ mình. Chúng bao gồm những điều sau đây:
1) Nhiều trường đại học, phòng thí nghiệm và các công ty ở các quốc gia coi trọng luật pháp và quyền cá nhân đang đồng hành hoặc vô tình sử dụng công nghệ Trung Quốc để đàn áp người dân và cải thiện khả năng của quân đội Trung Quốc. Đối với các công nghệ sử dụng kép [cho cả mục đích dân sự và quân sự (ND)], khu vực tư nhân nên tìm kiếm sự hợp tác mới với những người có chung cam kết với các nền kinh tế thị trường tự do, chính phủ đại diện và pháp quyền, chứ không phải với những hành động chống lại các nguyên tắc này. Nhiều công ty đang tham gia vào các liên doanh hoặc hợp tác giúp Trung Quốc phát triển các công nghệ phù hợp với an ninh nội bộ, như giám sát, trí tuệ nhân tạo và sinh học. Ví dụ, một công ty có trụ sở tại Massachusetts đã bán thiết bị lấy mẫu DNA đã giúp chính phủ Trung Quốc theo dõi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. (Công ty này đã chấm dứt bán hàng cho Trung Quốc.) Công ty nào cố tình hợp tác với Trung Quốc để giúp đất nước này nỗ lực trấn áp người dân của chính họ hoặc xây dựng sức mạnh quân sự nhằm đe dọa các quốc gia khác sẽ phải bị trừng phạt.
2) Nhiều công ty Trung Quốc trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến vi phạm nhân quyền trong nước và vi phạm các điều ước quốc tế hiện đang được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. Những công ty này được hưởng lợi từ Hoa Kỳ và các nhà đầu tư phương Tây khác. Sàng lọc các thị trường vốn của Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản sẽ giúp hạn chế sự đồng lõa giữa các công ty và nhà đầu tư với tham vọng của nhà nước Trung Quốc độc tài. Các nền kinh tế thị trường tự do như chúng ta kiểm soát phần lớn vốn của thế giới, và chúng ta có nhiều đòn bẩy hơn nhiều so với những gì chúng ta đang sử dụng.
3) Sự sử dụng các công ty viễn thông lớn để kiểm soát các mạng truyền thông và Internet ở nước ngoài của Trung Quốc phải bị chống lại. Không còn nghi ngờ gì đối với sự cần thiết chống lại công ty công nghệ đa quốc gia Huawei và vai trò của nó trong bộ máy an ninh của Trung Quốc. Năm 2019, một loạt các cuộc điều tra đã tiết lộ bằng chứng không thể chối cãi về mối nguy hiểm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia liên quan đến một loạt các thiết bị viễn thông Huawei. Nhiều nhân sự của Huawei đồng thời làm việc cho Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc và bộ phận tình báo của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Các kỹ thuật viên của Huawei đã sử dụng dữ liệu di động bảo mật để giúp các nhà lãnh đạo chuyên quyền ở châu Phi theo dõi, định vị và bịt miệng các đối thủ chính trị. Một lĩnh vực ưu tiên cho hợp tác đa quốc gia giữa các xã hội tự do nên là phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là truyền thông 5G, để hình thành các mạng di động đáng tin cậy bảo vệ dữ liệu nhạy cảm và có tính bảo mật.
4) Chúng ta phải đoàn kết để chống lại các cơ quan Trung Quốc đang tiến hành hoạt động ở ngoài nước như Bộ An ninh Nhà nước, Bộ Công tác Mặt trận Thống nhất và Hiệp hội Sinh viên và Nghiên cứu viên Trung Quốc. Đồng thời, chúng ta nên cố gắng tối đa hóa các tương tác và trải nghiệm tích cực với người dân Trung Quốc. Hoa Kỳ và các xã hội tự do và cởi mở khác nên xem xét cấp thêm thị thực và cơ hội nhập quốc tịch cho nhiều người Trung Quốc hơn với các biện pháp bảo vệ thích hợp. Người Trung Quốc tham gia với công dân của các quốc gia tự do là những người có nhiều khả năng nghi ngờ đối với chính sách của chính phủ của họ - cả khi họ ở nước ngoài lẫn khi họ trở về nước.
5) Hoa Kỳ và các quốc gia tự do khác nên xem các cộng đồng nước ngoài là một thế mạnh. Nếu các Hoa kiều được bảo vệ khỏi sự can thiệp và các hoạt động gián điệp của chính phủ Trung Quốc, họ có thể cung cấp các phản biện quan trọng đối với tuyên truyền và thông tin sai lệch của Bắc Kinh. Các cuộc điều tra và trục xuất của Bộ An ninh Nội địa và các cơ quan khác [của Hoa Kỳ] cần được định hướng không chỉ hướng tới bảo vệ quốc gia mà còn hướng tới bảo vệ các Hoa kiều.
Nếu không có sự phản kháng hiệu quả từ Hoa Kỳ và các quốc gia có cùng chí hướng, Trung Quốc sẽ trở nên hung hăng hơn nữa trong việc thúc đẩy nền kinh tế trung ương tập quyền và mô hình chính trị độc tài. Đối với tôi, chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh và tiếp xúc với sự quấn quyện chặt chẽ giữa nỗi bất an và tham vọng của Trung Quốc đã củng cố niềm tin của tôi rằng, việc Hoa Kỳ và các quốc gia khác không còn phải tuân thủ quan điểm của Trung Quốc, là chủ yếu dựa trên khát vọng của phương Tây. Nếu chúng ta cạnh tranh mạnh mẽ, chúng ta có lý do để tự tin. Hành vi của Trung Quốc đang thúc đẩy sự phản kháng giữa các quốc gia không muốn trở thành các quốc gia chư hầu. Trong nội bộ Trung Quốc, việc thắt chặt kiểm soát cũng đang khơi gợi sự phản kháng. Sự tỏ ra dũng cảm của Lý Khắc Cường và các quan chức khác có thể nhằm gợi lên ý tưởng về Trung Quốc là chủ "của mọi thứ bên dưới thiên đường", nhưng nhiều người bên dưới thiên đường sẽ không đồng ý, và sẽ không thể đồng ý.
(Trích từ cuốn sách sắp ra mắt Battlegrounds: The Fight to Defend the Free World [Các chiến trường: Cuộc chiến đấu bảo vệ thế giới tự do] của H. R. McMaster (HarperCollins, 2020). Trích dẫn với sự cho phép. Bài viết này xuất hiện trong phiên bản in tháng 5 năm 2020 của "The Atlanatic" với tiêu đề 'What China wants'.)
(Nguồn: https://www.theatlantic.com/magazine/archive/2020/05/mcmaster-china-strategy/609088/)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top