Phần 1: Tử Cấm Thành - 紫禁城

Tôi là người Hong Kong đang sinh sống và học tập tại Sài Gòn được 14 năm. Vào tháng 12 năm 2017, tôi có dịp được đi du lịch sang Trung Quốc cùng một người bạn nhân dịp kỳ nghỉ hai tuần để chuẩn bị cho việc ôn thi.  Thời điểm xuất phát là đêm ngày 4, chúng tôi khởi hành từ Sài Gòn đến Bắc Kinh bằng hãng hàng không Xiamen Airlines. Sáng ngày 5, máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Thủ Đô Bắc Kinh sau hơn 7 tiếng rưỡi đồng hồ bay từ Sài Gòn, chúng tôi di chuyển đến khách sạn (cách trung tâm Bắc Kinh 1,9 km) đã được đặt phòng qua trang Booking trước đó. Vì trên máy bay khá là khó ngủ do trạng thái háo hức, nôn nóng của mình, nên chúng tôi đã quyết định nghỉ ngơi để lấy sức, sẵn sàng cho cuộc hành trình. Sau 3 tiếng nghỉ ngơi tại khách sạn, chúng tôi lên đường hướng đến Tử Cấm Thành.

Di chuyển bằng taxi, tổng cộng hết 20 tệ. Tuy nhiên, Khu vực Tử Cấm Thành không cho phép đậu xe nên buộc chúng tôi phải đi bộ từ xa. Đến nơi, tôi cực kì sửng sốt bởi sự hoành tráng khi nhìn từ quảng trường Thiên An Môn phía ngoài thành.  Bức tường thành Thiên An Môn có độ cao khoảng 7,9m và dày 6m rất hùng vĩ gồm 5 cổng dạng hình vòm, tứ bề đều là màu đỏ, ở cổng chính giữa treo một bức chân dung của chủ tịch Mao Trạch Đông được đặt bên trên cạnh hai biểu ngữ khổng lồ. Phía bên trái viết "中华人民共和国万岁- Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Vạn Tuế" và phía bên phải của biểu ngữ là "世界人民大团结万岁- Thế Giới Nhân Dân Đại Đoàn Kết Vạn Tuế". Ngày xưa hai biểu ngữ này được viết bằng chữ Phồn Thể, nhưng sau này đã được đổi thành Giản Thể. Theo như tôi được biết, "Tử Cấm Thành được viết theo chữ Hán là 紫禁城, ngày nay còn được gọi là Cố Cung - 故宮. Nơi đây từng là cung điện của các triều đại từ giữa thời nhà Minh đến cuối thời kì nhà Mãn Thanh, có diện tích khoảng 720 vạn mét vuông, bên trong có 9999 căn phòng. Tôi thiết nghĩ nếu mỗi ngày ở 1 phòng thì tới khi ở đủ 9999 phòng thì chắc cũng được 27 năm nhỉ!? Tử Cấm Thành được thiết kế bởi các kiến trúc sư trưởng là Ngô Trung, Trần Khuê, Sài Tín và một vị thái giám người Việt Nam tên là Nguyễn An. Khoái Tường và Lục Trường là các tổng công trình sư. Tử Cấm Thành được thiết kế theo dạng hình chữ nhật, dài 961m theo chiều Bắc – Nam và 753m theo chiều Đông – Tây. Trong bản sơ đồ được chia làm hai khu, thứ nhất là khu Tiền Triều tức "Ngoại Đình phía Nam" dành cho các nghi lễ trong cung. Và thứ hai là Hậu Cung tức "Nội Đình phía Bắc" nơi ở của Hoàng Đế và Hoàng Thất, không chỉ vậy đây cũng là nơi dành cho Hoàng Đế và các quan lại họp bàn về việc triều chính. Trong tứ bề tường thành vững chắc thì mỗi bề đều có một cổng tương ứng với mỗi phía: Đông có Đông Hoa Môn (东华门), Tây có Tây Hoa Môn (西华门), Nam có Ngọ Môn (午门) và Bắc thì có Thần Vũ Môn (神武门)".

Sau khi nhìn ngắm, chụp hình check-in các kiểu xong, chúng tôi tiến vào bên trong thông qua Ngọ Môn dẫn đến Tiền Triều. Khi đi vào, chúng tôi nhìn thấy con sông Kim Thủy. Vì lúc này là tháng 12 nên thời tiết rất lạnh (khoảng -3 độ C), bề mặt con sông bị đóng băng rất dày. Tôi nhìn thấy những dấu vết dài quanh co uốn lượn có vẻ như là của bánh xe đạp nên tôi nghĩ rằng lớp băng dày đến nỗi người ta có thể đạp xe trên đó. Quả nhiên đến vùng đất Trung Hoa vào mùa đông như thế này thì còn gì bằng !! Trong cơn lạnh vẫn có một chút ấm áp từ những ánh nắng được thiên nhiên ban tặng cứ như là dành cho tôi một lời chào đón nhẹ nhàng, tao nhã khi tôi đến thăm Cố Cung này vậy. Chúng tôi đã mua vé online từ trước, nên không cần phải mua trực tiếp ở đây. Trên chiếc vé có mã QR, trị giá 40 tệ. Không chỉ vậy, tôi buộc phải mang theo cả hộ chiếu của mình nữa. Có thể nói an ninh ở đây thật sự rất ư là chặt chẽ, rà soát kiểm tra biết bao nhiêu lần chúng tôi mới được vào. Vừa đi qua Thái Hòa Môn, là một quảng trường cực kì rộng lớn, nhìn từ xa đã thấy Thái Hòa Điện sừng sửng trước mắt cùng với dãy Vô Anh Điện ở hướng Tây Nam và Văn Hoa Điện ở Đông Nam. Bên trong Tử Cấm Thành hầu hết đều có những chiếc lư đồng vô cùng nặng nề, vững chắc được đặt trên một cái bệ. Những chiếc lư đồng này là để chứa nước nhằm phòng chống những trận hỏa hoạn xảy ra trong cung. Khi mùa đông đến khi nước trong lư trở nên đóng băng, họ có thể thổi lửa vào những cái bệ ấy để băng tan ra và lấy nước. Từ trục trung tâm nối với Thái Hòa Môn, đi thẳng lên là Thái Hòa Điện, chúng tôi nhìn thấy bên trong là một ngai vàng vừa to vừa tráng lệ cùng hoa văn hình con rồng được phủ vàng của sáu cây cột gần ngai. Tôi còn thấy ở phần lưng và hai bên tay ngai vàng còn có chạm khắc 5 con rồng uốn lượn cuộn tròn xung quanh. Bức bình phong phía sau thì có 9 con. Theo tương truyền, "Hoàng Đế rất ưa chuộng con số 9 và số 5. Nó tượng trưng cho sự uy quyền trên quan điểm "cửu ngũ" của người Trung Hoa". Tại đây lúc trước có tên là Phụng Thiên vào thời nhà Minh, cho đến thời Thuận Trị nhà Thanh sau này mới đổi tên thành Thái Hòa như bây giờ. Đây chính là nơi biểu trưng quyền lực dành cho Hoàng Đế Trung Hoa. Không chỉ vậy, Thái Hòa Điện cùng với Trung Hòa Điện và Bảo Hòa Điện hợp lại được gọi là quần thể Tiền Tam Điện án ngữ bên trong Tử Cấm Thành. Chúng tôi di chuyển từ Thái Hòa Điện ở khu Tiền Triều sang Nội Đình Tam Cung tức "Hậu Cung", nhìn vào sơ đồ nơi đây, tôi nhìn thấy trong khu Hậu Cung gồm có Giao Thái Điện, Càn Thanh Cung và Khôn Ninh Cung. Chúng tôi tiếp tục đi thẳng vào Càn Thanh Cung, ấn tượng đầu tiên được đập vào mắt tôi đó chính là tấm biển có dòng chữ "明光大正 – Minh Quang Đại Chánh" được treo phía trên ngai vàng chính là ngự bút của Hoàng đế Thuận Trị với ý nghĩa: "Con người làm việc gì cũng phải đàng hoàng, trung thực, hợp với khuôn phép". Càn Thanh Cung chính xác là tẩm cung của vua và hoàng hậu.  

Sau khi đi một vòng Càn Thanh Cung thì chúng tôi khá là đuối sức. Câu chuyện vô cùng ớn lạnh đối với chúng tôi đã bắt đầu từ đây, sau 3 tiếng đồng hồ tham quan khu Tiền Triều và Hậu Cung, vì Tử Cấm Thành rất dài và rộng không thể nào tìm hiểu hết một ngày được nên chúng tôi quyết định kiếm chỗ ngồi yên tĩnh để nghỉ ngơi một lát rồi mới trở về khách sạn. Ngồi được không bao lâu thì trời bổng nhiên tối sầm lại, mây đen kéo đến, cứ tưởng chừng mưa nhưng lại không mưa. Lúc này, khách du lịch cũng không còn đông mấy nữa vì cũng đã gần 4 giờ chiều, có thể nói cũng còn người nhưng nhìn từ xa chỉ lác đác mà thôi! Bạn tôi bổng dưng khều tôi trong cái vẻ mặt hơi tái của nó và nói rằng nó đang có một cảm giác gì đó bất an, có một sự lạnh lẽo kỳ lạ khác với cái lạnh lúc ban trưa. Tôi đoán chắc có lẽ là do nó không được khỏe vì chưa thích ứng với thời tiết. Nhưng không phải vậy, nó là một người lúc nào cũng rất hăng hái và hiếm khi trở bệnh trong việc đi du lịch. Trong đầu tôi chợt liên tưởng đến những câu chuyện kinh dị của Tử Cấm Thành mà chính bản thân mình được nghe kể trước đây, cứ như cảm giác vào lúc chiều tà, bỗng nhìn thấy một bóng người phụ nữ mặc trang phục nhà Thanh xuất hiện trước mặt chính là vong hồn của phi tần được Hoàng đế Quang Tự sủng ái nhất - Trân Phi. Người con dâu bị giết hại do Từ Hy Thái Hậu đã sai người đẩy cô xuống giếng trước khi bỏ trốn khỏi Tử Cấm Thành bởi sự càng quét Bắc Kinh của quân đội Tây Dương. Trước khi chết, Trân Phi đã tức giận và thốt lên 3 câu được xem là những lời trăn trối:

"Hoàng thượng sẽ không để cho ta chết!"
"Bà thích chạy trốn thì cứ việc chạy trốn."
"Nhưng Hoàng thượng thì không nên chạy trốn!"

Có lẽ chính vì thế, cảm giác lạnh người lạ lùng không chỉ ở bạn tôi mà còn có cả tôi cũng bị cái lạnh ấy bao trùm một cách rợn người. Mặc dù xác Trân Phi đã được vớt lên và an táng sau 1 năm cô mất, nhưng hồn thì chắc hẳn sẽ vẫn mãi vất va vất vưởng trong chốn hoàng cung thanh bình mà u ám này. Đâu ai có thể khẳng định chính xác về những điều tâm linh kỳ bí như vầy mà chỉ biết rằng "song song với thế giới thực mà chúng ta đang sống, luôn tồn tại một thế giới vô hình của người đã khuất". Hai thái cực đã hình thành trong suy nghĩ của tôi. Thứ nhất, có thể do thời tiết làm thay đổi cảm giác hiện tại. Và thứ hai là có một thế lực vô hình nào đó đã ra tín hiệu cho tôi. Tôi hy vọng, nếu cái thứ hai xảy ra thì cũng chỉ là họ có ý tốt muốn ra hiệu cho mình để tránh phạm phải một sai sót gì đó có thể xảy ra trong khi đặt chân đến nơi này. Dù là vậy, trong lòng chúng tôi vẫn toát lên nỗi sợ từ từ nhưng thấm thía, những nơi còn lại trong Tử Cấm Thành mặc dù chưa thể đi hết. Nhưng đến nước này buộc chúng tôi phải trở về trong sự sợ hãi mà không ai mở lời nói chuyện với ai. Đúng là không ngờ, trong sự thanh bình lại có sự kinh dị rung mình đến như vậy !!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #kinhdi