CHƯƠNG 2: MỘC ANH
CHƯƠNG 2:
MỘC ANH
Nguyễn Huỳnh Nhã Khiết – sinh viên năm 3 khoa Toán – Tin Học Đại Học Tổng Hợp đang sắp bước vào mùa hè 1996 với nỗi lo thất nghiệp làm thêm.
Trước khi tham gia nhóm "dự án Trí Tuệ Nhân Tạo" của thầy/giáo sư Chiêm, Khiết để lo học phí ăn ở và cả trả nợ giúp anh hai, ở Sài Gòn nghề chân chính nào mà sinh viên hay làm, Khiết đều làm làm qua: từ dạy kèm, bồi bàn, phụ hồ, nhân viên tiệm bida... Sau khi lao đầu vào cùng thầy Chiêm và các bạn mày mò viết code, hoạch định ý tưởng này nọ thì Khiết chuyển hẳn qua đạp xích lô... Khiết thấy việc này vừa tập thể dục vừa tự do; khi nào mệt hay bận thì nghỉ mà không sợ đuổi việc hay trách mắng, thu nhập tàm tạm được cái mỗi ngày có liền tiền tươi. Mỗi buổi chiều hoặc tối trừ tiền thuê xích lô (3000 đến 5000 ngàn đồng) còn lại 10.000 đến 15.000đ đủ xài. Đó là suy nghĩ lúc mới vô nghề, thực tế thì đâu dễ ăn của ngoại.
Khiết hay vừa đạp xe vừa nghĩ mông lung, lúc thì đi vô địa bàn đó khách mấy anh xích lô chuyên nghiệp, lúc thì khách nói đông mà Khiết trả lời tây. Trải nghiệm bị hành hung phá xe như hôm bữa là lần thứ hai của Khiết. Nên Khiết đang nản cái nghề này. Khiết ngồi ở thư viện trường Tổng Hợp, viết các nghề có thể làm ra một cột, cột thứ hai thì điền các phương thức để xin được nghề này, cột 3 là các ưu điểm và khuyết điểm của nó.
Vũ sinh viên lớp Khiết, khều khều.
- Khiết, Khiết!
- Chuyện gì?
- Mày nói Lê Na tắt nhạc đi!
Khiết giờ mới nhận ra, khu Khiết ngồi đang ầm ầm nhạc Rock của Queen, phát ra từ walkman có loa của nhỏ Lê Na ngồi cách Khiết 4 ghế.
- Sao phải tao nói? - Khiết hỏi Vũ
- Nhỏ Lê Na chung lớp với thằng Nhã bạn thân mày. 3 đứa mày nói chuyện nhau hoài! Tao ngán nó! Mày nói đi!
3 sinh viên nam ngồi gần đó cũng đưa máy nhìn Khiết biểu lộ ý kiến y chang thằng Vũ.
Lê Na chung lớp với Nhã – Năm 3 khoa Địa chất, là nữ sinh đẹp trong số các nữ sinh hiếm hoi của toàn trường. Tên Lê Na là tên thiệt của nó, họ Nguyễn. Lê Na ăn mặc rất thời thượng: tóc xoăn nhẹ qua vai, áo sơ mi trắng tay phồng bắt cặp cùng quần cạp cao. Nó rất hay có chiếc thắt lưng màu đen dùng làm điểm nhấn cho một chiếc quần jeans hoặc chân váy cao ngang gối. Lúc nó có áo khoác denim, lúc thì Áo blazer độn vai. Thời trang Lê Na không lố mà trông cá tính, sắc sảo. Nếu nhìn từ xa, thì thấy nó giống hệt diễn viên Hồng Kông chứ không giống gái Việt Nam. Lâu lâu có xe hơi tới đón nó về, đám nam sinh đồn đó là bạn trai nó.
Tính Lê Na rất ít nói, dù nó thuộc câu lạc bộ báo chí của trường. Các đề tài nó hay viết là về các sinh viên xuất sắc vừa có giải thưởng gì đó, hoặc các phóng sự về lối sống điển hình của sinh viên. Nghe nói lúc viết bài, nó chỉ hỏi nhân vật rất ít câu rồi nó tùy hứng đi theo quan sát đối tượng. Thành ra các bài nó viết có nhiều chi tiết bất ngờ kiểu về thói quen ít người biết của nhân vật hay các nơi giải trí mà nhân vật hay ghé qua (tất nhiên là giải trí thì không phải lúc nào cũng lành mạnh). Có trường hợp nhân vật rất thích, trường hợp khác thì nhân vật kêu oan: "tao đâu có như vậy!" rồi vò đàu bứt tóc rủa thầm nó.
Các nam sinh thông thường vừa thấy nó đã ngại ngùng, liếc mắt đi chỗ khác, rồi len lén nhìn nó.
Khiết vỗ vai Lê Na:
- Tai nghe tuột dây kìa! Nãy giờ nhạc ồn lắm đó bà!
Lê Na giật mình, hiểu ra vấn đề, vội cắm dây tai nghe vào jack. Thư viện trả lại không gian yên tĩnh vốn có.
Khiết trở về chỗ mình, chưa viết thêm chữ nào thì Lê Na vỗ vai nó. Đưa cho hai cái bánh Quy lạt đường. Khiết mấy lần thấy Lê Na ăn bánh này và mời thằng Nhã cùng ăn.
Khiết cười đáp lại, tự nhiên cầm bánh bỏ miệng. Vị ngọt của đường làm Khiết hài lòng.
Lê Na thấp giọng hỏi
- Ông chưa đi hả? Sắp tới giờ trả lời phỏng vấn rồi!
Shit! Khiết xém quên béng vụ trưa nay đã nhận lời thầy Chiêm là sẽ gặp một phóng viên trong 1 tiếng để trả lời về "dự án Trí Tuệ Nhân Tạo". Là người từ báo Sài Gòn Giải Phóng.
Lê Na đứng dậy, bỏ hết sách vào túi, nói với Khiết.
- Tui đã xin thầy hôm nay ngồi nghe ông phỏng vấn!
--
Phòng tiếp khách của trường có một anh đang sốt ruột, chân và đùi rung rung theo nhịp. Đó là Anh Phóng Viên. Lý do là vì anh Phóng viên trẻ đã tới trễ 20 phút, mà Khiết nói rõ chỉ trả lời phỏng vấn đúng 1 tiếng, anh hỏi đủ hay không thì kệ anh. Anh Phóng viên bối rối vội vàng hỏi.
Lê Na ngồi ở góc phòng, chăm chú nghe và ghi chép.
Lê Na ghi chép như sau:
Phóng viên hỏi: "Nhờ cậu giải thích dễ hiểu về Máy tính noron, máy học!"
Khiết: "2 cái đó là phương thức để tạo ra Trí Tuệ Nhân Tạo. Anh muốn tìm hiểu tui đưa sách anh đọc nha!"
Phóng viên: "Cụ thể là nhóm thầy CHIÊM và các anh đang nghiên cứu gì?"
Khiết trả lời: "Chương trình chuẩn đoán bị thoái hóa xương của các công dân Úc. Tức là chúng tôi tạo ra các thuật toán sáng tạo, mô phỏng quá trình trí tuệ tự nhiên tự học, để khiến máy tính thông thường cũng tự quan sát được các dữ liệu, qua đó tự rút ra các quy luật ẩn chứa bên trong. Từ đó máy tính chỉ ra các bệnh án có khả năng bị rạn xương, loãng xương. Và đề nghị phương án phòng - chữa bệnh cụ thể. Ngoài ra còn chỉ ra những dự báo về ca bệnh xương sẽ xuất hiện trong tương lai. Riêng tôi còn đang nghiên cứu trí tuệ nhân tạo trong sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm tế bào học".
Phóng viên hỏi: "Cậu không phải bác sĩ lại là nam giới, sao chọn đề tài liên quan Y Khoa xa vời ngành học của mình vậy. Sao không thử mấy đề tài gần gũi nhu cầu xã hôi bây giờ, ví như: nhận dạng chữ viết hay cánh tay rô bốt chẳng hạn..."
Khiết trả lời: "Đề án đó đoạt giải nhì cuộc thi Tin Học Toàn Quốc năm ngoài do nhóm sinh viên ở Hà Nội thực hiện. Còn đề tài này của chúng tôi đoạt giải nhất, nên mới được Quỹ của Đại Học Úc tài trợ phát triển giai đoạn 2. AI (trí tuệ nhân tạo) ứng dụng cho Y Khoa không xa vời, là nhu cầu của toàn cầu đó!"
Phóng viên "Ồ" một tiếng, vẻ mặt dãn ra vì đã tìm ra mấu chốt bài phỏng vấn.
Có Tiếng gõ rồi cửa mở ra. Giọng nam sinh chào hỏi:
- Thưa anh, em là Hoài Vũ và Mộc Anh, ủy viên Đoàn trường Sư Phạm. Liên chi Đoàn Khoa Sử.
"Mộc Anh?".
Khiết ngước nhìn, đúng là cô nàng Mộc Anh đã đi xích lô Khiết và từng ý định đánh giá hiểu biết về Bao Cao Su của Khiết ở café Thanh Niên. Hôm nay Mộc Anh để tóc xõa và cài hai cái kẹp tóc ở bên trái đầu, trông xinh hơn cả hai lần trước.
Vẻ mặt Mộc Anh cũng thoáng ngạc nhiên khi thấy Khiết ngồi đây.
Anh Phóng viên (tên Tú Hà) giới thiệu 2 bên với nhau. Số là anh Phóng Viên đã sắp 2 lịch phỏng vấn tại phòng này, sau Khiết thì sẽ phỏng vấn về không khí chuẩn bị của sinh viên trường Sư Phạm trong chiến dịch xóa mù chữ mang tên "Ánh Sáng Văn Hóa Hè".
Bạn nam sinh tên Hoài Vũ có vẻ rất hoạt bát, liên tục nói về cảm xúc của bản thân và Mộc Anh khi đại diện sinh viên trả lời phỏng vấn.
Anh Phóng Viên Tú Hà hỏi Khiết.
- Nhân tiện nói về hoạt động tình nguyện. Em có trải nghiệm đáng nhớ nào?
Khiết liếc Mộc Anh nghĩ thầm: "đi tham vấn cách phòng chống Sida và quan hệ tình dục an toàn có được tính là trải nghiệm đáng nhớ?"
Khiết lấy hơi, ưỡn thẳng lưng:
- Em chưa tham gia hoạt động tình nguyện nào!
3 sinh viên đồng loạt "ồ" một tiếng, nhìn vào Khiết.
Khiết dùng ngón trỏ vuốt vuốt đầu mũi:
- Em cần tập trung nghiên cứu khoa học...
Khiết đảo mắt nhìn thấy 8 con mắt bọn họ vẫn đang chăm chăm nhìn mình, kiểu cần lời giải đáp.
- "Em nghĩ làm tình nguyện không phải là trách nhiệm hàng đầu của sinh viên. Sinh viên nên tập trung nghiên cứu giỏi, biết vừa học vừa làm kiếm tiền." - Khiết đáp tỉnh queo.
Hoài Vũ nhìn Khiết như kiểu Khiết kỳ khôi lắm. Nó lắc lắc đầu ra vẻ cần đề ba trước khi lên tiếng.
- Xin phép anh Tú Hà, anh Khiết. Cho mình ý kiến được không?
Khiết gật đầu.
Hoài Vũ đại loại nói là nó không đồng ý với quan điểm của Khiết. Đành rằng học tập hay nghiên cứu khoa học rất quan trọng, nhưng Sinh viên Việt Nam không nên xa rời tập thể và trách nhiệm với xã hội, Tổ Quốc vì chúng ta là sinh viên thời đại mới; là sinh viên của "con người Xã Hội Chủ Nghĩa". Con người Xã Hội Chủ Nghĩa là: con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Nước mình còn nghèo, rất nhiều công dân chưa biết chữ. Sinh viên là người trí thức, nên ít nhiều tham gia hoạt động tình nguyện để biết chia sẻ với khó khăn của đất nước, dấn thân để trưởng thành và cống hiến". Giúp những công dân mù chữ chạm được vào ánh sáng tri thức là góp phần giúp đất nước phát triển. Vì vậy hoạt động tình nguyện (cụ thể là Ánh sáng Văn Hóa Hè) rất quan trọng, không kém gì nghiên cứu khoa học. Và sinh viên nên 1 lần tham gia (Hoài Vũ nhấn mạnh).
Khiết nghĩ thầm: "Thằng Vũ lớp tao ngay việc nhờ gái tắt loa nhạc mà nó còn không dám làm. Còn mày cũng tên Vũ, chưa biết tao là ai – làm gì, đã khuyên tao nên làm cái này cái kia."
Lê Na lên tiếng:
- Mình đồng ý với quan điểm của Vũ.
Phản biện là một phần quan trọng trong nghiên cứu khoa học, Khiết nghĩ vậy, nên Khiết cũng đâu im lặng. Thế là 3 sinh viên biến 2 buổi phỏng vấn riêng biệt thành 01 buổi tranh biện về "Trách nhiệm sinh viên trước thềm thế kỷ 21". Khiết lẫn Hoài Vũ Nói tới mặt mũi đỏ ửng lên, giọng vẫn đều đều để giữ phép lịch sự. Mộc Anh lắng nghe là chính, lâu lâu góp vào 1 câu, cũng đồng tình với lý lẽ của Hoài Vũ. Lê Na thì lúc ủng hộ Hoài Vũ, lúc ủng hộ Khiết.
Anh Phóng Viên là mặt mũi hớn hở nhất, nghe đã lỗ tai rồi âm thầm nhấc máy bàn, gọi hai cú điện thoại.
Lát sau, tất tả mở cửa bước vào là hai đại diện lớn hơn của Đoàn trường Sư Phạm là Thành và Đoàn Trường Tổng Hợp là Nhã.
Nhã vừa vào là xông tới, vung tay vào đầu Khiết:
- Khiết, vừa vừa phải thôi thôi mày!
Khiết ôm đầu, lừ mắt:
- Mày đánh tao?
Nhã dí mặt vào gần mặt Khiết, thầm thì với kiểu nói rít trong cổ họng.
- Nể tao đi. Về nhà mày muốn gì tao chiều!
Thành của Đoàn Trường Sư Phạm cũng mắng mỏ Hoài Vũ mấy câu rồi quay ra xin lỗi anh Phóng Viên Tú Hà và Nhã. Đại khái ý là hai bên đều là các bạn sinh viên nhiệt huyết, giỏi giang nên cá tính mạnh, cãi cọ nãy giờ để hiểu về nhau hơn. Thành và Nhã đã tới đây thì tụi bây bắt tay làm hòa ngay và luôn chứ chờ chi.
Khiết và Hoài Vũ nghe theo.
Nhã choàng vai Thành.
- Từ hồi tháng 3 trường tớ đổi tên tới nay, mình chưa giao lưu gì thì phải!
- Đúng thế! - Giọng Thành chuẩn tiếng Hà Nội.
Trường Tổng Hợp phân khu của Khiết và Sư Phạm ở sát cạnh nhau, chung 1 cái cổng nhỏ gần căn tin Tổng Hợp. Sinh viên Sư Phạm hay qua Tổng Hợp để vô căn tin này. Trong sân Sư Phạm có khoản sân là sân thể thao của trường Tổng Hợp. Trong sân Tổng Hợp cũng có khoản sân tương tự thuộc về Sư Phạm. Kiểu trong âm có dương, trong dương có âm. Nên đoàn khoa hai trường rất thân nhau, có nhiều hoạt động giao lưu.
Theo Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nước nhà, Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh được chia tách thành Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; hai trường này là thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tháng 4/1996. Tên mới vẫn chưa được xài quen. Báo Hoa Học Trò đăng bài về SV 96 cũng viết tên trường Tổng Hợp.
Thành và Nhã nói nên có buổi đá bóng giao lưu giữa Liên chi Đoàn Khoa Sử và Liên Chi Đoàn Khoa Toán – Tin Học. Anh Phóng viên cũng được mời tới xem, nhưng anh từ chối vì đã đầy đủ nội dung để viết bài báo.
- Nhớ không Nhã! Hoài Vũ là chân tiền vệ ngon lành đội tao! – Thành tự hào chỉ Hoài Vũ.
Nhã gật gù khen Hoài Vũ, vì hắn cũng từng chơi bóng với Hoài Vũ.
Hoài Vũ nhìn Khiết.
- Ông có chơi không?
- Không! - Khiết đáp.
Vũ cười hề hề:
- Bộ vó ông nhìn biết liền, mọt sách chỉ thích thư viện, ra sân bóng chắc chạy không nổi 5 phút.
Lê Na phì cười. Mộc Anh thì che miệng, hình như nó cũng cười.
Khiết mặc kệ.
Đám Sư Phạm và phòng viên về hết rồi, Nhã quay qua Khiết lên giọng:
- Mày, hôm đó đá cho tao!
- Why? - Khiết trợn mắt.
- Thằng Sư Phạm nói mày mọt sách chạy không nổi, mày làm nó sáng mắt cho tao. Với lại trường mình mới đổi tên, có thằng học giỏi nhất như mày đá giao hữu thì thắng thua gì cũng gây ấn tượng.
Lê Na hùa theo.
- Đúng! Khiết tham gia, Na viết bài về trận này.
Nhã vỗ tay, cảm ơn Lê Na.
- Tao bận đi làm thêm! - Khiết than
- Thì nghỉ nửa buổi! – Nhã phán.
Tuần đầu tiên tháng 5 cũng là lúc trận giao hữu Sư Phạm và Tổng Hợp diễn ra.
Đội Sư Phạm có Thành là thủ môn, Hoài Vũ và mấy đứa đá giỏi Khoa Sử.
Tổng Hợp thì vô tuần thi cuối học kỳ nên nhân tài cho đội bóng kỳ này rơi rụng mấy mạng, chỉ có Nhã và Vũ Khoa Toán – Tin Học là sáng giá nhất.
Sinh viên nam nữ hai trường ngồi xem khá đông đảo.
Lê Na đi tới, đám nam sinh nhường ghế cho nó. Lê Na lôi ra máy ảnh và sổ tay.
Bên chỗ đám con gái Sư Phạm thì Mộc Anh cũng có mặt, tám chuyện sôi nổi.
Trận 1, Nhã và Vũ chạy cản bóng ráo riết mà vẫn bị vô 2 trái.
Hoài Vũ đúng là chân tiền đạo giỏi, không ngừng tìm cơ hội ghi điểm cho đội bóng; lúc nó dâng lên tấn công mạnh mẽ, lúc lùi về sâu hỗ trợ đồng đội.
Hết hiệp một một, Nhã nằm vật ra cỏ, xong vớt tay giật chai nước của Vũ, uống cạn.
Sang hiệp hai, Tổng Hợp bị vô thêm 2 trái nữa, bù lại Nhã kiến tạo được 1 trái.
Mọi người chắc mẩn là Sư Phạm thắng thì Khiết lót tót chạy tới.
Nhã réo:
- Khiết vô thay Vũ.
Thằng Vũ mừng húm chạy ra.
- Tới trễ mày!
- Tao nghỉ đi phụ hồ nửa buổi mất toi nửa ngày công.
- Nói thằng Nhã đền! – Vũ cười.
Đám sinh viên nữ trường Tổng Hợp kêu tên Khiết, ủng hộ nồng nhiệt.
Khiết cởi áo sơ mi, chỉ mặc áo Mai ô trắng và quần Jogger xám.
Hoài Vũ cười cười nháy mắt với Thành.
Hoài Vũ cố tình để mất bóng vào chân Nhã. Nhã chuyền cho Khiết.
Hoài Vũ khoái chí lao lên cản Khiết. Khiết xoay người né được, Khiết tăng tốc dắt bóng chạy lên. Hoài Vũ đuổi theo không kịp.
Chạy đến mé phải khung thành, Khiết lừa bóng để né chân giành bóng của Hoài Vũ, rồi xoay người đá mạnh bóng về phía trái Khung Thành. Khiết đá xong thì theo đà đi luôn, không cần biết phía trái khung thành là ai nhận bóng.
Là Nhã, nó nhận bóng rồi đá vào khung thành cái ọt. Đám sinh viên nữ nam hai đội ồ lên khen ngợi.
Hoài Vũ ngớ người vì bàn thắng này diễn ra nhanh quá.
Hoài Vũ càng hăng giành bóng với Khiết thì càng bị hụt. Khiết đá vào khung thành của Thành thêm 2 trái nữa. Tỷ số đều 4:4.
Đám nữ sinh ồ lên, trầm trồ khen ngợi Khiết.
Thành nói với Hoài Vũ:
- Nó là mọt sách hơi bị giỏi thể thao đó con!
Thành giơ ngón cái về phía Khiết. Khiết gật đầu nhận lời khen.
Nhà Khiết gốc nông dân, chuyên đẩy xe đạp vượt dốc để đưa trái cây ra chợ bán, Khiết tập chân sức bền từ nhỏ. Bóng đá là trò chơi thường xuyên của bọn con nít quê nên Khiết đâu lạ chi trò này. 3 năm lên Sài Gòn học đại học, Khiết không rảnh chơi banh bỏng hay sinh hoạt văn nghệ nào, nhưng nó làm đủ nghề tay chân nhất là đạp xích lô nên thể lực chỉ tăng không giảm. Mỗi tội Khiết mang gen giống cậu Lương anh ruột của mẹ, xương nhỏ, dáng gầy, sinh ra trắng như bông bưởi, lại thích đội nón. Nên nhìn Khiết mặc áo tay dài chỉ thấy anh giống kiểu thư sinh nước da vàng vọt xìu xìu ểnh ểnh. Lúc để lộ cánh tay, mới thấy cơ bắp Khiết chắc nịch.
Sáng nay, Khiết dậy sớm đi làm. Sáng và trưa chỉ mới uống nước cầm hơi, sau khi chạy mười mấy vòng sân bóng là bắt đầu hoa mắt.
Khiết nhìn nhầm Nhã đang dẫn bóng thành là đối thủ, áp sát nó. Nhã lỡ nhịp đá vào tay Khiết cái rõ đau.
Khiết té ra sân.
- Sao vậy mày? – Nhã lo lắng
- Tao đói!
Còi vang lên. Hai đội phải vào hiệp phụ để phân thắng bại.
Nhã lia mắt lên chỗ cổ động viên thấy Lê Na
- Na, còn bánh không? – Nhã hỏi to.
Lê Na lật đật lấy ra hai cái bánh quy lạt đường. Nhã cầm tới đưa Khiết.
Khiết lồm cồm ngồi dậy, mặt nhăn vì tay trái đau.
Khiết ăn xong 2 cái bành thì Nhã dẫn bóng, la inh ỏi "Khiết Khiết!"
Khiết chạy sang phải nó nhận bóng, lách qua Hoài Vũ và 2 thằng hậu vệ Sư Phạm. Thành lao ra ôm banh nhưng bị hụt với Khiết. Khiết ung dung tung sút lưới.
Đám cổ động viên ồ lên, vỗ tay. Cứ thế hiệp phụ kết thúc và phần thắng cho Tổng Hợp.
Hoài Vũ nể tài bóng của Khiết, vỗ vai Khiết.
Bụng Khiết kêu ọt ọt, Khiết mắc cỡ, cười tít mắt.
- Ê, còn gì ăn không? – Hoài Vũ nhìn đám con gái hỏi to.
Khiết đi về phía ghế đá. Lê Na và Mộc Anh như cùng một lúc đi tới, giơ tay ra trước mặt Khiết. Lê Na đưa nguyên vỉ bánh Quy Lạt Đường, Mộc Anh đưa nguyên cái bánh giò.
- Cảm ơn! - Khiết đáp, tiếp tục cười tít mắt,
Khiết tay phải nhận vỉ bánh. Chẳng lẽ lại từ chối Mộc Anh, Khiết giơ tay trái lên, nén đau để nhận cái bánh giò.
Khiết ngồi xuống ghế đá. Hai cô gái cũng ngồi xuống cùng lúc, đứa bên trái, đứa bên phải.
- Để em lột vỏ cho! Mộc Anh lấy lại bánh giò, từ tốn gỡ dây và lớp vỏ lá màu xanh.
- Ông uống nước? – Lê Na đưa chai nước của nó cho Khiết.
Khiết nhìn sang trái cách nó cỡ 10 mét là thằng Nhã đang cầm chai nước uống ừng ực rồi đứng tám chuyện với đám Thành, Hoài Vũ và thằng Vũ. Tụi nó nói về mấy cú bóng, khen chê nhau tưng bừng.
Khiết cầm chai nước của Lê Na mà uống. Tự nhiên Khiết thèm qua bên chỗ Nhã. Bên đó vui biết bao! Bên này Khiết thấy mình như phế thương binh, ngồi kẹp bởi y tá, cô bón nước, cô thì bón thức ăn.
HẾT CHƯƠNG 2.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top