6. Tâm tư của mỗi người


Phong Châu nằm chếch về phía Tây Bắc so với Kinh Thành Thăng Long, trước đây nơi này là vùng đất mà sứ quân Kiều Công Hãn chiếm đóng.

Dựa vào địa hình thì có hai con đường thuận lợi nhất để đi từ Thăng Long đến Phong Châu, một là đường bộ bắc qua vùng đất Sơn Tây và thứ hai chính là đường thủy. Dọc con sông Hồng, chèo thuyền ngược mái đến ngã ba sông Bạch Hạc, gặp phụ lưu tả ngạn sông Hồng – sông Lô, ấy chính là đất Phong Châu.

Cũng chính vì địa hình thuận lợi nên Phong Châu là một vùng đất được triều đình chú ý. Hoàng Đế ở ngôi chưa lâu, giặc cỏ ở các vùng thường nổi lên đoạt quyền, thế nhưng do căn cơ không vững, thế giặc yếu kém nên không trụ được bao lâu thì bị đánh dẹp.

Ấy thế mà bọn phản loạn chẳng lấy làm sợ, chúng thi nhau dàn quân đóng trại mặc cho tin tức chém đầu các thủ lĩnh ngày một nhiều hơn.

.............

Đêm tối ở một ngôi nhà tranh ven sông Lô – Phong Châu truyền đến những tiếng xì xào to nhỏ. Bên trong ngôi nhà có khoảng mươi người tập hợp lại cùng nhau nói chuyện, tiếng người nạt nộ tạo thành những âm thanh hỗn loạn. Nghe nói ven sông là nơi ma quỷ hội họp, lũ trẻ chăn trâu về tối thường thấy những đốm lửa ma trơi thoắt ẩn thoắt hiện và đôi lúc nghe được cả tiếng rú rợn người. Cứ thế một đồn mười, mười đồn trăm, lâu dần chẳng còn ai dám bén mảng đến nơi này nữa.

Ngọn lửa bập bùng làm rõ hơn gương mặt của những tên cướp, chúng thi nhau cười nói về những câu chuyện ma do chính mình đồn đại. Sau một hồi, tên thủ lĩnh hắng một tiếng, cả bọn người yên lặng.

"Khương Việt, chuyện này rất hệ trọng, ngươi không thể nói bừa"

Khương Việt ném nhánh cây đang cầm trên tay vào đống lửa, ngắm tàn than nóng rực đang nổ tí tách, vỡ tan trong cái yên lặng của ngôi nhà. Anh ngước nhìn tên thủ lĩnh, không tìm thấy được bất cứ sự lo lắng nào, chỉ thấy ý cười và cả sự mong đợi. Đó là biểu hiện rõ ràng nhất khi người ta vừa tưởng tượng ra một viễn cảnh kì diệu nào đó trong tương lai. Thứ mà Khương Việt vẽ ra trước mắt thủ lĩnh bọn cướp – Ngô Đạo quả là một bản kế hoạch tuyệt vời, là điều mà theo bọn cướp cho rằng người thường chẳng bao giờ có thể nghĩ ra được.

Đạo đứng trước lợi ích to lớn trước mắt, hắn quyết định đánh cược một phen, mang cả tiền tài và nhân lực của mình để đổi lấy quyền lực – thứ mà cả đời này hắn thèm muốn.

Thích thú là vậy nhưng Ngô Đạo vẫn muốn nghe thêm lời đảm bảo của Khương Việt. Thế nhưng đợi mãi không nghe được một câu từ miệng anh, Đạo lại nói

"Trước đây không phải ta chưa từng nghe thấy chuyện các thủ lĩnh nổi lên đoạt quyền, song ngẫm lại thì không mấy kẻ làm lên nghiệp lớn. Chưa kể Phong Châu và Thăng Long là nơi gần nhau, trong lòng ta vẫn có chút lo lắng, chỉ e chưa kịp lập quân thì tin tức đã truyền đến Kinh thành."

Nói rồi hắn thở dài, vỗ vào bả vai Khương Việt

"Lúc trước nghe chuyện Hà Án Tuấn bị bêu đầu ở chợ Đông(1) cũng chỉ biết cảm khái hắn đen đủi, không có mệnh lớn nên phải chịu kết cục thảm hại. Nay thì..."

Khương Việt không mảy may quan tâm đến sự biến đổi trong lời kể của Ngô Đạo. Cái gọi là thương cảm mà hắn nói chẳng qua cũng chỉ là câu nói vô tình. Phản tặc kết giao với người Man(2) như Hà Án Tuấn chết ngàn lần cũng không hết tội. Ngô Đạo thời điểm ấy cũng chỉ là kẻ ăn bờ ngủ bụi, nghe chuyện của khách vãng lai, hắn đâu biết đến nỗi oán hận của người dân bị bắt theo giặc, nỗi oan ngàn đời rửa không sạch của thiếu niên trai tráng ở tứ châu (3) bấy giờ.

"Hà Án Tuấn dùng người không đúng thời điểm, ngươi với hắn không giống nhau. Tạm thời chuyện này ngươi cứ chuẩn bị theo lời ta nói khi nãy, nếu sau này có vấn đề thì mọi việc đều sẽ nghe ngươi quyết định. Vài ngày nữa ta sẽ đến Kinh Thành thăm dò chút thông tin, tiếp đó ta cứ dùng thư truyền tin đi."

Ngô Đạo nghe vậy thì gật gù tỏ ý chấp thuận, đợi đến khi Khương Việt rời khỏi căn nhà tranh, hắn cầm bát rượu uống một hơi rồi cười khanh khách. Rượu nuốt xuống cổ hỏng làm nóng cơ thể, hắn khoái trá vỗ vào người một anh em ngồi bên cạnh. Đồng bọn thấy tâm trạng hắn tốt lên cũng ầm ĩ thêm một phen, cả lũ người chẳng khác nào bầy vịt thi nhau kêu quàng quạc, mặc kệ tiếng nói của mình có thể đánh động người dân xung quanh.

-----

Trời còn chưa tỏ, căn phòng phía điện phụ của cung Long Đức đã sáng đèn, ánh sáng nhỏ len lỏi qua từng ô cửa. Lan Quỳnh trằn trọc đến gần sáng cũng không ngủ được, gối đầu thêm một khoảng thời gian, cô thức giấc. Những thông tin về Phong Châu do Tự Dương cung cấp khá chi tiết nhưng chung quy cũng chỉ được miêu tả một phần, có một số nơi cô muốn tự mình đến xem. Thật ra quy mô trận đánh này không lớn, chỉ tập trung vào giải quyết lũ ô hợp tự nổi dậy xưng tướng. Mà quân nổi loạn đa phần là bọn cướp vặt và đào phạm, không được huấn luyện kĩ càng, giải quyết được thủ lĩnh thì mọi chuyện cũng coi như hoàn thành. Lịch sử sẽ không thay đổi, có những chuyện cô chỉ có thể thêm vào chất xúc tác, tạo cảm giác mình "hữu dụng" dưới thân phận là bề tôi trung thành. Ngoài việc này ra, làm gì cũng vô dụng, cũng không có sự khác biệt nào cả.

Về cơ bản mà nói một người được sinh ra ở thời hiện đại như Lan Quỳnh ít nhiều cũng có sự bài xích hay chống đối việc phải sống theo ý người khác. Khác biệt tư tưởng cùng xã hội của những con người cách nhau hơn một ngàn năm là sự khác biệt khiến cô cảm thấy e dè và khó chịu. Nhưng may thay, con người là loài giỏi thích nghi với hoàn cảnh, miễn có thể sống được cho đến khi trở về, việc gì cô cũng có thể thử.

Ngó ra ngoài cửa sổ, trời chỉ mới tờ mờ sớm, khi kẻ hầu trong phủ lục đục chuẩn bị đồ cho ngày mới, Lan Quỳnh cũng chỉnh lại trang phục rồi tự mình đến trước cửa gian phòng ngày hôm trước. Không bao lâu sau thư đồng của Lý Phật Mã ôm đồ tới, hắn loay hoay mở cửa, cũng nói với Lan Quỳnh.

"Một lát nữa Thái tử sẽ đến, cô vào bên trong đợi trước đi"

Thư đồng sắp xếp vật dụng trong căn phòng bằng thứ ánh sáng nhỏ nhoi chiếu qua khe hở phía trên khung cửa sổ lớn còn đang đóng chặt. Xong xuôi, hắn đi về phía cửa sổ, mở ra, tất cả ánh sáng ngày mới hắt vào, bấy giờ mọi thứ mới trở lên rõ ràng hơn. Lan Quỳnh nửa ngồi nửa quỳ trên đất, đặt giấy lên chiếc bàn thấp quen thuộc.

Nửa giờ sau Thái Tử đến, có vẻ tối hôm qua ngài ngủ ngon, gương mặt tươi tỉnh lạ thường, đợi đến khi người yên vị cô mới nói chuyện

"Thưa, nghe nói Tự Dương sẽ về Phong Châu một khoảng thời gian cho đến trước năm mới. Không biết Điện hạ có thể để tôi đi theo hay không? Có một vài điểm tôi muốn sửa đổi trên địa đồ."

Lý Phật Mã nghĩ một hồi, nói

"Chuyện này ta có thể cân nhắc, có điều phải sắp xếp mọi chuyện ổn thỏa ta mới an tâm để các ngươi đi.....Từ mai ngươi hãy theo Tự Dương học cưỡi ngựa, ngoài thời gian ấy ra thì đến phủ Hữu Minh học chữ, ta sẽ cho người dạy. Nếu ngươi có thể thuận lợi học tốt thì ta sẽ cho phép ngươi theo hắn tới Phong Châu."

Những điều kiện phía trên đều rất khó để đạt được trong thời gian ngắn, song nếu chăm chỉ học được dù chỉ là một chút thì có lẽ Thái tử vẫn miễn cưỡng chấp thuận. Đạt được mục đích, Lan Quỳnh cũng không ở lại làm phiền Lý Phật Mã, cô xin phép trở về phòng, nhưng mới bước được hai bước lại bị Lý Phật Mã gọi lại. Ngài chắp tay ở phía sau, kiên định nói

"Thôi vậy, để ngươi ở lại đây cũng không thuận tiện, ngươi đi chuẩn bị đồ đạc, lát nữa người trong phủ Hữu Minh sẽ đến đón."

Lan Quỳnh nghe vậy, cả người trở lên cứng ngắc, gương mặt vốn hồng hào bắt đầu tái đi. Vốn dĩ ban đầu cô đã bị giam lỏng ở nhà Hữu Minh bốn, năm ngày mãi mới có thể lén trốn đi. Tính toán mấy tháng trời chỉ để tiếp cận một người, hiện giờ chưa ở được mấy ngày đã bị đánh quay trở về điểm xuất phát.

Hai năm, năm năm, mười năm, hay cả đời,... không ai có thể biết chắc được khoảng thời gian để cô tìm ra được nút thắt của vấn đề. Nhớ đến bức họa cổ vật hiện lên trong lòng đang treo lơ lửng trên đầu mình như án chung thân, vành mắt Lan Quỳnh lại phiếm hồng. Cô nghiến răng mắng thầm, trăm tính ngàn tính không bằng một câu nói của người ta.

Không nén được cảm giác thất vọng, Lan Quỳnh vội vã quỳ xuống, bàn tay cô bối rối tìm kiếm bức tranh mà bản thân đã vẽ tỉ mỉ ngay từ khi bắt đầu học cách sống ở Đại Cồ Việt, định bụng sẽ bẩm rõ đầu đuôi việc tìm kiếm báu vật cổ. Nhưng mới mở được một nửa, cô bỗng nhiên dừng tay lại, đoạn lại khẽ ngước lên, thấy ánh mắt Lý Phật Mã đang chăm chú nhìn xuống, cô giật mình. Lan Quỳnh tự thuyết phục bản thân rằng Lý Phật Mã có lí do của riêng ngài. Hơn nữa trong chuyến đi về kinh lần này, Hữu Minh cũng đề cập tới việc trước đó định đưa cô đi gặp một người,

Nghĩ đến đây, Lan Quỳnh không còn xúc động nữa, cô nhét bức tranh chưa kịp mở vào giữa các cuộn giấy khác, lần nữa chắp tay vâng lệnh của Lý Phật Mã rồi xin lui. Thái tử nhìn theo mãi đến khi cô khuất bóng mới ngồi vào bàn viết một lá thư, bút vừa điểm, ngài cũng cảm thán

"Cuối cùng vẫn không dám nói ra."




(1) Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương đi đánh các châu Đô Kim, Vị Long, Thường Tân, Bình Nguyên, bắt được thủ lĩnh là Hà Án Tuấn đem về kinh sư chém đầu bêu ở chợ Đông.

(2) người Man chỉ người Nam Chiếu.

(3): Tứ châu tức châu Đô Kim (Hàm Yên, Tuyên Quang ngày nay), Vị Long(Chiêm Hóa, Tuyên Quang ngày nay), Thường Tân(chưa rõ trong khoảng huyện nào của tỉnh Hà Tuyên ngày nay) , Bình Nguyên (gồm các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, tình Hà Tuyên ngày nay).

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top