2. Từ biệt
"Thành Đại La ở giữa khu vực trời đất, có thế rồng cuộn hổ ngồi, ở giữa nam bắc đông tây, tiện hình thế núi sông sau trước, đất rộng mà bằng phẳng, vật rất thịnh mà phồn vinh, xem khắp nước Việt, chỗ ấy là hơn cả. Thật là chỗ hội tụ của bốn phương, là nơi thượng đô của kinh sư muôn đời..." (1)
[Thuận Thiên] năm thứ mười bốn (1023), sau khi vua Lý lên ngôi , cuộc sống của dân chúng đã dần ổn định trở lại. Thăng Long là nơi Vua quan ở, những vật dụng cần thiết và đắt đỏ đều được ưu tiên mua bán và trao đổi tại đây, sau đó phân tỏa ra khắp các khu vực lân cận. Thương nhân dưới sự giám sát của binh lính thường lui đến tấp nập, hàng quán hai bên đường nhiều vô kể.
Lan Quỳnh ở lại Kinh thành áng chừng cũng đã được một tuần, đối mặt với Thăng Long của cả ngàn năm về trước, cô không biết nên bắt đầu thăm thú từ đâu. Phim ảnh không thể tái hiện lại toàn bộ đời sống của người dân, sách sử cũng chỉ chép lại những điều quan trọng. Giá như những gì cô thấy có thể trở thành một phần tư liệu thì hay biết mấy.
Vốn định nhờ Văn Thịnh đưa cô đi xem cảnh vật nơi đây, song dường như cậu lúc nào cũng bận rộn, chỉ dành chút thời gian rảnh rỗi để đem đến cho cô vài thứ, khi thì là đồ ăn, cũng có lúc là dăm ba bộ quần áo, hai nữ một nam.
Lan Quỳnh cũng đã thử qua những bộ đồ mà Văn Thịnh đem đến. Chúng khá đẹp, có rất nhiều lớp vải và không khác nhiều so với tưởng tượng của cô, đa số đều được chọn may theo kiểu cách thịnh hành của các tiểu thư ở Kinh thành.
Văn Thịnh không đơn giản chỉ là lính của Thái Tử, điều này cô biết. Những bộ đồ mà cậu đem đến và cả thứ mà cậu đang mặc trên người, khí chất cùng phong thái đều cho thấy cậu mang thân phận không hề tầm thường. Cũng chính vì lẽ đó mà cô cố gắng tiếp xúc nhiều hơn với Văn Thịnh, để dò hỏi về những điều liên quan đến bảo vật.
Thế nhưng Lan Quỳnh chỉ nhận lại được sự né tránh, biểu hiện ấy khác xa so với khi hai người mới gặp nhau. Dường như cậu ta đang suy tính một điều gì đó liên quan trực tiếp đến cô. Lòng Lan Quỳnh rối như tơ vò, ở lại nơi đây chẳng khác nào bị giam lỏng.
Văn Thịnh lại đến, cậu ta đưa thêm cho cô hai bộ đồ mới, lần này trang phục có hoa văn tinh xảo hơn lần trước.
Lan Quỳnh nhìn Văn Thịnh, nghiêm túc nói
"Tôi không phải mật thám, tôi cũng không có mưu đồ gì với Đại Cồ Việt"
"Cô không cần phải chứng minh với tôi."
Lan Quỳnh lắc đầu, nói: "Anh không tin tưởng tôi."
Cô cũng không hiểu tại sao mình lại muốn một người chẳng hề quen biết đem lòng tin tưởng. Nếu đổi lại, có lẽ cô cũng chẳng thể tin tưởng một người mình tình cờ gặp, một người không có gốc gác. Hiểu được điều này, những ngày sau đấy Lan Quỳnh lại càng yên tĩnh, cô không hỏi han về ai hay bất cứ điều gì.
Ở thời cổ đại, ngày dường như dài hơn rất nhiều, bởi vậy Lan Quỳnh phải tự tìm vài thứ để làm, để tránh đi những suy nghĩ không vui. Có đôi lúc cô tự trò chuyện một mình – điều mà trước giờ cô chưa hề nghĩ đến, hay cũng có khi là xin mực giấy để vẽ lại phong cảnh Đại Cồ Việt cùng Kinh Thành phồn hoa tấp nập.
Trong ngần ấy thời gian, Lan Quỳnh cũng biết hết thảy những điều mà Văn Thịnh làm, chẳng hạn như cô hầu trong phủ thi thoảng xuất hiện lén lút ghi nhớ lại những việc cô làm hay cả việc tên gác cổng mà Văn Thịnh nói được bố trí để đảm bảo an toàn cho cô thường trao đổi điều gì đó với một người lạ mặt.
Giả như cô thật sự là mật thám thì cũng có thể uy hiếp đến ai? Một kẻ đi nửa ngày đường chân đã rộp lên đau nhức thì có thể ngược xuôi Nam Bắc mà dò tìm thông tin được hay sao?
Đại Cồ Việt núi non hữu tình, phong cảnh hoang sơ vô cùng đẹp mắt thế nhưng cũng không phải thời đại của cô.
Nếu ngày ấy Lan Quỳnh không mô phỏng lại bức họa thì liệu rằng cô có gặp phải những chuyện như hiện tại hay không? Việc cô xuyên về triều Lý cũng đảm bảo đến khoảng tám mươi phần trăm bảo vật có nguồn gốc từ đây.
Biết rằng vật này vô cùng quan trọng với quốc gia, cho dù là ở thời điểm hiện tại hay một ngàn năm sau, Lan Quỳnh vẫn không kiềm được nỗi buồn cùng sự hoảng loạn. Dẫu sao nơi đây cũng là thời cổ đại, việc sống cho tốt đã là điều khó khăn chứ đừng nói đến chuyện còn mang trên vai một mối bận tâm khác.
Huống chi hiện tại Lan Quỳnh còn không có cả sự tự do.
Trầm ngâm một hồi, cô quay trở lại gian nhà phía trong - nơi nghỉ ngơi hàng ngày để sắp xếp lại tư trang. Tối hôm ấy cô ăn nhiều hơn, cũng đi nghỉ sớm hơn, những thay đổi này không khiến người hầu cảnh giác bởi lẽ trong suốt thời gian này Lan Quỳnh luôn thể hiện mình là một người hoạt động không theo lẽ thường.
Gà vừa gáy tiếng đầu tiên, trời cũng vừa sang canh năm (2). Những con hẻm nhỏ thông nhau le lói chút ánh sáng từ ngọn đuốc nhỏ trên tay người đi tuần. Mấy kẻ ăn mày rệu rã đi lại khắp thành, thi thoảng bọn chúng lục tung những đống rác để tìm thêm cái ăn.
Trong số đó có một kẻ tóc tai bù xù, quần áo bẩn thỉu dính đầy bùn đất, một tay cầm gậy, trên chiếc gậy có treo một miếng vải viết những chữ lạ hoắc, tách biệt hẳn so với những kẻ còn lại. Cùng một bộ dạng, nhưng tên này lại đem đến cho người ta cảm giác đường hoàng hơn hẳn.
Cổng thành thường mở sau thời điểm này khoảng nửa canh giờ, đối với người thường thì hãy còn sớm lắm nhưng đối với bọn lính thì khác, chúng mong được mở cổng để đá những tên cùng đường này ra khỏi nơi đây.
Một lên lính chống hai tay vào hông, cao giọng nói
"Thấy ở đây không dễ kiếm ăn nên chạy sang chỗ khác, phải không? Muốn lừa bạc của các quan đâu phải dễ".
Đó không phải là một tên ăn mày, hắn trông như thầy bói. Thấy bọn lính cười nhạo mình, hắn đứng một hồi, không biết trong lòng nghĩ gì nhưng rồi cũng cúi gằm mặt quay người đi mất.
Mờ sáng, tại ngõ phía Đông của Kinh Thành, tên gác cổng hốt hoảng chạy đi tìm chủ như có việc hệ trọng cần bẩm báo. Nửa canh giờ sau trống tan canh , một vài tên gia đinh lùng sục khắp thành, ấy vậy mà người dân cũng không có vẻ gì là hoảng loạn. Vốn những chuyện như vậy chẳng hề hiếm bởi trước đây đã từng có nhiều ả hầu tìm cách trốn đi nhưng rồi lại bị bắt về.
Khác những lần trước, gia đinh của nhà này rất nhẹ nhàng, chúng lặng lẽ hỏi han những người dân đang buôn bán, một số khác thì theo vào từng nhà để tìm kiếm. Bức chân dung được vẽ vội cứ liên tục gấp mở, ấy thế mà chẳng tìm được người trong tranh.
Văn Thịnh bồn chồn đi lại trong phủ, chốc chốc lại ngóng tin tức từ bọn gia đinh. Từ phía sau, một người đàn ông trạc tuổi ngũ tuần đặt tay lên vai cậu mà trấn an.
Văn Thịnh xoay người ngước nhìn ông
"Nếu Lan Quỳnh thực sự có vấn đề thì con có tội với Thái Tử nhưng... nếu nàng ta thật sự vô tội thì con đã làm việc dư thừa rồi. Đáng lẽ con nên đưa nàng đến gặp người sớm hơn".
Ông thở dài: "Hữu Minh, chuyện này không thể tự trách mình. Nếu nàng là người tốt, ắt có quý nhân phù trợ. Còn nếu là người tâm tư không trong sạch thì tự khắc sẽ có người thay chúng ta trừng trị".
Văn Thịnh là tên được đặt sau khi Hữu Minh trở thành thân tín của Thái Tử. Cậu ta nói rằng dùng một cái tên khác sẽ tránh được nhiều phiền phức khi đi phụng mệnh làm việc ở nơi xa. Người đặt cho Hữu Minh cái tên này cũng chính là người đang nói chuyện với cậu – Đào Khiêm.
Thấy Hữu Minh còn nhiều vướng mắc, Đào Khiêm cười
"Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ
Vô duyên đối diện bất tương phùng"
"Rồi sẽ gặp lại mà thôi".
(1) Trích Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ
(2) Canh năm: từ 3h sáng - 5h sáng. Ba giờ sáng bắt đầu đánh năm hồi trống báo hiệu canh năm. Tới năm giờ đánh một hồi trống dài, gọi là trống "tan canh"
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top