Chương 3: Trở về nhà
Trong hà bao có hai nén bạc, một lá vàng mỏng và một miếng ngọc được khắc thành hình hoa đào, nét khắc vô cùng tinh xảo, ngay đến nhụy hoa cũng sống động như thật. Mảnh ngọc chỉ nhỏ bằng hai đầu ngón tay, lại là bạch ngọc thượng hạng, từng cánh hoa trắng muốt sáng bóng như mỡ dê, đẹp đẽ vô cùng, giá trị tuyệt đối không nhỏ.
Đời trước Doãn Hân ưa thích làm đẹp, trang sức quần áo đếm không xuể, nữ trang bằng ngọc cũng nhiều vô số nhưng tất cả số đó cộng lại cũng không thể giá trị bằng một bông hoa đào nho nhỏ này được.
Tuy không hiểu một nam nhân nhìn qua lạnh lùng nghiêm cần như Chương Vương lại mang theo miếng ngọc nữ tính thế này làm gì nhưng xem chừng đối với hắn cũng không phải vật quan trọng gì, bằng không sao có thể tùy tiện liền vứt cho nàng như vậy.
Có điều Doãn Hân cũng không có ý định bán nó. Người xưa nói người dưỡng ngọc, ngọc dưỡng người, Doãn Hân thầm nghĩ hiện tại bản thân không quá thiếu tiền, miếng ngọc đẹp thế này trở về làm thành vòng cổ đeo cũng không tệ.
Miếng vàng tỉ lệ vô cùng tốt (đồ của hoàng gia có thể không tốt được sao), nàng đổi được 120 lượng bạc. Thời đại này 2 văn tiền mua được 1 cái bánh bao thịt, 1000 văn tiền là 1 lượng bạc, 100 lượng bạc là 1 lượng vàng. Gia đình nông dân 4 miệng ăn bình thường một năm chi tiêu nhiều nhất cũng chỉ hết 4 lượng bạc, hiện tại Doãn Hân có 210 lượng bạc, nàng mua hai bộ quần áo, thuê xe ngựa hết 10 lượng bạc, ăn uống ngủ nghỉ trên đường tiết kiệm cũng hết 15 lượng bạc. Vậy là về đến nhà ít nhất cũng còn 180 lượng bạc, vừa cho gia đình nguyên chủ Doãn Hân trải qua cuộc sống áo cơm không lo vừa chậm rãi khởi động việc buôn bán đều dư dả.
Đương nhiên, với điều kiện gia đình nguyên chủ là người lương thiện, nếu họ có bất kỳ ý định dựa dẫm vào nàng hỗn ăn chờ chết nào thì xin lỗi, dù là chiếm thân xác của người ta nàng cũng không có trách nhiệm phải nuôi sống gia đình người ta. Dù trong trí nhớ xa xôi của nguyên chủ Doãn Hân, cha mẹ đều là người hiền lành hiểu lý lẽ, cha Doãn là thợ mộc, tay nghề khá tốt, mẹ Doãn là con nhà nghèo, cha chỉ thi đậu học trò nhỏ, phấn đấu cả đời cũng không thi được tú tài nhưng từ bé đã được cha dạy chữ, cũng là người hiểu biết. Nguyên chủ học chữ đều do một tay mẹ Doãn dạy dỗ, nhưng vì tuổi nhỏ nên mới chỉ dừng lại ở nhận được mặt chữ và viết được tên mình thôi, hoàn toàn không có những thứ thi từ ca phú hay tri thức lễ nghĩa gì đáng nói.
Bản thân nàng có một muội muội nhỏ hơn 3 tuổi, lúc Doãn Hân rời nhà muội muội nàng mới chỉ là một cô bé 4 tuổi gầy teo, cứ nắm lấy góc áo Doãn Hân khóc không cho nàng đi, mẹ Doãn đau lòng ôm con rơi lệ, cha Doãn cũng đỏ mắt tự trách bản thân vô dụng. Có thể thấy được, gia đình này hoàn toàn không có bởi vì sinh được hai cô con gái mà ghét bỏ các nàng, phải biết rằng ở Đại Hướng việc các gia đình nghèo khó sinh ra con gái liền bóp chết hoặc dìm chết là việc bình thường.
Đúng vậy, cả nhà ăn còn không đủ no, lấy đâu ra tiền của để nuôi nấng một "món hàng bồi tiền", nuôi lớn rồi còn phải bỏ tiền cho chúng gả chồng, ai sẽ nguyện ý? Vậy nên lý lẽ giết người đền mạng gì đó vốn không thể dùng được cho những trường hợp thế này. Phép vua thua lệ làng, quan viên các vùng cũng không thể làm gì được.
Tuy việc này dẫn đến sự mất cân bằng giới tính trầm trọng khiến nhiều nam nhân không lấy được vợ, đặc biệt là với những gia đình nghèo, thậm chí ở những thôn nhỏ nằm sâu trong núi anh em trong nhà chung nhau lấy một vợ cũng là chuyện thường, "giá" của các cô nương cũng cao hơn rất nhiều. Dù vậy "giết nữ" vẫn là một tập tục bất thành văn còn tồn tại ở nhiều nơi.
Quê nhà Doãn Hân là một thôn nhỏ nghèo khó ở một góc quận Hà Nam có tên thôn Hà Khẩu, dân phong thuần phác, khung cảnh không tính là xinh đẹp nhưng cũng có núi có sông, đất đai không trù phú nhưng con người rất chăm chỉ, tuyệt đối xứng danh một vùng quê nghèo bình đạm.
Nguyên chủ rời nhà đã 16 năm, rất nhiều chuyện đều đã thay đổi, ví dụ như trấn Hà Hoa trong ký ức của Doãn Hân nay càng thêm đông đúc, quán xá san sát, người qua lại khá nhiều. Từ đây về đến thôn Hà Khẩu còn cần đi thêm khoảng 1 tiếng ngồi xe trâu, đi bằng xe ngựa thì chỉ mất khoảng 20 phút nhưng Doãn Hân vẫn quyết định nghỉ lại một đêm ở trong trấn, ngày mai sẽ hỏi thăm chút thông tin về thôn Hà Khẩu rồi tính sau.
Hôm sau vừa hay là họp chợ, người qua lại so với hôm qua càng nhiều, đủ mọi sạp hàng bày bán ven đường, từ nhỏ như cây cải củ đến lớn như đồ gia dụng đều có người bày bán. Doãn Hân lần đầu tiên biết đến sự nhộn nhịp của một thôn trấn cổ đại, tuyệt đối có thể sánh ngang với một khu chợ lớn của hiện đại, không thiếu thứ gì.
Nàng hỏi thăm vài người về thôn Hà Khẩu, có người nói tốt có người nói không tốt, nhưng đều có một điểm chung là nghèo.
Đúng vậy, ở đây là trấn lớn nhất, là trung tâm buôn bán trao đổi của cả bốn năm thôn lân cận, người bước vào đây, quần áo rách rưới nhất chính là đến từ thôn Hà Khẩu.
Doãn Hân tỏ vẻ thấu hiểu, Đại Hướng vốn dĩ khí hậu không tốt lắm, hè quá nóng, đông quá lạnh, quận Hà Nam lại cách xa kinh đô, giao thông đi lại khó khăn, kinh thương không phát triển. Hà Khẩu tuy trước có sông sau có núi nhưng thổ nhưỡng không tốt, trồng trọt khó khăn, cuộc sống của người dân không giàu có cũng là chuyện thường.
Dù sao Doãn Hân cũng không tính dựa vào trồng trọt để dưỡng gia làm giàu, đất đai không tốt cũng không ảnh hưởng nhiều lắm.
Hiểu qua hoàn cảnh của thôn Hà Khẩu rồi, Doãn Hân cũng có chủ ý, lập tức mua chút đồ chuẩn bị tan chợ sẽ ngồi xe kéo về thôn. Nói đến mua đồ đương nhiên là mua những thứ ăn được mặc được là thiết thực nhất, nhưng nàng cũng không muốn vừa trở về đã khiến người khác ghé mắt nên chỉ mua 2 cân thịt nạc, 1 cân thịt mỡ, 1 chai tương, 2 cân muối (gia vị ở cổ đại thực sự quá ít, ngoài tương và muối ra hoàn toàn không có gì khác), thêm 2 bình rượu cho cha Doãn và ông nội, vài túi điểm tâm cho đệ muội (nhiều năm như vậy, cha mẹ Doãn sao có thể chỉ sinh hai người con gái được, đúng không?). Vải vóc gì đó có lẽ để lần sau, nguyên chỗ này đã đủ để Doãn Hân phải xách rất vất vả rồi. Thân thể này không tính là yếu ớt nhưng nhiều năm ăn uống không đủ dinh dưỡng lại lao động khổ sai, không chỉ có thân thể phát dục không tốt, sức lực cũng không có mấy.
Vừa nghe Doãn Hân là con gái Doãn Đại Lương, Chu thúc người có chiếc xe trâu liền vô cùng nhiệt tình mời nàng lên xe ngồi, ánh mắt nhìn nàng có chút khó hiểu, cuối cùng chỉ thở dài nói, "Trở về là tốt rồi. Cháu rời nhà nhiều năm như vậy không thấy có tin tức gì, cả thôn đều nghĩ cháu không quay về được nữa, cũng may ông trời phù hộ."
"Cảm ơn Chu thúc." Doãn Hân mỉm cười, thật tâm cảm nhận được ý tốt của ông.
"A, cô nương nhà nào lạ mặt thế này?" Vài bác gái kết bạn đi tới, ai nấy đều mang theo giỏ xách hoặc gùi, một bác gái trong đó lên tiếng.
"Chào các vị thẩm thẩm, cháu là Doãn Hân, con gái nhà họ Doãn." Nàng cười tự giới thiệu, đưa tay giúp đỡ họ bước lên xe.
"Aiyo, con gái nhà họ Doãn, không phải là đại nha đầu đưa vào cung làm cung nữ sao?" Một người khác hô lên.
Ai nấy đều mang vẻ kinh ngạc đánh giá Doãn Hân.
"Vâng, là cháu ạ."
"Ôi ôi, thoáng đó mà đã mười mấy năm rồi. Doãn đại nha đầu đã đủ tuổi được thả về rồi đấy."
"Đúng vậy, bao nhiêu năm qua không có tin tức gì, mọi người còn tưởng rằng cháu có chuyện gì rồi..." Vị đại thẩm hơi béo vừa nói đến đây liền bị người bên cạnh nhéo một cái, liếc nhìn Doãn Hân thấy nàng không có biểu hiện gì mới haha cười gượng hai tiếng, "Ha ha, Doãn đại nha đầu cháu đừng trách, Trần thẩm miệng vốn thẳng. Lại nói lần này cháu trở về chắc chắn mang theo không ít thứ tốt nhỉ? Hoàng cung đãi ngộ thế nào? Tiền công cao không? Aizz, xem thím, nhìn cháu lớn được xinh đẹp thủy linh, chỉ riêng một thân quần áo này thôi cũng đã tốt hơn người nhà quê chúng ta không biết bao nhiêu lần, sống trong đó dù chỉ là cung nữ chắc hẳn cũng sung sướng hơn con gái địa chủ gấp trăm lần ấy chứ. Chẳng trách nhiều năm như vậy cũng không thấy liên hệ gì về nhà, chỉ đáng thương Doãn Đại Lương..."
"Trần Hồng, ngươi nói ít đi vài câu không được sao?" Vị đại thẩm lúc đầu hỏi nàng là ai không nhịn được quát lên.
Trần thẩm hừ một tiếng, quay mặt đi không nói nữa.
"Hân Nương, cháu rời nhà nhiều năm chắc đã quên mất nhiều người. Thẩm là Vương thẩm, vợ trưởng thôn, đây là Lý thẩm, Trương thẩm, Trần thẩm." Vương thẩm lần lượt giới thiệu.
"Vâng, cháu lúc đó còn nhỏ, đúng là đã không còn nhớ nhiều về người trong thôn. Chu thúc, các vị thẩm thẩm, cháu rời nhà đã lâu, phần vì quá xa, phần vì cung quy nghiêm ngặt nên không thể viết thư gửi về, nhiều năm qua cha mẹ cháu ở nhà cũng nhờ có các vị thúc bá thẩm thẩm chiếu cố một hai, cháu vô cùng cảm kích, lần này trở về nhất định sẽ thật tốt cảm tạ mọi người." Cung quy nghiêm ngặt nhưng một năm vẫn có một lần nghỉ phép, cung nữ các viện lần lượt được xắp xếp để gặp người thân, viết thư báo bình an, gửi tiền về nhà. Doãn Hân thân phận thấp, thân cô thế cô, ngay cả một người đồng hương cũng không quen được, luôn bị người chèn ép bắt nạt, ngày nghỉ phép đều bị cướp mất, lấy đâu ra cơ hội viết thư gửi tiền cho gia đình. Có điều những lời này cũng đủ để đối phó qua nghi vấn của người trong thôn rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top