Hạnh phúc con người

1. Trống thịnh đạt vào lối đầu thiên niên kỷ 1 BC, còn manh nha thì có lẽ vào ba bốn ngàn năm trước nữa vì nó cùng thành bởi những yếu tố triết Việt như người có cánh và ưa dùng số 5.

Người có cánh đại diện cho Mẹ Tiên biểu diễn trên mặt trống. Còn số vòng ngoài đại diện cho Rồng Cha thì vận hành ở tang trống. Cả hai hợp nhau để nói lên nền Minh Triết uyên nguyên vì hội nhập được cả đất trời. Trời nét dọc là tang trống, nét ngang là mặt trống: cả hai làm nên một thực thể quen thuộc được gọi là nhạc khí vũ trụ, hay vũ trụ hòa âm để tấu lên bài ca du dương diễm phúc. Vũ trụ nói lên kích thước bao la là trời với đất, cả hai hòa
hợp để diễn tả cuộc hòa âm của mình cùng với con người. Cuộc hòa âm này chiếu giải lên toàn thân trống tả lại một xã hội hạnh phúc tưng bừng đang ca vũ múa nhảy như động trời khói đất trong một party lớn lao bao gồm cả trời (mặt trời) cả đất (thuyền rồng và các con vật) cả Người ở giữa mà linh lực được giồn vào 14 cây sào cương cứng làm toàn bằng linh lực tinh tuyền, không còn gì là tay, chân, mình mẩy nữa. Ðó là cực độ hạnh phúc gọi là diễm phúc.

2. Nói theo Nho thì đó là Tam Tài đang tác động hết cỡ: cả trời, đất, người đang diễn lại cụ thể câu sách quan trọng của Nho là:
"Trung dã giả thiên hạ chi đạo dã.
Chí Trung Hòa: thiên địa vị yên.
Vạn vật dục yên". (Trung Dung 1)
Trung là gốc. Hòa là chỗ đạt đạo. Khi đạt "Chí Trung" thì cũng đạt "Chí Hòa" và lúc ấy trời đất được đặt đúng vị trí, nên mọi vật đều được nuôi dưỡng giáo dục. Chỉ một ý nghĩ mà dưỡng nuôi giáo dục được sao? Chỗ này nên ghi nhận là ta không thề biết vũ trụ, ta chỉ có vũ trụ quan nghĩa là quan niệm về vũ trụ. Ðó là sự giải nghĩa vũ trụ của ta. Nhưng ý nghĩ ta có về vũ trụ chúng được xếp đặt ra sao cái đó gọi là vũ trụ quan. Chỉ là quan niệm ta có về vũ trụ, nhưng công hiệu thì y như biết về vũ trụ. Chỉ cần xem cái vũ trụ của anh tôi biết liền anh có thể là an bang tế thế hay không, ra làm chính trị anh có thể làm ích cho đời hay không. Cho nên trong sách nói "thiên địa vị yên, vạn vật dục yên" là nói đúng. Thiên địa vị yên là do anh xếp đặt cho trời cho đất, chứ trời đất bất cần đến anh, nhưng sự xếp đặt của anh gây ảnh hưởng y như anh xếp đặt thực sự. Nếu xếp trời ra trời đất ra đất thì vạn vật được nuôi dưỡng và giáo hóa. Xem khắp các nền triết đông tây kim cổ mới thấy câu đó đúng mọi đàng. Câu sách đã nói lên bằng lời cái cảnh tưng bừng hạnh phúc cũng như cái bí quyết để đạt được như vậy. Bí quyết đó là "Chí Trung" thì mới "Chí Hòa". Nhìn lên trống đồng ta thấy một cuộc hòa lớn lao mà ta phải gọi là "Thái Hòa" là cái hòa gồm vô số cái hòa lẻ tẻ nằm trong cái Hòa lớn lao đó. Nói kiểu cơ cấu thì:
"Nội hàm càng nhỏ
Ngoại tỏa càng to".
Nội hàm là 14 tam giác gốc chân đứng ở bên hữu, đầu nhô vào chốn hư Vô. Ðó là chốn nhà Phật kêu là "Lân Hư" là cùng cực của Trung Hòa. Nếu đi vào nữa thì chỉ có "quá trung" cái trung trống rỗng duy tâm; xê ra nữa thì là duy vật chỉ có thể tạo được những cái hòa tạmbợ, hòa nhỏ bé. Còn muốn đạt cả hai thì phải cố đạt chốn Lân Hư kia. Ðó là nội hàm cực nhỏ, còn ngoại tỏa là những vòng tam giác tỏa khắp vòng ngoài mặt trống quen gọi là văn răng cưa. Ðó là kiểu diễn tả lý thuyết. Còn thực hành thì xem kìa.
3. Tất cả các vòng đều tiến ngược kim đồng hồ cũng gọi là "tả nhậm" tức là vai tả để trần và quay vào mặt trời ở trung cung để đón nhận luồng linh lực đang phát ra từ đó.
Tả nhậm nói về xã hội là óc phù yểu: bênh vực bên yếu, bên Nữ.
Tả nhậm còn chỉ tâm linh tình cảm được đặt bên trên lý sự.
Tả nhậm cũng chỉ nguyên lý mẹ (Kinh Dịch gọi là Khôn) phải nổi hơn nguyên lý cha (Kinh Dịch gọi là Càn) Khôn hơn Càn, để Khôn khỏi bị lấn át như trong các văn hóa du mục hữu nhậm.
Tả nhậm còn nói lên hướng qui tâm tức đi về Hành Ngũ là đi về chỗ vô thể cũng là đi về chỗ tinh thần trung thực thì sẽ sinh ra một sự thống nhất lẫm liệt bao cả trời đất, cả mọi vật: cả chim trời, cả nước (rồng) thú vật (2 đoàn 10 con hiêu sao). Cuộc thống nhất này gọi được là hòa âm vì có nhạc tăng cường. Xem đó ta mới thấy văn minh ngày nay xây trên duy Hữu tức cũng là duy vật thì là thiếu tinh thần trọn vẹn. Những cái gọi là tinh thần ngày nay đều bất lực không đủ sức nuôi dưỡng tâm hồn là vì thiếu chất Vô thì là tinh thần giả tạo. Còn nếu duy vật chường mặt ra, vỗ ngực ta đây là duy vật thì tất nhiên không nuôi được tinh thần, mà ngay đàng vật chất cầu cơm, cầu cũng chẳng nổi, thì còn trông làm được trò trống gì cho tinh thần. Ðấy cái bí quyết của Thái Hòa là ở chổ đó, ở chỗ tả nhậm, tả đản qui tâm.
4. Trên đây là cái nhìn bao trùm. bây giờ ta xem cách phân tích hơn để nhận xét. Trước hết ta thấy mặt trời ở giữa thay cho trời làm trung tâm tung ra sức sống và sáng. Tiếp cận là 14 tia sáng chỉ 2 tuần trăng (2x7-14). Rồi đến các vòng ngoài đều chia ra 2 bên chẵn lẻ.
Bên chẵn thì trên nóc nhà 2 chim, đoàn người 6, đoàn chim 4 cặp.
Bên lẻ thì trên nóc nhà 1 chim, đoàn người 7, đoàn chim 3 cặp.
Vòng ngoài cùng chia làm 4 chỉ 4 chiếc hoa quì 9 cánh: 4x9=36 cũng có thể chỉ 4 phương, nhưng gọi tên hoa quì:
(1) Vì có mặt trời ở giữa nó gợi ra ý "sun flower"...
(2) Hoa quì lại có 9 cánh, chữ chín đây là số 9 tiên thiên của huyền sử, dân Lạc lấy số 9 làm quan trọng, nhân với 2 thành 18. 18 chim to, 18 chim nhỏ. Số 18 là huyền số như:
18 ngàn năm Bàn Cổ.
18 đời Hùng Vương.
18 thước cao của ngựa Thánh Gióng v.v...
5. Hỏi trên đây là bức tranh đẹp thật nhưng có bao giờ hiện ra sự thực ở đời hay chỉ là hư cấu trừu tượng?
Thưa có chứ, vẫn đã có thực hiện từ lâu đời ở các đình làng Việt Nam. Ðình là cái nhà có ba tầng kiểu nhà sàn: nóc có chim đậu chỉ trời, người ở sàn giữa, bên dưới là đất. Trong đình cũng thi hành 3 tầng như vậy tức gồm cả tế tự cho trời, hành chánh chia ruộng đất, còn người thì vui sống đình đám chơi xuân. Nơi các văn minh khác thì phải có ba nhà:
"Một nhà để cầu kinh.
Một nhà để làm tình.
Một nhà để hành chánh".
(Nói theo Phạm Duy). Ðây thì thiên địa vạn vật nhất thể: cả ba giồn một, tế tự cũng đấy, mà đám đình và hành chánh cũng đấy, chẳng có gì tục với thiêng mà phải riêng rẽ cả. Ðấy là nét đầu.
Nét hai là một văn hóa tưng bừng đình đám: chấp nhận mọi sinh thú ở đời. Những bộ mặt đám ma của các loại triết học khắc nghị không được bén mảng đến đó: cũng không có võ công hay bi kịch mà thay vào múa ca hát xướng.
6. Việt Nam có đến hàng trăm điệu hát hò, cá múa khác nhau:
Múa sinh tiền.
Múa sắc búa.
Múa chai.
Múa trống.
Múa đèn.
Múa đánh bạt.
Múa giao cờ quạt.
Múa trống bông.
Múa dậm.
Múa bông lau v.v...
Ðua thuyền, kéo chữ, đánh cờ người, múa rối nước, múa rối cạn. Ðó là những cuộc hòa vui, hòa sống nó tỏa ra khắp nước: trên dưới một lòng, tức chỉ có một văn hóa cho toàn dân: người đi học thì gọi là "văn gia", không đi học thì gọi là chất gia, chỉ khác có học với không học, còn sống thì là một rất thong dong vì có đến ba ngành: Nho, Lão, Phật. Ai theo đạo nào thì tùy thích, không hề có chiến tranh tôn giáo hay ý hệ. Hơn 50 sắc dân thiểu số với những tín tưởng rất khác nhau mà vẫn sống bên nhau từ bao ngàn năm nay yên thắm. Chỉ mới từ một trăm năm nay bị du nhập văn minh ngoại lai, trong nước mới chia rẽ đủ thứ lương giáo, rồi quốc cộng xâu xé nhau cho đến nỗi nước mất nhà tan. Xem lại mới thấy văn minh trống đồng quí giá vô giá.
7. Có những sử gia phàn nàn vì loài người chỉ viết có sử chiến tranh, sử đế quốc đàn áp bạo hành, sự bất công nô lệ... mà chưa gặp thấy những khởi công viết bộ sử hạnh phúc con người. Nếu bao giờ có những khởi công đó thì thiết nghĩ bức tranh trống đồng sẽ là trang mở sách, và văn hóa Việt Nam sẽ cung ứng thêm nhiều bức tranh minh họa, như Tiên Rồng nói lên tác động siêu việt, Cây Việt vừa nói lên tính danh, vừa chỉ ra cái xương sống của nền văn hóa Việt tộc là ngũ Hành. Ngũ Hành cũng là xương sống của quyển "Kinh Thánh Việt" được tiên tổ truyền lại cho các thế hệ sau dưới lòng biển cả. Rồi đưa lên lắp vào cái khung Việt tỉnh để gọi cái không vào giữa những cái có. Dân Việt mà bỏ ngũ hành là bỏ nho, mà bỏ nho là bỏ linh hồn mình sẽ tan cửa nát nhà như đã xảy ra.
Ðạo mất trước nước mất sau.
Bao giờ lấy lại được Ðạo, thì rồi cũng lấy lại được nước, không trước thì sau, không mảy may nghi nan gì.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top