I.

1.Thứ 5, ngày 27 tháng 10, Phan Văn Đức hiện tại trở thành sinh viên đại học đã được mấy tháng, cũng dần thích nghi với cuộc sống xa nhà. Hôm nay, Đức tan học sớm, đang lúi cúi cho sách vở vào cặp thì vai bất chợt bị vỗ vài cái.
-Đức, về đi ăn bánh sắn nướng đê, tao mới phát hiện một quán, ngon lắm.
Người nói là Tiến Linh, bạn cùng phòng với Văn Đức. Trông cậu chàng có vẻ hào hứng hơn bình thường, Đức không nỡ từ chối. Cậu im lặng tránh khỏi cánh tay gầy gầy kia, thành thành thật thật đáp:
-Về cất đồ rồi đi nhé, hôm nay tao mời.
Tiến Linh được bao ăn, trong lòng âm thầm thêm điểm cộng cho Văn Đức, tung ta tung tẩy cất bước về kí túc xá.
Phòng bọn họ ở tầng hai, bên trong bố trí ba giường đôi, gồm 6 người ở. Tiến Linh, Văn Đức thân nhau hơn cả. Thời gian đầu, sau khi hoàn tất thủ tục giấy tờ, sinh viên mới có quãng nghỉ một tuần trước khi bắt đầu học chính thức. Bạn bè đều tranh thủ về quê, riêng Văn Đức, Tiến Linh xin ở lại, tiện thể làm quen môi trường mới. Cả hai khá hòa hợp, giống như quy tắc bù trừ. Linh nhiệt tình, cởi mở lại hay cười, Đức có phần trầm hơn, không giỏi giao tiếp.
Bản thân Văn Đức tự thấy mình EQ thấp, ngoài Tiến Linh ra cũng không chơi với ai. Cậu cảm thấy, có một người bạn như thế là may mắn rồi. Không cần khoa trương thể hiện nhiều, đủ chân thành là được.

Hàng bánh ăn vặt bé xiu của bà Năm nằm trong con hẻm nhỏ, bánh sắn nướng vừa thơm vừa rẻ. Đức với Linh ăn no nê mà chỉ hết có hai mươi nghìn.
-Ê, Đức, nói tiếng Nghệ An anh nghe coi, anh đây chán chú nói tiếng Bắc rồi. Tiếng địa phương nhà chú dễ thương muốn chết.
Ờ thì Linh chả tìm được từ nào khác để hình dung giọng nói của Đức, nặng nhưng càng nghe càng nghiện. Đôi khi Tiến Linh vẫn nghĩ, sau này nhất định phải kiếm cô vợ đồng hương với Văn Đức mới được.
-Mày bị rảnh hả, có hiểu gì đâu mà nói. Đi về thôi.
Bị từ chối phũ phàng, Tiến Linh không những không nổi giận mà còn cười toe toét. Tay theo thói quen choàng qua vai Văn Đức, hạ giọng dụ dỗ:
-Anh nói nhá, chả là anh định vào đấy thăm quê Bác, nghe nhiều tiếng Nghệ, sau này khỏi bỡ ngỡ, hơn nữa hai ta là bạn tốt, chú đâu nỡ lòng nào nhìn anh sa cơ lỡ bước, đúng không?
Phan Văn Đức phì cười, cái gì mà sa cơ lỡ bước. Nghe cứ như phim.

2. Trong lớp 1 khoa toán tin ứng dụng K55, Nguyễn Trọng Đại và Phan Văn Đức gần như là hai người nổi bật nhất. Vẻ ngoài sáng sủa, cao ráo, nét nào ra nét ấy. Thông minh, giỏi giang. Thầy cô quý mến, bạn bè nể phục.
Đám sinh viên học cùng chưa bao giờ thấy Đại Đức xuất hiện cùng. Hai người hai phong cách đối lập, thậm chí có đứa còn cho rằng bọn họ không ưa nhau. Đương nhiên, Tiến Linh với tư cách là anh em tốt của Văn Đức cũng nghe được mấy chuyện này. Hơi băn khoăn nên trong lúc ngồi chờ xe buýt đến chỗ làm thêm, Linh thản nhiên như không, dò hỏi Văn Đức:
-Mày thấy Trọng Đại lớp mình thế nào

Có người lấy làm lạ, quay qua thắc mắc:
-Sao?
-Ờ thì, tao thấy bọn mày cứ như âm vô cực với dương vô cực... Ý là... Không thấy nói chuyện với nhau bao giờ.
-Thế cứ im lặng là không ưa nhau à? Tao chỉ thấy không tiện thôi.
-Hể, nghĩa là mày ngại?
-Không có gì để nói.
-À... Tao thấy thằng Đại hơi hâm hấp.

Phan Văn Đức nhíu mày, chờ Tiến Linh nói tiếp.
-Bao nhiêu lần nó quên vé giữ xe rồi, bác bảo vệ quen mặt luôn. Hôm thứ ba, tên ấy còn không nhớ chìa khoá để ở chỗ nào, nó khăng khăng làm mất nên không qua nhà xe, bắt xe buýt về luôn. Sau đấy, thầy giám thị phát hiện chìa khoá còn cắm trên xe, chính ổng cất giùm đấy.
-Thế à...
Rõ ràng chỉ đáp cho có lệ.
Xe đến, chuyện về Trọng Đại ngay lập tức bị Văn Đức vứt ra sau đầu.

3. - Rốp, rốp, rốp....
Tiếng vỗ tay của các bạn làm Văn Đức cảm thấy hơi ngượng ngùng. Cậu vừa được cô chủ nhiệm tuyên dương khi là sinh viên có điểm môn khẩu ngữ tiếng anh đứng đầu khoa. Bên cạnh, Tiến Linh giống như người đại diện của Văn Đức, đưa tay vẫy vẫy, ý là "khỏi cần quá khen, Đức lúc nào chả giỏi".
Trọng Đại nhìn cảnh đấy, môi khẽ câu lên. Lần sau, mình nhất định ngang hàng với Văn Đức.

Mà Nguyễn Trọng Đại cứ có cảm giác Phan Văn Đức đặc biệt không ưa mình, vì sao thì chịu, chẳng giải thích nổi. Đại nhạy bén phát hiện ra Văn Đức cố tình tránh cậu, dù là trên lớp hay ngoài đời. Mấy đứa bà tám thủ thỉ bàn nguyên nhân, ý kiến mà Đại nghe nhiều nhất là "hai đứa như đối thủ, sao nó ưa mày cho được".
Nguyễn Trọng Đại âm thầm đảo mắt qua phía đối diện, trong lòng len lén thở dài. Cậu chưa bao giờ xem người kia là đối thủ cả.

4. Trưa nắng 38 độ, Văn Đức bắt gặp Trọng Đại đang loay hoay ở nhà để xe, bác bảo vệ đứng bên cạnh vẻ mặt đầy bất lực.
-Lại để ở đâu rồi? Cháu tìm kĩ trong phòng học và cặp sách chưa?
-Dạ rồi ạ, nhưng không thấy.
Cậu sinh viên cao kều lí nhí đáp. Lần này vẫn quên chìa khoá xe.
-Cháu nhớ lại xem, lần cuối cùng thấy nó là lúc nào.
-Hình như trong tiết thể dục, phòng dụng cụ, trời ạ... Chắc cháu để ở đó. Phải chiều mới lấy được... Chìa khoá nhà trong cốp xe, mà đúng dịp bố mẹ lại về quê ăn cưới họ hàng, mai mới về....
Chẳng biết là lần thứ bao nhiêu Đại gặp rắc rối vì tính hay quên của mình. Cậu lễ phép chào bác bảo vệ rồi đau khổ đi về phía cổng trường.
Trời xui, đất khiến thế nào, Văn Đức nãy giờ đứng nghe lỏm, tiến đến, nói với Trọng Đại rằng có thể tá túc tại phòng mình đến giờ học buổi chiều. Về phần cơm trưa, xuống căng tin mua là được.
Nguyễn Trọng Đại nghiễm nhiên tiến vào chỗ ở tập thể của sinh viên, hứng thú bừng bừng hỏi hết chuyện này chuyện kia. Sau khi mọi thắc mắc được giải đáp thì vô cùng hài lòng ngả lưng lên giường của Văn Đức, đánh một giấc ngon lành.
Từ đó, Trọng Đại dính Văn Đức như sam. Vấn đề vì sao trước đó Đức không ưa mình bị Trọng Đại ném đi xa lắc từ bao giờ.
Hễ gặp chuyện là Đại tìm ngay đến Đức. Ví dụ như:
-Đức, đổi tớ tiền lẻ đi, 20 ngàn.
-Tao có hai tờ 10 ngàn này! - Đây là giọng Tiến Linh
-Thôi, tao lấy bốn tờ 5 ngàn của Đức. Cô bán xăng thích tiền lẻ lắm.
Đấy là chuyện tiền lẻ. Còn chuyện hai nửa bánh mì lại thế này:
-Đức, tớ muốn ăn bánh mì nhưng tớ còn mỗi tờ 100 nghìn. Đức có 5 ngàn tiền lẻ, Đức mua rồi mình chia nhau, đưa 100 cô bán hàng không có tiền thối lại, tội cô ấy.
Thôi được rồi, nhưng ăn xong mà vẫn thèm thì biết làm sao?
-Mua nốt tờ 100 này nhé, thêm cái nữa rồi chia tiếp. - Vẫn là cái người không nỡ làm khổ cô bán bánh vừa nãy đề nghị.
Tóm lại, mỗi người hai nửa bánh mì, tờ 100 ngàn cuối cùng vẫn chả giữ được.
Còn vô vàn chuyện nữa, kể ra không biết bao giờ hết, nhân chứng bất đắc dĩ Tiến Linh chỉ còn nước ngoảnh mặt làm ngơ.

5. Trọng Đại giận Văn Đức. Vì Đại nghĩ Đức chẳng xem Đại là bạn. Cậu ấy bị sốt phát ban, phải nghỉ học nhưng không báo cho Đại biết. Trọng Đại cảm thấy mình không bằng Tiến Linh, ứ được Văn Đức coi trọng.
Phan Văn Đức ốm bao nhiêu ngày, Nguyễn Trọng Đại dỗi bấy nhiêu thời gian. Không gọi điện cũng chẳng tới thăm.
Sau một tuần, Văn Đức đi học như thường nhưng lạ nỗi Trọng Đại không quấn cậu như trước nữa. Văn Đức không tài nào đoán được mình đắc tội gì với người ta.
Bứt rứt cả buổi, cuối cùng Đức chặn Đại ngay nhà để xe, hỏi cho ra nhẽ.
-Cậu giận tớ à?
Tên nào đấy làm thinh.
-Sao lại giận?
Vẫn không xi nhê gì.
-Cậu bị ốm?
Người ta chẳng thèm hé mắt, tính dắt xe đi thẳng.
-Này, có gì thì nói thẳng đi. Mày cứ thế ai chiều nổi.
Tiến Linh vẻ mặt thiếu đòn xuất hiện cạnh Văn Đức, tuôn ra một câu đáng đánh không kém.
-Thôi thế này Đại nó không muốn chơi với anh em mình nữa. Đi, anh với chú đi ăn ốc.
Nguyễn Trọng Đại tức xì khói, mắt đảo qua hướng khác, giọng rầu rầu:
-Sao Đức ốm không nói với tớ? Còn bảo là về quê. Thằng Mạnh phòng bên mà không nói, tớ cũng chẳng biết luôn ấy.

Văn Đức, Tiến Linh ngẩn tò te. Hết rồi?

-Thực ra là tớ lo cậu sốt sắng đến thăm rồi bị lây nên không cho cậu biết. Tớ định khỏe rồi mới nói, ai dè...
Lòng Trọng Đại ngọt như đường, Đức lo cho mình đấy!
Đại vờ hắng giọng: - Ừ, tớ hiểu rồi, nhưng không có lần sau nhé, giờ cậu phải bù một bữa.
-Như người yêu ấy nhờ, bày đặt giận dỗi.
Ông thần Tiến Linh ném ngay quả bom vào mặt hồ yên ả. Trọng Đại lẫn Văn Đức xấu hổ quay đi, môi cả hai bất giác cong cong.
Yêu chắc còn xa lắm, giờ thương thôi được không!

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top