Phần 1 !
Mặc Sênh một mình đẩy xe hàng, chật vật len lỏi giữa đám đông. Vừa từ nước ngoài trở về, chị vẫn chưa quen với cảnh chen chúc như vậy. Tuy nhiên cảnh tượng đông đúc ồn ào ở đây bất giác khiến Mặc Sênh mỉm cười. Chị cảm thấy hình như mình đang lắng nghe tiếng quê hương với tâm trạng nôn nao của một người xa xứ. Chị tự hỏi không biết một người vừa trỏe về nước liệu có giống mình không? Hân hoan, hồi hộp.
Bảy năm. Vậy mà đã bảy năm… thời gian vô tình!
Thật lạ lùng. Phải chăng thiên cơ run rủi để mình vừa về đã gặp lại anh? Không, đúng là gặp họ.
Triệu Mặc Sênh lặng người nhìn cặp trai gái đứng trước quầy bán rau. Một lần nữa chị cảm nhận sự lạ lùng của số phận. Bảy năm trước, chính họ đã khiến chị quyết định ra đi. Bây giờ họ lại cùng nhau đi mua sắm. Vậy là cuối cùng họ vẫn cùng nhau. May mà hồi ấy chị ra đi. Nếu không… Mặc Sênh không dám nghĩ thêm…
Hà Dĩ Thâm, Hà Dĩ Văn! Sao mình ngốc thế! Tại sao cứ một mực cho rằng hai người đó tên giống nhau thì nhất định là anh em?
“Chúng tôi không phải là anh em. Trước đây hai gia đình là hàng xóm của nhau, đều họ Hà cho nên cũng đặt tên cho các con giống nhau. Về sau cha mẹ Dĩ Thâm đột ngột qua đời, cha mẹ tôi nhận nuôi Dĩ Thâm”
“Chị tưởng chị mạnh hơn tình cảm hai mươi năm giữa tôi và Dĩ Thâm hay sao?”
“Hôm nay tôi chính thức cho chị biết. Tôi yêu Dĩ Thâm. Nhưng tôi không muốn yêu thầm, yêu vụng. Tôi và chị sẽ cạnh tranh công khai”.
Năm 19 tuổi, một ngày trước sinh nhật Mặc Sênh, cô bạn gái Hà Dĩ Văn vốn điềm đạm bỗng nhiên thẳng thắn tuyên bố với chị. Một người dịu dàng, không bao giờ tranh giành với ai như Dĩ Văn mà quả quyết như vậy, chắc chắn cô ấy phải yêu Dĩ Thâm nhiều lắm.
Còn chị? Chị có thể cạnh tranh với Dĩ Văn? Chính vào ngày Dĩ Văn tuyên chiến, chị đã thua. Sau đó chị chạy trốn sang Mỹ suốt bảy năm trời.
Ôi, Hà Dĩ Thâm. Nghĩ đến ánh mắt lạnh lùng, những lời nói tuyệt tình của anh ta, Mặc Sênh thấy nhoi nhói trong lòng. Tuy cảm giác rất mơ hồ, khó nhận ra nhưng chắc chắn là có thật.
Anh đi về phía chị. Bàn tay Mặc Sênh nắm chặt tay đẩy xe hàng đến mức đau cả khớp, các ngón tay trắng bệch như sắp long ra. Siêu thị lúc đó quá đông, chị lại đang đẩy cái xe chứa hàng nên không thể quay người bỏ chạy. Nhưng ngay lập tức chị nghĩ, vì sao mình phải bỏ chạy? Mình nên bình thản nói với họ một hai câu đại loại: “Ồ, đã lâu không gặp!”, rồi kiêu hãnh quay đi, để lại cho họ một hình ảnh đẹp về mình mới phải. Nhưng, có thể họ không nhận ra mình. Có thể lắm chứ. Mình đã thay đổi nhiều. Mái tóc dài buông xõa năm xưa bây giờ đã để ngắn chấm tai, làn da trắng nõn ngày nào đã sạm đi nhiều bởi cái nắng bang California, lại còn quần bò, áo phông rộng thùng thình, giày thể thao. Khác xưa nhiều quá!
Họ bước từng bước, chầm chậm tiến đến gần nhau, rồi… lướt qua nhau.
Đau đớn quá!
Hình như có tiếng nói vẳng lại:
- Có cần mua thêm sữa không?
Đúng rồi, tiếng Dĩ Văn rồi. Vẫn nhỏ nhẹ như xưa
-….
Chị không nghe rõ câu trả lời. Nhớ quá, giọng nói trầm ấm như tiếng vĩ cầm của Dĩ Thâm luôn vẳng lên tai Mặc Sênh trong suốt bảy năm trời chị lưu lạc xứ người.
Hẫng hụt, nhưng đồng thời cũng thấy nhẹ nhõm, Mặc Sênh ngẩng đầu nãy giờ vẫn cúi, quả quyết bước đi.
“Rầm”, chiếc xe đẩy xô vào đống xà phòng hạ giá chất như núi trên lối đi. Thủ phạm là chị đứng ngây nhìn mấy trăm bánh xà phòng đổ tung tóe, ngổn ngang.
Tệ thật. Liệu có thể vờ tỏ ra không biết mình là người gây ra chuyện?
- Trời ơi, đây là lần thứ ba trong ngày rồi – Người quản lý siêu thị không biết từ đâu chạy đến, nói như rên lên.
“Cho nên cũng không nên trách người ta. Sao lại chất hàng ngay giữa lối đi như vậy”. Mặc Sênh lẩm bẩm, cố làm ra vẻ hối hận.
Cảnh tượng đương nhiên thu hút sự chú ý của những người xung quanh, trong đó có Dĩ Văn. Dĩ Văn liếc nhìn về phía có nhiều tiếng ồn ào, bỗng giật mình. Cô ta! Có phải cô ta không? Dĩ Văn dường như không tin vào mắt mình.
Đúng là cô ta! Trở về rồi ư?
- Chuyện gì thế Dĩ Văn? – Hà Dĩ Thâm không hiểu quay sang hỏi, bất giác nhìn theo ánh mắt của Dĩ Văn.
Thân hình cao lớn của Dĩ Thâm bỗng khựng lại.
Triệu Mặc Sênh!
Người phụ nữ cúi đầu như một đứa trẻ mắc lỗi kia chẳng phải là Triệu Mặc Sênh?! Vẻ thiếu tự nhiên, mắt thấp thoáng nụ cười tinh quái không thể chối cãi. Từ xa khó nhìn rõ nét mặt cô ta, nhưng Dĩ Thâm biết. Anh vẫn biết cô ta là vậy, sau khi khuấy đảo cho nước ao đục ngầu rồi bỏ đi một cách vô trách nhiệm, ương ngạnh, ích kỷ và đáng ghét.
Chẵn bảy năm, cô ta vẫn còn nhớ đường về nhà ư?
Hà Dĩ Thâm gọi:
- Dĩ Văn, về thôi.
Dĩ Văn kinh ngạc nhìn vẻ mặt bình thản của Dĩ Thâm:
- Anh không định đến chào một câu ư? Hay là…
- Cô ấy từ lâu đã không còn tồn tại trong cuộc sống của anh – Giọng Dĩ Thâm dửng dưng, có vẻ như không có chuyện gì thật.
Dĩ Văn thầm quan sát nét mặt Dĩ Thâm nhưng không tìm thấy gì hơn, đoạn nói nhỏ:
- Đi thôi anh.
Nhưng cuối cùng cái nhìn của Dĩ Văn vẫn vô tình hướng về Mặc Sênh, đúng lúc chị ngoảnh lại. Ánh mắt hai người gặp nhau, Mặc Sênh lộ vẻ ngạc nhiên, nụ cười thoáng hiện trên mặt chị, chị bối rối gật đầu.
Dĩ Văn vội vàng quay đầu lại gọi:
- Dĩ Thâm…
- Gì thế?
- Chị ấy… - Dĩ Văn đột nhiên dừng lại. Trong đám người đằng trước không nhìn thấy bóng dáng Mặc Sênh đâu nữa.
- Sao thế? – Dĩ Thâm hỏi
- Không, không có gì! – Dĩ Văn cúi đầu.
Chỉ có điều vừa rồi cô đã nhìn thấy họ. Tại sao họ lại dễ dàng bỏ qua, cố tình không nhận nhau? Lại còn Dĩ Thâm nữa, rõ ràng đã nhìn thấy…
***
“Không ngờ có ngày mình lại về đây”.
Chủ biên hỏi Mặc Sênh trong lần đầu gặp nhau:
- Cô Triệu, vì sao cô lại chọn làm việc ở thành phố này?
Mặc Sênh bỗng lúng túng không biết trả lời thế nào. Vì sao ư? Bởi vì đây là nơi tôi học một năm đại học? Bởi vì nơi đây tôi đã quen anh? Bởi vì nơi đây tôi đã có rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều?
Lúc đầu chính Mặc Sênh cũng không biết, tại sao nơi đầu tiên chị nghĩ đến sau khi về nước là thành phố này. Mãi đến hôm gặp Dĩ Thâm chị mới hiểu. Chị muốn gặp lại anh, mặc dù anh đã không còn thuộc về chị, nhưng chị vẫn muốn nhìn thấy anh.
Chỉ nhìn thôi!
- Có lẽ do tôi không thể về nhà – Mặc Sênh nói.
Chủ biên nhìn chị rất lâu, có vẻ ngạc nhiên.
“Có thể giữ cô ta làm phóng viên ảnh” – bà chủ biên thầm nghĩ.
Tuy nhiên, việc chủ biên quá coi trọng lý lịch làm việc ở nước ngoài của chị khiến Mặc Sênh cảm thấy bất an.
- Đó chỉ là một tạp chí nhỏ - Chị nói với bà như vậy.
- Cô Sênh, tôi biết một người Trung Quốc làm phóng viên ảnh ở Mỹ đâu phải dễ, nhất định chị phải ưu tú hơn người da trắng. Bọn họ luôn cho rằng người Trung Quốc chúng ta không có gen nghệ thuật – Bà chủ biên tiếp tục câu chuyện.
- Chị khen kiến thức sâu rộng của tôi ư? Kiến thức của tôi rất bình thường. Tôi chỉ làm việc ở một tờ báo nhỏ của Mỹ, biết khá rõ tờ báo đó thôi”.
Mặc Sênh cười đáp lại lời khen của bà chủ biên, cảm giác bất an trong chị bỗng chốc tiêu tan.
Việc làm vậy là ổn. Chị được nhận vào làm phóng viên ảnh cho tờ tạp chí phụ nữ này.
***
Mặc Sênh vẫn đến siêu thị đó mua đồ, nhưng không hề gặp lại họ. Mãi đến một hôm, người bảo vệ siêu thị gọi chị lại:
- Chị ơi, mời chị đến phòng bảo vệ một lát
Mặc Sênh ngạc nhiên, cảm giác có chuyện chẳng lành. Báo chí có nhiều lần đăng tin nhân viên bảo vệ một số siêu thị cưỡng chế khám xét, thậm chí đánh khách hành.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top