4: Dưới Mái Nhà Có Một Ông Già Và Một Bà Già Sống Chung.
Nửa buổi sáng còn lại và cả buổi chiều trôi qua vừa nhanh vừa chậm. Khi nó lựa truyện tranh một cách cẩn trọng vì sợ đổ hay lật một vèo hết quyển truyện, và với cả khi nó ngủ vùi vào giữa giờ chiều, thì thời gian trôi đi nhanh; còn lúc nó ngồi trước hàng hiên ngắm cái cảnh muôn ngày như một kia, việc ngồi vào bàn ăn cơm trưa với hai người già, hay nằm trên tầng ba cố gắng chợp mắt thôi không nghĩ ngợi thì thời gian trôi qua chậm. Thêm vào nữa, các thớ cơ bên trong cơ thể của nó mới bắt đầu tã ra vào đầu giờ chiều, hay chí ít là nó mới nhận thức được việc đó, nên việc leo cầu thang cũng là một việc làm mệt mỏi và tốn thời gian.
Lúc này mặt trời đang lặng xuống. Trong căn phòng của mình ở lầu ba, nó vẫn ngáy say sưa. Ông lão sống ở tầng một với truyện tranh, bà lão ở tầng hai lúc nào cũng đóng kín cửa, còn tầng ba này lại khá đơn điệu: Phòng nó ngủ có một cửa sổ nhỏ nhìn ra bên ngoài, một cái giường sắt với đệm dày và ra trắng phau, một cái tủ con cùng đèn ngủ nơi đầu giường, và một sự trống trải không có đồ nội thất ở phần còn lại của căn phòng. Một sự dịu dàng ém xuống, phủ lên không gian. Có lẽ đây là một buổi chiều tan tầm không phải nghe tiếng xe cộ, không cần trông vào tiếng chuông báo hết giờ, nên nó ngủ rất ngon. Ngủ ngon đến mức mà bà lão gọi cửa nó bốn lần nó vẫn say sưa, khiến bà phải vào lay nó dậy.
Sau khi bà rời khỏi phòng, nó ngồi thừ ra trên giường một lúc. Cái nắng cuối ngày rực đổ vào không gian bên trong. Tò mò, nó bò về phía cuối giường, nhìn ra bên ngoài: Mặt nước không còn xanh nữa mà được phủ lên sự rạng rỡ và huy hoàng, loang ra như vệt dầu, trải dài hết tầm mắt. Đẹp. Bình thường nó cũng biết cái nắng này đẹp, ví dụ như khi nó ngồi trong lớp học thêm nhìn ra cánh cửa sắt khép kín, thấy một tia nắng mỏng xuyên qua khe nhỏ, chạm vào mái tóc dài đen của Cúc rồi chảy ra, làm đằng ấy đẹp thêm bội phần. Mà kể cũng lạ, ở căn nhà mà ông lão Tân và bà lão Cúc sống cùng với nhau, đã quên mất ngày cưới, nhưng vẫn không chịu nhìn mặt nhau vì mấy quyển truyện tranh, nó cảm thấy có điều gì đó không đúng. Người ta yêu nhau thì gắn bó với nhau, hiển nhiên, nhưng tình trạng của hai ông bà lão lại không giống như thế. Phần nó, nó thích thầm Cúc, sự thích thầm của một thằng nam sinh nhút nhát dễ ngượng, và nó muốn... cưới Cúc - một hiện tượng thường thấy của mấy đứa nhút nhát hay thích thầm người ta, hoặc chí ít là muốn giữ hình ảnh của mình trước Cúc. Dù sao đi chăng nữa, tim nó chỉ biết là thích mái tóc dài đen của Cúc, cái nhìn suy tư thơ thẩn của em; Và đôi khi hai mắt gặp nhau - đằng ấy duyên dáng nhìn nó trong một giây, cặp kính làm rõ mầu nâu đậm của mắt em, một luồn điện đi từ tim chạy dọc mọi thớ cơ và khiến nó tê liệt. Nó mường tượng cưới Cúc sau một chuyện tình đẹp kéo dài từ thời phổ thông, qua thời sinh viên, sau vài năm đi làm. Chợt nó thở dài một tiếng. Nhìn quanh căn phòng trống, nó đứng dậy, rời khỏi những mộng mơ của mình, rồi xuống nhà vì bụng đang kêu ọc ọc.
Tầng hai là tầng của bà lão, không hiểu sao nó rất nhỏ, chỉ có độc căn phòng của bà cùng cái ban công mà thôi. Trong khi đó, tầng của nó dài hơn một chút, có thêm cái nhà vệ sinh, cùng một chỗ hóng gió nhỏ ở phía sau. Cửa phòng hé mở. Một sự tò mò cuộn ngược lên bên trong lòng nó. Nó thích thầm Cúc là thế, nhưng chưa bao giờ đủ can đảm để làm bạn với đằng ấy. Nó sợ khi đã quen thân với Cúc thì những hình ảnh nó xây dựng nên sẽ bị đổ vỡ. Và cả chăng nó sợ Cúc biết được nó là ai: Một đứa thích đọc truyện tranh, bình thường đến tầm thường, thêm vào là sự nhút nhát hiếm thấy trước người lạ, hay người thương. Nó tự hỏi bà lao Cúc là một người như thế nào và vì sao bà lại có thái độ với Tân. Thế là nó tiến lại gần. Xâm phạm sự riêng tư của người khác xấu, bố nó dạy thế. Nó nhớ điều đó. Nhưng lần này sự tò mò chiến thắng: cánh cửa hé ra, mở lộ bên trong.
Nó tần ngần mất một lúc rồi sực tỉnh vì nhớ ra mình đang vào phòng người khác. Thế là nó nhẹ nhàng khép cửa lại, lục lại trí nhớ bố cục ban đầu của căn phòng, rồi khẽ khàng xuống nhà. Vừa đi nó vừa nghĩ về những gì nó thấy: Ngập tràn hình ảnh của ông lão - của Tân, một số chụp chung, một số chụp từ xa, chụp từ góc khuất. Cứ như bà lão ám ảnh về ông lão vậy. Sự ám ảnh cứ như sự ám ảnh của nó về Cúc. Tiếc rằng nó chẳng nói chuyện được gì với Cúc, nói gì đến cưới đằng ấy. Xuống đến phòng khách, ông lão gọi nó ra hàng hiên. Cái ghế đẩu vẫn còn y nguyên chỗ cũ. Có vẻ như ông lão, lúc này đang cầm một quyển Vua Hải Tặc, chẳng quan tâm việc dọn dẹp. Ngồi xuống im lặng cạnh ông lão, nó ngó trời đất: Cái rực rỡ đã dịu lại, thay vào đó là cái hồng ấm, chứa những nhiệt lượng và niềm nở cuối cùng trong ngày; Mặt nước êm đềm, thẫm và săn lại tựa như một miếng thạch khổng lồ; Mây trên trời tảng nào tảng nấy to, bồng bềnh, tán xạ những màu sắc từ mặt trời sắp tắt, trông nên thơ lạ. Phần ông lão, ông lại không cái cảnh tuyệt đẹp này, mà lại chật vật đọc từng trang của cuốn truyện tranh trong cái sáng mờ mờ. Bất ngờ có một luồng sáng dịu âu yếm phủ xuống ông kèm một tiếng tạch khẽ từ trong nhà. Bụng nó réo lần nữa. Nó bèn chào ông lão, vào nhà. Ông lão chỉ cười mỉm, vẫn chăm chú vào cuốn truyện. Bà lão, đã bước đến chỗ cầu thang, đi một mạch vào bếp. Nó đi theo.
"Nãy bà bật đèn ạ?"
Bà lão đang lui cui dọn cơm không đáp.
"Bà cần cháu giúp gì không?"
Bà lão không đáp, vẫn tiếp tục công việc của mình: Bưng xoong cơm ra khỏi nồi cơm điện; Lấy ra ba cái chén, ba đôi đũa, cùng hai cái muỗng; Lấy đồ ăn được gói kín trong tủ lạnh ra - thịt gà ram cùng canh khoai mỡ -, bắt chảo, bật bếp ga rồi hâm lên. Nguyên chuỗi thao tác đó, nó chỉ đứng một góc mà quan sát. Nhà bếp kiêm luôn nhà ăn với cái bàn ăn con tròn tròn bằng gỗ, bốn cái ghế để một bên, trên bàn bày một dĩa trái cây cùng chén đũa dọn sẵn. Mỏi chân, nó bèn ngồi xuống ghế. Bất chợt bà lão lên tiếng, một cách nhẹ nhàng:
"Cháu vào phòng ta phải không?"
Nó giật mình, lí nhí:
"Dạ cháu... cháu xin lỗi! Nhưng cháu không hẳn là vào, mà là ngó vào bên trong."
"Ừa không sao."
"Dạ?"
"Cháu hứa không nói về những gì cháu thấy là được. Giống hồi sáng vậy."
"Dạ cháu hứa. Bà không giận cháu chứ?"
"Không?"
"Vậy sao bà không để cháu phụ ạ?"
"Vì ta muốn ta là người duy nhất dưới mái nhà này chăm sóc Tân."
Mười lăm phút sau, bữa cơm tối hôm ấy diễn ra nhẹ nhàng. Trên bàn cơm, ông lão và bà lão ngồi đối diện nhau, lặng lẽ ăn, nhóm nhém chậm chạp chưa xong chén thứ nhất, còn nó, vẫn hàm răng chắc khỏe dù có hai vết trám cùng vài lỗ sâu nhỏ, đã làm muốn hết hai chén. Nhận ra mình đang ăn nhanh quá, nó ngần ngừ. Ông lão thấy thế bèn cười:
"Không sao đâu cháu, cứ ăn đi rồi nghỉ ngơi."
Nó lúng búng gãi đầu, chợt nhớ ra một điều, bèn hỏi ông lão:
"Ông ơi, mình lấy thức ăn ở đâu thế ạ?"
"À ông đặt, người ta giao đến. Thường ông dậy sớm, thấy gói đồ ăn đủ cho ngày được để sẵn trước nhà, xong ông lấy vào thôi."
"Thế còn đồ dùng hay truyện tranh thì sao ạ?"
"À ông chỉ cần đặt hàng qua di động thôi rồi họ mang đến."
Nó trố mắt, cảm thấy lả đi. Dĩ nhiên rồi, thực mà, đây là thực. Ông lão có điện thoại, có dịch vụ giao hàng tận nhà. Ông lão đặt, người ta giao, chả phải mất công lội nước. Nó vỗ trán kêu rõ to rồi hỏi tiếp:
"Vậy... Ông có phương tiên di chuyển không?"
"Ông không cần đi đâu cả."
"Cháu có thể mượn điện thoại của ông không?"
Ông lão gật đầu, lấy ra một cái điện thoại cũ, bàn phím số, màn hình trắng đen, dày cỡ cục gạch. Nó bối rối nhìn.
"Cháu có thể dùng cái này để gọi chứ?"
"Được, thoải mái đi."
Thế là nó quay số ba nó.
Ngoài vùng phủ sóng.
Rồi số má.
Ngoài vùng phủ sóng.
Số một vài người thân, một một ba, một không tám không, số một vài bạn bè.
Ngoài vùng phủ sóng, ngoài vùng phủ sóng, ngoài vùng phủ sóng, ngoài vùng phủ sóng.
Nén hơi thở dài của mình, nó đăm đăm nhìn cột sóng: ba cục. Tên nhà mạng là "Vinaphone". Mọi thứ bình thường. Nó hít một hơi thật sâu, nó gọi cho số của mình, trong cái quần dài trước cửa nhà, nơi được bao quanh bởi một mảng cỏ nhỏ, lọt thỏm giữa bể nước.
Đổ chuông.
Sau một hồi dài đằng đẵng, dĩ nhiên không có ai bắt máy. Nó mừng thầm, vì ít ra đồ đạc và căn nhà vẫn không bị ai đụng đến.
Chợt một ý tưởng lóe lên trong đầu nó:
"Ông ơi cháu có thể đặt một quyển truyện tranh không ạ?"
"Chái cứ đặt."
"Thế có tốn tiền của ông hay của bà không?"
"Không tốn tiền của ai hết. Cháu an tâm."
"Vâng."
Thế là nó cuốn quýt mở lịch sử cuộc gọi. Ngoài những số nãy giờ nó quay, còn lại là một dãy dài những "1234566543210". Nó phì cười, rồi gọi số đó. Những hàng chuông dài chờ đợi. Đến tiếng đổ chuông thứ năm, có giọng nói nam, trầm trầm ở đầu dây bên kia:
"Xin chào cụ Tân."
"Dạ chào anh, em là khách của cụ Tân."
"Ồ! Thật là quý hóa quá và lạ lùng quá. Cậu muốn đặt gì?"
"Dạ em muốn một cái điện thoại thông mình có sim dùng được."
"Vậy hả? Của cậu hết Sáu triệu Sáu trăm Sáu mươi ngàn nhé."
"Ơ em tưởng là miễn phí mà?"
"Với cụ Tân thôi. Mà cậu tên gì?"
"Em cũng tên Tân. Ông ơi..."
"Alô!"
"Vâng?"
"Nếu cậu cũng tên Tân thì cậu cũng được miễn phí."
"Ơ thật ạ? Anh chắc chứ?"
"Đó là quy định ở đây, công ty anh phải làm theo thôi."
"Anh không cần kiểm tra lại gì ư?"
"Không cần."
"Vậy người giao hàng bao giờ đến ạ?"
"Em ngủ dậy lúc mặt trời lên là có em nhé."
"Anh không nói chính xác được thời gian ạ?"
"Cái này phụ thuộc bên giao hàng em nhé. Với lại theo anh biết, bên đó không bao giờ giao hàng ban ngày cả."
"Vâng, vậy em cảm ơn anh."
"Không có gì đâu Tân. Chào em, đơn hàng của em đã được xác nhận nhé."
"Chào anh."
Khi đầu dây bên kia vừa cúp máy, nó thiếu điều nhảy cẫng ngay tại bàn ăn. Ông lão nhìn nó cười cười. Bà lão ý nhị hơn, đuôi mắt nheo lại còn môi thì mỏng đi. Phần nó, cảm giác như thể nó đạt được danh hiệu học sinh giỏi sau suốt bao năm trời dính với cái danh hiệu tiên tiến, hay tỉ như Cúc tỏ tình với nó. Nó dự tính là sẽ rình mò người giao hàng, rồi bước tiếp theo là nhờ người giao hàng chở nó về nhà, nếu được, hoặc chở nó đi tiếp. Nó cần về nhà, nó biết điều đó. Nó không thể ở mãi nơi này, dù hai người già sống chung mái nhà này đây là điều nó hi vọng trong tương lai nó được vậy - trừ việc Cúc sẽ nói chuyện với nó chứ không phải im lặng với nhau, giống bố mẹ nó. Nó bèn dọn chén của mình vào la va bô, chào ông lão và bà lão, xong phóng một mạch lên phòng, cố gắng ngủ để hi vọng dậy sớm, canh me rình mò người giao hàng, và rời khỏi nơi đây. Vấn đề là nắng vừa tắt hẳn, và các ngôi sao thức dậy, lũ lượt kéo nhau tản ra khắp bầu trời đêm: Còn quá sớm để ngủ, cộng với sự kích thích trước việc rời, kèm theo giường lạ và việc ngủ cả chiều, nên dùng vẫn còn mệt vì hồi sáng bơi, nó trằn trọc mãi không ngủ được: Lăn qua lộn lại trên giường, trùm mền kín mít rồi quẳng mền sang một bên, nằm gối rồi gác tay,... Bực bội, nó mở cửa sổ, đầu ở cuối giường ngắm nhìn bầu trời sao. Khung cửa sổ không được to lắm, nhưng lát cắt của nó kéo dài đến tận đường chân trời, trải ra trên cái nền đen vô vàng các vì tinh tú. Đêm nay không trăng, phòng tối, những ánh sáng le lói từ những vì sao khác hẳn cái sự bùng nổ đầu ngày, hay cái chóng chang ban trưa, hay cái huy hoàng cuối ngày của mặt trời. Nó mang trong mình một cái gì đó dịu dàng cùng những lời thủ thỉ. Giống như những tiếng gọi xa xăm từ những ngày xưa cũ. Mà những ngôi sao đâu chỉ thì thầm, chúng còn nhấp nháy nhảy múa, tinh nghịch nháy mắt với nó. Một cảm giác bé nhỏ xâm chiếm, khiến nó cảm thấy cần được bảo bọc. Thế là nó nghiêng qua một bên, mặt vẫn hướng về bầu trời kia, lấy một cái gối lèn giữa hai đùi, rồi choàng cái mền kín người. Ngáp một cái, nó nhớ ra mình chưa súc miệng. Mà thôi kệ, không súc miệng tối nay chẳng rụng thêm cái răng nào đâu. Nó không muốn phải trôi lạc ngoài dự tính như sáng nay nữa, nên có người giao hàng sẽ là người tuyệt nhất để giúp nó trong chặng đường về nhà. Này nhé, người giao hàng đi nhiều hơn hai người già sống chung dưới mái nhà này là cái chắc, nên người đấy sẽ biết nhiều hơn về cái thế giới đầy nước này, thêm nữa anh ta có phương tiện di chuyển, nên nếu được nó sẽ đi ké, tiện cả đôi đường. Cái quan trọng là thông tin, nó quá mù thông tin về cái thế giới mơ mơ thực thực kì lạ này. Chẳng có gì đúng ở đây cả. Nằm ngửa, gác tay lên trán, nó lại liếc nhìn ra bầu trời đầy sao. Nó không hiểu người xưa tưởng tượng kiểu gì mà ra con cừu, con cá, con trâu,... Vì nó chỉ những hình ảnh không liên quan: Cái gáo múc nước, à mà cũng nhìn giống cái nồi có quai; Rồi con diều,... Nhưng quan trọng là bầu trời đêm này là thứ đẹp nhất nó từng thấy, có lẽ thua Cúc nhiều. Không, thua Cúc lúc nắng chảy vào tóc đằng ấy một chút thôi. À thật ra chắc ngang ngửa. Nó cười khì, nhắm mắt lại, vì chợt nhận ra không thể nào ngủ mở mắt. Ba nó và má nó thường xuyên vắng nhà, hoặc rời nhà từ sớm đến tối mịt mới về. Và dù ít nhất nói chuyện với nhau, những bữa cơm nào, nếu có thể, sẽ ngồi cùng nhau cả gia đình ăn uống. Mà nó thấy như vậy đỡ hơn hai ông bà lão sống cùng mái nhà lại không chịu nói chuyện với nhau bởi một điều rất cỏn con. Một ngày dài, có lẽ ngày dài nhất trong cuộc đời nó tính đến nay.
Nó cứ nằm đấy miên man, cho đến khi chìm vào giấc ngủ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top