Trò chơi quên nhớ
Nguyễn Ngọc Tư
Trò chơi quên nhớ
"Lam đã đóng vai người đang yêu trong hai năm, dài, dài lắm. Nhiều khi Lam nghĩ, không biết đám cưới xong thì đời dằng dặc đến chừng nào. Hay đến một lúc, Lam đã diễn quen, đến không thể sống thật, không thể trút lớp?".
Trước bữa đi công viên để chụp hình đám cưới, Lam gặp tai nạn do lái xe chạy quá nhanh khi qua cua. Lồm cồm ngồi dậy, thấy có mấy vết trầy xước nhẹ ở khuỷu tay, phía đầu gối hơi rát, Lam dựng xe lên, chạy một quãng bỗng nghe máu rịn qua chân mày, chảy xuống mắt. Quệt vệt máu, Lam chợt nghĩ ra một trò thiệt vui. Lam giả đò mất trí nhớ.
Hồi nhỏ, Lam hay nghĩ ra nhiều trò chơi lạ. Có lần, Lam trốn dưới gầm giường cả ngày, ngoại hoảng lên nhờ hàng xóm nhảy xuống ao mò táo tác. Không thấy, ngoại mếu máo nhắn đò kêu mẹ Lam về. Khi tàu từ phía chợ gầm gừ ghé bến, Lam không chịu được, nó chạy tung ra mừng "Mẹ, mẹ ơi!". Đang nẫu nuộc, bồn chồn, mẹ Lam bỗng ráo hoảnh, mẹ giận dữ tát mấy cái vào mặt vào vai vào mông Lam. Nó nghe đau rát nhưng chỉ cười nhe ra mấy cái răng sún, Lam thèm được nhìn thấy mẹ biết bao. Sau này, mỗi lần nhớ mẹ, Lam đều chơi lại trò đó, ngoại luôn tìm ra nó dù ở xó xỉnh nào, kẹt lu hay trong nhà củi. Lớn lên, Lam thấy mình dại. Bởi ngoại có nhắn, thì mẹ cũng biết tỏng là mánh khóe của Lam, mẹ cũng không về. Mẹ Lam bận. Mẹ muốn giàu có, thành đạt. "Con nghèo như vậy quá đủ rồi", những lúc ngoại Lam càm ràm này nọ, mẹ hay nói vậy, và cắn môi ngó qua sông. Bên đó, có người lên thành phố, không về, yên phận đời phò mã cho một công chúa nào đó.
Mười hai tuổi, ngoại mất, mẹ rước Lam về chợ. Tối nào mẹ có khách đàn ông là Lam lại lui cui kiếm chuột bắt chơi. Nó hì hụi quanh phòng khách, thọc đầu ngó nghiêng chỗ này, xó nọ, miệng mắng mỏ, con quỷ sứ, mầy trốn đâu rồi, tao đập đầu cho chết cha. Lâu lâu lại chép miệng:
- Trời, mới đây mà khuya lơ khuya lắc rồi.
(Vậy mà thằng cha mày không chịu về phứt cho rồi). Mẹ nhìn Lam thom lom, mắt quắc lên. Sau, hễ chạng vạng, mẹ Lam lại ăn mặc thơm phức, xách xe đi. Chuột bò nhộn nhạo Lam cũng kệ. Một bữa, Lam xin mấy lọ thuốc không về quăng vung vãi quanh mình rồi nằm im lìm như người chết. Khuya xa xắc mẹ mới về, ngang qua Lam, mẹ càm ràm, "bữa nay bày đặt làm trò gì nữa đây ?!" rồi đi thẳng lên lầu. Lam thấy nếu mình chết thật thì uổng quá. Thôi.
Cái trò mất trí nhớ nầy cũng không phải là sáng tạo gì mới, trên phim thiếu gì, ai coi cũng cảm động muốn chết. Lam nghĩ Son Ye Lin diễn đâu phải hay mà vẫn lấy nước mắt của người ta, mình cũng làm được tuốt. Lam bất thần chao đảo rồi dừng lại giữa đường, thụp xuống ôm đầu. Xe cộ ùn lại một cục, có người hỏi cô bị làm sao vậy, Lam ngẩng lên, ngơ ngác, lắc đầu. Hỏi nhà ở đâu, Lam lắc đầu, ngơ ngác. Vết máu trên trán vẫn chưa khô.
Lam được người ta đưa về nhà. Lam bắt đầu sống với những người xa lạ (theo đúng kịch bản). Mẹ nghe báo tin hớt hải chạy về. Lam thấy mẹ nắn tay nắn chân mình bèn rụt rè hỏi, "Chị ơi! Chị là ai?!" bằng vẻ mặt ngây thơ hết biết. Mẹ thảng thốt kêu lên:
- Trời ơi, sao vậy Lam, tuần tới là đám cưới rồi đó.
Lam cười, đờ đẫn nhìn quanh, đám cưới, mà đám cưới ai? Lam thấy trong mắt mẹ sự sụp đổ, tuyệt vọng.
Cuộc chạy chữa bắt đầu, mẹ đưa Lam tới những bệnh viện nổi tiếng nhất, những bác sĩ giỏi nhất. Cuối cùng, người ta đoán, có thể sự va chạm mạnh vào đầu làm xóa đi vùng ký ức, nhưng hiện tượng này chỉ tạm thời thôi. Sẽ phục hồi nhanh nếu những người thân thuộc khơi gợi lại những kỷ niệm sâu sắc, càng nhiều càng tốt.
Đưa Lam về nhà, mẹ nhìn đống thiệp thơm phức thở dài, ủ ê. Ngày cưới sắp tới mà cô dâu không nhận ra chú rể, đúng là thảm kịch. Suốt thời gian đó, Thái chỉ biết nắm tay Lam, đau đáu:
- Anh nè, anh là Thái nè, em nhớ chưa?
Lam khổ sở lặp lại như cái máy, "Dạ, Thái..." nhưng không có vẻ nhớ ra cái người chỉ vài hôm nữa sẽ làm chồng mình. Chiến dịch khơi nguồn ký ức đã bị Thái mở màn thảm bại, Lam mở con mắt ra bộ kinh ngạc khi nghe Thái nhắc hai đứa quen nhau trong bữa tiệc sinh nhật nhỏ bạn, hôm đó Thái hát xong, Lam vỗ tay khen hay, nhớ không? Nhớ không, quán cà-phê "Thiên Đường", chỗ hai đứa thường hò hẹn? Nhớ không, lần Thái dắt Lam về nhà ra mắt cha mẹ, Lam đã làm đổ chén chè lên áo? Noel mới đây, hai đứa bị kẹt xe gần hết đêm, nhớ không? Lòng Lam quặn lại, khi nhận ra những thứ mà Thái gọi là kỷ niệm, chúng ráo hoảnh, tươm tất kỳ cục. Những chi tiết đơn điệu đã làm nên một mối tình đơn điệu, giá mà có thể chỉnh sửa để kỷ niệm sâu sắc hơn, thí dụ như cùng nhau đi tung tăng dưới trời mưa, trên con đường chiều vắng ngắt, ướt ngoi ngóp, tối đó còn kèm thêm một trận sốt nhớ đời. Hay còng lưng chạy xe đạp chở nhau ra ngoại ô, chỉ để đứng trên cầu ngắm mặt trăng biếc ngần mắc vào lưới vó dưới dòng kinh...
Lam cố tỉnh bơ không để ý nghĩ hiện ra mặt. Lạt lẽo tiễn Thái về, còn một mình, Lam vùi đầu trong mền cười ha ha ha, tự khen mình diễn hay tới không ngờ. Có thể cái trò chơi đóng vai không lạ lẫm nữa. Từ sau bữa tiệc sinh nhật hôm đó, Thái đưa Lam về, mẹ cũng vừa trờ tới, thấy Thái, mẹ kêu lên, giọng trách móc nhưng cực kỳ dịu dàng:
- Trời đất, Lam, sao con không mời bạn vô nhà chơi?
Sau, biết Thái đang làm việc ở Sở Tài chính, lại là con trai của phó chủ tịch tỉnh, Lam không ngơ ngác nữa. Lam thấy mình có bổn phận phải yêu người này, như một cách đỡ đần cho công việc kinh doanh của mẹ, dù Lam nói về sông, về đồng, về những sa mưa cá rô lóc trên sân, hay về một người bán vé số mù hôm qua chết dưới dạ cầu, Thái không biết gì hết. Chẳng sao cả, Lam sẽ yêu. Những ngày tháng đó đối với Lam như một giấc mơ. Mẹ nhắc chừng Lam từng chén cơm. Lam đi chơi, mẹ chọn áo, tiễn Lam ra cửa, âu yếm dặn dò:
- Chơi vui nghen, hai đứa.
Lam nũng nịu ôm eo Thái cho đến khi mẹ quay đi, nếu phải sống giả để nhận sự quan tâm, trìu mến của mẹ, cũng đành.
Và Lam đã đóng vai người đang yêu trong hai năm, dài, dài lắm. Nhiều khi Lam nghĩ, không biết đám cưới xong thì đời dằng dặc đến chừng nào. Hay đến một lúc, Lam đã diễn quen, đến không thể sống thật, không thể trút lớp?
Chơi trò quên nhớ này thì vui hơn giả bộ yêu nhiều. Không phải đắm đuối, ngọt ngào nữa, bây giờ chỉ việc đưa cái mặt ngơ ngáo, đờ đẫn ra với đời. Và cứ vậy, vui từ sáng sớm, khi chị bạn cùng cơ quan hối hả chạy lại thăm. Ngồi với nhau, chị cứ chắc lưỡi xuýt xoa (mà không giấu được vẻ hồ hởi):
- Lam quên thiệt sao ? Chị Huê nè, hổng nhớ cái gì hết hả?
Lam ngượng nghịu lắc đầu, mắt trong veo. Nhìn vào cái vẻ hớn hở không chịu được của chị bạn, Lam muốn sặc vì buồn cười, chắc chị nghĩ Lam quên tuốt món nợ bốn triệu mượn tay rồi, nên mới mừng húm như vậy, ra về mà cứ tủm tỉm cười hoài.
Cả anh bảo vệ cũng tới nhà, cũng tỏ mặt đau thương (nhưng trong bụng thì mừng rơn). Cái nhìn xa lạ của Lam đã giúp anh yên tâm hơn, vụ anh dỡ nắp cống và cắt hàng rào gai đi bán chỉ mình Lam biết, chắc chắn được xóa sạch trong vùng ký ức.
Lam thấy mình ứa nước mắt ra. Cười mà như khóc.
Trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm cứu vãn ký ức của con gái, mẹ Lam đã cầu cứu gần hết đám bạn bè, đồng nghiệp của Lam. Cả bà cụ bán đậu đỏ bánh lọt ở bến đò mà Lam hay lui tới. Những kỷ niệm lạt nhách lạt nhiểu được xướng lên. Lam vẫn trơ trơ, vẫn xa vời và ngơ ngác.
Thảm họa là mẹ Lam cũng chẳng có kỷ niệm nào hằn sâu thành vết để cùng Lam ôn lại, khơi gợi. Những chuyện Lam nhớ ghê gớm thì mẹ Lam không nhắc. Có thể nhắc làm mẹ đau. Có thể mẹ Lam không biết, hay đã quên mất rồi. Ví như bữa mẹ ném Lam lại cho ngoại, rồi đi, mẹ xuống đò không ngoái lại làm sao biết con - Lam - năm - tuổi đứng trên bến giãy khóc đến tím người. Hôm Lam nhận giấy báo vào Đại học, mẹ bận đi công vụ ở Nhật làm sao biết Lam cuồng lên vì vui.
Lam nghe đau như tim có một vết dằm. Cái ngày (đáng lẽ có đám cưới) đã nặng nhọc trôi qua. Mẹ Lam thôi rầu rĩ, hay ủ ê cũng chán rồi. Mà, dù chưa chính thức làm thông gia với phó chủ tịch thì thâm tình cũng đã sánh như mật, công ty của mẹ Lam cũng kiếm được nhiều hợp đồng lớn nhờ mối quan hệ này.
Lam bắt đầu nghĩ tới việc kết thúc trò chơi, bởi nó không còn gì để chờ đợi, để bất ngờ. Một bữa, vừa mở cửa, con nhỏ bán vé số thò đầu vào thầm thì, "Có ông nào đứng dòm nhà chị hoài, lạ lắm, chị ơi". Lam ngó ra, người nọ quay đi. Chỉ thấy áo jean đã bạc, chiếc nón sùm sụp trên đầu, cũng bạc.
Hôm sau, nép sau rèm cửa, Lam lại thấy người đàn ông chần chừ trước cổng nhà mình. Chẳng làm gì hết, chỉ nhìn vậy thôi. Đôi mắt đau đáu, mênh mông. Rồi lại đi, chậm chạp như đang đeo mang một cái gì đó nặng trĩu.
Ngày thứ ba, Lam ào ra níu tay ông ta lại khi ông định quay người bỏ chạy. Lam hỏi:
- Chú quen ai trong nhà nầy?
Ông không trả lời, nhìn Lam thảng thốt, nước sóng sánh trong mắt.
- Lam hả con ? Trời ơi, con lớn bộn vầy sao?
Rồi đọc trong mắt Lam một tia nhìn kinh ngạc, ông thất thần lùi lại, miệng lẩm bẩm, "Phải rồi, con không nhớ ... đâu". Lam nghe lẫn lộn trong câu nói đó có tiếng "ba". Và cảm giác trò chơi quên nhớ của mình sắp vào đỉnh điểm.
Mãi sau nầy, Lam vẫn không quên được ngày mình gặp lại ba (thì ông ta xưng vậy). Vì Lam không nhớ gì (y theo kịch bản) nên không thể vồ vập mừng nhau, cả hai bối rối vì không khí ngượng ngập đặc quánh. Ba Lam ngồi nắn mãi vành nón, chỉ đôi mắt là nhìn Lam chan chứa thương yêu.
- Hồi nhỏ, con bị cái thẹo trên trán. May thiệt, nó gần tan mất rồi...
Lam bất giác đưa tay lên sờ chỗ bị trầy hôm trước. Bỗng thấy thắt ruột, một tuổi thơ Lam chưa hề biết mở ra từng trang, từng trang, từng trang. Hôm ấy nắng nhiều, ba bắt Lam tập lội. Lúc hai ba con nhảy từ cầu ao xuống, đụng phải cọc ngầm, trán Lam loang máu. Sợ với vết sẹo làm con lớn lên xấu xí, ba đi đào củ nghệ, giã ra, rồi đắp lên. Lần khác, ba dẫn Lam đi công viên xem voi.
- Voi hả ba?
- Ừ, ba Lam cười, con voi đó có ghẻ, tội nghiệp lắm.
Lam bỗng có cảm giác mình từng đi công viên thật, và xót xa đứng nhìn con voi bị xiềng xích đang nhai mía, cái đuôi nó liên tục đuổi bầy ruồi lì lợm đang bu xèo xèo. Lam muốn tin (trọn vẹn) rằng, có lần, ba xin vải vụn may áo cho búp bê cưng bằng nhựa của Lam. Có lần, ba với Lam cùng thả diều trên cánh đồng chiều, ba nắn cho Lam con trâu đất đang ngẳn cổ ngắm mây bay ngời ngợi trên trời. Và ngày đầu tiên đến trường, ba trùm áo mưa, cõng Lam trên con đường trơn tuột...
Như thể mình đã trải qua rồi, cảm giác ấy làm mũi Lam nóng ấm hệt máu cam đang rịn xuống. Như thể Lam chưa từng cun cút đi qua thời thơ ấu, chơi trong nhà củi, nhà xuồng của ngoại, bạn bè chỉ những con ong bầu bay tới bay lui.
Ba đi rồi, Lam lại chui đầu vào mền, cười ha ha ha. Cười cho cái trò chơi oái oăm của mình.
Nhưng sáng sau, khi mẹ Lam ra khỏi nhà, ngó mấy con thằn lằn chạy lăn quoăn trên trần nhà, Lam bỗng thèm người. Lam ngờ ngợ thấy dường như mình thích vai diễn mới, vai đứa con được thương yêu. Lam chạy ra cửa thì thấy người đàn ông hôm qua đứng ở đó, mỉm cười. Lam bảo:
- Mẹ mới vừa đi.
Ông chua xót:
- Ừ, ba thấy... nhưng không thể gặp... Ba có lỗi nhiều lắm...
Dường như không có thứ gì xứng đáng để trả công cho sự nghẹn ngào kia, Lam tự nhủ. Cũng chẳng thứ chi có thể đổi được những ký ức mới mà người đàn ông nầy mang lại cho mình.
Nên một chiếc xe máy và vài triệu đồng trong tủ thì chẳng là bao, ngay khi tỉnh sau cơn mê dài, Lam đã nghĩ vậy. Mà, thằng cha đó giỏi thiệt, biết cả chuyện mình thích ăn kem, loại kem múc nước cốt dừa được kẹp giữa hai cái bánh tráng nhỏ.
Chỉ mẹ Lam thì không được thanh thản như vậy. Mẹ ôm Lam, sững sờ nhận ra Lam tin một kẻ lừa đảo xa lạ hơn mình. Chỉ vì hắn ta mua cho Lam kem...
- Ừ.
Đại ca Gấu hay ngồi nhìn sông, uể oải, rã rời. Mấy đứa nhỏ trong băng lừa đảo sống dưới dạ cầu Bơ thấy cảnh đó, hỏi nhau, không biết đại ca Gấu gặp chuyện gì? Chuyện gì là chuyện gì? Chắc tại lừa con nhỏ đó dễ quá nên đại ca mất hứng. Gấu nghe, cười khào, không nói. Rồi những khi Gấu nằm một mình trên băng đá, Gấu rất nhớ một nạn nhân, một đứa con gái hồn hậu, chẳng hề e dè nhận cái kem từ tay Gấu. Và trước khi nó thiu thiu ngủ, nó mỉm cười, nhìn Gấu giễu cợt:
- Tôi biết trong kem có - gì - đó... Nhưng sao lần nào tôi cũng phải trả giá, để được yêu thương?
Mỗi khi nhớ lại, đại ca Gấu lại nghe sống lưng mình lạnh buốt, như thể ánh mắt ấy đau nhói, đắng đót quanh đây. Đại ca buột miệng chửi thề khi phát hiện ra, trình độ lừa đảo của mình còn tệ quá. Đến nỗi không gạt gẫm được người mà còn rước phiền phức vô mình...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top