Giây phút sáng tạo: trước tiên là sự ám ảnh...
Phỏng vấn Trịnh Công Sơn, Tuấn Anh ghi. (Tuổi Trẻ Chủ Nhật, số đề ngày 10/11/1996)
Cám ơn anh Bùi Quan Thuận đã scan gửi bài này cho chúng tôi, một bài quan trọng mà trong đó TCS nói về quá trình sáng tạo của mỗi ca khúc; tuy là bài báo có nói rõ do "Tuấn Anh ghi", nhưng đây rõ ràng là lời lẽ gần như chính tay TCS viết, hay ít ra TCS cũng đã xem và sửa lại cho sát ý của mình. Chúng tôi cũng đã từng nghe TCS kể cái thích thú của mình khi đọc Camus, từng đoạn, rồi nhắm mắt lại, với bao nhiêu hình tượng và âm thanh tràn ngập, "đã" lắm ! (PvĐ, 31/08/2006)
Với một nhạc sĩ đã sáng tác hơn 600 ca khúc – mà phần lớn được yêu thích ngay từ khi ra mắt lần đầu - lắm lúc người ta phải tự hỏi sức mạnh nào đã đưa ông đi đến những bờ cõi tuyệt vời của sáng tạo không ngừng ấy ?
Trong triết học Mật tông có nói đến khái niệm về sự bùng nổ ý thức; tương tự, sáng tạo của con người cũng có những giây phút bùng nổ như vậy. Tất nhiên trước đó ta phải mang nặng trong tâm trí những ý tưởng, hình ảnh, triết lý... liên quan đến đề tài cần sáng tạo.
Trong sáng tác ca khúc chẳng hạn, trước khi viết ra một bài hát, tôi cũng phải suy nghĩ về nó rất dài lâu. Khoảng thời gian đó là vô hạn định, có thể là một ngày, một năm hay lâu hơn nữa. Đến khi tác phẩm hoàn toàn rõ ràng trong đầu thì việc chép ra có thể chỉ trong phút giây. Đó chính là giây phút bùng nổ quan trọng nhất của sáng tạo, nó vỡ ra tất cả những gì chưa giải quyết được còn dồn lại trong đầu bấy lâu. Nếu chỉ nhìn vào thời gian tác phẩm được ghi lại – có thể là một giờ, một ngày - người ta có thể cho rằng việc sáng tạo thật ngắn ngủi và dễ dàng, nhưng có ai tưởng được rằng tất cả những điều đó đã được tích lũy qua năm tháng. Bất cứ tác phẩm nào cũng phải như thế cả. Sáng tác nào không được phát thảo trước trong ý thức như vậy, thì khi nó ra đời cũng chẳng có giá trị gì.
Đôi khi ai đó thấy tôi lang thang trên phố, đứng ngắm một bức tranh hay che tay đứng nhìn một ngọn nắng; cứ tưởng là chơi, nhưng đó là những lúc trí óc tôi đang loay hoay với đề tài mà mình đang suy tưởng. Trên 600 ca khúc tôi viết – ví dụ như bài Hoa Xuân Ca hay Quỳnh Hương - đều ra đời như vậy, từ một hội ngộ kín đáo giữa tôi và cuộc đời trong một dịp ngẫu nhiên nào đó. Nhìn thấy một ánh nắng, một giọt mưa hay một người con gái trên đường, trong tôi có thể bỗng vỡ vạc những cảm giác cuối cùng ập đến, khơi mở, hoàn thiện cho một cái mới. Muốn được như vậy tôi phải làm một chứng nhân của nắng mưa, của sáng chiều, sớm tối. Những cái tưởng chừng lặng lẽ đó đầy sức sống và ban tặng cho mình vô vàn những điều sâu sắc. Tôi cũng làm chứng nhân về những người già, em bé, những người thiếu nữ, sự hạnh phúc, cái chết, sự sống. Mỗi khi ghi nhận những hình ảnh đó vào trí nhớ, tôi bao giờ cũng bị giam, bị vây nhiều giờ phút nghĩ về con người và soi rọi lại mình để hình thành một ca khúc.
Cũng có những tác động tưởng chừng là bất ngờ ập đến, tạo ra một niềm cảm hứng. Nhưng hãy ngẫm nghĩ mà xem, nếu như không có sự tư duy, nuôi dưỡng từ trước thì cảm hứng chẳng thể nào trào dâng lên được. Ngược lại, sự ngỡ ngàng do cái mới bất ngờ ập đến chỉ có thể tạo nên sự trống rỗng, vô hồn, hoặc chỉ đơn thuần ghi chép lại chứ không là sáng tạo.
"Một hôm thấy ta là lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do...", tôi còn nhớ ca khúc này và sự chiêm nghiệm của mình như là một tổng kết những gì mà tôi cảm nhận được từ cuộc đời của tôi, của mọi người. Thực lòng mà nói, tôi chịu ảnh hưởng của Albert Camus trong bài hát này. Trong tác phẩm « Ghi chép ở Angiêri » (« Notes d'Algérie »), ông ghi lại những tiếng chó sủa ban đêm, những bước chân đi mà ai cũng có thể một lần nghe thấy trong đời mình nhưng không mấy người nhìn ra được điều đó từ chúng. Ngẫm lại đời mình, tôi thấy tôi nhiều muộn phiền. Không hiểu vì sao tôi đã ray rứt về sự ra đi, ở lại của cuộc đời từ rất sớm. Tôi đã chọn hình tượng lá cỏ để ví với mình. Vì sao lại là lá cỏ? Có thể cuộc đời rộn ràng có quá nhiều điều để ta phải lưu ý, nhưng trong đó không thể không có sự góp mặt của những điều nhỏ nhoi. Ngọn cỏ, lá cây hay cây đa đều có bổn phận của nó với cuộc đời. Cỏ có bổn phận cỏ, lá có bổn phận lá. Tôi không mơ ước gì to lớn, mà nghĩ mình như một phận cỏ hèn. Vì hèn mọn nên nó không phải to lớn và có bổn phận nặng nề như cây đa, vì vậy nó tự do lắm. Và vì sao lá cỏ lại hát? Bài hát là phương tiện để bày tỏ lòng mình với cuộc đời, có gì đẹp hơn chiếc lá cỏ nhỏ nhoi nhưng tự do ca hát với đời mình? Rũ bỏ những muộn phiền và thảnh thơi đời mình , điều này đã ám ảnh tôi từ lâu, lâu lắm rồi, nhưng chỉ đến khi viết được những câu hát như vậy tôi mới thấy nhẹ lòng. Ý tưởng này quanh quẩn trong tôi nhiều năm và chỉ được giải tỏa khi sáng tạo vụt đến và bật được thành những giai điệu như vậy.
Tôi cũng muốn nói với các bạn trẻ sáng tác sau này, ngoài sự tư duy về tác phẩm, về đề tài, còn phải tạo cho mình một nền tảng về triết học. Chính từ đây mà trong tác phẩm của mình mới có được sự sâu sắc. Nếu như ít đọc sách thì mình chẳng thể nhận thêm những chiêm nghiệm sâu sắc của người khác. Một mình mình suy nghĩ thôi thì không đủ vốn liếng với cuộc đời. Chính tôi cũng không thể đứng ngoài con đường ấy được...
Phỏng vấn Trịnh Công Sơn,
Tuấn Anh ghi.
Tuổi Trẻ Chủ Nhật
số đề ngày 10/11/1996)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top