Đại lễ phục (2)
I. Lễ phục Địch y (2)
2. Quy chế Địch y tại Triều Tiên
a) Khái lược
- Địch y tại Triều Tiên được quy định rất chặt chẽ, không phải ai cũng có thể khoác lên mình bộ Lễ phục đồ sộ và rực rỡ này. Chỉ có những người thuộc đích hệ trong Vương thất Triều Tiên mới có quyền mặc, những người đó là Vương Đại phi ( Đại phi), đương kim Vương phi và Vương phi tương lai gồm Thế tử Tần và Thế tôn Tần. Địch y được sử dụng trong các dịp lễ lớn, trang trọng như: Lễ sách phong, lễ Nghênh thân, Đồng lao yến, Triều hạ và dùng như Tế phục và Đại liệm y ( mặc cho tử cung của Vương phi khi Vương phi qua đời)
- Về màu sắc thì Vương phi dùng Đại hồng đoạn Địch y ( Địch y màu đỏ), Đại vương Đại phi và Đại phi dùng Tử đoạn Địch y (Địch y màu tía), Thế tử Tần và Thế tôn Tần dùng Hắc đoạn Địch y ( Địch y màu đen).
- Hình thức Địch y chế tác như nhau, không phân biệt thân phận
b) Quy chế qua các thời kì
- Địch y biến đổi 5 lần 4 các thời kì:
+ Sơ kì trước thời Thái Tông ( trước khi nhận được sách phong Triều Tiên Quốc vương)
+ Sơ kì thời Thái Tông ( sau khi nhận được sách phong Triều Tiên Quốc vương)
+ Trung - Hậu kì ( khi làm chư hầu dưới triều nhà Thanh)
+ Đại Hàn Đế quốc ( thoát khỏi cảnh lệ thuộc vào "Thiên quốc")
- Bài viết này sẽ chỉ tìm hiểu đến Địch y thời Trung - Hậu kỳ, còn thời Đại Hàn Đế quốc thì Địch y án theo ngôi Hoàng hậu sẽ không được nhắc đến.
☆1. Địch y Sơ kỳ trước thời Triều Tiên Thái Tông
- Sau khi Lý Thành Quế lập ra nhà Triều Tiên nhưng lúc đó chỉ nhận tước Cao Ly Quốc Quyền Tri Quốc Sự nên trang phục chỉ chiếu theo vua Cao Ly. Vì vậy mà Địch y của các Vương phi các đời trước khi nhận được sách phong Triều Tiên Quốc vương của nhà Minh đều được chế tác theo quy chế Địch y của Cao Ly Vương phi và được chế tác theo chế độ Địch y của của Hoàng thất Tống triều.
- Địch y thời kỳ này gồm có: Quan sức, Địch y, Tố sa trung đan, Tế tất, Đại đái, Cách đới, Bội, Tuy, Thanh miệt, Thanh tích.
+ Quan sức là Thất huy nhị phụng quan ( Phượng quan có 7 hình chim trĩ và 2 hình phượng); hai bên trang trí 2 Bác mấn ( vật trang trí dài giống như cánh chuồn của mũ Phốc đầu) trải dài xuống cài 9 cái kẹp hoa và 9 cái kẹp hoa nhỏ
+ Địch y thanh sắc thêu Cửu đẳng tú địch
+ Tố sa trung đan thêu hình Búa ( 1 trong 12 họa tiết cổ của Trung Hoa và các nước Á Đông đồng văn)
☆2. Địch y Sơ kỳ thời Triều Tiên Thái Tông.
- Thời kì này Miện phục của Quốc vương và Địch y của Vương phi đều được nhà Minh ban xuống nên Địch y còn được gọi là Đại sam theo quy chế Thân vương phi Minh triều. Năm Thái Tông thứ 3 ( 1403), Triều Tiên chính thức nhận được sắc phong Triều Tiên Quốc vương của nhà Minh, Địch y của Vương phi được quy định như sau:
+ Vương phi Địch y 1 bộ
+ 1 đỉnh châu thúy Thất địch quan ( Phượng quan có 7 hình chim trĩ), tất cả đều đính trân châu tổng cộng 4260 viên, trong đó: Đầu dạng đại châu 14 viên, Đại dạng châu 47 viên, Nhất dạng châu 350 viên, Nhị dạng châu 850 viên, Tam dạng châu 1235 viên, Ngũ dạng châu 420 viên, Bát dạng châu 720 viên, Cửu dạng châu 616 viên.
+ Ban Các sắc tố trữ sa y phục, tổng cộng 4 loại gồm: Đại hồng tố trữ sa giáp Đại sam, Phúc thanh tố trữ giáp Viên lĩnh, Thanh tố trữ sa tú địch kê Hà bí và Táp hoa kim trụy đầu.
- Đến năm Thế Tổ thứ 2 ( 1456), theo ghi chép thì Đại sam Vương phi được nhận ngoại trừ Châu thúy thất địch quan còn có: Đại hồng trữ ti Đại sam, Thanh trữ ti tú quyển kim địch kê Bối tử, Thanh tuyến la thải tú quyển Hà bí và Tượng ngà nữ Hốt
☆3. Địch y Trung kỳ
- Trong quá trình Vương thất chạy nạn trong Nhâm Thìn Oa Loạn, tất cả Địch y của Vương phi đều bị thất lạc. Thêm vào đó theo thời gian thì Vương thất đã có chế độ phục sức riêng và đang phát triển theo phong tục của Triều Tiên. Vì vậy đây là thời điểm kiện toàn Địch y theo phong tục riêng của bán đảo Triều Tiên và có thể xem đây là thời kỳ quá độ của Đại sam và Địch y thời Trung kỳ Triều Tiên.
- Dựa theo Nghi Quỹ thì Địch y được chế tác cả trong lẫn ngoài bằng Đại hồng sa ( lụa đỏ) và ngay chính giữa ngực thêu Vân phụng Hung bối ( Hung bối/Bổ tử thêu hình mây và phượng) ; Trước và sau Địch y thêu tổng cộng 36 hoa văn Viên địch
+ Phía trước áo và 2 bên vai mỗi bên thêu 10 Viên địch
+ Còn lại 16 Viên địch được thêu ở mặt sau của Địch y.
- Dựa vào Gia Lễ Đô Giám Nghi Quỹ thì Địch y của Thế tử Tần được chế tác từ vải không có hoa văn màu Nha thanh sắc, trên đó thêu tổng cổng 36 hoa văn Song phụng. Trên ghi chép thì có sự khác nhau trong việc Vương phi dùng hoa văn chim trĩ còn Thế tử Tần dùng hoa văn Phượng hoàng. Có khả năng cao là quy chế Địch y của Vương phi đã được thay đổi, từ thêu hoa văn Viên địch chuyển sang dùng hoa văn Song phượng. Lúc này cũng không sử dụng Thất địch quan như trước nữa mà dùng Thế phát để trang trí đầu sức gọi là Đại thủ quan.
☆4. Địch y Hậu kỳ
- Dựa theo Quốc triều tục Ngũ lễ nghi tự lệ, lúc này Địch y đã được hoàn thiện hơn so với Địch y ở thế kỷ 17. Lấy nền tảng là chế độ Địch y của nước chư hầu hoàn thiện theo nét riêng của Triều Tiên. Được áp dụng cho đến khi Triều Tiên Cao Tông xưng Đế năm 1897 thì loại Địch y này đã được sử dụng trong hơn 200 năm.
- Dựa theo chế độ Địch y trong Quốc triều tục Ngũ lễ nghi tự lệ thì Địch y của Vương phi, Thế tử Tần và Thế tôn Tần được quy định như sau:
+ Hốt ( Trấn khuê): Vương phi dùng bạch ngọc, chế tác giống như của Quốc vương. Thế tử Tần và Thế tôn Tần dùng thanh ngọc chế tác
+ Thủ sức ( Đại thủ quan): dựa theo Chu lễ phần Biên chế thì có thêm Kim trang và Thủ sức Thất bổ. Thủ sức Thất bổ gồm: Đới yêu, Trường trâm, Lập phụng trâm, Hậu phụng trâm, Long trâm, Viên trâm và Thủ sa chỉ.
+ Địch y: Vương phi dùng Đại hồng đoạn, Thế tử Tần và Thế tôn Tần dùng Hắc đoạn, còn Vương Đại phi và Đại Vương Đại phi dùng Tử sắc đoạn. Hình thức của Địch y không phân biệt thân phận mà chế tác như nhau. Ở giữa ngực và 2 bên vai của Vương phi Địch y thêu Ngũ trảo Long bổ; Thế tử Tần thêu Tứ trảo Long bổ; Thế tôn Tần thêu Tam trảo Long bổ. Địch y thời kỳ này thêu tổng cộng 51 Viên địch, phía trước 2 bên thêu mỗi bên 7 Viên địch từ trên xuống dưới, mặt sau thêu mỗi bên 9 hình Viên địch và 2 bên cổ tay áo bên ngoài thêu 9 hình Viên địch.
+ Hà bí: đều giống nhau, không phân biệt thân phận. Bên ngoài làm bằng Hắc đoạn và bên trong làm bằng Hồng trừu. Trên Hà bí thêu 28 hoa văn Vân hà và 26 hoa văn chim trĩ bằng bột vàng. Cách mặc Hà bí cũng khác với Sơ kỳ là thay vì kết phía trước thì thời kì này sẽ kết phía sau và treo trên vạt áo.
+ Thường ( Váy): làm bằng Thanh đoạn với tà phía trước gấp 3 lần thành 1 tà và tà phía sau gấp 4 lần chia thành 2 tà nên tà phía sau sẽ dài hơn phía trước. 3 tà Thường này được gắn ở cuối thắt lưng tạo thành 1 chiếc váy 3 tà. Ở giữa và cuối tà váy có thêu Kim long và váy này được gọi là Tất lan, dùng cho Vương phi. Đối với Thế tử Tần thì thêu hình Kim phụng.
+ Đại đới: bên ngoài làm bằng Đại hồng đoạn và bên trong là Bạch lăng, đường viền màu xanh lá.
+ Ngọc đái: Vương phi dùng ngọc điêu khắc còn Thế tử Tần dùng ngọc thô. Thế tôn Tần giống với Vương thế tôn, sử dụng Thủy tinh đái ( đai làm bằng thạch anh).
+ Bội: đều giống của Đại vương
+ Tuy: Vương phi và Thế tử Tần chế tác giống của Đại vương. Ban đầu làm bằng Hồng hoa cẩm của Trung Quốc ban xuống và được trang trí bằng Song kim hoàn. Về sau đổi thành vải ngũ sắc không có hoa văn
+ Tế tất: Vương phi và Thế tử Tần chế tác giống như Đại vương, đều không có hoa văn
+ Miệt ( tất): Vương phi giống với Đại vương. Thế tử Tần dùng màu Hắc đoạn.
+ Tích (giày): Vương phi giống của Đại vương, chỉ khác là ở cuối giày có thêu 3 đóa hoa màu hồng và xanh lá. Thế tử Tần cũng giống như của Vương phi nhưng dùng Hắc đoạn.
Đại lễ phục của Thế tử Tần
☆Nguồn: page Hán Thành Phủ.
1695 từ
--------------------------------------------------------------
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top