Chương 31 - Đừng Hối Tiếc

Đại hội thể thao kết thúc vào tháng 11, tháng sinh nhật của Kỳ Duyên, cũng là tháng kỷ niệm của trường đại học Ngoại thương. Ngày 13 tháng 11 năm nay vừa tròn 100 năm thành lập trường. Từ đầu tháng 11, các hoạt động kỷ niệm đã diễn ra sôi nổi, liên tục mời về rất nhiều cựu sinh viên ưu tú, các buổi tọa đàm sáng đèn nối liền không dứt.

Tối hôm trước, Kỳ Duyên còn bừng bừng thông báo mấy ngày tới không về ăn cơm, cô đi tham gia buổi tọa đàm của Vu Diêu, một vị tác giả cô rất hâm mộ. Vậy mà hôm sau, Minh Triệu đã nhìn thấy Kỳ Duyên bộ dáng rầu rĩ, chu chu miệng nhỏ, ngồi thừ ra đợi cơm chứ không làm rộn nàng như mọi hôm.

Lúc ăn cơm, Minh Triệu ngồi một bên múc canh cho cô, âm thanh dịu dàng trêu ghẹo: "Hôm nay đã xảy ra chuyện gì? Là ai chọc Kỳ Duyên mất hứng rồi? Miệng nhỏ cũng sắp dài như móc câu rồi kìa!"

Kỳ Duyên tiếp nhận bát canh, nghe vậy liền có chút ngượng ngùng: "Dễ thấy như vậy sao?" Cô khuấy thìa, thản nhiên nói: "Kỳ thực cũng không có gì. Dì Triệu, dì còn nhớ hôm qua con nói mấy ngày tới con muốn đi nghe buổi tọa đàm của Vu Diêu văn sĩ không?"

Minh Triệu gật gật đầu, tỏ vẻ nhớ rõ.

"Hôm nay con chạy đến Văn Học viện, đứng xếp hàng cả buổi trưa, vậy mà đến lượt con thì vé đã hết rồi...". Nói xong, cô phảng phất hồi tưởng lại cảm giác uất nghẹn, đứng xếp hàng lâu như vậy giữa trời nắng gắt mà lại hết vé! Cô nhịn không được nhíu chân mày, hướng Minh Triệu phàn nàn: "Đáng ghét a! Lâu lâu mới có dịp, vậy mà vé lại ít như vậy! Ngành Văn học mỗi ban đều có suất, vé cho các học viện khác cộng lại cũng không bằng một ban của bọn họ, thật không công bằng mà!"

Minh Triệu nhìn thiếu nữ giận dỗi trước mắt, không khỏi cười khẽ một tiếng, phụ họa cô nói: "Uhm, thật là quá khinh người. Lần sau mời Lý Kim Tinh đến, Học viện Tài chính và Kinh tế chúng ta liền để Ngành Văn học bọn họ hảo hảo cảm thụ việc đứng chờ dưới trời nắng đi." Lý Kim Tinh là cựu sinh viên hệ Tài Chính của trường Đại học Ngoại thương, sau khi tốt nghiệp liền tham gia vào ngành giải trí, nổi danh khắp cả đại giang nam bắc, hiện là một trong Tứ Đại Tiểu Sinh lừng lẫy.

Kỳ Duyên bị nàng dỗ ngọt liền vui vẻ hứ một tiếng: "Học viện Tài chính và Kinh tế chúng ta? Dì Triệu, lẽ nào dì không đếm xỉa gì đến đám học muội hệ Văn học của mình sao?"

Minh Triệu hơi nghiêng đầu, nhẹ nhàng mỉm cười chớp mắt vô tội nói: "Dì có con là đủ rồi a."

Vốn chỉ là một câu đùa hờ hững của Minh Triệu, thế nhưng vừa dứt lời đã khiến Kỳ Duyên thẫn thờ, cô mở to hai mắt nhìn nàng chăm chú. Minh Triệu nhìn Kỳ Duyên, đôi mắt cô tựa như có thiên ngôn vạn ngữ, lại chứa chấp một thứ cảm xúc phức tạp nàng chưa từng thấy qua. Minh Triệu không khỏi giật mình, nàng vừa rồi có nói gì sai ư? Nàng cắn môi, trong nhất thời có chút mơ hồ.

Nàng còn chưa kịp suy nghĩ thông suốt, Kỳ Duyên đã khôi phục lại vẻ xán lạn ngây thơ thường ngày, cúi đầu nhìn bát sứ, chậm rãi đổi chủ đề: "Dì Triệu, học viện tụi con tháng sau có cuộc thi Kịch tâm lý xã hội, mỗi lớp đều phải tham gia. Hiện tại lớp con đang thu thập kịch bản để chọn ra một cái ưu tú nhất, con dự định nhân dịp này tiếp xúc nhiều hơn với các bạn đồng học, hảo hảo dung hòa với tập thể lớp." Nói đoạn, cô lại ngẩng lên, chăm chú nhìn Minh Triệu hỏi: "Hai ngày nữa con viết xong kịch bản, có thể nhờ Dì Triệu giúp con xem qua một chút không?"

Minh Triệu tất nhiên là ủng hộ, không nghĩ nhiều liền gật đầu đồng ý: "Việc này có gì phiền đâu, đương nhiên là có thể." Nàng buông xuống nghi ngại đối với ánh mắt vừa rồi của Kỳ Duyên, coi như chỉ là ảo giác của mình, mong đợi nói: "Trước kia có nghe mẹ con kể, con là đối với phương diện này của văn học rất có hứng thú, từ khi học cao trung đã có mấy thiên tiểu thuyết được đăng tạp chí. Dì vẫn luôn muốn được đọc một chút."

Đây không phải là lời khách sáo. Từ khi nghe Tuệ An kể tiểu thuyết của Kỳ Duyên được đăng tạp chí, Minh Triệu liền một mực hiếu kỳ, nhưng nàng trước nay chưa từng chủ động hỏi qua Kỳ Duyên. Nàng hiểu rằng đối với một số người, viết lách là cánh cửa để họ mở ra thế giới nội tâm của mình với những người xa lạ. Nàng sợ Kỳ Duyên không nguyện ý cho mình đọc, cho mình nhìn thấy thế giới nội tâm của cô. Minh Triệu vốn dĩ luôn như vậy cẩn thận hiểu lòng người, nàng sẽ không để người khác phải rơi vào tình huống khó xử.

Kỳ Duyên ngây người chăm chú nhìn hàng lông mi dày đặc của Minh Triệu, mấp máy khóe môi, trầm mặc chìm đắm vào thế giới của chính mình, qua một lúc cô như phảng phất hiểu ra một điều gì. Một hồi lâu, đến khi Minh Triệu nghi hoặc kêu tên cô một tiếng "Kỳ Duyên?", cô mới định thần lại, dời đi ánh mắt, giải thích qua loa che đậy: "A, xin lỗi Dì Triệu, con vừa nghĩ tới hai ngày nữa không được đi nghe tọa đàm, đầu óc liền có chút không tập trung."


Minh Triệu không chút nghi ngờ, ánh mắt nàng nhìn Kỳ Duyên lại là càng có phần trìu mến cùng lo lắng. Cô thích nghe tọa đàm đến vậy ư... Nàng khẽ khép đôi bàn tay, mười ngón thon gầy bất giác vuốt nhẹ như đang suy nghĩ điều gì.

❅❅❅

Năm nay sinh nhật âm lịch của Kỳ Duyên rơi vào Chủ Nhật ngày 05 tháng 11, sớm hơn năm ngày so với tân lịch. Hàng năm, Kỳ Duyên đều được tổ chức sinh nhật hai lần, âm lịch là dịp quây quần với gia đình, còn tân lịch cô sẽ ra ngoài ăn mừng cùng đồng học bằng hữu.

Ngoại trừ lần lên tám tuổi, Kỳ Duyên bắt đầu vào tiểu học, lại nhân dịp dọn về nhà mới nên nhà họ Nguyễn làm tiệc lớn đãi khách. Còn lại mọi năm sinh nhật cô đều giản dị cùng ba mẹ và ông bà ngoại ăn một bữa cơm ấm cúng. Kỳ Duyên vốn nghĩ năm nay cũng sẽ như vậy, trở về đoàn viên với gia đình, sau đó cùng Minh Triệu ra ngoài ăn một bữa cơm là tốt rồi. Nhưng Tuệ An không đồng ý. Năm nay là sinh nhật thành niên của Kỳ Duyên, hơn nữa cô lại vừa mới thi đậu đại học Ngoại thương danh tiếng, vì vậy năm nay thương lượng một chút với Quốc Bảo ba cô, cố tình tổ chức một bữa tiệc long trọng, mời hết bạn bè thân thích để hảo hảo chúc mừng cô.

Kỳ Duyên kỳ thực không thích xã giao với trưởng bối, bằng hữu cùng học trò của cha mẹ cô. Cả nhà cô đều là giáo sư, học trò đông đếm không xuể, mỗi lần tụ họp có đến từng bàn từng bàn toàn những anh, chị, chú, dì cô không hề quen biết. Người này hỏi một câu, người kia hỏi một câu, Kỳ Duyên gắng gượng mỉm cười, thăm hỏi xong một vòng liền cảm thấy mỏng đi mất một tầng da mặt. Thường ngày, cô cùng cha mẹ nói rõ, cô biết việc xã giao là cần thiết, lễ nghi phép tắc cũng phải chu toàn. Thế nhưng, Kỳ Duyên thật sự không mong ngày sinh nhật lại phải chật vật lăn lộn như vậy. Cô cùng mẹ giằng co khuyên can một hồi, cuối cùng cũng thuyết phục được Tuệ An đồng ý đặt ba bốn bàn tiệc, mời một ít người thân cùng bạn bè đến chung vui.

Ngày thứ Sáu, Tuệ An không đến trường đón Kỳ Duyên mà cố ý đi thẳng đến nhà Minh Triệu để mời nàng cùng về dự lễ sinh nhật của Kỳ Duyên. Trước khi đến, Tuệ An trong lòng kỳ thực đã dự liệu Minh Triệu hơn phân nửa sẽ là từ chối không đi. Hai gia đình vốn qua lại thân thiết nhiều năm, những người nàng mời đến dự tiệc phần lớn cũng là người quen của nhà họ Phạm. Chỉ là, Tuệ An vẫn không khỏi ôm vài phần hy vọng. Đã nhiều năm như vậy, nàng mong Minh Triệu có thể dần buông bỏ, chậm rãi đối diện quá khứ.

Rốt cuộc vẫn không ngoài dự liệu, Minh Triệu nhàn nhạt dịu dàng từ chối: "Chị, em không về. Em đợi đến ngày tân lịch sẽ lại chúc mừng sinh nhật Kỳ Duyên." Minh Triệu rũ mắt, nhìn thấy Kỳ Duyên cắn môi, bộ dáng thoáng chút mất mát, liền đưa tay vuốt vuốt tóc cô, nhu giọng dỗ dành: "Dì có chuẩn bị lễ vật, đến lúc đó đem tặng con có được không?".

Kỳ Duyên vốn đang ảm đạm vì bị cự tuyệt, chỉ một thoáng lại sáng bừng lên, gấp gáp không che giấu nổi chờ mong: "Được!" Nói xong, cô có chút xấu hổ vì chính mình không kiềm chế, không có ý tứ, liền nhỏ giọng mà bồi thêm một câu: "Kỳ thực, không có lễ vật cũng không sao mà."

Minh Triệu biết tâm tư thiếu nữ vốn đều là khẩu thị tâm phi, nhưng vẫn nhướn mày, như có như không trêu đùa cô "Thật sao? Có thể không đưa lễ vật ư?"

Tuệ An gõ nhẹ lên đầu Kỳ Duyên ba cái, đối Minh Triệu cười nói: "Triệu, em đừng để ý nàng, đưa lễ vật cái gì, lớn như vậy rồi mà còn nghĩ mình là con nít. Em đừng nuông chiều nàng a. "

Minh Triệu không đáp ứng Tuệ An, ngước đôi mắt trong veo ngắm nhìn Kỳ Duyên, long lanh như ánh sao. Kỳ Duyên nhìn vào đáy mắt trong suốt như nước kia, thoáng chốc không nhịn được câu lên khóe môi. Cô nhướn mày bá đạo trả lời nàng: "Lừa gạt dì a, lễ vật không thể không có. Bất quá, chỉ cần là một lời chúc "Sinh nhật vui vẻ" thôi cũng khiến con vui rồi."

Minh Triệu đưa tay nhẹ nhàng sờ sờ mũi cô, hứa hẹn: "Uhm, không lừa gạt con. Lễ vật đều đã có, dì giữ lại cho con, chờ con trở về."

Tuệ An thở dài: "Triệu, em nuông chiều nàng như vậy, lại tốn kém em rồi."


Minh Triệu lắc đầu nói: "Không sao, em là nuông chiều chính mình. Nhìn thấy Kỳ Duyên vui, em cũng cảm thấy vui."

Kỳ Duyên nghe giọng nói nhỏ nhẹ của nàng, trong đáy mắt càng phát ra vạn phần ôn nhu sâu kín.

❅❅❅

Tiễn Kỳ Duyên cùng Tuệ An ra ngoài xong, Minh Triệu chờ các nàng đi vào thang máy rồi mới đóng cửa lại. Nàng nhìn qua căn phòng bỗng trở nên yên tĩnh và trống rỗng, có chút ngơ ngác một chút, rồi sau đó lại như ngày thường đi đến thư phòng làm việc.

Nàng mở máy tính, bận rộn kiểm tra hộp mail, rồi cẩn thận kiểm duyệt bài viết. Ngón tay thon dài ở trên bàn phím lộn xộn vũ động, phát ra từng hồi âm thanh "cọc cọc" êm tai. Sau một hồi, ngón tay Minh Triệu bỗng ngừng lại trên bàn phím, thật lâu cũng không tiếp tục cử động.

Nàng cứ cảm thấy có điểm nào đó không đúng...

Minh Triệu nghiêng đầu nhìn về chiếc ghế trống gần kề, nơi đó đã vắng đi hình bóng quen thuộc của Kỳ Duyên. Từ lần đầu Kỳ Duyên xin đến ngồi bên cạnh nàng, dần về sau đã trở thành thói quen. Gần như mỗi buổi chiều tại thư phòng, Kỳ Duyên đều sẽ luôn ở bên cạnh nàng, cùng nàng làm việc. Mỗi lúc nghỉ ngơi, nàng thả lỏng tâm trí, quay đầu lại sẽ nhìn thấy ánh mắt của Kỳ Duyên hướng về chính mình, khẽ lộ ra hàm răng trắng mà trìu mến mỉm cười. Đó thật sự là một loại tịch mịch làm ấm lòng người.

Kỳ Duyên mới đến không bao lâu, chỉ là trong lúc bất tri bất giác, nàng tựa hồ đã hình thành thói quen có Kỳ Duyên sinh hoạt ở bên cạnh. Bản tính vốn ưa tĩnh lặng, vậy mà hôm nay gian phòng tịch mịch lại làm nàng có chút không dễ chịu, còn có thể thấy được vài phần cô đơn tư vị.

Minh Triệu không khỏi bật cười, thói quen, quả nhiên là một thứ đáng sợ.

Tầm mắt của nàng lại đảo qua chiếc bàn gọn gàng của Kỳ Duyên, ánh mắt ngưng lại tại cuốn kịch bản tâm lý Kỳ Duyên mang về cho nàng sau giờ tan học.

Minh Triệu vuốt lông mày, khép lại máy tính, ngồi dậy rót một ly nước ấm. Nàng dừng bên máy lọc nước, sâu kín nhìn gian phòng khách vắng lặng, từ tốn uống từng ngụm nước. Sau đó, nàng đi phòng vệ sinh rửa tay rồi mới quay trở về thư phòng, lần nữa ngồi vào bàn bắt đầu lật dở cuốn kịch bản mỏng.

Kỳ Duyên từng phân tích qua với nàng, với chủ đề lần này nếu muốn xúc động nhân tâm, làm cho người xem dễ sinh đồng cảm thì nội dung phải sát với cuộc sống đời thường. Ngoài tình thân, tình bạn, tình yêu, nhân vật nên xoay quanh cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Minh Triệu tỏ ý đồng tình, những chủ đề này dù đã được khai thác rất nhiều lần nhưng vẫn luôn nhận được sự quan tâm lớn.

Kỳ Duyên tiếp tục phân tích sâu hơn. Cuộc thi lần này vị trí giám khảo sẽ do ban lãnh đạo Học viện Tài chính cùng một vài đàn anh khóa trên của Học viện Hí kịch đảm trách. Trong đó, ban lãnh đạo hẳn sẽ có tiếng nói hơn. Nàng nhận định, thầy cô trong ban lãnh đạo đều ở độ tuổi trung niên, vì vậy chủ đề tình thân sẽ gần gũi với họ hơn là tình bạn hoặc tình yêu. Lại nói, các thầy cô đa phần đều đã làm cha, làm mẹ, sẽ dễ dàng đồng cảm với nhân vật hơn. Vì vậy cô quyết định viết một vở kịch về ơn nghĩa của cha mẹ.


Kỳ Duyên quyết tâm nếu đã tham gia, nhất định phải đoạt được giải thưởng.

Minh Triệu nghe Kỳ Duyên phân tích cẩn thận, ban đầu có chút kinh ngạc, liền sau đó là thật sâu thưởng thức. Nàng nói: "Kỳ Duyên, con có thể suy nghĩ thấu đáo đến mức này, đã là nắm chắc nửa phần thắng." Nàng đã làm nhiều năm trong ngành xuất bản, đương nhiên hiểu rõ tầm quan trọng của thị hiếu người đọc. Mà điểm trọng yếu này, không phải người nào cũng có thể ý thức được. Kỳ Duyên có thể ý thức được điều này, không nói là việc chọn đề tài đã thành công một nửa, mà là trong quá trình phát triển kịch bản, trực giác cũng đã có khuynh hướng rõ ràng rồi.

Đạo lý vốn là đơn giản như vậy. Bất luận làm việc gì, chỉ cần trước hết xác định rõ đối tượng mục tiêu, rồi phân tích lý giải cặn kẽ, liền có thể hành sự thuận lợi. Chỉ là người trẻ tuổi, phần lớn là tự tin kiêu ngạo, thường muốn làm việc theo chủ ý của mình mà ít khi nào uốn mình chiều theo ý người khác. Kỳ Duyên dù tràn đầy tự tin kiêu hãnh, nhưng thú vị là, cô cũng là đứa trẻ rất hiểu chuyện.

Minh Triệu cẩn thận nhắc nhở cô, nói: "Chủ đề này thật ra rất khó viết ra ý mới, cũng rất khó tìm được màu sắc riêng. Phần lớn đều là tác phẩm nhàn nhạt, không có gì nổi bật."

Nghe xong, Kỳ Duyên nghịch ngợm nhướn mày lộ vẻ thiếu niên tự đắc, cô trợn mắt cười: "Cái này còn phải chờ xem. Văn của con không phải bình mới rượu cũ như bọn họ a."

"Bản lĩnh a..." Minh Triệu hồi tưởng lại giọng nói phô trương dễ nghe của thiếu nữ, nhẹ giọng kêu khẽ, khuôn mặt vạn phần nhu hòa ấm áp.

Nàng lật ra cuốn kịch bản, tựa đề《Cha》, nghiêm túc bắt đầu phẩm đọc.

❅❅❅

Kịch bản mở đầu bằng đoạn trích từ cuốn tản văn《Dõi Mắt Nhìn Theo》của nữ văn sĩ nổi tiếng Long Ứng Đài "Tôi dần hiểu ra rằng, đã là duyên phận cha con, mẹ con, thì có nghĩa là đời này kiếp này, chúng ta sẽ luôn đưa mắt dõi theo bóng hình của nhau, dần dần khuất xa. Bạn đứng ở đầu đường bên này, nhìn hình bóng của cha dần dần khuất lấp ở ngã rẽ cuối đường. Người cha lại dùng bóng dáng trầm mặc lặng lẽ nói với bạn rằng, đừng đuổi theo nữa."

Văn án mở ra giống như Minh Triệu dự đoán, là một câu chuyện đời thường về mâu thuẫn trong gia đình. Nữ chính là sinh viên năm thứ hai sinh trưởng trong một gia đình truyền thống Việt Nam điển hình, phụ nghiêm mẫu từ. Mẹ nàng yêu nàng hết mực, cha thì lại ít nói nghiêm khắc, càng lớn tuổi về sau, hai cha con lại càng không thường nói chuyện. Mở miệng vài câu liền bắt đầu giằng co tranh cãi.

Màn thứ nhất. Con gái trở về nhà nghỉ hè. Cha mẹ tỉ mỉ chuẩn bị bữa cơm chiều nóng sốt, mẹ nàng lui cui nấu nướng suốt từ trưa. Con gái lúc ăn cơm lại cắm mặt vào điện thoại, tán gẫu với bạn bè, không tập trung mà chỉ qua loa ăn vài miếng. Cha cảm thấy tâm ý của mẹ không được trân trọng, mở miệng răn dạy, hai người lại bùng lên tranh cãi, con gái cầm đũa gào lên "Con ở nhà này ngay cả tự do dùng điện thoại cũng không được sao?" . Kết màn.

Con gái sau khi trở về trường, tố khổ với bạn học, thật lâu sau cũng không chịu về thăm nhà. Mẹ gọi điện thoại cho con gái, cha ra dấu mở loa ngoài, trầm mặc mà cẩn thận từng li từng tí nghe lén giọng con gái. Cha khe khẽ nhờ mẹ hỏi con gái, khi nào trở về, ông nhớ nàng. Vợ cúp máy rồi, ông mới thâm trầm thở dài một hơi, thẫn người nhìn danh sách cuộc gọi từ năm ngoái. Từ khi con gái đi học đại học đến nay, nàng chỉ gọi cho ông duy nhất có một lần vào sinh nhật năm ngoái.

Màn thứ ba. Mẹ vụng trộm gọi điện cho con gái, nhắc nàng ngày sinh nhật cha nhớ gọi điện chúc mừng, con gái gật đầu đồng ý. Ngày hôm đó, cha cầm điện thoại trên tay, bật chuông mức lớn nhất, cứ vài phút là nôn nao nhìn điện thoại một lần, một mực chờ đến cuối ngày cũng không thấy con gái gọi điện. Bởi vì, con gái làm tình nguyện viên, đi viện dưỡng lão chăm sóc người lớn tuổi, buổi tối lại tham gia hoạt động đoàn đội, nàng quên mất.

Màn thứ tư. Cha đi công tác ở thành phố con gái học đại học, cố ý lưu lại một ngày. Buổi trưa muốn đem con gái hảo hảo ra ngoài cùng ăn một bữa, nhờ mẹ gọi điện cho con gái. Có thể con gái mải cùng bạn xem phim, mẹ như thường lệ hỏi thăm vài câu, còn chưa nói xong liền bị nàng lấy cớ đi thư viện ôn tập rồi vội vàng cúp điện thoại. Mẹ cô gọi lại, điện thoại đã tắt. Ngày thứ hai, cha đến trường học của con gái, gọi điện cho nàng, hy vọng cùng nàng ăn cơm. Con gái trả lời hiện tại nàng đang dự tiệc sinh nhật của bạn học, không tiện đi ra. Cha tức giận hỏi nàng "Con cứ luôn bận như vậy sao?". Một lời qua, một lời lại, hai người bắt đầu sinh khí, con gái cuối cùng rống lên: "Chẳng lẽ không có con thì ba không ăn cơm được sao?", rồi tức giận cúp điện thoại. Trưa hôm đó, tại quán ăn gần trường học con gái, cha liền gọi một bàn đầy đồ ăn. Chỉ là, ngồi suốt hai giờ, một miếng cũng không ăn, rồi lặng lẽ rời đi.

Đêm đó, cha nàng uống chút rượu xã giao, nhưng không ngờ lại sinh ra phản ứng với thuốc cảm, liền đột ngột tử vong không kịp cấp cứu. Trong lúc tức ngực khó thở, ông bấm phím số 1, là số điện thoại của con gái, nhưng nàng không có nghe máy. Sau đó, ông mê man gọi số cấp cứu, gắng gượng bò ra bên ngoài, rồi ngã xuống cửa thang máy...


Trong phòng trọ vẫn còn lưu lại mấy món đồ ông đi mua, vốn định mang cho nàng. Có một túi hoa quả, bánh mì nhỏ, sữa tươi, đồ ăn vặt. Biết nàng giống mẹ ghét bỏ trời nóng, ông còn đặc biệt mua cho nàng chiếc quạt điện nhỏ... giờ đây nằm lăn lóc, trơ trọi trên giường của ông.

Con gái không được nhìn thấy cha lần cuối, dù có khóc đến tê tâm liệt phế cũng không đổi lại được một lần cuối nhìn thấy. Nàng chưa từng nghĩ, lần đó tranh cãi xong bỏ đi, lại sẽ là vĩnh viễn không gặp lại. Nàng không dám nghĩ, lần đó lớn tiếng gào thét, lại sẽ là những lời cuối cùng nàng nói với cha...

Nàng luôn nghĩ, cha không như "người khác". Bọn họ sẽ có vô hạn thời gian để chờ, để một lần nữa nhượng bộ nhau, tha thứ cho nhau. Bất luận như thế nào, cha sẽ luôn đứng ở phía sau chờ đợi nàng...

Lời nói khờ khạo của nàng khi bé vẫn còn văng vẳng bên tai: "Ba, chờ con trưởng thành, con cho người..."

Vậy đó, chúng ta luôn cho rằng, trái đất rộng lớn, trời xanh thăm thẳm, con đường rất dài, chúng ta vốn còn rất nhiều thời gian. Nhưng lại không biết, thế giới của cha mẹ thật ra rất nhỏ, đồ ăn nguội lạnh, đêm cũng đã khuya, hai mái tóc mai điểm bạc vẫn một mực chờ đợi con trở về cùng ăn một bữa cơm.

Có một vài người cứ ngỡ sẽ mãi ở bên cạnh ta, nhưng rồi một ngày kia cũng rời bỏ ta đi. Có ngờ đâu, một lần đó quay mặt đi, cũng chính là vĩnh viễn sinh ly tử biệt.

Câu chuyện vốn có cốt truyện đơn giản, nhưng nhờ giọng văn tinh tế tỉ mỉ của Kỳ Duyên mà trở nên phi thường cuốn hút, phi thường cảm động lòng người.

Minh Triệu cổ họng nghẹn đến phát đau, mũi chua xót, hốc mắt đỏ bừng chực ứa ra bọt nước lóng lánh...

Trong đáy mắt đẫm lệ mịt mờ tựa ánh trăng, nàng dường như thấy lại năm đó, lúc nàng nắm chặt hành lý kiên quyết quay đi, cha tức giận đến tái xanh, mẹ đuổi theo khuôn mặt tràn đầy thống khổ.

Nàng năm đó không chút sợ hãi đi về phía người yêu, bước chân như vậy dứt khoát cùng kiên quyết chính là bởi vì nàng biết cha mẹ rất yêu mình. Rồi có một ngày, bọn họ sẽ nhượng bộ thỏa hiệp. Rồi có một ngày... chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.

Nàng nhớ lại, mẹ phút cuối cùng ôm trong ngực nhuộm đầy máu tươi chính là món tôm sủi cảo mà nàng thích ăn nhất... Nước mắt trào ra ướt nhòe trang giấy mỏng.

Nàng đưa tay, run rẩy lấy ra một tờ giấy màu xanh nhỏ kẹp ở trang giữa, trên là nét chữ thanh tuyển của Kỳ Duyên:

Có thể, ông không hề trách cô.

Nếu có hối tiếc, chính là một lời chưa kịp nói với cô: "Đừng hối tiếc!"

Minh Triệu cắn chặt môi dưới, nhìn mấy dòng chữ ngắn ngủi, hai tay che mặt, rốt cuộc bật khóc thành tiếng. Khóc đến khó tự kiềm chế...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top