triet ly hay1

Cho ngày hôm nay

Có hai ngày trong tuần chúng ta không nên lo lắng.

Một là ngày hôm qua, với những sai lầm, những âu lo, những tội lỗi, những thiếu sót ngớ ngẩn, sự nhức nhối và những nỗi đau. Ngày hôm qua đã đi qua. Mọi tiền bạc trên đời này cũng không thể đem ngày hôm qua quay trở lại. Chúng ta không thể huỷ bỏ một hành động mà chúng ta đã làm cũng như không thể nào xoá đi một ngôn từ mà chúng ta đã thốt ra. Ngày hôm qua cũng đã đi xa rồi.

Còn một ngày nữa mà chúng ta cũng không nên lo lắng, đó là ngày mai với những kẻ thù quá quắt, gánh nặng cuộc sống, những hứa hẹn tràn trề hi vọng mà việc thực hiện thì tồi tệ. Mặt trời của ngày mai sẽ mọc lên hoặc là chói lọi hoặc là khuất sau một đám mây, nhưng dù gì thì nó vẫn sẽ mọc lên. Và ngay trước khi nó mọc lên vào ngày mai chúng ta vẫn chẳng có mối đe dọa nào, bởi lẽ nó vẫn chưa được sinh ra cơ mà.

Vì vậy, chỉ còn một ngày duy nhất - ngày hôm nay - Bất cứ ai đều phải đấu tranh để sống dù chỉ một ngày. Thật ra chẳng phải những gì trải qua ngày hôm nay khiến chúng ta lo lắng, mà đó chính là sự hối tiếc về những gì đã xảy ra ngày hôm qua và những lo sợ về những gì ngày mai có thể đem đến.

Đừng vội bỏ cuộc

Khi bạn làm một điều gì đấy khiến cho "hư bột hư đường",

Khi bạn đang mệt nhoài để cố leo lên con dốc dài thăm thẳm,

Khi hầu bao của bạn cạn kiệt nhưng món nợ lại đến hạn,

Khi bạn muốn gượng cười nhưng không ngăn nổi tiếng thở dài,

Khi sự lo lắng làm bạn suy sụp,

Phải thư giãn khi đối diện với tất cả..., đừng có ý định bỏ cuộc.

Ai cũng biết, cuộc đời đầy bất ngờ với những khúc quanh và ngã rẽ,

Ai cũng biết, có lắm thất bại liên tiếp nối đuôi nhau khi chúng ta tưởng chừng nắm chắc phần thắng trong tay,

Đừng bỏ cuộc vì thiếu kiên nhẫn, rồi cũng đến lúc bạn thấy những bước ngoặc đáng ngạc nhiên,

Thành công đang ẩn mình sau những thất bại, ẩn mình sau ánh bạc của sự hồ nghi.

Chúng ta không bao giờ nói chúng ta có thể thành công đến mức nào, nhưng chúng ta vẫn có thể đạt được nó ngay cả khi nó thực sự ngoài tầm tay với.

Đừng quá sa lầy vào những thất bại,

Dẫu cho những điều tệ hại nhất xảy ra, hãy nhớ rằng bao giờ cũng có những "ngã rẽ" đầy bất ngờ và may mắn.

Thế cho nên, đừng vội vàng bỏ cuộc!

Người mẹ và ngọn núi

Có hai bộ lạc là kẻ thù truyền kiếp của nhau. Một sống ở vùng đồng bằng và một ở trên núi cao. Một hôm, những người ở núi cao đột ngột đổ xuống tấn công bộ lạc ở đồng bằng. Họ không chỉ cướp bóc của cải, lương thực mà còn bắt một đứa bé 3 tuổi mang về.

Những người sống ở đồng bằng không biết cách vượt qua những ngọn núi cao để tìm ra nơi kẻ thù đang sống. Họ cũng không thể lần theo dấu vết của đối phương. Tuy nhiên, bộ lạc cũng cử một đội gồm những chiến binh xuất sắc nhất đi tìm đứa bé mang về.

Những người đàn ông đã thử hết cách này đến cách khác, tìm hết lối đi này đến lối đi khác, nhưng sau nhiều ngày nỗ lực hết sức họ cũng chỉ leo lên được lưng chừng ngọn núi hiểm trở. Cảm thấy tuyệt vọng và bất lực, họ đành bỏ cuộc và quyết định quay về. Khi đang thu dọn đồ đạc, họ kinh ngạc thấy người mẹ trẻ mất con đang từ phía đỉnh núi cao băng xuống. Và họ như không tin vào mắt mình khi thấy đứa bé bị bắt cóc đang được người mẹ cõng trên lưng. Làm sao mà điều đó có thể xảy ra?

Những chiến binh đón chào người mẹ trẻ và hỏi: "Dù đã cố hết sức chúng tôi vẫn không thể vượt lên được ngọn núi này. Làm cách nào mà cô làm được điều đó trong khi chúng tôi - những người đàn ông mạnh mẽ và có khả năng nhất của bộ tộc - đã không thể làm được?". Người mẹ trẻ nhún vai đáp: "Đứa bé không phải là con của các anh!".

Điều giản dị

Hơn 10 giờ đêm, anh mệt mỏi bước lên được căn hộ tầng 10 của mình. Chợt sững người, dưới ánh sáng vàng vọt ở hành lang, người bạn cũ thời đại học đang ngồi nhẫn nại chờ đợi. Cuộc gặp sau gần chục năm xa được anh đón nhận bằng câu hỏi: "Lâu nay biến đi đâu thế, chắc nhân dịp gì mới ghé?...". Bạn làm nghề đi đo đạc địa chính thay đổi địa điểm công việc nay đây mai kia, mà chỉ toàn ở ngoại thành thôi, chẳng mấy khi gặp bạn gặp bè. "Lâu quá không có tin tức gì về bạn bè, tao nhớ tụi bay, thế là bắt xe ôm đi mấy chục cây số về đây, chờ đã hơn hai tiếng đồng hồ rồi".

Gợn lên trong anh một cảm giác có lỗi. Cái cảm giác của những kẻ sống thu mình ở thành thị quá lâu, bị bao chặt bởi một kiểu sống theo quan hệ mùa vụ, nhân dịp... Bạn bè, đồng nghiệp đến thăm nhau cứ "hẹn có dịp rảnh...", để rồi chỉ sau vài chục phút lại gặp nhau trong quán nhậu rỉ rả, lại cười chào vờ như chẳng có lời hẹn đã qua. Thậm chí dạo anh mới đi làm, một đồng nghiệp còn khuyên rất chân thành: "Nếu các sếp không mời thì chớ tự tiện đến nhà thăm, kẻo không lại bị cho là dòm ngó hoặc là đến để tâu hót, nịnh nọt...". Những định kiến cứ như vây bọc những con người thị thành...

Cái bắt tay của bạn bóp thật chặt dứt anh ra khỏi những suy nghĩ miên man. Thế là bạn đi... Anh ngồi bệt xuống chỗ bạn vừa đứng lên, lại miên man: Giá mà người ta luôn có thể đến thăm nhau với một lý do giản dị như thế, vì còn nhớ về nhau..

Tin tưởng...

Tin tưởng là biết rằng mỗi ngày là một sự khởi đầu mới.

Là tin rằng điều kỳ diệu sẽ xảy ra và giấc mơ có thể thành hiện thực.

Tin tưởng là nhìn thấy các thiên thần nhảy múa giữa những đám mây.

Là biết đến sự tuyệt vời của bầu trời xa mờ và sự thông thái của con người trên mặt trăng.

Tin tưởng là hiểu được giá trị của việc nuôi dưỡng tâm hồn,

Sự thơ ngây trong mắt trẻ thơ và vẻ đẹp của bàn tay già nua

Tất cả dạy cho chúng ta biết thế nào là yêu thương...

Tin tưởng là tin rằng chúng ta không bao giờ cô đơn,

Cuộc sống là một món quà và chúng ta phải yêu mến nó.

Tin tưởng là tìm lại sức mạnh và lòng dũng cảm trong những lời dối trá,

Và đó cũng là lúc phải nhặt nhạnh những mảnh vỡ và bắt đầu lại.

Tin tưởng là biết rằng những điều kỳ diệu đang chờ đợi xảy đến,

Và mọi hy vọng, ước mơ của tất cả chúng ta đang đến gần.

... nếu chúng ta tin tưởng.

Một hoàn cảnh hai cuộc đời

Hai đứa trẻ nọ có một người cha tối ngày say xỉn. Tuổi thơ của chúng trôi qua với hình ảnh một người cha rất đáng sợ mỗi khi nhậu say về. Năm tháng qua đi, hai cậu đã lớn và mỗi người có một cuộc sống của riêng mình.

Một nhà tâm lý học đi tìm thực tế cho bài nghiên cứu "Tác động của sự say xỉn" đã tìm đến hai người. Một người giờ đây đã trở thành phiên bản mới của cha cậu ngày xưa: một tay bợm nhậu suốt ngày chìm trong bia rượu. Còn người kia lại là một trong những người đi đầu trong việc phòng chống bia rượu.

Nhà tâm lý học hỏi người đầu tiên: "Tại sao anh trở thành bợm nhậu?"

Và hỏi người thứ hai: "Tại sao anh lại tham gia phong trào bài trừ rượu bia?"

Thật là bất ngờ, cả hai cùng đưa ra một câu trả lời: "Có một người cha như vậy đương nhiên là tôi phải trở thành người như thế này rồi."

Có ai đó đã từng nói: "Cảnh khổ là một nấc thang cho bậc anh tài, một kho tàng cho kẻ khôn khéo, một vực thẳm cho kẻ yếu đuối."

Hoàn cảnh không bao giờ là nguyên nhân cho những hành động không đúng mực, tiêu cực hoặc sai trái. Nó chỉ là lý do để những kẻ lười biếng, không có ý chí và tâm hồn hẹp hòi vịn vào đó để tự bào chữa cho mình mà thôi.

Trong cuộc sống, không có trở ngại nào lớn bằng việc mình cho bản thân mình cái quyền được vấp ngã.

Kẻ thù

Chỉ cần lúc nhỏ bạn mắc qua bệnh sởi một lần, có thể suốt đời bạn không còn sợ nó nữa, vì bạn đã được miễn dịch đối với bệnh sởi.

Nếu tay bạn cọ xát, sinh ra mụn nước thì lần sau không dễ gì bị nữa, vì lớp da ở đó do càng cọ xát nên càng trở nên dày.

Nhưng nếu hôm nay bạn té gãy chân, sau này càng cần phải cẩn thận hơn, vì chỗ xương bị gãy không những không thể phát triển rắn chắc hơn, mà sẽ trở nên yếu hơn.

Có những kẻ thù, cả đời chúng ta chỉ gặp họ một lần thì có thể mãi mãi không còn sợ họ nữa.

Có những kẻ thù, chúng ta càng chiến đấu với họ thì sẽ càng không sợ họ nữa.

Nhưng cũng có những kẻ thù, có thể gây cho chúng ta những thương tổn khó có thể khôi phục như ban đầu, chúng ta đành phải tránh gặp lại họ.

Cánh cửa

Tôi tìm đến Hiền vì anh là kiến trúc sư, trong khi tôi lại đang cần viết một bài liên quan ít nhiều về kiến trúc. Câu chuyện rôm rả cho đến khi chúng tôi vào thăm ngôi nhà và tình cờ bước ngang qua phòng anh.

"A, cửa đẩy ngang! Giống như mấy ngôi nhà Nhật Bản và Hàn Quốc". "Vì phòng riêng là thế-giới-riêng! Chỉ bạn bè thân lắm mới bước vào đây. Anh muốn họ cảm nhận sự cân bằng: Anh yêu quý họ và cũng mong nhận lại sự quan tâm từ họ".

Tôi tròn mắt vì ... không hiểu! Anh bật cười. Người ta không để ý, nhưng đôi khi chỉ nhìn cánh cửa là biết ngay tính cách của chủ nhà. Không phải ngẫu nhiên mà đa phần cửa chính đều được kéo vào để nhận trở ngại về phần mình, tránh cản trở cho khách và người đi ở bên ngoài. Thế nhưng cửa sổ thì lại khác. Rất nhiều cửa sổ được đẩy ra. Ở đó, nắng sẽ ùa vào. Gió sẽ ùa vào. Những tiếng chim buổi sớm mai ríu rít sẽ ùa vào. Anh thường e dè khi bước vào một căn phòng cửa sổ im ỉm đóng hoặc cửa chính mở theo hướng ... chỉ nghĩ đến mình!

Tôi nhớ đến ô cửa kính vuông vuông mà tôi vẫn thường ... dán chặt cả gương mặt mình vào, cùng với cô bạn hàng xóm tên Nghi "cho cái mũi dẹp lép thế này" để nhìn xuống đường, mơ về một cây bàng lá lỗ chân sâu ăn, thời còn bé tí. Để rồi mới chợt nhận ra vì sao ngôi nhà nhỏ của Hiền lại đủ sức thu hút đông bạn bè đến vậy. Một cánh cửa gỗ xinh xinh được kéo vào hiền lành và nhã nhặn. Những ô cửa sổ không bao giờ khép để bạn bè lúc thích có thể thò đầu ra ngắm khoảng sân xanh mát màu cây. Và còn vì một cánh cửa đẩy ngang trong phòng riêng: Ở đó có sự cảm thông, gắn bó thiêng liêng từ hai phía sẽ khiến người ta bình yên và hạnh phúc.

Ảo tưởng, lý tưởng và hoài cảm

Trẻ con nhìn ngắm các vì sao, nói đó là những chiếc đèn lồng nhỏ lấp lánh, đưa tay ra có thể gỡ xuống.

Thanh niên nhìn ngắm các vì sao, nói đó là hàng tỉ tinh cầu, một ngày nào đó sẽ được con người chinh phục.

Người già nhìn ngắm các vì sao, nói đó là kiệt tác của Thượng Đế, vũ trụ huyền bí không thể nhìn thấu.

Trẻ con nhiều ảo tưởng;

Thanh niên nhiều lý tưởng;

Người già nhiều hoài cảm.

Người vô tri thường ảo tưởng;

Người khỏe mạnh thường lý tưởng;

Người suy thoái thường hoài cảm.

Ảo tưởng, lý tưởng, hoài cảm đại biểu cho ba giai đoạn của cuộc sống con người

Cực lạc và địa ngục

Trước kia có vị đại từ thiện, một hôm trong mộng được Diêm Vương dẫn đi thăm quan địa ngục, trong địa ngục phát hiện mọi người đang cãi nhau. Vốn là ở địa ngục có một cái bàn lớn, trên bàn bày một số món ăn, mỗi người cầm một cái thìa rất dài. Do thìa quá dài nên không có cách nào đưa thức ăn vào miệng, mà dùng tay thì không với được thức ăn nên mỗi người đều hí hoáy nghĩ cách đưa thức ăn vào miệng với cái thìa dài trong tay. Nguyên nhân cãi nhau là thao tác chiếc thìa quá dài mà va chạm với nhau.

Tiếp theo, ông ta lại lên thăm viếng cõi cực lạc. Thật kỳ lạ, quang cảnh nơi đây không khác gì địa ngục, cũng một chiếc bàn lớn, với các món ăn và những chiếc thìa rất dài. Điểm duy nhất khác nhau là mọi người ở đây ăn uống với nhau một cách vui vẻ. Tại sao vậy? Vì mọi người dùng chiếc thìa rất dài đó để xúc thức ăn cho nhau, do đó, mọi người đều có thể ăn được, không ai tranh chấp hay gây khó dễ.

Vị đại từ thiện bỗng nhiên tỉnh ngộ. Vốn cực lạc và địa ngục không có sai biệt, sai biệt chính là ở tâm, ở cách nghĩ và phương thức của mỗi người. Có người cả ngày ở trong lo sợ và nghi hoặc, tự mình giới hạn để bảo vệ mình, chỉ sợ có người khác làm hại mình nhưng lại muốn đi tìm một cõi hoà lạc yên vui. Kỳ thực chỉ cần xả bỏ tâm ma, bao dung mọi người, một lòng hướng thiện, luôn giữ cho trong tâm thanh thản, thì có thể khiến cho địa ngục biến thành thiên đường, ngược lại, một lòng tự tư tự lợi có thể khiến cho thiên đường cực lạc yên vui biến thành địa ngục đau khổ.

Thiên đường làm gì có! Địa ngục làm gì có! Thiên đường, địa ngục đều là ảo ảnh biến hoá của tâm mà thôi. Chỉ cần nghĩ sao làm vậy, cần gì phải cầu khấn đâu xa.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top