Câu 8: Phân tích nội dung cơ bản của cặp phạm trù cái chung và cái riêng?

Đề: Phân tích nội dung cơ bản của cặp phạm trù cái chung và cái riêng? Ý nghĩa phương pháp luận của việc nghiên cứu cặp phạm trù này?

Các khái niệm:

– Cái chung là phạm trù triết học dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính không những có ở một sự vật, hiện tượng nào đó mà còn lặp lại trong nhiều sự vật, hiện tượng khác.

– Cái riêng là một phạm trù triết học dùng để chỉ sự vật, hiện tượng nhất định.

– Cái đơn nhất là phạm trù triết học dùng để chỉ các mặt, các đặc điểm chỉ vốn có ở một sự vật, hiện tượng (một cái riêng) nào đó mà không lặp lại ở các sự vật, hiện tượng khác.

– Ví dụ: mỗi con người là một cái riêng, những thuộc tính tự nhiên và xã hội khiến cho con người khác với động vật giữ vai trò là cái chung của tất cả mọi người với tư cách người, nhưng mặt khác, ở mỗi con người lại có những thuộc tính không lặp lại ở nhau như: cấu tạo gen, nhân cách, năng lực,... cụ thể khác nhau.

Mối quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng: cái chung, cái riêng và cái đơn nhất đều tồn tại khách quan và giữa chúng có mối quan hệ biên chứng. Mối quan hệ đó thể hiện qua các điểm sau:

– Thứ nhất, cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua các cái riêng mà biểu hiện sự tồn tại của mình. Không có cái chung thuần túy tồn tại bên ngoài cái riêng. Ví dụ, trên cơ sở khảo sát tình hình hoạt động cụ thể của một số doanh nghiệp có thể rút ra kết luận về tình trạng chung của các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

– Thứ hai, cái riêng chỉ tồn tại trong quan hệ với cái chung, không có cái riêng nào tồn tại độc lập, tách rời tuyệt đối cái chung. Ví dụ, không có doanh nghiệp nào tồn tại với tư cách doanh nghiệp mà lại không tuân theo các quy tắc chung của thị trường (ví dụ quy tắc cạnh tranh...). Nếu doanh nghiệp nào đó bất chấp các nguyên tắc chung đó thì nó không thể tồn tại trong nền kinh tế thị trường.

– Thứ ba, cái riêng là cái toàn bộ, phong phú hơn cái chung, vì ngoài những điểm chung, cái riêng còn có cái đơn nhất. Ví dụ về con người ở trên.

– Thứ tư, cái chung sâu sắc hơn cái riêng, vì cái chung phản ánh thuộc tính, những mối liên hệ ổn định, tất nhiên lặp lại ở nhiều cái riêng cùng loại. Do vậy, cái chung là cái gắn liền với bản chất, quy định khuynh hướng tồn tại và phát triển của cái riêng. Ví dụ, khi vận dụng những nguyên lý chung của khoa học vào việc giải quyết mỗi vấn đề riêng cần phải xét đến những điểu kiện lịch sử, cụ thể tạo nên cái đơn nhất (đặc thù) của nó. Cần tránh thái độ chung chung, trừu tượng khi giải quyết mỗi vấn đề riêng.

– Cái đơn nhất và cái chung có thể chuyển hóa lẫn nhau trong quá trình phát triển của sự vật. Ví dụ, một sáng kiến khi mới ra đời – nó là cái đơn nhất. Với mục đích nhân rộng sáng kiến đó áp dụng trong thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, có thể thông qua các tổ chức trao đổi, học tập để phổ biến sáng kiến đó thành cái chung, cái phổ biến – khi đó cái đơn nhất đã trở thành cái chung...

Ý nghĩa của phương pháp luận:

–Cần áp dụng sáng tạo cái chung vào cái riêng để cải tạo cái riêng.

–Khi áp dụng một kinh nghiệm nào đó, cần rút ra những mặt thích hợp với điều kiện áp dụng, không áp dụng máy móc.

– Trong hoạt động thựctiễn, cần tạo điều kiện thuận lợi để cái đơn nhất có lợi cho con người và trở thành cái chung và cái chungbất lợi trở thành cái đơn nhất. Ví dụ: Những tri thức khoa học đúng đắn, những kinh nghiệm hữuích cần được phổ biến rộng rãi, lan truyền để khiến nhân loại ngày một tiến bộ. Những phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan dần bị loại bỏ, thu hẹp sức ảnh hưởng.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #triết