Câu hỏi hiểu

CÂU 1: Vì sao tiền là hàng hoá đặc biệt?
-Tiền tệ là hàng hoá đặc biệt được tách ra từ trong thế giới hàng hoá làm vật ngang giá chung thống nhất cho các hàng hoá khác, nó thể hiện lao động xã hội và biểu hiện quan hệ giữa những người sản xuất hàng hoá.

-Tiền tệ là hàng hoá đặc biệt vì:

+Tiền tệ có nguồn gốc từ hang hoá: do quá trình phát sinh và phát triển của sản xuất hàng hoá đã làm xuất hiện tiền tệ với tư cách là vật ngang giá chung để biểu hiện và đo lường giá trị của mọi hàng hoá trong phạm vi quốc gia, quốc tế. Như vậy, tiền thực chất cũng chỉ là một loại hàng hoá, tách khỏi thế giới hàng hoá mà thôi.

+Tiền mang đầy đủ thuộc tính của hàng hoá:

▪Xét từ hình thái tiền thực (bạc hoặc vàng): sau khi trở thành tiền tệ, vàng hoặc bạc vẫn mang đầy đủ hai thuộc tính của hàng hoá là giá trị (lao động xã hội hao phí để khai thác, tôi luyện, đúc vàng) và giá trị sử dụng (được dùng làm vật ngang giá chung một cách độc quyền, có thể trao đổi với bất kì hàng hoá dịch vụ khác).

▪Xét từ hình thái dấu hiệu giá trị: khi sản xuất và lưu thông hàng hoá phát triển, vàng (bạc) được thay thế bằng các dấu hiệu giá trị như tiền đúc không đủ giá, tiền giấy, bút tệ,... Các dấu hiệu này mặc dù không có giá trị nội tại nhưng vẫn tồn tại độc lập với tư cách là đại biểu của tiền thực.

-Tiền là hàng hoá đặc biệt biểu hiện ở chỗ tiền có giá trị đặc biệt, nghĩa là có khả năng trao đổi trực tiếp với mọi hàng hoá nên có thể thoả mãn nhu cầu về nhiều mặt. Với giá trị sử dụng đặc biệt đó, tiền trở thành vật đại biểu chung cho của cải xã hội.

CÂU 2: Vì sao sức lao động là hàng hoá đặc biệt:

Theo C.Mác "Sức lao động là toàn bộ các thể lực và trí lực ở trong thân thể một con người, trong nhân cách sinh động của con người, thể lực và trí lực mà con người phải làm cho hoạt động để sản xuất ra những vật có ích". Do đó sức lao động có hai thuộc tính cơ bản của một hàng hóa, đó là giá trị và giá trị sử dụng.

-Trong thuộc tính giá trị: là hàng hoá đặc biệt, giá trị hàng hoá sức lao động khác với hàng hoá thông thường ở chỗ nó còn bao gồm cả yếu tố tinh thần và lịch sử. Điều đó có nghĩa là ngoài những nhu cầu vật chất,người công nhân còn có những nhu cầu về tinh thần... Những nhu cầu đó phụ thuộc vào hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước ở từng thời kỳ, đồng thời nó còn phụ thộc vào cả điều kiện địa lý, khí hậu của nước đó.

-Trong thuộc tính giá trị sử dụng: Giá trị sử dụng của hàng hoá sức lao động có tính chất đặc biệt, nó là nguồn gốc sinh ra giá trị, tức là nó có thể tạo ra giá trị mới lớn hơn giá trị của bản thân nó. Nói cách khác, hàng hoá sức lao động tạo ra giá trị thặng dư khi được đem vào sử dụng và chỉ có hàng hoá sức lao động mới có thể tạo ra giá trị thặng dư.

->Chính vì vậy mà hàng hoá sức lao động là hàng hoá đặc biệt.

CÂU 3: Vì sao sản xuất giá trị thặng dư là quy luật kinh tế tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản?

Giá trị thặng dư là phần giá trị mới dôi ra ngoài giá trị sức lao động do công nhân làm thuê tạo ra và bị nhà tư bản chiếm không, phản ánh mối quan hệ kinh tế bản chất nhất của chủ nghĩa tư bản - quan hệ tư bản bóc lột lao dộng làm thuê. Giá trị thặng dư do lao động không công của công nhân tạo ra là nguồn gốc làm giàu của các nhà tư bản.

+ Mục đích của sản xuất tư bản chủ nghĩa không phải là giá trị sử dụng mà là sản xuất ra giá trị thặng dư, là nhân giá trị lên. Theo đuổi giá trị thặng dư tối đa là mục đích và động cơ thúc đẩy sự hoạt động của mỗi nhà tư bản, cũng như của toàn bộ xã hội tư bản. Nhà tư bản cố gắng sản xuất ra hàng hoá với chất lượng tốt đi chăng nữa, thì đó cũng chỉ vì nhà tư bản muốn thu được nhiều giá trị thặng dư.

+ Sản xuất ra giá trị thặng dư tối đa không chỉ phản ánh mục đích của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, mà còn vạch rõ phương tiện, thủ đoạn mà các nhà tư bản sử dụng để đạt được mục đích như tăng cường bóc lột công nhân làm thuê bằng cách tăng cường độ lao động và kéo dài ngày lao động, tăng năng suất lao động và mở rộng sản xuất.

Như vậy, quy luật giá trị thặng dư là quy luật kinh tế tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Thực chất của quy luật này là tạo ra ngày càng nhiều giá trị thặng dư cho nhà tư bản bằng cách tăng cường bóc lột lao động làm thuê. Quy luật giá trị thặng dư ra đời và tồn tại cùng với sự ra đời và tồn tại của chủ nghĩa tư bản. Quy luật này quyết định toàn bộ sự vận động của chủ nghĩa tư bản, một mặt nó là động lực thúc đẩy sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển nhanh chóng, mặt khác lại làm tăng mâu thuẫn cơ bản của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.

CÂU 4: Vì sao thất nghiệp là bạn đường của chủ nghĩa tư bản?

-Nhu cầu công nhân có xu thế giảm là do:

+Khoa học kĩ thuật phát triển dẫn đến quy luật cấu tạo hữu cơ tư bản ngày càng tăng.

+Hiện tượng phá sản (vì khủng hoảng theo chu kỳ, tư bản lớn chèn ép các tư bản nhỏ).

-Bản chất chế độ sở hữu tư bản: Các nhà kinh tế học tư sản thường cho rằng mọi công cụ lao động, mọi tư liệu sản xuất đều là tư bản. Thực ra, bản thân tư liệu sản xuất không phải là tư bản, nó chỉ là yếu tố cơ bản của sản xuất trong bất cứ xã hội nào. Tư liệu sản xuất chỉ trở thanh tư bản khi nó trở thành tài sản của nhà tư bản và được dùng để bóc lột lao động làm thuê. Khi chế độ tư bản bị xóa bỏ thì tư liệu sản xuất không còn là tư bản nữa. Như vậy, tư bản không phải là một vật mà là một quan hệ sản xuất xã hội nhất định giữa người và người trong quá trình sản xuất, nó có tính chất tạm thời trong lịch sử.

Qua nghiên cứu quá trình sản xuất giá trị thặng dư, có thể định nghĩa chính xác tư bản là giá trị mang lại giá trị thặng dư bằng cách bóc lột lao động không công của công nhân làm thuê. Như vậy, bản chất của tư bản là phản ánh quan hệ sản xuất xã hội mà trong đó giai cấp tư sản chiếm đoạt giá trị thặng dư do giai cấp công nhân sáng tạo ra.

ð Thất nghiệp là một xu thế của chủ nghĩa tư bản, tức là "thất nghiệp là bạn đường của chủ nghĩa tư bản".

CÂU 5: Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến giá cả hàng hoá. Nhân tố nào giữ vai trò quyết định?

*Giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị trao đổi của hàng hoá, Về nghĩa rộng đó là số tiền phải trả cho một hàng hoá, một dịch vụ, hay một tài sản nào đó.

-Giá cả của hàng hoá nói chung là đại lượng thay đổi xoay quanh giá trị.

– Khi cung và cầu của một hay một loại hàng hóa về cơ bản ăn khớp với nhau thì giá cả phản ánh và phù hợp với giá trị của hàng hoá đó,

– Giá cả sẽ cao hơn giá trị của hàng hoá nếu số lượng cung thấp hơn cầu.

– Giá cả sẽ thấp hơn giá trị của hàng hoá nếu số lượng cung cao hơn cầu.

*Giá cả của một mặt hàng phụ thuộc vào:

-Giá trị hàng hoá:

+Giá trị của hàng hoá là một thuộc tính của hàng hoá, đó chính là lao động hao phí của người sản xuất để sản xuất ra nó đã được kết tinh vào trong hàng hoá.

+ Giá trị của hàng hoá là giá trị lượng lao động tiêu hao để sản xuất ra hàng hoá đó và tính bằng thời gian lao động XH cần thiết.

+Thời gian lao động XH cần thiết là thời gian lao động XH trung bình để sản xuất ra hàng hoá. Thời gian lao động XH cần thiết có thể thay đổi.

+ Có ba nhân tố cơ bản ảnh hưởng tới lượng giá trị của hàng hoá:

▪Thứ nhất, đó là năng suất lao động.

▪Thứ hai, đó là cường độ lao động.

▪Thứ ba là mức độ phức tạp của lao động.

-Giá trị của tiền tệ:

+Giá trị của tiền tệ là số lượng hàng hóa và dịch vụ mua được bằng một đơn vị của tiền tệ. Nói một cách khác giá trị của tiền tệ là nghịch đảo của giá cả hàng hóa. Tiền tệ có giá trị không phải vì nó có giá trị tự thân mà vì những gì tiền tệ có thể trao đổi được.

+ Giá cả của tiền tệ chính là lãi suất, nói một cách khác, giá cả của tiền tệ là số tiền mà người ta phải trả cho cơ hội được vay nó trong một khoảng thời gian xác định

+ Thuyết số lượng tiền tệ là lí thuyết về quan hệ giữa lưu lượng tiền tệ và mức giá cả nói chung. Trong tình hình các điều kiện khác không thay đổi thì:

▪Mức giá cả hàng hoá và số lượng tiền tệ biến đổi theo tỉ lệ thuận,

▪Giá trị tiền tệ và số lượng tiền tệ biến đổi theo tỉ lệ nghịch.

Do vậy: mức giá cả của hàng hoá và giá trị của tiền tệ là do số lượng tiền tệ trong lưu thông quyết định.

-Quan hệ của cung và cầu về hàng hoá:

+Cầu là nhu cầu về hàng hóa có khả năng thanh toán. Như vậy, cầu và nhu cầu có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng không phải là một. Chỉ những nhu cầu về hàng hóa mà có khả năng thanh toán thì mới là cầu.
+Cung là số lượng hàng hóa có mặt trên thị trường hoặc có khả năng chuyển đến thị trường. Như vậy cung và sản xuất có liên quan với nhau, nhưng không phải là một. Cung và sản xuất có thể chênh lệch nhau.
*Giá trị hàng hoá là nhân tố giữ vai trò quyết định.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top