Trích trong "Kết Một Tràng Hoa"
KINH THỰC TẬP QUÁN NIỆM
(Duy Niệm Phẩm Pháp Cú Kinh đệ lục
Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng)
1. Phép tu quán niệm hơi thở vào ra nếu làm cho đến nơi đến chốn thì có thể đem lại sự thực chứng Chân Đế. Ngay buổi đầu thực tập cho đến khi thành tựu viên mãn luôn luôn có sự thông thoáng lợi ích. Phép thực tập này sẽ đem lại sự bình an như Bụt đã nói.
2. Phát khởi công phu thực tập chỉ và quán trong lúc ngồi cũng như trong lúc nằm, không lúc nào bỏ quên, sẽ làm phát sinh ra ánh sáng chiếu rọi trong thế gian, như mây tan trăng hiện.
3. Vị tỳ kheo thiết lập được các pháp chánh niệm này sẽ được hưởng lợi lạc ngay trong lúc ban đầu thực tập, sau đó thì công phu càng ngày càng trở nên vững chãi. Hoa trái của công phu cũng càng ngày càng trở nên thù thắng. Công phu này sẽ giúp bậc hiền giả vượt qua được dòng sinh tử.
4. Thành tựu được phép quán niệm về thân rồi thì hành giả sẽ nhiếp niệm được cả sáu giác quan. Duy trì được trạng thái nhất tâm, thì vị tỳ khưu có thể thực chứng được Niết Bàn.
5. Thực tập thành công các pháp quán niệm ấy thì tự thân sẽ thường xuyên đạt được trạng thái kiện hành. Chưa được như thế thì vẫn còn chưa cảm thấy thoải mái hoàn toàn.
6. Ai thực tập theo được các pháp môn căn bản này thì có thể vượt thoát được biển trần lao của ái dục. Ai có khả năng nhận diện được những tâm hành của mình (khi chúng phát hiện) sẽ có khả năng hiểu được (bản chất) của các tâm hành ấy và đạt tới được niềm hoan lạc do sức định của nhất tâm đem tới.
7. Nếu có khả năng nhận diện được các tâm hành thì sẽ đạt tới giải thoát và hưởng được những pháp lạc do cái định của nhất tâm đem lại. Nếu thực tập được đúng lúc và đều đặn thì sẽ vượt thoát được phiền não trong cuộc sinh tử.
8. Vị tỳ kheo ý thức được các tâm hành và làm cho tâm mình tương ưng với chánh niệm thì sẽ có khả năng buông bỏ được các ý niệm, như ý niệm sinh tử v.v.. và vượt thoát được thế giới khổ đau.
9. Ta hãy thường nên học hỏi giáo pháp vi diệu (của Bụt) và giác ngộ được ý chỉ (thâm sâu) của các giáo pháp ấy. Có giác ngộ như thế mới có thể gọi là bậc hiền giả, trước sau không còn bị sự sợ hãi trấn ngự.
10. Để tâm tương ưng với chánh niệm, đêm ngày thực tập chuyên cần như thế, thì sẽ liễu giải được yếu chỉ Cam Lộ và làm cho tất cả các lậu hoặc chấm dứt.
11. Ai có được cơ duyên lành và cơ hội thuận lợi thì nên thực tập ngay phép quy y Bụt, đêm ngày niệm Bụt, niệm Pháp và niệm Tăng.
12. Đã là một người con Bụt thì phải nuôi dưỡng tâm tự giác, đêm ngày thực tập phát khởi và duy trì chánh niệm về Bụt, Pháp và Tăng.
13. Hãy tinh chuyên thực tập các phép quán niệm về Thân, về Vô Thường, về Giới, về Bố Thí, về Không, về Vô Tướng và về Vô Nguyện, đêm cũng như ngày.
Trích trong sách "Kết Một Tràng Hoa" _ Sư Ông Làng Mai.
Nguồn bài viết:
https://langmai.org/tang-kinh-cac/kinh-van/kinh-moi-dich/ket-mot-trang-hoa/kinh-thuc-tap-quan-niem/
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top