Trí Tuệ, Từ Bi và Đại Lực -Trích "Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày"
Trí Tuệ, Từ Bi và Đại Lực
Mục đích của sự thực hành đạo Phật, do đó là để đạt tới nhận thức sáng tỏ về thực tại (trí), tình thương rộng lớn với mọi người và mọi loài (bi) và ý chí bền vững để thành tựu đại nguyện giúp đời (dũng). Đạo Phật không phải là một tôn giáo chuyên thờ cúng cầu xin các vị thần linh. Đạo Phật đòi hỏi người Phật tử thực hiện trí tuệ, tình thương và ý chí nơi bản thân và ngoài xã hội. Đạo Phật đại thừa trình bày những nhân vật gương mẫu của sự thực hiện đạo Phật như bồ tát Quan Thế Âm, bồ tát Văn Thù Sư Lợi, bồ tát Phổ Hiền, và bồ tát Địa Tạng. Đó là những người Phật tử lỗi lạc nhất, những người đang thực hiện tuệ giác đại trí, tình thương đại bi và công tác đại hạnh. Bồ tát (Bodhisattva) có nghĩa là người đang thực hiện sự nghiệp giác ngộ và độ sinh. Bồ Tát Quan Thế Âm là hình ảnh của tình thương đại bi và công tác đại hạnh, lắng tai nghe tiếng kêu thương của kẻ khổ đau mười phương mà có mặt để cứu độ (kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn). Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là hình ảnh của tuệ giác đại trí và biện tài vô ngại (kinh Duy Ma). Bồ tát Phổ Hiền và bồ tát Địa Tạng là hình ảnh của hành động và đại nguyện để thành tựu sự nghiệp giác ngộ và cứu đời (kinh Hoa Nghiêm phẩm Phổ Hiền và kinh Địa Tạng). Tụng đọc những kinh điển nói về các vị Bồ Tát ấy là để thâm hiểu về đạo Phật qua đời sống, trí tuệ và hạnh nguyện của các vị ấy chứ không phải để cầu xin kể lể. Người Phật tử cần thấy nơi hình ảnh của các vị bồ tát ấy những tấm gương sáng để noi theo trong lúc học tập và thực hành đạo Phật. Đọc kinh suông và trì niệm danh hiệu suông thì không đem lại chút lợi ích thiết thực nào.
Trích từ sách Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày - Sư Ông Làng Mai
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top