Phiền não - Trích từ "Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy"

Phiền não

Chúng ta mong ước rằng tai nạn đừng xảy ra trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta mong ước rằng sự giận hờn – một thứ tai nạn – đừng xảy ra, nhưng nếu nó đã rủi ro xảy ra, thì chúng ta phải biết cách đối phó, biết cách trị liệu.
- Phiền não, nói ở đây, là tất cả những phiền não có thể có trong ta, là những tâm hành có tính cách tiêu cực, có tác dụng làm não loạn, làm cho ta mất đi sự an vui.
- Ta có thể dịch phiền não là afliction hay disturbance. Phiền não trong đó có tham (mê đắm), sân (giận hờn) si (ngu si, cái thấy sai lầm về mình và về người khác), sợ hãi và lo lắng. Đây là những chứng bệnh rất lớn của con người hiện đại.

Khi thực tập nương tựa vào tam bảo, ta có thể đối phó với giận hờn và với phiền não đó, trong đó có sự sợ hãi và lo lắng.
Vì vậy cho nên thương yêu được diễn dịch thành những hành động rất cụ thể.
* Trước hết là hành động quán chiếu để thấy. Khi ta thương được ta, ta thương được tất cả mọi loài.
Ta thường nói một vị giáo thọ đích thực là một vị giáo thọ có được ít nhiều hạnh phúc trong bản thân. Không có hạnh phúc thì không thể dạy được ai. Ta dạy ta còn không được thì làm sao ta dạy người khác. Ta phải quán chiếu cho thật vững chãi, cho thật công phu.
Ta có thể quán chiếu một lần, hai lần, ba lần, mười lần. Những lúc ngồi trên tọa cụ, ta quán chiếu đã đành rồi, nhưng những lúc đi thiền hành hoặc làm việc hoặc ngồi tại bàn giấy của mình, ta cũng có thể quán chiếu và tìm ra sự thật về ta (quán chiếu về năm uẩn của ta).
Tất cả những đối tượng của quán chiếu này đều thuộc về năm uẩn.
Sắc tức là thân thể của mình. Mong sao cho thân tôi được an và được lạc. - Ta phải nhìn vào trong cơ thể của ta để xem cái cơ thể ấy có an không, nó có những bệnh tật gì, nó có những yếu đuối gì.
- Ta phải thấy tính trạng của phổi tim ruột thận và gan của ta ra sao, phải thấy được những nhu yếu đích thực của sắc thân ta.
- Sắc thân ta cần được an, nên chúng ta phải ăn và uống như thế nào và phải sống đời sống hàng ngày như thế nào để chúng ta có thể thương được cái thân của ta.
Đó gọi là Từ, đó gọi là Bi. Từ và Bi ở đây lấy cái thân của ta làm đối tượng.
- Còn trong khi ăn, trong khi uống trong khi sống đời sống hàng ngày, ta đã từng đi theo cái tập quán, cái thói quen để làm hại thân ta, làm hại tâm ta, đó là ta đã không thực tập quán chiếu Từ Bi.
Ta đã là kẻ thù của thân thể ta.

Trích từ Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy
Tác giả Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top