Những Nút Thắt Của Sân Hận - Trích từ "GIẬN"

Những Nút Thắt Của Sân Hận

Trong tâm thức của chúng ta có những khối của niềm đau, của sân hận, và của bực bội gọi là nội kết. Chúng cũng được gọi là những nút thắt, giây quấn (triền phược), bởi vì chúng trói buộc, không cho ta được tự do.

Khi một người nào đó thóa mạ ta hay đối xử không tử tế với ta thì trong ta sẽ có nội kết. Nếu ta không biết cách tháo gỡ thì nội kết sẽ lưu lại rất lâu. Sau đó nếu có ai lại đối xử không tử tế với ta như vậy thì nội kết đó sẽ lớn thêm. Nội kết hay những khối đau nhức có năng lực thúc đẩy, ép buộc ta trong khi hành xử.

Lâu ngày nội kết càng trở nên khó chuyển hóa, khó tháo gỡ, và chúng ta bị kẹt. Tiếng Sanskrit của danh từ nội kết là samyojana, có nghĩa là "kết tinh, đóng cục." Tất cả chúng ta đều có nội kết cần được chăm sóc. Chính nhờ thiền tập mà ta tháo gỡ được nội kết và đạt được sự chuyển hóa và chữa trị.

Không phải nội kết nào cũng khó chịu. Có những nội kết êm ái nhưng nội kết êm ái cũng có thể gây nên đau khổ. Khi thấy, nghe, hoặc thưởng thức những gì ta thích, sự ưa thích đó sẽ có thể trở thành một nội kết. Khi những gì ta ưa thích không còn nữa, ta sẽ thèm nhớ và đi tìm. Ta để ra nhiều thì giờ và tâm lực để tìm hưởng lại những khoái lạc đó. Khoái lạc trong khi hút cần sa hay uống rượu sẽ tạo nên nội kết trong thân cũng như trong tâm và rất khó mà giải trừ. Càng ngày ta càng khao khát. Ta sẽ bị sức mạnh của nội kết thúc đẩy, chế ngự, ta không còn tự do.

Tình yêu là một nội kết rất lớn. Khi yêu, bạn chỉ nghĩ đến người yêu. Bạn không còn tự do. Bạn không làm được chi cả, không học bài, không làm việc, không thể thưởng thức một cảnh mặt trời huy hoàng hay một cảnh đẹp thiên nhiên. Bạn chỉ nghĩ tới đối tượng tình yêu của bạn. Vì vậy chúng ta nói tới tình yêu như là một tai nạn, như khi bị té. Khi yêu bạn mất thăng bằng cho nên bạn 'bị té vì yêu (falling in love)'. Thế cho nên tình yêu có thể là một nội kết.

Êm ái hay không êm ái, cả hai thứ nội kết đều làm cho ta mất tự do. Vì vậy cho nên ta phải cẩn thận bảo vệ thân tâm để cho nội kết không thể phát sinh. Ma túy, rượu, thuốc lá tạo nên nội kết trong thân. Sân hận, thèm khát, ganh tị, thất vọng tạo nên nội kết trong tâm.

Tập Dượt Hung Hãn

Sân hận là một nội kết, và vì nó gây đau khổ cho nên ta phải tìm mọi cách để diệt trừ. Các nhà tâm lý trị liệu thích dùng câu "tống nó ra khỏi cơ thể (getting it out of your system)." Và họ nói tới phương pháp 'xả hơi' (venting), cũng như xả hơi khói ra khỏi nhà bếp. Một vài nhà tâm lý trị liệu nói rằng khi năng lượng của sân hận nổi dậy trong ta thì ta phải 'xả' nó đi bằng bằng cách đấm vào gối hay đá vào một cái gì hay đi vô rừng mà la hét.

Khi còn nhỏ chúng ta không được phép chửi thề vì chửi thề có thể xúc phạm, làm mất lòng người khác. Vì vậy thì chúng ta đi vào rừng hay một nơi vắng vẻ để hét lên những tiếng chưởi thề để 'xả' ra những ép bức, bực bội trong mình. Đây cũng là 'xả hơi.'

Những người sử dụng cách 'xả hơi' sân hận như là đấm gối, la hét thực ra là đang tập dượt sân hận. Họ tự tạo cho mình một tập khí nguy hiểm: họ luyện tập tánh hung hãn. Trái lại, chúng ta thì chế tác chánh niệm và ôm ấp, chăm sóc sân hận mỗi khi nó phát khởi.

Nâng Niu Tâm Sân Hận

Chánh niệm không bao giờ đánh phá sân hận hay tuyệt vọng. Chánh niệm chỉ có đó để nhận diện. Chánh niệm về một cái gì là nhận diện sự có mặt của cái đó trong hiện tại. Chánh niệm là khả năng biết được những gì đang xẩy ra trong hiện tại. "Thở vào tôi biết sân hận phát khởi trong tôi; thở ra tôi mỉm cười với sân hận của tôi." Đây không phải là đàn áp hay đánh phá. Đây chỉ là nhận diện. Mỗi khi ta đã nhận diện được sân hận ta sẽ ôm ấp nó với tất cả tỉnh thức, nâng niu.

Khi trong phòng bị lạnh, bạn mở sưởi và lò sưởi sẽ phát hơi nóng. Khí lạnh trong phòng không cần phải đi ra khỏi phòng thì phòng mới ấm. Hơi lạnh được hơi nóng bao trùm và sẽ ấm lần. Không có chuyện tranh đấu giữa hơi lạnh và hơi nóng.

Thực tập chăm sóc cơn giận cũng như vậy. Chánh niệm nhận diện và chấp nhận sự có mặt của cơn giận. Chánh niệm cũng như một người anh cả. Anh cả không đàn áp đứa em đang đau khổ. Chánh niệm chỉ nói, "Em ơi, có anh giúp em đây." Bạn ôm đứa em của bạn vào lòng và an ủi vỗ về. Đây chính là là sự thực tập của chúng ta.

[...]
Trích trong sách "GIẬN" _ Sư Ông Làng Mai

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top