Trí thức và chế độ Cộng sản

Tác giả: Phạm Việt Vinh

Tiến sĩ A đã từng là một giáo sư người Đức giỏi tại trường Đại học Kỹ thuật thành phố E, một đô thị lớn thuộc Đông Đức cũ. Ông là giáo sư trưởng ngành khi tôi còn là một du học sinh Việt Nam tại E. vào giữa những năm 70 của thế kỷ trước. Đối với giới sinh viên hồi đó, ông là một người thầy vừa được quý mến, vừa được kính trọng. Trong giờ ông lên lớp, giảng đường im phăng phắc, tất cả sinh viên từ người Đức, người Hung đến người Việt đều chăm chú nghe, đều cắm đầu ghi chép hầu như lấy từng lời của ông vì mọi điều ông nói ra đều có vẻ như vô cùng quý giá. Vào cuối những năm 80, ông là người trực tiếp hướng dẫn tôi làm luận án nghiên cứu khoa học. Lúc này, ngoài vai trò giáo sư trưởng ngành, ông còn đảm nhiệm chức vụ chủ tịch công đoàn khoa.Vào giờ ăn sáng, ăn trưa, xung quanh ông lúc nào cũng có dăm bảy đồng nghiệp ngồi cùng với một thái độ nể trọng.

Tháng 10 năm 1990, nước Đức thống nhất. Tại tất cả các cơ quan ở Đông Đức, người ta tiến hành kiểm tra, phát giác hệ thống chân rết của bộ máy An ninh Quốc gia Stasi khét tiếng. Từ đó, vào giờ ăn sáng, ăn trưa, tôi thấy giáo sư A hầu như chỉ ngồi có một mình. Rồi tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều đồng nghiệp của ông có vẻ như lảnh tránh ông và đôi lúc nhìn ông với những ánh nhìn khinh ghét. Một thời gian sau, có người nói với tôi: giáo sư A là "IM" (viết tắt của tiếng Đức: inoffizieller Mitarbeiter), là người ngầm cung cấp tin tức cho cơ quan An ninh Quốc gia. Tuy vẫn còn là giáo sư, tiến sĩ tại trường, nhưng tôi thấy ông càng ngày càng cô đơn hơn, buồn thảm hơn. Năm 1992, ông chủ động xin nghỉ hưu trước thời hạn. Với tư cách học trò cũ, tôi thỉnh thoảng vẫn đến thăm ông. Và ông kể với tôi: với vị trí là giáo sư trưởng ngành và chủ tịch công đoàn, ông vừa là nhà lãnh đạo chuyên môn, vừa là người có thể nhìn nhận được nhiều mặt trong cuộc sống của hơn 300 giáo viên, cán bộ khoa học và nhân viên trong khoa. Rồi một ngày, ông nhận được giấy mời của cơ quan Stasi. Tại trụ sở Stasi của tỉnh, người ta yêu cầu ông cộng tác. Việc cộng tác sẽ đảm bảo cho vị trí công tác và sự thăng tiến của ông. Việc chối từ sẽ được đánh giá là sự bất hợp tác với cơ quan bảo vệ quốc gia, sự trốn tránh trách nhiệm của một đảng viên cộng sản. Đối với ông,lời yêu cầu đó là một sự bắt buộc. Và ông nhận lời. Nhiệm vụ của ông là thường xuyên báo cáo với cơ quan an ninh quốc gia về khả năng chuyên môn, và đặc biệt là về thái độ chính trị cũng như diễn biến tư tưởng của đồng nghiệp và cán bộ dưới quyền. Ông kể rằng ông đã không hề làm những báo cáo sai sự thật. Nhưng cũng vì những báo cáo của ông mà có những tiến sĩ không bao giờ được trao đề tài nghiên cứu quan trọng, có những giáo viên, nhân viên bắt buộc phải đổi nghề. Ngược lại, ông được bầu vào Đảng ủy trường đại học, được cấp một khoảnh đất rộng rãi để xây lên một biệt thự khang trang bên cạnh các biệt thự của nhiều quan chức lãnh đạo thành phố.

Rồi cuộc đời đã không như ông tưởng. Nhà nước Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Đức sụp đổ. Hồ sơ bộ máy Stasi bị phanh phui. Nhiều đồng nghiệp, bạn bè ông đã được đọc những dòng ông ngầm viết về họ. Trong một buổi họp toàn khoa, ông đã đứng lên thành thật xin lỗi họ. Nhưng dù có muốn, họ cũng không có thể nhìn ông được như xưa. Ông không bị truy cứu hình sự, không bị trừng phạt, nhưng khi biết vào những lúc trao đổi ngày nào, bên cạnh con mắt một nhà khoa học, một người bạn, một người đồng nghiệp, ông còn có một con mắt khác để nhìn họ, soi họ dưới một góc độ khác, thì đối với họ, ông là một người hai mặt, và ngày nay họ không thể tin ông. Qua bàn tay dù muốn hay không của ông, có những người khác chính kiến với nền chính trị chính thống đã bị thiệt thòi. Ở một mức độ nào đó, họ có quyền coi ông là kẻ phản bội bạn bè. Là một người thông minh và học cao, có lẽ ông biết rõ điều đó, và ông cũng biết rõ uy quyền khủng khiếp của cơ quan an ninh chính trị. Nhưng có thể bản thân ông cũng không biết, khi nhận cộng tác ngầm với Stasi, trong tâm lý của ông có bao nhiêu phần trăm là lòng tin vào chế độ, bao nhiêu phần trăm là sự sợ hãi, và bao nhiêu phần trăm là ước muốn công danh, biệt thự, xe hơi. Kết cục là bên cạnh việc vẫn sử dụng ông với năng lực một nhà khoa học, chế độ cộng sản Đông Đức đã biến ông thành một người mật thám. Người ta đã dùng lòng tin, sự sợ hãi, nỗi ham muốn lợi quyền để bẻ cong tư cách trí thức của ông, để ông không còn được trung thực, không còn được ngay thẳng. Nhân danh việc bảo vệ chế độ, người ta đã đánh sụp ông hoàn toàn với tư cách một người thầy giáo, một nhà khoa học.

Có lẽ khi nhìn kỹ, tư chất trí thức chưa bao giờ là đồng minh của một chế độ cộng sản. Stasi Đông Đức là con đẻ của cơ quan an ninh Liên Xô. Các bài bản của Stasi phần lớn được học hỏi từ bộ máy an ninh Xô-viết. Lịch sử đã cho thấy rõ, ngay sau khi chính quyền Xô-viết được thành lập vào năm 1917, đối tượng bị cơ quan an ninh đánh phá khốc liệt và tàn bạo nhất là tầng lớp quý tộc và trí thức. Với tuyên bố xây dựng nhà nước công-nông, lần đầu tiên trong lịch sử loài người, một thể chế công khai coi trí thức là một nhân tố phụ trong xã hội. Dưới lưỡi hái của các cơ quan "Chống phản cách mạng", "An ninh Quốc gia" như Cheka, KGB, hàng trăm ngàn trí thức đã bị sát hại, tù đầy, trục xuất. Những trí thức được đào luyện trong chế độ mới một mặt vẫn phải miệt mài sản sinh ra những thành quả khoa học, kỹ thuật diệu kỳ, mặt khác vẫn nằm trong sự giám sát nghiêm ngặt và khi cần vẫn bị sự khủng bố, triệt hạ sắt máu của bộ máy an ninh chính trị. Người ta sẽ có lý khi cho rằng, do xuất phát từ chủ thuyết "vô sản", do sức mạnh chính quyền ban đầu được dựa vào những thành phần xã hội đơn giản nên tất cả các chính quyền cộng sản đều có mối thâm thù với tầng lớp trí thức. Và do muốn dựng xây thế giới trên cơ sở một thứ tôn giáo trá hình, nên các đảng cộng sản phải coi tính trung thực, sự hoài ước "Chân, Thiện, Mỹ" - những đặc tính cần thiết của giới trí thức, là những liều thuốc độc. Biểu hiện căm thù trí thức đạt tới đỉnh cao với sự hình thành nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cuộc cách mạng cộng sản Trung Quốc được lãnh đạo bởi Mao Trạch Đông, con của một trung nông, và được dựa hầu như hoàn toàn vào sức mạnh "nông thôn bao vây thành thị". Vì vậy, Tôn Dật Tiên, Quốc dân Đảng với hậu thuẫn chính là tư sản, trí thức phải bị gạt bỏ, triệt tiêu. Trí thức được đánh giá cao hơn "cục phân" phải bị xử lý kỹ trước khi sử dụng, phải bị đội mũ lừa, bị cải tạo lao động tại nông thôn và phải bị tàn sát trong "Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản".

Là con đẻ, là đàn em của các chính quyền cộng sản Xô-viết, Đông Đức, Trung Hoa nên trong thực chất, chính quyền hiện nay ở Hà Nội cũng phải mang trong máu mối thâm thù trí thức. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông miền Bắc từ cuối những năm 60, người viết bài này cũng đã được dặn dò rất kỹ rằng tầng lớp trí thức là thành phần không kiên định, hay nghiêng ngả và dễ dàng đi với giai cấp tư sản. Đối với chế độ hiện nay, chủ thuyết đấu tranh giai cấp, coi công-nông là nền tảng cách mạng, khẩu hiệu "trí phú địa hào - đào tận gốc, trốc tận rễ" có thể đã là những vũ khí đã lỗi thời, được cất làm cổ vật. Nhưng điều quan trọng là chính những vũ khí đó đã tạo ra nền tảng của chính quyền hiện nay; chính tâm thức công-nông, bài trí thức đó vẫn đang quyết định hành xử của các cỗ máy công quyền hiện đại. Nhiều đại biểu Quốc hội có học vấn thực thụ vẫn trộm phàn nàn về sức mạnh áp đảo của thành phần "ít học" trong Quốc hội. Những thứ trưởng, bộ trưởng trẻ ngóng mong được làm một giới "kỹ trị" mới vẫn đang phải chịu sự điều hành hay nấp bóng của các đại công thần xuất thân từ chiến trường, đồng ruộng hay thậm chí từ thành phần bất hảo. Những người gìn giữ và bảo vệ một chế độ như vậy đương nhiên sẽ căm ghét những phân tích, nhìn nhận tỉnh táo, khoa học. Khi bắt toàn dân phải nghĩ và đi theo "lề đường bên phải", chính thể này không khác nhiều so với việc cách đây 50 năm, họ đã hành hạ những ai phản đối nhà nước muốn "đặt bục công an giữa trái tim người".

Trong khi đó, tận tìm sự hợp lý, vượt thoát vạch ngăn lại chính là tố chất cao nhất của người trí thức. Và điều này sẽ quyết định sức mạnh của một đất nước. Chăng dây định lề đi cho trí thức là hành vi "phản tri thức", phá hoại quốc gia. Khi thực thi chủ trương này, thì ngay cả với một đội ngũ khoa bảng cao trong bộ máy chính quyền, nhà nước Việt Nam ngày nay vẫn không vượt thoát được bản chất "công-nông" không thể gột rửa. Hơn nữa, khi xuất phát từ một quốc gia chưa có giai cấp công nhân, và một điền chủ với vài ba mẫu ruộng đã bị đem ra đấu tố, thì bản chất này có thể chỉ ở mức độ "tiểu nông" với những biểu hiện thiển cận trong nhìn nhận, giảo hoạt trong thái độ và tủn mủn trong hành vi. Với một chính quyền như vậy, giới trí thức có suy nghĩ độc lập phải được coi là hiểm họa. Tư tưởng chính trị mong manh có thể đã làm cho ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam lúc thì xác quyết "Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp", lúc thì khẳng định "Trung Quốc là đồng minh chiến lược, toàn diện và lâu dài", nhưng có lẽ, bản chất "tiểu nông" đã làm cho họ lúc nào cũng coi trí thức mãi mãi là đối thủ! Trong trận tuyến họ tạo ra với trí thức ấy, việc đàn áp, bắt trí thức suy nghĩ, hành động trong khuôn phép chắc chắn là một nhiệm vụ quan trọng của bộ máy an ninh cộng sản. Trong hành xử chống lại một đối thủ bị căm ghét về tri thức và tư tưởng, việc tập trung đánh gục danh dự, nhân cách đối thủ là một đòn thông dụng của cơ quan an ninh chuyên chính.

Khi nhiều người Việt Nam yêu dân chủ hy vọng vào một trung tướng Trần Độ thì họ mang ông ra kiểm điểm về quan hệ nam nữ. Khi xã hội Việt Nam có vẻ như bừng tỉnh với những tiếng nói đối kháng thì họ trưng dẫn ra những bản kiểm điểm trong nhà tù của những người bị giam cầm nhằm chứng minh nạn nhân đã quỵ gối, đã phản lại chính mình. Không thể dùng lý luận để biện minh cho sự tồn tại của mình, họ gắng sức bôi nhọ các gương mặt phản kháng bằng những tình tiết riêng tư. Chỉ hai ba ngày sau khi bắt giữ luật sư Lê Công Định, họ tung lên các mạng thông tin bút tích và hình ảnh nạn nhân nói lời hối cải, xin tha thứ. Mọi phán đoán về sự khủng bố, ép cung của công an, hay về sự gục ngã về tinh thần của Lê Công Định cho đến nay vẫn chỉ là cảm giác. Điều chắc chắn là những phát biểu, bài viết, hành động của ông cho đến trước khi bị bắt là kết quả, là tinh hoa của một bộ óc trí thức cần thiết cho một xã hội văn minh. Khi không thể bẻ gẫy những lập luận của ông, nhà cầm quyền Việt Nam khoái trá đưa ra một Lê Công Định ảm đạm phủ nhận những suy nghĩ và hành vi trong lúc có thể được coi là tự do của mình. Trước và sau Lê Công Định, cơ quan an ninh Việt Nam đã và vẫn đang dùng mọi phương kế đàn áp, lừa phỉnh, nhiều khi giẫm đạp lên luật pháp của chính họ để bắt không biết bao nhiêu trí thức Việt Nam cúi mặt trước ống kính của công an để đọc lời chối bỏ những hành vi sáng suốt và đáng quý của mình. Đó là đỉnh cao của sự lăng nhục, triệt hạ nhân cách nói chung và trí thức nói riêng. Một trong những bằng cớ cơ quan công an đưa ra để buộc tội các cá nhân và tổ chức đối kháng là "bị tác động và nhận tiền của nước ngoài". Các bằng chứng được viện ra hầu hết đều khiên cưỡng và bịa đặt. Chính quyền và ban lãnh đạo Đảng Cộng sản không tin, hoặc là cố tình không tin, nhưng lại muốn bắt cả dân tộc phải tin rằng không còn có những con người Việt Nam, trí thức Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng tư vì đất nước. Họ muốn chứng minh rằng đất Việt đã hết những con người vì nghĩa. Đó là sự phỉ nhổ vào tinh khí quốc gia.

Trong cuộc "Thập tự chinh" hủy diệt nhân cách trí thức - của cả người có học vấn cao lẫn của người dân thường, này, từ bài học của đàn anh Stasi, chắc chắn cơ quan an ninh Việt Nam cũng đang có hàng chục, hàng trăm nghìn "IM" như giáo sư A, ở một mức độ nào đó, hoặc là đang phải tàn phá danh dự của chình mình, hoặc là phải "sống hèn" như lời nhạc sĩ Tô Hải mới đây trong Hồi ký của một thằng hèn. Rồi cuối cùng, CHDC Đức cũng sụp đổ. Một chế độ được dựng xây và bảo vệ bằng sự triệt hạ, nhục mạ trí thức chắc chắn không thể trường tồn. Chế độ đảng trị Việt Nam không thể là ngoại lệ. Vấn đề quan trọng là thời gian. Vì thời gian cũng có khả năng biến "sống hèn" thành tập quán.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: