6666
HỒNG NGỰ MANG TÊN EM
Một buổi sáng ở Bến Lức Long An. Như mọi ngày, chị Lành ( quê Hồng Ngự) phải ròng rã đi bộ cả chục cây số để mời mua vé số, gặp ai cũng mời cũng chào, nụ cười đôn hậu. Sáng đó, chị gặp anh Tuấn, làm nghề chạy xe ba gác đang uống cà phê. Thấy chị tội nghiệp, anh Tuấn mua ủng hộ 20 tờ, nhưng hẻm có tiền trả, nên nói thôi chị cứ giữ giùm. Nếu tới chiều mà còn thì đưa cho tui, tui trả tiền cho, coi như giúp đỡ. Nói rồi anh chạy đi chở hàng, nụ cười sáng loáng. Dưới miền Tây, người lao động hay vậy. Dù nghèo khổ vẫn không quên giúp đỡ những người nghèo giống mình, ăn cái bánh cũng bẻ đôi cho người bên cạnh, chứ không phải đợi có tiền mới đi làm từ thiện, thể loại đó thì chỉ miệng mồm chứ muôn đời chả giúp ai.
Ở miền Tây, người ta hay cười. Cười hồn nhiên theo kiểu văn hóa Miên Thái, ít chửi bới văng tục nặng lời ghim gút với nhau kiểu văn hóa Tàu. Trong suốt hơn 300 năm mở cõi, những cư dân Việt ở đây đã phải biết thoát Trung như thế nào về mặt tư duy và văn hóa. Nhưng vì tài nguyên phong phú, nên ở miền Tây có rất nhiều người làm biếng, thích hưởng thụ hơn lao động. Và cũng bị đánh giá là ít sâu sắc, kém khoản ăn nói hoa mỹ. Nhưng suy cho cùng, cái tâm sáng mới là cái đáng trân trọng. Chứ ăn nói sắc sảo khôn ngoan mà chi. Sắc sảo thì có đứa sắc sảo hơn. Khôn ngoan khéo léo thì có đứa khôn khéo hơn. Chỉ có trung thực thì không có tính từ so sánh hơn ( Trong tiếng Anh, beautiful thì có more beautiful, the most beautiful nhưng honest ( trung thực) thì không có more hay most gì cả).
Cái chiều hôm đó, ông trời có mắt, trong 20 tờ vé số đó có 4 tờ trúng đặc biệt. Trị giá 1 tờ là 1 tỷ rưỡi. Và 16 tờ còn lại thì cũng có giải này giải kia…nên tổng trị giá là 6.6 tỷ. Chị Lành dò thấy trúng nên mới gọi anh Tuấn tới quán cà phê hồi sáng, kêu “trả lại cho tui 200 ngàn tiền anh mua thiếu rồi tui mới đưa 20 tờ vé trúng thưởng cho anh”. Anh Tuấn tới, móc túi đưa chị Lành 200 ngàn, nhận 20 tờ. Boa luôn 1 tờ đặc biệt. Thế là chị Lành có được 1.5 tỷ, còn anh Tuấn thì vẫn còn 5.1 tỷ. Mọi người nói sao chị không giữ lại, im luôn thì anh Tuấn cũng đâu có biết, thậm chí có biết cũng không làm được gì vì số trên vé bao nhiêu thì chỉ có chị Lành biết thôi. Chị Lành trả lời hồn nhiên là “ Hai chục tờ này anh Tuấn nói là mua rồi, tui để riêng, trúng trật gì cũng của ảnh. Tui chỉ giữ giùm. Tui mà im luôn thì người ta coi tui ra gì”.
Tony đọc mẩu tin trên mà cười ra nước mắt. “ Coi tui ra gì” à, chị như thế nào thì người ta coi ra như thế ấy chứ. Thích hành động chị Lành gọi điện đòi cho được 200 ngàn tiền bán thiếu. Dân làm ăn phải vậy. Sòng phẳng để được bền lâu. Và cũng thích cách anh Tuấn đưa lại 1 tờ trúng đặc biệt. Một sự tưởng thưởng rất hào sảng của người phương Nam.
Mẹ con chị Lành
Và cho dù ở ngoài kia, người ta có đảo điên chụp và giật, cho dù trên phương tiện truyền thông, hàng ngàn doanh nhân doanh nhéo với bao nhiêu là danh hiệu vẫn không biết TÍN biết nghĩa là gì, câu chuyện chị Lành như 1 dòng suối mát trong giữa sa mạc khô cằn của sự thiếu niềm tin. Có bao nhiêu người mang tiếng làm ăn lớn nhưng trở mặt như trở bàn tay, nuốt lời như cơm bữa, thì trong lòng Tony, chỉ có chị Lành xứng đáng với danh hiệu doanh nhân. Duy chỉ 1. Câu chuyện của chị xứng đáng được đưa vào giáo khoa thư.
Chị đã làm rạng danh quê hương Hồng Ngự, ít ra trong các quán cà phê, quán nhậu vỉa hè. Người ta vinh danh chị như vinh danh 1 cái đẹp, dù lẻ loi giữa cuộc đời này. Trong khi chị chỉ là 1 người bán vé số ở một huyện biên giới rất xa xôi. Nhìn ảnh chị chụp trên báo, nhìn nụ cười hồn nhiên của chị và anh Tuấn, trong đầu bất chợt vang lên bài hát “ Hồng Ngự mang tên em”* của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng.
“Tôi sẽ về thăm quê hương Hồng Ngự.
Nhìn lúa Tháp Mười vươn lên đầy đồng.
Nhìn dòng Tiền Giang êm ái.
Nhìn cánh chim trời tung bay.
Mà nghe luyến lưu dâng đầy..”
Mỗi độc giả TnBS hãy là một chị Lành. Để mình đi đâu, làm gì, quê hương mình, đất nước mình cũng được thơm lây. Tiếng “ Lành” thì sẽ vang xa.
Nhiều bạn hỏi hào sảng là gì. Vì xưa giờ chưa nghe ai nói. Hào sảng đơn giản là sự cho đi mà không tính toán, là sự buông bỏ để làm lại từ đầu. Hào sảng là không tham lam, không ích kỉ, không cá nhân không chủ nghĩa.
Tony có hai người bạn tên là A và B, đều là chủ hai công ty thương mại lớn. Cả hai đều li hôn sau một thời gian chung sống với vợ. Ngày chia tay, mọi thứ với anh A đều chia đôi. Con hai đứa chia mỗi người nuôi một, đũa anh lấy một chiếc vợ một chiếc, cả củ gừng trong tủ lạnh anh cũng bẻ đôi. Những gì không chia đôi được như tivi, tủ lạnh, máy nước nóng…thì anh qui thóc, định giá bằng giá mua. Cô vợ thì không chịu, nói món đó giá mua năm triệu bây giờ đã là đồ cũ chỉ có hai triệu thôi, cãi nhau ầm ĩ đàm phán tòe loe, cuối cùng cô vợ phải chấp nhận mức ba triệu và trả lại cho anh 1,5 triệu. Nhìn anh gánh ra khỏi nhà mà lỉnh khỉnh đồ đạc, lẽo đẽo với đứa con gái nhỏ, ai trông cũng hết sức thương cảm. Anh làm ăn cũng có tiền, nhưng không phát triển được. Anh kiếm tiền chủ yếu từ chụp giật đơn hàng với đối thủ cạnh tranh. Anh ngồi thở dài miết, nói sao tôi không thành tỉ phú nhỉ? Gương mặt anh khôn thiệt khôn, quắt queo trong cái nắng tháng tư…
Anh B cũng li hôn, để lại hết gia tài cho vợ, bước ra khỏi nhà và đêm đó thuê khách sạn ngủ, bắt đầu lại từ đầu. Sự hào sảng của anh gặp phải sự chỉ trích khủng khiếp từ cha mẹ người thân, bảo là “cái thằng ngu chưa từng có”, “cái đồ u mê, cái đầu chỉ để đội nón”. Anh cười khẩy, vì anh biết vợ cũ của anh vẫn phải tiếp tục nuôi con, và mình là đàn ông đàn ang, phải biết hào sảng buông bỏ. Đến giờ, công ty anh càng ngày càng lớn, khách hàng ngày càng nhiều, đối thủ cạnh tranh cũng nể, chia sẻ đơn hàng với họ, họ chia sẻ lại đơn hàng với anh. Khách tới mua hàng, nếu anh hết hàng đó, hoặc không có, anh sẽ giới thiệu qua một đơn vị cung cấp khác. Người ta nợ một món nợ ân tình, trả hoài không hết…
Có hai sức mạnh lớn của một con người. Một là sức mạnh lấy vào, the power of talking. Cố gắng học để có bằng cấp, để có kiến thức thật uyên bác, kiếm tiền thật nhiều, mua cái này cái nọ…từ tay trắng, nhiều người đã có tất cả những gì họ từng mơ ước, với sức mạnh của sự lấy vào này. Nhưng có một sức mạnh lớn hơn, chính là sự cho đi, the power of giving. Đang trên đỉnh vinh quang, nhiều người sẵn sàng bỏ hết, để về quê hưởng cuộc sống an nhàn, mà bị người đời chê là dại. Bậc đại trí Nguyễn Bỉnh Khiêm từng viết: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao”.
Có hoa hậu nọ đăng quang xong, sau hai năm trả hết nghĩa vụ từ thiện, đi nước ngoài du học, lấy chồng sinh con, từ chối mọi cuộc phỏng vấn hay xuất hiện chốn đông người, sống bình yên với thiên chức của một người phụ nữ như tạo hóa đã ban cho. Tony thật sự ngưỡng mộ, vì cô buông bỏ được những lời tán dương đẹp đẽ, những son phấn nước hoa, những siêu xe, những ánh đèn màu và những xấp đô la lấp lánh, cô đã bỏ được những phù phiếm xa hoa để lấy giá trị bình yên của riêng mình. Đó hẳn là một sức mạnh ghê gớm của người đẳng cấp.
Tony có quen một MC được nhiều người ưa thích. Bạn đang hot nên chạy sô liên tục, xuất hiện ở mọi chương trình đến nhẵn mặt. Khán giả bắt đầu ớn, vì câu nói nào cũng giống câu nói nào. Tony khuyên thôi em nghỉ một thời gian đi, đi du học rồi hai năm sau về, dẫn chương trình bằng tiếng Anh luôn, bạn sợ, nói em ráng khai thác thêm chút tiền nữa. Với bạn, sức mạnh của sự láy vào quá lớn so với sức mạnh của sự cho đi, nên cuối cùng bạn rơi vào ngõ cụt của sự nghiệp, vì tài năng không có thời gian phục hồi. Một người bạn khác của Tony là giảng viên đại học, anh nhận làm giảng viên, sáng dạy chiều dạy tối dạy, không có thời gian nghỉ ngơi đọc sách nâng cao trình độ, nên có nhiều đó nói miết, nói hoài…Rồi anh bị bạo lực, đang giảng bài thì bị đột quị, phải cấp cứu. Những đồng tiền kia cũng cắp nón ra đi theo hóa đơn dài ngoằng của bệnh viện. Giờ anh nằm ở nhà, chèo queo một mình, rồi luôn miệng giá như, giá như…
Buông bỏ thật sự là rất khó, phải tập luyện mới có. Buông bỏ không có nghĩa là mất, mà là “có chỗ trống” để đón nhận cái lớn hơn. Nhưng nhiều người với tư tưởng tiểu nông vụn vặt, sợ “mất cả chì lẫn chài” nên cố bám víu, riết đầy óc càng nhỏ hẹp, sự ích kỉ cá nhân và sự tham lam chế ngự hết tâm trí, u u mê mê, không phân biệt cái gì đúng, cái gì sai.
Là doanh nhân, chúng ta phải tập tính sẵn sàng cho đi, SẴN SÀNG BUÔNG BỎ. Vì được đó, mất mấy hồi. Mất đó, được mấy hồi. Lúc sinh ra, mình trần truồng chẳng có gì. Người đời đeo vàng đeo bạc đeo bằng cấp phấn son lên người, nhưng khi chết đi, chui vô hòm nằm, cũng chỉ là những mảnh vải trắng quấn quanh thân, Vua chúa xưa nay chôn theo nào là châu báu bạc vàng nhưng mồ mả của họ chả yên ổn vì cứ bị trộm đào miết.
Cả đời người phấn đấu, các bạn yên tâm. Cái gì của mình thì của mình, cái gì không phải là của mình thì KHÔNG BAO GIỜ GIỮ ĐƯỢC. Ngay cả cái của mình, đẳng cấp là mình DÁM buông bỏ hết khi cần để làm lại từ đầu, mình có tài năng, có ý chí, có sức khỏe mà, sợ gì?
Chương trình Áo ấm mùa đông (các bạn trẻ tình nguyện lên vùng cao thu mua nông sản về thành phố bán, lợi nhuận mua áo ấm chuyển lên lại các trường vùng cao) là chương trình tập tính hào sảng cho các bạn trẻ. Nhiều bạn thấy hay quá, tuần nào cũng kiếm được mấy triệu, nên tách ra, cũng lên miền núi mua đồ về bán y chang, còn nhắn tin cho Ban tổ chức (BTC) nói: “Bận rồi nha, không tình nguyện nữa nha”. Thậm chí nhóm nọ, sau khi hoàn thành nhiệm vụ còn kiên quyết không hủy page [trang bán hàng] nói: “Ngu gì, page này nhiều like thế mà, tôi đang bán nhiều đơn hàng lắm”. Tony định dạy cả chục chương trình khác nhau để sau này các bạn làm doanh nhân lớn, xã hội bao la, còn bao nhiêu lĩnh vực làm ăn chứ đâu mỗi cái nông sản. Nhưng mới bài tập một đã vậy rồi, thì làm sao mà các bạn có thể tiếp tục thu các bài tập khác đây?
Tony òa khóc. Nhớ là mình đã dạy tụi nó từ “hào sảng” cả chục lần rồi mà. Bèn vô từ điển tiếng Việt của Vũ Chất Lượng coi lại hào sảng nghĩa là gì, thấy bác ấy ghi là: “Hào sảng là hành động bị đá lọt xuống hào sâu rồi bị mê sảng”.
Dượng thấy ở chợ Phúc Xá Hà Nội, 1 kg cua đồng giá tới 200 ngàn. Mà con cua bé tẹo. Trong Sài Gòn chỉ có 60 ngàn/kg. Mà hẻm chở ra được vì xa là nó chết. Nên các bạn ngoài đó, có thể đầu tư nuôi cua. Con cua nó nhạy cảm với nắng nóng và trời rét, nên mình đầu tư quy mô công nghiệp. Trong miền nam, sản xuất nông nghiệp thường là nông trại lớn, nên dượng thấy thịt cá ngoài bắc nhìn chung ngon hơn, do gà đồi cá ao rau vườn. Tuy nhiên, giá lại quá đắt đỏ so với thu nhập của người dân bình thường ở đấy. Với tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa các làng quê, các khu công nghiệp mọc lên ngày càng nhiều…thì nông sản sẽ chắc chắn không đủ với cách làm nhỏ lẻ như vậy nữa. Vận chuyển từ miền nam ra những 2000 km so với 300 km từ biên giới, do đó hàng cung cấp từ Trung Quốc sẽ có giá cạnh tranh hơn. Vì ở sát biên giới, ở Vân Nam và Quảng Tây, các nông trại khổng lồ trong đủ thứ cây nhiệt đới và á nhiệt đới, nuôi đủ thứ từ cá tầm cá hồi cá quả đến gia súc gia cầm, quy mô lớn nên chi phí sản xuất nhỏ, giá rẻ. Nên nguyên tắc giao thương, nước chảy về chỗ trũng là bình thường nếu chúng ta không tự nâng nền cao lên để nước khỏi tràn vô.
Các bạn đi xa chút, Thái Nguyên, Lai Châu, Lào Cai…lập dự án đầu tư nông nghiệp đi. Sắp có cao tốc hết rồi, vận chuyển về Hà Nội hay Hải Phòng sẽ dễ dàng. Mùa hè lắp máy phun sương, lưới chắn nóng. Mùa đông dùng bóng halogen sưởi ấm. Chứ dượng thấy trên phố Hà Thành, công ty nào cũng trưng bảng hiệu làm nghề Tư vấn, Tài Chính, Chứng Khoán, Bất Động Sản, quảng cáo truyền thông, bán quần áo Trung Quốc….xen lẫn với các quán miến gà miến ngan bún riêu bún chả? Ngay cả bà gánh hàng hoa quả đi ngang qua, nhìn vô cũng thấy táo, lê, lựu…toàn hàng Tàu.
Các bạn nói nông nghiệp bấp bênh, có lúc đổ đống không ai mua. Quy mô lớn, sẽ có bộ phận marketing, họ sẽ phải liên hệ với các siêu thị, các chợ bán sỉ, các thương nhân xuất khẩu, các nhà máy chế biến…nên không có chuyện nông trại nào phải đổ bỏ cái gì đó cả. Dội chợ là họ đem đi cấp đông, làm mứt hay sấy khô liền. Họ tham gia mọi hội chợ triển lãm, nên khách càng ngày càng đông, họ càng mở rộng quy mô sản xuất. Còn nông dân tự sản xuất thì do thiếu thông tin nên mới có chuyện phải đổ bỏ như vậy. Cho nên làm nông nghiệp, phải có đầu ra. Đi tiếp thị xong rồi mới mở rộng. Đầu tư bộ phận marketing và sales. Còn không, làm quy mô nhỏ thăm dò trước. Ví dụ: nuôi cua quy mô lớn, liên hệ các chợ bán sỉ các tỉnh thành, các nhà hàng lớn, thậm chí nhà máy đông lạnh nơi gần nhất trong trường hợp hàng bị thừa nguồn cung mà cua ngày mỗi lớn, mình có thể đông lạnh gửi nhà máy trữ giùm. Kinh doanh là phải sáng tạo và bươn chải.
Đừng có phù phiếm. Cũng đừng cố bám trụ 5 cửa ô. Tích tiểu thành đại, chín xu đổi lấy 1 hào. Sĩ diện chi. Nếu trí tuệ mình thật sự cao siêu thì hạc lên, còn không, biết đọc biết viết biết tính toán rồi kiếm tiền nuôi cha nuôi mẹ giúp đỡ người thân. Chứ hạc cao làm chi mà thất nghiệp? Lỡ thạc sĩ mà xin không ra việc, thì cái thạc sĩ ấy có nghĩa lý gì không? Cha mẹ nuôi mình tới 18 tuổi là được rồi, sao còn ép những tấm lưng gầy còm ấy nuôi mình đến 5 năm cử nhân, 3 năm thạc sĩ? Rồi thất nghiệp, tiếp tục ép cha mẹ bóp mồm bóp miệng dưới quê gửi lên thành phố nuôi nữa? Sao mình bất tài vô dụng vậy? Hạc giỏi là bình thường, người ta nghĩ ra rồi mình hạc lại, có gì hay? Làm giỏi mới hay. Lỡ đang hạc thì hạc cho xong đi, nhưng phải tự kiếm việc làm thêm mà hạc chứ không phải xin tiền cha mẹ.
Sao không đi xa xa chút mà mần, về quê tổ chức sản xuất kinh doanh. Sợ gì mà không đi? Hay làm biếng? Chả có gì nhàn hạ mà kiếm nhiều tiền cả. Như dượng nè, cũng có hạc hòm hạc vị chứ không phải không có, nhưng vẫn bỏ đi trồng nấm trồng hoa, vì thấy thị trường lớn. Nếu giờ dượng đi bán rau ngoài chợ vẫn làm, chả sợ ai. Gương mặt thanh tú và đôi tay búp măng ấy sẽ gói rau thoăn thoát, nụ cười sáng bừng cả góc chợ. Ai khinh kệ mẹ nó. Việc mình mình làm, hơi đâu để ý. Mình có ăn cắp tiền hay ăn bám của ai đâu. Đứa nào nó khinh
kiểu sĩ phu Bắc Hà nhảm nhí, mình ra tay liền cho dượng. Trai thì bóp vái, gái thì bóp dú. Chỉ thẳng vào mặt nó. Nói tao làm gì kệ tao, miễn là lương thiện. Nó sẽ sợ hãi, sẽ nể mình ngay.
Dượng đọc báo cáo tài chính các công ty, thấy bắt mệt. Có tiền mà, có trăm triệu đô la thì hãy đầu tư trung tâm R&D để phát triển công nghệ chớ. Cứ chực đánh quả không. Vẽ vời chi mấy cái viển vông dự án, cổ phiếu cổ đông gì đó rồi người ta lao vô thì úp sọt hết. Nền kinh tế gì cứ ở chung cư, biệt thự nghỉ dưỡng và mua qua bán lại cổ phiếu vậy?
Phải sản xuất và sản xuất, chưa đủ trình làm ra smartphone như Hàn Quốc thì phải đủ gà vịt để ăn. Chứ 70% dân số nghề nông mà gà cũng nhập, bò cũng nhập, heo cũng nhập, tăm xỉa răng cũng nhập? Mình hay nói “phi thương bất phú” nhưng không đúng đâu. Hiểu sai nên nhà mặt tiền nào cũng “ thương” để mà “ phú”. Cả xã hội chỉ mua qua bán lại, toàn hàng Tàu. Hạc sinh giỏi chọn vào kinh tế ngoại thương ngân hàng chứ hẻm chịu vô cơ khí điện tử hóa chất. Đứa nào ra trường chỉ chực xin việc chứ hẻm chịu mở cái lò rèn, giả dụ, hạc cơ khí ra, làm cuốc xẻng để lên mạng quảng cáo xuất khẩu. Mấy nước ôn đới họ vẫn nhập cuốc xẻng để làm vườn và xúc tuyết từ Thái Lan đấy thôi. Lê Quý Đôn nói “phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phí trí bất hưng, phi nông bất ổn”, tức nếu muốn giàu có, phải làm công nghiệp. Nếu muốn ổn định, phải đầu tư nông nghiệp. Muốn hưng thịnh đất nước, phải đầu tư giáo dục. Và muốn xã hội nó nhộn nhịp, người dân lanh lợi..thì phải có giao thương.
“Phi công” nghĩa là “không công nghiệp”, chứ hẻm phải nghề lái máy bay. Nghe phi công bất phú, tưởng nghĩa đen thì mệt nha. Các bạn gái trong CLB con dượng thấy thằng nào làm nghề phi công, nó mê mình1 cái thì gật đầu chịu liền. Lấy liền liền cho dượng. Nó giàu lắm, khỏe mạnh ít tốn tiền thuốc thang bệnh tật.
Vui lòng đọc lại bài này 1 lần nữa trước khi bấm nút Like. Ông bà mình nói “Cho bạc cho vàng, không ai trỏ đàng đi buôn”, vì người ta sợ trỏ xong, đứa kia giàu có hơn mình. Trừ Dượng.
Tony thích dùng hàng hóa có nguồn gốc từ nông sản Việt, như uống nước trái cây của Le Fruit, và mới ăn thử Chocolate Vietnam do 2 bạn Tây ba lô sản xuất, thấy ngon muốn khóc.
Trong 1 lần du lịch sang nước ta, 2 cậu phát hiện ra Việt Nam trồng được cây ca-cao. Khác với cà phê có thể tự rang, tự xay để uống, thì từ hạt cacao, để làm thành sô-cô-la là quá trình hết sức phức tạp, phải ủ lên men mất mấy tháng, nên người trồng chẳng có giải pháp nào khác ngoài việc bán nguyên liệu thô. Thế rồi 2 cậu Tây quyết định ở lại, mày mò chế biến sô-cô-la thủ công như ở châu Âu thế kỷ trước. Và đặt tên theo vùng trồng, như Bến Tre hay Lâm Đồng….với hàm lượng ca cao tinh chất gấp mấy lần loại sô-cô-la cao cấp nhất trên thị trường. Giờ thành công lắm, xuất khẩu đi nhiều nước.
Và các bạn trẻ, nếu thất nghiệp, nghiên cứu sản xuất cái này xem sao. Thị trường mênh mông, mấy nước xứ lạnh như Hàn, Nhật, Âu, Mỹ….trồng đâu có được, mà họ ăn uống sô-cô-la kinh lắm. Riêng bán cho Trung Quốc thôi thì nông dân mình trồng trối chết cũng không đáp ứng đủ nhu cầu nữa.
Bạn trẻ, hãy lao vào làm đi, đừng ngồi ôm cái Iphone lap-top thở dài. Hạc ngành gì không quan trọng, ngành đào tạo gì kệ mẹ nó, xin việc đúng ngành không được thì cứ đi làm theo đam mê của mình, chờ đợi thì đến bao giờ. Nghề chọn người.Thất nghiệplà do mình dở, chứ hận chi cha mẹ, hận chi thầy cô, hận chi cái trường. Mình chăm chỉ hạc hành,ngoại ngữ tốt, văn hóa sâu, mọi kỹ năng mềm đều thành thạo, tính tình vui vẻ nhân văn…thì mắc mớ gì không có việc.
Có bạn ngồi đọc những bài như vậy và tặc lưỡi, giá như, giá như, rồi nhắn tin “dượng ơi, dượng đã ở đâu trong suốt 4 năm con học đại học?”. Có bạn đọc được mấy bài truyền cảm hứng, thì cũng háo hức, nhưng được mấy phút thì hết. Dẹp bỏ mọi tư tưởng bó hẹp, hãy mạnh dạn bung ra các tỉnh xa xôi mà làm giàu. Có 2 người bạn củaTony, một tốt nghiệp ngoại thương, một tốt nghiệp kinh tế quốc dân, từng nói là “bọn tôi chỉ ở Hà Nội, hoặc cùng lắm là vào Phú Mỹ Hưng, chứ các vùng khác không sống được”. Sau đó năm 2007 sạt nghiệp vì chứng khoán, chạy ăn từng bữa. Nghe lời Tony, vượt qua tự kiêu hãnh gì đó không rõ của người thủ đô, 1 bạn về Cà Mau, xin vào phòng xuất khẩu một công ty thủy sản, 1 bạn về Lâm Hà ( Lâm Đồng), xin vào làm kế toán cho 1 nông trường cà phê. Lúc ra đi, bạn bè họp ở cà phê Hàng Mành trề môi khinh bỉ, nói phải đi tha hương cầu thực à, nhục nhỉ. Mới có 7 năm thôi, dù cực khổ vất vả chút, nhưng chăm chỉ và có đầu óc nên 2 bạn ấy tích lũy mua đất nuôi tôm, trồng bơ, …..thành những nông trường lớn, sản xuất xuất khẩu. Có tiền rồi, cứ rảnh là thay đồ đi Mỹ chơi. Hôm bữa nhận thiệp mời sinh nhật, thấy ghi “ mời Tony đến nhà hàng số….đường Orchard Road,Singapore để dự sinh nhật của bà ngoại tôi vào lúc…”. Con cái tụi nó đều hạc trường quốc tế, đời sống phong lưu của người kiếm tiền bằng mồ hôi của mình.Tonynói kẹt tiền là mang lên cho mượn 1 tỷ liền, nói muốn trả thì trả không thì thôi cũng được. Đem hết bà con ngoài ấy vào, giờ thành những danh gia vọng tộc.
Còn đám bạn có cái -môi –hay- trề hôm bữa, kiên quyết đeo bám 5 cửa ô, ngõ nhỏ- phố nhỏ- tâm hồn nhỏ. Cứ sáng sáng ngồi uống chè, đút 2 cái tay vào đùi, hít hà cãi nhau chuyện cái trứng hay con gà có trước, chuyện gì cũng biết, cũng nói được…nhưng chỉ có làm thì lại không được. Tối tối tự sướng bên đĩa thịt chó và mấy lá mơ lông, nuốt rượu ừng ực trong tiếng chì chiết chuyện tiền nong của vợ con. Hà cớ gì cứ phải bám trụ ở thành phố trong khi tìm miết không có việc? Ngày xưa tụi Tây còn giong buồm bằng vải thô sơ đi ra khơi xa, hải trình đầy bất trắc vì không biết sóng gió thế nào, mua bán giao thương với những con đường tơ lụa. Đến Hội An, bạn sẽ thấy người Hoa, người Nhật, người Hà Lan… đã đến từ mấy trăm năm trước, bằng những chiếc thuyền bé tẹo vượt đại dương. Để gia đình, dân tộc họ giàu có.
Còn mình cứ ru rú không dám đi đâu, như đám “ gà què ăn quẩn cối xay”, canh me coi có rớt hột thóc nào thì nhặt hột đó. Mà bây giờ, công nghệ xay xát đỉnh cao, dễ gì rớt nhiều như hồi xưa nữa. Đành rằng nó bị què, nó mới kiếm ăn quanh cối thóc, mình lành lặn thể trạng và trí óc, mắc mớ gì suốt ngày cũng quanh quẩn giành thóc với mấy con gà què tội nghiệp vậy?
Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ….hãy còn nhiều cơ hội!
Phải lao ra đồng xa mà bươi đất kiếm ăn, xây dựng những nông trại, những nhà máy mang tên mình, sống có 1 cuộc đời thôi, sao chết vô danh vậy. Thủ khoa làm cái gì, toàn định lý, tiên đề, bảng tuần hoàn, công thức của mấy ông Tây Niu-tơn, Đác Uyn, Men-đơ-lơ-ép, Anh-xtanh…phát minh ra mấy trăm năm trước, giờ ngồi viết ra y chang vậy rồi xã hội ngưỡng mộ, nói giỏi quá. Giỏi là vậy sao? Có tài năng thật sự là phải sáng tạo ra cái mới, còn không thì phải tạo ra việc làm cho người khác. Hàn Quốc có 50 triệu dân thôi, mà xe hơi có mấy hãng, điện tử có mấy hãng, xe máy có mấy hãng, mỹ phẩm, hóa dầu, công nghệ…Còn mình tới 90 triệu bộ óc, cũng ô-mê-ga-tê-cộng-phi, cũng sin cũng cos, mà có mỗi chiếc xe máy Made In Vietnam vẫn phải ngồi mơ. Trong khi ai cũng sở hữu 1 chiếc xe máy và ngày nào cũng leo lên nó, nhưng toàn nhãn hiệu Honda, Daelim, Susuki, Yamaha, Lifan, Piaggio,….hẻm thấy xe máy hiệu Cây Dừa, Con Vịt. Toàn giành nhau vào ngồi mấy trường ngoại thương kinh tế bách khoa, tự hào tôi thi 27 điểm, vào trường tốp đầu của Việt Nam, có gì đâu mà tự hào? Cử nhân kinh tế ngoại thương mà chẳng giúp đất nước tìm kiếm thị trường xuất khẩu gì cả, cứ lo xin vô mấy công ty đa quốc gia làm marketing tháng mấy trăm đô la tiền lương. Hạc cơ khí điện tử mà 5 năm ngồi ghế giảng đường, không có công trình, đề tài gì có thể ứng dụng, cầm cái bằng kỹ sư ấy về nhà nói mẹ cha có quen ai hem thì xin việc cho con. Rồi xin không được thì ngồi khóc.
Đứa có tài là đứa biết làm, chứ không phải đứa biết hạc. Xã hội nên có những quỹ Hành Bổng bên cạnh mấy cái quỹ Hạc Bổng.Có một lần lúc Tony mở inbox, một bạn đã gửi tin nhắn giới thiệu một loại trà lá khổ qua (mướp đắng) lên men do bạn ấy tự sản xuất, nói đã đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Tony vô cùng ngạc nhiên vì với cơ sở mới thành lập, để đạt tiêu chuẩn thế giới này, không hề đơn giản. Bạn có nhã ý muốn gặp Tony để trình bày sản phẩm rõ hơn. Sáng đó, Tony hẹn đi cà phê với bạn. Bạn đến đúng giờ, chính xác tuyệt đối, nên Tony rất lấy làm nể phục. Tác phong công nghiệp và chuyên nghiệp là đây.
Bạn kể, tốt nghiệp ngành sinh học, bạn làm giảng viên, sau đó nghiên cứu ngành dược phẩm ứng dụng từ công nghệ sinh học, nôm na là lấy cây cỏ nước Nam mình chiết xuất ra dược liệu. Những công trình khoa học thay vì bỏ trong ngăn bàn, các bạn đem ra ứng dụng thực tế. Tuy nhiên, phần lớn đều thất bại, vì trời đất vốn công bằng, không thể cho ai đó vừa có tư duy khoa học, vừa có tư duy kinh doanh nhạy bén, vừa có khả năng sản xuất, vừa có thể marketing…
Các bạn đã tập hợp lại, 8 con người của đủ mọi lĩnh vực, hùn hạp làm ăn với nhau. Đều là các bạn trẻ khởi nghiệp, nên vốn liếng hùn nhau cứ ngày càng vơi đi theo các chi phí phát sinh không như các bạn dự trù. Sản phẩm ban đầu là rượu vang từ hạt khổ qua thất bại, mặc dù đây là một công trình khoa học đoạt giải rất cao. Không nản chí, các bạn tiếp tục lấy công trình khác ứng dụng sản xuất thực tế, rồi lại thất bại. Cuối cùng, như người xưa hay nói “cánh cửa này đóng, cánh cửa khác lại mở ra”, đó là việc tận dụng thân, rễ, lá của cây trồng này làm nước uống. Nghiên cứu cho thấy, tính dược liệu trong các thành phần bị coi là phế phẩm này lại cao hơn cả ở quả. Thế là các bạn lên ý tưởng mới, cắt thân, lá khổ qua, sấy khô, rồi lên men, tạo trà. Mẻ sản phẩm đầu tiên, thấy không ngon gì cả, mùi cây cỏ hoang dã quá. Thế là các bạn thức đêm ở suốt phòng thí nghiệm cải tiến công thức, thêm vào lá bạc hà để có vị cay ấm, thêm vào lá cỏ ngọt để dịu vị đắng. Sấy khô rồi sấy lạnh, tỷ lệ thế nào để hợp lý nhất…để ra một công thức hoàn hảo.
Sản phẩm mới sau khi cải tiến, niềm vui chưa bao lâu thì các bạn đối mặt với gánh nặng đầu tiên, tiền đâu? Tiền đâu để sản xuất đại trà. Nhiều phương án và tính toán được thực thi. Ngoài nguyên liệu là khổ qua, lá bạc hà và cỏ ngọt cũng được các bạn tự trồng, vừa giảm chi phí vừa theo dõi chất an toàn nông sản theo quy trình GlobalGAP. Từ việc tìm kiếm máy móc để sấy lạnh, hút chân không, bao bì nhãn mác…các bạn ròng rã tìm trong mấy tháng quên ăn quên ngủ, ở đâu bán rẻ nhất là các bạn tìm đến giao dịch. Song song đó, các bạn còn đăng ký với bộ y tế để có thể lưu hành như một loại thực phẩm chức năng, và đăng ký giấy chứng nhận GlobalGAP để có thể xuất khẩu. Để có được những dòng chữ này trên sản phẩm, là những đêm mất ngủ, những tài liệu hàng trăm trang phải đọc và triển khai, là hàng loạt các quy định nghiêm ngặt phải tuân thủ, kể cả bắt sâu bằng tay…
Sản phẩm Karantina ra đời, đẹp lung linh, sang trọng vô cùng nhưng… không bán được. Tiền đâu quảng bá tiếp thị, vì xưa nay thực phẩm chức năng của nước ngoài thường do các tập đoàn kinh doanh, họ có ngân sách lớn. Các bạn cầm từng hộp trà đến các nhà thuốc chào hàng, và sức mua thì vẫn không khá hơn. Có nhiều người khuyên các bạn bỏ cuộc, vì sản xuất thực phẩm chức năng không dành cho nước nghèo, nước nghèo chỉ nên mua lại thuốc men, thực phẩm chức năng của Mỹ, của châu Âu, của Nhật, của Hàn Quốc…và kinh doanh để kiếm tiền, thế thôi. Mình chỉ nên xuất khẩu nguyên liệu thô qua cho nước ngoài họ làm, rồi nhập lại thành phẩm.
Các bạn không nghĩ vậy. Xoay sở trong những nỗ lực khủng khiếp, mấy chục con người đều là tiến sĩ thạc sĩ cử nhân sinh học, đã ra bỏ chiếc áo blouse trắng, từ phòng thí nghiệm bước ra ngọn đồi cuốc đất trồng rau. Tranh thủ tiêu chuẩn GlobalGAP, các bạn tiến hành trồng rau sạch, xà lách, bầu bí, dưa leo, cà chua….phủ xanh cả chục hectare đất xung quanh nhà máy, và bán sản phẩm này vào các siêu thị cao cấp, các khách sạn năm sao….để có thể duy trì hoạt động công ty. Vì rau của các bạn hoàn toàn không dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân hoá học nên đáp ứng tiêu chuẩn hàng nông sản sạch. Tiền bán rau, các bạn tái đầu tư vào những hộp trà khổ qua, với niềm tin sắt đá là, lẽ nào thực phẩm chức năng chỉ là sân chơi của những nước giàu? Lẽ nào các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên chỉ là những luận án bảo vệ xong và để trong thư viện?
Sản phẩm Karantina của các bạn có gửi Tony dùng. Cảm nhận đầu tiên là vị rất ngon, thơm ngát. Đem tặng các cụ già trong nhà Tony, ai cũng nói là giúp ngủ ngon, hạ đường huyết, thấy khoẻ rõ rệt. Đem tặng một anh bạn là doanh nhân bận rộn, anh đem ra pha trà trong mọi cuộc họp với khách hàng, ai cũng khen uống vào sảng khoái, chất lượng cuộc họp cũng từ đó mà hiệu quả hơn.
Tony nhờ nhóm Marketing quốc tế, tức nhóm Gánh rau ra chợ Tây ở Hà Nội phụ trách Marketing và xúc tiến xuất khẩu sản phẩm này ra thế giới bên ngoài, và các bạn đang hào hứng triển khai với một quyết tâm mạnh mẽ.
Đôi lời nhắn gửi T, người bạn khởi nghiệp với món trà lá khổ qua lên men này, bạn cứ yên tâm nhé. Lập nghiệp là quá trình vô cùng khó khăn và gian khổ, đặc biệt là sản xuất thì càng khổ cực hơn. Ngọc càng mài càng sáng.
“Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả
Anh hùng hào kiệt có hơn ai?”
Bạn cứ tự tin với sự nghiệp nhà khoa học làm kinh tế của mình, cứ tiếp tục đam mê trà khổ qua của các bạn. Người Việt sẽ ủng hộ hàng Việt, chắc chắn là như vậy. Các bạn trẻ cứ đam mê nghiên cứu khoa học. Các doanh nghiệp mạnh dạn mua các công trình của các bạn về triển khai thay vì “làm cò”, mua đi bán lại sản phẩm sản xuất từ nước ngoài. Cứ mạnh dạn khởi nghiệp để tạo thành dân tộc cho việc như người Đức, người Nhật, người Hàn…
Cứ đi, rồi sẽ đến.
Bạn trẻ hãy hướng đến sản xuất mọi sản phẩm thay thế nhập khẩu. Người nước ngoài làm được thì người mình cũng làm được.
Cứ quyết tâm, cứ có ý chí, cứ mím chặt môi, cứ nắm chặt tay. Thì khổ mấy cũng qua.
Khổ qua khổ qua…
Vải là tên dân dã của quả lệ chi, một trái cây đặc biệt. Ở Việt Nam, chỉ có khu vực đồng bằng sông Hồng là trồng có năng suất cao, các vùng khác trồng được nhưng quả rất bé hoặc không ra hoa. Huyện Thanh Hà, Chí Linh tỉnh Hải Dương và huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang là 3 vùng trồng quả này nhiều nhất và lệ chi ở đây có mùi vị hết sức độc đáo.
Khi nước ta còn Bắc thuộc, thời nhà Đường, người đẹp Dương Quý Phi rất thích ăn quả này. Cứ mỗi năm, khi quả lệ chi vừa ra quả nhỏ, hàng trăm phu đã phải bứng gốc với bầu đất rất to và khiêng đi, mất cả tháng mới đến được kinh đô Tây An (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây Trung Quốc). Trên đường đi, mọi người đã phải che chắn nếu không nó sẽ rụng, và tưới nước để nó vẫn lớn. Đến nơi thì quả lệ chi đã chín đỏ, mọng nước và người đẹp họ Dương có thể thưởng lãm với Đường Minh Hoàng, lâu lâu nàng lén lút cho An Lộc Sơn 1 quả, An Lộc Sơn mừng quá nói hạo a, hạo a…
Lệ chi từ đó biến thành tên quốc tế, tiếng Hoa tiếng Anh tiếng Nhật gì cũng phát âm na ná lệ chi. Giống như quả Tu-Rên của Campuchia, nguồn gốc từ đây nên tiếng Anh cũng Durian, tiếng Việt là Sầu Riêng còn tiếng Hoa là Lưu Luyến Quả. Cây lệ chi hàng năm chỉ ra hoa 1 lần, và đồng loạt chín trong khoảng 2-3 tuần, nên việc bảo quản rất khó. Ngoài việc sấy khô thủ công, việc đầu tư nhà máy chế biến vải khó khả thi, vì không thể hoạt động chỉ trong 1 thời gian ngắn còn quanh năm đóng cửa. Nên quả lệ chi, dù thân phận hoàng tộc cao quý, phải chịu cảnh đổ đống hoặc nông dân để mặc gió lay rụng đầy gốc vườn. Năm nào, cứ được mùa vải, thì nông dân lại nước mắt như mưa. Vì đầu ra hầu như phụ thuộc vào bên kia biên giới, các hậu duệ của Dương Quý Phi lúc ăn ào ào, trái xanh cũng mua, có lúc nói nổi mụn hẻm ăn nữa, xe chở quả lệ chi nối đuôi dài ở cửa khẩu Tân Thanh…
Lúc đó, ở huyện Lục Ngạn nọ, bỗng xuất hiện một cô giáo (nghe giống chuyện cổ tích). Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội, cô về quê và dạy hóa sinh ở một trường cấp 2. Hàng ngày đi dạy, cứ đến mùa, nhìn thấy những quả vải đổ đống bên đường, trong khi học trò của mình, tức con em các nông dân trồng vải lại nghèo xơ xác, cô quyết định phải làm 1 cái gì đó. Cô tìm tòi lại kiến thức đã học ở giảng đường, ép nước vải ra, hòa với mật ong, lên men để làm rượu, làm giấm. Sản phẩm đầu tay, cô đưa cho bạn bè đồng nghiệp dùng thử, ai cũng khen ngon. Thế rồi cô quyết định đầu tư lớn, mua nhiều thùng chứa về, vải đổ đống của bà con được cô mua lại, ép ra, và ủ sẵn. Bà con vui mừng vì giờ đây đã có thêm 1 kênh tiêu thụ khác. Những bông hoa lệ chi bạt ngàn cũng là điều kiện để ngành ong mật địa phương phát triển mạnh, lúc những quả lệ chi bắt đầu mọng đỏ thì những tổ ong cũng đầy mật ngọt. Cô kết hợp 2 món quà trời cho ấy, cộng với chút kiến thức của một cô giáo dạy hóa sinh, sự kiên trì và với tình yêu nông sản Việt một cách mãnh liệt, từ đó một loại giấm vải mang tên cô ra đời.
Lần đầu tiên khi cô viết thư cho Tony giới thiệu sản phẩm, Tony ngỡ ngàng vì chưa nghe đến giấm vải bao giờ, hồi giờ toàn ăn giấm gạo, sau này có tiền thì ăn giấm táo, dấm dứa nhập khẩu. Sau khi dùng thử giấm của cô giáo, thì với Tony, không có loại giấm nào ngon hơn thế nữa. Muối tiêu hay muối rau răm, sau khi hòa chút giấm vải vào, thành món chấm cực ngon. Còn xà lách rau sống trộn dầu giấm, thì là món khoái khẩu hàng ngày của Tony. Giấm của cô giáo có vị chua thanh của vải, vị ngọt hậu của mật ong, và cả tình yêu thiêng liêng với mọi sản vật trời đất ban cho nước Việt.
Tony dạo này rất bận, vì vụ Đông Xuân chính vụ, sức khỏe đã kém hẳn mấy phần, nét thanh tú cũng từ đó phôi phai. May mà nhờ mấy chai giấm vải, Tony ăn uống được nhiều hơn, có sức khỏe mà làm việc. Dù rất bận nhưng Tony vẫn ráng 20 phút sáng nay để viết về cô, khi tháng 11, mùa hiến chương nhà giáo đang về.
Khi ở miệt Cần Thơ có một Tony đang ngồi vừa bán phân vừa viết những dòng chữ này, thì ở miền Lục Ngạn, có một cô giáo đang say sưa cắt nghĩa cho tụi nhỏ những phương trình phản ứng hóa học giản đơn, rồi tất tả về nhà mở từng thùng trông coi “con giấm”. Tony chợt nghĩ, nếu ở mỗi xã mỗi huyện của đất Việt mình, đều có ít nhất một người như cô giáo, thì nông sản của bà con sẽ không còn phải phập phồng nỗi lo được mùa mất giá nữa. Tony tặng cô thương hiệu Litvin, Lit là litchi, tên quốc tế của quả lệ chi, còn vin là vinegar, nghĩa là giấm, vin cũng có nghĩa là Vietnam, với hy vọng những Litvin của cô sẽ bay xa, thật xa.
Để mọi người hiểu rõ hơn về câu chuyện khởi nghiệp đằng sau những chai nước ép thanh long, Brand-Viet xin giới thiệu bài viết từ cuốn sách Trên đường băng – Tony buổi sáng. Đây quả thật là một hành trình dài và đáng ngưỡng mộ!
“Tôi sinh ra và lớn lên ở Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Khi tốt nghiệp lớp 9, gia đình khó khăn quá nên tôi bỏ học, vô Sài Gòn học may. Sau 4 tuần, tôi đi thi tay nghề tại công ty giầy dép Bitis, tôi đậu, tự đi thuê nhà trọ rồi bắt đầu cuộc sống công nhân. Nhà trọ thì xa mà có hôm phải tan ca lúc 10h đêm. Hàng tháng tôi lãnh lương khoảng khoảng 500,000 đ, trừ tiền nhà và tiền ăn, còn lại tôi sắm vàng gửi về phụ giúp cha mẹ.
Khi ấy tôi tròn 16 tuổi, công việc bên chiếc máy may cứ thế cuốn tôi vào, những đêm tôi ngủ gà gật bị kim đâm chảy máu. Tôi nhìn các bạn trang lứa mặc áo dài trắng đạp xe trên phố, tôi ước mình cũng được như vậy. Mơ ước lớn nhất lúc đó là sau này tôi được ngồi trong văn phòng máy lạnh, một ước mơ nhỏ bé nhưng thật xa vời.
Sau khi chị gái lập gia đình, anh rể đã giúp đỡ gia đình tôi rất nhiều về vật chất. Vì ham học, tôi kiên quyết về quê tiếp tục học lên lớp 10. Tôi trở lại Sài Gòn để học đại học tại chức, vì không thi đỗ đại học chính quy. Tôi xin việc phục vụ buffet hoặc bán hàng, tiếp thị trên phố ngoài giờ học để tích lũy kinh nghiệm.
Tốt nghiệp, tôi bắt đầu với vị trí “giúp việc” cho các phòng ban, trực điện thoại, photocopy, quét dọn, pha cafe cho khách, mua đồ ăn trưa cho mọi người…ở một công ty Hàn Quốc. Sau đó công ty mở rộng thêm lĩnh vực may mặc, ông chủ xây dựng một nhà máy lớn ở Củ Chi, trong lúc đang xây dựng, đơn hàng được đưa đi các nhà máy khác gia công. Tôi được ông giao công việc mới, cân đối nguyên phụ liệu, cùng theo dõi tiến độ, xử lý, làm việc trực tiếp với các nhà máy cho đến khi hàng được xuất đi, có nhiều lúc chúng tôi trở về nhà 4, 5h sáng.
Khi nhà máy hoàn thành, không còn đưa hàng gia công nữa, tôi hằng ngày đi xe đưa đón xuống Củ Chi phụ trách nhân sự khoảng 1200 công nhân. Cũng tại đó, tôi gặp người yêu đầu tiên và cũng là chồng tôi sau này.
Ngoài công việc trong công ty, tôi còn để dành tiền mua đất, xây nhà rồi bán lại kiếm lời. Tôi công tác trong ngành may 5 năm nữa thì lấy chồng. Sau khi sinh em bé, tôi nghỉ việc và tự kinh doanh đồ dùng trẻ sơ sinh của nước ngoài. Lúc đầu công việc khá thuận lợi, tuy nhiên tỷ giá tiền Việt và USD cứ thay đổi liên tục. Lúc đó tôi nghĩ mình phải làm một cái gì đó để thu ngoại tệ thay vì phải thanh toán ngoại tệ cho nước khác.
Thế là tôi quay về quê, lúc này bạn bè tôi đã lên SG học và ở lại khá nhiều, một số bạn vẫn sống ở quê và đa phần đều có cuộc sống khá giả từ cây thanh long. Tôi thấy Thanh long xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch qua TQ là chủ yếu. Tôi thấy mình không nên chọn con đường này, tôi muốn tìm cho mình hướng đi mới.
Rồi tôi liên lạc với Sở KHCN và được họ cho biết có 1 nhóm kỹ sư bên ngoài thực hiện đề tài nước ép Thanh Long trước đó 3 năm, nghiên cứu xong thì không có đơn vị nào ứng dụng nên cất trong tủ, cần họ giới thiệu cho. Mọi việc được tiến hành rất nhanh, tôi ký hợp đồng thuê đất trong KCN, thuê thiết kế nhà xưởng, mời đơn vị tư vấn ngành thực phẩm… Tuy nhiên một vấn đề lớn đã xảy ra, nhóm nghiên cứu đã tìm cách thoái thác không chuyển giao kỹ thuật ở phút thứ 89, dù các anh ở Sở cố gắng thuyết phục họ. Tôi lại không phải người được đào tạo ngành chế biến thực phẩm, không hình dung được một cái nồi nấu là gì huống chi cả một dây chuyền thiết bị. Mấy tháng trời, ở Sài Gòn chỗ nào có triển lãm là có mặt tôi, chỗ nào có cung cấp thiết bị, gần xa gì tôi cũng mò tới. Nơi nào cung cấp phụ gia thực phẩm là tôi gọi như bạo động. Song song đó tôi viết dự án theo mẫu, may nhờ có một người em đã phụ giúp tôi hoàn thiện dự án để xin tài trợ chương trình sản xuất thử nghiệm. Ngày tôi ra hội đồng thuyết trình dự án, nhà máy đã sắp hoàn thành phần xây dựng cơ bản. Hội đồng thấy sự quyết tâm (và cả liều lĩnh ) của tôi nên đa số đều bỏ phiếu ủng hộ thông qua. Tôi đạt số điểm rất cao và xin được số tiền kỷ lục cho một dự án tại tỉnh Bình Thuận.
Tôi đi đi lại lại giữa SG – Phan Thiết như con thoi để hối thúc tiến độ, những đêm thức trắng để nghiền ngẫm quyển tài liệu dày ngàn trang. Sau khi nhà máy hoàn thiện, các thiết bị được đưa về từ từ, tôi nhìn những thiết bị đó như nhìn những cỗ phi thuyền từ hành tinh nào xuất hiện. Rồi những nhân viên đầu tiên của tôi có mặt. Một bạn chuyên trách về thực phẩm về hỗ trợ tôi.
Từ đây là chuỗi những thử thách của tôi bắt đầu. Tôi vật lộn trong nhà máy, việc rửa sạch, chần, tách hạt quay, khuấy trong nồi…tôi và anh em lao vào nghiên cứu vận hành, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, có hôm bị các ống hơi nóng phỏng người. Và bao nhiêu nỗi cực khác mà chỉ có người làm sản xuất nói ra mới hiểu.
Rồi vấn đề về nhân sự cũng làm tôi đau đầu nhưng nhờ quyết tâm của mọi người nên từ từ mọi thứ đều trở nên tốt đẹp hơn. Thành phẩm có cái mới để 7 ngày đã nhiễm vi sinh căng phồng, có cái vỡ tung, cái nổ bôm bốp…Mấy tháng trời chúng tôi vật lộn với hàng trăm sự cố, tìm cách khắc phục, thêm cái này, bớt cái kia, bỏ cái nọ, thay mới cái nớ… cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thiện được công thức, ra được sản phẩm hoàn hảo. Tôi mang sản phẩm đặt lên bàn vị lãnh đạo sở KHCN, tôi thấy trong mắt ông có một sự vui mừng không giấu được. Đứa em đã âm thầm sát cánh bên tôi, tôi thấy niềm vui trong mắt nó lấp lánh. Đến nay dường như công thức chế biến đã 100% thay đổi so với công thức nghiên cứu ban đầu.
Đến lúc đưa sản phẩm ra thị trường, đó là khoảng thời gian có thể nói là vắt kiệt sức lực, tinh thần, tài chính của tôi và của gia đình. Tôi phải đối mặt với vô vàn khó khăn để duy trì công việc. Có những lúc tôi muốn buông tay, rồi tôi lại bừng tỉnh, không cho phép mình gục ngã. Vì bên cạnh tôi bây giờ có gia đình và những người đã âm thầm ủng hộ. Và hơn hết, sau lưng tôi là hàng ngàn ánh mắt hồn hậu của nông dân trồng thanh long ở xứ cát nóng này. Tôi sinh ra ở đây và tôi sẽ phải trả nợ quê hương bằng tất cả sức lực và trí tuệ của mình. Rồi hàng ngàn nhà máy sẽ mọc lên trên đất Việt. Những nhà máy chế biến vải ở Bắc Giang, những nhà máy nước bưởi thanh trà ở Huế, những nhà máy sô-cô-la ở Tây Nguyên, những nhà máy thủy sản ở Tây Nam Bộ…Nếu có lời nhắn nhủ, nếu bạn có chút tài năng và ý chí, bạn hãy khởi nghiệp sản xuất cho quê hương bạn. Cứ gõ đi, cửa sẽ mở.
Tôi chỉ là người con gái bé nhỏ, xuất phát điểm từ một cô công dân dệt may ở quê nghèo, tôi đã làm được một nhà máy lớn và góp phần giúp nông sản quê hương tôi không bị thương lái Trung Quốc ép giá. Tôi đã làm được, thì các bạn ơi, tại sao các bạn lại không?”
Và đây là hình ảnh nước ép thanh long, thành quả lao động hăng say của nhóm chị, những người con Phan Thiết.
Papa Kim là ba nuôi người Hàn của Tony, cũng bằng tuổi ba ruột của Tony nên hai ông rất quí nhau. Có lần 2 ông ngồi nhậu, Tony ngồi rót rượu và phiên dịch nên đã nghe được câu chuyện khá thú vị về con đường phát triển của đất nước Hàn Quốc.
Papa Kim kể, thập niên 60 Hàn Quốc là 1 trong những nước nghèo đói nhất châu Á, suốt ngày chỉ nghĩ đến miếng ăn nên họ ăn cả thịt chó. Năm 1968, người Hàn quyết định thay đổi giáo dục bằng cách tham khảo sách giáo khoa của nhiều nước, đặc biệt là người Nhật. Họ nghĩ người ta đã viết ra rồi thì không cần viết lại, ví dụ các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh…Vì người Nhật đã mất cả trăm năm cái biên kiến thức khoa học phương Tây sao cho phù hợp với đặc trưng châu Á, bắt đầu từ thời Minh Trị Thiên Hoàng. Để rút ngắn thời gian, Hàn Quốc quyết định lấy kinh nghiệm của người khác. Hàn Quốc muốn thành một nước Nhật mới, một nền kinh tế phồn vinh dựa trên tính tự lập, tính tự kỷ luật và đạo đức của từng cá nhân trong xã hội.
Thời đó Hàn Quốc không có nhiều việc làm, thế hệ Papa Kim đã phải đi làm thuê khắp nơi trên thế giới, gửi tiền về nước làm đường sá. Người Hàn trở thành số một thế giới về thời gian xây dựng đường cao tốc. Ở Sài Gòn, xa lộ Đại Hàn là của họ làm, với chất lượng tương đương với đường băng, máy bay có thể sử dụng để đáp trong trường hợp khẩn cấp. Hệ thống cao tốc nối mọi tỉnh trên khắp Hàn Quốc là cơ sở đầu tiên cho quốc gia này cất cánh.
Papa Kim kể, thời ông đi học, cứ vào lớp, cô giáo sẽ kiểm tra cặp học sinh. Nếu phát hiện em nào có đồ dùng học tập không phải của Hàn Quốc sản xuất thì em đó sẽ bị phê bình, gửi thư về phụ huynh. Một thế hệ lớn lên trong quyết tâm cao độ, rằng sẽ thoát nghèo, sẽ cho thế giới biết trí tuệ dân tộc Hàn. Lòng dân quyết tâm nên các doanh nghiệp cũng quyết tâm không kém. Họ lùng sục mua các thiết bị, các sản phẩm của Nhật hay Âu Mỹ về, lục tung nghiên cứu để sản xuất y chang cho bằng được, thậm chí bền, rẻ hơn. Các du học sinh học xong đồng lòng kéo về đất nước dù Hàn Quốc đến bây giờ vẫn trong tình trạng chiến tranh với chế độ đi lính bắt buộc. Nhiều nam thanh niên tốt nghiệp hạng ưu ở các trường lớn nhất thế giới vẫn từ bỏ các vị trí cao cấp đáng mơ ước trong các tòa nhà ở New York, London để trở về Hàn Quốc, đi lính hai năm rồi đi làm. Tất cả đều bảo nhau, hay làm thêm, làm thêm. Những công trường rầm rập người từ tờ mờ sáng đến đêm khuya, nhưng cao ốc văn phòng đèn sáng suốt đêm. Dù dưới cái nắng gắt ba mươi hay bốn mươi độ của mùa hè hay âm cả chục độ C trong mùa đông tuyết lạnh, nhưng học sinh đã phải ở trần, lăn lê bò trườn, khiêng cây khiêng đá để rèn luyện thể lực. Những buổi sáng cả nước đồng loạt ngủ dậy thật sớm, tập thể dục theo tiếng đài phát thanh, năm tay mím môi thật chặt với lời thề sẽ đưa đất nước hóa rồng. Thư viện hay phòng thí nghiệm đèn sáng 24/24, các nhà khao học nghiên cứu và nghiên cứu. Trên TV lúc đó dạy chỉ vỏn vẹn hai chương trình là “dạy làm người”và “dạy làm ăn”: từ cái văn minh nhỏ xíu như nụ cười của một nhân viên bán hàng cho đến cách quản lý chi phí của một quán café, cách tạo dựng một nhà máy xí nghiệp.
Đúng 20 năm sau, khi Hàn Quốc đăngcai Olympic Seoul, cả thế giới không ai tin vào mắt mình khi thấy “kỳ tích sôngHàn” vĩ đại như vậy. Công nghiệp ô-tô, xe máy, dệt nhuộm, hoá chất, đóng tàu,điện tử, bánh kẹo...bên Nhật có cái gì thì bên này có cái đó, mặc dù dân số chỉbằng 1/3. Với sự quyết tâm, không có gì là không thể. Cứ như một thông lệ bất thành văn, một quốc gia phát triển kinh tế sẽ đệ trình ra thế giới bằng cách đăng cai Olympic. Sau Olympic Seoul, khi tận mắt thấy kỳ tích của người Hàn, người Trung Quốc cũng quyết tâm cao độ, toàn dân sản xuất và sản xuất, và TQ đã vọt lên thành nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới cũng chỉ trong 20 năm, đệ trình bằng Olympic Bắc Kinh 2008.
Tony có hỏi Papa Kim, nhưng hàng của HQ nếu còn xấu, còn kém…mình bỏ tiền ra thì mình có quyền mua đồ tốt chứ? Papa Kim mới trả lời là, tùy quan điểm thôi, nếu là người theo chủ nghĩa cá nhân vị kỷ thì hoàn toàn đúng. Nhưng với ông, với người Hàn, đồ của Hàn sản xuất ra, dù chất lượng có bằng 50% hàng của nước khác thì ông vẫn mua dùng. Vì mua một món đồ Made in Korea thì một công nhân Hàn sẽ có việc làm, một ông chủ Hàn sẽ có thêm tiền, ai giàu cũng đều tốt cả.
Từ một xã hội khan hiếm việc làm, tức tốt nghiệp ra trường chỉ biết viết đơn đi “xin việc”, HQ bắt đầu khan hiến lao động và trở thành dân tộc đi “cho việc”, giải quyết lao động cho các nước khác. Tỷ lên ông chủ/người dân quá nhiều. Papa Kim nói, trường hợp Philipines, mọi điều kiện kinh tế xã hội tương tự HQ nhưng cách giáo dục cốt yếu là có bằng cấp thật là đẹp và trình độ ngoại ngữ tốt để “xin việc dễ dàng” khiến nước này có 100triệu dân nhưng tổng tài sản GDP chỉ bằng1/5 HQ. Ông kết luận “tư duy làm chủ doanh nghiệp chính là chìa khóa của sự thịnh vượng châu Á (gồm tiểu vương quốc Ả Rập thống Nhất, HQ, Nhật Bản, Singapore, TQ, Đài Loan, Hongkong..) Từ nước chót bảng, HQ thành nền kinh tế lớn thứ 12 trên thế giới, dân HQ dc cả thế giới tôn trọng, hầu hết các nước đều miễn visa cho họ. Rảnh, nhức đầu thì thay đồ đi Mỹ. Muốn ăn pizza thì lên máy bay đi Ý, không phỏng vấn gì.
Chuyện kể về Olympic Seoul năm 1988. Khi pháo hoa thắp sáng 2 bờ sông Hàn, khi tiếng quốc ca trỗi dậy, thì trên phố, những người Hàn đang đi lại bỗng dưng ngừng hẳn. Họ ôm chặt lấy nhau dù không quen biết, những bàn tay chai sần đan với nhau, họ cười trong nước mắt. Giờ đây, sau bao gian lao khó nhọc, HQ đã bước chân vào nhóm 24 quốc gia thịnh vượng nhất loài người. Thách thức mới lại xuất hiện. Bây giờ không phải là Nhật Bản nữa, mà là Hongkong và Singapore, 2 cực hút nam châm của cả châu Á về tài chính, thương mại và giải trí. Phim Hồng Công tràn ngập thị trường và không có đối thủ. Người Hàn tuyển chọn ngay 2000 sinh viên ưu tú nhất, cử sang Holywood, điên cuồng học hành, từ đạo diễn, diễn viên, phục trang đạo cụ ...4 năm sau tốt nghiệp, năm 1992, những bộ phim Hàn Quốc đầu tiên ra đời như Cảm xúc, mối tình đầu, hoa cúc..với một thế hệ diễn viên đẹp từng milimet và hợp nhãn người châu Á. Ngành làm phim phối hợp với ngành thời trang, mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, bắt đầu xâm nhập vào các thị trường. Đại sứ quán Hàn Quốc tại các nước có nhiệm vụ dịch thuật ra tiếng địa phương và tặng không cho các đài truyền hình, tạo ra làn sóng Hanluy nổi tiếng. Người Nhật điên cuồng, người Trung Quốc điên đảo, các nước Đông Nam Á thì chỉ biết ụ pa ơi, ụ pa hỡi. Phim Hồng Công bị đá văng ra khỏi thị trường cho thuê băng đĩa.
Năm 1988, ngoài 2000 người đi Holywood để xây dựng công nghiệp điện ảnh, ngần ấy người được cử đi Milan và Paris để học về thời trang, mỹ phẩm. Các tập đoàn như xe Kia, Samsung, Hyundai còn thuê cả ê-kip thiết kế của các hãng xe Đức như Mercedes, BMW làm việc cho họ, với tham vọng xuất khẩu xe sang Mỹ và châu Âu. Muốn bán cho Tây thì bao bì nhãn mác phải có óc thẩm mỹ của Tây, chứ kiểu "tròn tròn xinh xinh" của dân châu Á, tụi Tây không thích, không bán được. Có những năm, những mẫu xe của Hyundai bán chạy nhất ở Bắc Mỹ và châu Âu. Người Mỹ bắt đầu nhìn người Hàn với ánh mắt khác, ngưỡng mộ và ngạc nhiên, thích thú.
Ngoài ra, những sinh viên giỏi toán nhất được hướng theo ngành tài chính ở các đại học lớn ở Mỹ, với tham vọng Seoul thành trung tâm tài chính như London, New York. Các quỹ đầu tư ra đời, tự tìm kiếm các nhà máy mới khởi nghiệp be bé để rót tiền vào, tham gia vào quản trị. Không chỉ trích, đổ lỗi cho người này người kia, mỗi cá nhân chỉ góp sức góp trí để xây dựng các doanh nghiệp lớn mạnh hơn, với tinh thần giúp cho một người Hàn giàu có là cả dân tộc Hàn thêm giàu có. Hệ thống bán lẻ Lotte phải có nghĩa vụ mang hàng hoá Hàn đi khắp nơi, ông lớn Samsung bắt đầu tuyển dụng những sinh viên giỏi nhất châu Á về cho học bổng thạc sĩ miễn phí với điều kiện tốt nghiệp xong phải mấy năm phục vụ cho họ. Họ gom trí tuệ của cả châu Á để chinh phục thị trường điện thoại thông minh và máy tính bảng, cạnh tranh đối đầu với Apple, đối đầu với cả một tập thể trí tuệ thung lũng Silicone, cứ như Airbus của châu Âu cạnh tranh với Boeing vậy.
Papa Kim kể, người Hàn Quốc bấy giờ, dù dân thường hay sếp lớn, tất tần tật mọi thứ họ dùng phải Made in Korea, dù lúc sản phẩm kém cỏi còn xấu xí và đầy lỗi của thập niên bảy mươi hay hiện đại tinh xảo như bây giờ. Nếu người tiêu dùng không ủng hộ sản phẩm nhem nhuốc của thời khởi nghiệp, thì doanh nghiệp còn tồn tại đâu mà có sản phẩm tinh xảo sau này? Người HQ trẻ bây giờ được hưởng thành quả lao động của cha anh họ, nhưng họ lại tiếp tục học như điên, làm như điên để giữ vững vị trí dẫn đầu châu Á. Cứ âm thầm học và làm, nhiệm vụ của ai người ấy thực hiện để đạt mức xuất sắc nhất, không nhìn ngó chỉ trích hay đổ lỗi. Dù bây giờ Internet ở HQ nhanh nhất thế giới, ai cũng có điện thoại smartphone, nhưng giới trẻ HQ ko có nhiều những “rảnh rỗi viên” cứ mấy phút mở coi Facebook một lần, cũng ko ai suốt ngày cập nhật đưa quan điểm thế này thế kia về xã hội, hay ý kiến ý cò những cái ko phải nhiệm vụ của mình.
Tony nhớ lần đi Hàn đầu tiên, mùa thu năm 2005, bà chị ở VN ghi tên mấy nhãn hiệu mỹ phẩm nhờ mình mua giùm. Ở cửa hàng, cô bán hàng mặc bộ váy vestonđen, chạy như bay lấy hết sản phẩm này đến sản phẩm khác cho Tony xem mấy tiếng đồng hồ, đều là mỹ phẩm của Hàn cả. Do tiếng Anh không nói tốt nên cô cứ giải thích bằng tiếng Hàn đến lúc giọng khàn đặc. Đến lúc Tony lấy tay chỉ hộp phấn Lancom, thì cô thất vọng oà khóc. Cô khóc vì tình yêu nước của cô không thuyết phục được khách hàng, cô đã không làm tròn nhiệm vụ tổ quốc giao phó. Mỗi người trong xã hội Hàn Quốc được ngầm phân công cụ thể, ai đi học thì phải học chăm chỉ, ai sản xuất thì sản xuất cho tốt, ai bán hàng thì phải bán cho được hàng, ai tiêu dùng thì phải mua đồ Hàn Quốc. Nghĩa vụ của một công dân đối với nền kinh tế đất nước chỉ có vậy thôi, không nhìn ngó và chỉ trích. Giọt nước mắt nóng bỏng của lòng tự hào dân tộc khiến Tony sững sờ. Cô chỉ là 1 người bán hàng bình thường trong muôn ngàn người bán hàng ở xứ sở kim chi biết tự giác làm hết khả năng của mình vì cái lớn lao hơn là lợi nhuận. Vì kính phục, Tony bèn mua mấy hộp mỹ phẩm của Hàn, dù chẳng biết có tốt không. Lúc bước ra khỏi cửa hàng, ngoái lại Tony vẫn thấy cổ gập đầu cung kính.
Ngoài phố, gió bắt đầu lạnh, từng tốp học sinh chạy tập thể dục rầm rập trên vỉa hè, những chiếc áo khoác thêu cờ quốc gia ở sau lưng. Và Tony biết, sau lưng của mỗi công dân luôn là tổ quốc.Sau khi nghe lời Tony, nhiều bạn trẻ thôi nằm rũ rượi ở thành phố chờ xin người ta cho việc nữa, đã về quê và mở các nông trại chăn nuôi/trồng trọt. Hiện tại các bạn đã có sản phẩm. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra rất khó khăn. Nhưng như bài toán khó, mình tách ra, giải từng vế một, cuối cùng cũng xong các bạn à. Chứ ai cũng nghĩ thôi sao làm được, hoặc có làm thì cũng không giải quyết được cái gốc, và kết quả là không ai làm. Nhiều bạn nói thôi để con cày xới lên luôn chứ thương lái vô vườn trả có 500-1000 đồng/kg, trả giá kiểu “cho vui”, vì họ thừa biết công hái là đã cao hơn giá này rồi.
Các bạn thuộc nhóm tình nguyện CLB con dượng đã mua cà chua với giá 5000 đồng/kg, cao gấp 5-10 lần các thương lái, và bán vào sáng chủ nhật hàng tuần. Nhiều người dân Tp HCM và Hà Nội đã cho mượn mặt bằng trong ngày chủ nhật để các bạn hoạt động tình nguyện hỗ trợ nông dân Việt Nam.
Có nhiều lăn tăn về việc nông sản này sạch hay không sạch. Tony giới thiệu các bạn khái niệm nông sản sạch và nông sản an toàn. Nếu muốn sạch phải có tiêu chuẩn khắt khe cỡ Global GAP, do tổ chức quốc tế cấp. Từ làm đất, giống, tưới tiêu đều phải hữu cơ, thậm chi sâu hại thậm chí phải bắt bằng tay…nên giá rất cao, không khả thi cho đại trà. Ở thế giới cũng rất ít sp hữu cơ này, 1 kg táo organic ở London bán giá 10 bảng, so với 2 bảng hàng an toàn. Trong ngành phân bón thuốc sâu, có chỉ số PHI, pre-harvest interval, tức chỉ số cách ly trước khi thu hoạch. Ví dụ PHI =7 tức hôm nay phun, 7 ngày sau thì tồn dư thuốc trong nông sản mới biến mất. Sự biến mất này là do sự đào thải của tự nhiên, cây sống mới đào thải được. Còn ví dụ hôm nay xịt, mai hái, đem về để ở nhà, thì 1 tháng sau vẫn còn dư lượng.
Cà chua, thanh long, khoai lang tím…gần đây rẻ quá, nông dân đến lúc gần chín gần như chẳng phun xịt gì, vì làm như vậy chỉ tăng chi phí mà lại đổ đống. Nên cà chua của bạn Hùng Cà, bạn đã “bỏ bê” 10 ngày trước khi hái, trong khi mọi thuốc BVTV dùng cho rau củ PHI cao nhất =7, thì coi như an toàn. Vài dòng cho các bạn biết kiến thức này, đừng tranh cãi nữa nhé. Làm, ủng hộ. Còn nếu không, im lặng giùm, đừng bàn ra, đừng suy nghĩ cá nhân kiểu “nông dân chết kệ nó chứ ảnh hưởng gì tao. Tao có lợi gì đâu, có lợi gì đâu…”.
70% dân nước mình là nông dân, tức hơn 60 triệu người, đồng bào của mình cả, dù giọng bắc giọng nam nhưng đều là người Việt. Một nhóm lửa đã được thắp lên, nếu bạn có thể chung tay giữ ngọn lửa ấy, thổi bùng lên “tình yêu nông sản Việt”, thì làm. Còn bạn nếu thờ ơ, thì cứ tiếp tục thờ ơ. Mình quay lưng cũng được, nhưng đừng chỉ trích, phê phán. Nước mình là nước đang phát triển, thì có bao nhiêu cái chưa chuẩn. Dân mình từ lũy tre làng đi ra, thì còn bao nhiêu cái tiểu nông. Mình cần phải xây dựng, giúp đỡ, hỗ trợ, đồng cảm, thương yêu, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Người đẳng cấp là thấy vết nhọ trên mặt người khác thì chỉ cho họ rửa chứ sao lại quẹt thêm? Bữa nay mình quẹt nó, bữa sau nó quẹt lại rồi cả 2 cùng xấu. Các bạn trẻ đừng bao giờ bước chân vào nhóm GATO và NATO nhé. GATO là ghen ăn tức ở, bệnh Chu Du, xấu lắm. Còn NATO thì còn tệ hơn, NATO là No Action-Talk Only, thành ngữ chỉ mấy đứa không làm, chỉ nói…
Hãy chung tay vì một dân tộc Việt thịnh vượng hơn. Người Thái có đất Thái, người Hàn có đất Hàn, người Nhật có đất Nhật, người Việt chúng ta có mảnh đất hình chữ S này. “Thiên thư” đã định sẵn, chúng mình cùng nhau làm cho nó tươi đẹp hơn. Mỗi các bạn văn minh giàu có, là dân tộc mình sẽ giàu có. Học thêm đi nhé. Làm thêm đi nhé. Thoát ra khỏi cuộc đời chật hẹp xe máy phố nhỏ ngõ nhỏ tâm hồn nhỏ của văn hóa chửi bới và chỉ trích. Hãy cháy hết mình, với mọi khả năng có thể của bạn. Xin tặng các bạn những dòng thơ mà Tony rất thích trong chương trình ngữ văn cấp 2.
“Chúng ta không thể ngủ yên trong đời chật
Khi buổi thủy triều vẫy gọi những vầng trăng
Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt
Gỗ trăm cây đều muốn hóa trên trầm
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt
Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng
Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”
(Chế Lan Viên)
Tony hay đến thành phố Yên Đài (Yantai, đọc là Den-Thải) nhiều lần trong năm để mua nguyên liệu phân bón. Nói hàng Trung Quốc xấu thì không hẳn, vì ở TQ có nhà máy cấp tỉnh, nhà máy cấp huyện, cấp xã cấp thôn. Loại cấp tỉnh thì xuất qua Mỹ Nhật Châu Âu, cấp huyện thì thường dùng trong nước, loại cấp xã cấp thôn thì xuất qua mấy thị trường ham rẻ như Cam Túc, Thanh Hải, các nước Đông Nam Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh…Một cái quần jean ở Quảng Châu giá 200 USD hay 2 USD đều có. Nếu mình sống ở châu Âu hay Mỹ, mở hàng hóa ra thấy Made in China thì cũng đừng có ngại, vì để vô được các quốc gia này, mọi hàng hóa đã phải có sự kiểm nghiệm gắt gao. Thường các công ty đa quốc gia sẽ cử người đến Trung Quốc giám sát từ đầu đến cuối, tận dụng nguyên liệu có sẵn và nhân công rẻ của quốc gia này, nhưng họ phải kiểm soát chất lượng.
Trở lại Yên Đài, đây là thành phố nhỏ trực thuộc tỉnh Sơn Đông, có thắng cảnh Bồng Lai Các, nơi lưu giữ thơ văn của thi sĩ Tô Đông Pha, một trong 4 tứ đại danh lầu. Đứng ở Bồng Lai Các, mình sẽ nhìn thấy giữa biển có một vạch màu, chia làm 2 phần. Phần màu vàng là biển Hoàng Hải và phần màu xanh là biển Bột Hải. Vào ngày có sương mù, mình còn có cơ hội nhìn thấy ở ngoài khơi có những tòa nhà, có xe cộ chạy, người ta giải thích là hiện tượng quang học gì đó mà nó phản chiếu 1 thành phố trong đất liền ra ngoài như chiếu phim ấy. Trình độ Hán Ngữ của Tony chỉ có vậy nên không hiểu rõ lắm.
Ở Yên Đài, táo được trồng mênh mông bạt ngàn nên được gọi là thủ đô táo của Trung Quốc, "pỉn cùa sầu tu". Có nhiều giống khác nhau nhưng phổ biến nhất là giống táo hồng trông như táo giả, nhìn đẹp nhưng ăn bở không ngon. Nông dân dùng kích thích sinh trưởng nên cây lớn nhanh như thổi, hoa chi chít từ gốc đến ngọn, có cây rụng lá hết trơn mà trĩu cành hàng ngàn quả. Chính vì không thuận tự nhiên mà cây táo ở Yên Đài có tuổi thọ khá ngắn, khai thác đâu 10 năm là phải đốn bỏ. Táo không trồng được ở khí hậu nhiệt đới vì nó cần độ lạnh và tuyết vào mùa đông. Nên ai nói táo Đà Lạt hay táo Sapa gì đó thì không đúng, ở Sapa chỉ có táo mèo hoặc chỉ là trồng thí nghiệm, không thành nông sản bán ngoài chợ được.
Trái cây muốn bảo quản phải dùng hóa chất bảo quản hoặc phương pháp lạnh sâu nhanh, như xử lý dứa (thơm) hay chuối, họ chỉnh đúng nhiệt độ chính xác 6.5 độ C trong mấy phút, rồi chuyển qua nhiệt độ bao nhiêu đó trong mấy phút, trụng vô sáp trong mấy phút… Táo ở Mỹ, châu Âu cũng vậy, họ xử lý bằng nước có vitamin C (ascorbic acid) và bảo quản cả năm trong kho lạnh, vì thu hoạch theo mùa trong khi siêu thị thì lúc nào cũng có.
Ở Yên Đài, ngoài việc bọc quả táo bằng túi giấy có tẩm thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ xử lý sau thu hoạch là cả 1 vấn đề về an toàn thực phẩm. Có lần Tony tham quan 1 xưởng đóng gói táo ở đây. Vừa bước vào xưởng, Tony nhìn thấy mấy bồn chứa to như cái nhà, táo sau khi rửa sạch, sẽ được đổ vào bồn, ngâm khoảng 30 phút rồi theo băng chuyền đến khu vực quạt sấy khô. Nhân công sẽ dùng cái miếng xốp bọc từng quả, bỏ vào thùng. Trong cái bồn ngâm đó, ôi thôi hầm bà lằng các loại hóa chất, rồi có cả hương táo nhân tạo nữa. Nên táo ngâm vào đó xong, thơm nồng nặc…mùi táo.
Tony trò chuyện với anh Trung, chủ xưởng. Ảnh nói táo đưa vô siêu thị Bắc Kinh, Thượng Hải thì là loại khác, quy trình khác, đóng gói trong nhà máy khác. Còn cái này của tụi tao bán ở các tỉnh phía nam, từ đây đến đó cả mấy nghìn dặm, khí hậu dưới đấy lại nóng ẩm, dễ hỏng lắm. Tony kể có lần nhà tao có mua 1 quả táo, xong để quên, 1 năm sau bổ ra thì thấy bên trong đã thối còn bên ngoài vẫn tươi nguyên. Ảnh cười ha hả, nói với kiểu xử lý như vầy, bên ngoài đã nhựa hóa, thì có con vi khuẩn nào xâm nhập được vào đâu mà gây thối. Có thối thì thối từ bên trong do trong ruột chưa nhựa hóa kịp. Thì cũng như mày mua táo nhựa thôi.
Tony bắt đầu choáng váng nhẹ. Anh Trung nhìn Tony một hồi rồi nói, Tony à, mày đẹp trai nhìn y chang nhân vật Vạn Kiếm Nhất trong truyện Tru Tiên, đừng có chết sớm uổng lắm, nên nghe tao dặn nè. Nếu mày mua táo mà phơi nắng phơi sương cả tháng không hỏng, mùi hương nồng nàn thì nhớ gọt bỏ sâu khoảng 1cm từ vỏ. Còn mua ở siêu thị loại bảo quản lạnh thì cứ an tâm. Tao làm cái này chứ cũng không có ăn, nông dân cũng vậy, họ trồng riêng cái nào để ăn cái nào để bán. Tao nghĩ ở nước mày cũng vậy mà, nông dân bao giờ chẳng trồng khu này "để ăn" khu kia "để bán". Mày nhớ mua táo ở siêu thị được giữ lạnh nhé, giữ nhiệt độ thấp thì cả năm vẫn ok, nhưng mấy quá táo táo phơi ngoài nắng nóng mà không hỏng thì không nên mua, chưng cho đẹp thì được- anh Trung dặn đi dặn lại.
Tony nghe xong, mặt mũi như "da trời ai nhuộm mà xanh ngắt". Anh Trung hỏi mày bị càn-mao ư (càn-mao là cảm mạo). Cái Tony nói ừa, chắc tao bị thẩu thẩng (thẩu thẩng là nhức đầu) hay quay thung gì đó (quay thung là đau bụng). Anh Trung rú lên, Tony ơi, mày bị càn-mao mà nhìn cũng đẹp. Rồi anh cho công nhân viên nghỉ giải lao để tham quan Tony, anh nói, đúng là đất phương nam, kỳ địa sinh kỳ nhân, nó bị càn-mao mà vẫn ngời ngời thanh tú.
Chiều nay Tony đi mua cây cảnh ở khu Dĩ An. Lúc chờ người ta giao cây lên xe ba gác chở về, thấy phía sau có dãy nhà trọ nên đi vô coi ngó có gì hay, tình cờ thấy 1 gia đình kia đang ăn cơm chiều. Thấy trước nhà này có một cây trà đẹp quá nên mới đứng lại coi, 2 vợ chồng thấy có khách đứng ở trước nên mời vô ăn cơm.
Người chồng tên Tuấn, người vợ tên Liên, dân Thái Bình, vào Sài Gòn làm công nhân ở 1 xí nghiệp dệt may. Tony thấy bữa cơm chỉ có 2 miếng đậu hũ nhỏ, 1 cái trứng chiên, và 1 dĩa rau muống luộc, lấy nước làm canh. Anh chồng giục vợ lấy thêm trứng ra chiên, nhà có khách. Tony nói thôi, anh không ăn, chỉ ngồi chơi chút chờ mấy anh bên ngoài cột mấy cái cây lên xe rồi chở về.
Cái ngồi nói chuyện, hỏi thăm, 2 vợ chồng nói tụi em vô nam làm công nhân. Là đồng hương, quen nhau rồi cưới, có 1 cháu gái gần 2 tuổi. Lương tháng của anh chồng được 5 triệu còn chị vợ được 4 triệu. Tiền ăn uống sinh hoạt cũng vừa đủ, nên mấy năm nay chả dám về quê. Cái mình hỏi hàng ngày ăn uống là như vậy đó hả, cô vợ nói bữa nay là sang đó anh, vì cuối tuần, cải thiện chút. Chứ bình thường là chỉ có 1 nồi canh rau để chan vô cơm húp cho xong bữa anh à.
Anh chồng than nói tiền sữa cho đứa con 1 tháng hết 2-3 triệu nên 2 vợ chồng phải bóp mồm bóp miệng lại. Giá sữa tăng chóng mặt, cứ ra mua hộp mới là người bán sữa nói tăng 10%. Anh chồng nói con bé nó không có muốn ăn dặm, chỉ mê uống sữa thôi. Mà 2 vợ chồng không dám cho uống no, vì tốn tiền. Cô vợ nói cứ nhìn con uống xong ly sữa, còn thòm thèm vì còn đói mà đứt ruột. Tony thấy mấy hộp sữa ngoại trên kệ nên mới hỏi sao mua chi toàn sữa ngoại nhập đắt tiền như vầy, 2 vợ chồng gãi đầu gãi tai, nói dạ tụi em nghe quảng cáo trên tivi, thấy tốt quá nên đầu tư cho con. Đời tụi em như vầy, chỉ mong đời tụi nó thông minh giỏi giang mà bớt khổ.
Cô vợ nói bọn em còn đỡ. Chứ nhà bên cạnh, cũng công nhân, cô vợ vừa thất nghiệp, đứa con mới mấy tháng thôi anh. Cô vợ bị tắt sữa, nên phải mua sữa bột ở ngoài, tháng nào cũng hết 1/2 lương của anh chồng. Cứ nghe tăng ca ban đêm là bọn nó mừng, vì có thêm vài trăm ngàn nữa. Nói bọn em ngồi đạp máy may cả chục tiếng đồng hồ, ban đêm về nhà nhức mỏi kinh khủng, nghe tiếng con nhà bên khóc lại chạnh lòng, không ngủ được. Anh qua đó mà xem, 2 vợ chồng nó mấy tháng nay chỉ ăn cơm với nước tương nước mắm. Nói gì thì nói, đẻ con ra không lẽ không nuôi được. Đêm nào anh chồng cũng xin đi tăng ca hay ra phụ khiêng cây cảnh, còn cô vợ thì ép đứa con ngủ, hết bế đứng thì bế ngồi, đi đi lại lại hát khàn cả tiếng. Với tất cả nỗ lực của một người mẹ, nhưng đứa bé cứ ngủ chút thì dậy khóc. Chắc vì không đủ no.
Về đọc báo mới thấy những loại sữa bột chính trên thị trường mấy năm nay đều tăng giá bán vùn vụt, bất chấp mọi ý kiến ý cò. Khi chúng ta đang đọc những dòng chữ này, những công nhân như anh Tuấn chị Liên không hề biết. Họ đang mải mê cắt chỉ, đạp máy may trong các phân xưởng nóng hầm hập. Và hào hứng khi được tăng ca.
Với họ, những gì trên tivi đều là “đài nói”. Nhà nào cũng có máy xay sinh tố, chổi lau nhà đa năng,…“ vì nghe nói hay quá”, dù nhà trọ mấy mét vuông chẳng thế nào dùng. Vì họ làm từ sáng sớm đến khuya lơ khuya lắc mới về, ai chỉ mong tắm rửa rồi duỗi chân duỗi tay mà ngủ. Họ không có điều kiện đọc sách báo nên rất cả tin. Chúng ta đừng trách họ sao mua sữa ngoại làm chi, sang quá thì ráng chịu, đừng có suy nghĩ vậy. Con cái của họ là 1 gia sản lớn. Cứ nghe quảng cáo sữa nào giúp con thông minh là họ mua, với hy vọng rằng thế hệ sau sẽ không còn khổ cực như cha mẹ chúng. Mà nào đâu chỉ có sữa.
Trong khi đó, ở các tập đoàn đa quốc gia, các bạn phòng marketing đều là những bạn giỏi giang, trí tuệ nên lúc nào cũng nghĩ ra những chiêu marketing rất hiệu quả. Rồi các công ty PR quảng cáo thì vô cùng chuyên nghiệp. Thêm vào nữa là các bộ óc xuất chúng chỉ đạo từ công ty mẹ bên kia. Nên các chương trình quảng cáo này, ngay cả Tony vẫn đinh ninh là nó giúp minh thông minh hơn. Sau này đọc sách báo, Tony mới biết là sữa bò thực chất chỉ tốt cho con bò con, sữa dê chỉ tốt cho con dê con. Cực chẳng đã người ta mất sữa mới mua sữa ngoài, và bị chém đẹp. Kinh doanh những mặt hàng cho em bé như sữa, tả bỉm, y tế, giáo dục…là thoải mái. Vì giá nào cũng phải chịu, ít ai vô trường trả giá tiền học phí hay vô bệnh viện trả giá tiền vắc xin. Đi mua sữa, ai có tiền mua sữa ngoại, ai không có mua sữa nội, nhưng lỡ 1 lần mua sữa ngoại rồi là đành phải theo lao, vì thay đổi loại sữa, em bé sẽ dễ bị tiêu chảy. Nên bữa nay lỡ mua hộp sữa hiệu A này giá 500 ngàn, mai nó tăng lên 700 ngàn vẫn cứ phải mua.
Bài viết của Tony chỉ là 1 câu chuyện nhỏ về đạo đức trong kinh doanh, với hy vọng là làm sao nghịch lý giá sữa và thuốc thì cao ngất, trong khi bia rượu thuốc lá giá quá rẻ như vầy, cần phải được xem xét lại. Là người Việt, dù giọng nói vùng miền khác nhau, học hành khác nhau, công việc khác nhau nhưng đều là người Việt cả. Người nước ngoài họ đến kinh doanh, kiếm tiền và ra đi. Chỉ có dân tộc mình là trường tồn mãi mãi. Một dân tộc cao lớn, thông minh phải bắt đầu từ những đứa trẻ khỏe mạnh.
Một bên là các đại gia liên kết nhau, neo giá sữa và thuốc tây cao ngất, lãi thật nhiều. Còn bên kia người tiêu dùng, chắt bóp chi tiêu, liêu xiêu đói rách, miệng mồm méo mó nhăn nheo. Bớt xuống 1 chút. San sẻ 1 chút. Mình chẳng bớt giàu nhưng bao nhiêu người bớt ngặt. Đó cũng là lời nhắn nhủ của Tony đến các bạn người Việt làm ở các tập đoàn đa quốc gia này. Dù các cuộc họp với các sếp bằng tiếng Anh, nhưng bạn mãi mãi sở hữu một trái tim Việt, bạn hãy đấu tranh để không tăng giá nữa. Hãy biết thương đồng bào mình, hãy thương những tiếng trẻ khóc xé đêm…Chiều qua ngồi nhậu trong quán lẩu cua đồng Thị Nghè, thấy bàn bên là mấy cậu mặc đồ công sở và ngồi tâm sự, chắc mới đi làm về. Bản chất nghe lén của Tony bỗng dưng trỗi dậy, cũng tại mấy cậu nói to quá. Một cậu than thở dạo này công ty tao đủ chuyện hết. Khách hàng nợ dây dưa không trả, rồi nhiều sự cố nên cả công ty ai cũng mệt mỏi, tao cũng buồn. Thằng bên cạnh chửi nói mày ngu quá, mắc mớ gì căng thẳng, chuyện công ty là của công ty chứ có phải của mày đâu. Nó mà không trả lương đầy đủ thì mày mới lo.
Một cậu khác nói tao lớn tuổi nhất ở đây, tụi mày phải nghe. Việc thằng H buồn chuyện công ty như vậy là sai. Chuyện của họ để họ giải quyết, nhắm không ổn là nghỉ. Như ở ngân hàng của tao nè, dù có 10 việc ngày hôm đó, nhưng tao làm 5 việc thôi, để dành 5 việc kia bữa sau làm tiếp. Chứ làm hết rồi mấy ổng thấy làm nhanh quá lại giao việc nữa. Ông sếp trực tiếp tao mắt mũi như cú vọ, cứ nhìn nhìn coi ai rảnh là giao việc. Nên làm gì tao cũng kéo dài ra thiệt lâu. Làm cho lắm cũng mấy ông trong hội đồng quản trị ngân hàng giàu chứ tao vẫn vậy.
Cậu còn lại gật gù, khuyên thôi mày cứ nộp đơn chỗ khác đi. Gửi nhiều chỗ vào. Cái cậu H mới phân bua, nói tao là nhân viên chứng từ đâu có ra ngoài được. Cái 3 đứa kia chửi ngu tiếp, nói thì mày kiếm lý do gì đó trốn ra. Giả bộ nói mẹ bệnh phải đưa đi khám bác sĩ. Hay sáng đó mày nói nhức đầu tiêu chảy gì đó không lên văn phòng được. Thật thà cha dại, cứ nói đại lý do gì đó rồi ra ngoài tìm cơ hội tốt hơn. Nhắm không kiếm chác gì được ở đó thì chuồn. Cậu H có vẻ xiêu xiêu theo. Rồi cả bốn cậu đều cụng ly dzô dzô. Sống trên đời này, phải lo trước cho mình, đó là sự khôn ngoan - cậu lớn tuổi nhất khuyên bảo cả nhóm.
Tony chợt nhớ lúc còn đi học, vào lúc nghỉ hè, Tony vô một xí nghiệp may mặc của Hàn Quốc ở Bình Dương xin thực tập không lấy lương để quen việc xuất nhập khẩu. Lúc đó nhà máy cũng bị lâm vào khó khăn tài chính, khủng hoảng tài chính 1997 thì phải, tới tháng thứ 3 thấy công ty vẫn không trả được lương. Ông giám đốc người Hàn tên Park có họp và năn nỉ mọi người thông cảm, ráng gánh gồng giùm vì hàng không xuất được, bên Hàn Quốc không cho vay tiền nữa vì thắt chặt tài chính theo đơn thuốc của IMF. Tony thấy xe hơi ổng cũng bán, vợ con thì về nước hết, hằng ngày ổng đi lên nhà máy bằng xe ôm hoặc xe buýt, Tony lúc đó chưa có xe máy nên đi làm bằng xe buýt, thỉnh thoảng ngồi cùng xe với ổng. Bình thường ổng cầm theo cái cà mèn (cặp lồng), vợ ổng nấu cơm kiểu Hàn mang theo, giờ vợ con về quê hết nên buổi trưa ổng ra trước ăn dĩa cơm bụi có mấy ngàn đồng như công nhân. Nhưng chỉ có vài nhân viên còn trẻ như Tony là thương ổng, mấy anh mấy chị lớn chửi quá trời. Nói mắc mớ gì thông cảm, tụi này cũng cần tiền để sống vậy. Ổng làm chủ công ty thì phải có tiền chứ, không có tiền thì đừng có qua đây xây nhà máy, đừng có làm ăn. Một buổi sáng nọ, Tony vô công ty và không thấy chị trưởng phòng XNK tên Đài đâu cả, Tony mới gọi điện về nhà hỏi thì chị Đài nói tao nghỉ việc rồi. Tao cầm cái máy fax và mấy giấy tờ quan trọng của công ty về nhà coi như siết nợ, mày nói với ông Park có trả lương tao thì tao mang lên trả.
Ổng thương nhân viên người Việt ghê lắm, nhất là chị Đài, người được ổng đào tạo từ lúc mới ngáo ngơ ra trường. Sáng đó ổng kêu Tony giúp ổng gửi cái công văn này cho một công ty Hồng Công. Tony đọc thấy hợp đồng bán thanh lý toàn bộ nhà máy. Ổng kêu chị Lan kế toán vô, bảo các bạn mai không cần phải đi làm nữa, tuần sau lên nhận lương, công ty sẽ không nợ ai một đồng nào, bù cho mỗi người 1 tháng lương để đi tìm việc mới. Ổng gục đầu xuống nói xin lỗi, nói làm chủ mà không lo được cho mọi người, rồi nói gì dài lắm, tiếng Anh giọng Hàn cứ xí xô xí xào. Cái thôi, Tony lật đật đi làm việc ổng giao.
Khổ là cái máy fax bị chị Đài lấy mất rồi nên không gửi qua Hồng Công được. Mới vô báo lại, ổng chưng hửng nói ủa máy fax sao cũng lấy. Ổng bảo thôi mày ra ra bưu điện gửi fax cũng được, ổng đưa Tony 200 ngàn. Hồi đó chưa có email, làm gì cũng đánh máy, in ra rồi gửi fax, một trang cả mấy đô, mắc lắm. Tony chạy ra cổng nói anh bảo vệ cho em mượn xe của anh chút, em ra bưu điện Sóng Thần rồi về ngay. Anh bảo vệ nói đi vậy tiền xăng ai chịu, tao đâu có ngu. Tony chạy lên phòng nhân sự hỏi mấy người mà không ai chịu cho mượn, nên lại vô phòng báo cáo ông Park. Ổng giật mình ngồi một lúc thì hiểu ra, lục lọi hết trong túi quần túi áo, đưa Tony thêm đâu khoảng một trăm ngàn, nói đi xe ôm đi cho nhanh. Tony xong việc đem hợp đồng và tiền thừa về trả lại cho ổng. Vô phòng giám đốc không thấy ổng đâu, mới chạy đi tìm. Thấy ổng đứng ngoài gốc cây phía sau xưởng hút thuốc, mắt đỏ hoe…
Hôm bữa Tony tình cờ gặp chị Lan, kế toán cũ. Chị Lan nói ông Park vẫn giữ liên lạc với chị đến bây giờ. Sau khủng hoảng ổng cũng có gầy dựng lại một cái nhà máy mới bên Campuchia. Chị mấy lần rủ qua Việt Nam chơi nhưng ổng nói thôi tao không quay lại nơi đó đâu, nhớ kỷ niệm xưa buồn lắm.
Chị Lan nói ông Park không nhớ tên em, nhưng nói nếu có gặp thì cho tao gửi lời hỏi thăm cậu sinh viên cao cao ốm ốm, hồi xưa hay đi gửi công văn giấy tờ. Chị nghĩ là ổng nói em đó.
Sau này ra đi làm, sóng gió thương trường, Tony mới hiểu. Mỗi lần nghĩ về ông, nước mắt cứ chảy.
Rất nhiều tình nguyện viên sau 2 tuần bán hàng nông sản Việt gây quỹ “Ánh mắt học trò là áo ấm mùa đông” đã gửi thư về Tony. Có thư viết lúc 2h sáng. Làm công tác xã hội nó vậy đó, các bạn sẽ mất ngủ, sẽ trăn trở một vài đêm, nhưng chính là lúc não hằn lên những nếp nhăn, giúp bạn có được óc già dặn.
Nhiều bạn nói tụi con sinh ra ở thành phố, lớn lên trong nhung lụa, mọi thứ cha mẹ chu cấp, học hành thì thầy cô chỉ từng bài toán, làm giúp từng bài văn…nên khi lên vùng cao, thấy các em bé hồn nhiên giữa núi rừng, tụi con bật khóc. Về lại thành phố, thấy yêu cha mẹ, yêu mọi người, yêu cuộc đời hơn. Tụi con không còn sừng cồ, không tranh giành từng mét đường với những người tham gia giao thông khác nữa. Hay khi họ mắng chửi mình, thay vì đáp trả lại, tụi con chỉ bỏ đi, vì thấy họ tội nghiệp, họ còn quá sân si với cuộc đời này. Vì họ chưa biết cho đi…
Đúng vậy. Các bạn đã nhìn sự việc ở một góc nhìn khác, rất văn minh, rất nhân văn, rất đẳng cấp. Nên từ thiện cho người khác, thật ra cuối cùng chính là từ thiện cho chính bản thân mình. Hồi đó dượng đi Ấn Độ học một lớp đào tạo doanh nhân, toàn người giàu học, trừ dượng, vì dượng đẹp trai quá, nên được đặc cách. Có một ông thầy ổng dạy như vầy nè. Một tỷ phú khôn ngoan là một tỷ phú giúp bao nhiêu người làm triệu phú. Vì sao, vì trước hết là cho ông ấy. Giả sử ông ấy ở trong 1 cái lâu đài, lâu đài của ông ấy nằm giữa những biệt thự, người ta sẽ bảo vệ ông ấy. Còn nếu lâu đài của ông ấy nằm giữa một khu toàn nhà tranh vách lá, nó mà phát hỏa thì lâu đài của ổng cũng tiêu luôn. Có bữa cả lớp đi thực tập, ông thầy chỉ vào tòa lâu đài mấy triệu đô trong một khu ổ chuột, ổng nói họ dại quá. Phải giàu đều, kéo người ta lên thì cái giàu của mình mới vững chắc. Luật doanh nghiệp Ấn Độ quy định mỗi doanh nghiệp đạt doanh số nào đó sẽ bắt buộc trích ít nhất 2% lợi nhuận cho công tác xã hội (CSR là Corporate Social Responsibility).
Thực tế, ở Ấn Độ, có những ông chủ giàu có và nhân viên cũng xúng xính ngon lành, gắn bó lâu dài, công ty phát triển vượt bậc. Nhưng cũng có những ông chủ giàu sụ, béo tốt, da trắng hồng nhưng người làm thì lương chỉ vài ba đồng, ốm tong ốm teo, miệng mồm méo mó, gửi đơn xin nghỉ việc suốt. Mấy ông chủ này lúc nào cũng than thở “tìm không ra được nhân viên tốt, tụi nó nhảy cóc suốt, cứ mấy tháng lại thay người…”. Thì trách mình chứ sao trách tụi nó. Cứ đào tạo thật tốt, lương 1-2 ngàn đô, giao việc cho tụi nó làm từ sáng đến tối…thử có đứa nào bỏ việc không. Vấn đề là mình sẵn sàng cho nó 1-2000 đô nếu nó làm cho mình 10,000 đô. Nhưng nhiều người miệng mồm nói hay lắm, nhưng đụng đến chuyện này là hẻm chịu, vì không có tính hào sảng. Anh bạn của dượng, có một nhà máy quần áo rất lớn thừa hưởng từ gia đình, khi nghe Tony kể về chuyện cô Lành bán vé số ở Long An đưa xấp vé số trúng 6.6 tỷ cho anh kia, rồi anh kia tặng lại 1 tờ 1 tỷ rưỡi, anh nói “ anh không được vậy, nếu cổ đưa anh xấp vé số đó, anh chỉ tặng vài triệu. Vì anh tiếc“. Anh tiếc tiền thì người ta tiếc công tiếc sức, sẽ không thể cống hiến 100% năng lực cho công ty anh được.
Nên sự hào sảng là phải có, phải có nếu muốn thành đạt, các bạn trẻ tin lời Tony đi. Mà sự hào sảng chỉ có khi mình phải biết cho đi, biết làm từ thiện, đừng đợi giàu có mới làm. Vì giàu là bao nhiêu? Bao nhiêu mới là giàu? Tony có 2 người bạn mà kính phục nhất, một là bạn N, người Ninh Hòa, bạn cấp 2. Bạn này cứ rảnh là đi hiến máu. Người thứ 2 là bạn P, người Huế, bạn ĐH. Bạn này từ lúc ra trường, lương có 4 triệu nhưng đã trích 10% tức 400 ngàn đồng gửi các em mồ côi, bây giờ lương gấp mấy lần, cổ vẫn trích 10%. Nhưng cũng có những người bạn đi xe hơi, thu nhập một năm vài tỷ đồng, nhưng mỗi lần nói từ thiện là lơ đi. Vì họ không có sự hào sảng.
Dượng chợt nhớ lời ông thầy Ấn Độ dạy. Ai cũng muốn lộc thật nhiều, tiền thật nhiều, cố lấy vào và cố giữ. Cuối cùng lại mất hết. Vì phúc như thân thuyền, lộc là thứ chất lên thuyền. Phúc mỏng mà lộc nhiều, thuyền nhanh đắm. Cho bớt đi nhé, còn ít, cũng hơi tiếc, nhưng mà còn…
1. Ở công ty anh bạn thân của Tony có 2 thế hệ nhân viên. Một là do người quen gửi vô, toàn đoạt giải nhất giải nhì ngáo ngơ toàn quốc dù tốt nghiệp ĐH cả. Anh đào tạo xong, đủ năng lực ở lại làm việc. Hai là thế hệ mới, tức các bạn trẻ tự search thông tin tuyển dụng anh đăng trên mạng, đến kiểm tra IQ, tiếng Anh, năng lực ngôn ngữ, đạt yêu cầu và vào làm. Anh thấy năng suất lao động của thế hệ 2 cao hơn hẳn. Các bạn này đến rất sớm, về rất muộn. Làm mọi thứ không từ việc gì, cái gì cũng cứ vun vút, nhoay nhoáy, ai cũng thích cũng mê. Và 100% đều đã đi làm thêm trong thời sinh viên, nên giỏi giang bản lĩnh, không phải “nhờ người thân trợ giúp” khi ra đời.
Dù vẫn hoàn thành công việc, nhưng nhóm “gửi gắm” không có tinh thần tự giác, có giám sát mới làm, sếp đi công tác thì nhóm này lập tức đi trễ, về sớm, thậm chí “tranh thủ” lý do hỏng xe, kẹt đường, nhức đầu…để trốn ở nhà, hoặc ngồi ở văn phòng chứ chat chit facebook là chủ yếu, dù công ty có thưởng trên thành tích làm việc. Nhóm này do gia đình bao bọc từ nhỏ, vô làm lương bao nhiêu cũng được, có thưởng thì tốt không thưởng chẳng sao, ai kêu làm mới làm không thì ngồi đó. Kêu ghi “to-do list”, họ sẽ rặn mấy tiếng mới có được vài dòng kiểu “gọi điện thoại cho vài người, email cho vài người rồi hết”. Thói quen cha mẹ làm mọi thứ nên tay chân, não bộ đều không động đậy, laptop cũng không không biết phải lau chùi. Anh nói, đây là lần cuối cùng anh nhận đám này vô, mặc kệ bà con ai nói gì thì nói, mình không có nghĩa vụ làm từ thiện với đám bất tài này nữa. Nhìn tụi nó uể oải lừ đừ ngáp miết chỉ muốn phóng phi tiêu vô mặt. Khi phỏng vấn, thấy đứa nào không biết làm việc nhà từ nhỏ thì trường chuyên lớp chọn, thi ĐH 30 điểm đi nữa cũng tuyệt đối không nhận. Vì cha mẹ giành làm hết việc nhà thì sẽ tiếp tục ban bố tình thương, tháng nào cũng gửi tiền chu cấp, làm mất động lực sống hay đam mê của tụi nó. Đi làm cho có gọi là, có chỗ “sáng vác ô đi tối vác về”, công ty không phát triển được với nhân viên kiểu vầy. Nhà cửa xe cộ cha mẹ để lại hoặc mua cho, ngành học cha mẹ chọn, cuộc đời cứ như tầm gửi tầm leo, toàn người khác quyết định hộ. Mà có những ông cha bà mẹ ông anh kỳ cục, cứ can thiệp vào cuộc đời con em mình như thời chiếm hữu nô lệ. “Mày cứ ngồi vào bàn học cho tao, tới giờ ăn tao kêu xuống. Mày học toán lý hóa thi Bách Khoa cho tao. Thi Y dược cho tao. Thi Kinh Tế cho tao. Mày chỉ đi học cho tao, tao nuôi, không cần đi làm thêm”. Cứ toàn “cho tao”, sự ích kỷ dưới tên gọi “tình thương” đã làm mất khả năng ra quyết định/tồn tại của một cá thể sống khác, biến những đứa trẻ bình thường thành tàn tật cả tay chân lẫn trí óc vì cái gì cũng giành làm, giành nghĩ hộ.
Công ty anh tổ chức học tiếng Anh, training, chơi thể dục, thể thao…nhưng chỉ có nhóm thế hệ mới tham gia, nhóm cũ thì “ép tôi học tiếng Anh đi, tôi sẽ học cho. Ép tôi đi tập thể thao đi, tôi sẽ tập cho. Không thì thôi, đừng hòng đây có mặt nhé”. Họ nói, ngày xưa đi học vì bị ép, “tại ổng, tại bả” bắt học. Đến trường vì bị điểm danh, bị thầy cô bắt học chứ không phải vì ham kiến thức. Mục đích là có cái bằng. Đọc sách chỉ vì có đề thi trong đó, chứ sách không liên quan đến thi cử thì đọc chi? Nên đi làm, sếp ép thì làm không thì thôi. Tính tự giác hoàn toàn không có. Làm sếp ở công ty có thể loại nhân viên này mệt lắm, hao hơi tổn tiếng, la hét rầm trời tụi nó mới làm.
Lên chức, nâng lương họ cũng ham nhưng không được cũng chả sao. Cho nghỉ việc thì cũng chả buồn phiền, lại quay về với cha mẹ, “qua nửa đời phiêu bạt, em lại về úp mặt vào ô tô”. Ông cha bà mẹ lại điện thoại khắp các người quen, dáo dác chạy đi xin xỏ người khác, lạy ông đi qua lạy bà đi lại, xin bố thí cho con tôi 1 công việc, tôi già như thế này vẫn phải đi xin việc cho con cho cháu, có khổ thân già tôi không? Nói xong thì òa khóc. Thì trách ai bây giờ?
Mai An Tiêm từng nói 1 câu vô cùng hay là “của biếu là của lo, của cho là của nợ”. Cái gì người khác cho mình sẽ mãi mãi là “của nợ”. Nên TỰ MÌNH làm hết mọi việc, 18 tuổi trở lên mình phải quyết định cuộc đời mình. Gương Mai An Tiêm còn đó. Bị đày ra hoang đảo vẫn sống tốt, sống giàu có huống hồ mình vẫn ở trong thành phố, trong đất liền.
2. Giải pháp căn cơ để giải quyết thất nghiệp của một xã hội
Tony đi dạy cho một lớp CEO khởi nghiệp, điểm chung là đều dưới 30 tuổi và có tính TỰ LẬP từ nhỏ. Như vậy, GỐC của giải quyết vấn đề thất nghiệp/khởi nghiệp chính là tạo sự TỰ LẬP cho các bạn trẻ.
Tony cũng để ý, 100% các bạn tự biết giặt giũ nấu ăn, tự biết lau nhà lau cửa, tự biết sửa xe đạp xe máy và đồ điện trong nhà, thêu thùa may vá, biết làm thêm trong thời gian đi học…dù học chuyên ngành hẹp cách mấy, vẫn tự xin được việc, hoặc tự mở cái gì đó khởi nghiệp. Học dù ở cao đẳng sư phạm miền núi nào đó, dạy giỏi thì các trường dân lập ở Tp HCM vẫn nhận vô làm. Tony có cô bạn tốt nghiệp ngành quản lý thư viện ĐH văn hóa, cô nói lớp cô phần lớn thất nghiệp, trừ những người đi làm thêm trong thời sinh viên. Họ làm quản lý nhà sách, công ty xuất bản, hoặc mở riêng cái gì đó mà không cần đúng chuyên ngành. Có bạn học chuyên ngành còn hẹp hơn, ví dụ bảo tàng học, nhưng trong thời gian đi học rèn giũa Anh Văn, làm các đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia các câu lạc bộ đoàn thể này nọ, tham dự các cuộc thi…thì họ vẫn có thể được giữ lại trường, hoặc xin học bổng đi nghiên cứu tiếp, hoặc sẽ có chỗ nhận vô làm, dù ngành khác. Bạn nào cầm bằng giỏi mà không có việc thì chỉ có cái bằng là giỏi, còn người là DỞ, kém cỏi, học vì điểm số chứ không thực lực. Thực lực là phải kiếm được việc, được tiền, dù học piano hay đàn tranh, học vẽ hay học múa, học bất cứ ngành gì….
1. Với các bạn trẻ đã tốt nghiệp mà đang thất nghiệp: Mình phải gạt phăng mọi sự chu cấp của gia đình. Bất tài mới lấy tiền của cha mẹ, mới nhờ cha mẹ bà con quen biết xin việc cho mình. Mình từ chối hết, tự mình kiếm ăn. Lao động chân tay cũng được, có sao, miễn là có tiền. Trí óc mình có, từ từ sẽ đi lên.
2
. Học sinh vừa tốt nghiệp trung học: Nếu mình thích học ngành gì, mình kiên quyết bảo vệ và chọn. Nhóm tự lập từ nhỏ đều biết mình thích cái gì, làm tốt cái gì. Còn không biết thích cái gì thì ĐÓ LÀ NHÓM NGÁO NGƠ, học chục cái bằng cũng thất nghiệp. Mình PHẢI vay mượn để học tập từ cha mẹ người khác …chứ không nhận “viện trợ không hoàn lại” nữa. Muốn người khác có lòng tin để đầu tư cho mình, thì mình phải tự tin mình trước. Người tự lập thì sẽ tự tin, tự chủ, tự trọng.
Phải xây dựng ý thức tự trọng đầu tiên của mình, bằng cách “say NO” với tiền của người khác. Tuyệt đối KHÔNG là KHÔNG. Tiền cha tiền mẹ là từ sự lao động của họ, không phải của mình. Chưa có tỷ phú nào đi lên từ việc trúng số. Chúng ta chưa ai ở nhà do ông tổ ông tiên để lại. Lịch sử hàng ngàn năm tây tàu gì cũng vậy, những dinh thự vĩ đại ngày xưa bây giờ đều là viện bảo tàng, dù “đại gia” thời đó đều hồi môn để dành cho con cháu, từ lâu đài Windsor bên Anh, dinh Hòa Thân ở Trung Quốc đến cung điện mùa hè ở Nga… Cứ đời này đời khác, tự dưng con cháu không giữ được nữa. Mình cứ mua cho nó 1 miếng đất, 1 cái nhà, một đống vàng…thì nó sẽ bán vàng để ăn, hết rồi cắt đất bán lần lần, rồi tới bán nhà, rồi rơi vào nghèo khổ rách rưới. Nhưng thế hệ sau đó nữa, thì lại bật dậy được vì ĐƯỢC sống trong nghèo khó.
Cho nên nghèo khó là một cơ hội tuyệt vời. Giàu có là một thách thức để một đứa trẻ thành công. Phải tận dụng cơ hội khó khăn của mình, và vượt sướng, buông bỏ hết những thảm nhung để lăn lê trong cát bụi, để mình có tương lai. Nếu mình lỡ sinh ra trong nhà giàu rồi, gạt hết, tự mình xoay sở, tự mình sinh sống. Ở Tp HCM thì xin cha mẹ đi học ở tỉnh khác, thành phố khác, trừ trường chỉ có ở Tp mới có thì đành chịu, chứ học nông nghiệp hãy về Cần Thơ, học Vật Lý Sinh Học hay Toán thì lên Đà Lạt, học thủy sản ra Nha Trang, học hàng hải ra Hải Phòng, học âm nhạc ra Huế…Thoát ly ra khỏi vỏ bọc của gia đình, để được tự sống. Phải có những buổi sáng thức dậy suy nghĩ hôm nay phải làm sao để có cơm ăn khi cái ví không còn 1 xu, tối nay phải ngủ ở đâu khi tiền nhà chưa đóng, phải xin đi làm thêm ở đâu để có cái đi chơi, để dành…Chính suy nghĩ như vậy sẽ giúp vỏ não mình hằn lên những nếp gấp của sự trưởng thành, của sự tự tin. Chưa có ai nằm ra đường chết đói cả, bạn nên nhớ điều đó. Khi cùng đường, người ta tự nghĩ phải đi ăn cơm từ thiện, vô chùa ăn, ghé bạn mượn tiền, hay xyz…nào đó để tồn tại.
3. Cha mẹ của mọi đứa trẻ phải thương chúng nó bằng phương pháp giáo dục khác. Đến tuổi biết ăn là tự xúc cơm, tự giặt giũ lau nhà, tự học, tự chơi. Ép chúng nó buổi sáng phải thức dậy sớm, lau nhà lau cửa sạch sẽ, dọn dẹp mùng mền chiếu gối, nấu nước nấu mì cho chính nó ăn, không nhịn đói kệ mày. Cuối tuần bắt nó phải quét váng nhện, lau chùi tivi tủ lạnh, chăm sóc cây cảnh thú nuôi, quét sơn, sửa nhà, tham gia các hoạt động ngoài xã hội, tuyệt đối không cho nó ôm laptop hay ipad iphone khi chưa làm xong việc nhà. Nếu trường có tổ chức đi xe buýt đưa đón thì cho chúng nó tự đi với bạn bè, không nên đưa đón, kẹt đường kẹt sá trước cổng trường. Không xin xỏ việc làm cho chúng nó. Không ép chúng nó học ngành mình yêu thích, mình thích thì mình học đi.
4. Cha mẹ LỠ GIÀU CÓ thì hãy cho con cháu mình một môi trường giáo dục tiên tiến đến năm 18 tuổi và hết. Học vì đam mê chứ không phải vì bằng cấp, học nghề cũng được chứ không nhất thiết học chữ. Không ép chúng nó học thêm nếu chúng không thích học, chỉ có những đứa ham mê chữ nghĩa mới cho chúng nó vay tiền học đại học, bắt ra trường trả lại. Tiền tích cóp một đời, hai vợ chồng già xài cho sướng cuộc đời đi. Đi du lịch chỗ này chỗ kia, hoặc đem đi từ thiện để tạo phúc/may mắn cho con cho cháu. Tương lai của tụi nó hãy để tụi nó quyết định, đừng có đu theo hỏi miết. Nó mà về úp mặt vào ô tô, dựa dẫm là mình quánh, mình đuổi đi.
Cứ “cho” riết thì một cục cưng biến thành một cục nợ cho gia đình, một cục…tác của xã hội.
“Qua nửa đời phiêu bạt, em lại về úp mặt vào ô tô. Ơi con ô tô, con ô tô…”
Chọn Tập
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top