3333

Tối nay, dượng sẽ kể cho các bạn nghe 1 câu chuyện kinh điển. Chắc các bạn đều coi qua bộ phim Tây Du Ký. Mở đầu bộ phim là hình ảnh con khỉ Thạch Hầu được trời đất sinh ra, rồi một hôm, Thạch Hầu từ bỏ Hoa Quả Sơn, chèo thuyền đi tìm sư học đạo. Gặp thầy Bồ Đề, con khỉ được đặt cho cái tên Tôn Ngộ Không. Cũng nhờ chút sáng dạ (khi canh ba vào hầu thầy khi thầy gõ trên đầu 3 cái) mà được thầy ưu ái dạy cho 72 phép biến hoá thần thông, và dặn kỹ không được tiết lộ ra cho ai bên ngoài biết. Trên đời luôn có những cái “sống để dạ, chết mang theo” nhưng Tôn Ngộ Không đã không nhớ lời thầy, một lần cao hứng đã mang phép thuật ra biến hóa cho bạn đồng môn xem. Khi Bồ Đề Sư Tổ biết được, đã hết sức tức giận và đuổi đi. Trước khi đi, ông nói với Tôn Ngộ Không một yêu cầu duy nhất, là nếu sau này có ai hỏi, thì đừng bao giờ nhắc tên ông.
Và mọi người đều biết chuyện gì đã xảy ra sau đó. Việc Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung, tưởng như không có ai chế ngự được, nhưng các bạn ạ, trên đời, cao nhân ắt có cao nhân trị. Phật Tổ đã trừng phạt Tôn Ngộ Không, bắt giam dưới núi Ngũ Hành suốt 500 năm. Sau đó, tưởng là phục thiện theo Đường Tăng đi thỉnh kinh, tuy nhiên, bên cạnh những phẩm chất tốt đẹp, Tôn Ngộ Không vẫn còn nhiều cái thói hư tật xấu…như người đời vẫn có, nên vòng Kim Cô phải bị đeo trên đầu. Cứ mỗi lần sai phạm, thì vòng kim cô kia lại siết chặt vào. Đó là kỷ luật, là chế tài…mà mỗi người phải có, phải tự tạo VÒNG KIM CÔ cho mình. Nếu không có nó, chúng ta sẽ dễ rơi vào trạng thái vô kỷ luật, tự tung tự tác…
Rồi trên đường đi thỉnh kinh, có một lần đánh thua yêu quái, Tôn Ngộ Không quay về trường cũ nhờ thầy giúp đỡ. Khi đến nơi, than ôi, cảnh cũ vẫn còn đây mà người xưa đã không còn. Vẫn còn đó con suối, những tảng đá, rừng tre…nhưng mạng nhện đã phủ đầy. Những hình ảnh học trò dập dìu luyện công, chặt tre gánh nước đã không còn nữa, thay vào đó là màu tang úa của thời gian. Tôn Ngộ Không chạy đi tìm thầy, tuyệt vọng gọi tên sư phụ. Đáp lại chỉ là tiếng vi vu gió ngàn. Bỗng dưng, trong không trung, tiếng thầy văng vẳng, “ta không còn là thầy của người nữa, người hãy đi đi”. Chính hành động cãi lời thầy năm xưa, chính sự ngỗ nghịch của mình đã khiến bao người liên lụy, bao thế hệ đã không có được khai tâm khai sáng nữa. Bồ Đề Sư Tổ, vì sai lầm của học trò mà đã phải trở lại cuộc sống ẩn cư của một ẩn sĩ. Có người trách thầy sao vì một con sâu mà nồi canh phải bỏ, nhưng Sư Tổ biết rằng, cái sai của ông là đã trao gươm báu vào tay người không xứng đáng, để phải hổ thẹn với đất trời. Trong lúc Tôn Ngộ Không đang quậy nát thiên cung, thì có lẽ lòng Bồ Đề Sư Tổ hối hận khôn nguôi, lẽ ra ông nên thu bớt phép của Tôn Ngộ Không trước khi đuổi đi, hoặc ít ra phải có cái chế tài nào đó. Ông đã sai và chữa sai bằng cách đóng cửa trường và đi đâu không rõ. Suốt các tập tiếp theo của Tây Du Ký, đã không ai còn nhắc đến tên Bồ Đề Sư Tổ nữa. Nhắc mà chi, khi lòng người ta đã không muốn nữa rồi.
Giọt nước mắt ân hận muộn màng của Tôn Ngộ Không rơi trên sân trường cũ, khiến người xem vừa thương vừa giận. Bài học của mình là gì? Đã mang phận học trò, trong vạn ông thầy, mình tìm đúng sư, thì hãy học đạo cho trọn. Một con người sống trên đời, gánh trên vai bao nhiêu là quan hệ. Nghĩa vua-tôi nay là trách nhiệm một công dân với đất nước, đạo cha-con, đạo thầy trò, đạo vợ-chồng, nghĩa bạn bè…Có bao nhiêu ấy là ân tình, nghĩa tình, mình oằn vai gánh nặng, trả hoài không hết một đời người đâu các bạn ạ.
Để đến được Tây Thiên cực lạc, đích đến thành công, con người phải trải qua rất nhiều gian truân, cám dỗ, hiểm nguy, phải chiến đấu với bao nhiêu thú dữ, yêu quái…nhưng cái khó nhất vẫn chiến đấu và chiến thắng bản thân mình. Rào cản lớn nhất để thành công, thành nhân chính là sự tham lam, mê muội, cố chấp của TỰ MỖI BẢN THÂN…chứ không phải yêu quái BÊN NGOÀI NÀO CẢ.
Danh sư ắt xuất cao đồ. Thầy giỏi thì đồ đệ sẽ giỏi giang. Nhưng giỏi giang phải trong khuôn khổ, kỷ luật, để thầy còn ngẩng mặt tự hào khi chúng ta thành công và thành nhân. Chưa có ông thầy nào trên đời mong học trò mình thất bại cả. Mình nên nhớ điều đó mà răn mình.
Đừng để như Tôn Ngộ Không kia, cứ mãi nợ thầy cũ. Một món nợ ân tình…
Nhiều bạn trẻ thấy người ta khởi nghiệp, cũng lật đật mở công ty, cửa hàng, quán cafe… nhưng chỉ được 3 bữa. Vấn đề không phải là kinh nghiệm xử lý công việc, kiến thức chuyên môn, kiến thức quản trị hay tuổi tác, vấn đề là KỸ NĂNG LÀM CHỦ không có. Nên phải dẹp tiệm.
Muốn làm chủ, quan trọng nhất là phải có kỹ năng giao việc. Muốn có kỹ năng này, bản thân mình phải là người luôn chân luôn tay, luôn mắt luôn miệng, luôn tính tính toán toán TỪ BÉ. Tony tuyển một bạn từng học cấp 3 dân lập N, thi đại học 29 điểm. Nó nói tụi con học vì thành tích của trường, nên ban đêm thầy cô kèm truy bài đến 11h. Bài toán vừa đưa ra, ông thầy đưa ngay công thức ráp vô giải. Đề văn này chưa suy nghĩ dàn ý là đã cô giáo cung cấp ngay bài văn mẫu. Nên tụi con mất khả năng tìm kiếm và tổng hợp thông tin. Việc ngồi lục lọi trong thư viện, search trên google, đọc hầm bà lằng…để có thông tin mình cần LÀ KỸ NĂNG buộc phải có của người giỏi giang thật sự. Hằng ngày nó lên công ty, chờ ai giao việc thì làm, không thì ngồi đấy, cứ mỗi 5 phút ngáp 1 cái. Thấy kỹ năng ngáp tốt quá, phòng nhân sự bèn bố trí nó ngồi ở chỗ cửa ra vào. Từ đó, tuyệt đối không còn con ruồi nào bay được vào bên trong công ty nữa.
Tony quen với bốn đại lý bán phân ở một huyện ở miền Tây. Bốn đại lý này từng là người giúp việc cho ông Thoàn, một người giàu có trong làng. Ông Thoàn có hàng ngàn công đất, hàng trăm chiếc ghe hàng xáo, mấy nhà máy xay gạo, quán xá trên chợ, rồi vịt nuôi thả đồng, trại nuôi gà, nuôi heo, có nhà ở Sài Gòn Cần Thơ…và người ăn kẻ ở trong nhà lên tới hàng trăm. Cứ nhậu là 4 anh này kể chuyện “hồi xưa” với lòng biết ơn ông Thoàn vô hạn. Sáng nào cũng vậy, cứ đâu 4-5h là ông Thoàn ngủ dậy, ngồi trên cái ván (cái phản) bằng gỗ mun, sai gia nhân làm việc. Đố đứa nào mà rảnh tay rảnh chân với ổng. Hồi đó thì tụi này căm ghét ông Thoàn vì bắt làm nhiều quá. Nhưng giờ nghĩ lại, thấy số mình may mắn. Mấy ảnh hỏi Tony chứ HAM LÀM VIỆC VÀ BIẾT GIAO VIỆC có phải là bí mật của người giàu có không? Vì sáng sáng, thấy ông Thoàn cứ nhấp ngụm trà vô, kêu anh A làm gà, anh B ra đắp đất, chị C trồng rau, anh D chẻ củi, chị E lau nhà, chị F kiểm kho, chị G múc nước, anh H vô ruộng thăm lúa, anh I thu nợ…còn ông thì cộng cộng trừ trừ trong sổ đến khuya, suốt ngày nghĩ ra cái mới để làm ăn, mở rộng sản xuất. Tony nói đúng rồi, biết làm việc thì bình thường, nhưng biết giao việc là năng lực đặc biệt chỉ dành cho người rất giỏi, không phải cái đầu nào cũng nghĩ được việc cho người khác làm đâu. Càng nghĩ việc cho đông người làm thì càng tài năng. Đó là bí mật đầu tiên của người giàu có. Nếu mình vẫn có thời gian rảnh rỗi trong ngày mà khong biết phải làm gì, thì thôi đừng mở cái gì ra làm ăn cả nhé. Dẹp tiệm mất tiền rồi khóc.
Muốn giao việc, phải có óc quan sát, phải biết sắp xếp công việc theo khả năng của từng người, QUAN TRỌNG LÀ PHẢI TỪNG LÀM TỪ VỊ TRÍ THẤP NHẤT. Để mình giao người ta mình biết bao lâu thì xong, thế nào thì tốt. Ví dụ mình chưa nấu cơm bao giờ thì mình giao việc nấu cơm, nó quất cho bốn tiếng mình không nói được. Rồi một nồi cơm ngon là thế nào mình cũng không biết, có khó khăn gì trong quá trình nấu mình cũng không rành. Nên muốn thành đạt phải biết làm việc nhà, quét váng nhện, rửa bát, bắt điện, sửa ống nước… khi còn nhỏ, lớn lên khi có tiền thì có thể không cần làm, mướn người khác làm, nhưng mình phải biết để nghiệm thu thử như vậy là tốt hay xấu, đạt hay không đạt. Đụng chuyện cũng phải biết làm, nửa đêm ống nước nhà vỡ không lẽ không biết bịt lại thợ nào đến lúc nửa đêm? Nhiều tỉ phú đi lên từ công nhân, tài xế, giúp việc, lao công, buôn bán lề đường… Còn người thừa hưởng gia tài thì rất ít người giữ được cơ nghiệp. Nghe xong, mấy ảnh nói em nói đúng quá Tony, ai từng làm cho ông Thoàn sau này cũng làm chủ hết, vì quen luôn tay luôn chân. Tụi anh ban đầu cũng làm mướn làm công thôi, nhưng chăm chỉ và có đầu óc nên tích lũy được ít tiền. Sau đó mới mạnh dạn mở ra làm, nhỏ trước, lớn sau. Mỗi lần nghe mấy đứa đòi khởi nghiệp mà hỏi “vốn đâu”, thấy mắc cười dễ sợ. Các bạn nghe đứa nào nói vậy thì đừng có đưa tiền cho nó. Nó đốt hết ngay. Có ông tỷ phú nào trên thế giới mà đẻ ra là có 1 đống tiền đưa sẵn? Toàn tích cóp 9 xu đổi lấy 1 hào cả. Rồi “tiền đẻ ra tiền”, có 2 hào, 5 hào rồi 1 tỷ đô la.
Mấy ảnh nói ở cái huyện này, ngoài tụi anh bán phân bán thuốc, mấy ông chủ cây xăng, chủ xưởng gỗ, chủ xưởng sản xuất vỏ lãi (tàu ghe), chủ đại lý xi măng sắt thép…đều là người làm công của ông Thoàn ngày xưa cả. Còn mấy đứa em tui, lúc đó ở với ba mẹ, bây giờ vẫn cứ nông dân nghèo. Vì nói cái gì tụi nó cũng ngại làm. Sáng ngủ dậy là không biết mình phải làm gì ngày hôm nay. NGHĨ KHÔNG RA VIỆC CHO MÌNH THÌ LÀM CHỦ GÌ ĐƯỢC.
Lúc ông Thoàn già yếu, ông vẫn chỉ đạo công việc nên nhà cũng còn khá giả, nhưng khi ổng mất đi thì mọi thứ cũng chấm hết. Cái dở của ông Thoàn là, dù chỉ đạo và sai việc các người làm rất tốt, nhưng lại không cho con cái ông động chân động tay vào việc gì. Gia tài chia xong, mấy đứa con quản lý không nổi vì không nghĩ ra việc cho người khác làm, rồi người làm bỏ đi hết. Mấy đứa con phải bán vàng, rồi bán đất, bán cơ sở làm ăn…thậm chí lấy đổ cổ trong nhà ra bán. “Nhà từ đường” là cái cuối cùng tụi nó bán để chia nhau ăn. Hết của, các con của ông Thoàn không kiếm sống được vì vừa dở vừa lười. Mấy anh gia nhân cũ, giờ đã có cơ ngơi làm ăn ngon lành, thấy vậy mới nhận mấy đứa con đứa cháu ông Thoàn vô làm bốc vác, coi kho, giao hàng, lau nhà lau cửa, bế em…Mấy ảnh nói vì tình nghĩa mới nhận vô chứ năng suất làm việc tụi nó chỉ bằng nửa người khác.
Các bạn trẻ thường có 1 bệnh rất lớn, đó là bệnh “hào hứng một phút”. Đọc 1 bài về ngoại ngữ, cũng lên khí thế hừng hực, cũng mở Youtube ra, cũng lên trung tâm… nhưng chỉ học đúng 1 buổi. Bữa sau vẫn ôm ipad coi tiếp thằng A, con B hôm nay ăn gì làm gì tự sướng cái gì trên FB. Đọc 1 bài về khởi nghiệp, cũng hầm hầm khí thế, đứng lên đi thuê nhà tìm chỗ mở công ty, nhưng tìm 3 bữa thôi mệt, nắng nóng quá chạy tới chạy lui mệt. Đọc 1 bài về du học, cái cũng lên công ty du học tư vấn, đem 1 đống giấy tờ về nhà rồi quên để bụi bám lên mốc lên meo. Đọc 1 bài về thể dục thể thao, cái cũng đi mua cái máy chạy bộ, mua cái tạ về đẩy lên đẩy xuống đúng 2 lần. Rồi hết, mọi thứ “nguyễn y vân, vũ như cẩn”.
Các bạn họ hàng với 2 anh Vân Nguyễn và Cẩn Vũ này, tìm cách unfriend nó. Nguyên nhân là do cái Ý CHÍ không nằm sâu trong tâm khảm của bạn, nên bị giật dây thì có chút khí thế, nhưng sức ỳ lớn hơn. Nhà càng khá giả, học vấn càng tốt, tuổi càng cao thì sức ỳ này càng lớn. Nên vượt khó thì dễ hơn vượt sướng gấp nhiều lần. Sinh ra trong một gia đình khá giả thì đó là bất hạnh, vì nó sẽ dễ dàng triệt tiêu động cơ phấn đấu. Sinh ra trong một hoàn cảnh khó khăn, đứng trước một sự chọn lựa quá hẹp, thì mình phải vui mừng. Vì đó là cơ hội.
Giữa việc ra sân tập thể dục thể thao với ngồi coi ca sĩ diễn viên cởi áo trên mạng, người ta dễ chọn cái thứ 2. Nên nhiều người nghiện ma túy, bỏ thuốc lá…kêu từ bỏ, phần lớn không bỏ được. Cứ trả về với cộng đồng lại tái nghiện ngay. Vì bản chất của con người là “cái lười” và “thèm” bao giờ cũng hiện hữu trong tâm trí, nên phải có ý chí thật mãnh liệt, thì mới chiến thắng được.
Để rèn ý chí mãnh liệt này, người ta phải có chiêu. Trước một cám dỗ, bạn nên bặm môi, dùng răng cắn cho thật đau, đau đến mức bạn còn có thể chịu đựng được. Đứng thẳng, nắm chặt 2 bàn tay lại, nín thở, mắt lườm lườm giả bộ ở trước là đối tượng khủng bố cần tiêu diệt. Hồi đó Tony đi thi hùng biện trên sân khấu, cứ chuẩn bị lên là tay chân quíu, giọng nói lạc đi, đầu óc nghĩ cái gì chả nhớ. Nhưng lúc trước mặt mọi người, mình mím môi thật chặt, cắn thật đau (yên tâm không có chuyện chảy máu vì mình tự biết điều chỉnh đau quá thì thôi không cắn nữa, kiểu như nhịn thở ấy, không sợ nhịn rồi chết vì chịu không nổi nữa là tự động thở cái phì). Lúc mình nắm chặt tay và mím môi như vậy, hệ thần kinh sẽ được kích hoạt, máu dồn về não nhiều, giúp mình sáng suốt, và tràn đầy ý chí. Bạn cứ thử, có thể sẽ khinh công lên tận ngọn cây chứ không phải chơi. Đây là bí quyết của vận động viên người Triều Tiên mỗi khi thi đấu thể thao. Liều doping này tự nhiên giúp họ đạt thành tích rất cao.
Các bạn thử áp dụng khi mình cần quyết tâm 1 cái gì đó nhé. Tay nắm chặt sẽ giúp bạn tay mạnh mẽ hơn. Môi mím chặt sẽ giúp đôi môi hồng hơn, đỏ tự nhiên rất đẹp. Bạn gái sau khi mím môi, mình thè lưỡi liếm 1 cái cho nó bóng như son, khỏi tốn thời gian trang điểm.
Mình vô cái nhà, dù biệt thự đẹp đẽ cách mấy, thấy bếp núc lạnh lẽo, bạn có ớn không? Bạn dù có tài giỏi xinh đẹp cách mấy, mà không có lửa nhiệt tình, thì cũng như cái biệt thự hoang vắng kia. Bạn có thấy những ngôi nhà tranh, những ngôi nhà gỗ dù bé nhỏ nhưng vẫn ấm cúng vì có 1 bếp lửa hồng?
Mình có một cuộc đời thôi, đừng có tro tàn bếp lạnh. Dù ngoài kia lạnh lẽo, lòng người quyết tâm thì vẫn rực lửa. “Ngoài phố mùa đông, đôi môi em là đốm lửa hồng
Hồi đi học, Tony nghe tuyển “nhân viên bán hàng” là dội ngược. Vì tưởng tượng cảnh mồ hôi mồ kê chạy xe máy ào ào trên đường, phía sau là thùng hàng, vô năn nỉ chỗ này chỗ kia, có khi bị đuổi. Rồi trong giao tiếp, cái thế người bán bao giờ cũng thấp hơn thế người mua, nó bảo con trâu màu vàng cũng dạ “vàng quá”, vì sĩ diện ít ai chịu làm nghề bán hàng. Rồi bị ép doanh số, một tháng phải bán được bao nhiêu sản phẩm, còn không thì phải nghỉ, nên công việc cũng sẽ áp lực hơn, chỉ thích ngồi văn phòng máy lạnh cho sướng.
Nhưng Tony ngồi suy nghĩ lại, mình dưới quê lên, trên răng dưới dép, học kinh tế ra trường có nghề ngỗng gì đâu, nếu làm nhân viên ngồi máy lạnh thì tích lũy đến bao giờ. Nếu là con gái thì thôi kiếm thằng chồng nào chịu khó, chăm chỉ việc nhà việc cửa giao cho nó cày, trong khi mình là đàn ông con trai, thì cần phải vững vàng về tài chính.
Nghĩ vậy nên một ngày kia Tony mới đăng báo tự quảng cáo. Bạn bè một số đứa cầm tờ báo có hình Tony ở mục Người Tìm Việc mà cười khinh bỉ, nói nhục vậy mày. Tony thấy chả nhục gì, sức lao động của mình là hàng hóa, phải quảng cáo để tiếp cận với nhiều khách hàng chớ. Đúng như dự đoán, họ gọi điện mời phỏng vấn quá trời. Nhờ chị L giới thiệu mà Tony thi tuyển vào công ty làm nhân viên bán hàng ngay lúc nhận bằng tốt nghiệp. Nhờ những năm tháng nước mắt nước mũi, dưới sự đào tạo kỷ luật VÔ CÙNG hà khắc của ông sếp già người Nhật mà Tony mới có được ngày hôm nay.
Trở lại nghề bán hàng, đó là môi trường tốt nhất để 1 đứa ngáo ngơ trở nên bản lĩnh. Làm sale, mình sẽ TỰ đào tạo mọi kỹ năng, từ phân tích tâm lý, đến ăn nói, nhậu nhẹt hát hò, đàm phán thương lượng, tung chiêu quánh phủ đầu...đến năn nỉ xuống nước thảo mai nịnh nọt. Vì bán hàng nó cực, nên thu nhập thường sẽ gồm lương cứng và hoa hồng. Lương cứng thì thường chỉ đủ sinh hoạt, thu nhập tích lũy là hoa hồng, nên sẽ là động lực thức khuya dậy sớm để làm. Nhân viên bán hàng được ví như là chiến sĩ ra mặt trận vậy, còn hậu phương là cán bộ chứng từ, logistic, kho bãi…
Trần Quốc Tuấn trong Binh Thư Yếu Lược có nói, cốt yếu nhất trong việc đánh thắng giặc Nguyên Mông là “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, tức quân cốt yếu là sự tinh nhuệ chứ không phải là đa số. Công ty nào có đội ngũ quân sales tinh nhuệ thì đều chiến thắng.
Nên này các bạn trẻ, dù tốt nghiệp ngành gì, đang thất nghiệp mà đứng trước cơ hội làm nhân viên bán hàng, đừng có ngại. Lao vô làm đi, sĩ diện làm gì. Thất nghiệp ăn bám mới nhục chứ đi làm là không có cái nghề nào cao hơn nghề nào.
Mình chịu cực khổ 1 thời gian sau đó ngon lành lắm. Nhưng cạm bẫy thương trường cũng nhiều, mình giỏi giang hóa chứ đừng có ma lanh hóa. Các bạn cứ nhìn 1 con diều bay cao như vậy, là nhờ cái sợi dây cột dưới đất. Nhiều lúc con diều nghĩ, thôi cắt sợi dây đi, sẽ bay cao vút lên trời xanh luôn. Sợi dây đó chính là tính kỷ luật, chính là đạo đức. Mà mình không có nó, sự bay cao chỉ là “cuốn theo chiều gió”, rơi xuống lúc nào không hay. Các bạn trẻ nhớ kỹ lời Tony dặn. DÙ LÀM GÌ Ở ĐÂU VỚI AI, đồng tiền mình làm ra phải là đồng tiền sạch, phải từ mồ hôi trí tuệ của mình. Ai dạy khôn dạy khéo gì đó kệ họ. Thật thà chưa bao giờ là cha dại cả, trung thực là cái khôn ngoan nhất trong mọi khôn ngoan mà con người có thể nghĩ ra.
Có 1 bạn trẻ tên Kiên, người Bình Định. Hồi nhỏ quậy phá gì đó mà bị mất hết 1 cái tai. Nó nói con ham chơi chỉ học đến lớp 11 đã nghỉ. Theo bạn bè vô nam làm công nhân xây dựng. Sau đó, nó nghỉ, làm nhân viên giao hàng nước đóng bình cho các nhà máy trong khu công nghiệp ở Dĩ An, lương 3 triệu. Sau thời gian, nó xin sếp làm công việc bán hàng kiêm giao hàng. Làm quần quật từ mờ mờ sáng đến khuya. Gọi tiếp thị khắp nơi, hàng cũng ngõ hẻm gì cũng chạy đến, nửa đêm ai gọi giao nước cũng đi. Rảnh là nó đi tới tận nhà từng khu phố, từng chung cư gửi card tiếp thị vô khe cửa, nên 1 tháng hoa hồng cũng được 3-4 triệu nữa.
Lần lĩnh hoa hồng đầu tiên tiên nó mời Tony đi ăn, nói con hẻm biết lấy gì cảm ơn dượng đã chỉ đường cho con kiếm tiền một cách tử tế. Mà dượng sang trọng quá, con mang theo toàn bộ tiền của con để dành xưa giờ luôn nè. Mình mà cầm 10 triệu đồng thì khách sạn 5 sao nào cũng dám vô dượng há. Thấy nó ốm nhách, da mặt đen thui vì chạy suốt ngày ngoài nắng, cái túi căng phồng ra vì những 10 triệu tiền mặt mang theo, Tony hẻm biết nói gì, chỉ thấy rưng rưng nước mắt. Mới nói thôi con ráng tích lũy thêm đi, cày thêm được khoảng 100 triệu thì dượng chỉ cho cách làm ăn, còn mua nhà mua cửa lấy vợ đẻ con nữa.
Bữa đi ăn với nó đến giờ cũng mấy tháng. Bữa nay, nó gọi qua nói con để dành được 50 triệu rồi dượng, tối dượng có về Villa De Tony hem để con qua gửi dượng cất giùm. Nó nói trên Bình Dương ai cũng khen con dễ thương nên mối lái nhiều lắm. Con phải dậy từ lúc 4h, đi giao hàng từ 5h sáng đến 10h đêm mới xong, tháng nào con cũng tích lũy được ít nhất 2 chỉ.
Tony nói sao con giống mấy ông bà mình ở quê dữ vậy, lâu lâu lòi ra 1 đống vàng ki ki cóp cóp… Thôi con mở 1 tài khoản, rồi bỏ tiền vô đó đi, tự quản lý tài chính cũng là một kỹ năng.
Hôm nay nó lên Tp mua đồ tết gửi về cho em nó ở quê, sắp tết rồi. Nó ghé VP chơi, cầm theo gói trà, Tony trả lại kêu nó gửi về quê đi, dượng ở đây đâu có thiếu. Nó ngồi cười, gương mặt sạm đen vì nắng gió, nhưng ánh mắt sáng bừng của sự quyết tâm. Tony nói “con làm việc cật lực như vậy, đạo đức như vậy, kỷ luật như vậy…thành công là điều dĩ nhiên”. Thấy dáng nó ốm tong ốm teo đi về mà Tony mừng thầm, lại có một con sao biển nữa đã được ném trở về với đại dương để sống một cuộc đời ý nghĩa…(2013)
-----------------------------------------------------------
Tin tức cập nhật: Bạn đã thêm nghề bán bất động sản khu Mỹ Phước Bình Dương mấy tháng nay. Tiền tích cóp từ bán nước, bạn đã kịp tậu cho mình 1 nền (150 triệu) và đã xây dựng cái nhà trọ nhỏ cho công nhân ở khu nhà máy Kumho gần đấy.
Bạn kể bạn đang bán bất động sản với tình yêu và sự đam mê mãnh liệt. Từ 5h sáng đã mò ra quán cà phê tâm sự lê la, và dắt khách đi coi đất, đàm phán, tham dự mọi hội chợ triển lãm để tăng cơ hội tiếp thị với khách hàng đến tối mịt.
Bạn nói, năm 2015 con sẽ gom 5 miếng đất lại, đủ 750m2 làm cái xưởng sản xuất chổi đót gì đó của quê bạn. Bạn sẽ đem người ngoài quê vô làm công nhân vì họ lành nghề và nhờ dượng xuất khẩu.
Hẻm lẽ qua năm 2015, tui đi xuất khẩu chổi đót? Chổi đót tiếng Anh nói sao, tui đâu có biết…(2014)
------------------------------------------------------------------
Cập nhật: Bữa nay bạn lại ghé thăm Tony vì nghe dượng bị thoát vị đĩa đệm, mang ít lá cây gì đó. Nói con mở được xưởng sản xuất rồi, gia công chổi cho một doanh nghiệp xuất đi Ấn Độ. Nó nói bây giờ con có Đô-la rồi, lễ này về quê làm hộ chiếu để chuẩn bị đi Ấn Độ để làm đúng yêu cầu của người ta và làm các mẫu “chổi to chổi nhỏ” đủ kiểu để tham dự hội chợ thủ công mỹ nghệ. Bạn cũng bắt đầu đi học ngoại ngữ vào buổi tối, chỉ muốn bập bõm nói vài câu khi bắt tay đối tác thôi. Và bạn cũng đã có người yêu, một cô gái người Nam Định đang học ở ĐH Bình Dương chuyên ngành kế toán, nghe nói cũng biết vun vén làm ăn và chịu khó ghê lắm. Đi học ngoại ngữ về là hai đứa ngồi bó chổi tới khuya…
Trong khi đó vẫn có nhiều bạn trẻ ngồi bó tay, bó gối, ăn miết mà chẳng chịu làm…
“Chào dượng. Con tên S, tốt nghiệp ĐH Kiến Trúc và đã đi làm 2 năm. Nghĩ đến những tháng ngày đi học mà con thấy nao lòng. Thời cấp 1 cấp 2 con không biết, chứ từ cấp 3 trở đi, 1 tháng riêng tiền học của con đã là 5 triệu. Sau bao nhiêu năm, giờ con kiếm được có 5 triệu/tháng, coi như tiền đầu tư cho con lỗ nặng.
Từ lớp 1, con đã phải học thêm đêm ngày để vô trường chuyên cấp 2. Rồi phải học bơi, học võ, học đàn, học 2 ngoại ngữ. Cứ 4h chiều, ba con trốn việc ở công ty, ra đứng trước cổng trường, cầm gói xôi và hộp sữa rồi chở con chạy như bay đến các lớp học thêm, 9h30 tối con mới về tới nhà, vô bàn ngồi làm bài tập đến 12h mới được ngủ. Kiệt sức vì học nhưng con phải có thành tích để ba mẹ khoe với bạn bè. Con luyện toán-lý-vẽ từ năm lớp 10, MỤC ĐÍCH DUY NHẤT LÀ để thi ĐH nên con không quan tâm đến các môn khác, cả lớp con ai cũng vậy, đậu ĐH 100% chứ giờ kêu viết đơn xin việc thì thua, phải search trên mạng xuống rồi sửa sửa lại tí chút. Ở trường kiến trúc, tiền dụng cụ học tập cao ngất. Tốt nghiệp ra, ngành xây dựng không còn nhiều công trình nữa, con có việc làm là rất may mắn, bạn bè con thất nghiệp nhiều, chỉ có vài đứa giỏi ngoại ngữ đi làm cho công ty nước ngoài, vài đứa có điều kiện thì đi du học, còn lại thì ất ơ vạ vật. Con không nói được ngoại ngữ nào ra hồn, cũng chẳng thích đàn hát võ thuật gì. Đam mê kiến trúc không có, các công trình vẽ ra cho khách, con còn thấy xấu nữa là. Hồi đó con chọn kiến trúc vì mọi người trong nhà nói là “NGHỀ NÀY DỄ XIN VIỆC, KHÔNG AI NHẬN THÌ ĐI VẼ NHÀ CHO NGƯỜI TA CŨNG SỐNG ĐƯỢC”. Giờ con thấy làm gì cũng phải có đam mê, phải có chút tài năng mới kiếm tiền được dượng ơi. Con chán nản toàn tập, lớp con chỉ các bạn ở tỉnh lên, nghèo nghèo…là điên cuồng làm việc, còn tụi con ở thành phố, giờ sống nhàn nhạt, chán òm, không có gì bứt phá. Con hàng ngày ngoài việc sáng ra quán cà phê ngồi cầm cái laptop, nhận việc tính toán kết cấu cho vài ba công trình, rồi tối đi nhậu với bạn bè. Con 25 tuổi mà bụng bự hơn ba con nữa...”
Đây là một trong rất nhiều thư mà TnBS nhận được. Thế mới biết, nhiều người phấn đấu cả đời, cho con cái lên thành phố “để có điều kiện học tập” rồi ép con học cái này cái kia, đầu tư kinh khủng cho con cái…nhưng không có kết quả. Tuổi thơ cứ mãi kéo dài vì phận làm con cò, con cò đã chán mà lại còn be bé. “Con cò bé bé, nó đậu cành tre, đi không hỏi mẹ, biết đi đường nào?” Đi đường nào hả mẹ, mẹ ơi ?”
Cách đây 2 năm Tony gặp 1 bạn kiến trúc sư y chang, tên H. Bạn nói con xuống Phú Mỹ Hưng làm nhà, thấy bà ô-sin người Philippines lương 1000 USD/tháng, trong khi mình học kinh khủng trong 17 năm, thu nhập có 200-300 USD. Bà ấy làm lương cao gấp 5 lần vì bà ấy biết tiếng Anh. Cái con về. Tức quá. NÓI LÀ LÀM. Nắm chặt tay, mím chặt môi, con DẸP HẾT MỌI LƯỜI BIẾNG cố hữu để LỘT XÁC. Hành trình lột xác từ CÒ thành ĐẠI BÀNG bắt đầu.
Bạn kể “con đăng ký luyện IELTS ở một trung tâm do nhóm sinh viên ĐH Ngoại thương sáng lập, 5h sáng là dậy hít đất, chạy thể dục. Ngoài công việc chuyên môn, con chỉ tập trung học ngoại ngữ và ngoại ngữ... Sau 3 tháng, con thi IELTS được 6.0, và vay tiền mẹ đâu mấy ngàn đô, sang Italia để học thiết kế 1 tháng” (The Florence Institute of Design International, học phí 1 khóa ngắn hạn 1 tháng khoảng 900 Euro). Sau một tháng học, bạn nói tầm nhìn của bạn lên rất nhiều. Bạn về nước. Thiết kế của bạn tự nhiên phóng khoáng hơn, táo bạo hơn. Mạnh dạn đi ra ngoài, bạn mới thấy những công trình kiến trúc của phương Tây sao mà hài hòa quá. Sau đó, nhờ 1 đồng môn trong khóa học này giới thiệu nên bạn đi học tiếp ngành kiến trúc ở một thành phố nhỏ ở nước châu Âu khác, lần này chỉ với 3000 USD trong tay. Hàng ngày ngoài giờ học, bạn đi lang thang trong thành phố, thấy nhà ai xấu xấu hư hỏng gì đó là ghi lại địa chỉ, về nhà viết thư nói để tao sơn lại, sửa lại, làm cảnh quan sân vườn lại cho nha. Từ tháng thứ 2 trở đi là bạn dư dả tiền bạc, đi lang thang nước này nước kia du lịch. Gần đây, nhóm của bạn vừa vẽ một công trình khách sạn ở Úc, bạn vẽ rồi gửi phác thảo qua, khách sửa, khách Ok thì bạn triển khai chi tiết 3D, tính kết cấu, khối lượng...và gửi mail cho khách là xong. Nhóm của bạn 5 người, giá trị bản vẽ 300,000 USD và bạn được chia 1/5. Bạn nói lần đầu tiên trong tài khoản có con số hàng chục ngàn, khi đầu óc mình phóng khoáng lên là tiền tự động vào. Và khi mình có tầm quốc tế, giá trị sức lao động của mình tăng lên rất cao. Bạn nói, nhiều lúc con đang ngồi uống ly Cappuccino 5 Euro (tức gần 150 ngàn đồng) ở Paris, nhớ ly cà phê cục gạch trước trường kiến trúc, có lần con căng thẳng cãi nhau với chị bán hàng sao bữa nay giá ly cà phê lên 12 ngàn, hôm trước chỉ có 10 ngàn thôi, con giận không nhìn mặt chị ấy. Rồi đi phỏng vấn xin việc, bạn cùng lớp chứ vô gặp nhau là “ném cục lơ”, sợ nó giành mất suất việc làm của mình. Hùn hạp nhau mở công ty thì 3 ngày là cãi lộn giải tán vì ai cũng làm theo ý mình, không tôn trọng quy định chung hay tuân theo chỉ huy gì cả.
Tony bèn nói: “Thì mấy đứa thấy đó. Chênh lệch có 2000 đồng mà tụi mày cũng cãi không nhìn mặt nhau. 2000 đồng, ra quốc tế, quy Đô la là chưa tới 10 cents. Đầu óc nhỏ thì tâm hồn nhỏ. Tâm hồn nhỏ thì đời nhỏ. Mình chỉ tồn tại một lần trên trái đất này, thử “bay lên đón mặt trời, đại bàng con hãy vút cao, qua núi đồi...” như lời bài hát “Đại bàng con”, bài hát thiếu nhi nổi tiếng của Nga đi nhé!"
Không rõ vì sao, trong các bài thiếu nhi Phương Tây, các nhạc sĩ thường lấy hình tượng con đại bàng để sáng tác...
Người Do Thái là dân tộc thông minh. Ngoài ra, do vị trí địa lý nằm gần châu Âu phóng khoáng, nên dù chỉ chiếm 0.2% dân số thế giới nhưng người Do Thái sở hữu phần lớn của cải thế giới, 21/50 giàu nhất thế giới trên Forbes. Còn người Việt, được xem là “Do Thái của phương Đông” lại bị cái bệnh lớn nhất là "tiểu nông vụn vặt" thịt chó lá mơ lông, nên cứ lận đận truân chuyên mãi. Nên ai thoát được cái ấy thì bật lên thành công mạnh mẽ. Bạn trẻ phải coi kỹ cái này, để muốn thành công, phải thoát ra cái TIỂU NÔNG ấy nhé.
Tony cũng từng tiểu nông vụn vặt. Hồi đó vô thành phố cũng lựa bạn giàu có và có cha mẹ làm ông này bà kia chơi, hòng sau này nhờ vả. Chơi với ai, Tony cũng tính toán coi có lợi không, cũng xuề xòa với lỗi lầm bản thân, cũng giấu như mèo những bí quyết làm ăn, cũng điên cuồng bảo vệ lợi ích cá nhân, cũng ma lanh và phết phẩy, cũng từng nói dối tuy chưa ăn cắp, cũng ganh ghét người giỏi hơn mình và khinh khi người kém hơn. Ăn cỗ thì phải giành phần trước, lội nước thì theo sau vì đứa nào đi đầu, nó vấp té trước thì mình tránh. Nên ai nói bỏ xe máy và nhà ống là điên cuồng phản đối. Vì làm biếng đợi xe buýt, làm biếng lội bộ, sở hữu 1 miếng đất sẽ hay hơn 1 cái căn hộ chung cư, cất nhà thì cao hơn nhà bên cạnh để nước mưa nó đổ sang bên đó, lấn ra 1 chút ngoài mặt tiền đường. Cái gì liên quan đến quyền lợi là tranh giành khí thế, liên quan đến trách nhiệm là trốn tránh liền. Không tình nghĩa với ai, chỉ biết có mình, sau này là gia đình vợ con mình, anh em ruột mà tranh giành nhà thừa kế thì Tony cũng sẵn sàng vác cuốc ra chiến đấu. Đi ăn đám cưới là lấy đũa bới cái đùi gà trong đĩa ra, rồi bỏ vào túi áo chạy ra bờ rào cho thằng con đang đứng chờ. Phải làm nhanh chứ con Na nó lấy mất, nên đĩa gà vừa dọn ra là 6 đôi đũa "khách mời" lao vào xới tung tóe lên. Đi khách sạn ngủ, bật nước chảy cả đêm cho nó "lại tiền", vừa bật máy lạnh vừa mở cửa sổ cho thoáng, có phải tiền của mình đâu. Sang nhà cô bạn, giàu có quá nên Tony tìm cách xài cho bớt giàu. Mấy lon bia cổ mang ra mời, Tony bật lên hết dù uống mỗi lon có 1 hớp. Nhìn cổ giàu có mà lòng vô cùng khó chịu, ngồi suy nghĩ mãi cách nào cho cô ấy bớt giàu đây?
Nhưng sau khi đi đây đi đó, thấy cái suy nghĩ TỈU NÔNG đó sao mà rẻ tiền quá, suy nghĩ miết vậy thì không sang trọng quý phái về tâm hồn được. Tony tự vả vào mặt mấy lần rất quyết liệt, mất 1 năm thì bệnh tiểu nông bớt dần và bây giờ hầu như mất hẳn. Nên mới có cái page TnBS này ra đời, chứ cách đây 10 năm, đời nào Tony chia sẻ miễn phí như vầy. Lỡ đứa nào nó đọc nó giỏi, nó giàu hơn mình thì sao. Ít ra cũng viết bài gửi báo để có chút tiền nhuận bút. Thay vì mua sách có bản quyền trong nhà sách, Tony chỉ mượn và photocopy để rẻ hơn vài nghìn, và khi có Ebook đọc miễn phí, ai có là đưa email xin liền. Cái gì miễn phí là tranh nhau, kiểu ấn ngôi đền nọ nghe nói may mắn cho làm ăn, Tony sẵn sàng đi sớm từ 1h sáng, và lấn ngay với thằng bên cạnh. Và để vào ngôi trường của Ngô Bảo Châu từng học, Tony sẵn sàng đạp cả hàng rào để vào nộp hồ sơ, có phải hàng rào nhà mình đâu. Ngắm đường hoa bờ Hồ chứ thấy chậu nào đẹp là lén mang về nhà mình, bờ hồ không có hoa thì nó vẫn là cái bờ của cái hồ. Đèn đỏ mà thấy chú công an thì mới dừng vì sợ phạt, chứ không thì cứ vượt cho nhanh, sau đó còn quay lại chửi mấy người tự động dừng trước đèn đỏ là “đồ dở hơi”, không có ai giám sát sao không tranh thủ? Tony từng như thế và từng cười khoái trá vì thấy mình KHÔN hơn người khác.
Tony có anh bạn, tiến sĩ và chủ doanh nghiệp nho nhỏ, danh vọng ngon lành, nhưng bệnh tiểu nông thì không hết. Anh bắt vợ anh vừa đi làm bên ngoài (tháng kiếm vài chai) vừa làm kế toán công ty, vì anh sợ bọn nhân viên nó ăn. Hôm bữa cà phê với anh, anh nói gì chứ vụ sân bay Tân Sơn Nhất dời ra Long Thành là tao phản đối. Tao muốn sân bay cứ phải cạnh nhà, tiện cho tao. Mà không phải riêng sân bay, dự án nào mà không có lợi cho nhà tao, tao đều phản đối cả. Trước đây, anh ở trong khu giải toả để xây cái cầu, sáng ra cả xóm ngồi cà phê chửi nói mấy người quy hoạch ngu gì ngu thế, xây cầu làm éo gì (nguyên văn anh nói), cứ để thế cả bao nhiêu năm nay có sao. Rồi người ta cũng kiên quyết, vả lại tiền đền bù cũng cao nên hôm nay đi ngang cái cầu, anh nói "trông khang trang nhỉ". Nhà anh là nhà cuối cùng tháo dỡ khỏi khu giải toả ấy, vì đi sớm sợ tiếc. Một ngày cũng dây dưa, miễn là có lợi.
Tony nói mình phải nghĩ cho người khác, nghĩ cho cộng đồng thì xã hội mới tốt được. Anh mắng ngay, cộng đồng là ai, tao nào biết cộng đồng là ai. Từ nhỏ, tao được cha mẹ tao dạy là “nắng chiều nào che chiều đó”, lo cho mình và gia đình thôi, mắc mớ gì phải lo cho người khác. Tao thấy bọn Singapore nó ngu quá, cả khu phố tự dưng đập hết, xây cái chung cư lên có 20% diện tích, còn 80% là xây bãi đậu xe hơi và cây xanh. Tao thà đi xe máy chứ không đời nào chịu đập nhà rồi ở chung cư cả. Tao thích văn hóa xe máy vì nó cho tao cơ hội giành từng cm đường với đứa khác. Tao mà không đi được thì sẽ đâm ngang xỏ dọc, đố ai đi được với tao. Mày không thấy câu tục ngữ “không ăn được phá cho hôi” à. Đó là sự khôn ngoan đó mày ạ.
Trong làm ăn, anh có tiền chứ không trả nợ, ráng bịa lý do nói dối thêm 1 ngày để có lãi suất qua đêm. Anh mua hết các tên miền của các công ty nổi tiếng, kiểu tonybuoisang.com hay tonybuoisang.net (Tony không có sở hữu mấy cái trang này, toàn của ai đấy không rõ), giả sử Tony liên hệ thì anh hét 50,000 đô, ai bảo không nhanh tay lẹ mắt đăng ký. Kinh doanh của anh chính là “đầu cơ”, đi xe hơi đến xếp hàng mua suất chung cư thu nhập thấp rồi bán lại. Anh nghe ở đâu sắp làm dự án là anh mua đất, rồi xây mộ giả, vì anh nói “sẽ được đền bù cao hơn. Các trận đá bóng nổi tiếng hay vé tàu tết là anh chen lấn mua vé rồi rao bán lại chợ đen. Anh đầu tư trí tuệ vô mấy cái này chứ không sản xuất kinh doanh cái gì lâu dài vì tốn thời gian, lâu ăn, mệt.
Hôm bữa gặp anh trong khu vui chơi trẻ em Kid City, Tony thấy anh đứng dưới cái máng trượt, con anh vừa trượt xuống là anh bế đưa lên trên cho nó tuột xuống nữa. Có 5-6 đứa bé cũng trạc tuổi con anh, xếp hàng leo lên trên đó rồi nhưng không có trượt xuống được vì cha con anh chiếm dụng mất cái máng. Mấy đứa nhỏ xíu không có khả năng giành lại người cao 1m75 và 80kg sừng sững như anh, chờ lâu quá không trượt được, khóc lóc vang dội, nói chú ơi đây là chỗ chơi của tụi con mà. Anh phớt tỉnh ăng-lê. Cái tụi nhỏ chạy xuống méc cha méc mẹ, mấy người kia tới góp ý, anh nói cái này là của chung, tôi có quyền. Thế là các ông bố bà mẹ khác cũng lao đến tranh giành cho con của mình được chơi. Kid city biến thành Adult city với gương mặt lạnh tanh của những ông bố bà mẹ.
Nhưng lạ ở chỗ, nếu ai không cho anh cái gì, anh lại chửi. Hôm bữa anh nói tao đang chạy xe, không biết đường nên mới dừng lại hỏi một bà ngồi bán thuốc lá. Mày biết bà ấy trả lời sao không “tự tìm đi, ở đây không ai sống bằng nước bọt”. Cái thể loại gì ích kỷ thế, biết đường mà không chỉ. Tony mới nói vậy anh chỉ cho em con đường làm giàu của anh đi, ảnh cười há há, nói tao đâu có ngu mậy. Chỉ đường làm ăn cho mày để tao hết cửa làm ăn à.
Tony nói, thì bà bán thuốc lá cũng như anh thôi. Anh không chỉ đường cho người khác thì bà kia cũng vậy.
Anh nói khác, khác, khác. Tao tức, tao tức….mày nói hay quá, tao cãi không lại, nhưng tao khác, tao khác
Có cô bạn làm dịch vụ đăng ký thành lập doanh nghiệp, cô nói tui thấy các công ty mà ghép 3 chữ như ABC, tức 3 anh A,B,C hùn vốn thành lập, khoảng 10 công ty thì sau 10 năm chỉ còn 1. Tức 90% giải thể, trong đó có thể do kinh doanh tệ quá, và cũng có thể do công ty ăn nên làm ra quá. Cả 2 đều phải giải tán.
Tony có anh bạn, học chung lớp cao học. Anh lớn tuổi hơn, học cao hiểu rộng, Tony xem như là đại ca. Sau khi rời tập đoàn xây dựng của Nhật với kinh nghiệm về tư vấn xây các tòa cao ốc, anh mở công ty riêng với 1 anh bạn thân. Lúc khai trương công ty, thấy anh bá vai ôm cổ với anh cổ đông này và nói "đây là ông anh, coi như anh em ruột, sống chết có nhau, tụi anh tin tưởng nhau 100%, sẵn sàng hy sinh cho nhau". Nói rồi nâng ly côm cốp, bia rượu phừng phừng, nom có vẻ yêu nhau tha thiết. Những tưởng lúc đó ai mà nhào tới đánh ông cổ đông này, anh có thể rút gươm ra chiến đấu và có thể tử vì bằng hữu.
Rồi công ty đến nay được 3 -4 năm, rất tốt. Năm ngoái gặp, anh trề môi khi nói về cái anh cổ đông đó "Nó có làm gì đâu, trong khi tao làm chết bỏ luôn, cuối năm chia tiền bằng nhau. Mày thấy có điên không, có đúng không". Tony hỏi lại thế lúc đầu góp vốn thì sao, có ràng buộc điều lệ thế nào. Ảnh nói là lúc đó nó có tiền, tao có nghề, nên mới hùn lại làm. 50/50. Chỉ ghi trong bản điều lệ vậy thôi chứ mấy vấn đề ăn chia lợi tức, chi phí này nọ…không có nói, chưa làm ăn mà đã bàn bạc mấy cái đó thấy kỳ lắm. Nó vẫn cứ đi làm việc của nó, vẫn có lương ngon lành, trong khi tao cày thấy mẹ'. Tony hỏi vậy giờ sao, ảnh nói tao sẽ hất nó ra khỏi công ty, yêu cầu nó rút vốn. Công sức là của tao cả".
Hôm nọ tình cờ gặp rồi kéo vào quán nhậu, anh nói "Tao đang điên tiết. Nó không chịu rút. Nó thấy đang ngon ăn mà. Tao sẽ làm cho công ty này thua lỗ, thế nào nó cũng rút thôi mày ạ". Anh nói "nó ngu lắm, có biết gì đâu. Thế là tao chỉ đạo kế toán tăng chi phí. Vợ con tao đi chơi cũng ghi vào chi phí công tác, tao cất nhà thì hạch toán vào xây chi nhánh, đi Đà Lạt tao cũng đi máy bay, rồi bắt tài xế chạy lên để chở tao đi vòng vòng, rồi tao bay về, tài xế xách xe không chạy về Sài Gòn. Tao suốt ngày tiếp khách. Năm nay lỗ to mày ạ, mày thấy tao có thông minh không?". Anh nói "Tao đâu có bỏ trứng vô một giỏ, lỡ có chuyện gì tao thua thì sao. Nên tao rút dần tiền đi góp vốn trong một công ty TNHH khác,cứ vài ngày là tao cử vợ tao sang, lục tung sổ sách công ty đó lên, coi thu chi thế nào. Nên thằng giám đốc bên đó không dám qua mặt". Nói rồi anh cười đắc thắng, gương mặt toát lên vẻ lanh lợi của 1 chủ tịch hiệp hội doanh nhân ngành Y quận X.
Đi trên đường về, Tony nghĩ thầm. Thông minh thật sao. Sao 1 người mình từng ngưỡng mộ, từng rao giảng bao điều hay cho mình lại có suy nghĩ khôn như thế? Giữa 2 người khôn kiểu này, có thể hợp tác làm ăn với nhau được không. Thế rồi say quá, ngủ li bì, chẳng suy nghĩ được nhiều, cứ thế thời gian trôi đi. Hôm nay anh gọi điện rủ mình đi hội thảo, anh nói, tao làm diễn giả mày ạ, mày đi đi cho vui. Hỏi đề tài gì anh, anh nói hội thảo về tính Liên kết để tăng sức mạnh cho các doanh nghiệp Việt.
Có lần Tony ngồi ở quán cà phê, bàn bên là 2 gia đình, một Tây một Việt. Mỗi gia đình đều có 1 em bé khoảng 2-3 tuổi, tụi nó tự làm quen và chơi với nhau. Bỗng dưng đứa bé con Tây vấp cái chân ghế và ngã sóng soài, bố mẹ cô bé vẫn ngồi yên uống nước, chỉ nói động viên, thôi đứng lên đi con. Cô bé ấy đứng dậy, phủi bụi và chơi tiếp, như không có chuyện gì xảy ra. Bàn bên kia, gia đình người Việt nói hay nhỉ, giáo dục Tây đề cao tính tự lập, mình cũng sẽ dạy con như thế, chứ dạy con kiểu Việt Nam riết nó hư hỏng hết.
Đâu khoảng 15 phút sau, tới cậu bé người Việt lại va vào cái ghế và ngã y chang. Bà mẹ của cậu, một bà mẹ trẻ đeo kính trông rất trí thức, gầm lên với anh chồng “mắt mũi anh để đâu mà không trông nó”, anh chồng cuống quýt chạy đến đỡ dậy, quay lại mắng vợ là “có phải là con của cô không mà cô không giữ”. Bà ngoại hoặc bà nội gì đấy cũng chạy đến, xúm nhau đỡ cậu dậy, bà cảm thấy có lỗi khi thấy 2 vợ chồng vẻ mặt cau có, có ý muốn nói là “cháu ngã tại bà”. Thấy 3 người xung quanh đổ qua đổ lại, cậu bé bèn khóc rất to. Người bà vừa bế, vừa dỗ dành, vừa đánh cái ghế, đánh cái bàn, đánh người cha, đánh người mẹ, cứ mỗi lần vung tay đánh thì nói “cái tội của cái ghế này, cái bàn này, làm em đau này…”. Sau khi đánh hầu hết người của cả quán, thì cậu bé mới cười, mới bỏ qua cái việc vừa té ngã lúc nãy.
Tony ngồi nghĩ. Dù văn minh phương Tây có hay, có tiến bộ cách mấy, mình nhìn thấy nhưng chưa chắc là áp dụng được. Đụng chuyện thì vẫn cách xử lý cũ. Và đứa trẻ ấy lớn lên, mọi vấp ngã của nó, không bao giờ là do nó. Tất cả mọi thất bại là do ai đó, thậm chí do vật vô tri vô giác như cái ghế cái bàn...Và đều phải bị trừng trị, bị đánh, bị đổ lỗi.
Ở các nước châu Á, có lẽ lối giáo dục này tạo thành văn hóa chỉ trích người khác nhưng tuyệt nhiên không nói đến mình. Giáo viên nói học sinh dốt. Học sinh thì nói giáo viên dạy dở, chương trình dở. Giám đốc nói nhân viên kém cỏi. Nhân viên thì chê giám đốc không đủ trình. Đồng nghiệp thì xét nét nhau, đổ lỗi cho nhau khi có sự cố. Trừ mình. Hễ ai nói đến mình là nổi điên,vì tôi là 1 pháo đài bất khả đề cập.
Có độc giả thích Tony viết lắm. Cứ 1 bài miêu tả 1 thói xấu của ai đó, thì cả trăm comment nhảy vô chê bai khí thế. Nhưng bài nào tương tự như mình thì giãy nảy lên, gửi mail nói “anh không được nói em như thế trên page, em cảm thấy bị xúc phạm nặng nề”.
Tony có anh bạn tên B, vừa tốt nghiệp ngoại thương vừa bách khoa, từng đi du học, từng làm tập đoàn nước ngoài, đang làm giám đốc 1 công ty lớn. Có lần đi hội nghị ở khách sạn Sofitel với Tony, anh đậu xe ở dưới, đi bộ từ vỉa hè lên sảnh khách sạn thì anh giẫm phải bã kẹo chewingum (cao su). Anh chửi đậu phộng, cái bọn vô ý thức. Sau đó anh chạy tới bẻ 1 nhành cây (nhành cây trứng cá), cúi xuống chọt gỡ bã kẹo ra khỏi giày rồi vội vã bước vào họp. Lúc họp xong đi ra, thì trước khách sạn, Tony thấy cây trứng cá đã trụi lũi cành, bã kẹo cao su vẫn trên vỉa hè, bên cạnh là 1 đống cành lá của cây trứng cá…
P/S: Đăng bài này xong, Tony phải vô check mail ngay. Thể nào B cũng gửi email “tôi bị xúc phạm nặng nề, tôi có ăn kẹo nhả xuống đâu, cái bã ấy của ai, đề nghị làm rõ. Tôi bận quá nên làm gì có thời gian dọn cái bã kẹo ấy. Cái cây bị trụi lũi ấy là do mấy đứa ngoài xã hội kia chứ tôi chỉ bẻ có 1 nhành. Nhiệm vụ dọn rác là của công ty vệ sinh, của bảo vệ khách sạn, của x, của y, của z…”
Ghé thăm, thấy từ trưởng phòng đến giám đốc trong công ty của anh bạn đều là Tây hết, Tony ngạc nhiên hỏi nên anh mới kể. Ba năm nay anh thuê Tây vô quản lý, dù phải trả lương cao gấp đôi. Ảnh cũng 60 tuổi ngoài nên khá chững chạc, trải qua nhiều ngóc ngách cuộc sống nên nội dung câu chuyện rất sâu. Từng là giảng viên trường du lịch, thành lập doanh nghiệp lữ hành được gần 20 năm. Anh nói Tây nó làm quần quật, chiều hết giờ làm ra quán bar uống bia rồi về ngủ. Mai đi làm tiếp. Chưa kể, giao dịch cũng được thuận lợi hơn vì một số người mắc bệnh “sợ Tây”, khi giao tiếp với đồng chủng thì quát tháo ầm ầm nhưng đứng trước mặt Tây thì nhũn như con chi chi ấy em ạ…
Thấy Tony tròn xoe mắt, nên anh kể tiếp. Từ lúc thành lập, cũng cả chục đời trưởng phòng người Việt rồi, vô làm một thời gian là thành ma thành quỷ. Thuê xe, ép nhà xe không còn nước nào để sống, ví dụ 5 triệu cho 1 chuyến xe đi Cần Thơ 3 ngày, em coi có ai làm được. Nhà xe bị ép quá, bèn đưa chiếc xe cũ mèm, không máy lạnh, thường xuyên bị tắt máy giữa đường. Tài xế mới ngáo ngơ thì mới chịu lương thấp, không biết đường biết sá, chạy tới chạy lui. Họ báo công ty giá thuê tới 10 triệu, rồi bắt nhà xe trả lại 5 triệu vào túi riêng. Gọi là nghệ thuật “Gửi Giá”. Nhà xe cũng ngậm đắng nuốt cay chứ không đi là có thằng khác nó giật mất. Thuê tàu cũng vậy, vì bên này ép quá nên bên kia lấy tàu cũ ra sử dụng, không ít lần gây tai nạn thương tâm.
Ảnh kể, chưa hết. Bữa ăn 1 triệu đồng/bàn chứ tụi nó “ gửi giá” thành 2 triệu, rồi lấy 1 triệu bỏ túi sau khi khách ăn xong. Khách sạn thì ép 10% hoa hồng. Nên thành hệ thống cạ cứng, khách nào cũng ép ở khách sạn đó và vô ăn nhà hàng đó. Thiết kế tour tham quan thì ít, shopping thì nhiều. Một số chỗ ép chi hoa hồng đến 40% tiền khách mua. Nhiều khách một đi không trở lại như dũng sĩ Kinh Kha qua sông Dịch Thủy, nói nước mày đâu phải thiên đường mua sắm, giá thì mắc gấp mấy lần Thái Lan mà cứ bắt shopping hoài. Còn sales thì ăn lương bên anh chứ còn nhận làm cộng tác cho cả chục công ty khác. Bắn đơn hàng này cho công ty này, bắn hợp đồng kia cho công ty kia. Nghe điện thoại thì cứ lén lút chạy ra chạy vô, có cả chục sim chục số khác nhau. Tháng nào cũng đem về 1 hợp đồng cho có, còn lại thì không rõ giao cho ai. Vấn đề là tụi nó không nghĩ đó là mất đạo đức, nghĩ đó là khôn ngoan mới chết.
Ảnh nói, đứa nào mới vào làm cũng như pha lê. Cái đi chơi nhậu nhẹt, tụi kia bày cho. Nói mày ngu quá. Có sống bằng lương hay hoa hồng thì sao giàu có nhanh chóng được. Phải tham gia cuộc đua làm giàu, bất chấp mọi thứ. Rồi từ từ bị ma lanh hóa, đến khi công ty biết thì đuổi việc. Ảnh nói, gần 20 năm kể từ ngày thành lập công ty, chưa có tiệc farewell party ( tiệc chia tay) nào vui cả. Nhìn ở nước ngoài, khi nghỉ việc, người ta làm tiệc chia tay bịn rịn. Rồi hàng năm có dịp gì đó, các “khai quốc công thần” và nhân viên cũ tập trung về, vui hết biết. Ở Việt Nam bây giờ, ảnh nói ngành khác không biết sao, chứ ngành của anh, phần lớn nhìn nhau bằng ánh mắt hình viên đạn ở bữa làm việc cuối cùng. Sếp thì nói sao bạn lại ăn cắp, bạn làm ở đây mà sao không hoàn thành nhiệm vụ ở đây, quyền lợi không OK thì có thể thương lượng lại chứ sao làm vậy. Còn họ thì gân cổ lên cãi, nói tôi mang tiền về cho công ty bao nhiêu, tôi nhớ hết. Nên giờ phải tìm cách lấy lại. Khách hàng là của chung, mạnh ai nấy hưởng.
Rồi ra riêng, cùng nhau thành lập doanh nghiệp mô hình y chang cạnh tranh khốc liệt. Gọi khách hàng cũ, vì chẳng lấy gì làm quà bèn lôi chuyện thâm cung bí sử công ty cũ ra kể, vì dân mình ai cũng tò mò với văn hóa tiểu nông ăn sâu hàng thế hệ. Rồi thêm thắt vô cho nó hấp dẫn. Nói bà sếp đó ngủ với tao rồi, đảm đang lắm. Ông sếp đó cặp với em này em kia. Rồi giá mua giá bán, em làm ở đó sao không biết, tour đó có 5 triệu mà nó charge anh tới 10 triệu, qua em đi, em làm y chang vậy chỉ có 6 triệu thôi. Phá giá để giật mối cho hết…
Việc bạn trẻ ra riêng là rất tốt cho xã hội, nếu thật sự có tài năng và có may mắn, vì góp phần làm cái bánh GDP của quốc gia tăng lên. Làm chủ là ước mơ chính đáng của mọi người. Tuy nhiên, tư thế làm chủ như thế nào mới là đáng nói. Năm 2012, hơn 25 triệu khách khách đến Malaysia, hơn 22 triệu khách đến Thái Lan, đến Singapore là 15 triệu, trong khi đến nước mình chỉ có 7 triệu, dù lượng di sản và cảnh đẹp để tham quan đều hơn. Anh nói, hàng ngàn công ty du lịch chứ chỉ có khoảng vài ba trăm công ty là có đam mê, có tâm với nghề, số còn lại mở ra vài tháng rồi đóng cửa. Thế giới 7 tỷ người, mà Việt Nam thì mới nhận có 7 triệu du khách, thì không lo thiếu nguồn cung, nếu thật sự đầu tư thời gian cho việc tìm kiếm khách. Đằng này không, trí tuệ toàn dùng vào việc hướng về công ty cũ, coi bên đó làm gì thì phá. Rủ hết nhân viên về, vây cánh với nhau cạnh tranh cho sếp cũ biết mặt, không rõ hận thù gì dữ dội vậy. Nhưng đâu vài ba tháng lại tan rã, chửi nhau ỏm tỏi vì ăn chia không đều, thằng này nói thằng kia ăn gian.
Tony nghe mà lòng buồn. Mới hỏi anh sao không tuyển nhân sự cấp cao người Việt, trả lương y chang Tây vậy. Ảnh nói cũng thử 3 lần rồi, nhưng 1 thời gian ngắn thì bị công ty khác săn mất. Thể loại đến với mình chỉ vì tiền, thì cũng có thể bỏ mình ra đi nếu có ai đưa tiền nhiều hơn. Còn mấy công ty khác, thay vì tuyển người mới ra trường về đào tạo để sử dụng, họ lại thích đi dụ dỗ nhân sự mấy công ty khác cho khỏe. Nên sinh viên tốt nghiệp thì hẻm có việc làm, mà doanh nghiệp cứ mãi đi săn bắn chứ hẻm chịu gieo trồng.
Anh nói, chưa bao giờ niềm tin giữa các doanh nghiệp với nhau lại đắt đỏ như bây giờ. Em có thấy cảnh cả trăm người nhảy vô hôi bia trong ánh mắt bất lực của anh tài xế không. Em có thấy hàng ngàn người giẫm đạp lên nhau để lấy được 1 quả quýt, 1 nhành hoa để làm lộc trên bàn thờ đức Thánh Trần không. Miễn là mình có, ai chết mặc ai. Nhà phố lô nhô, ai cũng làm nhà mình cao hơn, đẹp hơn, sạch hơn, còn rác thì quét qua nhà bên cạnh. Đi xe máy giành làn, lấn tuyến, bóp còi inh ỏi, chửi con này thằng kia sao không nhường cho họ. Xếp hàng thì thích chen ngang, mình phải hưởng trước, chen lấn cả với bà bầu, người già và trẻ em. Làm cái gì cũng coi có khả năng phết phẩy trong đó không thì mới làm. Suốt ngày suy nghĩ chuyện trục lợi cỏn con nên dáng vóc nó dần thấp đi và trí óc nó dần bé lại. Không dám bước hiên ngang. Đi đâu cũng sợ gặp người quen cũ, mặt cúi gầm, miệng mồm lí nhí, đớn hèn.
Nghe anh nói, Tony thấy bắt mệt. Mặc dù gật gù nhưng trong lòng nghĩ khác. Chắc anh này suy nghĩ tiêu cực bi quan mà nói quá, chứ xã hội thiếu gì người tốt. Vẫn còn đó bao nhiêu con người “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, trung thực, hào sảng, quả cảm, nhân cách đẹp lung linh. Bao nhiêu người cần mẫn làm giàu bằng chính sức lực và trí tuệ của mình, vinh quang và chân chính, sẵn sàng buông bỏ mọi lợi ích vật chât để giữ giá tri. Chứ đâu phải ai cũng rẻ tiền như anh nói vậy.
Thấy anh căng thẳng nên Tony mới nói đùa, thôi để em tham gia cạnh tranh với anh cho vui nhé, em sẽ mở công ty trách nhiệm hữu hạn Chụp Giật. Tên tiếng Anh là “ Grasping and Tugging Co., Ltd”. Có 2 thành viên góp vốn. Chủ tịch Hội đồng quản trị, anh Trần Văn Chụp và phó chủ tịch, chị Lê Thị Giật.
Ai gọi tới, tiếp tân sẽ “Alo, dạ công ty Chụp Giật xin nghe”!
Thôi chơi tổng đài tự động nhờ bạn nào nói giọng Huế lồng tiếng cho hay.“Cạm ơn quỵ khạch đã gọi đện công ty trạch nhiệm hữu hạn Chụp Giật. Gặp anh Chụp, bậm phím 1. Gặp cô Giật, bậm phím 2. Còn nệu không gặp ai thì làm ơn cụp mạy

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #doc9218