Chương 1
Em biết không, Nen, - Xtas Tarcôpxki nói với cô bạn gái người Anh bé nhỏ của mình. - Hôm qua, cảnh sát đã tới bắt vợ viên quản lí Xmainơ cùng với ba đứa con của mụ ta, chính cái mụ Phátma đã mấy lần tới văn phòng của ba anh và ba em đấy.
Còn Nen, cô bé đẹp như một bức tranh, thì ngước cặp mắt màu lục nhạt của mình lên nhìn Xtas và hỏi vẻ vừa ngạc nhiên vừa sợ hãi:
- Thế họ bắt bà ta bỏ tù à, anh?
- Không, nhưng họ không cho phép mụ ta đi khỏi Xuđan.
Đồng thời có một nhân viên tới đây để canh không cho mụ ta rời một bước khỏi Port Xaiđơ.
- Sao vậy hả anh?
Xtas, cậu thiếu niên vừa hết tuổi mười bốn, tuy rất yêu mến cô bạn gái tám tuổi của mình, song vẫn xem đó chỉ là một đứa bé non nớt, liền nói với vẻ mặt rất kiêu:
- Khi nào lớn như anh, em sẽ biết không những chỉ mọi chuyện xảy ra dọc kênh đào này, từ Port Xaiđơ đến Xuê(1) mà còn cả trên toàn bộ đất Ai Cập nữa. Thế em không biết gì về Mahơđi hay sao?
*(1) Kênh đào Xuê là một trong những kênh đào quan trọng nhất thế giới. Kênh ở Đông Bắc Ai Cập, nối thông Địa Trung Hải với Hồng Hải. Dài 160 km. Các hải cảng chính ở hai đầu kênh là PortXaiđơ và Xuê. Được xây dựng trong khoảng 1859-1869 dưới sự chủ trì của viện sĩ người Pháp Ph.M. Lecxép (ND)
- Em nghe nói là ông ta xấu xí và không ngoan. Cậu bé mỉm cười thương hại.
- Hắn ta có xấu xí hay không thì anh không biết. Những người dân Xuđan thì quả quyết rằng hắn ta đẹp tuyệt vời. Nhưng bảo kẻ đã giết hại ngần ấy ngườ i là "không ngoan" thì chỉ có thể là một cô nhóc con tám tuổi mặc váy ngắn mà thôi. Đấy, chỉ ngắn tới đầu gối là cùng.
- Ba em bảo thế, ba em biết giỏi nhất.
- Ba bảo em thế vì nói cách khác thì em không hiểu nổi. Giá nói với anh thì ba em đã chẳng bảo thế. Mahơđi còn tệ hơn cả một bầy cá sấu. Hiểu chưa? "Không ngoan!" Hay thật! Nói như với bọn trẻ con mới đẻ ấy.
Song chợt nhìn thấy vẻ mặt xịu đi của cô bé, Xtas liền nín bặt, sau đó nói tiếp:
- Nen, em biết đấy, anh đâu muốn nặng lời với em. Sẽ đến lúc cả em nữa cũng sẽ mười bốn tuổi. Anh cam đoan với em như thế.
- Thế cơ! - Cô bé đáp với cái nhìn đầy lo lắng. Nhưng nếu như trước đó Mahơđi tiến được vào Port Xaiđơ và ăn thịt em mất thì sao nào?
- Mahơđi không phải là kẻ ăn thịt người, nên hắn không ăn thịt dân chúng mà chỉ giết hại họ thôi. Hắn cũng chẳng tiến nổi tới Port Xaiđơ, mà nếu như hắn có tiến vào được và muốn giết em, thì trước hết hắn phải đấu với anh đã.
Lời tuyên bố đó cùng với tiếng không khí được hít mạnh vào mũi Xtas không hứa hẹn một điều gì tốt lành cho Mahơđi, đã khiến Nen yên tâm về sự an toàn của bản thân mình.
- Em biết, - cô bé nói, - anh chẳng chịu nộp em đâu, phải không? Thế nhưng tại sao người ta lại không cho bà Phátma rời khỏi Port Xaiđơ?
- Bởi vì mụ ta là em họ của Mahơđi. Chồng mụ ta, gã Xmainơ hứa với chính phủ Ai Cập ở Cairô rằng y sẽ tới Xuđan, nơi Mahơđi đang ở, để xin tự do cho tất cả những người Âu bị rơi vào tay hắn.
- Cái ông Xmainơ ấy là người tốt hả anh?
- Khoan đã nào. Ba em và ba anh, những người hiểu rõ Xmainơ, hoàn toàn không tin hắn ta chút nào, và đã khuyên pasa (2) Nubarơ chớ có tin y. Nhưng chính phủ vẫn đồng ý cử Xmainơ đi, và thế là đã nửa năm nay Xmainơ ở tịt chỗ Mahơđi. Tù binh không những không được thả về mà lại có tin từ Khactum cho biết rằng, bọn Mahơđi đối xử với họ ngày một tàn tệ hơn, còn lão Xmainơ thì sau khi cuỗm tiền của chính phủ đã phản bội. Hắn hoàn toàn ngả hẳn về phía Mahơđi và đã được phong tước emia (3). Người ta còn nói rằng, trong trận đánh khủng khiếp mà tướng Hicxơ bị tử trận, chính Xmainơ đã chỉ huy pháo binh của quân Mahơđi, và hình như chính hắn là kẻ đã dạy cho bọn Mahơđi cách sử dụng đạ i bác, loại vũ khí mà trước đó, vốn là những kẻ mọi rợ, chúng hoàn toàn không biết đến. Bây giờ, lão Xmainơ đang muốn đưa vợ con thoát khỏi Ai Cập, cho nên khi mụ Phátma, con người ngay từ đầu hẳn đã biết mọi chuyện mà Xmainơ làm, muốn bí mật chuồn khỏi Port Xaiđơ, thì chính phủ liền bắt giữ mụ ta cùng các con mụ lại.
*(2) Pasa (hay Basa): tước hiệu vương hầu ở các nước Trung Đông.
*(3) Emia: chức thủ lĩnh quân sự ở các nước Trung Đông.
- Nhưng chính phủ sẽ được gì ở bà Phátma và lũ con của bà ta hở anh?
- Chính phủ sẽ nói với Mahơđi: "Hãy trả cho chúng ta các tù binh của ngươi, chúng ta sẽ trả mụ Phátma cho ngươi...". Câu chuyện tạm bị gián đoạn vì lúc này Xtas chợt chú ý đến những con chim đang bay từ phía Êchtum Om Pharagơ về phía hồ Mendalê. Chúng bay khá thấp, trong bầu không khí trong vắt trông rõ mấy con bồ nông với chiếc cổ cong gập lại sát lưng đang khoan thai vỗ những đôi cánh khổng lồ. Xtas dõi theo đường bay của chúng, em ngẩng đầu lên, chạy mươi bước dọc theo bờ kênh, vừa chạy vừa vung vẩy đôi tay.
- Nhìn kìa anh, có cả chim hồng hạc đang bay nữa kìa! - Nen bỗng kêu lên.
Xtas đứng sững ngay lại, vì quả thực phía sau đàn bồ nông, nhưng cao hơn chúng một tí, có thể trông thấy hai đoá hoa lớn màu hồng và màu đỏ thắm dường như đang treo lơ lửng trên nền trời xanh thẳm.
- Hồng hạc! Chim hồng hạc!
- Chiều chiều chúng nó thường bay về tổ của chúng trên vùng đảo đấy, - cậu bé thốt lên. - Ôi, giá mà anh có khẩu súng nhỉ.
- Anh bắn chúng nó làm gì cơ?
- Phụ nữ không thể hiểu được những chuyện ấy đâu. Nhưng thôi, chúng mình đi tiếp đi, có thể sẽ trông thấy chúng nhiều hơn nữa chăng.
Vừa nói em vừa dắt tay cô bé; cả hai đi về phía bến tầu đầu tiên trên kênh đào tiếp sau cảng PortXaiđơ. Theo sau lưng chúng là bà Đina, một phụ nữ da đen, ngày trước từng là nhũ mẫu của cô bé Nen. Họ đi dọc bờ đập ngăn nước hồ Mendalê với kênh đào, trong kênh lúc ấy đang có một chiếc tầu thuỷ lớn chạy bằng hơi nước của Anh được hoa tiêu dẫn đi. Chiều xuống. Mặt trời hãy còn cao nhưng đã ngả về phía hồ. Làn nước lợ mằn mặn của hồ loang loáng ánh sáng và lung linh phản chiếu muôn sắc cầu vồng. Bên bờ phía Ả Rập, trải dài đến hút tầm mắt là sa mạc trơ trụi, câm lặng, chết chóc, đầy vẻ hằn thù. Giữa bầu trời thuỷ tinh dường như chết cứng và cái mênh mông vô bờ bến của mặt cát gợn sóng không hề có một dấu hiệu gì của sự sống. Trong lúc trên mặt kênh đào cuộc sống đang sôi sục, thuyền bè tấp nập, vang rộn tiếng còi tầu, và trên hồ Mendalê hàng đàn hải âu và vịt trời đang nhộn nhịp đảo chao trong ánh mặt trời, thì phía bên kia, phía bờ Ả Rập lại giống hệt như xứ sở của cái chết. Chỉ khi mặt trời xuống thấp dần và ngày càng ngả sang màu đỏ thì mặt cát mới dần dần nhuốm màu tim tím, màu tím của những mầm cây non trong các khu rừng Ba Lan về mùa thu.
Trong khi đi về phía bến tầu, bọn trẻ còn trông thấy vài con chim hồng hạc nữa mà chúng vui sướng ngắm không chán mắt.
Sau đó, bà Đina nói rằng đã đến lúc phải quay về nhà. Ở Ai Cập ban ngày thường nóng nực (thậm chí cả trong mùa đông), nhưng ban đêm lại rất lạnh, mà sức khoẻ của Nen thì lại đòi hỏi phải hết sức giữ gìn, nên ông Rôlixơn, cha của cô bé, không cho phép cô ở lại trên bờ nước sau khi mặt trời lặn. Họ bèn quay trở về thành phố.
Vila của ông Rôlixơn nằm ngay rìa thành phố, gần bờ kênh đào.
Khi mặt trời lặn xuống biển, họ đã về tới nhà. Một lát sau, kĩ sư Tarcôpxki, cha của Xtas, được mời đến dự bữa cơm, cũng tới, và thế là cả nhà, cùng với cô Oliviơ, cô gia sư người Pháp của Nen, ngồi vào bàn ăn.
Đã từ nhiều năm nay, ông Rôlixơn, một trong các giám đốc của công ti kênh đào Xuê, và ông Vlađixlap Tarcôpxki, kĩ sư trưởng của công ti này, kết thân với nhau. Cả hai đều goá vợ: bà Tarcôpxca, vốn dòng dõi người Pháp, đã mất ngay từ khi Xtas vừa chào đời, nghĩa là hơn mười ba năm về trước, còn mẹ của Nen thì qua đời vì bệnh phổi tại Hêluan khi cô bé mới lên ba. Ở Port Xaiđơ, hai ông bố goá vợ sống trong hai ngôi nhà cạnh nhau, và do công việc của mình, ngày nào họ cũ ng gặp nhau. Nỗi bất hạnh chung khiến họ xích lại gần nhau hơn và làm cho tình bạn vốn có càng thêm bền chặt.
Ông Rôlixơn yêu Xtas như con đẻ, còn ông Tarcôpxki thì sẵn sàng nhảy vào lửa và lao xuống nước vì cô bé Nen. Sau khi kết thúc công việc hàng ngày, phút nghỉ ngơi thú vị nhất đối với họ là được trò chuyện về bọn trẻ, về việc giáo dục và về tương lai của chúng. Trong những câu chuyện đó, ông Rôlixơn thường khen ngợi năng khiếu, nghị lực và lòng can đảm của Xtas, còn ông Tarcôpxki thì lại say sưa với khuôn mặt thiên thần ngọt ngào của Nen. Và cả hai điều ấy đều là sự thật. Tuy hơi kiêu căng và hơi khoác lác một chút, nhưng Xtas học rất giỏi và các thầy giáo ở trường học dạy tiếng Anh tại Port Xaiđơ, nơi cậu bé học, đều công nhận rằng em có những năng khiếu khác thường. Nếu nói về lòng dũng cảm và tính tháo vát thì em được thừa hưởng ở người cha, vì ông Tarcôpxki có được những đức tính ấy ở trình độ cao, và cũng chính nhờ có chúng mà ông đã vươn tới cương vị cao cấp hiện tại.
Năm 1863 (4), ông đã chiến đấu suốt mười một tháng liền không ngơi nghỉ, sau đó ông bị thương, bị bắt, rồi bị đầy đi Xibia, ông chạy trốn về Ba Lan rồi thoát ra nước ngoài. Trước khi tham gia khởi nghĩa, ông đã tốt nghiệp kĩ sư, nhưng sau đó, ông còn dành thêm một năm nữa để nghiên cứu thuỷ lực học. Rồi sau đó, ông tìm được việc làm ở kênh đào, và chỉ trong vài năm, khi người ta đã đánh giá được sự am tường công việc, nghị lực cùng tính cần cù của ông, ông được nhậ n cương vị kĩ sư trưởng cao quý ấy.
*(4) Năm 1863, nhân dân Ba Lan khởi nghĩa chống lại sự thống trị của bọn Nga hoàng.
Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ tháng Giêng năm 1863 và kéo dài đến mùa thu năm 1864.
Xtas được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn đến năm mười bốn tuổi ngay tại hải cảng Port Xaiđơ trên kênh đào, nên các kĩ sư, bạn đồng nghiệp của cha em, thường gọi em là "đứa con của sa mạc".
Khi đang đi học, thỉnh thoảng, trong những dịp nghỉ hè hay nghỉ lễ, em lại được cùng với cha hoặc ông Rôlixơn tham gia các chuyến đi công vụ của họ từ Port Xaiđơ đến tận Xuê để kiểm tra công việc trên bờ kênh cùng việc nạo vét lòng kênh. Em quen hết thảy mọi người, từ các kĩ sư và nhân viên thuế quan, đến công nhân, những người Ả Rập và người da đen. Em "lùng sục" khắp nơi mọi chốn, tại bất cứ nơi nào đặt chân tới, và dần dần tiến hành những chuyến đi dài dọc theo bờ kênh, đi thuyền trên hồ Mendalê và nhiều lần bơi thuyền ra khá xa.Em đã từng vượt sang phía bờ Ả Rập, và nhảy đại lên lưng một con ngựa của ai đó, hoặc nếu thiếu ngựa thì lạc đà hay thậm chí cả lừa cũng được, đóng vai một tay kị sĩ dũng cảm của sa mạc. Tóm lại, nói như ông Tarcôpxki, em "chui rúc" khắp mọi nơi, và hễ rảnh rỗi một chút ngoài giờ học là lại lần ngay ra bờ nước.
Người cha không ngăn cản chuyện đó, vì ông hiểu rằng, việc chèo thuyền, cưỡi ngựa và sự tiếp xúc thường xuyên với không khí trong lành sẽ củng cố thêm sức khoẻ của đứa trẻ, đồng thời phát triển tính tháo vát của nó. Xtas cao và khoẻ hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng tuổi, và chỉ cần nhìn vào cặp mắt cậu bé cũng có thể dễ dàng đoán được rằng, nếu lâm vào một chuyện hiểm nguy nào đó thì chắc hẳn cậu bé sẽ dễ phạm sai lầm do quá hăng hái hơn là vì khiếp sợ. Mới mười bốn tuổi đầu, em đã là một trong những tay bơi lội giỏi nhất ở Port Xaiđơ, điều này không phải là chuyện xoàng,bởi dân Ả Rập và người da đen vốn bơi lội giỏi như cá. Trong khi nhả đạn vào lũ vịt trời và ngỗng trời Ai Cập bằng khẩu súng săn cỡ nhỏ, cậu bé đã rèn luyện cho mình có được cánh tay và con mắt bắn trăm phát trăm trúng. Em ước ao một ngày nào đó sẽ được đi săn các loài thú lớn ở Trung Phi, háo hức lắng nghe chuyện những người Xuđan làm thuê ở vùng kênh đào, những người này đã từng gặp thú dữ và bọn thú da dầy khổng lồ tại quê hương họ.
Điều này còn có thêm một cái lợi nữa là vừa nghe chuyện, cậu bé vừa học được ngôn ngữ của họ. Kênh đào Xuê không những chỉ đào thông là xong mà còn đòi hỏi phải thường xuyên chăm lo tu sửa, vì nếu không thì chỉ trong vòng một năm thôi, cát từ các sa mạc nằm dọc hai bờ kênh sẽ lấp biến nó đi. Cái công trình khổng lồ này của ông Lécxép (5) kéo theo một sự lao động liên tục và đòi hỏi phải thường xuyên cảnh giác. Do vậy, cho tới nay, có hàng loạt máy móc khổng lồ cùng hàng nghìn công nhân, dướ i sự giá m sát của các kĩ sư thành thạo công việc, lao động nạo nét lòng kênh. Để đào thông con kênh này đã từng phải dùng tới sức của hai mươi lăm nghìn người lao động. Giờ đây, khi công trình đã hoàn thành và lại được trang bị những máy móc hoàn thiện hơn, thì cần ít người hơn hẳn so với trước kia, song số lượng nhân công cho đến nay vẫn còn rất lớn. Trong đó, đại đa số là cư dân trong vùng, cũng không thiếu mặt dân Nubia, Xuđan, Xômali cùng nhiều dân tộc da đen khác sinh sống ở vùng sông Nin Trắng và sông Nin Xanh, nghĩa là trong những vùng thuộc phạm vi cai trị của chính phủ Ai Cập, trước khi nổ ra cuộc khởi loạn của Mahơđi. Xtas sống thân mật với mọi người và cũng giống như những người dân Ba Lan khác, vốn sẵn có năng khiếu ngoại ngữ, em nắm được nhiều thứ thổ ngữ của họ mà chính bản thân em cũng không rõ từ khi nào và tại làm sao nữa. Sinh trưởng ở Ai Cập, em nói tiếng Ả Rập như một người Ả Rập chính cống. Nhờ có những người Dandiba thường được thuê làm thợ đốt lò phục vụ các thứ máy móc, em học được tiếng Kixvahili, thứ tiếng rất phổ biến trong toàn bộ miền Trung Phi, thậm chí em có thể trò chuyện với những người da đen Đinnếch và Sin lúc sinh sống ở vùng hạ lưu sông Nin, phía dưới Phasôđa (6). Ngoài ra, em nói thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Ba Lan, vì cha em một người yêu nước nhiệt thành, rất quan tâm đến chuyện làm sao cho cậu bé nói được tiếng nói quê hương. Dĩ nhiên, Xtas coi tiếng Ba Lan là thứ ngôn ngữ hay nhất trên thế giới, và cậu bé đã dạy cho bé Nen nói tiếng Ba Lan với không ít thành công. Có điều em không làm sao dạy cho cô bé phát âm được đúng tên em là Xtas chứ không phải "Xtex". Cũng chính vì lí do đó mà đôi khi giữa hai đứa trẻ xảy ra chuyện bất hoà, song những chuyện bất hoà đó cũng chỉ kéo dài cho tới khi cặp mắt cô bé bắt đầu long lanh những giọt lệ mà thôi. Và khi ấy, "Xtex" bèn xin lỗi, đồng thời thường tự giận mình.
*(5) M.Lecxép (1805-1894): nhà ngoại giao và doanh nghiệp người Pháp - viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp, người tổ chức đào kênh Xuê (1859-1869). Ông cũng là người tổ chức đào kênh Panama (1879-1889) và chính vì việc này mà ông bị phá sản.
*(6) Phasôđa (nay là Côđốc) - thành phố ở Xuđan.
Song cậu bé có một thói quen xấu là hay tỏ vẻ khinh thường khi nói về chuyện Nen mới lên tám và so sánh điều đó với tuổi tác và kinh nghiệm sống của bản thân mình. Em cho rằng một thiếu niên mười bốn tuổi, dẫu vẫn chưa hoàn toàn là người lớn, nhưng đã không còn là trẻ con nữa, và đã có khả năng thực hiện được mọi hành động anh hùng, đặc biệt là khi thiếu niên ấy mang trong mình dòng máu Ba Lan hoà dòng máu Pháp. Em khao khát một lúc nào đó sẽ có hoàn cảnh để thực hiện những hành động anh hùng như thế, nhất là để bảo vệ Nen. Cả hai thường tưởng tượng ra đủ mọi loại hiểm nguy khác nhau, và Xtas thường phải trả lời các câu hỏi của Nen xem em sẽ làm gì, nếu như nói thí dụ - một con cá sấu dài mười mét, hoặc một con bọ cạp to bằng con chó bò qua cửa sổ vào nhà cô bé. Song cả hai không một phút nào ngờ được rằng, chẳng bao lâu nữa, thực tế kinh khủng sẽ vượt xa mọi điều tưởng tượng của chúng.
----------------------------
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top