CHƯƠNG 7- Một Đêm Vui

Mấy ngày sau đó Cò cố tỏ ra bình thường như chẳng có chuyện gì nhưng lại không thể ngăn mình chìm trong những cơn ác mộng khi chợp mắt mỗi đêm về. Hình ảnh về lão Tấu cùng cái xác sống tưởng chỉ thoáng qua mà ám ảnh nó tới cả tuần sau đó và gần như đêm nào bà Hoè cũng phải gọi nó dậy trong cơn ú ớ nói mê của mình. Chính điều này khiến nó lo sợ rằng đến một ngày nào đó vô tình tự bản thân sẽ buột miệng trong cơn mê man mà nói hết về vụ ở trên đồi thông hôm rồi. Thành thử nó quyết định ra võng ngủ một mình và dối rằng bản thân thấy mình đã trưởng thành nên muốn tập sống một cuộc sống tự lập bắt đầu từ việc đi ngủ. Thế nhưng cái việc nó cứ nói mớ đều đặn tới bất thường đó đã khiến bà nó để ý và xem như một dấu hiệu của một sự bất thường. Trong bữa sáng hôm đó bà nó gặng hỏi:

- Cò, dạo này trong đầu mày đang chứa thứ gì đó mà đêm nào mày cũng nói mớ linh tinh thế hả?

Thằng Cò chột dạ tỏ vẻ xíu lúng túng nhưng rồi ngay lập tức ráo hoảnh giả vờ:

- Cháu á? Thế ạ? Cháu chả biết, chẳng gì cả.

- Chẳng gì cả? Chẳng gì cả mà mày toàn "chạy, chạy đi, đừng để bị bắt", rồi hôm qua trên võng mày còn hét lên "tha cho tôi, tôi sẽ im lặng, sẽ không nói, không nói" Nói gì? Mày sẽ nói gì đấy Cò?

Thằng Cò lắp bắp một lúc chưa biết trả lời gì thì mẹ nó ngoài sân nói vọng vào như một lời giải cứu:

- Oh, Chắc lại mơ về mấy vụ ăn trộm vặt như hôm trước chứ gì? Mày cứ liệu cái thần hồn đấy có ngày mẹ đánh cho nát đít...

- À, ra thế, mày thấy hậu quả của việc ham chơi nghịch ngợm chưa hả cháu? Đến đêm ngủ cũng không yên, đấy nhớ xem đấy là một bài học cho chính mình. Bà nó lại tiện thể nói một tràng rao giảng

Thằng Cò ậm ừ vâng dạ cho qua chuyện rồi tìm cách lảng đi khỏi câu chuyện mà nó bắt đầu đánh hơi thấy ít nhiều khả năng mình bị lên án. Nó vòng hẳn ra ngoài nhà, giả vờ cầm chổi phẩy phẩy quét hè rồi lại ném chổi vào góc vòng lại ngồi xem mẹ nó thái chuối cho lợn. Chuyện là hôm nay nó đã quyết định dùng số tiền hùn được đi mua quà cho mẹ nhưng vẫn loay hoay mãi vì không biết nên tặng gì. Nó giả bộ chăm chú nhìn mớ chuối mẹ đang băm nát dần ra dưới cái thớt gỗ đã bị vỡ đi một góc phần rồi hỏi:

- Mẹ này, nếu có một điều ước thì mẹ ước gì?

- Gì nữa đấy?

Mẹ nó dừng tay lại ngước mắt nhìn lên ông con trai mình hỏi kèm với gương mặt như bị làm phiền. Cò như thoáng giật mình, ngồi ngửa ra đất:

- Ôi nào, sao đấy ạ? Con chỉ muốn biết thôi mà...

Mẹ nó lại cúi mặt xuống tay vun vun mớ chuối vừa băm rồi thủng thẳng trả lời:

- Ước ấy hả? Tao chỉ ước mày bớt nghịch đi một chút và ở nhà ngoan ngoãn cho mẹ được nhờ thôi con ạ

- Kìa mẹ, không phải, ý con là mẹ ước có thứ gì ấy, thứ gì có thể mua được bằng tiền ấy?

- Thằng này nay lạ nhỉ? Lại còn nói cả chuyện tiền nong nữa, hay lại định xin xỏ gì đúng không? Mẹ nó lại ngừng tay lại quắc mắt lên

- Ơ kìa mẹ, đâu có...

- Thôi ông ơi ông đi chơi cho mẹ nhờ, gớm nữa ước mới ao, ước no cái bụng này này.

Biết chẳng khai thác được thông tin gì từ mẹ nó thở dài một tiếng rồi đứng dậy bước đi khi trong lòng vẫn không hiểu sao mẹ cứ phải khô khan với nó như vậy. Cả buổi sáng hôm đấy nó cũng lén lút đặt câu hỏi như vậy với bà và cái Tũn để xem có ý tưởng gì hay ho cho mục đích của mình không, nhưng gần như chẳng giải quyết được vấn đề gì. Trong khi cái Tũn chỉ đơn giản là thích một cái kẹp tóc màu hồng có hình con bướm mà cánh có gắn lò xo bằng kim loại để khi di chuyển nó có thể vẫy vẫy như đang bay thật thì bà lại ước mua được một chiếc quan tài sơn đỏ có in hình rồng lượn hai bên để dành sau chết nằm vào.

Quá thất vọng nó quyết định lang thang đi chơi với hy vọng biết đâu sẽ nảy sinh được ý tưởng gì cho món quà của mình. Vừa ra tới gần khu chợ nó đã nhìn thấy một đám con nít loắt choắt đang chạy theo một người đi xe đạp ở phía xa. Đó là một gã đàn ông lạ mặt, đầu đội một thứ gì đó giống tóc nhưng bù xù và vàng choe vàng choét, chân đi giày da đen chính cống mõm dài, quần ống loe, sơ mi xanh nhạt và khoác ngoài một chiếc áo gile đen, một thứ quần áo gọn gàng tinh tươm đến lạ thường so với cái xứ nghèo nàn này. Gã đạp một chiếc xe nam hiệu Thống Nhất, phía sau có buộc một chiếc loa phát thanh bằng nhôm, từ loa vọng ra tiếng nhạc và tiếng người nói gì đó nhưng xa quá nó không nghe rõ. Đặc biệt thứ mà khiến lũ trẻ con đang nhớn nhác đuổi theo bằng được đang đứng trên vai gã, một con khỉ con được mặc quần áo hẳn hoi có gắn kim tuyến lấp lánh, đúng vậy một con khỉ con còn sống xịn xò. Đang phân vân đôi chút giữa việc có nên chạy theo để chiêm ngưỡng cái thứ kỳ quan hiếm có kia hay không thì Cò nghe lỏm được mấy người đi chợ nói chuyện với nhau. Một chị bán cá đang ngồi gần đó nói vọng lại:

- Đoàn văn công về làng đấy nghe nói đoàn này có cả xiếc, sớm giờ người ta lượn qua đây mấy lần để thông báo lịch diễn tối nay rồi.

Một bà cô khác tay đang xách một cái làn nhựa đứng bên cạnh nói chêm vào:

- Úi rào, về cái làng mình thì có hoạ lỗ vốn, tiền đâu mà đi xem.

Một người đàn ông nhìn bà ta nói:

- Đúng là giống đàn bà? Mình không có tiền thì người ta cũng không có tiền chắc? Thiển cận.

Bà cô cự cãi lại ngay:

- Ơ cái ông này tôi nói sai à? Dân làng mình ăn còn chả đủ, văn mới chả công, Để coi, miễn phí thì người ta đi kín đình đấy, chứ cứ thu tiền đi xem có được ma nào tới không ?

Người đàn ông lại nói có phần hơi lớn tiếng:

- Ông bà nói quả chẳng sai, giống đàn bà đái không qua ngọn cỏ lại còn hay bàn chuyện thiên hạ, càng nghèo lại mới càng phải đầu tư vào những món ăn tinh thần như thế này hiểu chửa?

Bà cô kia lại đáp lại:

- Vâng tôi đái không qua ngọn cỏ, thế ông tự đi mà mua đồ mai còn làm giỗ cho bố ông nhé. Con này đàn bà không biết làm.

Người đàn ông chuyển sang gương mặt hầm hầm quát:

- Lại bắt đầu rồi đấy, lại bắt đầu rồi đấy, tao lại vả cho cái bây giờ.

Chị bán cá ở bên vội vàng đứng dậy can ngăn:

- Ơ kìa hai bác...

Nhưng Cò đã không còn đứng đó để nghe xem chị ta có giúp được hai vợ chồng kia thôi cãi nhau được hay không nữa. Theo bản năng nó đã vội chạy tót ra ngoài đình để xác nhận lại thông tin về đoàn Văn Công vừa nghe thấy. Và đúng như những gì chị bán cá vừa nói, khi ra tới nơi nó đã thấy một tụi con nít vây quanh xúm xít sờ mó hai chiếc xe ô tô thùng khá to đậu ở đầu cổng đình, nghó vào bên trong sân đình thì có một nhóm người đang làm việc ở đó, một toán đang dựng cái sân khấu giữa trời, một toán khác thì đang đi cắm những chiếc cọc xung quanh khoảng sân cỏ rộng, một khu vực nho nhỏ phía góc dựng lên một chiếc lều có quây bạt xung quanh bên trong có tiếng người đùa giỡn, tiếng chửi thề kèm cả tiếng các dụng cụ va vào nhau vọng ra. Nó chạy lại phía hai chiếc ô tô thì bắt gặp đám bạn của mình đang om xòm ở đó. Giọng thằng Dũng Loi the thé:

- Mấy cái này thì ăn đứt công nông nhà ông Sử nhỉ? Đúng, à đúng ăn đứt, Bọn mày xem bánh của nó này...xem này

Thằng Lợi cũng chen vào:

- Ôi dào, như này đã là gì đợt tao được bố tao cho theo cơ quan đi chơi, tao còn thấy một cái ô tô có tận mười mấy bánh, nhiều như chân rết đếm không xuể, mấy cái bánh của nó to hơn cả cái trống đình kia kìa

Dũng Loi cự nự:

- Mày đừng có bốc phét, đúng vậy, đừng bốc phét, ô tô thì có 4 bánh chứ làm gì có mười mấy bánh.

- Tao nói điêu làm chó, nó to hơn cái nhà kho ngoài hợp tác xã, phía trước là một cái đầu kéo, kéo theo sau cả một cái thùng dài rằng rặc

- Hay mày nhầm tàu hoả, đúng, tàu hoả ấy

- Mày dốt thế, tàu hoả đi trên đường sắt ô tô đi trên đường thường mà

Chúng cự qua cự lại cho tới khi thằng Cò ghé lại. Cò hất hàm về phía trong sân rồi hỏi mấy thằng kia:

- Văn Công à?

Lợi thấy bạn tâm giao tới không cãi nhau với thằng Dũng nữa chạy lại về phía Cò:

- Umh, hôm qua họ ra uỷ ban xin phép bố tao nay mới bắt đầu dựng để tối diễn đấy, tối đi chứ?

- Hỏi thừa, một cái thú vị thế này bỏ sao được, nghe bảo có cả xiếc hả? Quá xá nhỉ?

- Umh, nãy tao thấy người ta dắt cả khỉ, ngựa, chó và nghe đâu có cả một anh hề nữa

- Hề là cái gì?

- Mày không biết à? Hề là người mà đoàn xiếc nào cũng nuôi, anh ta có cái mũi đỏ, tóc xoăn tít bù xù, mặc quần áo sặc sỡ nhiều màu và chỉ đi chọc cho người khác cười thôi ấy.

- Nghe hay nhỉ? Thế anh ta không làm gì khác ngoài chọc cho người ta cười à?

- Đúng rồi, chỉ ăn với chọc cho người ta cười thôi, thế mà kiếm ối tiền.

- Mày điêu, thế khác gì ông Bình Gàn ở xóm ngoài, ổng cũng toàn đi chọc cho người ta cười đó thôi mà nghèo xơ xác, đến rượu chả có mà uống.

- Tao cược với mày là ổng mà làm trong đoàn xiếc thì ổng phát tài đấy, nhưng một anh hề không chỉ kể chuyện cười như ổng mà có thể chọc người khác cười lăn cười bò mà không cần nói lấy một từ, ngoài ra anh ta còn biết tung hứng, đi xe đạp trên dây và cả nhại theo i xì đúc người khác miễn là anh ta muốn, mày biết không, một anh hề ngày có khi kiếm được cả hơn 100 nghìn đấy

- Khiếp, 100 nghìn? Thế chắc anh ta giàu lắm nhỉ? Nhưng mà sao mày biết?

- Thì bố tao cho chị em nhà tao đi xem xiếc trên thị xã rồi, xem ối lần, lần nào tao cũng thấy khi một anh hề diễn xong là người ta đều đứng lên vỗ tay rần rần, còn ném cơ man nào là hoa, đồ chơi cả tiền tới tấp lên để tặng cho họ nữa.

- Nghe thích nhỉ? Ê, vào xem đi!

Nói đoạn hai thằng nhóc rủ nhau chạy vào trong. Chúng nhảy tót lên một góc tường cùng một toán khác rồi ngồi vắt vẻo trên ấy nhìn người ta làm việc. Dưới sân mấy người thợ trong đoàn đã bắt đầu quây bạt lại xung quanh khu bãi cỏ khá rộng chính giữa sân đình, sân khấu được làm bằng gỗ với các lớp kệ khung phía dưới cũng bắt đầu được trang trí bằng nhiều lớp vải màu sặc sỡ, một tấm phông đang được dựng lên, dưới đất rải rác những chữ cái cùng nhiều cuộn dây điện dài loằng ngoằng đang được kéo nối vào tận trong đình, một số tấm áp phích quảng cáo cũng đang được người ta rải ra đất và lôm nhôm xung quanh lũ trẻ con tụm năm tụm ba chạy nhảy rồi ngó mắt tò mò. Đoàn này có nhẽ là về làng lần đầu nên Cò nhìn thấy ai cũng lạ, nếu là đoàn quân khu 4 như mọi năm thì nó biết bởi trong đoàn đó có bác Khoa Huy nổi tiếng cả xã vì là người duy nhất đi học trường nghệ thuật đàng hoàng kiếm tiền bằng cách hát hàng ngày chứ không phải gồng lưng với ruộng đồng. Ấy thế nên Cò thích cái nghề đi diễn này lắm, thậm chí có những khi nó quyết định lớn lên sẽ tự lập cho mình một đoàn văn công chẳng cần nhà cửa gì mà rong ruổi đi diễn khắp nơi thế này, vừa được cả làng trầm trồ khen ngợi, vừa có tiền bán vé, lại được vui chơi ca hát cả ngày chẳng phải đi học hay lo nghĩ bị người lớn chửi. Nghĩ thôi đã thấy sung sướng nhường nào. Cò ngay lập tức bị lưu tâm vào hàng loạt tấm quảng cáo bắt mắt cùng áp phích dán tường được hai người đàn ông ngay dưới chân tường chỗ bọn nó ngồi bày ra, nội dung như sau:

"Ca nhạc kịch: Hào Khí Xứ Thanh

Vở Chèo Nổi Tiếng: Thị Mầu Lên Chùa

Xiếc Thú: Buổi học bất ổn cùng Chó Dodo - Khỉ Ona Và đàn Vẹt lắm mồm

Một buổi trình diễn li kì và hấp dẫn

Chỉ có một đêm duy nhất!

Do các nghệ sĩ nổi tiếng toàn quốc đảm nhiệm:

Nghệ sĩ: Hồ Minh Thế

Nghệ sĩ: Hồng Thanh

Nghệ sĩ: Dương Quang Nhật

Các nghệ sĩ chèo của nhà hát kịch thị xã Thanh Hoá: Văn Ơn, Hồng Thắm, Hoa Anh, Mai Ngọc...

Nghệ sĩ xiếc: Minh Lâm, Hải Triều

Gã hề thôi miên: Nhật Nam Mũi Đỏ

Cùng toàn ban trình diễn!

Trang phục mới, dụng cụ mới, bài trí mới lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam

*Chưa hết: Bí Mật Nằm Ở Cuối Chương Trình

Và Đặc Biệt:

Phần quà ngẫu nhiên cho người may mắn

Chỉ diễn tại đây duy nhất đêm nay

Giá vé vào cửa:

Người lớn: 8000 VNĐ.

Người già: 5000 VNĐ

Trẻ con dưới 10 tuổi đi cùng người lớn: Miễn phí"

Như có điều gì đó vừa vụt sáng lên trong đầu Cò, nó quay sang hẹn đám bạn gặp nhau vào buổi tối và nhảy phắt xuống dưới chạy biến về nhà. Về tới nhà việc đầu tiên là nó tìm xem mẹ nó ở đâu và bắt gặp mẹ nó đang hì hụi ở phía vườn sau tưới cho đám bầu leo mẹ mới trồng. Thấy nó hớt hải vậy mẹ dừng lại hỏi:

- Sao mà chạy như ma đuổi thế, mày lại gây tai hoạ gì à?

Cò cười toe toét vừa thở vừa trả lời mẹ:

- Dạ không, chỉ là con đang đi tìm mẹ thôi

- Tìm mẹ có vấn đề gì?

Thằng Cò ngập ngừng một lúc để tìm cách vào vấn đề, thấy nó ấp úng mãi mẹ nó nổi quạu:

- Ơ kìa cái thằng này, sao? Có chuyện gì?

Cò giật mình ngước lên nói:

- Tối... tối mẹ có đi xem văn công không ạ?

Mẹ nó thõng người xuống múc cái gáo dừa vào thùng nước tưới nhẹ vào gốc cây bầu non như cố tình né ánh mắt con mình và đáp:

- Ra là chuyện văn công, không, làm gì có tiền...

- Thế mẹ có muốn đi không ạ? Cò lại hỏi dồn miệng cười tươi

Mẹ nó tỏ vẻ hơi bực nhưng vẫn cố để không quát lên:

- Này, tao cược là hôm nay mày có chuyện gì đúng không, chứ hôm nay mày lạ lắm, hỏi linh tinh cả ngày, sao nào ông tướng, có gì thì nói đi.

Cò vẫn đang rạng rỡ trên mặt:

- Thì mẹ cứ trả lời con đi.

- Có, à mà không, văn mới chả công, tiền đó để mua thức ăn về ăn, ở nhà nằm cũng nghe được người ta hát ngoài đình đó thôi chỉ là không nhìn thấy, cần gì phải đi ra vừa tốn tiền vừa mệt người.

- Thế giờ con cho mẹ tiền mẹ đi xem nhé.

Mẹ nó bất ngờ đứng thẳng người lên rồi nhìn nó chăm chú:

- Tiền, mày có tiền á? Ôi Cò này, đừng nói dối mẹ dù rằng cố để cho mẹ vui. Một lời nói dối thì không sao cả nhưng nhiều lời nói dối sẽ tạo thành thói quen xấu và mẹ không thích mày có cái thói xấu ấy tẹo nào. Nhưng mà thôi, được rồi, dù đây có là lời nói dối thì đó cũng là một lời nói dối ngọt ngào nhất mà mẹ được nghe từ mày và mẹ có thể tha thứ cho điều ấy. Thôi mẹ sẽ không mắng mày đâu nên đừng làm phiền mẹ nữa...

Thằng Cò cười toe rồi móc móc trong túi ra mấy tờ tiền lẻ được nó vò vón thành từng cục, nó cố xoè chúng ra vuốt phẳng lại và xếp ngay ngắn lên nhau, xong đoạn nó chìa ra cho mẹ nó:

- Con không nói dối, con có tiền thật mà, đây 10 ngàn 800 đồng con cho mẹ cả đấy.

Mẹ nó ngạc nhiên tới sững sờ người mất một lúc. Điều này là việc mà bà không bao giờ chuẩn bị sẵn tâm lý cho mình trước. Đây là đứa con mà bà vẫn mắng rát họng hàng ngày vì cái nết nghịch ngợm, phá phách ư? Có phải nó không hay là đứa nào khác mang hình hài con bà chứ như này thì lạ quá. Bà trấn tĩnh lại một lúc rồi nghiêm mặt hỏi:

- Cò, ở đâu ra mà mày có tiền thế? Mày không đi ăn trộm của ai chứ con? Ôi nói cho mẹ nghe mày không ăn trộm đi con.

- Kìa mẹ, con không ăn trộm, tiền con tự đi kiếm cả tuần đấy, mẹ không tin cứ ra mà hỏi bà Hoà đồng nát xem.

Có nhiều hơn một sự cảm động trên gương mặt của mẹ Cò, bà cố để ngăn sự cảm động ấy trào ra trên khóe mắt nhưng có vẻ không được, những ngấn nước hạnh phúc cứ trực trào để lăn ra, trái tim bà như vừa được đứa trẻ kia đính lên đó hàng triệu bông hoa và niềm vui, đúng vậy niềm vui đang len lỏi trong từng tế bào trên cơ thể của bà, đây có nhẽ là ngày tuyệt vời nhất trong rất nhiều ngày trôi qua mà bà cảm nhận được. Bà bỏ cái gáo nước xuống tiến lại ôm lấy thằng bé và dịu dàng:

- Thế là tiền của con đi nhặt đồng nát hả? Tạ ơn trời Phật, thằng con tôi nó đã biết nghĩ thế này rồi, thảy nào sớm giờ cứ hỏi mẹ muốn gì với ước gì, nào lại đây để mẹ ôm một cái, để mẹ hôn một cái trước khi những cảm xúc này của mẹ bị trôi mất, cảm ơn con Cò ạ, cảm ơn và cũng xin lỗi vì đã nghi ngờ tấm lòng thơm thảo này.

Bà dừng lại đôi chút giấu Cò lấy tay áo chấm chấm những giọt nước mắt rơi trên mặt mình rồi lại hỏi:

- Nhưng mà sao nào, đứa trẻ ngoan của mẹ, làm sao mà tự dưng con lại dành tặng cho mẹ thế, sao không để mà đi chơi bởi đó là tiền của con tự kiếm ra mà...

Thế rồi Cò lại ngập ngừng kể lại cho mẹ nó nghe về hôm nó vô tình nghe thấy mẹ khóc trong buồng và nói với mẹ rằng nó không bao giờ muốn nhìn thấy mẹ khóc như thế lần nào nữa bởi lẽ khi đó trái tim nó còn đau hơn gấp vạn lần bị mẹ đánh đòn. Nghe xong mẹ nó lại ôm chầm nó thêm lần nữa, thậm chí lần này bà còn ôm nó chặt hơn, bà hôn lên đầu, lên mặt nó và khóc rưng rức, bà đã không tìm cách để giấu cảm xúc trước đứa trẻ ngọt ngào của mình nữa mà cứ thế để cho tình yêu thương cùng niềm hạnh phúc dâng tràn ra ngoài, ngấm vào từng giọt nước mắt và thấm đẫm tới từng cử chỉ. Bà nói với Cò rằng hôm nay bà cũng đang khóc đấy nhưng nó đừng đau lòng bởi lẽ đây là những giọt nước mắt hoàn toàn khác, bà khóc vì bà vui quá, bà tự hào quá. Điều tuyệt vời này nằm ngoài sức tưởng tượng của một người đàn bà nông thôn quê mùa cục mịch như bà và tạ ơn bề trên nó còn quý hơn nhiều tấn thóc, nhiều đàn lợn, đàn gà mà bà đã làm lụng cả đời. Bà vuốt ve gương mặt đỏ ửng bết mồ hôi của con trai mình nói những lời ngọt ngào ít khi được dùng với nó:

- Ôi con trai của mẹ, cảm ơn vì đã luôn nghĩ tới người mẹ này dù nhiều lần mẹ đã nóng nảy với con, con quả là một chàng trai ngọt ngào, nhưng Cò này hãy lấy tiền này mà đi mua vé xem Văn Công cho con đi, hoặc đi mua đồ chơi, hay làm gì tùy ý con vì đây là những đồng tiền do con tự kiếm được, mẹ không cần, điều này đã là quá đủ cho một ngày hạnh phúc của mẹ rồi, không cần phải có thêm bất cứ tấm vé hay đoàn Văn Công nào ở đây nữa...

Cò trả lời ngay:

- Không mẹ yên tâm con với tụi bạn không cần vé vẫn tự tìm cách vào xem được, con muốn dành tặng nó cho mẹ, con xin lỗi vì đã làm mẹ buồn...Con...

- Được rồi, được rồi, mẹ hiểu rồi chàng trai của mẹ...

Cò bẽn lẽn ngại ngùng sau đó như nhớ ra gì đó ngước lên nói:

- Nhưng mẹ có thể thêm vào để đưa cả bà đi xem được không ạ? Bà thích xem chèo lắm, mà thật tiếc khi con không có đủ để tặng cho cả bà dù bà vẫn luôn rất tốt với con, cái Tũn mẹ chỉ cần dắt nó đi theo thôi là được vì người ta không thu tiền nó...

Mẹ nó mỉm cười một nụ cười hiền từ nhất dành cho nó rồi lại xoa đầu và hôn lên tóc nó:

- Được, vậy thì tối nay cả nhà mình sẽ cùng đi xem, chiều nay mẹ sẽ cũng không ra đồng nữa mà ở nhà nấu cơm sớm để tối cả nhà cùng đi xem được chưa?

Thằng Cò miệng toe toét nhìn sự hạnh phúc ngập tràn trên gương mặt mẹ mình. Nó dạ một tiếng rõ to và cũng vòng tay ôm lấy mẹ nó...

***

Chiều tối hôm đó như dự định sau bữa cơm sớm bất thường hơn so với mọi ngày Cò xin phép mẹ nó để ra tụ họp cùng với đám bạn ở ngoài đình. Tất nhiên với món quà bất ngờ mà con trai dành tặng cho mình mẹ nó hoàn toàn đồng ý không một chút khó chịu, thậm chí hôm nay lần đầu tiên trong cuộc đời Cò thấy mẹ nó ra mặt bênh vực nó trước ánh mắt ngỡ ngàng khó tin của cô em gái mình. Mẹ nó vui mừng và hạnh phúc tới nỗi gặp bất cứ ai cũng đều túm lại để khoe về việc làm hiếu thảo của con trai mình...

"Bác Hoà đấy hả? Ruộng ngô nhà bác năm nay tốt thật ấy bác chăm khéo quá, mà tối bác có đi xem văn công không, trời ơi thằng con nhà tôi nó đi nhặt sắt vụn khắp làng rồi đưa tiền bắt tôi phải đi xem bác ạ, đúng, nó mới học lớp 4 năm sau lên lớp 5 thôi đó, thế là tôi phải đi"

"Ôi chào chú, anh chưa về, tết này chú ạ, thi thoảng cũng có biên thư về cho chị, khoẻ lắm, hôm nào chú vào nhà uống nước, mà tối có đi xem văn công không? Ôi không à, tiếc nhỉ? Thằng Cò nhà chị nó bán sắt vụn cả tuần giời dụm được ít tiền mà nay đưa chị bắt chị đi xem đấy chú ạ, đáo để thật, uh đúng rồi, thằng lớn ấy nó ngoan lắm, chị định không đi mà nó cứ bắt phải đi, lại còn bảo phải cho cả bà đi cơ"

"Bà ơi bà có thấy con mái mơ nhà cháu lạc sang đây không? Đúng rồi cái con ấy đấy cháu tìm nãy giờ...không có ạ? Vâng, mà bà tý có ra đình xem chèo không? Người ta về mấy xe lận đấy đoàn này mới lắm, cháu á? Cháu có, thằng con nhà cháu nó đi nhặt sắt vụn mà hùn được tận hơn 10 nghìn cho cháu bắt cháu phải đi xem, bà thấy nó có gớm mặt không? Vâng đúng rồi cái thằng nghịch như quỷ ấy đấy, ấy thế mà nó lại hiểu chuyện bà ạ..."

Chả mấy chốc mà cả làng biết thằng con nhà Bình Thơm mới tý tuổi mà đã biết hùn tiền mua quà cho mẹ, điều mà ngay cả những đứa học giỏi nhất làng, được khen ngợi vì ngoan ngoãn nhất làng cũng chưa bao giờ làm được, thành thử đi đâu cũng có người chỉ chỏ nó. Thậm chí đến cả đám trẻ trong làng cũng nhìn nó với ánh mắt thèm thuồng ngưỡng mộ vì bỗng chốc được chú ý, được lên làm con nhà người ta. Bạn đầu Cò có phần thích thú vì điều đó nhưng sau bị để ý nhiều quá nó đâm ra ngại và tìm cách lảng đi mỗi khi có ai đề cập, thậm chí khi đám bạn nó hỏi vào nó còn nổi quạu doạ đấm nếu thằng nào còn hỏi nữa... Đôi khi nổi tiếng cũng chả dễ chịu gì...

Tối hôm đó trăng sáng vằng vặc. Hoá ra cái cô đi chợ hồi sáng sai hết cả và ông chồng của cô ấy thì lại nói đúng. Sân đình rộn ràng hơn bao giờ hết với người già người trẻ đủ cả, mà cũng đúng thôi, ở cái mảnh đất nghèo nàn này chỉ cần có điều gì đó khác biệt so với thường ngày thì ai cũng hiếu kì mà tự tìm đến. Không chỉ có người làng Cò mà các làng lân cận người ta cũng tìm sang xem, những ông cụ bà cụ miệng đỏ chét thơm phức mùi trầu móm mém chào nhau, lũ con nít chạy lăng xăng khắp nơi, những ông bố bà mẹ gào chửi con ông ổng, đám thanh niên miệng phì phèo thuốc lá, ăn mặc bảnh chọe đong đưa tán tỉnh gái làng miệng cười te tởn... khung cảnh chẳng khác gì một ngày hội.

Khác hoàn toàn so với buổi sáng, đoàn Văn Công đã quây khu biểu diễn sau một lớp bạt xanh đỏ che kín toàn bộ khu vực bên trong, chỉ còn một lối vào duy nhất với đèn nháy lấp lánh có hai người đứng bán vé và soát vé trực chờ trước 1 đoàn người được yêu cầu xếp hàng, phía trong vòng bạt đang hắt lên những ánh đèn sáng rực rỡ nhấp nháy màu, tiếng nhạc đã nổi lên xập xình và một người dẫn chương trình đang nói những tiếng mời chào thúc dục người dân nhanh chân mua vé vào để ổn định chỗ ngồi. Với đám trẻ con thì việc đi vào qua bất cứ cái cổng nào cũng là điều ngốc nghếch rồi, đằng này đi qua một cái cổng mất tiền nữa thì quả đúng là quá đỗi ngốc nghếch. Thế nên tới sát giờ biểu diễn khi người ta rục rịch đóng cửa bạt không cho người ngoài vào nữa thì Cò cùng đám bạn của mình lẻn tới một góc tối đèn và bớt đất chui qua bạt từ phía sau vào. Chúng nó cũng bắt gặp vài đám choai choai thậm chí còn dùng dao rạch rách bạt để vào nữa, mà có vẻ như không chỉ có mỗi họ mà đã có nhiều người khác làm như thế. Cũng chả tránh được, 8 nghìn cũng quả là một món tiền lớn cần tiết kiệm và cái việc trốn vào xem như này không chỉ xuất hiện lần đầu khi có một đoàn văn công hay chiếu bóng về với cái làng này, thế nên nó cũng lơ đi.

Khi lẻn vào được qua lớp rào bạt Cò thấy khá đông, chắc cũng phải được gần 100 người đấy, người ta đứng quây thành một vòng tròn với trên cùng là sân khấu, nó cùng đám bạn len người chui qua chân người lớn vào trong thì thấy ở giữa là một khoảng đất trống, vòng ngoài nhốn nháo tiếng chửi nhau, người phía sau bảo kẻ kia đứng trước thì cúi thấp cái đầu xuống, người ở trong thì kê gạch hoặc lót dép ngồi mắt không rời nơi sáng rực ánh đèn, lũ trẻ đứa theo người lớn vào được thì mắt trông mắt ngóng, đứa không vào được thì vắt vẻo ngồi trên ngọn cây xung quanh, Cò cũng nhác thấy bà, mẹ và cái Tũn nhà nó ngồi ở một góc mắt hồ hởi nhìn lên trên sân khấu nơi người ta đã biểu diễn được một lúc rồi.

Đây là một đoàn hẳn hoi và có đầu tư ra phết. Những tiết mục ca múa hát được dàn dựng khá công phu với trang phục và mặt những người văn công được bôi vẽ thật lộng lẫy. Người ta ăn cái gì mà ai nấy đều đẹp, đàn ông thì mặc những bộ đồ lịch lãm đầu tóc bóng mượt với giọng hát thì hỡi ôi hay đến nức lòng phụ nữ của cả huyện ấy chứ chẳng đùa, còn phụ nữ thì thôi rồi chỉ có làm đám thanh niên đực rựa huýt sáo inh ỏi, họ nhìn đều như những bà hoàng sang trọng quần áo lấp lánh nhảy múa điêu luyện vô cùng. Bản thân lũ trẻ như Cò chưa bao giờ được chiêm ngưỡng những tiết mục với những con người như thế cả, ăn đứt cả đoàn quân khu 4 của bác Khoa Huy. Họ hát những bài hát thật hay, những vũ điệu thật đẹp sau đó chuyển sang phần hát về bộ đội với cuộc đánh nhau trên cầu sông Lèn nghe thật hào hùng và cảm động đến mức mấy bà mấy cô ở dưới khóc lên rưng rức...

Một lúc sau lại sang tiết mục chèo với một cô tên là Thị Mầu đi đong đưa một ông sư đầu trọc nhưng hình như ông sư ấy là một người phụ nữ giả dạng. Sau đó cô Mầu ta chửa hoang rồi bị một ông mù, một ông câm, một ông điếc và một ông như quan xã bắt phạt vạ, mấy ông đó dọa sẽ đánh cô, doạ sẽ cạo đầu bôi vôi cô nếu không nói bố đứa bé là ai, rồi cô ta bảo đứa con là của ông sư rồi lại kéo ông sư ra đình dọa đánh... Ôi chao thật khó hiểu, chuyện gì ấy mà rắc rối lắm Cò chả rõ gì cả nhưng các bà các mẹ thì vỗ tay ác liệt lắm, họ tấm tắc khen cái cô Mầu kia chèo gì hay quá thể, giọng cứ như con chích choè luyến ngoài rặng tre, khéo quá đi thôi.

Trong buổi trình diễn đó người ta còn làm rất nhiều trò khác lạ nữa, nào là cho chó tập cộng trừ đếm số, cho khỉ nhào lộn xong có mấy con vẹt cứ nói leo khi người ta đang dạy học cho chó và khỉ nhìn vui ra phết. Đặc biệt là lúc cái anh hề mà thằng Lợi nói bước ra. Cha chả anh ta không biết kiếm đâu ra nhiều trò thế mà cứ làm cho người ta cười như nắc nẻ. Có cho thằng Cò tập cả 100 năm chắc nó cũng chẳng thể nào làm nổi. Nào là tung những quả bóng trên tay khi đang ngồi trên một cái xe đạp một bánh đi vòng quanh sân, sau đó ném thêm vào những đồ khác mà anh ta chỉ lúng túng rồi lại bắt gọn tất cả rồi tung lên bắt lại tiếp, anh ta còn nhảy lộn từng vòng qua cả các vòng lửa được một người đưa lên cao nữa, lại còn giả vờ để bị cháy cho khán giả giật mình lo sợ xong khi có người mang xô nước ra thì lại ngồi kị mông mài xuống cỏ cho lửa tắt trước khi trơ trẽn đứng lên cười hề hề chọc quê mọi người...

Mọi thứ đang cực kỳ hấp dẫn và thu hút được toàn bộ sự chú ý của Cò thì thằng Lợi ở bên cứ liên tục huých tay vào mạn sườn nó:

- Ái, mày điên à? Đau...

- Cò... này... nhìn đi...

Thằng Lợi vẫn cố để lôi kéo sự chú ý của Cò, miệng gào lên thật to với hy vọng át được tiếng loa cùng những tràng cười như nắc nẻ của những người đang xem xung quanh mình.

- Đã bảo đau lại còn, cái gì? Cò tỏ ra cáu giận quay sang quát nó.

- Đừng xem nữa, ngó sang phía kia đi.

Thằng Lợi ghé sát miệng vào tai Cò gào lớn hơn nữa và lén lút đưa ngón tay chỉ về phía mạn trái gần sát sân khấu. Dù không muốn phải tạm dừng theo dõi màn điều khiển một cây gậy trên sống mũi cực hay của anh hề nhưng Cò vẫn ngó theo thứ mà bạn nó đang muốn chỉ cho mình thấy. Chính là lão Tấu...

- Mày thấy chưa? Lão ta nhìn về phía chúng mình nãy giờ

Thoáng giật mình khi bắt gặp ánh mắt nhìn chằm chằm về phía mình, Cò giả vờ quét ánh mắt đi hướng khác rồi không nhìn bạn mà vẫn hỏi:

- Lâu chưa mày?

- Lâu rồi, từ lúc tao vô tình thấy lão ta đứng đó, lão cứ nhìn mãi về phía bọn mình

- Bỏ mẹ, tao thấy không ổn, hay là lão ta biết gì rồi...

- Tao nghi lắm, sao giờ mày, tao sợ quá...

- Én đi cái đã...

Nói đoạn, dù tiếc nuối với những màn biểu diễn hấp dẫn nhưng hai đứa nó vẫn từ từ ẩn dần vào đám đông rồi rút về phía sau, cả hai theo lối cũ chui qua chỗ bạt rách của mấy ông choai choai để lại hồi nãy chuồn mất. Ngay lập tức lão Tấu cũng lách mình để tìm cách bám theo...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top