Đám giỗ

Nắng trưa gắt trên mấy miếng mái tôn được lợp tạm bợ đằng sau phía bếp. Người miền Tây xởi lởi, thật tình từ trong cốt cách, hễ nhà ai có đám tiệc, bà con chòm xóm lại tụ tập mà phụ giúp. Thì quanh quẩn trong cái xóm được đâu bốn năm chục hộ, dòm mặt nhau lớn lên thì bốn chục hay năm chục đều thân quen, nắm cả trong lòng bàn tay. Thằng Đức nhổm đít đạp cái cần số trên con wave tàu chú nó mua từ đời kiếp nào, tiếng còi xe vang lên mấy đợt ho khụ khụ của người lao phổi.

"Mua mấy miếng khớm rồi gì nữa thím Năm?"

"Mày mua mấy trái chứ mấy miếng ai ăn ai nhịn mảy."

"Thì mua nhiêu nè."

"Cỡ ba bốn chục trái gì đó."

"Cho lòi bản họng hay gì bà? Con mua chục trái thôi đó!"

Nói rồi nó vít ga chạy đi, cái bô xe nhả khói đen thui làm mấy bà đang nhặt rau bịt miệng la um sùm. Nó quay lại cười hề hề, đằng sau vang lên mấy câu chửi thân thương, đại loại là hỏi thăm tía má rồi cả dòng họ nó.

...

"Đù má, điên hả mảy?"

"Điên mả cha mày! Trưa nắng muốn chết, đi mua cho lẹ còn về."

Thằng Đức nó phanh ga một cái két trước sạp bán cá đầu cổng chợ, chân nó đạp xuống khay cá diêu hồng, nước bắn tung tóe ra đường rồi dội thẳng lên mặt của người ngồi dưới. Huyền Thạc lấy cái cây cạo vẩy cá ném thẳng vô mặt nó mà chửi rủa, sáng giờ bán được nhiêu con đâu mà bị trả giá muốn lỗ vốn. Bán kiểu này có nước mà thả phóng sanh mấy mửa cá ở nhà.

"Mày kiếm chuyện hoài đi. Tao phóng dao đó." Huyền Thạc ngước lên lườm nó đầy chán ghét, cái thằng dở hơi suốt ngày phá phách.

"Lát qua đám giỗ mảy."

"Nay nhiêu?"

"Mùng 5 rồi, ít ỏi gì nữa."

"Chứ giỗ tía má mày mùng mấy?"

"Mùng 3 mà giờ tao mới về được nên mần trễ."

"Ờ đợi người làm ra trông hộ sạp rồi tao qua."

"Lẹ nha mảy!"

Nghe được tiếng đáp lại của thằng bạn thì nó đánh đầu xe quay xuống chợ, phía sạp rau, lựa được chục trái khớm tươi, vàng giòn và thơm. Thành phố nhiều cái mới lạ chứ chất lượng đồ ăn thì ở quê nó không thua kém gì, muốn gì cũng có liền mà ăn, còn chẳng đắt đỏ như ở trên đó.

"Em cà thẻ nha chế." Thằng Đức móc bóp tìm kiếm.

"Mày cà vô nách tao nè!"

"Em mua nhiêu đây lận mà, bớt cho em chút đỉnh đi chế." Thằng Đức trả giá với người đàn bà môi đỏ chót, nốt ruồi bự bên khóe miệng trên, nhai trầu bỏm bẻm. Chống nạnh rồi chề ra, người đàn bà gật đầu đồng ý với nó dù chẳng muốn. Thằng này mới bây lớn mà biết tranh trả giá với mấy bà hay đi chợ quanh đây rồi.

"Đức hả?"

"Ủa anh Tài?"

Người con trai mặc cái áo ba lỗ trắng, bên ngoài khoác thêm sơ mi kẻ sọc ca rô, thêm cái quần thun rách phía đùi được chắp vá bằng mảnh vải khác màu, chân đi dép tổ ong màu xanh đọt chuối, trên đầu là cái nón bộ đội, tay cầm mấy bọc đồ ăn, còn có cọng hành lá lởm chởm không nhét vừa. Một tổ hợp gì đó không thể quê mùa hơn được nữa. Mà cũng đúng thôi, có phải ở trên xì phố đâu. Đó cũng là một điểm chung của mấy người xa xứ mỗi khi về lại quê nhà. Điển hình là tại quê của nó.

"Làm ly cà phê mảy?"

"Thôi cha, em về phụ đám nữa."

"Ờ má anh đang ở bển. Cho tao ké về với."

"Ủa chứ anh đi bằng cái gì ra?"

"Thằng Quang nó chở, cái xong nó bị lôi đi đánh cờ tướng rồi."

"Ờ thôi lên đi."

Tài Hách bám vai Đức rồi trèo lên, cái xe cọt kẹt mấy tiếng như xương khớp ai rã rời. Thằng Đức kéo ga lần nữa, Tài Hách đập người vào lưng, miệng "Đù má, đù mẹ" không ngừng, nó cười khoái chí, ai can đảm ngồi sau xe nó, nó sẽ cho biết cái giá phải trả là như thế nào. Thằng Đức như mọi người hay nhận xét, nói đúng hơn là bị chửi bới, trong mấy mươi đứa trẻ lớn lên tại xóm Báu, nó là đứa bạt mạng nhất. Người ta là đang nói về trình độ chạy xe của nó. Tài Hách thầm rủa Chí Huân, người dạy nó cầm tay lái vào lúc nó lớp 6. Chắc ông anh đó cũng không ngờ tới học sinh từ lò của mình đào tạo ra lại trở thành một con báo như vậy.

...

Về tới nhà, Tài Hách bước xuống với cái đầu phồng rộp như tổ quạ, do chạy xe ở quê, đường xá vắng vẻ chứ có được nhiêu cái xe qua lại đâu. Chẳng ai thèm đội nón, đường còn sỏi đá nhiều, ngứa mắt, Tài Hách vung chân đá cục gạch bể thành mấy miếng nhỏ lên người thằng Đức lúc nó đang gạc chống xe, lườm lườm. Cậu Ba Phàm, người được mệnh danh là thần đồng đất Việt trong xóm đứng dậy từ cái sàn bên hông nhà, bỏ khay đồ ăn đang cầm trên tay. Cậu đi lại, vuốt tóc Tài Hách cho xẹp xuống.

"Sao anh cứ lấy nước miếng vuốt tóc em hoài."

"Tóc mày rối như lông chó ấy."

Ba Phàm chỉ chỉ về phía con chó con, lông màu cháo lòng đang gặm đít quần của thằng Đức, nó đang ngồi xổm rửa mặt gần cái lu hứng nước mưa. Cái chân nhỏ mập như xúc xích cứ giẫm giẫm mà nghênh chiến với thân hình cao to thù lù. Đông Anh bước vô phía gian bếp, chào hỏi mấy người đàn bà ở trong rồi túm con Lem giơ lên không trung, miệng la oai oái.

"Tía ơi là tía, con kêu tía dắt con Lem qua rồi coi nó giùm con mà!"

"Thì tao có coi mà."

"Coi gì mà giờ nó đen xì như cứt thế này?"

"Con trai ở dơ mới tốt chứ sao cái thằng."

"Tao thấy mày đặt Lem cho nó là chuẩn rồi bạn." Thằng Đức đó vỗ vai Đông Anh rồi đi vào nhà, đem cái quạt ra gian trước để nó quay cho mát, trưa nóng như đổ lửa mà gặp thêm nhà đang đông khách với hàng chục cái miệng và hàng trăm câu chuyện, cụ thể là nói xấu.

"Anh Tài cho em với thằng Vũ 10 ngàn mua kem."

"Sắp đám rồi, không có ăn vớ ăn vẩn."

Người đàn ông đang mổ con heo quay vừa cúng hồi ban sáng, nhìn về phía hai thằng bự con đang xị mặt ra, chúng nó chẳng chịu, đòi ăn cho bằng được.

"Tin tao mổ bây như mổ heo không?" Con dao vung xuống làm đứt đôi khúc thịt một cái "phập", hai thằng nhìn rồi giật mình theo.

"Thôi anh Huân, tụi nó còn nhỏ mà. Cho tụi nó ăn đại đi."

"Bây không biết chứ tối qua tụi nó thồn quá trời cà lem rồi giờ đau họng."

Chí Huân nhất quyết không cho, đó là anh hai của Trình Vũ, thằng ấy phổng phao, cao hơn anh nó nhưng lại sợ Chí Huân một phép. Tía má nó có thể không nghe nhưng anh hai liếc thì nó run như cầy sấy. Chính vì sự nghiêm khắc ấy, Trình Vũ đã trở thành một đứa trẻ hết mực hiểu chuyện. Thấy mặt hai thằng nhỏ ủ dột, Chí Huân lén bốc cho chúng nó mấy cục heo quay mà dỗ dành, Tài Hách bật cười. Chí Huân chỉ yêu thương người khác bằng hành động, dù rằng lời nói hắn lúc nào cũng khô khan.
...

còn tiếp

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top