2 - Tre xanh

Nói tới chuyện tình cảm của họ ấy à, chuyện vui kể đến mai cũng không hết. Nhưng có một lần đặc biệt hay ho. Thường chuyện hay thì hay là chuyện lần đầu, dấu ấn đặc biệt cả. Sơn Khoa cũng thế. Lần đầu hai đứa biết môi chạm môi.

"Khoa! Qua đây anh bảo!", Sơn thập thò trong một góc, vẫy tay gọi với người yêu. Anh điều dưỡng bên trong đang bàn dở chuyện thấy bạn trai tới thì cũng lon ton chạy ra. Sơn xòe trong tay ra một cái bánh giò nóng hôi hổi, món khoái khẩu của Khoa, cười hề hề: "Nãy anh đi tuần, quà dân cho đấy! Trực đêm chưa ăn gì đúng hông? Làm cái đi cho chắc dạ em", nói rồi tự tay gỡ từng lớp lá chuối, đút cho người nọ.

- Ngon lắm á! – Cậu nhảy lên phấn khích ngay sau khi ăn miếng đầu tiên, nuốt vội dù miếng bánh giò hơi nóng đang nhảy qua lại trong họng và khoang miệng. Khi cả cái bánh giò đã nằm an toàn trong bụng nhỏ, Khoa mới dõng dạc cảm ơn anh, miệng cười hề hề, khen – Bữa đầu tiên trong ngày của em! Lâu rồi mới ăn, công nhận ngon!

- Hả? – Sơn sốc há miệng – Sao sáng giờ chưa ăn gì?

- Th-thì... có mấy gói lương khô... – Khoa chớp nghĩ thấy cũng hơi sai, liền ấp úng, muốn lựa lời nói để làm sao lọt tai cái anh bộ đội hâm dở trước mặt.

- Ừ, thì?

- Em nhường cho... mọi người...

Huỳnh Sơn chưa bao giờ ước mình có thể nhịn phần ăn sáng nay nhanh như bây giờ. Anh đanh mặt lại, người lùi về sau, quay ngoắt đi giận dỗi. Khoa biết nói ra sẽ khiến Sơn giận, nhưng dễ dỗ, cậu chạy theo, nũng nịu:

- Thôi mà Sơn ơiiiii~

Sơn vẫn đi tiếp

- Sơn ơi em hứa lần sau sẽ ăn đúng bữa màa!

Sơn không nhữn không ngừng lại, còn nói vọng: "Còn tính có lần sau nữa hả?"

- Không... ý là... Sơn, hôm nay mọi người biết các anh đi tuần vất vả hơn bình thường nên bảo nhau chừa lại nhiều hơn. Em thấy anh em trực đêm cũng đói nên để mọi người ăn trước...

Lời giải thích vẫn không khiến Sơn quay mặt về phía em. Khoa hơi mất kiên nhẫn, trực tiếp hạ đo ván:

- Anh Sơn ơi~

Đồng chí Huỳnh Sơn! Nghe rõ trả lời?

Rất rõ! Bên tai anh còn cả tiếng khúc khích của khóm tre nhỏ đã dỗ người yêu thành công nữa kìa!

Sơn quay lại theo quán tính, đứng im như pho tượng. Anh sững sờ nhìn người kia chắp hai tay sau lưng, nhìn anh bằng đôi mắt cún con, ái ngại và bẽn lẽn, bởi vì rõ ràng, số lần gọi "anh Sơn" chỉ đếm trên đầu ngón tay. Gọi anh giữa mùa đông giá lạnh, để nghe sớm mùa xuân bừng sáng. Sớm mùa xuân của anh đến nhanh quá, ngay trưóc mắt. Bụi tre trong gió đông thét gào rì rào gọi cả hai. Sơn đắm chìm, đắm chìm thật rồi.

- Sơn đừng giận em nữa, nha? – Khoa khoanh tay cười hề hề khi anh cuối cùng cũng chịu tiến về phía mình, trái tim run rẩy vì vẻ ngoài đa tình của anh bộ đội, hắn đẹp khùng điên trong bộ áo lính, đứng đắn mà phong trần, cùng lúc, đánh gục con người đạo mạo của Trần Anh Khoa.

- Ơ! Tự dưng lại thấy giận lại rồi. – Sơn đổi giọng, ý cười rất cợt nhả treo trên miệng và biểu hiện gương mặt, đáy mắt mang hàm ý trêu đùa thi thoảng nhìn vào môi Khoa.

- Anh Sơn! Đừng giận em nữa – Khoa chép miệng đáp ứng, lặp lại lần nữa.

Anh Sơn.

Anh Sơn.

Anh Sơn.

Nếu bây giờ gô cổ anh lên pháp trường, chắc anh cũng sẽ không muốn trăn trối gì nữa.

- Khoa, lại đây anh bảo. – Sơn bắt hai tay ra sau lưng, cuộn tròn ngón tay, hồi hộp chờ đợi để hành động.

- Dạ? — Khoa hơi rướn người về phía anh.

"Chụt"

Sơn thơm lên khóe môi Khoa, chờ đợi người kia bạo dạn thơm lại. Nhưng Khoa chỉ ngại ngùng đẩy nhẹ bả vai Sơn một cái rồi chạy ùa vào trạm xá, để mặc kệ anh người yêu đứng bên ngoài. Khoa chạy tới cổng trạm thì ngồi thụp xuống trong bóng tối, rối rít ôm mặt mím môi, cảm nhận niềm vui đẫm đầy các ngăn tim. Huỳnh Sơn trông phản ứng của Khoa, cách cậu chạy té khói dễ mến biết bao, cũng đứng thần lại cười như thằng chập mạch. Hay quá, ra-đa thì dò được, mà cái ăng-ten bắt sóng của mình thì mãi không nối lại được, cứ để não rè rè, dừng lại nhập nhoạng ở đoạn người yêu tròn mắt thẹn thùng và bất ngờ cùng lúc, nói chung là yêu rồi, mà yêu rồi thì làm gì cũng thấy đáng, kể cả mất kết nối ăng-ten.

Khoa bình thường cũng không phải kiểu người hay im ắng gì cho cam, nhưng cái hôn của Huỳnh Sơn như mở khóa một rương kho báu mới: cách để khiến Khoa trật tự, là thơm em, hôn em. Tần suất chim chuột lén lút cũng không thể vì thế mà tăng lên, bởi vì họ có rất nhiều công việc phải làm. Có lần, gần một tháng mới có thể thấy mặt nhau, mà cũng chỉ kịp hôn vội chào nhau lên đường. Thực ra với Sơn, như thế đã là rất đủ đầy rồi. Không thể hôn em, không thể ôm em, không thể chào em, càng khiến anh đau nhiều hơn. Giống như cha anh, không từ mà biệt, khi hai cha con không dễ gì mới có thể gần gũi và thấu hiểu nhau hơn một chút.

- Để em buộc cho!!

Sơn thở dài, tay nắm chặt lấy khăn voan Khoa tặng anh hồi về xuôi đi công tác ở viện nhi. Em nói, khăn voan của các em nhỏ có màu đỏ, vừa là màu của may mắn, vừa là màu của sự sống, của dòng máu còn chảy, của trái tim còn đập. Sơn từ đó luôn mang theo người, dù đi đâu, dù làm gì, anh buộc nó vào áo trong, áo đông xuân bên trong áo lính, cái áo ba lỗ, ở vị trí gần tim. Dù không phải là xi-lanh máu chốt hạ, hiếm có khó tìm trong lúc anh nguy kịch, nhưng sẽ là sự sống của anh đi cùng anh qua tận qua thế giới bên kia. Nếu được, hãy chôn anh cùng với khăn voan có hương thảo mộc nơi Khoa.

Tự dưng có đôi lúc trong cabin, Sơn ngửi được mùi tre xanh rì rào.

***

Trở về thăm cha trong ngày phép ngắn ngủi, nhìn lại cái gò đất nhô cao mà dưới đó là nơi cha Khoa an nghỉ, trái tim lại một lần nữa vỡ choang, Khoa có thể nghe thấy âm thanh ấy chạy dọc nội thể. Hai chân cậu yếu đi, Khoa không còn có thể vững chãi đứng trước mặt cha nữa. Sơn đỡ cậu, còn Khoa, Khoa quỳ rạp mình trước mộ cố nhân, khóc rất to, một đứa trẻ tủi thân vì chẳng còn cha hay mẹ. Sơn đứng bên em, quanh anh gió thổi lộng, như mang linh hồn cả cha mẹ em, ôm lấy em cho đến khi người chỉ còn có thể nấc lên, chứ không còn có thể phát ra thanh âm nào nữa.

Sơn cũng đưa Khoa ra Hà Nội, về thăm ông đốc Trình, thầy mình, vì có người đánh tiếng ông đốc đổ bệnh. Ông đốc Trình vừa là thầy, vừa là người ngăn cản Sơn theo con đường quân ngũ, cũng là người sắp xếp cho anh một lộ trình ổn thỏa để sang Pháp, kiếm tiền bằng tài năng âm nhạc. Sơn đã nắm chặt tay Khoa trước khi đẩy cánh cổng gỗ đã gô lại đôi chân anh khỏi cách mạng, cái cánh cổng chẳng khác gì một khám biệt giam tàn bạo và lạnh lẽo, những trận tra tấn bằng tinh thần. Những ngón tay gầy của Sơn run lên theo từng ngọn bấc hanh khô của mùa đông Hà Nội, mà có chăng cũng là do Sơn phải đối mặt với những kí ức ám ảnh và đeo bám anh đến dai dẳng, anh mới trở nên như thế. Nhưng điều khiến Khoa càng vững tâm hơn đó là, Sơn chưa một lần buông tay mình.

- Ông đốc-tờ nói, thầy sẽ đi, sớm hay muộn mà thôi. Thầy nói, đó là cái giá phải trả cho việc phản kháng chiến, bảo anh rằng anh không phải day dứt, thầy đã dùng cái chết để chuộc lại tấm lòng nhơ bẩn ấy, đục đến độ khó có thể thanh tẩy.

Sơn trở ra, đôi mắt ráo hoảnh và rỗng tuếch, giọng lạnh ngắt, khác hẳn với những tinh tú điểm trong ấy lúc đứng trước cửa nhà và gặp lại mẹ anh. Hẳn là Sơn đã biết được một chuyện gì đó rất đau lòng. Khoa không dám hỏi, vì Sơn vẫn nắm chặt tay cậu, cố kìm nén một cơn bão lòng chuẩn bị bộc phát.

Điều ấy là thứ gì kia chứ? Khoa tự hỏi, không chỉ đơn thuần là hiếu kỳ, còn là muốn xoa dịu nỗi đau trong anh. Ngón tay nhỏ nhắn gãi nhẹ lòng bàn tay Sơn, như nỗ lực kéo anh ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực. Sơn cuối cùng cũng chịu mở lời, khi hai đứa trên đường ra tới bến, chuẩn bị theo đoàn về lại chiến khu.

- Mẹ anh bảo... muốn anh tranh thủ mấy ngày phép về nhà, mẹ cho đi xem mắt. – Khoa vẫn im lặng, nghe anh giãi bày – Mẹ nhìn trúng một cô gái cùng trường – Sơn thở dài – em ấy là sinh viên dưới khóa anh ở Nhạc viện, còn là con gái của ông đốc. Di nguyện trước khi chết của ông đốc là thấy con gái thành thân. Ông ấy bảo, đánh đổi cuộc đời già cỗi, lấy một sinh linh.

Khoa im lặng. Việc của cậu chẳng phải là bù lu bù loa lên. Cậu nên là nơi yên bình để người nương náu, không phải một cơn bão khác. Ấy vốn không phải bản chất của cậu từ khi cha sinh mẹ đẻ tới giờ.

Trong thời cuộc thế này, người ta nghĩ đến những điều ấy, âu cũng chẳng có gì là lạ. Đàn ông ra trận hết, đến khi trở về chẳng thể lấy vợ sinh con, chẳng thể có người nối dõi tông đường, tiếp bước vẻ vang của dòng họ. Nhất là, Sơn còn là con một, là con trai duy nhất trong gia đình có nhiều chị em gái. Khoa hiểu mà, Khoa là con độc, là đứa con duy nhất của gia đình, giống Sơn ở chỗ, theo chế độ, họ đều không nhất thiết phải ra trận, thậm chí còn phải làm tròn nghĩa vụ dựng vợ gả chồng, con cái đuề huề, tương lái có người nối dõi. Nhưng họ đã đều đi theo con đường mà biết rõ không thắng thì sẽ không có lối ra, cả trường tình, cả trường đời. Không thể cứ mãi ích kỷ vì lý tưởng của riêng mình. Còn phải vì cha, mẹ, vì tương lai trường kỳ. Vệ quốc và kiến quốc phải trở thành hệ tư tưởng truyền đời, chứ không thể đứt gánh giữa đường được.

Dẫu vậy, trong lòng người nọ vẫn không thôi nghĩ ngợi. Khoa im lặng hồi lâu, chẳng nghe thấy quanh tai có tiếng người, ngoại trừ tiếng gió, dừng lại, thần trí quy hồi, mới nhận ra, mình đã bỏ Sơn đi một đoạn đường xa, cứ bần thần đi, chẳng để ý tới anh đang đi bên cạnh đã dừng lại. Anh còn hứa sẽ dạy cậu độc tấu đàn bầu khi cả hai ra Hà Nội, Khoa càng không muốn nuốt xuống cơn đau tất yếu của một cuộc chia ly sắp sửa cập bến mà cậu sẽ chẳng biết là bao giờ.

Sơn đứng nhìn cậu, hai người đối mặt từ xa, lặng như tờ, không nói. Anh hiểu cậu đang suy nghĩ điều gì. Sơn dứt khoát đạp chân chạy về phía cậu. Khi Khoa còn đang lặng thinh không biết nên phản ứng thế nào, thì Sơn đã đan chặt bàn tay mình vào tay Khoa, kéo cậu chạy theo.

Xa xa, còn bóng lưng mẹ Sơn trông theo con trai rời đi.

Trên con xe lóc cóc, cabin ồn ào tiếng mọi người làm quen nhau, hỏi thăm nhau vị trí ở chiến khu trong Nam. Khoa bần thần chọn ngồi vào một góc trong cabin, gục đầu lên vai anh Tập, ru mình vào giấc ngủ. Sơn không chọn ngồi cạnh cậu, anh lấy vị trí ngoài cùng. Cabin hở, anh có thể thấy vạn vật Hà Thành dần khuất khi xe lăn bánh tới những vùng đất xa lạ của quê mình mà có lẽ anh chưa thể đặt chân đến.

Anh có thể chọn mặc kệ ông đốc. Nhưng không thể chọn mặc kệ mẹ. Mẹ anh mất đi cha đã là đả kích lớn. Mặt trời phía xa dần khuất, Sơn mỉa mai bản thân, dám yêu, không dám nhận, cùng lúc làm đau biết bao nhiêu người.

Đức Thiện, hàng xóm, ngồi cạnh Sơn trong cabin, quan sát em trai rất lặng lẽ, cuối cùng không nhịn được buột miệng gọi tên Sơn, kéo lại sự chú ý của một thần trí đã lan man tới những câu chuyện chia ly đầy đáng sợ. Mẹ Huỳnh Sơn cũng đã dặn anh làm công tác tư tưởng cho Sơn, "cho em nó đuề huề chuyện nhà cửa đã con ạ, như con thì tốt biết mấy, có hơi ấm phụ nữ vun vén hạnh phúc mới an tâm lên đường chinh chiến". Nhưng anh cũng biết chuyện của Sơn với Khoa, chỉ là vô tình thấy nó thơm Khoa ở góc trạm xá vắng người thôi. Thiện vốn cũng định sống để bụng chết mang theo. Vậy đi, cho bớt quản đời.

- Bin.

- Dạ?

- Bần thần vậy? Nhớ mẹ à? – Thiện bắt đầu lan man.

"Em xuống sắc tới vậy à?", Sơn cố lảng đi cơn bão đang bập bùng trong anh. Đen tối, mịt mù. Thiện rõ ràng biết, trong đáy mắt của nó, anh trông thấy một cơn lốc rất manh mún đang quét lên, và anh biết, nếu không nói gì đó, nếu không bao đồng, thì rồi người đau, những mảnh đời tiếc nuối khi ai oán nợ nần còn vương nặng nhân gian, sẽ là những người anh thương yêu, và anh thì không muốn như vậy.

- Ừ cũng tiều tụy đấy em. Trông giống con sơn ca nhà anh mới thả hôm qua. Ly kỳ lắm, nghe không?

- Có, anh kể xem nào. – Sơn nhàn nhạt đáp, có vẻ không chú tâm lắm.

- Đợt trước con anh mới bắt được một con sơn ca. Huyền gửi thư cho anh, bảo chị mới giữ nó lại trong cái lồng anh đã làm từ rất lâu về trước. Huyền rất thích cái lồng gỗ đấy, nó là quà kỷ niệm anh tặng lúc con vành khuyên của Huyền chưa chết. Anh bảo, giữ thử xem. Chị kể nó không ăn, nó cũng không hót, nó chết rũ trong cái lồng gỗ xinh xắn anh chị tặng cho nó. Xong đến hôm trước anh về anh thấy thế, anh bảo, thôi, thả đi. Lúc mới cho nó ra, nó còn yếu vãi, chân cứ run run, cuối cùng nó dụi mỏ vào tay chị đớp nhè nhẹ mấy cái, rồi bay vút đi luôn ấy. Cái lồng bọn anh nghĩ nó rất đẹp, cũng chứa đựng những gì tốt nhất dành cho con vành khuyên của Huyền, cuối cùng con sơn ca lại chẳng thích, nó lại cứ thích bay cơ. Hay thật.

Thiện nhìn ra phía ngoài cabin, ngừng một lúc, "vậy nên", anh tiếp lời, "thứ gì mình đã không thích, thì mình đừng gắng gượng. Không chỉ khổ mình, còn khổ người mình thương yêu".

Sơn kéo lại thần trí, kín kẽ nhận ra, anh không chỉ kể câu chuyện về con chim sơn ca.

Sơn nhìn về ngọn núi phủ đầy cây xanh đang lờ mờ hiện hữu dưới ánh dương về chiều khi xe đã dập dìu qua địa phận Hòa Bình, rồi lại nhìn về phía Khoa, người đang quấn khăn kín mít, rúc đầu lên vai thủ trưởng, mệt nhọc nhắm mắt nghỉ ngơi. Sơn lại xòe lòng bàn tay, nhìn vào nó thật lâu. Quét mắt theo những đường chỉ tay, bên tai ong ong lời phán của một thầy xem chỉ tay ở Ninh Bình bố từng đưa anh đi xem hồi bé: "tay này sẽ gặp được người phù hợp trong hoàn cảnh éo le nhất, đường tình duyên này không hẳn là thuận lợi, phải để ý vì sẽ vấp phải rất nhiều tai ương từ những mối quan hệ xung quanh, cẩn thận vượt qua sẽ có được tình yêu trọn vẹn, không cẩn thận sẽ bỏ lỡ người mình thương". Nghĩ rồi lại nắm chặt lại. Khăn voan trong người cọ vào da thịt thật ngứa ngáy.

Anh không nên thất hứa.

Bao giờ xong, nhất định phải dạy Khoa độc tấu đàn bầu.

***

Những ngày quay lại căn cứ, Sơn luôn cảm giác giữa mình và Khoa xuất hiện một bức tường, dù chẳng có gì xảy ra cả. Nhưng lòng anh lo hơn tất thảy. Thả Khoa cứ bực anh, mắng anh, sẽ nhẹ lòng hơn bao nhiêu. Sơn không biết mối quan hệ hiện tại của hai đứa đi được đến đâu, anh càng mù mờ hơn khi chẳng thể gặp Khoa thường xuyên. Sơn còn nhớ, gần đây giáp mặt, mấy cô thanh niên xung phong mới chuyển tới, trẻ tuổi, chưa có người yêu, tỏ ý tán tỉnh Sơn, ngay trước mặt Khoa, người cũng vờ như chẳng có gì, im lặng và cười hùa theo, hệt như thể hai đứa chẳng là gì của nhau, chỉ là hai cá thể riêng biệt, là bạn bè đồng chí anh em. Sơn nặng lòng nhớ tới những đêm đi tuần về muộn thấy Khoa ngồi trực một mình, quanh em cô đơn quạnh hiu, chẳng có ai, chẳng có thân nhân kề cận. Ít ra anh còn mẹ, mẹ anh còn anh và chị gái, con gái ông đốc Trình còn thân nhân. Khoa chẳng còn ai. Anh chưa từng là một người vị tha nhân, bây giờ cũng thế. Người xem Khoa như một phần của tâm hồn mình, mà đã là những gì thuộc về bản thân, Sơn có chết cũng chẳng muốn từ bỏ.

Sơn chẳng hề muốn từ bỏ Khoa.

Gió rít vào kẽ áo, khăn voan đỏ sẫm hơi bay, lại cào vào lòng Sơn từng nhịp đau điếng.

Trở về trong đêm, áo líính sộc lên mùi thuốc súng. Anh đi dò mìn, đúng đoạn có bom. Chân tập tễnh gượng bước vì một mảnh bom găm vào bắp đùi, máu ứa ra, ròng ròng chảy, thấm đẫm một góc quần vải. Sơn được đồng đội dìu từ cabin xuống, vừa ngẩng lên đã thấy Khoa chờ mình từ lâu, sắc mặt em hoảng hốt hơn khi Sơn gắng cười nhìn em. Lòng như lửa đốt, cậu chạy một mạch vào trạm xá, bàn tay run rẩy vội chuẩn bị dụng cụ y tế. "Đã sơ cứu chưa?", Khoa gần như hét vọng ra từ bên trong, lờ mờ nghe thấy tiếng bên ngoài truyền vào, "sơ cứu rồi", mới bớt đi nỗi lo.

Sơn nằm trên giường bệnh xá, khó nhọc thở từng hơi dưới cơn đau của quá trình rút mảnh bom. Khoa chú tâm đến mức mồ hôi túa ra đầm đìa, chảy xuống vết thẹo bên má hôm trước mới có do bị ngã, xót đến mức cậu rít lên trong vô thức. Thi thoảng hơi ngẩng lên xem người nọ có đau không, đúng ngay lúc y tá cởi áo lính của Sơn ra. Cái khăn voan màu đỏ thẫm đập ngay vào tầm nhìn của Anh Khoa, nó được buộc gọn gẽ ở cổ áo ba lỗ bên trái, gần tim. Lòng khoa rơi thụp xuống, đau thật đấy. Rồi cậu bị Sơn bắt được đôi mắt đang lo lắng, vội cụp lại, cố gắng hoàn thành những đường chỉ cuối cùng. Vết rách được khâu lại, Sơn cũng được chuyển qua khu khác.

Khoa bần thần ngồi một góc, đôi tay dính đầy máu của người yêu, đôi mắt ráo hoảnh nhìn trân trân vào khoảng không hiện hữu, hàng tá suy nghĩ hiện lên, khiến cậu chẳng biết tập trung vào điều gì. Khoa không biết điều gì còn đọng lại trong cậu, sau ngày hôm nay, ngoài một trái tim tàn nhẫn, một tâm trí rối bời, một mớ bòng bong của cảm xúc.

Khoa đã lặng im từ rất lâu rồi. Chẳng thể đối mặt với Sơn, mà cũng chẳng thể dối lòng. Khoa đứng lặng thinh, một bên là vực, một bên là vực.

Mùi máu tanh tưởi xộc lên. Khoa nghĩ, đấy là mùi của tâm hồn mình, chứ chẳng phải mùi của Sơn, trái tim anh là một đóa nhài trắng, và nó, sẽ chẳng bao giờ tỏa ra cái mùi hôi rình của hồng cầu phơi nhiễm trong không khí. Khăn voan đỏ thẫm buộc trên vai áo anh lại lơ lửng trong tâm tưởng của Khoa, nâng đôi chân cậu, trong vô thức, tiến về hướng Sơn nằm nghỉ.

Khoa tháo đôi găng tay, xử lý cẩn thận, sát trùng sạch sẽ. Khoa đã thôi trách đời phải làm ca đêm từ rất lâu rồi, bây giờ lại muốn cảm thán một lần nữa.

Khoa đã bỏ lỡ cơ hội cứu mẹ, chẳng thể bỏ lỡ cơ hội cứu Sơn.

Cùng là đôi chân, cùng là tình yêu của cuộc đời cậu, cớ sao lại phải chịu đạu đớn tới nhường này?

Ngồi dựa bên giường bệnh, người nọ kín kẽ thở dài một hơi, dường như trong hơi thở cũng phải cảm thán, đêm nay thật dài.

Rồi ánh nhìn chàng quân y rơi trên cầu vai người nọ. Theo lý mà nói, bệnh nhân phải được thay một bộ riêng. Còn Sơn, dưới cái thời tiết đỏng đảnh khó chiều này, vẫn mặc áo ba lỗ, vẫn vắt vẻo buộc cái khăn voan đỏ ở đấy.

"Ngốc quá", người nhẹ giọng trách.

Dường như tiếng hờn dỗi vu vơ của người nọ cũng rơi vào trong cơn mơ của anh bộ đội.

Trong cơn mơ, Sơn đã thấy họ chuyển ra Hà Nội, Khoa lên tuyến chữa trị của viện Bạch Mai. Trong cơn mơ, Sơn thấy Khoa đứng chờ mình, vẫy tay với mình từ hành lang bệnh viện, cái chào nhẹ tựa hồng mao, rồi đôi môi mấp máy điều gì, "ngốc quá", Sơn đọc ra, nhưng chỉ vừa kịp trước khi bom Mỹ rơi, đáp thẳng xuống bệnh viện. Một tiếng nổ, người hòa vào làn khói xám, tựa hồ rút mất cả hồn anh, cuốn vào mịt mù bên trong.

Mồ hôi túa ra, đầm đìa hai bên thái dương.

Sơn choàng tỉnh, vội hớp lấy những ngụm khí xung quanh, khẽ rít lên vì cơn đau ở chân. Đầu đau như búa bổ, và anh nhận ra, chỉ là mơ mà thôi.

Khoa ngồi ở cuối giường, mắt không nhắm lại. Sơn thở hắt ra, gọi một tiếng yếu ớt. "Khoa, em ơi", anh gọi, và nhận lại đôi mắt sốt sắng của người nhỏ hơn.

- Ơi, em đây. Sao vậy?

- Khoa ơi anh đau...

- Em đây mà. Anh đau ở đâu?

Anh chỉ cần như thế thôi. Anh dỗi hờn, nghẹn ngào rơi nước mắt, tay nhấc lên, chỉ vào cái khăn voan.

- Ở đây...

Khoa lặng đi, điếng người.

Nói đoạn, Sơn với lấy bàn tay Khoa, đặt lên trái khăn voan, khó nhọc tiếp lời.

- Bắt mạch cho anh, ở đây.

Rồi bỗng, từng giọt lệ ngấn lên trong mắt Anh Khoa nhỏ thẳng xuống mu bàn tay Huỳnh Sơn, chảy dài, đáp lên chiếc khăn voan đỏ.

Cơn đau ở chân của anh chẳng hề thuyên giảm. Nhưng có lẽ lệ rơi trên mắt em đã chuyển nó vào tim anh rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top