1 - Nhài trắng
Khi tiếng ro ro của máy bay ném bom Mỹ kêu phát thanh trên bầu trời miền Nam Việt Nam, lời kêu gọi toàn dân trường kỳ kháng chiến bùng lên như đám cháy tất yếu của thời cuộc.
Mùa xuân năm 1967, Huỳnh Sơn theo tiếng gọi con tim, mang mong muốn gặp cha, quyết hành quân vào mặt trận miền Nam, trở thành một dòng máu đào của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Và anh gặp Anh Khoa tại quân khu 7, trung đoàn 371. Sơn chỉ kịp hỏi tên, chẳng kịp làm gì, đã phải chia xa. Trên tuyến xe cheo leo những con đường sỏi đá, Huỳnh Sơn thấp thỏm nỗi nhớ về một bóng hình: Là đôi mắt lúng liếng của kẻ có nhiệt huyết thanh xuân, là điệu cười đặc sệt giọng miền Nam mà một đứa con trai gốc Hà Nội chưa từng được nghe, là hơi ấm đôi bàn tay có vết chai ở ngón trỏ, là hai má hây hây khi người cười nói với bạn bè dưới tán tre cạnh cái lán nhỏ của bên quân y. Khẽ miết bàn tay phải vừa được bắt tay với Khoa, trong tim Huỳnh Sơn ngân lên một nhịp đàn thổn thức, anh yêu rồi.
- Sơn ê, nghe bảo ông hát hay lắm, mà tôi thì mới đến, chưa được nghe lần nào. – Xe đang đi trong vùng an toàn, Hiếu mạnh dạn xin xỏ tiểu đoàn trưởng. Câu đề nghị của Hiếu kéo Sơn ra khỏi dư tình còn vương vấn. À thì người ta cũng được biết đến là chàng sinh viên khoa Biểu diễn nghệ thuật của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Năm ấy phẫn chí lên đường hành quân, bỏ ngỏ cả những trang nhạc tình đang viết dở mà mãi chẳng vẹn tròn, giờ đây cảm hứng ùa về, Huỳnh Sơn tốc ký một vài dòng, họa nên hình ảnh Anh Khoa trong hình hài câu chữ, rồi cất giọng, chọn bài "Chiếc khăn piêu" của thầy Doãn Nho, hát cho anh em nghe.
Cũng tin tưởng nhau ra phết.
Nghe con chim cúc cu kìa nó hót, hót lên một câu rằng
Có một nàng, ở trong rừng, tìm trong rừng, kiếm trong rừng, chiếc khăn piêu
Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng, theo gió cuốn bay về đâu
Chiếc khăn piêu thêu chỉ hồng, theo gió cuốn bay về đây, vương trên cây
Trong tiếng búng tay bắt nhịp khe khẽ của anh Cường, Sơn nhắm mắt tận hưởng chút bình yên giữa cơn giông bão, và khi chung quanh tối đen như mực, má hồng của Anh Khoa chạy ngang trong tâm trí như một tia sáng le lói, hẳn là dáng kiều thơm mà một thời sinh viên anh vẫn loay hoay tìm kiếm. Tiếng hát vẫn cất lên, vị xúc cảm vương vấn trong cabin, ru các anh tới miền mộng mị mà ở tại đó họ được giải thoát khỏi bom và đạn. Dù chẳng ai muốn sẽ phải thế này. Chỉ một chút nữa thôi, lửa lại bập bùng lan tới, đốt cháy hết mọi ý niệm, để rồi tro bụi còn đọng lại chỉ còn là tên gọi khác của nợ nước thù nhà.
Trở về quân khu vào giờ gà gáy, Huỳnh Sơn chớp thấy bóng dáng Anh Khoa ngồi bên vách đá, lưng quay về phía anh, hướng về phía mà chốc nữa mặt trời lại lên. Anh cất vội túi đồ kỹ thuật, leo lên vách đá, ngồi phịch xuống cạnh Khoa. "Không ngủ hả?", anh duỗi chân một cách thoải mái, thở dài một hơi. Ngồi cạnh người thương, đúng là cảm giác khó tả thật.
- Sơn à? Về muộn thế?
- Ừ, cấp trên đánh điện.
- Vậy sao không nghỉ chút đi? Mai không phải đi tuần à?
- Ngắm trăng tí thì có vấn đề gì không? – Sơn ngả ngớn đùa.
Vầng trăng tên Anh Khoa à? Trăng đẹp nhỉ?
"Trăng chả mây gì giờ này, canh ba gà gáy rồi", Khoa bĩu môi, chống cằm, nhìn chăm chăm về dãy Trường Sơn vĩ hùng khuất dạng trong bóng đêm, nuốt gọn ý định trả lời câu hỏi của Huỳnh Sơn, rồi bỗng dưng bật cười. Tiếng cười khúc khích khẽ đánh động mặt hồ đang lặng của Sơn, vội quay sang để không bỏ lỡ đôi vầng trăng lưỡi liềm treo trên mắt em, miệng vô thức nhoẻn lên, cười hùa.
Đúng là hơi láo thật, nhưng xinh.
- Sao vậy? – Sơn hỏi.
- Không, không có gì. Chỉ là, trước mặt là Trường Sơn, bên cạnh là Huỳnh Sơn. Thấy nhiều núi ghê, ha ha.
- Nhiều núi vậy có thấy ngợp không?
- Sợ gì chứ? Một bên có viện binh, một bên có bộ binh, oách xà lách luôn! – Khoa lại cười nhí nhảnh, tranh thủ nịnh nọt anh bộ đội ngồi cạnh. Anh bộ đội được nịnh thì phổng cả mũi, cười tủm tỉm như con gái mới lớn. Ngại thế, cũng già đầu cả rồi, bị trêu một cách nhạt thếch thế này cũng cười được thì đúng là hâm.
Ừm, vậy cũng là được rồi. Kháng chiến có rừng núi bao bọc là rất an toàn rồi. Huống hồ, núi này còn mang nhân dạng.
Nhưng Sơn không dám nói.
- Mà, Sơn.
- Ơi?
- Ở trong tên bạn có chữ Huỳnh độc lạ ghê. Tui thấy thích thích tên bạn rồi ấy – Khoa hơi đỏ mặt, giấu gò má vào trong khuỷu tay khi cậu lén lút thu người trong dáng ngồi ôm đầu gối – Hồi trước tui ở trạm xá cũng từng chăm sóc một bác cũng có cái đệm Huỳnh như bạn.
- Huỳnh Tú hả?
- Ừ, bạn biết bác đó à?
- Bố tôi.
Khoa "À" lên một tiếng. Thì ra nhà hắn cũng có số má. Bác Huỳnh Tú không chỉ là cây văn nghệ ở trạm xá lúc ấy đâu, còn là then chốt của đội kỹ thuật ra-đa đó. Khoa gật gù, rồi giữa cả hai lại chìm vào im lặng. Huỳnh Sơn muốn tìm chuyện gì đó để nói, nhưng chẳng biết nên nói chuyện gì. "Bác hát rất hay", Khoa lại cất giọng, phá vỡ bầu không khí im lặng. "Tôi thích lúc bác chơi đàn bầu", nói rồi cậu lấy từ trong túi ra một cái que gảy đàn đã được bọc lại bằng vải thơm, họa tiết vân chìm, đủ để hiểu cả người tặng lẫn người nhận trân trọng món quà đó thế nào, "đây là que gảy đàn bố bạn đã tặng tôi, lúc bác dạy tôi độc tấu một đoạn". Khoa khẽ giọng, tay đưa cho Huỳnh Sơn. Anh nhận lấy kỷ vật bố mình đã tặng cho người mình thương, ngón tay lướt qua lòng bàn tay Khoa, cảm nhận tim run lên. Chẳng biết là vì đau, hay vì thích em. Lục phủ ngũ tạng của anh lộn cả lên rồi.
- Thì ra anh chính là "con trai tôi" trong mỗi câu chuyện của bác. Bác yêu và tự hào về anh, rất nhiều — Khoa lén liếc sang xem phản ứng của Sơn. Thấy anh không biểu hiện gì, chỉ lặng im nghe mình nói, mới chậm rãi tiếp lời — Mỗi lúc trạm xá tổ chức văn nghệ, bác ấy luôn xuất hiện với cây đàn bầu, luôn mở đầu là "con trai tôi thích bài này, các đồng chí nghe thử giúp tôi xem sao nó thích".
Sơn lặng thinh, và anh hiểu tất thảy ẩn ý của Khoa khi giọng em run lên như sắp khóc. Rồi, Khoa đặt lòng bàn tay mình lên mu bàn tay Sơn, hít sâu, nhắm mắt cảm nhận đôi tay mang ADN của người xưa cũ đã ra đi trong cuộc chiến khốc liệt, kìm lòng không đặng nói vài lời xoa dịu, dù biết mọi điều như muối bỏ biển. Người kia hẫng tim khi bàn tay mang hơi ấm truyền tới, trầm mặc, môi mấp máy như định nói gì đó, rồi lại thôi.
Khoa không biết Sơn là người con trai danh giá đến như vậy, bởi nhìn cách anh làm nhiệm vụ dường như đã hoàn toàn tháo bỏ cái mác ấy, khiến cho Khoa còn nghĩ Sơn cũng là người chiến sĩ cộng sản đi lên từ cây lúa như cậu. Anh lăn xả vào mọi hoạt động, những lần liều chết mở đường, những lần nghẹt thở thực hiện những nhiệm vụ không tưởng. Sơn mang bóng dáng của mẹ Khoa, nữ giao liên đã liệt phân nửa người sau cuộc kháng Pháp, cái người mà chẳng biết sợ gì, chỉ sợ khi chết, nợ lòng vẫn còn vương nặng với trần gian.
Lại nói đến Khoa và Sơn ở trong quân khu 7. Trước khi tới đây, Sơn còn đang đi học đại học. Khoa thì làm ở tuyến dưới, nên cả hai ít có cơ hội tiếp xúc. Tới khi Sơn chuyển qua quân khu, Khoa còn 3 tháng để lên tuyến trên, nên chỉ nghe kể về anh qua một số đồng chí xuống viện kiểm tra vết thương. Sơn không chối từ tiếp xúc từ bàn tay Khoa và lời khen của em, chậm rãi kể về bố anh và vườn hoa của ông, cách nó tạo nên anh của bây giờ. Bố anh vì một câu thích hoa nhài của mẹ, nên trồng cả một khoảng vườn rộng lớn có hoa nhài, cùng thảo dược và các loại cây pha chế. Chắc cũng vì lẽ đó, Sơn mang một hương hoa nhài thoang thoảng tinh khiết, "Là hoa nhài trắng, kết tinh của tình yêu bố mẹ", Sơn đã nói với cậu như thế.
Mây chợt hững hờ, đêm chợt bơ vơ, hoài niệm giấu hết trong mơ...
Ở quân khu, dần dà, người thân thích nhất của Khoa cũng chỉ có Sơn.
Nói là thân thích với Sơn, nhưng thẳm sâu trong Khoa mong muốn một cái gì đó lớn hơn thế, khác hơn thế, và lạ lẫm hơn thế. Đó là thứ cảm xúc mãnh liệt và nồng nàn luôn chảy trong cậu mỗi khi nghĩ về Sơn, những lần hiếm hoi hai người ngồi cùng nhau tâm sự chuyện ở trạm xá, chuyện đi dò mìn, những lần họ rét căm căm mà ôm chầm lấy nhau sau những ngày xa cách đầy căng thẳng, và những lần Khoa chăm anh ốm lúc đêm muộn, khi mà có ánh trăng dịu dàng le lói. Mấy cô nữ điều dưỡng chưa có người yêu ở trạm xá đối xử với Khoa cũng tốt lắm, nhưng có lẽ trong mắt Khoa, vẫn chỉ là Sơn: áo lính xanh lục, đôi rèm cong cong rủ dài mỗi khi anh cười, thanh âm anh hát, đôi tay anh đẽo gọt cho Khoa một cái que gảy đàn, cùng lời hứa "bao giờ xong, ra Hà Nội cùng anh, anh dạy độc tấu đàn bầu". Sơn nói, Khoa có thể dựa vào Sơn, cũng giống như Sơn đã dựa vào Khoa những ngày đầu sau khi biết tin bố mất. Khoa muốn thế, và muốn hơn thế.
***
- Sơn... mẹ em mất rồi.
Một đêm mùa đông ở quân khu, Khoa nhận được một mẩu giấy gói thuốc lá từ Huệ. Bên trong là những dòng nghuệch ngoạc, nhưng chính những nét chữ không mềm mại đã cho Khoa thấy, người viết bức thư này đã cố gắng nắn nót như thế nào. Ấy là thư tuyệt mệnh của mẹ Khoa.
Huệ — người đưa thư cho Khoa — cũng quay đi và tránh mặt Khoa. Huệ sụt sịt hồi lâu, mới nghẹn ngào nói.
- Bác... bác bảo với trạm xá, khi nào gọi mà bác không tỉnh, thì cứ đưa tờ giấy cho Khoa, còn dặn... dặn là không được cho anh về. Anh Khoa, bác mất rồi!
Trái tim Khoa gần như đã có thể ngừng đập, một hòn đá nặng rơi từ đâu đó, đè thật đau lên mọi nơi trong em, nơi trái tim với ký ức của những ngày bên mẹ, những gì còn rất mới. Mai là ngày phép, Khoa đã nghĩ mình sẽ lao vào vòng tay mẹ, với hạnh phúc đoàn tụ đong đầy trên nụ cười của mẹ. Mẹ con cậu sẽ đi thăm mộ của cha ở một gò đất xanh cỏ sau khu tưởng niệm đồng bào ra đi từ cuộc Đồng khởi 1959. Ông ra đi và chỉ còn có mẹ con Khoa trở về, rệu rã cả quãng đường đều là đau thương thống khổ. Mẹ con Khoa đáng lẽ ra sẽ đứng hồi lâu để kể cho cha nghe về hành trình tham gia vào cách mạng, về mẹ Khoa đã gan góc và mạnh mẽ thế nào, và về Khoa, đã ngoan cường và cứng cỏi biết bao, khi bị buộc phải rời khỏi vòng tay rộng lớn và ấm áp của cha. Mẹ sẽ ôm Khoa dưới màu hoàng hôn đỏ rực, khi họ quay trở lại căn cứ, và nhào vào vòng tay chào đón của các đồng chí cách mạng ở đó.
Nhưng không còn nữa, không còn gì nữa.
Cổ họng Khoa nghèn nghẹn, đau đớn quặn thắt trong tim, đánh một cú thật choáng lên đại não, Khoa đã suýt ngã. Trước mắt phủ một tầng nước bóng loáng, làm nhoè tầm nhìn của Khoa. Cậu loạng choạng và đứng không vững tựa hồ xương cốt đã hóa tro bụi. Cậu ôm lấy Sơn và khóc òa lên như một đứa trẻ cần mẹ. Khoa cần mẹ. Những ngón tay của Sơn rơi trên vai Khoa, anh xoa đầu cậu, thủ thỉ đôi tiếng an ủi. Sơn đã ôm Khoa cả đêm như thế, và sáng hôm sau, Khoa thức dậy trong vòng tay anh.
Bước ra khỏi cơn đau không còn cha hay mẹ, Khoa liều mình với công việc, với những nhiệm vụ từ cấp trên. Mọi thứ dường như để khỏa lấp nỗi nhớ mẹ, và những kỷ niệm thơ ấu khôn nguôi của một gia đình đã từng trọn vẹn. Những nhiệm vụ được hoàn thành, Khoa vơi đi phần nào nỗi niềm day dứt. Khoa muốn trả sạch nỗi thù của mẹ, Khoa muốn tự tay xử thằng lính Pháp nào đã bắn viên đạn đó lên chân mẹ, viên đạn định đoạt khả năng di chuyển của mẹ, lũ khốn nạn đã buộc mẹ con Khoa phải chịu cái cảnh chia lìa.
***
- Nhiều núi bao quanh, em có thấy ngợp không?
Xong nhiệm vụ gọn lẹ và được anh Tập – chỉ huy của khu căn cứ — cho nghỉ ngơi, giữa cả rừng cỏ rậm, Sơn lặp lại câu hỏi với Khoa trong đêm đầu tiên họ chính thức tâm sự với nhau.
- Không đâu, an toàn mà. Chung quanh đều là viện binh, sợ gì chứ?
Khoa thay đổi câu trả lời, khiến Sơn bật cười khi nhận ra ý tứ giấu nhẹm trong lời nói ấy.
Sơn ngả mình ra thảm cỏ xanh ngát, để những bụi cỏ cao che khuất họ, thở phào một hơi. Khoa cũng nằm xuống theo anh, hai đứa tạo thành hình chữ V, đầu chụm vào nhau, và chân hai đứa thì mỗi đứa một hướng. Cậu cẩn thận gối đầu mình lên cánh tay dang rộng của Sơn trên nền cỏ, thở một hơi dài mệt nhọc khi cuối cùng họ cũng đã được ngả lưng. Thay vì ngửi được hương cỏ the mát đang bao bọc lấy mình, Khoa ngửi được hương hoa nhài từ anh. Ánh dương ngà ngà về chiều soi dọc vầng trán thanh thoát, trượt xuống đầu mũi và cánh môi chúm chím của Sơn, đẹp đến nao lòng.
Con trai với nhau, Khoa không những không ghen tị với Sơn vì hương cơ thể đặc trưng thơm mát, mà còn thấy say mê, thấy thích mỗi khi ngồi cạnh anh. Có lúc lén lút tắm được ở một con suối nhỏ nào đó, khi hai đứa chí chóe nghịch nước như những anh bạn thuở thiếu thời cởi truồng tắm mưa, Khoa sẽ xoa bóp vai cho anh, và ngược lại, bởi công việc của hai đứa đều rất tốn sức. Tóc anh cũng thơm hương nhài trắng, mọi chất đàn ông rất thu hút cứ quanh quẩn cả đầu mũi Khoa, len lẻn nhảy nhót trên nhân trung và râm ran thật nhiều nơi hai cánh môi. Và giờ cũng vậy. Khói, bom, súng, đạn, chiến trường và những gì nóng rát đều đã nhuốm đậm lên áo lính của anh, nhưng cậu chỉ còn ngửi thấy hương nhài nhẹ nhàng mát dịu, và mùi cỏ trong vắt của thiên nhiên xinh đẹp.
- Anh là viện binh của em à?
Sơn hỏi nhỏ, cười phì vì câu nói của em cứ quanh quẩn bên màng nhĩ, trêu em đỏ cả mặt. Khoa xấu hổ áp cả bàn tay lên thái dương hòng che chắn mình khỏi sự chú ý của anh, người ta ngại.
Sơn lật người, đối mặt với Khoa, từ góc độ của mình, người đẹp rung động, bằng tất cả những gì em có: nét duyên dáng, nụ cười đơn thuần, và hương thơm tinh khiết của những bông nhài trắng. Không biết em nghĩ gì, Sơn thấy em mỉm cười thật tươi khi nghe anh nói câu ấy, đỏ mặt rồi nũng nịu quay đi, Sơn không bao giờ có thể dễ dàng hiểu được cảm xúc của cậu.
Thật ra cũng có thể đã nắm được tới 8 phần.
Có lần, Sơn tham gia tập kích bằng lựu đạn, giết được hơn hai chục thằng lính Mỹ, khiến cho cả anh em trong căn cứ phải vỡ òa khi đón anh trở về. Nhớ lại lúc đi cùng tiểu đội chi viện, những giây phút chờ đợi dường như trôi lâu hơn bao giờ hết, bởi toán người có Sơn và đội chiến lược vẫn chưa trở ra. Họ lặng thinh trong bụi cỏ, chỉ đợi máy dò phát ra mấy tiếng tít tít thì lập tức sẽ đi yểm trợ. Chuẩn bị một tinh thần thép và mọi điều có thể làm để cứu anh, đấy là trong trường hợp tệ nhất. Còn Sơn ở phía trong đã sẵn sàng súng ống và lựu đạn, muốn xem có ai đã động đến Khoa và anh em của đoàn, sẽ lập tức xử gọn. Nắng trưa oi lắm, mồ hôi Sơn chảy ròng ròng và đã sớm thấm đẫm cổ áo, đang lan đến cầu vai. Súng vác trên vai anh nặng trịch, đôi lúc sẽ khiến cho con người ta cảm thấy mỏi mệt và uể oải nếu đi đường dài, và có khi là mất sức, nhức vai, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất nếu như không cầm đúng tư thế và không có sự nghỉ ngơi ngắt quãng hợp lý. Nhưng vì ấy là điểm chốt để gói lại nhiệm vụ, và nếu hoàn thành, anh sẽ tỏ tình người ấy. Sơn hiếu kì nhìn ra để xác nhận một lần nữa người vẫn đang ở đó. Anh đánh cược rồi.
"Đoàng!" – Khoa lặng người, ngón tay cuộn chặt, mồ hôi nhỏ tong tong lên áo, mắt cận nheo lại thật chú ý.
Một tiếng nổ lớn vang lên, Khoa thấy Sơn chạy ra khỏi cửa hang của địch khi nó đang cháy ngùn ngụt và đám lửa gần như đã có thể chặn kín lối ra vào hầm. Anh giơ cao lá cờ quân giải phóng, phất lên đầy phấn khích và tự hào. Anh em chúng Khoa choàng dậy, phía sau anh còn có người đi tập kích cùng anh, tất cả đều đã bình an trở về.
- Sơn! Sơn ơi! Anh làm được rồi! – Khoa dang tay chạy về phía anh, khiến Sơn ôm em trong khi lá cờ quân giải phóng vẫn tung bay. Cảnh đẹp nao lòng, anh ôm em trong vòng tay, đất nước ôm trọn kiếp mình, trên dải đất quê hương ta.
Sơn lao đến ôm Khoa thật chặt, thì thầm khi buồng phổi đã đẫy đà mùi thảo mộc nơi em, ghì lấy vòng eo Khoa mà rằng: "Viện binh đến rồi", thanh âm bùng nhùng trong tiếng hò reo bắt sống quân địch. Khoa ngửi thấy mùi thuốc sùng, mùi khói bom và một chút mảnh áo bị cháy từ anh, lòng nao nao. Nhưng hương nhài quen thuộc nơi anh đã nhanh chóng xóa nhòa đi mọi lo lắng trong lòng chàng quân y. Anh đã ở đây, an toàn trong vòng tay cậu rồi. Khoa bám riệt lấy Sơn như thể cậu sẽ mất đi anh, hai chân đu chặt lấy người anh như mấy dây bầu bí trên giàn mẹ chăm hồi Khoa còn ở quê nhà. Anh cũng ôm cậu, ôm bằng tất cả sức lực của cả khoảng thời gian chờ đợi vừa rồi. Người sợ em đi mất, sẽ giống cha anh, bỏ lại anh với những mớ dây lộn nhộn của chiến tranh này.
Tóc anh ướt mồ hôi dấp dính hai bên thái dương, ánh nâu cháy nắng lóe lên trong màu vàng rọi của mặt trời một trưa hè, vai áo lỗ chỗ những vết thủng, hoặc do đạn sượt qua, hoặc do từng bị thương do đi làm nhiệm vụ, tất thảy kiến tạo một vẻ đẹp mà Khoa vừa buông đã vội choàng lấy ôm lần nữa.
"Đừng, đừng nhìn ai khác", Khoa đã thì thầm như thế, bồng bột và thẳng thắn, tinh tế và khẽ khàng, vừa đủ để anh nghe thấy, vừa đủ để đôi gò má cùng vành tai đỏ lựng, đủ để cả hai biết mình sắp là của nhau. Đưa tay vỗ về tấm lưng nhỏ của Khoa, anh khẽ dỗ dành: "Ừ, anh đây, anh chỉ nhìn mỗi em thôi", một lời nói bằng cả quãng thời gian chứng minh tình cảm chân thành của mình, bằng ngưỡng mộ và tin tưởng, bằng yêu thương và trìu mến.
- Mình về nhà nào.
Khoa ôm anh chặt hơn, dụi lên vai Sơn mi mắt đã ướt nhèm của mình, khẽ gật mà không nói gì. "Nhà", là cách anh em gọi những hầm căn cứ chỉ huy. Ở đó, họ là một gia đình, và không một sợi dây gắn kết nào có thể bền chặt hơn lòng yêu nước và tinh thần nhiệt huyết cách mạng của tất cả những chiến sĩ yêu nước nơi ấy.
- Khoa ơi buông nó ra cho nó nghỉ xem nào, không sợ anh Sơn mỏi lưng à? – Anh Tập chỉ huy đùa.
Khoa đỏ mặt, chôn mặt sâu hơn vào hõm vai anh, mang tất thảy tình cảm giấu đi, trọn lòng mình.
- Em ấy buông ra em mới mỏi. – Sơn nạt khẽ anh Tập, chẳng nể nang gì.
Đêm đến, Sơn đã ngả lưng bên cạnh Khoa. Anh chỉ tay, Khoa dõi theo hướng anh, ngắm bóng trăng soi ngoài cửa sổ. Chậm rãi, Sơn thầm thì đầy yêu thương:
- Hoa nhài trắng mang ý nghĩa gì, Khoa có nghe chưa?
- Em chưa. Đại diện cho anh à?
- Với em thì là vậy — Anh nhẹ giọng — còn với anh thì là sự chung thủy, tình cảm của anh dành cho Khoa đấy. Anh yêu Khoa, Khoa có biết không?
Hương hoa nhài nơi anh lại được dịp quấn lấy xung quanh Khoa, và thanh âm nơi anh giờ đây nhẹ nhàng hơn bao giờ hết. Trái tim Khoa được vá lại cẩn thận. Cậu chưa bao giờ nuôi trong mình một thứ tình cảm lạ lẫm và mới mẻ đến thế khi chính Khoa cũng chưa trải qua, và cũng chưa thể định hình. Cậu không bất ngờ, bởi Khoa cũng cảm nhận được trái tim trẻ trung của Sơn, với những nhịp đập mạnh mẽ mỗi khi họ ở gần nhau. Cậu cảm nhận được ánh mắt của Sơn, luôn dõi theo mình, hơn cả một gia đình. Khoa ôm anh, không đáp lại, nép vào lòng anh, thẹn thùng và bẽn lẽn, và Sơn vẫn cười rất dịu dàng, đón lấy em. Sơn luôn như thế, luôn ẩn nhẫn, mềm mại và duyên dáng mỗi khi xa rời đất chiến, đúng với xuất thân cao quý của anh.
- Em biết, em cũng thế.
Thấy Sơn đã thở đều, hai mi mắt Khoa cũng đã díu lại. Nhưng giây phút này đây, Khoa là kẻ hạnh phúc nhất rồi. Sơn đã ở đây với Khoa rồi. Hai người vẫn lại ríu rít với nhau như đôi chim trẻ, các anh em trong căn cứ thấy hai người cứ như thế với nhau từ trước giờ nên chẳng hỏi gì. Nào ai biết, Sơn Khoa đã đến với nhau, Khoa yêu anh, và Sơn cũng vậy.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top