2.Lập dị
Tại sao nạn bắt nạt xảy ra nhiều trong các trường học đến vậy? Ái chà, tôi nghĩ là những đứa trẻ không có nhiều lí do cho hành động bắt nạt lắm, tôi có hỏi qua vài đứa em và chúng trả lời đại loại như "bạn ấy ghét bạn kia nên bạn ấy bắt bạt" "bạn ấy muốn được chú ý" "bố mẹ bạn ấy lúc nào chả bênh nên bạn í cứ thế ấy chị",...
hồi học tiểu học, tôi bị bạn bè gọi là đồ lập dị và bị xa lánh bởi vì tôi...thích đọc sách. Phải, tôi là một con mọt sách nhưng không vì thế mà khả năng viết lách của tôi khá khẩm lên và cũng phải dũng cảm lắm tôi mới gác cọ vẽ để tập tành viết này viết nọ. Quay lại vấn đề chính, sách là nguồn tri thức cuốn hút tôi nhất thời bấy giờ, người lớn coi đó là một sở thích tốt đẹp, nhưng với đám trẻ lúc ấy, sách là một cơn ác mộng, nhàm chán, kinh khủng và mệt mỏi, và hẳn là người thích sách thì cũng sẽ như vậy. tôi cũng thích chơi điện tử, cũng thích chơi búp bê và xem hoạt hình, nhưng khi đi học tôi vẫn thích đọc hơn rất nhiều, tôi đọc mỗi giờ ra chơi và mỗi giờ nghỉ trưa. Nhưng tôi không thể chịu được sự kì thị và cô lập của các bạn.
Gia đình tôi là một gia đình bình thường, thế nên tôi cũng chỉ đi học ở một trường làng công lập với số học sinh nhiều đến choáng ngợp, lớp tôi: 55 người. và chỉ có tôi, bị cô lập với cái lí do "cực nghiêm trọng"-như đám trẻ vẫn rêu rao cho các lớp cùng khối. Vậy nên, tôi bỏ việc đọc sách, bỏ đi vẻ ngoài nữ tính mềm mỏng.
Tôi trở thành một đứa trẻ cứng cỏi, và không biết từ bao giờ, tôi cắt tóc và hành xử như một đứa con trai, tôi quên mất tôi là ai, quên mất mình thích điều gì, tôi chỉ chăm chăm làm những điều mà người lớn sẽ thích, những điều mà đám trẻ sẽ chấp nhận được, và dần dần, tôi, đánh mất bản thân, nhưng đổi lại là sự chấp thuận của đám trẻ và sự khen ngợi của cha mẹ thầy cô. Có lẽ lúc ấy tôi chưa đủ tỉnh táo để nghĩ đến hậu quả về sau này, nhưng lúc ấy tôi hạnh phúc lắm, tôi tự tin nói với mẹ rằng "các bạn đều yêu quí con"
Không lâu sau đó, tôi nhận ra khi tôi không còn là kẻ lập dị, đám trẻ đã nhanh chóng tìm ra một "kẻ lập dị" khác để chỉ trỏ. Đó là một cô bé gầy gò đen nhẻm, khéo tay nhưng học hành không giỏi lắm, và chúng lại truyền tai nhau con bé ấy chơi với một học sinh tự kỉ, nên hẳn là con bé cũng vậy
Lần này tôi đứng ở vị trí của đám trẻ, nhìn xuống đầy tự hào khi mình là kẻ "cao hơn" "tốt hơn". Nhưng tôi nhận ra rồi, không tôi thì sẽ là kẻ khác, không phải người này thì người kia. Người ta luôn cần có một kẻ bị đẩy xuống đáy, bị chà đạp để người ta tha hồ mà bàn tán, tha hồ mà nói móc méo. Không chỉ trẻ con mà tôi nhận ra người lớn cũng vậy. Chỉ là họ cũng nhận thức được điều ấy như tôi bây giờ-như một phần của sự phát triển, họ chấp nhận nó như một lẽ tự nhiên, số ít sẽ đứng lên giành lại quyền lợi của mình, số còn lại âm thầm chịu đựng. Không có ai sẽ giúp họ sao? có chứ, ngày hôm ấy tôi đã tự đạp mình xuống bùn khi đứng ra bảo vệ cho cô bé tội nghiệp cầm trên tay con hạc giấy bị dẫm nát bét. Tôi lại bị cô lập, nhưng tôi không cô đơn nữa vì tôi có một người bạn dễ thương hết sức đây rồi. Tôi giới thiệu cho cậu ấy những quyển sách tôi thích, đổi lại, cậu ấy luôn mang theo những viên kẹo thật ngon cho tôi và dạy tôi gấp hạc giấy, gấp con công, con vẹt,...và năm cuối cấp ấy, mẹ cậu chạy đến ôm tôi và cảm ơn tôi đã làm bạn với đứa con gái bé bỏng của bà.
Tôi không còn sợ hãi khi bị gọi là kẻ lập dị và bị bạn bè xa lánh nữa, tôi không lập dị, bạn cũng vậy, chúng ta chỉ chưa chơi với đúng người và ở môi trường hợp với chúng ta thôi. Hay như một đứa trẻ: chả sao cả, cậu bị xa lánh, tớ cũng thế, mình chơi với nhau đi.
Mối quan hệ của hai con người được hình thành, cũng từ những việc như vậy thôi, ít nhất là tôi nghĩ vậy.
Hiện giờ, tôi vẫn là một con mọt sách nhưng chẳng ai có ý kiến gì về điều ấy cả, nhưng tôi vẫn đang cố hết sức để chữa lành đứa trẻ trong tôi và tìm lại bản thân của ngày xưa, một tôi nữ tính và yêu thích văn thơ. Tôi vẫn là tôi, vẫn cố sức làm hài lòng người khác nhưng lần này tôi sẽ làm hài lòng cả tôi nữa.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top