Đừng làm kính vỡ (Thượng)


Tên: 别打碎玻璃
Tác giả: 小居里
Dịch: Ngọc Hinh Hi
Kết: SE

"Chúng tôi đã hại chết Chu Chí Hâm."

***

Gia đình ở tầng trên chuẩn bị kết hôn.

Mẹ nói với tôi, là hai người con trai. Một người cao một người thấp, người cao có tướng mạo anh tuấn, làn da hơi ngăm, đứng trước mặt tôi thì có thể che hết cả bầu trời, đôi chân dài thẳng tắp. Người thấp có thân hình nhỏ nhắn, khung xương mảnh mai như muốn đâm thủng lớp vải áo, tóc em rất dài, tôi chỉ có thể nhìn thấy khuôn mặt em qua những kẽ tóc, trông giống cục bánh mochi lắm, trắng ngần như tuyết, trên cục bánh mochi có đôi mắt đen láy, xinh đẹp như người chị gái từng đi du học của tôi vậy.

Chị tôi đã học được một chút kiến thức tiên tiến ở nước ngoài, chị nói chúng ta phải tôn trọng họ. Ngày đầu tiên chuyển đến đây, cả hai đã đến từng nhà để chào hỏi, người thấp trốn trong bóng râm, tay nắm chặt tay vạt áo của người cao.

Người cao đưa một tấm thiệp đỏ hơi nhàu ra, da tay nứt nẻ nhưng các kẽ tay lại rất sạch sẽ, chẳng giống như kẽ tay đen sì của tôi, mẹ tôi thường mắng tôi vì không chịu rửa tay. Tôi nghĩ, có rửa cũng không sạch được như thế. Tôi rướn cổ lên dọc theo những ngón tay của anh, kiễng chân để nhìn rõ hai nét mực đen nghiêng ngả được ghi trên thiệp mời.

Chị gái nhanh tay chộp lấy, cười hihi nói với họ rằng nhất định sẽ đến dự, người cao nở nụ cười để lộ hàm răng trắng sáng như trút được gánh nặng.

Họ quay người rời đi, người thấp vẫn đang nắm chặt vạt áo của anh, chậm rãi lê bước theo sau, giống như chẳng muốn nhìn thấy tôi thì phải. Trước khi đóng cửa, tối đã trông thấy người cao nắm tay lấy bàn tay đang kéo vạt áo mình, tôi biết họ còn phải nhanh chóng đến đưa thiệp mời cho nhà tiếp theo.

Tấm thiệp được đặt trên bàn. Đến tối, mẹ tôi tan làm về nhà thấy chị đang tám chuyện điện thoại ngoài ban công, làn gió thổi bay mái tóc xoăn mới uốn mấy hôm trước của chị, từng lọn tóc giống như chiếc bánh souffle mà tôi từng ăn, trông vừa đẹp vừa ngon.

Tôi nhìn bóng lưng chị mà hâm mộ biết mấy, chẳng để ý mẹ đã đến bên cạnh và cầm tấm thiệp đỏ lên, mẹ cau mày như nhìn thấy bảng điểm thành tích của tôi vậy, nhìn đi nhìn lại hồi lâu.

Niếp Niếp, gì đây.

Mẹ đang gọi tôi, nhưng ánh mắt tôi vẫn đang chu du trên mái tóc xoăn của chị, tôi chỉ lớn tiếng trả lời mẹ rằng: Thiệp mời đấy ạ! Của hai anh trai vừa mới chuyển đến ở tầng trên!

Mẹ tôi rất tò mò nên ngắm nghía thêm một lúc nữa, chị tôi cúp điện thoại rồi đi tới, bộ nail đính những viên pha lê của chị chỉ vào tờ giấy, vô cùng thân thiết gọi mẹ tôi, mợ à, đây là thiệp cưới của người ta, mời mợ đến uống rượu mừng đấy.

Tôi thấy chị vui lắm, còn mẹ thì gấp tờ giấy lại rồi ném vào thùng rác như ném một con bọ, giống như đang trách tôi, như đang kinh tởm, con nhận mấy thứ này làm gì? Con cũng muốn ăn bữa cơm không sạch sẽ đó à?

Tôi còn chưa kịp nói gì thì chị đã trở nên sốt ruột, chị ra vẻ tri thức đứng khoanh tay nhìn tôi và mẹ tôi, người ta tự do yêu đương, tự do kết hôn, dù là nam hay nữ thì cũng là quyền của người ta....

Chị bắt đầu bước vào một bài phát biểu dài ngoằng, như muốn mở một buổi diễn thuyết của riêng mình, mẹ tôi cũng gật đầu cho có lệ, sau cùng, chị kết thúc bài diễn thuyết bằng một câu, mợ với em chả hiểu gì cả. Rồi mẹ kéo tôi vào nhà vệ sinh, thấp giọng dạy dỗ tôi, bớt nghe chị con nói bậy bạ lại nghe chưa.

Mẹ phẫn nộ vỗ bọt xà phòng lên mặt mình, cả nhà cô con ai cũng thích làm màu hết, chị con chẳng học được cái gì tốt đẹp cả, mẹ nói với con, bớt học theo tư tưởng nước ngoài của chị con lại, học những thứ ở trường lớp là được rồi.

Mẹ lầm bầm nói chuyện với tôi, tôi ngồi bên cạnh vừa ngâm chân vừa lắng nghe, nhưng lời mẹ nói tôi đều coi như nước đổ đầu vịt, chỉ nghĩ làm thế nào để nhặt tấm thiệp đó về đây.

Mẹ tôi ngủ sớm, tôi bật ngọn đèn nhỏ rồi nằm trong chăn đọc truyện tranh đến nửa đêm, đến khi nghe tiếng ngáy của mẹ thì tôi mới rón rén ra ngoài nhặt tấm thiệp bị mẹ tôi vứt vào sọt rác về.

Tôi mở ra xem, chữ viết trên đó còn xấu hơn chữ của tôi, nhưng mỗi nét đều rất ngay ngắn, bên trong viết hai hàng chữ: Lưu Diệu Văn, Chu Chí Hâm.

Tôi đang nghĩ đến hai người ấy, cẩn thận dán lại hai hàng chữ màu đen bằng băng dính trong suốt, phần còn lại trở nên cực kỳ mỏng, tôi trải tờ giấy đỏ ra rồi kẹp nó vào sách ngữ văn, chỉ vì trên đó phủ những hạt phấn vàng làm tôi thích mê, ngày mai dùng nó để gấp hạc cũng được.

Tôi không để tâm đến tấm thiệp mời lắm. Hôm sau đi học, tôi ngồi gấp sao với cậu bạn mập nhà hàng xóm hết cả tiết, tôi bảo muốn gấp hạc giấy, nhưng cậu ấy lại bảo gấp sao đẹp hơn. Sau đó, tôi bỏ sao giấy vào túi rồi về nhà, thấy dưới lầu treo hai bánh pháo hoa, giấy vụn của pháo vương vãi khắp nền đất, chắc vừa đốt chưa lâu, xung quanh vẫn tỏa khói mịt mù.

Trước cổng chung cư có một quán cơm nhỏ, tôi biết quán này, món sườn xào chua ngọt ở đây ngon cực, lần trước tôi đạt điểm tối đa môn vật lý nên mẹ đã mua cho tôi một đĩa lớn.

Trưa nay mẹ không về, theo thói quen thì sáng sớm mẹ sẽ nấu cả bữa trưa rồi để vào tủ lạnh cho tôi, đợi tôi đi học về hâm nóng lại rồi ăn. Tôi đứng ở cửa quán cơm, vừa xoa bụng vừa ngó vào trong để xem.

Quán cơm ngày thường vẫn nhộn nhịp nay lại chẳng có một bóng người, trên mỗi bàn ăn đều bày vài món và rượu, khăn trải bàn màu đỏ, còn có cả hạt dưa và đậu phộng, trông như bữa tiệc chúc mừng.

Hai anh trai hôm qua đến nhà tôi gửi thiệp mời nắm tay nhau bước qua cửa ô, người thấp lo lắng nói nhỏ: "Văn ca, sao không ai tới vậy."

Người cao ôm lấy vai em rồi dỗ dành, không sao, hôm nay mọi người đều bận rồi.

Tôi đứng nhìn hai người họ một lúc, cả hai cứ im lặng đứng đó, giống như hai nhịp cầu bắc qua dòng sông yên tĩnh, người cao quan sát xung quanh, lúc trông thấy tôi thì hai mắt sáng lên, ra sức vẫy tay với tôi: "Niếp Niếp, em tan học rồi à!"

Tôi gật đầu, chợt nhớ lại những lời mẹ tôi nói, không muốn tôi đến gần bọn họ, thế nên tôi chỉ chào hỏi lấy lệ rồi quay người bỏ đi, tôi đi sát vào chân tường, chỉ muốn nhanh nhanh về nhà mình.

Nhưng hôm đó tôi lại không mang chìa khóa. Lục tìm hết các túi áo, trong đó chỉ có mấy tờ tiền hào nhàu nát, còn chẳng đủ để mua một cây kẹo mút. Tôi chạy vội xuống lầu, lại chạy ngang quán cơm, chẳng biết ông chủ đi đâu rồi, người cao đang ngồi xổm dưới đất, còn người thấp thì ngoan ngoãn ngồi trên ghế, hình như cả hai đang thì thầm với nhau điều gì đó, không lâu sau thì người thấp bật cười, thế là người cao cũng cười theo, còn đặt một nụ hôn vào lòng bàn tay của em nữa.

"Aiya!" - tiếng kêu ấy làm tôi giật cả mình.

Tôi quay lại nhìn, thì ra là chị Trần San ở tầng dưới, trông chị như vừa nhìn thấy thứ gì đó bẩn thỉu lắm vậy, chị huơ tay rồi bỏ chạy mất, chiếc váy ngắn cũng không ngăn được đôi chân vội vàng của chị, tôi nhìn đôi giày cao gót nhỏ của chị, ai dà, tôi chưa bao giờ thấy chị Trần San dặt dẹo lại đi nhanh như thế đấy.

Người đi rồi mà giọng vẫn cứ văng vẳng không ngừng, chị là người Thượng Hải, cái giọng mắng của người Thượng Hải thì nhớp nháp và cứ the thé: "Gớm quá đi mất, biết tôi vừa nhìn thấy gì không, hai thằng con trai dính nhau một chỗ, chết mất thôi, nghiệp chướng quá...."

Khổ thân chị San, tiểu ca vũ trường mắng người ta còn phải làm bộ làm tịch, tôi không hứng thú nhìn mông chị San nữa, người cao áy náy cười với tôi, nhưng người thấp lại có vẻ sợ hãi, trông em như muốn khóc.

Đột nhiên tôi chẳng biết phải làm thế nào cả. Tôi lê bước từ từ rời đi, người cao vội gọi tôi lại: "Niếp Niếp, mẹ em không ở nhà, vào đây ăn trưa đi."

Tôi không thể từ chối tiếp được. Dù có bị mẹ mắng thì thôi cũng không thể cưỡng lại sức hấp dẫn với món sườn xào chua ngọt được. Tôi ngồi xuống ăn một cách nghiêm túc, không biết tại sao người thấp lại rất quan tâm tôi, em chống cằm nhìn tôi ăn, khuôn mặt tròn tròn như viên bánh trôi nở nụ cười để lộ hai lúm đồng tiền hạnh phúc.

Lần đầu tiên tôi nghe em nói chuyện, giọng nói thanh thoát, như viên bạc hà mà tôi mua vậy.

"Cậu ăn chậm thôi, còn nhiều đồ ăn mà, không ai dành với cậu đâu."

Miệng tôi nhai cơm, ậm ờ trả lời: "Còn người khác đến nữa mà?"

Nụ cười của em chợt tắt, chỉ còn đôi mắt ngấn nước, em nắm chặt cánh tay của người cao, băn khoăn không biết nên trả lời tôi thế nào.

Người cao nở nụ cười gượng gạo: "Bọn họ không đến nữa, hôm nay chỉ có mình em thôi."

Bọn họ gửi thiệp mời đến từng hộ gia đình, mời hết cả tòa nhà luôn, nhưng cuối cùng lại chỉ mình tôi đến chung vui với họ. Trong lòng tôi chợt thấy áy náy, bèn làm theo dáng vẻ người lớn, rót rượu mời hai người họ: "Được rồi, em chúc hai anh tân hôn vui vẻ nhé."

Người thấp nghe được câu này thì vui mừng cụng ly với tôi, em vừa uống rượu vào thì da mặt đã đỏ ngay, người cao giữ tay em lại, dỗ dành: "Uống ít thôi, bác sĩ dặn không được uống rượu."

"Em vui mà, Văn ca, chúng ta kết hôn rồi, anh vui không?"

"Anh cũng vui lắm, nhưng em còn phải uống thuốc nữa, không được uống rượu đâu, ngoan...."

Cả hai thì thầm nói chuyện với nhau, tôi ăn xong thì phải đi học tiếp, trước khi đi chợt nhớ ra còn chưa tặng quà cho họ nữa.

Tôi lôi hết những ngôi sao giấy ra khỏi túi rồi đặt lên bàn, mấy ngôi sao nhỏ bị tôi làm bẹp gần hết, còn dính một ít bụi trong túi quần nữa, tôi tặng hết cho bọn họ, xem như là quà cưới của mình.

Người thấp thích lắm, cầm chúng lên ngắm nghía rồi cười mãi, người cao đứng dậy gật đầu nhỏ giọng nói cảm ơn với tôi.

Cảm ơn gì chứ, đây vốn là thiệp mời của bọn họ mà.

Tối về, mẹ đang ngồi ở phòng khách đợi tôi, không biết ai nói với mẹ rằng tôi ăn tiệc ở dưới lầu, mẹ tức đến nỗi cầm chổi lông gà đánh tôi.

Tôi bị đánh cũng ấm ức lắm chứ, mẹ quất mạnh cây chổi, mắng tôi: ai cho mày đi hả! Mày nhịn một bữa thì chết à! Ăn của nhà đó đều sẽ bị lây bệnh đấy! Hai thằng con trai vô liêm sỉ, lại còn chạy qua đó góp vui, mày xem cả tòa nhà này có ai đến không, mày thích làm mẹ mày mất mặt lắm hả, qua ở với chúng nó luôn đi, thật làm mẹ mày tức chết mà!

Tôi ôm mặt khóc nức nở, tôi sợ cây roi quất trúng mặt mình, mẹ tôi túm tóc rồi chỉ vào mặt tôi: Sau này mà còn lại gần chúng nó nữa, tao đánh què chân mày!

Bữa cơm ấy làm tôi sợ chết khiếp, tôi không dám cãi lời mẹ nữa, sau khi chị tôi về thì chẳng nói gì cả, chỉ biết thở dài.

Chị không quan tâm đến việc của nhà tôi, nhưng không chừng lại đang thầm đánh giá hai mẹ con tôi, theo như tư tưởng của chị thì chị sẽ nhận xét mẹ tôi là một người ngoan cố và bảo thủ.

Mẹ tôi là một người phụ nữ truyền thống, bà không chấp nhận những sự việc trái với luân thường đạo lý như thế. Nhưng ngược lại, chị tôi rất thường xuyên qua lại với bọn họ, trước khi rời đi còn xách một túi đậu phộng lên tầng trên, chị gọi cả tôi đi nữa nhưng tôi bị mẹ đánh vẫn còn sợ nên chả dám lên tiếng, chỉ dám đứng ở hành lang nghe ngóng.

Tôi nghe thấy người cao nói cảm ơn với chị, chị nói mấy câu chúc phúc rồi chợt nghe trong nhà có tiếng đổ vỡ, người cao vội xin lỗi, tôi nghe anh nói rằng: "Xin lỗi xin lỗi, tình trạng của Chí Hâm không được tốt, có đôi lúc em ấy sẽ bị như vậy, làm phiền mọi người rồi."

Tôi nghĩ thầm, nhà anh có là gì đâu chứ, người đang làm ồn ở đây là bọn em mới đúng.

Tầng trên thường xuyên có tiếng động vào lúc nửa đêm. Khi là tiếng la hét, khi là tiếng đập vỡ đồ đạc, sau đó là tiếng bàn ghế kêu lạch cạch, kéo lê trên sàn nhà, âm ỉ như cắt xoẹt qua thái dương của tôi.

Tôi bị làm tỉnh lúc nửa đêm, không còn nghe thấy tiếng ngáy của mẹ nữa, mẹ tôi mặc áo khoác đang rướn cổ ra ngoài cửa sổ mắng nhiếc: "Quân khốn nạn! Nửa đêm nửa hôm còn không cho người ta ngủ!"

Tôi trốn trong phòng giả vờ ngủ. Tôi nghe nói, Chu Chí Hâm ở tầng trên mắc bệnh gì đó, ngày nào cũng đập phá đồ đạc như lên cơn điên, lúc thì khóc lúc thì cười, người dân trong tòa nhà đôi khi còn chào hỏi với Lưu Diệu Văn vài câu, nhưng khi gặp Chu Chí Hâm lại thấy bực mình.

Tôi nghe chị Trần San ngồi dưới lầu cắn hạt dưa buôn chuyện với mấy chị gái rằng: xinh đẹp như con gái còn mắc bệnh, loại người này tôi thấy nhiều rồi, bán mình leo lên giường đại gia, cũng chỉ có cậu trai họ Lưu đó mới không ghét bỏ thôi, lại còn cưng như bảo bối, không biết là bẩn cỡ nào nữa."

Mấy cô gái cùng tám chuyện chỉ biết thở dài, không biết là ai thấy Lưu Diệu Văn trở về, bèn vỗ vỗ cánh tay chị San, chị không thèm nói gì thậm chí còn thấy ghê tởm hơn, Lưu Diệu Văn nở nụ cười giả tạo đi qua chào chị.

Chị San chưa đi làm à, vũ trường mà thiếu chị thì không được đâu, em nghe nói Lý tổng của Tòa thương mại quốc tế order chị vào tối nay phải không, thân hình này mà không trùng tu thì khéo không được giá tốt đâu đấy.

Chẳng ai dám nói gì cả, chị San giận tìm người, cứng họng không nói được gì, những cô gái kia chỉ thích nghe những chuyện tầm phào, thấy chị như thế cũng chỉ khoanh tay ngồi xem, chị San làm công việc gì thì ai cũng biết, nhưng đây là lần đầu tiên có người dám nói thẳng ra như thế.

Về sau có một hôm, tôi gặp lại Lưu Diệu Văn, trên mặt anh bầm tím cả mảng, bộ đồ công nhân màu xanh rách tả, chân đi khập khiễng, chúng tôi gặp nhau ở cầu thang, tôi thấy anh như thế thì sợ hết hồn.

Nghe nói là bị chị San tìm người đến tính sổ, chị San có rất nhiều tình nhân bên ngoài, chỉ cần chị than vãn và kể khổ rằng mình bị đối xử tệ bạc thì sẽ có người đứng ra đòi lại công bằng cho chị ngay.

Tôi biết hôm đó, anh vừa tan làm thì bị người ta lôi vào trong hẻm, bọn chúng không dám đánh chết người, chỉ mang ý tứ cảnh cáo để anh im miệng mà thôi.

Đây là cái lý lẽ khốn nạn gì vậy chứ, rõ ràng chị San mắng người ta trước, nhưng người bị đánh lại là Lưu Diệu Văn, họ coi thường hai người nên có thể vô cớ dày vò cả hai, họ biết Lưu Diệu Văn sẽ nuốt giận nên mới đánh người một cách liều lĩnh như thế.

Anh thấy tôi như thấy được cứu tinh vậy, anh hỏi tôi có thể cho anh mượn bộ đồ không.

Vì chuyện mẹ đánh tôi nên tôi không tình nguyện cho lắm, tôi hỏi anh sao không về nhà mà thay, anh im lặng một lúc rồi lắc đầu nói với tôi, không được, Chí Hâm nhát gan, anh lo làm em ấy sợ.

Trong lòng tôi vẫn rất thương xót, có lẽ hai chúng ta có cùng cảnh ngộ, đều là những người hiền lành dễ bị bắt nạt. Hôm nay mẹ tôi làm ca đêm, tôi mở cửa cho anh, bảo anh vào nhà tắm thay quần áo.

Anh rất nhanh nhẹn, mới vào được mấy phút đã bước ra rồi, tôi đưa quần áo của bố tôi cho anh mặc, anh gói bộ đồ rách của mình vào túi để mang về.

Lúc đó tôi đang làm đề thi, anh cũng đi qua xem đề bài, tôi chỉ bâng quơ hỏi anh có biết làm không, anh gật đầu, anh nói Chu Chí Hâm biết, em ấy có thể dạy em.

Thực ra tôi không tin, trông hai người họ cũng không lớn hơn tôi bao nhiêu, tôi vẫn đang đi học, nhưng anh đã đi làm, tôi không tin anh có thể dạy được tôi.

Tôi lắc lắc cuộn giấy, cho anh xem hàng chữ tiêu đề.

Đề thi Olympic Vật lý toàn quốc, anh gật đầu, nói với tôi như khoe khoang, Chí Hâm từng tham gia cuộc thi này, cũng từng nhận được giải.

Sau đó tôi mới biết những gì anh nói đều là thật. Chu Chí Hâm dạy kèm vật lý cho tôi suốt một tháng, lần đầu tiên bước vào nhà bọn họ, đồ dùng trong nhà đều rất cũ, nhưng thứ làm tôi thích nhất là kệ sách trong phòng ngủ, trên đó đựng đầy sách và cúp.

Chu Chí Hâm ngại ngùng như cô gái nhỏ, nói với tôi, là Lưu Diệu Văn làm cho mình đấy.

Ngón tay tôi lướt qua hàng sách, La Traviata, Phu nhân Bovary, Đỏ và Đen, còn có Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng, có những quyển tôi biết cũng có những quyển không, tất cả đều rất sạch sẽ gọn gàng, không một nếp gấp.

Một nửa kệ sách dùng để đựng cúp, chiếc cúp nào cũng sáng lấp lánh, góc cạnh rõ ràng, dòng chữ vàng trên đế đều giống nhau, đều khắc tên của Chu Chí Hâm, chúng nói với tôi rằng đây đã từng là vinh quang của em.

Chu Chí Hâm thật sự rất thông minh, em đổ bệnh không liên tục, chỉ ngắt quãng từng cơn, ít nhất là khi học với tôi, em yên tĩnh như một người khỏe mạnh bình thường.

Em giải được hết những công thức phức tạp, trong đầu em chứa một mô tơ mà tôi không thể hiểu được, thật tiếc cho em, sao em lại không đi học chứ. Em còn giỏi hơn cả no1 của lớp tôi nữa, tôi nghĩ, nếu như em đi học, chắc chắn sẽ luôn đạt điểm tối đa.

Tôi gấp vở bài tập lại, nói với em, cậu có muốn đi học với mình không.

Khoảnh khắc ấy em xinh đẹp và nhã nhặn nhường nào, chiếc sơ mi cũ đã ố vàng, nhưng lại rất sạch sẽ khi mặc trên người em. Câu hỏi ấy đang làm em khốn đốn, em cau mày suy nghĩ, rồi nói với tôi rằng, mình không thể đi học.

Nhưng chẳng đợi tôi có được đáp án, Lưu Diệu Văn quay về rồi, vết thương của anh đã gần khỏi, nhưng chân vẫn bước khập khiễng, chỉ khi nhìn thấy Chu Chí Hâm, anh sẽ cố gắng thẳng người, mỗi bước đều đau thấu tâm can, nhưng lại cố nhịn không để cho em phát hiện.

Anh mua gà, mời tôi ở lại ăn cơm, tôi nhớ hôm nay mẹ làm ca ngày, giờ này chắc cũng sắp về rồi, nên vội vàng chào tạm biệt bọn họ.

Hôm sau tôi phải sang thành phố bên cạnh để dự thi, Chu Chí Hâm đứng ở cửa cổ vũ tôi, chiếc cổ của em thon dài, tư thế xinh đẹp tựa chú thiên nga trắng.

Em nói, Niếp Niếp, chắc chắn cậu sẽ làm được.

Lúc đó tôi không hiểu ý tứ trong ánh mắt của em, Lưu Diệu Văn ôm vai em, sau khi cánh cửa đóng lại, tôi nghe có tiếng người nói chuyện bên trong.

"Chí Hâm, em cũng giỏi lắm."

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top