Thế nhưng suốt một năm sau đó, Châu Kha Vũ cũng không đợi được Lưu Chương. Hay nói đúng hơn, là anh không hề lên thị trấn tìm nó một lần nào.

Nhà máy dầu hào của mẹ nó càng ngày càng khấm khá, lợi nhuận mỗi kỳ đều tăng cao, thành công này khiến bà động tâm, không muốn đứa con thông minh vì theo mẹ tới vùng biển xa xôi mà lỡ mất cơ hội học tập tốt nhất. Bà từ chối thật lâu, cuối cùng cũng quyết định vì tương lai con cái, chẳng sợ mình lại phải vất vả bươn chải vài năm nữa, bán đi nhà máy dầu hào đang không ngừng phát triển. Cầm theo số vốn này làm hành trang, bà dắt Châu Kha Vũ trở lại thủ đô. Hai mẹ con một lần nữa, về với ngôi nhà ngập tràn những kỉ niệm khi trước.

Vận mệnh tựa như chiếc bánh xe, kể từ thời điểm Châu Kha Vũ chuyển nhà đã bắt đầu lăn đi. Khoảng cách vật lý giữa nó và Lưu Chương càng lúc càng cách trở. Thậm chí ngay trước ngày chuyển về thủ đô sống, nó cũng không trò chuyện với anh được một lần. Nó nhấc điện thoại, gọi về cho ông Sáu nơi căn phòng nhỏ hẹp trên đỉnh hải đăng, trông cậy ông có thể chuyển cho anh một chút tin tức này nếu anh còn ghé đến.

Căn nhà thủ đô đã mấy năm không dùng đến, lần này quay về bỗng nhiên mang tới một cảm giác xa lạ. Không khí thành phố lớn so với nơi trời biển mênh mông nặng nhọc và ồn ã, vĩnh viễn chứa đựng khói bụi công nghiệp đi cùng sự hỗn tạp trong từng hơi thở.

Châu Kha Vũ bước vào phòng ngủ của mình ngày xưa, vươn tay mở tung cửa sổ đón lấy ánh nắng và khí trời. Trong một khắc, nó bỗng hồi tưởng lại mùi thuốc lá tự chế quá nồng của ông Sáu, cả mùi dầu gió thoang thoảng lẫn trong mùi mồ hôi và gió biển mằn mặn của cái gối cũ độn rơm khô.

Hồi tưởng lại những chùm sáng xoay tròn lóa mắt, đều đặn quét ngang cả một vùng biển trong đêm. Cả những tiếng gió rít giữa trời, hay những con sóng xô bờ chẳng bao giờ ngừng lại.

.

“Alo, Châu Kha Vũ!”

Thế mà rốt cục, nó cũng chờ được cuộc điện thoại kia. Giọng Lưu Chương vang vọng trong ống nghe, vẫn sang sảng như thế, mà nó ở một đầu dây chỉ cần đón lấy âm thanh ấy, cũng có thể tưởng tượng thật rõ ràng nụ cười tươi tắn đang nở rộng trên môi anh. Chín giờ đêm, đèn đuốc nơi thị thành vẫn sáng trưng cả loạt, nhưng làng chài nhỏ bé bên bờ biển kia hẳn đã chìm vào bóng tối.

“Alo!” Nó đáp lại, giấu đi một chút hồi hộp trong giọng nói. “Em… anh dạo này thế nào?”

“Haha, anh đương nhiên là ngon lành rồi.” Người bên kia có vẻ thật hào hứng. “Để kể em nghe, anh tìm được việc làm rồi, làm phụ bếp cho một nhà hàng nha. Ông chủ tốt lắm luôn, bao ăn ngày hai bữa. Còn em sao, lại chuyển về nhà cảm giác thế nào?”

“Ừm… cũng tốt lắm ạ. Chỉ là chương trình hơi khó thôi, thầy bảo em học trễ hơi lâu rồi. Phải cố mà học bù.”

“Thế thì chẳng sao, Kha Vũ nhà mình thông minh nhất mà. Anh tin em, kiểu gì cũng sẽ leo lên hạng nhất!”

Sau khi về lại thủ đô, công việc của mẹ Châu Kha Vũ càng thêm bận rộn - trong nhà thường xuyên chỉ có một mình nó. Nó thích đem tập vở ra ngồi gần cửa sổ, mở toang đón gió, bất kể tiết trời là hè hay đông, sau đó cắm cúi làm bài tập. Cảm giác quen thuộc của những cơn gió vuốt ve gò má khiến cho ban đầu nó còn vô thức ngẩng mặt gọi Lưu Chương. Nhưng không tới một giây sau lại nhanh chóng ý thức được, hai đứa vốn dĩ tách ra cũng lâu rồi.

Mặc dù không còn bị muỗi dĩn quấy rầy nữa, nó vẫn giữ thói quen nhỏ một chút dầu gió lên mặt gối và giường nệm. Hương bạc hà mát mẻ hơi cay đó, mang theo những mảnh ký ức vụn vặt vẫn kiên trì theo nó vào mỗi giấc mơ.

Lưu Chương có được số điện thoại nhà Châu Kha Vũ, vậy là đôi khi sẽ tranh thủ những buổi nghỉ ở nhà hàng gọi điện về cho nó. Nhà hàng xếp ca nghỉ thay phiên, cứ cách tám ngày anh mới lại được nghỉ ngơi một buổi.

Kiểu lịch trình này mang tới một cảm giác lệch pha khó chịu với chế độ nghỉ cuối tuần thông thường, nên Châu Kha Vũ không có cách nào khác đành phải dành tiền tiêu vặt ra mua một quyển lịch nhỏ. Nó đánh dấu tỉ mỉ từng ngày nghỉ trong tháng của anh, sau đó cứ mỗi ngày qua đi lại được gạch thêm một dấu chéo đỏ thẫm; những dấu đỏ cứ thế nhiều thêm, những ngày hai đứa có thể nói chuyện cũng mỗi lúc một gần.

Thực ra có rất nhiều thứ nói trong điện thoại thì không rõ ràng lắm, tiền cước cũng không cho phép Lưu Chương kể hết cho nó từng chi tiết vụn vặt trong cuộc sống của anh. Câu chuyện của anh xoay quanh những ngày đứng trong bếp sơ chế nguyên liệu, cặm cụi với đủ thứ việc không nề hà, hết xương cá tới vỏ tôm cứa vào lòng bàn tay và những ngón tay thon từng xoa đầu nó, lưu lại vô số vết sẹo dọc ngang đan xen nho nhỏ.

Những vết sẹo này, có cái chỉ là đường gạch trắng mờ, có cái rạch sâu vào da thịt, để lại dấu tích đậm nét hơn. Sau đó vì vẫn thường xuyên ngâm trong nước, những miếng da non ở miệng vết thương càng thêm trắng bệch, nổi bật đến gai mắt trên làn da bánh mật vì phơi nắng ròng rã, kể từ cái ngày anh cất tiếng khóc chào đời bên bờ biển.

Điều may mắn là Lưu Chương rất chăm chỉ, anh sẽ không lười biếng qua loa mà lúc nào cũng cẩn thận hoàn thành tốt từng phần việc của mình. Bà vợ ông chủ vô cùng thích anh, cũng thương thằng nhỏ đang tuổi ăn tuổi lớn, nên sau giờ tan ca buổi tối thường hay gói lại cho anh một chút đồ ăn còn dư mang về nhà.

Anh lại vốn là dạng lanh lợi, biết quan sát sắc mặt của người khác, đôi má đang dần dần có thịt cũng vui vẻ dâng lên một nụ cười biết ơn. Khoảng thời gian sau, ông chủ điều anh sang vị trí khác, không còn vùi đầu sau bếp sơ chế cá tôm nữa, mà chuyển qua chân chạy bàn. Một nhà hàng nho nhỏ, diện tích không rộng lắm, Lưu Chương thế mà có thể chạy rã cả cẳng chân trong một ca làm, buồng phổi hoạt động hết công suất tới mức khàn cả giọng.

Nhưng anh cũng rất được lòng khách hàng, cái miệng ngọt dẻo quẹo cứ “chú ơi”, “thím à” gọi đến là hồ hởi. Tuy doanh thu nhà hàng không tăng cao đột biến, nhưng tâm tình khách khứa thân quen thì vui vẻ hơn nhiều. Ông chủ hài lòng, tăng lương cho Lưu Chương, thậm chí còn chủ động đợi tới ngày anh xin nghỉ phép về nhà, tặng anh một vò rượu.

“Cầm về cho bố mi, ổng thích mà đúng chớ?”

Càng gần cấp ba, cuộc sống của Châu Kha Vũ càng trở nên bận rộn. Mẹ nó thuê thêm một cô giúp việc, ngày ba bữa nấu nướng và dọn dẹp chu đáo, càng ngày nó càng ít gặp mẹ hơn, càng ngày càng dành phần lớn thời gian vùi đầu vào sách vở.

Nhịp sống hối hả ở thành phố lớn đôi khi sẽ khiến nó nghĩ về làng chài và nắng gió trong ký ức tựa như một giấc mơ. Bởi chỉ có trong mơ mới có một vùng biển xinh đẹp như vậy, mới có thứ cảm giác tuyệt đối tự do như thể được bay lượn giữa trời xanh như vậy. Lưu Chương là mối liên hệ duy nhất giữa nó và vùng non nước thần tiên ấy, chỉ nhờ anh, nó mới có thể cẩn thận bảo vệ trái tim non nớt đã nhờ gió biển dịu dàng ôm ấp và vuốt ve của mình.

“Anh có một kế hoạch đó, Kha Vũ,” cuộc gọi hôm ấy, nó nghe được giọng điệu không chắc chắn và có đôi phần thiếu tự tin hiếm gặp của Lưu Chương. “Anh muốn… chờ tới khi tiết kiệm được khoảng mười vạn (khoảng 380 triệu) thì sẽ tự mở một nhà hàng.”

“Dẹp anh đi, anh có biết nấu ăn quái đâu.” Châu Kha Vũ một tay cầm điện thoại, tay còn lại lật lật sách bút, miệng nở nụ cười.

“Có mà em không biết í!” Sắc thái giận dỗi rõ tới mức nó có thể tưởng tượng ra anh đang bĩu môi trừng mắt. “Ờ mà đúng, anh quên, mấy năm vừa rồi mình có gặp nhau đâu.” Hình như Lưu Chương đổi vị trí ống nghe, tiếng nói cũng đang từ nhỏ mà trở nên rõ ràng. “Anh tìm được ở nhà một cuốn sổ ghi chép của mẹ ấy, trong đấy toàn công thức nấu ăn thôi.”

“Em không biết mẹ anh nấu ăn ngon đến cỡ nào đâu!”

Nghe những lời này, Châu Kha Vũ đã biết dù có thế nào anh cũng sẽ quyết tâm chạy theo kế hoạch đó. Tái hiện những món ăn mà khi xưa mẹ nấu, nghe như câu chuyện sinh mệnh của cuộc đời Lưu Chương vậy.

“Thế thì tốt, em ủng hộ anh.” Nó mềm giọng đáp lại. “Chờ khi nào anh khai trương, em chắc chắn sẽ đến mở hàng đó.”

“Đảm bảo ngon luôn, công thức của mẹ anh mà!”

.

Thời điểm Châu Kha Vũ vất vả học tập nhất, Lưu Chương cũng liều mạng làm việc điên cuồng. Nó biết anh một năm tăng tới ba bậc lương, rồi cuối cùng xin nghỉ nhà hàng nhỏ, vào nội thành chuyển qua bếp ăn của một khách sạn lớn; ngược lại anh cũng biết nó tham gia nhiều cuộc thi, cầm về tay vô số giải thưởng.

Chờ tới khi nó học năm hai trung học, tiền tiết kiệm của anh trong ngân hàng đã lên gần bảy vạn, mà gia đình nhỏ nơi làng chài cũng tốt hơn. Có thể là do nỗi đau nhiều năm cũng tới ngày phai nhạt, hoặc đứa con trai lâu ngày trở về bỗng cầm theo một vò rượu kính cha - ngày hôm ấy, Lưu Chương chẳng kịp phục trang cho trái tim mình, như lời chú cáo trong cuốn sách ngày xưa hai đứa chụm đầu đọc chung đã dặn dò Hoàng tử. Nụ cười rộng nở trên khuôn mặt, anh đưa tay đẩy tấm gỗ mục làm cánh cửa giữa những bức tường ván, hít đầy một bụng gió biển dõng dạc hô to: “Ba, con mang rượu về cho ba nè!”

Người cha ngồi khuất trong bóng tối, đột ngột bị ánh mặt trời bên ngoài tràn vào và cả nụ cười rạng rỡ chẳng kém ánh dương của thằng con trai độc nhất chiếu sáng nửa khuôn mặt. Bóng dáng người vợ xấu số đã qua đời đột ngột chao đảo trong ký ức, mà thân hình gầy gò cao lêu nghêu của đứa nhỏ ông dứt ruột đẻ ra - chớp mắt mười mấy năm đã trưởng thành tự khi nào, lại cùng lúc mang tới cảm giác thân thương và xa lạ.

Khóe miệng ông cứng nhắc nâng lên, trong lẫn lộn vui mừng và đau đớn.

Dường như chính kể từ khoảnh khắc ấy, ông cũng quyết định phải một lần nữa đứng lên, bắt đầu sống cuộc đời này lần nữa. Đôi tay rắn chắc của người ngư dân đã không còn kìm được run rẩy nhiều năm nay, chưa nói tới cơ thể qua dấu vết thời gian cũng đang rệu rã dần - nhưng có lẽ dù thế nào chăng nữa, thì hẳn cũng vẫn còn là kịp.

Chiếc ống nghe trên vai Châu Kha Vũ không ngừng vang lên giọng kể hào hứng của Lưu Chương, chuyện rằng ba anh lại bắt đầu ra khơi. Anh đã trích một khoản lương nhỏ, giúp ba sửa lại con thuyền cũ mục nhiều năm không còn được hạ thủy của nhà họ.

“Mọi thứ đều đang tốt lên nhiều lắm.” Câu nói của anh mang theo giọng cười không giấu nổi, khiến nó ở đầu dây bên này cũng bất giác mà cười theo. “Anh nói em hay, nhiều nhất là hai năm- không, một năm nữa thôi, anh sẽ tiết kiệm đủ mười vạn tiền vốn đó!”

“Vậy tốt quá, nhà hàng của anh có thể mở được rồi.”

Châu Kha Vũ thật lòng mừng cho anh. Hai đứa gặp nhau trong những năm tháng khốn khổ như thế, sự có mặt của anh như là một phần dưỡng khí đã chảy qua buồng phổi, hòa lẫn cùng vị muối trong những cơn gió biển thổi qua thời thiếu niên, mỗi ngày nhẫn nại nuôi sống và chữa lành cho nó.

“Ừ, anh cũng nói với ba luôn rồi. Tới lúc đó ba sẽ theo lên đây, giúp anh chạy bếp luôn. Hai ba con cùng làm theo công thức của mẹ. Thế còn em, tình hình bên em thì sao?”

“Em á, vẫn vậy thôi,” nó cắn cắn đuôi bút. “Đi học, thi đua, đi học, thi đua… Em còn muốn tham gia đội bóng, nhưng mẹ bảo vậy sẽ ảnh hưởng học tập.”

“Ừ ừ, ảnh hưởng học tập,” Lưu Chương bên kia hẳn cũng đang gật gù. “Cả làng mình chỉ trông đợi có mỗi em đỗ đại học thôi đó. Tới lúc ấy á, anh sinh viên à,” giọng anh hơi nâng lên một chút. “Tự tay anh sẽ dùng số công thức này để nuôi béo em luôn.”

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top