TRANH CHẤP

b. Tranh cháp đất đai và giải quyết tranh chấp về đất đai

- Khái niệm và đặc điểm của tranh chấp đất đai

Các chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật đất đai không phải lúc nào cũng nhất trí với nhau về tất cả các vấn đề trong quan hệ pháp luật, vì thế sẽ xuất hiện những ý kiến khác nhau, những mâu thuẫn, những bất đồng nhất định. Hiện tượng đó được thể hiện trên thực tế bằng những hành động cụ thể và người ta gọi đó là sự tranh chấp.

Vậy tranh chấp đât đai là sự bất đồng, mâu thuẩn hay xung đột về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai.

Đương nhiên, cần phải chú ý rằng chỉ có thể phát sinh tranh chấp đất đai khi các chủ thể trực tiếp thể hiện thái độ thông qua những hành vi nhất định của mình.

Đặc điểm của tranh chấp đất đai:

- Đối tượng của tranh chấp đất đai là quyền quản lý, quyền sử dụng và những lợi ích phát sinh từ quá trình sử dụng một loại tài sản đặc biệt không thuộc quyền sở hữu của các bên tranh chấp;

- Các chủ thể tranh chấp đất đai chỉ là chủ thể quản lý và sử dụng đất, không có quyền sở hữu đối với đất đai;

- Tranh chấp đất đai luôn gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thể nên không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích trực tiếp của các bên tham gia tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước. Vì trước hết, khi xảy ra tranh chấp, một bên không thực hiện được những quyền của mình, do đó ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Tranh chấp đất đai xảy ra sẽ tác động không nhỏ đên tâm lý, tinh thần của các bên, gây nên tình trạng mất ổn định, bất đồng trong nội bộ nhân dân, làm cho những quy định trong pháp luật đất đai cũng như những chính sách của Nhà nước không được thực hiện một cách triệt để.

- Các dạng tranh chấp đất đai

a. Tranh chấp về quyền sử dụng đất

- Tranh chấp giữa những người sử dụng đất với nhau về ranh giới giữa những vùng đất được phép sử dụng và quản lý. Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi hoặc do hai bên không xác định được với nhau;

- Tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong quan hệ thừa kế; quan hệ ly hôn giữa vợ hoặc chồng;

- Đòi lại đất, tài sản gắn liền với đất của người thân trong những giai đoạn trước đây mà qua các cuộc điều chỉnh ruộng đất đã được chia cấp cho người khác;

- Tranh chấp giữa đồng bào dân tộc địa phương với đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới; giữa đồng bào địa phương với các nông trường, lâm trường và các tổ chức sử dụng đất khác.

b. Tranh chấp về quyền va nghĩa vụ phất sinh trong quá trình sử dụng đất.

Việc một bên vi phạm, làm cản trở tới việc thực hiện quyền của phía bên kia hoặc một bên không làm đúng nghĩa vụ của mình cũng phát sinh tranh chấp. Loại tranh chấp này thường thể hiện ở các hình thức như:

- Tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất;

-Tranh chấp về việc bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

c. Tranh chấp về mục đích sử dụng đất.

Đặc biệt là tranh chấp trong nhóm đất nông nghiệp, giữa đất trồng lúa với đất nuôi tôm, giữa đất trồng cà phê với trồng cây cao su; giữa đất hương hoả với đất thổ cư...Trong quá trình phân bổ và sử dụng đất.

Nhiều khi, sự tranh chấp về quyền sử dụng đất dẫn đến sự tranh chấp về địa giới hành chính. loại tranh chấp này thường xảy ra giửa hai tỉnh, hai huyện, hai xã với nhau, tập trung ở những nơi có nguồn lâm thổ sản quý, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hoá, ở vị trí dọc theo các tuyến sông lớn, những vùng có địa giới không rõ ràng, không có mốc giới nhưng là vị trí có tầm quan trọng.

- Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai.

Mỗi tranh chấp đất đai xảy ra đều do những nguyên nhân nhất định, khi đó yếu tố chủ quan, khách quan, yếu tố cơ bản, tạm thời cần được nghiên cứu thận trọng và xử lý một cách kịp thời. Những năm vừa qua, tranh chấp đất đai diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Tuy mức độ, tính chất và phạm vi khác nhau nhưng nhìn chung tranh chấp đất đai đã gây ra hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, cần phải căn cứ vào thực trạng sử dụng đất, vào đường lối, chính sách của Nhà nước, vào những văn bản pháp luật để tìm ra những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, từ đó có những biện pháp giải quyết một cách thoả đáng, góp phần ngăn ngừa và hạn chế tới mức thấp nhất những tranh chấp có thể xảy ra.

Từ thực tế của hiện tượng tranh chấp đất đai có thể rút ra một số nguyên nhân chủ yếu sau:

a. Nguyên nhân khách quan

- Chiến tranh kéo dài đã để lại hậu quả khác nhau trên cả hai miền. Ở miền Bắc sau Cách mạng tháng Tám và sau năm 1953, Đảng và Chính phủ đã tiến hành cải cách ruộng đất, xoá bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất của thực dân, phong kiến, xác lập quyền sở hữu ruộng đất cho người nông dân, Năm 1960, thông qua con đường hợp tác hoá nông nghiệp, ruộng đất của người nông dân được đưa vào làm tư liệu sản xuất chung, thuộc sở hữu tập thể, do đó tình hình sử dụng đất đai tương đối ổn định.

- Ở miền Nam, sau hai cuộc kháng chiến, tình hình sử dụng đất đai có nhiều diễn biến phức tạp hơn. Trong 9 năm kháng chiến chính phủ đã tiến hành chia cấp ruộng đất cho người nông dân hai lần vào năm 1949 - 1950 và năm 1954. Nhưng đến cuối 1957, nguỵ quyền Sài Gòn đã thực hiện việc cải cách điền địa, thực hiện việc " truất hữu" nhằm xoá bỏ thành quả của cách mạng, gây ra những xáo trộn lớn về quyền sở hữu ruộng đất của người nông dân.

Sau năm 1975, Nhà nước đã tiến hành hợp tác hoá nông nghiệp, đồng thời xây dựng hàng loạt các nông trường, lâm trường, trang trại. Nhìn chung, những tổ chức đó bao chiếm nhiều diện tích nhưng sử dụng kém hiệu quả. Đặc biệt, qua hai lần điều chỉnh ruộng đất vào năm 1978 - 1979 và năm 1982 - 1983, cùng với chính sách chia cấp đất theo kiểu bình quân đã dẫn đến những xáo trộn lớn về ruộng đất, về ranh giới, diện tích và mục đích sử dụng.

Hiện nay, trong quá trình hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước việc thu hồi đất để mở rộng đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng thực hiện các dự án đầu tư làm cho quỹ đất canh tác ngày càng giảm. Trong khi đó, sự gia tăng dân số vẩn ở tỷ lệ cao, cơ cấu kinh tế chưa đáp ứng được vấn đề giải quyết việc làm và cuộc sống cho người lao động. Đặc biệt do tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường làm cho giá đất tăng đã và đang là những áp lực lớn gây nên tình trạng kiếu kiện, tranh chấp đất đai một cách gay gắt.

b. Nguyên nhân chủ quan

- Về cơ chế quản lý: thời gian qua, công tác quản lý đất còn nhiều yếu kém. Nhà nước phân công, phân cấp cho quá nhiều ngành dẫn đến việc quản lý đất đai thiếu chặt chẽ. Có thời kỳ mỗi loại đất do một ngành quản lý. Đất lâm nghiệp do ngành lâm nghiệp quản lý. Đất chuyên dùng thuộc ngành nào thì ngành đó quản lý. Cũng có tình trạng, có loại đất không có cơ quan nào quản lý. Bên cạnh đó, tổ chức cơ quan quản lý đất đai từ trung ương đến cơ sở không ổn định, hoàn toàn không đủ sức giúp cho Nhà nước trong lĩnh vực này.

Công tác phân vùng quy hoạch đất đai làm chậm, thiếu đồng bộ, việc phân chia địa giới hành chính có nhiều thay đổi nhưng xác định mốc giới không kịp thời hoặc không rõ ràng làm cho tình trạng tranh chấp đất đai phức tạp thêm, phương tiện và hồ sơ phục vụ cho công tác quản lý đất đai còn thiếu, chưa có đầy đủ những cơ sở khoa học và phương pháp quản lý cần thiết để xác định quyền sử dụng đất cho các chủ thể nên đã làm giảm hiệu lực của Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp đất đai.

- Về chính sách, pháp luật đất đai chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, có mặt không rõ ràng và đang có nhiều biến động. Hơn nữa, thực tế áp dụng các chính sách còn nhiều tuỳ tiện. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thi hành các điều luật đã quy định chậm được ban hành làm cho việc áp dụng pháp luật được thực hiện một cách cầm chừng, thiếu hiệu quả.

- Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai chưa thực sự được coi trọng, vì thế trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân còn hạn chế. Nhiều văn bản pháp luật đất đai chưa thực sự đi vào cuộc sống.

- Việc điều tra, xem xét giải quyết tranh chấp đất đai còn yếu kém, hiệu lực thấp, chưa thật sự quan tâm đến những giải pháp mang tính quần chúng.

- Về cán bộ, công chức thực hiện công vụ liện quan đến đất đai: một bộ phận cán bộ công chức còn thiếu gương mẫu, tuỳ tiện trong quản lý, vi phạm chế độ quản lý và sử dụng đất đai.

Việc tranh chấp đất đai ở mỗi địa phương khác nhau còn có những nguyên nhân đặc thù. Việc tìm ra những nguyên nhân cụ thể của tranh chấp phải căn cứ vào thực tế sử dụng đất, phong tực tập quán của từng địa phương để có được những giải pháp tốt nhất cho từng vụ việc.

- Hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai

a. Mục đích, ý nghĩa của việc giải quyết tranh chấp

Pháp luật là phương tiện quan trọng để Nhà nước quản lý xã hội, quản lý nền kinh tế nhưng nếu Nhà nước chỉ ban hành pháp luật mà không có những biện pháp bảo đảm được thực hiện thì pháp luật cũng không thể phát huy được vai trò tác dụng của mình. Vì thế, cùng với việc ban hành pháp luật, Nhà nước còn đảm bảo cho pháp luật được thi hành.

Việc xem xét giải quyết đất đai là một nội dung quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước đối với đất đai và là những biện pháp để pháp luật đất đai pháp huy đựơc vai trò trong đời sống xã hội. Thông qua việc giải quyết tranh chấp đất đai mà các quan hệ đất đai được điều chỉnh cho phù hợp với lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của người sử dụng đất, cần giáo dục ý thức pháp luật cho công dân để ngăn ngừa những vi phạm pháp luật khác có thể xảy ra. Với ý nghĩa đó thì việc giải quyết tranh chấp đất đai và tìm ra giải pháp đúng đắn trên cơ sở pháp luật nhằm giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Trên cơ ở đó phục hồi các quyền lợi hợp pháp cho bên bị xâm hại đồng thời bắt buộc bên vi phạm phải gánh chịu mọi hậu quả pháp lý do hành vi của họ gây ra. Đó cũng là công việc có ý nghĩa quan trong để tăng cưòng pháp chế trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai.

b. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp đất đai

- Đảm bảo đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước thực hiện vai trò là người đại diện cho chủ sở hữu.

Đây là nguyên tắc rất cơ bản trong hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai, đòi hỏi khi xem xét giải quyết mọi vấn đề phát sinh trong quan hệ pháp luật đất đai đều phải thực hiện trên cơ sở đất đai thuộc sở hữu toàn dân, bảo vệ quyền lợi cho người đại diện của chủ sở hữu, bảo vệ thành quả cánh mạng về ruộng đất. Cần quán triệt đường lối Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hoà miền nam Việt Nam và nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam.

- Bảo đảm lợi ích của người sử dụng đất nhất là lợi ích kinh tế, khuyến khích việc tự hoà giải, thương lượng trong nội bộ quần chúng nhân dân.

Thực hiện nguyên tắc này, hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai đã thể hiện được tư tưởng đổi mới trong quá trình Nhà Nước điều hành các quan hệ xã hội về đất đai. Xét cả mặt lý luận và thực tiển, lợi ích bao giờ cũng là vấn đề cốt lõi trong hầu hết các quan hệ xã hội và đất đai là một trong những lợi ích quan trọng nhất của mọi tầng lớp. Nếu lợi ích của người sử dụng đất không được đảm bảo thì việc sử dụng đất không thể đạt được hiệu quả mong muốn, đây là giải pháp thuyết phục khi giải quyết các tranh chấp đất đai. Để bảo vệ một cách tốt nhất những lợi ích thiết thân đó, trước hết các bên tranh chấp phải gặp nhau để bàn bạc, thảo luận và thương lượng. Đó cũng là cơ sở quan trọng đảm bảo quyền tự định đoạt cho các đương sự. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai chỉ thụ lý đơn khi các bên đã tiến hành qua thủ tục này mà không đạt được sự nhất trí cần thiết.

- Việc giải quyết tranh chấp đất đai phải nhằm mục đích ổn định tình hình kinh tế xã hội, gắn việc giải quyết tranh chấp đất đai với việc tổ chức lại sản xuất, tạo điều kiện cho lao động ở nông thôn có việc làm phù hợp với quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất và cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

c. Hoà giải tranh chấp đất đai

Hoà giải tranh chấp đất đai là một biện pháp mềm dẻo, linh hoạt và hiệu quả nhằm giúp cho các bên tranh chấp tìm ra một giải pháp thống nhất để tháo gỡ những mâu thuẩn, bất đồng trong quan hệ pháp luật đất đai trên cơ sở tự nguyện, tự thoả thuận.

Trong hoạt động giải quyết tranh chấp nói chung và tranh chấp đất đai nói riêng, hoà giải có tầm quan trọng đặc biệt. Nếu hoà giải thành, có nghĩa là tranh chấp sẽ kết thúc, không những hạn chế được sự phiền hà tốn kém cho các bên đương sự mà còn giảm bớt được công việc đối với các cơ quan có trách nhiệm giải quyết tranh chấp, phù hợp với truyền thống đạo lý tương thân, tương ái của dân tộc, giữ được tình làng nghĩa xóm, đảm bảo đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Đồng thờii qua giải hoà, các đương sự sẽ hiểu thêm về pháp luật và các chính sách của Nhà nước đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: " xét xử đúng là tốt, nhưng không phải xét xử thì càng tốt"

Với ý nghĩa đó, Luật đất đai năm 1993 lần đầu tiện đã thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc khuyến kích hoà giải các tranh chấp đất đai. Và Luật đất đai năm 2003 tiếp tục phát triển quy định về hoà giải theo hướng hoà giải là thủ tục đầu tiên của quá trình giải quyết tranh chấp đất đai.

Trường hợp các bên tranh chấp không thể tự hoà giải thương lượng được với nhau thì việc giải quyết tranh chấp sẽ thông qua tổ hoà giải ở cơ sở. Nếu hoà giải ở cơ sở vẫn không đạt được sự thống nhất thì các bên có quyền gửi đơn đến uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có tranh chấp để yêu cầu tổ chức việc hoà giải. Thời hạn hoà giải là 30 ngày làm việc kể từ ngày uỷ ban nhân dân cấp xã nhận được đơn. Và để đảm bảo giá trị pháp lý cho kết quả hoà giải Điều 135 Luật đất đai năm 2003 và Đièu 159 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP thi hành Luật đất đai quy định: "Kết quả hoà giải phải lập thành biên bản, có chữ ký của các bên và có xác nhận hoà giải thành hoặc hoà giải không thành của uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Biên bản hoà giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp"

Trường hợp hoà giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, chủ sử dụng đất thì uỷ ban nhân xã, phường, thị trấn gửi biên bản hoà giải đến phòng tài nguyên và môi trường đối với tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến sở tài nguyên và môi trường đối với các trường hợp khác. Phòng tài nguyên và môi trường, sở tài nguyên và môi trường trình uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất.

d. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai

Kế thừa những quy định của Luật đất đai năm 1993, Luật đất đai năm 2003 đã thể hiện xu thế tất yếu về việc giao trách nhiệm cho toà án giải quyết hầu hết các tranh chấp đất đai khi Nhà nước đã hoàn thành vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mọi đối tượng và thu hẹp thẩm quyền giải quyết tranh chấp của uỷ ban nhân dân. Hệ thống cơ quan này chỉ giải quyết những tranh chấp mà người sử dụng đất không có những giấy tờ theo quy định của pháp luật. Việc giải quyết chỉ dừng lại ở hai cấp và cấp thứ hai là cấp giải quyết cuối cùng.

Về việc giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

- Căn cứ để giải quyết tranh chấp:

Tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:

+ Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đưa ra;

+ Ý kiến của hội đồng tư vấn về giải quyết tranh chấp đất đai của xã, phường, thị trấn thành lập bao gồm: chủ tịch hoặc phó chủ tịch uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn là chủ tịch hội đồng; đại diện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của xã, phường, thị trấn; đại diện một số hộ dân sinh sống lâu đời tai xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị, trưởng thôn, ấp, bản, phum, sóc đối với khu vực nông thôn; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn;

- Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đất đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;

- Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thứa đất đang có tranh chấp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết đã được xét duyệt;

- Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước

- Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất.

Việc xác định những căn cứ nói trên trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai là một tiến bộ vượt bậc của pháp luật nhằm đưa ra lộ trình cần thiết, hợp lý và có hiệu quả trong việc giải quyết những tranh chấp giữa những người đã có quá trình ổn định lâu dài nhưng không có các loại giấy tờ theo quy định của pháp luật. Đây là loại tranh chấp có số lượng tồn động nhiều nhất hiện nay.

Thẩm quyền giải quyết:

Tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ theo quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai năm 2003 thì các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan hành chính để được giải quyết.

+ Chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết tranh chấp đât đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau.

Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của chủ tịch uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn xin giải quyết tranh chấp đến chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định cuối cùng.

+ Chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết đối với tranh chấp đất đai giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với nhau hoặc giữa tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư.

Trường hợp không đồng ý với giải quyết của chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì các bên tranh chấp có quyền gửi đơn xin giải quyết tranh chấp đến bộ tài nguyên và môi trường. Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của bộ trưởng bộ tài nguyên và môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng.

Thẩm quuền giải quyết tranh chấp đất đai của toà án nhân dân

- Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật đất đai năm 2003, tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do toà án nhân dân giải quyết.

e. Giải quyết tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính nhà nước

- Tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính giữa các đơn vị hành chính với nhau ( giữa các tỉnh , thành phố trực thuộc trung ương; giữa các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; giữa các xã, phường, thị trấn), trước hết do uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp cùng nhau giải quyết. Nếu không đạt được sự nhất trí hoặc kết quả của việc giải quyết làm thay đổi địa giới hành chính thì thẩm quyền giải quýêt được quy định như sau:

- Tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Quốc hội quyết định;

- Tranh chấp liên quan đến địa giới của đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh do Chính phủ quyết định.

Để giúp cho Quốc hội và Chính phủ giải quyết loại tranh chấp này luật quy định các cơ quan chuyên môn về quản lý đất đai như Bộ tài nguyên và môi trường, cơ quan quản lý đất đai của cấp tỉnh, cấp huyện, có trách nhiệm cung cấp những thông tin, tài liệu cần thiết và phối hợp với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #mrnguyen