Tràng giang 5

Mở đầu bài thơ đã là dòng sông, mặt nước, lòng người. Tạo vật với tâm tình cứ xen lẫn vào nhau làm cho câu thơ có sức gợi hơn là tả:

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái nước song song

Thuyền về, nước lại, sầu trăm ngả

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

"Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài" - bài thơ là cả một cảnh lớn - tràng giang, và một tấm lòng rộng mênh mang cùng "trời rộng sông dài" ấy. Câu thơ thứ nhất, bốn chữ đầu là tả, ba chữ sau đã là gợi. Tả và gợi cứ xen vào nhau. "Con thuyền xuôi mái nước song song" là hiện thực, là bức tranh trước mắt. Đến "Thuyền về, nước lại, sầu trăm ngả" thì không còn là bức tranh ấy nữa, mà đã là tương lai, là nghĩ suy, là chia ly và tâm tình. Dòng Tràng giang trở thành dòng thời gian ấy, mọi cái đều buông trôi, thụ động: "Củi một cành khô lạc mấy dòng" và "Con thuyền xuôi mái" - mọi cái đều dẫn đến chia ly: "Thuyền về nước lại".

Bức tranh thiên nhiên có tràng giang, sóng nước, con thuyền gợi không khí trang nghiêm cổ kính. Bút pháp cũng là bút pháp của thơ cổ: thiên nhiên rộng rãi khoáng đạt được điểm bằng vài nét chấm phá. Nhưng chấm phá bằng chi tiết kỹ và tinh quá. Đến như "củi một cành khô" cũng được đưa vào thơ thì hơi thơ đã mất đi nhiều âm điệu cổ điển. Cái buông trôi, thụ động của hình ảnh "Con thuyền xuôi mái nước song song" bị đẩy đến mức tuyệt vọng hơn nữa, thành cái nổi trôi, bất định của một cành củi khô không đáng kể gì giữa sông nước tràng giang mênh mông, rợn ngợp.

Lơ thơ cồn nhỏ, gió đìu hiu

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài trời rộng bến cô liêu.

Câu trên tả cái có. Câu dưới tả cái không. Cồn nhỏ chỉ lơ thơ, gió chỉ đìu hiu. Có đấy mà không đáng kể gì. Tất cả đều chỉ là không: không tiếng làng xa, không một chuyến đò, không cầu gợi chút niềm thân mật. Những câu thơ như thế, đâu phải để tả những "lơ thơ cồn cỏ", những "gió đìu hiu", hay "nắng xuống trời lên", mà thực ra chỉ để tả cái vô tận, không cùng và vắng lặng đến thành rợn ngợp của "Sông dài trời rộng, bến cô liêu". "Bến cô liêu" là một đặc điểm trong không giang cũng như có hồn người. Tả và gợi lại quyện vào nhau, cái tâm tình cứ luôn được toát lên từ tạo vật.

Khổ thơ tiếp theo lại thêm một nét chấm phá nữa vào bức tranh khung cảnh: "Bèo dạt về đâu hàng nối hàng". Nếu là "bèo dạt nối hàng" thì chỉ là tả một cách khách quan. "Bèo dạt về đâu", rồi ngắt ra, sau đó mới là "hàng nối hàng". Câu thơ không còn tả nữa, mà đã là hỏi, là tâm trạng "bèo dạt hoa trôi". Không gian trải ba chiều: cao, rộng và dài. Tất cả đều chỉ là quạnh vắng với cô liêu. Tất cả đều chỉ là nhỏ bé, mơ hồ, mỏng manh trước cái vô tận, không cùng của vũ trụ. Vậy thì sao mà không khỏi thốt lên, than thở cho những số kiếp con người trôi dạt trên con sông thời gian. "Bèo dạt về đâu" ấy thế là thành tâm trạng, là số kiếp, là thân phận chứ không đơn thuần dòng sông mặt nước. Hai câu thơ giữa đoạn:

Mênh mông không một chuyến đò ngang

Không cầu gợi chút niềm thân mật...

không phải là sự phủ định, mà là ao ước thiết tha nhưng vô vọng về hình bóng con người. Nếu hiểu đây chỉ là cách nói phủ định để nhằm làm nổi lên cái "dài", "rộng" và "cô liêu" thì ý nghĩa tâm tình mất đi nhiều, còn lại chỉ đơn thuần là thủ pháp, là kỹ thuật mà thôi.

Đến khổ thơ cuối bài, hai câu đầu là tạo vật, hai câu sau lại là tâm tình:

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa

Lòng quê dờn dợn vời con nước

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Mây đùn như núi, lớp lớp phía chân trời. Sự liên tưởng thật là độc đáo. Nhìn một cánh chim lẻ loi chao liệng mà thi sĩ tưởng như nó đang chịu sự đè nặng của cả vũ trụ, trời đất. Vũ trụ trời đất ấy lớn lao, không cùng không tận, dồn sức nặng vào bóng chiều làm chim phải nghiêng cánh, lệch cánh. Sự sống thật mỏng manh yếu ớt.

Trở lại cả bài thơ, toàn sự đối lập như thế cả. Cái hữu hạn thì vô nghĩa vô hướng, chỉ là không đáng kể, mơ hồ và nhạt nhòa. Cái vô hạn thì sừng sững, không cùng, trùm lấp và chi phối. Một bên là "Con thuyền xuôi mái"; "Củi một cành khô lạc mấy dòng", "Bèo dạt về đâu" và "chim nghiêng cánh nhỏ"... Bên kia, đối lập hẳn, là "sầu trăm ngả", "buồn điệp điệp", "mây cao đùn núi bạc",... Cái hữu hạn đối diện với cái không cùng như thế, làm sao con người không trở nên lạc loài, vô vọng.

Ai cũng biết hình ảnh cuối bài thơ "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" là tiếp ý thơ Thôi Hiệu: "Yên ba giang thượng sử nhân sầu" (Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai). Câu thơ Huy Cận cao độ hơn, "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà". Không khói hoàng hôn nhưng đã có cả trời nước tràng giang vô tận, không cùng. Cái không cùng vời rộng của mây nước tràng giang rợn ngợp đến thành cảm giác da thịt "dờn dợn vời con nước". Bài thơ không cốt tả "hình xác" mà gợi cái "thần xác" của tạo vật. Trên nền "thần xác" ấy, mạch tâm tình tự nhiên đạt đến cao độ, để sự da diết "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" như tự nỗi niềm cất lên thành câu chữ. Cái tứ của bài thơ đến câu thơ cuối mới lộ ra. Cả bài thơ như thế là nỗi lòng bâng khuâng, cô tịch của một lữ khách "thiếu quê hương" đứng trước con sông thời gian, cái tôi bé nhỏ đòi khẳng định mà đành bất lực. Cảm hứng của cả một thời thơ mới trở thành độc đáo, mang cái "sầu thiên cổ" rất riêng của Huy Cận.

Tạo vật với tâm tình là nguồn mạch làm cho "Tràng giang" mang âm điệu thơ cổ điển. Và chính là tạo vật - tâm tình ấy cũng là nguồn mạch làm cho "Tràng giang" trở thành Thơ mới ảo não vào bậc nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: