Trận then chốt quyết định haley
Kỳ 1: Tại sao Buôn Ma Thuột?
LTS: Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta mùa Xuân 1975, chiến dịch Tây Nguyên với trận mở đầu then chốt giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột đã khiến cho địch hoang mang, rối loạn, tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh. Từ đó quân và dân ta thần tốc xốc tới quét sạch bè lũ Mỹ-ngụy, giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn.
Để ôn lại những ngày lịch sử hào hùng mở đầu cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, chúng tôi trân trọng giới thiệu vệt bài do Tiến sĩ Vũ Cao Phan ghi theo lời thuật của Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên. Đây cũng là việc làm mang ý nghĩa thắp nén hương tưởng nhớ nhà chỉ huy quân sự kiệt xuất - Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo - người vĩnh biệt chúng ta cách đây vừa tròn 18 tháng. Loạt bài này từng được công bố nhưng đã được Thượng tướng Hoàng Minh Thảo xem lại, bổ sung, hoàn chỉnh trước lúc đi xa.
Tôi từ Tây Nguyên về công tác ở Quân khu V chưa được bao thời gian để làm quen với mọi việc thì cuối tháng tám, khi tiếng súng vẫn đang nổ giòn giã từ Thượng Đức đến Quế Sơn, có điện triệu tập tôi ra Hà Nội. Lại lên đường.
Tôi đến Thủ đô vào một ngày nắng dịu. Phố xá tràn cờ hoa và người xe trong không khí ngày hội. Mồng 2 tháng 9. Bất giác, ký ức và những sự liên tưởng dâng trào, xáo trộn khiến tôi không thể hình dung được ngay là mình đang xúc động bởi những gì. Tám năm tròn. Đúng rồi, đúng ngày này cách đây 8 năm, tôi đã rời Hà Nội vào chiến trường. Bao nhiêu trận đánh, bao nhiêu nẻo đường, bao nhiêu đồng chí, bao nhiêu chiến thắng và hy sinh... Chỉ biết rằng chúng ta đang tới gần... Tự nhiên cứ vang ngân mãi trong lòng tôi một giai điệu hành khúc từ những xúc cảm dạt dào.
Ở Hà Nội, tôi còn đang hiệu chỉnh lại các tài liệu để chuẩn bị báo cáo thì nhận được lời mời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến gia đình dự cơm thân mật. Những dịp như vậy chúng tôi vẫn quan niệm như một lần làm việc sơ bộ. Quả nhiên, khi chỉ còn hai chúng tôi, Đại tướng đã cho biết ý định của Bộ chính trị và Bộ tổng tư lệnh - Tổng tham mưu mở một chiến dịch lớn ở Nam Tây Nguyên vào mùa Xuân 1975. Rồi hỏi tôi:
- Ý kiến của các anh?
*
* *
Ý kiến của chúng tôi? Một chiến dịch cho Nam Tây Nguyên!
Đúng là do nhiều yếu tố rất dễ giải thích, các chiến dịch của mặt trận Tây Nguyên đã thường được tổ chức ở phía bắc. Sáu trên bảy đợt hoạt động quân sự có tính chất chiến dịch cho đến trước hiệp định Pa-ri đã diễn ra ở đây. Nhưng cũng có một chiến dịch cho Nam Tây Nguyên, chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập vào thời kỳ khó khăn 1969, nhưng đã không thực hiện được. Một chiến dịch ở Nam Tây Nguyên? Xét về mặt địa lý quân sự, đó là một địa bàn có nhiều điều kiện thuận lợi cho đánh tiêu diệt lớn sinh lực địch, nhất là vùng chung quanh Buôn Ma Thuột. Và cũng về mặt ấy, với ý nghĩa chiến lược, đó là vùng tiếp giáp giữa Tây Nguyên và Nam Bộ - giữa mặt trận B3 và B2 - đã luôn luôn là khâu trọng yếu cho việc bảo đảm hậu cần chiến lược. Nhưng khâu trọng yếu ấy vẫn đang còn là một khâu yếu, B2 không với ra, B3 chưa vươn tới. Cái nguyên nhân khiến cho các chiến dịch không thể mở được ở vùng này, oái ăm thay lại chính là cái nguyên nhân buộc phải mở các chiến dịch ấy: Vấn đề hậu cần.
Cần mở chiến dịch để giải quyết vững chắc vấn đề bảo đảm hậu cần chiến lược, nhưng không mở được các chiến dịch lại vì không thể bảo đảm hậu cần chiến đấu cho các trận đánh. Vẫn còn nhớ khi mở ra Bu Prăng - Đức Lập mùa đông 1969, B3 phải tổ chức một tuyến bảo đảm hậu cần dài nhất từ trước tới nay, gian khổ nhất từ trước tới nay: 25 cung vận chuyển gùi thồ dưới bom B52 và mưa lũ. Toàn quân làm công tác vận chuyển, kể cả các đơn vị trực tiếp nổ súng. Nhưng vấn đề hậu cần ở đây đâu chỉ là công việc vận chuyển. Có gì mà vận chuyển, B3 lúc đó không có gạo, các cơ quan, đơn vị phía sau đồng loạt ăn một lạng một ngày, dành gạo cho phía trước. Vẫn không đủ, phải vào tận B2 xin gạo ra với 25 cung gùi thồ như vậy đấy. Mà kết cục chiến dịch vẫn không thực hiện được như kế hoạch.
Từ năm 1973, nếu khả năng bảo đảm hậu cần chiến dịch đã tốt hơn lên rất nhiều thì việc bảo đảm vận chuyển chiến lược Bắc - Nam khi qua khu vực này đã càng phức tạp hơn, khiến cho một chiến dịch tiến công ở Nam Tây Nguyên càng trở nên cấp thiết. Tôi đã có dịp nói đến những quan hệ khó khăn giữa Tây Nguyên và Khơ-me đỏ thời kỳ sau đảo chính của Lon Non. Những khó khăn đó lại càng tăng thêm trong những năm gần đây. Ta trở lại vấn đề trên: Hành lang vận chuyển Bắc-Nam của chúng ta, cho đến thời kỳ này khi đi qua phía bắc Đức Lập (Nam Tây Nguyên) - nơi có địa hình độc đạo rất hiểm nghèo mà địch chiếm giữ - vẫn phải né một chút sang đất đông Cam-pu-chia trước khi vào đến Nam Bộ. Khơ-me đỏ vong ân bội nghĩa lợi dụng điều này, nhất là trên đoạn đường tiếp giáp với Nam Bộ, đã nhiều lần tung lính ngăn chặn xe vận tải của ta, giết người, cướp hàng, đồng thời lại luôn luôn đưa yêu sách đòi ta rút bỏ con đường. Xuất phát từ những nguyên nhân ấy, các cơ quan chiến lược của chúng ta đã nhìn thấy vấn đề trước hết là cần phải có ngay một chiến dịch tiến công ở hướng này, nắn con đường vận tải chiến lược vào lại đất Việt.
Thực ra Bộ tư lệnh Tây Nguyên cũng đã dự kiến một chiến dịch như thế vào cuối năm 1973. Thật là cần thiết. Chúng ta sẽ giải phóng Đức Lập, giữ vững địa bàn này, nối ngay đường vận chuyển chiến lược của bộ đội 559 với đường 14 từ bắc Đức Lập, tạo thành hành lang Bắc - Nam hoàn toàn nằm trên dải Trường Sơn của đất nước chúng ta. Nhưng muốn thế phải có đủ lực lượng, phải có nhiều lực lượng. Bước vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh, chúng ta đã ra khỏi yêu cầu tác chiến hầu như duy nhất là tiêu diệt sinh lực địch để coi trọng song song cả mục đích giải phóng đất đai, giải phóng lãnh thổ. Riêng đối với một chiến dịch ở Nam Tây Nguyên - như mục đích xác định ban đầu- ta càng phải giữ vững địa bàn đã giải phóng để bảo đảm sự thông suốt của hành lang vận chuyển chiến lược: "Một lực lượng trực tiếp đánh chiếm mục tiêu và đánh địch phản kích (chúng tôi nhấn mạnh), một lực lượng vòng ngoài để buộc địch phải phân tán đối phó, lực lượng này sức một có thể thành hai (chúng tôi nhấn mạnh), vì không bị câu thúc giữ địa bàn, không bị xé lẻ..." (1).
Khi ở Quân khu V, chúng tôi cũng đã bàn phương án này và đề nghị rằng, nếu có sự tăng cường của Bộ thì nên có hai sư đoàn cho Tây Nguyên, một sư đoàn cho đồng bằng Trung Trung Bộ (Quân khu V). Một chiến dịch như vậy là phải tính tới khả năng đánh địch phản kích cả năm và muốn thế "ngay từ bây giờ (1973) phải lót gạo, đạn cho đến xuân 1975" (2) Nghĩa là - tôi muốn nhắc lại - chiến dịch này mới mang mục đích khai thông và giữ vững hành lang Bắc - Nam và mục tiêu cụ thể của nó là Đức Lập. Nhưng vào lúc nào thì Buôn Ma Thuột được đề cập đến? Tôi còn nhớ, trong những dịp trao đổi thảo luận ở Quân khu V, một lần nữa, chúng tôi đã nhất trí đánh giá tầm quan trọng chiến lược của Tây Nguyên và đã dự kiến một phương án đánh lớn giải phóng thị xã, thị trấn ở khu vực này.
Sau khi nêu ra những số liệu so sánh địch, ta, đồng chí Võ Chí Công có đặt câu hỏi: Chúng ta có thể ngay trong mùa khô này, tập trung lực lượng giải phóng trước hết Buôn Ma Thuột được không?". Câu trả lời là có thể. Thượng tướng Chu Huy Mân nhấn mạnh, trong trường hợp đó, nhất thiết Khu V phải phối hợp chặt đứt đường 19 và đường 21, chia cắt chiến lược địch ở Tây Nguyên với đồng bằng. Chúng tôi cũng đã có dịp đặt vấn đề giải phóng Buôn Ma Thuột trong Bộ tư lệnh Tây Nguyên. Ta hãy thử nhìn lên bản đồ. Đức Lập cách Buôn Ma Thuột có 30km. Mất Đức Lập, sống chết địch cũng phải phản kích để khôi phục lại và chúng có ngay một căn cứ xuất phát rất tốt cả về mặt chiến dịch lẫn chiến đấu là Buôn Ma Thuột. Khi bàn đến tình huống này, Đại tá Vương Tuấn Kiệt, Tham mưu trưởng Tây Nguyên, đã thốt lên: "Phải chi chúng ta có thêm 2 sư đoàn nữa để đánh ngay Buôn Ma Thuột". Chúng tôi đã nhìn thấy khả năng này không những sẽ là bảo đảm vững chắc cho sự thông suốt của hành lang Bắc - Nam, là mục đích chiến dịch lúc ấy mà còn tạo được một địa bàn chiến lược rất cơ động hướng tới các ngả. Không, nếu được như thế thì chiến dịch sẽ mang một ý nghĩa và mục đích khác hẳn rồi. Ta lại phải nhìn vào bản đồ. Buôn Ma Thuột giữ một khoảng cách khá đều với Bắc Tây Nguyên, đồng bằng Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ - Sài Gòn. Một trung tâm của một chiến trường vượt ra ngoài phạm vi Tây Nguyên hướng tới toàn cục. Một ngã ba đường, những con đường rất tốt và thuận tiện. Có thể thấy ngay sức chấn động đến đầu não Sài Gòn của một trận đánh vào Buôn Ma Thuột chẳng khác gì những sóng giao thoa mà một hòn đá ném xuống giữa mặt nước tạo nên.
Cố nhiên, vấn đề ở đây vẫn là lực lượng. Tây Nguyên lúc đó chỉ có hai sư đoàn đang ôm lấy mặt trận chính hướng bắc Plei-cu, Kon Tum và một số trung đoàn độc lập hoạt động ở các hướng khác. Cơ sở đâu để hạ quyết tâm? Chính là chiến lược - những người vạch kế hoạch ở Bộ Tổng tư lệnh - Tổng tham mưu và ở cấp cao nhất, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng - vào lúc đã nắm chắc lực lượng trong tay. Và như tôi đã nói những dự kiến của chúng tôi về một chiến dịch ở Nam Tây Nguyên cũng chính là bắt nguồn từ sự gợi ý và chỉ đạo của chiến lược. Nó có mục đích của chiến dịch lúc này gắn chặt với chiến lược. Còn lại vấn đề thời cơ: Khi nào thì có thể? Và thời cơ ấy đã đến vào cái thời điểm mà tất cả chúng ta đều đã biết, khi các điều kiện khác cũng đã chín muồi cho việc hạ quyết tâm.
Để kết thúc phần này, tôi muốn nói thêm: Thực tiễn chiến đấu có nhiều lúc đem đến những kết quả bất ngờ, và thước đo sự thành công là ở đấy. Chúng ta có thể thấy, chiến dịch đã được thiết kế với mục đích ban đầu là tạo một hành lang vận chuyển cơ giới thông suốt Bắc-Nam bằng cách tiêu diệt và giữ vững Đức Lập. Trong quá trình, khi xét tới các dữ kiện, chúng ta đã chuyển mục tiêu sang giải phóng Buôn Ma Thuột, một trung tâm chính trị và đầu mối giao thông quan trọng, khoác lên chiến dịch Nam Tây Nguyên một tầm cỡ chiến lược. Lúc này trận Đức Lập không được coi là mục tiêu chiến dịch nữa mà chỉ là hành động tác chiến mở màn, thậm chí giống như một đòn nghi binh. Nhưng cuối cùng, thực tế là chiến dịch Nam Tây Nguyên đã biến thành chiến dịch Tây Nguyên với những hoạt động tác chiến phát triển cả ra ngoài phạm vi Tây Nguyên, rồi trở thành chương mở đầu đầy ý nghĩa cho cuộc Tổng tiến công như vũ bão mùa Xuân 1975. Sự vận động biện chứng của tư duy và thực tiễn giao tiếp nhau, nâng đỡ nhau để dẫn tới kết cục thần kỳ. Ở đây sự nhạy bén và tầm nhìn xa rộng của Bộ Tham mưu chiến lược của chúng ta là xuất sắc. Tôi muốn nói thế vì vẫn còn có những kẻ ở phía bên kia cho rằng thắng lợi tuyệt đối mà chúng ta giành được có yếu tố ngẫu nhiên. Xin hỏi lại, năm Mậu Thân có phải ngẫu nhiên không? Hiệp định Pa-ri được ký kết có phải ngẫu nhiên không? Quân Mỹ buộc phải rút khỏi chiến trường có phải ngẫu nhiên không? Huống hồ vào năm 1975, tất cả đã rõ ràng là nếu không có Tây Nguyên thì sẽ có một cái gì đó giống như Tây Nguyên, hệ quả trực tiếp của những sự kiện mà tôi vừa đặt thành câu hỏi trên, hệ quả trực tiếp của cuộc kháng chiến lâu dài chống Mỹ, cứu nước. Và thắng lợi trọn vẹn mà chúng ta giành được đã sớm hơn dự kiến thì cũng chỉ chứng tỏ rằng thực tiễn chiến đấu là sự phán quyết cuối cùng.
Kỳ 2: Quyết chiến
Đúng như lòng mong muốn, sau các cuộc họp khẩn trương tại Hà Nội, tôi nhận được quyết định trở lại Tây Nguyên với cương vị Tư lệnh chiến dịch, một chiến dịch mở đầu cho chiến cuộc 1975. Sát ngày lên đường, tôi gặp đồng chí Lê Đức Thọ. Rất thân tình vui vẻ, đồng chí nhấn mạnh rằng đây là thời cơ lớn: "Địch đã xuống sức rồi, phải kiên quyết và táo bạo nắm lấy các tình huống phát triển của chiến dịch. Chúc thắng lợi lớn. Đồng chí hãy chuyển đến đồng bào và chiến sĩ Tây Nguyên lời thăm hỏi và lòng tin tưởng của Trung ương Đảng". Rời Hà Nội, chúng tôi cố gắng vào chiến trường thật sớm. Chẳng may chiếc xe quá cũ phải nằm lại ngang Quân khu IV, và chúng tôi lập tức nhận được sự giúp đỡ đầu tiên: Thiếu tướng Tư lệnh Quân khu Đàm Quang Trung ưu tiên đổi cho một chiếc xe mới. Vào đến Hiền Lương, chúng tôi tìm đến sở chỉ huy của Bộ đội Trường Sơn. Các đồng chí mới xê dịch từ miền tây Quảng Bình vào đây, công việc còn đang ngổn ngang, nhưng tôi vẫn được Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên và các đồng chí có trách nhiệm hướng dẫn chu đáo. Việc đầu tiên là đồng chí thông báo cho tôi biết tình hình hành quân nhập tuyến của các lực lượng tăng cường cho Tây Nguyên. Rồi cười:
- Còn gạo, đạn, xăng, dầu, anh yên trí, không phải kêu đâu, chúng tôi vẫn và đang tiếp tục chuyển nữa, đủ để làm lại cả "năm 1972".
Chúng tôi thật đã quá hiểu nhau cái năm 1972 ấy, khi chiến dịch nổ ra ở bắc Tây Nguyên. Hồi đó, tôi không hiểu đồng chí "Tư lệnh đường dây" đã phải vò đầu bứt tai như thế nào khi luôn luôn thấy xuất hiện trước mắt mình các bức điện thượng khẩn của Bộ tư lệnh Tây Nguyên với những câu ngắn gọn, mạch lạc đến chát chúa: "Rất thiếu xăng", "Cần gấp gạo và xăng", "Gạo vào quá nhỏ giọt", "Không đủ đến ngày N" và lại còn thế này nữa: "Bắt đầu mưa xuống rồi". Với đường đất Tây Nguyên hồi đó, mưa tức là chấm dứt mọi khả năng vận chuyển, trừ cách gùi thồ.
- Cám ơn. Chúng tôi có thể "vào" ngay đêm nay được không anh?
- Ngay bây giờ cũng được, đường tốt, không có máy bay địch từ Trị Thiên trở ra. A, chúng tôi đã thông xong con đường phía đông rồi đấy. Mời anh hành quân bằng tuyến đường mới này...
Còn gì bằng nữa, chúng tôi đang muốn rút ngắn khoảng cách về thời gian với chiến trường. Đây là con đường thẳng, còn con đường quen thuộc phía tây lại phải đi một vòng cung.
Ngày vào đầu tiên thuận lợi. Không có máy bay địch hoạt động, mặc dù chúng tôi đi ban ngày. Khỏi cần nói xa xôi, thắng lợi của Hiệp định Pa-ri là đây chứ còn đâu nữa. Các nam nữ chiến sĩ công binh, thanh niên xung phong nhộn nhịp trên mặt đường từ sáng đến tối. Đường còn đang mở tiếp, còn đang nắn lại, đoạn nào xong thì tiếp tục củng cố. Chạy cùng với đường ô-tô là đường ống dẫn dầu, một kỳ công nữa của ngành hậu cần trên dải Trường Sơn. Chúng tôi say mê ngắm từng đoạn đường ống ló ra khỏi rừng cây và cảm động nhìn những chiến sĩ gái trẻ măng thao tác nhanh nhẹn tại mỗi trạm bơm mà chúng tôi dừng lại lấy xăng.
Cuối tháng 1, tiết trời dìu dịu. Cảnh vật, con người, không khí gợi đến cho tôi sự liên tưởng về những lần đi vào chiến trường của mình. Nó vẫn như còn bày ngay trước mắt đấy, giữa biết bao kỷ niệm của cuộc đời.
Lần đầu, năm 1966, tôi đi bộ xuyên dọc Trường Sơn, phải mất gần hai tháng trời gian khổ mới vào tới Tây Nguyên.
Lần thứ hai, năm 1969, tôi đi khá nhanh bằng máy bay, nhưng phải qua sân bay trung gian Bắc Kinh, rồi một sân bay trung gian nữa là PhNôm Pênh cộng với phương tiện cuối cùng là đôi chân, mới về đến Sở chỉ huy của mình.
Lần thứ ba: Ấy là vào năm 1973, tôi lại sử dụng đường Trường Sơn nhưng đã không phải đi bộ mà ngồi lên xe hơi. Một con đường vòng mà phần lớn lại nằm trên lãnh thổ hai nước anh em Lào, Cam-pu-chia. Như thế đã là khá lắm rồi.
Còn lần này: Xe hơi đường thẳng, hoàn toàn đi trên đất nước mình! Điều tôi muốn nói tưởng chẳng cần viết ra trên giấy trắng mực đen nữa.
Vào đến Trao, địa đầu đất Quảng, chúng tôi gặp một ít khó khăn: Đường lầy vì mở ra đúng vào mùa mưa Trung Bộ và vì bắt đầu có máy bay địch nên lại phải nắm quy luật hoạt động của chúng mà đi. Nhưng khi gặp phải khó khăn có vẻ khó khắc phục nhất thì chúng tôi lại vượt qua dễ dàng: Chiến sĩ lái xe đột ngột ốm và chúng tôi đã thuyết phục được ngay một đồng chí lái xe đi ngược chiều, đồng chí đã vui lòng gửi xe mình lại rồi đưa chúng tôi vào mà không quản ngại khó khăn. Tôi vẫn còn nhớ tên con người giản dị, nhiệt tình ấy và hôm nay xin một lần nữa gửi lời cám ơn đồng chí, đồng chí Lê Văn Đoài, hạ sĩ lái xe thuộc Mặt trận B5.
Chúng tôi đến Sở chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên đêm 29 tháng 1, hơn một tuần sau khi xuất phát. Thật là một thời gian ngắn kỷ lục vào thời kỳ ấy! Nhưng Sở chỉ huy chiến dịch đã chuyển mãi vào phía nam, chúng tôi chỉ còn gặp ở đây Đại tá Phó chính ủy Phí Triệu Hàm, Thượng tá Phó tham mưu trưởng Hồng Sơn và một số đồng chí khác. Tôi nắm qua tình hình địch rồi đi ra phía trước. Mùa này Tây Nguyên đầy hoa phong lan, chúng tôi đi đường kín trong rừng lại càng tha hồ chiêm ngưỡng phong lan đủ màu, đủ vẻ. Có nhiều chỗ, phong lan xòe ra như cánh tay tiên mời chào. Tôi muốn kể một chuyện nho nhỏ, là vào dịp này, tôi nhận được một giò lan đai trâu tuyệt đẹp. Và giò lan ấy đã đi cùng tôi suốt chiến dịch, suốt chiến cuộc 1975, từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Trung Bộ, vào thành phố Sài Gòn giải phóng rồi ra Hà Nội mới chịu từ biệt vị trí sau xe để đến ở nhà bác sĩ Phan (Viện Quân y 108)-một người bạn cũ rất thích phong lan.
Khi tôi đến nơi, không khí nhộn nhịp như ngày Tết ở Sở chỉ huy đã gây ấn tượng rất mạnh. Tôi hòa ngay vào không khí say lòng người lính ấy. Mà cũng chỉ còn ít ngày nữa thôi là đến Tết Nguyên đán Ất Mão. Tôi tranh thủ nắm ngay tình hình mọi mặt qua Thiếu tướng Vũ Lăng và Đại tá Đặng Vũ Hiệp. Các đồng chí trong Bộ tư lệnh Mặt trận (mà bây giờ trở thành Bộ tư lệnh Chiến dịch) đã hoàn tất xong rất nhiều việc, có thể nói đã đi quá nửa đường trong công tác chuẩn bị chiến dịch và riêng về các mặt công tác đảm bảo một khối lượng khổng lồ từ việc xây dựng kho tàng, đường sá, vận chuyển, thiết lập mạng thông tin, mạng quân y, cho gạo đạn đi các hướng đến các chi tiết của việc tiến hành nghi binh lừa địch và đảm bảo tuyệt đối giữ bí mật thì đã "hòm hòm", theo như lối nói của bộ đội. Đảm bảo mọi mặt cho một lực lượng trên sáu mươi ngàn người thật không phải dễ. Các đồng chí cũng mới nhận được quyết tâm chuyển mục tiêu chủ yếu vào Buôn Ma Thuột chỉ ít ngày trước đây khi Thiếu tướng Phó tổng tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền trực tiếp vào phổ biến, vậy mà công tác trinh sát chiến dịch bước 1 cũng đã được tiến hành. Lực lượng đang được triển khai về vị trí tập kết: Sư đoàn 320 xê dịch về giữa hai tỉnh Gia Lai và Đắc Lắc; Sư đoàn 10 đang hành quân từ phía bắc vào phía nam mặt trận với một cung đường không phải là ngắn; Sư đoàn 968 đã đưa được một phần lực lượng của mình từ Hạ Lào sang thay thế vị trí các sư đoàn trên và đang còn tiếp tục đến; các trung đoàn bộ binh độc lập cũng đang tiến vào các địa bàn hoạt động được xác định. Chỉ riêng Sư đoàn 316, hành quân gấp bằng cơ giới từ miền Bắc vào là chưa đến nơi. Nhưng đoàn trưởng, phó sư đoàn trưởng và các sĩ quan tham mưu thì đã có mặt và đang tiến hành trinh sát thực địa. Các dữ kiện chuẩn bị cho việc xác lập phương án tác chiến đang được thảo luận. Tất cả những cái đó đã làm giảm nhẹ gánh nặng của tôi rất nhiều trong cương vị Tư lệnh chiến dịch. Tôi thầm cảm ơn các đồng chí. Ở đây, tôi cần phải nhấn mạnh một điều là công tác chuẩn bị chiến dịch đã được và sẽ được tiến hành còn có sự chi viện to lớn, nhiều mặt của chiến lược và các chiến trường bạn. Chúng tôi xem đó là một trong những yếu tố quyết định. Chỉ riêng về vấn đề lực lượng đã gửi đến tăng cường cho chiến dịch không chỉ bộ đội dự bị chiến lược mà cả một số đơn vị của các mặt trận Trị-Thiên, mặt trận Duyên Hải Trung Bộ, mặt trận Nam Bộ và mặt trận Trường Sơn. Cái yêu cầu "cần được tăng cường để tạo nên thế mạnh bởi hai lực lượng" mà chúng tôi nêu ra trước đây như thế là được thỏa mãn; vượt mức là đằng khác. Cơ cấu của Bộ chỉ huy chiến dịch nói lên điều đó: Sự có mặt của các Phó tư lệnh, Đại tá Phan Hàm (Phó cục trưởng Cục Tác chiến), Đại tá Nguyễn Lang (Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn) đã giúp cho việc điều động và tăng cường lực lượng được nhanh chóng, đúng yêu cầu. Bộ tổng tư lệnh-Tổng tham mưu còn cử đến các Thượng tá Hoàng Niệm (thông tin), Lê Xuân Kiện (xe tăng) và Tạ Vân (pháo binh) để giúp vào việc chỉ đạo chỉ huy các binh chủng. Bộ chỉ huy quân sự Miền (B2) cũng đã cử ngay một tổ cán bộ do Thượng tá Vũ Long-người giảng viên cũ đã cùng tôi công tác ở Học viện Quân sự-dẫn đầu, ra phổ biến kinh nghiệm tiến công thị xã Phước Long, một kinh nghiệm thật bổ ích. Đặc biệt là sự xuất hiện lần đầu tiên bên cạnh Bộ chỉ huy Chiến dịch, một cơ quan đại diện Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh do Đại tướng Văn Tiến Dũng đứng đầu và gồm các đồng chí Trung tướng Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện, Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền và các đồng chí khác đã chứng tỏ quyết tâm cao độ của Trung ương và tầm mức quan trọng của chiến dịch này. Trên thực tế, cơ quan đại diện không những chỉ đạo chúng tôi trong quá trình chuẩn bị mà chính là chỉ đạo việc chỉ huy tác chiến sắp tới.
Chiều ngày 8 tháng 2, tại Bộ tư lệnh Mặt trận, đã có cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi và các đồng chí bên dân, Đảng. Đồng chí Bùi San (Chín Liêm), Thường vụ Khu ủy V, người đã cùng chúng tôi làm việc trong một bộ chỉ huy chung năm Mậu Thân lại một lần nữa được Khu ủy cử lên phối hợp các hoạt động nổi dậy của nhân dân và giúp đỡ Bộ Tư lệnh chiến dịch trong các công tác dân vận. Phía Đắc Lắc có các đồng chí Huỳnh Văn Mẫn (Năm Cần), Yblok E ban, Nguyễn Xuân Nguyên (Mười Nguyên) và nhiều đồng chí khác. Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, đồng chí Võ Trung Thành (Năm Vinh), cũng lặn lội từ bắc Tây Nguyên vào để nhận kế hoạch hiệp đồng. Riêng các đồng chí ở Kon Tum, vì ở quá xa nên không trực tiếp đến được, hứa với Khu ủy sẽ phối hợp các hoạt động chiến trường ở mức cao nhất. Trong những ngày này, chúng tôi đã sống lại không khí của năm Mậu Thân giữa nhiệt tình cách mạng nóng bỏng của lãnh đạo và nhân dân các dân tộc Tây Nguyên. Có thể nói, đồng bào, đồng chí, đã làm hết sức mình để chiến dịch thắng lợi. Ở phía bắc, khối chủ lực chính rút đi nhưng phong trào du kích không những giữ vững mà còn được đẩy mạnh hơn lúc nào hết đã góp phần kìm giữ một bộ phận quan trọng sinh lực địch. Ở phía nam, địa phương đã cùng chúng tôi giải quyết nhiều khó khăn nảy sinh trong quá trình chuẩn bị và chủ động đề xuất kế hoạch hiệp đồng tác chiến và nổi dậy, chủ động nhận nhiệm vụ tiến đánh chi khu quân sự quận lỵ Lạc Thiện và một số căn cứ ngoại vi để phối hợp với đòn của bộ đội chủ lực.
Cuộc gặp gỡ đã biến thành một cuộc liên hoan vui vẻ đón Giao thừa nhân dịp Tết Ất Mão và cũng là để khẳng định những kết quả đã đạt được. Anh Chín còn lưu ý thêm chúng tôi phải đề phòng Fulro, vì Đắc Lắc là địa bàn hoạt động mạnh của bọn này.
Trong mấy ngày Tết, tôi tranh thủ xuống kiểm tra một số đơn vị và chúc Tết anh em. Tất cả đều phấn khởi, tất cả đều háo hức một không khí vào trận mùa xuân.
- "Nghỉ" mấy mùa đánh lớn buồn lắm. Phen này chúng tôi phải trả bữa, xin thủ trưởng cho đủ đạn nhé!
Và tất cả đều khỏe mạnh. Quân y vừa cho tôi biết, tỷ lệ quân số khỏe tháng 1 của toàn chiến trường là 96,2%, cao nhất từ trước tới nay! Ai ở Tây Nguyên lâu mà không nhớ những năm khó khăn, được một tỷ lệ 90% đã thật là lý tưởng.
Đến một ngã ba vì không được báo trước các đồng chí gác ba-ri-e buộc xe tôi phải dừng lại theo nguyên tắc giữ bí mật, nhưng sau khi nhận ra chúng tôi thì các đồng chí lại giúp đỡ vượt ngầm rất nhiệt tình, chu đáo. Tôi gặp bộ đội đang hành quân bằng cơ giới. Các chiến sĩ bộ binh ngồi trên một chiếc xe tăng vui vẻ reo lên:
- Chúc mừng năm mới các thủ trưởng!
Tôi chào các chiến sĩ và chuyện lại nở bung. Anh em phàn nàn là nuôi mấy chú gà tết, cuối cùng chẳng được ăn.
- Tại sao?
- Chúng tôi lần đầu tiên hành quân trên xe tăng, không biết thế nào cả. Có bu gà buộc cẩn thận sau xe, khi dừng nghỉ kiểm tra thì ôi thôi, chết thui chẳng còn một chú. Mới hay chỗ đó là ống xả, lính Tây Nguyên mà thủ trưởng!
Lại cười. Tôi trìu mến nhìn các chiến sĩ của mình. Chỉ người chỉ huy mới nhận ra rằng, dưới vẻ hồn nhiên vô tư ấy, các chiến sĩ đã sẵn sàng cho trận đánh lớn. Trên dưới đã đồng, trận này phải thắng.
Kỳ 3: Bày trận
Việc bảo đảm để các đơn vị hành quân an toàn về đúng vị trí tập kết là tiền đề để thực hiện một mưu kế rất quan trọng nếu không muốn nói là quan trọng nhất của chiến dịch này: Lập thế. Xác lập được một thế trận tốt là tạo nên được một chiều sâu cả về không gian lẫn thời gian cho chiến dịch, nói khác đi là lắp sẵn các ý đồ của ta để tạo nên chiều sâu chiến dịch ấy. Chúng tôi dự kiến sẽ tạo nên một thế trận kìm địch, vây địch, cắt địch để đi tới tiêu diệt chúng. Nhưng một tiền đề nữa cũng rất cần thiết cho việc lập thế chiến dịch mà chúng tôi đã tính đến hay nói cách khác nó cũng còn là một mưu kế nữa là việc nghi binh lừa địch để giành thế bất ngờ. Chúng ta đã thực hiện việc này hoàn hảo đến mức sau này, một viên đại tá thất trận của quân đội Sài Gòn bị bắt ở Buôn Ma Thuột phải thốt lên: "Thật là một trò ảo thuật!".
Trong một cuốn sách có tiêu đề Chiến dịch Tây Nguyên đại thắng, tôi đã có dịp trình bày về ý nghĩa các sự lựa chọn để dẫn tới Nam Tây Nguyên chứ không phải nơi nào khác, Buôn Ma Thuột chứ không phải nơi nào khác cho mùa Xuân năm 1975. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc lại một điều: Bắc Tây Nguyên luôn luôn là nơi đối đầu, là nơi tập trung lực lượng mạnh của cả ta và địch. Mùa này quân giải phóng sẽ đánh ở đâu trên chiến trường cao nguyên? Nhắm mắt lại, khỏi cần suy nghĩ, kẻ địch sẽ đặt cuộc 10 ăn một: Phía bắc. Chí ít thì cũng Kon Tum, chí ít cũng là Plei-cu, nếu không muốn nói cả hai. Còn Buôn Ma Thuột? - Không đâu, Việt cộng không có lực lượng. Họ có thể đưa lực lượng đến? - Mạo hiểm, và để làm gì chứ? Tại sao lại không là Kon Tum, nơi mà sự hiểu biết sơ sài về địa lý quân sự cũng thấy cần phải giành lấy, hơn nữa để thanh toán "món nợ" 1972? Tại sao lại không là Plei-cu, căn cứ đầu não quân khu II, nơi khống chế huyết quản đường 19 (mà "làm chủ đường 19 là làm chủ Tây Nguyên")?
Từ đầu chí cuối, cả tư lệnh lớn Nguyễn Văn Thiệu lẫn tư lệnh vừa Phạm Văn Phú đều một mực khẳng định Kon Tum - Plei-cu. Nếu có nơi nào khác ở phía nam thì chỉ là những thị xã, thị trấn nhỏ không đáng kể lắm như Gia Nghĩa, Đức Lập nhằm mục đích thông đường. Được lắm, chúng ta sẽ cho điều khẳng định ấy của kẻ địch những bằng chứng mà nó muốn. Bộ tư lệnh Tây Nguyên đã làm tất cả những gì có thể làm được để buộc địch phải tăng cường lực lượng hơn nữa lên hướng bắc rồi kìm giữ chúng ở đây. Có thể nói chúng ta đã thực hiện cả một chiến dịch nghi binh từ tung tin thất thiệt, tạo những cơ sở giả đến việc tiến hành công tác thiết bị chiến trường, điều động lực lượng úp úp mở mở. Thậm chí, vào thời kỳ cuối của giai đoạn chuẩn bị, khi địch đã nắm được một vài bằng chứng thật về ý đồ của ta ở Nam Tây Nguyên, ở Buôn Ma Thuột thì ta lại tìm cách vô hiệu hóa để khiến chúng tin rằng đấy chỉ là động tác giả. Nhưng những "động tác giả" lừa địch có hiệu quả nhất lại chính là những hành động tác chiến thật. Chúng ta đã sử dụng một số đơn vị và thậm chí cả một sư đoàn - Sư đoàn 968 để làm việc này. Tôi xin nói ngay là sư đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ này một cách xuất sắc. Một, từ hạ Lào sang tập kết trên hướng đường 19 kéo dài Tây Plei-cu, sư đoàn đã chứng tỏ cho địch thấy một sự tăng cường lực lượng về phía Plei-cu. Động tác này khá đến nỗi có lúc địch cho rằng thậm chí ta đã tăng cường đến hai sư đoàn chứ không phải một. Chúng vội vã thông báo cho nhau. Hai, khi Sư đoàn 10 chuyển vào phía Nam, một số đơn vị thuộc Sư đoàn 968 được lệnh nghi binh để địch tin rằng sư đoàn này vẫn ở Kon Tum. Các đồng chí đã "chơi trò điện tử" bằng hệ thống thông tin, đến nỗi sau này tên tướng Mỹ Tim-mét, cố vấn trực tiếp của Nguyễn Văn Thiệu phải kêu lên: "Bằng biện pháp nghi binh qua làn sóng điện, Việt cộng đã thành công trong kế hoạch giam chân bộ phận chủ yếu của Quân khu II ở Kon Tum và Plei-cu". Ba, Sư đoàn 968 đã thực hiện một loạt những trận đánh có bài bản theo kiểu "đột phá lần lượt trước khi tấn công vào mục tiêu chính". Cách triển khai như là có nhiều sư đoàn sắp đánh vào Plei-cu. Địch hoang mang, khẳng định, rồi hoang mang, khẳng định. Cho đến tận ngày 9 tháng 3, một ngày trước khi ta đánh vào Buôn Ma Thuột, khi các cỡ súng của Sư đoàn 10 đang nổ vào Đức Lập và Sư đoàn 320 đã làm chủ Thuần Mẫn, cái thành phố lớn nhất cao nguyên đã ở trong tình thế cô lập hoàn toàn mà viên tướng Tư lệnh Quân đoàn II - Quân khu II từ Nha Trang bay lên vẫn ở trong một tâm trạng như thế. Đáng "buồn" nhất là cho đến phút ấy y vẫn khẳng định Plei-cu, mặc dù các dấu hiệu về Buôn Ma Thuột đã khá rõ. Các biện pháp đối phó của y chỉ là xác nhận Đại tá Vũ Thế Quang là Tư lệnh lãnh thổ Nam Tây Nguyên (bao gồm Đắc Lắc, Quảng Đức) và hứa (hứa thôi!) sẽ cho Liên đoàn biệt động quân số 21 và một thiết đoàn về cùng với Trung đoàn bộ binh 53 nống ra vòng ngoài ngăn chặn quân giải phóng. Và để cho hết trách nhiệm tư lệnh quân khu, Phú thêm:
- Tổng thống có nói rằng, nơi nào bị đánh thì gắng mà giữ lấy 3 tháng. Ba tháng thôi, vì hiệp định Ba Lê sẽ họp lại, cố giữ mà mặc cả(!), ông Quang?
Xong xuôi, Phú lại bay về Nha Trang (chứ không về nhiệm sở Plei-cu) vì ngày đó nóng bức "phải tắm một cú cho đã" (1).
Bộ tư lệnh chiến dịch đã rất quan tâm và trực tiếp chỉ huy các hành động chiến đấu nghi binh. Chúng tôi coi nó sẽ tạo nên bất ngờ đối với địch, mà bất ngờ là bảo đảm của thắng lợi. Tôi có thể dẫn ra đây bức điện mà Bộ chỉ huy Chiến dịch gửi cho sư đoàn trưởng Thanh Sơn ngày 2 tháng 3, sau khi Sư đoàn 968 đã tiêu diệt các vị trí Đồn Tầm, điểm cao 535:
"...
1- Tổ chức ngay việc vây, diệt 605, uy hiếp quận lỵ Thanh An.
2- Dùng hỏa lực đánh vào Chư Kara kết hợp bộ binh bao vây buộc địch đối phó.
3- Đưa lực lượng ta chiếm giữ ngay dãy Chư Gôi, tổ chức thành trận địa mới trên đông sông Ia Puk.
Trên tuyến đường 5A, 5B:
1- Tích cực bám đánh liên đoàn 4, không cho chúng rút khỏi Chư Sang.
2 -Tiếp tục hoạt động nhỏ trên đường 5B, giam chân Trung đoàn 44 tại đó. Tóm lại: Sư đoàn phải giam chân chủ lực địch trên hướng Plei-cu - Kon Tum và cố gắng thu hút thêm để tạo thuận lợi cho hướng chính...."(2)
Để giành lấy yếu tố bất ngờ, đi liền với các hành động nghi binh lừa địch là việc bảo đảm tuyệt đối giữ bí mật. Rất nhiều biện pháp đã được áp dụng một cách tỉ mỉ để thực hiện điều đó. Chỉ một việc nhỏ là luồn dây điện thoại qua đường cái về sở chỉ huy (liên lạc bằng vô tuyến điện sóng cực ngắn đã được cấm hoàn toàn cho đến khi nổ súng) chúng tôi cũng phải bàn rất kỹ. Và phải mất tới ba ngày thảo luận mới đi đến một giải pháp tối ưu về vấn đề hiệp đồng - một vấn đề rất phức tạp nhưng không khó hiểu. Đó là vì chiến dịch này đã được tiến hành với mức độ hiệp đồng binh chủng rất cao. Các binh chủng kỹ thuật đều đưa vào chiến đấu ở cỡ binh đoàn, nhất là sự xuất hiện lần đầu tiên một trung đoàn xe tăng. Trên tất cả các hướng tấn công ở trận mở đầu then chốt - trận Buôn Ma Thuột - đều có một khối lượng quan trọng các đơn vị pháo binh, pháo cao xạ đi cùng bộ binh. Bốn trên năm hướng có xe tăng. Đặc công đánh độc lập một hướng nhưng cũng hiệp đồng với từng hướng. Nhưng ở đây tôi đang đề cập tới vấn đề giữ bí mật bất ngờ nên chỉ muốn nói về động tác hiệp đồng chiếm lĩnh tuyến xuất phát tiến công làm sao để địch biết được ý định của ta càng muộn càng tốt.
Có thể giải thích vắn tắt như sau: Để khỏi bị lộ, chúng ta buộc phải tạm ngừng việc làm đường (bao gồm cả các bến phà vượt sông) từ các vị trí tạm dừng cuối cùng đến tuyến xuất phát tấn công - khoảng cách này trung bình là 25 đến 30 ki-lô-mét, có nơi đến 40 ki-lô-mét, tổng cộng là hàng trăm ki-lô-mét và hai bến phà phải thi công xong trước giờ nổ súng. Đã huy động vào việc này hai trung đoàn công binh làm đường và cầu phà. Các đồng chí công binh bảo đảm rằng, công việc có thể hoàn thành trong khoảng 4, 5 tiếng đồng hồ bằng các phương pháp khẩn cấp. Chúng tôi dự định (và thực tế đã như vậy) công binh sẽ tác nghiệp vào thời điểm bộ đội bắt đầu tiến lên từ tuyến tạm dừng cuối cùng. Mở đến đâu, tiến đến đó. Vấn đề là phải tính toán làm sao để từ các cự ly khác nhau - trong vài tiếng đồng hồ - bộ binh, xe tăng, pháo binh và các thành phần khác có thể vượt sông Sê-rê-pok (một con sông rộng 200 mét, lưu tốc lớn và... có cả cá sấu) trước 5 giờ sáng đến các vị trí xuất phát tiến công. Đã tính tới khả năng (có đơn vị) sẽ phải tác chiến trong hành tiến. Nhưng điều mà tôi muốn nói là ở chỗ này: Ta mở đường khẩn cấp bằng bộc phá, tiếng nổ của nó cộng với tiếng máy ầm ầm của tăng, pháo khi vận động sẽ khác nào "lạy ông tôi ở bụi này", giữ được bất ngờ chiến dịch rồi lại để mất bất ngờ chiến đấu. Thế là đi tới quyết định sẽ dùng đặc công và pháo mang vác (Rốc-két, DKB, H12) tiến công các mục tiêu địch vào thời gian công binh tác nghiệp mở đường, từ 2 giờ sáng ngày 10-3. Đây là hành động "một công đôi việc": Một, yểm hộ cho bộ đội cơ động và dọn bớt các mục tiêu râu ria để tạo bàn đạp. Hai,... như các Đại tá ngụy Vũ Thế Quang, Nguyễn Trọng Luật sau này đã khai: "Vâng, đến lúc đó chúng tôi vẫn khẳng định rằng, đây chỉ là các hoạt động bình thường của đặc công và pháo binh các ông, đến sáng rồi sẽ chấm dứt...". Tôi có thể lấy một ví dụ nữa. Gần sát những ngày nổ súng, do có những dấu hiệu nghi ngờ, địch cho nống càn lên phía bắc, nơi có bộ đội Sư đoàn 320 đang trú chân và chuẩn bị thiết bị trận địa. Địch càn đến đâu, các chiến sĩ của chúng ta phải lui vào đến đó và phải xóa hết dấu vết những gì đã làm được. Chúng chỉ rút khoảng 40 tiếng đồng hồ trước khi ta nổ súng và các chiến sĩ Sư đoàn 320 lúc ấy mới lại có điều kiện hối hả lao vào các công tác chuẩn bị. Không phát hiện được gì, địch yên tâm và chúng ta lại thêm một lần thắng địch.
Tôi đã nói khá nhiều nhưng cảm thấy vẫn chưa được thỏa đáng về các vấn đề nghi binh lừa địch, giữ bí mật giành yếu tố bất ngờ, một trong các mặt công tác tiến hành có hiệu quả nhất. Những gì là căng thẳng nhất, phải dồn tâm trí nhiều nhất trong giai đoạn trước ngày nổ súng là những vấn đề này. Tôi còn nhớ chiều ngày 5 tháng 3, khi ngày N đã ở ngay trước mặt, rất nhiều tin tức đưa đến chứng tỏ địch có khả năng nắm được các ý đồ của ta đã khiến cả sở chỉ huy chúng tôi như lặng đi. Thiếu tướng Vũ Lăng nói: "Thật là những tin tức có thể làm rụng tim được". Và chúng tôi đã gửi ngay một bức điện cho các đơn vị nhấn mạnh phải kiên trì giữ bí mật đến cùng. "Phải kiên trì giữ bí mật đến cùng" thà nhận những khó khăn để đánh địch chưa dự phòng còn hơn gấp nhiều lần đánh địch đã sẵn sàng ứng phó".
Tất cả những công việc trên (mà tôi vừa nhắc đến) là nhằm để hướng đến khả năng được đánh địch theo phương án tác chiến thứ nhất: Phương án địch không dự phòng. Tôi cần nói thêm là ngay sau Tết, chúng tôi đã chỉ định một bộ phận các cán bộ tham mưu bám sát phương án này, do Thượng tá Nguyễn Thế Nguyên, người đã tham gia biên soạn tài liệu đánh địch trong thành phố của Bộ Tổng tham mưu, Phó tham mưu trưởng chiến dịch phụ trách. Trong quá trình chuẩn bị, phương án đã được hoàn chỉnh dần bởi kinh nghiệm Phước Long do các đồng chí Nam Bộ ra phổ biến, bởi thực tiễn nắm địch và địa hình của bộ phận trinh sát do Thiếu tướng Vũ Lăng và Đại tá Nguyễn Năng, các phó tư lệnh chiến dịch dẫn đầu, bởi những ý kiến bổ sung của các đồng chí trong Bộ Tư lệnh mặt trận và nhất là những ý kiến của cơ quan đại diện Bộ Tổng tư lệnh - Tổng tham mưu và cá nhân đồng chí đại diện chiến lược, Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đại tướng đã chỉ thị những điều bổ sung cụ thể, sâu sắc, và chính xác cho quyết tâm chiến dịch.
Kỳ 4: Gạn lọc tình huống
Tôi xin nhắc lại, chúng tôi đã cố gắng để tạo khả năng đánh địch theo phương án thứ nhất nhưng trong thực tế phải chuẩn bị kế hoạch thật kỹ để chủ động đánh địch theo phương án thứ hai, phương án khó khăn nhất: Đánh địch có dự phòng. Tức là đánh với khả năng chúng có thể tăng cường thêm lực lượng phòng ngự cho Buôn Ma Thuột từ một, hai trung đoàn đến một sư đoàn. Trong phương án này, chúng tôi đã dự kiến hai cách đánh: Thứ nhất, điệu hổ ly sơn, tìm cách kéo địch ra, tốt nhất là ở tây cầu Sê-rê-pốc hoặc tây Cẩm Ga, Thuần Mẫn, dùng các sư đoàn của ta đánh một vài trận lớn, khiến lực lượng địch không còn đáng kể rồi nhanh chóng thọc thẳng vào thị xã. Những kinh nghiệm thú vị của lối đánh kéo địch ra trận địa bày sẵn này ở Đak toh năm 1967 và nhất là ở Sa Thầy năm 1966, vẫn còn đó. Nhưng hồi đó là với quân Mỹ, cái kiêu căng của lính Mỹ lúc mới vào cuộc có khác cái sợ đòn của lính ngụy vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh này. Do đó, chúng tôi đã tính tới cách đánh thứ hai trong trường hợp địch co cụm không chịu thoát ly công sự. Sẽ phải đột phá lần lượt trước khi vào đến tung thâm. Đây là cách đánh kinh điển đối với địch phòng ngự trong công sự vững chắc. Cách đánh này thực tế tuy khó nhưng kế hoạch hiệp đồng dễ, khác với cách đánh trên và cách đánh của phương án thứ nhất (địch không dự phòng) lại phức tạp ở chỗ phải nắm chắc mới dám điều động lực lượng. Ví dụ, muốn đánh theo phương án thứ nhất vào ngày 10 tháng 3 thì ngày 8 tháng 3 Sư đoàn 316 phải có mặt ở vị trí tập kết, ngày 5 tháng 3 phải bắt đầu hành quân chiếm lĩnh và trước đó, ngày 4 tháng 3, Tư lệnh chiến dịch phải hạ được quyết tâm rồi. Vấn đề không đơn giản, phải tạo thế ít nhất trước nổ súng 4, 5 ngày. Tại sao lại như vậy?
Xin nói rõ. Chúng ta muốn đánh địch theo phương án thứ nhất, nhưng hẳn là địch không muốn thế, nếu chúng nắm được ý đồ của ta. Mưu kế là làm sao khi thế trận đã được xác lập rồi, địch chỉ có thể cựa quậy được trong phạm vi thế trận bày sẵn mà thôi. Và bởi vì là sản phẩm của tư duy, thế trận cũng vận động theo yêu cầu chủ quan và thực tế khách quan, tức là vận động theo tình huống. Tình huống liên quan trực tiếp đến tạo thế (lập thế) hay nói cách khác, là nguyên nhân (mà cũng là kết quả) của tạo thế (lập thế). Nó đi từ việc dự kiến, gạn lọc đến tạo lập tình huống theo ý muốn của mình. Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên đã phải dự kiến rất nhiều tình huống mà dự kiến chính xác là một công việc thật không phải dễ. Chúng tôi quan tâm nhất đến tình huống địch tăng cường lực lượng. Quy luật phát triển tình hình trong chiến đấu (chiến dịch) cho chúng ta một nhận thức là địch luôn luôn phải tăng cường lực lượng cho các mục tiêu bị ta tấn công. Lực lượng này thường lấy ở đâu? Thông thường là biệt động quân dự bị quân khu và các sư đoàn chủ lực quân khu. Sau nữa là lực lượng tổng dự bị chiến lược: Lính dù và thủy quân lục chiến. Bí quá thì huy động lực lượng của các chiến trường (quân khu) kế cận. Ở đây, một cách khách quan, chúng tôi nhìn thấy khó có khả năng địch tăng cường lực lượng tổng dự bị cho Buôn Ma Thuột vì lực lượng này đang bị kìm chân, lính dù ở Thượng Đức, thủy quân lục chiến ở Trị Thiên (cùng lắm là chúng chỉ có thể dứt ra 1, 2 lữ đoàn). Tuy vậy, để loại trừ, chúng tôi đã đề nghị Bộ Tổng tham mưu cho các chiến trường trên phối hợp mạnh để giữ chân bọn này. Còn lại khả năng rõ nhất là địch sẽ tăng cường cho khu vực này bằng chính các lực lượng của Quân khu II, Sư đoàn 22 từ đồng bằng lên, Sư đoàn 23 từ Plei-cu xuống. Thêm vào đó là một vài liên đoàn biệt động quân. Như thế, dự kiến lực lượng được điều động ở mức cao nhất cho Buôn Ma Thuột là khoảng hai sư đoàn. Với lực lượng này, chúng tôi không ngại phải đối phó khi Buôn Ma Thuột đã giải quyết xong, nghĩa là chúng ta đã rảnh tay. Chỉ e rằng chúng tăng cường để phòng ngự dự phòng trước khi ta nổ súng hoặc đến trong lúc trận đánh còn đang tiếp diễn thì sẽ gây nhiều khó khăn cho ta. Bởi vậy phải dự kiến các tình huống có thể để tìm cách đối phó.
Chúng tôi dự kiến và thấy có khả năng loại trừ tình huống địch tăng cường lực lượng bằng máy bay có cánh cố định vì các sân bay xung quanh Buôn Ma Thuột ta đã khống chế bằng nhiều cách trong kế hoạch tác chiến. Địch có thể xuống Plei-cu, nhưng sân bay này không thể hạ cánh được C5A mà chỉ với loại máy bay vận tải quân sự này-có trong biên chế của ngụy- mới mang theo được xe tăng. Chưa nói đến Plei-cu lại không phải là Buôn Ma Thuột!
Chúng tôi cũng dự kiến và loại trừ luôn cả tình huống địch tăng cường bằng đường bộ, bằng cách đưa vào phương án tác chiến việc cắt đứt các đường quốc lộ số 19, 21 và 14. Địch nhạy cảm vô cùng với hai con đường huyết mạch 19 và 21 nối liền Tây Nguyên với đồng bằng, nhất là con đường 19-nguồn sống của Tây Nguyên. Chúng sẽ phải trả bằng mọi giá để giải tỏa con đường này. Lực lượng đưa đến có thể từ 1 đến 2 sư đoàn. Do đó, để bảo đảm cắt đường một cách chắc chắn, ngoài Trung đoàn 95-một đơn vị thiện chiến về đánh giao thông-đã có sẵn ở đây từ cuối năm 1973, chúng tôi đã đề nghị Bộ Tham mưu và Quân khu V cho Sư đoàn 3 đến tham gia. Việc này, chúng tôi cũng đã có bàn trước với Thượng tướng Chu Huy Mân. Yêu cầu được chấp thuận. Chỉ còn vấn đề: Sư đoàn 3 lúc ấy đang đương đầu với Sư đoàn 22 ngụy ở vùng Bồng Sơn, Tam Quan, chống phá kế hoạch bình định của chúng. Ta rút đi, địch sẽ có cơ lấn tới? Không, chúng tôi đã tính là nếu đường 19 bị cắt thì một chứ có đến hai Sư đoàn 22 địch cũng phải tung ra mà giải tỏa và như thế là khu vực Bồng Sơn, Tam Quan sẽ nhẹ gánh hơn (thực tế sau này đã đúng như vậy). Như vậy là sẽ có 4 trung đoàn làm nhiệm vụ cắt giữ đường 19. Năm 1972, chúng ta dùng một lực lượng ít hơn cắt đường 13 (Đông Nam Bộ) và một lực lượng còn ít hơn nữa cắt đường 14 (Tây Nguyên) mà hàng mấy tháng trời địch không qua nổi. Ở đây ta lại chỉ yêu cầu giữ được một thời gian ngắn hơn nhiều. Ở đường 14, nhiệm vụ cắt giữ đường được giao cho Sư đoàn 320 (sư đoàn này còn một nhiệm vụ khác nữa), và ở đường 21 ít quan trọng hơn, Trung đoàn 25... Việc cắt đường cũng loại trừ một tình huống thứ ba nữa là địch rút chạy một cách tự do.
Như thế chỉ còn lại tình huống-hay nói cách khác ta buộc địch phải chấp nhận tình huống tăng cường bằng đổ bộ trực thăng, một tình huống không hấp dẫn lắm đối với địch ở một khía cạnh nào đó nếu không kết hợp được với đường bộ; ít nhất cũng là vì rất dễ làm mồi cho ta và khả năng cơ động tăng, pháo càng hạn chế. Việc phán đoán các khu vực đổ bộ trực thăng không khó và Bộ tư lệnh chiến dịch đã dự kiến sử dụng Sư đoàn 10-ngay sau khi đánh xong Đức Lập-đối phó với tình huống này.
Chưa hết. Bằng cách loại trừ các tình huống trên, chúng tôi đã tạo nên tình huống mới: Địch bị cô lập hoàn toàn. Tây Nguyên cô lập chiến lược với đồng bằng. Buôn Ma Thuột cô lập chiến dịch với cụm binh lực chủ yếu Plei-cu, Kon Tum. Địch bị chia cắt mà ta thì hoàn toàn được tự do, được chủ động, đồng thời triển khai vững chắc các lực lượng khác ở những vị trí cơ động. Vào lúc ấy tức là một thế trận theo ý muốn của ta đã được xác lập và tôi xin trở lại cái ý ban đầu là vấn đề không phải đơn giản là như vậy.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, nghệ thuật chỉ huy, nói cho đúng, không phải chỉ bắt đầu từ việc tổ chức các đòn tiến công và cũng không phải kết thúc ở đấy. Bản chất của nghệ thuật khó khăn này là mưu kế. Nó được diễn ra trong suốt quá trình chuẩn bị và không dừng lại khi đã giành được thắng lợi (hoặc thất bại), đứng về ý nghĩa đơn thuần một trận đánh (hoặc một chiến dịch). Và bộ phận cấu thành quan trọng nhất của mưu kế là điều mà tôi muốn nhấn mạnh, là chỉ đạo tình huống. Nó gồm: Sự phán đoán (dự kiến), sự loại trừ (gạn lọc) và sự tạo lập những tình huống theo ý định của người chỉ huy. Nó là điều mà chúng ta vẫn quen gọi là đánh (hoặc chỉ huy) có bài bản. Và ý nghĩa triết học của nó được thể hiện trong mối quan hệ biện chứng này: Mưu kế càng sâu, thế trận càng phức tạp thì tình huống diễn ra càng giản đơn và chỉ huy càng chủ động. Lịch sử chiến tranh với những trận đánh hay (và dở) đã chứng tỏ điều đó.
Theo dự kiến của Bộ tư lệnh chiến dịch ngày 4 tháng 3 là mốc để bắt đầu tạo thế chiến dịch. Nhưng thực ra những tình huống được xử trí để dẫn tới thế trận xác lập đã được thực hiện từ cuối tháng 2 nếu không muốn nói là trước đó nữa. Không khó gì mà không nhớ lại sự kiện là Trung đoàn 45-trung đoàn mạnh nhất của Sư đoàn 23-từ những ngày cuối tháng 2 đã tích cực tìm dấu vết của ta ở Thuần Mẫn. Chúng tôi đã đôn đốc Sư đoàn 968 và một loạt những trận đánh của sư đoàn này bắt đầu từ 28 tháng 2 đã buộc trung đoàn ngụy 45, ngày 2 tháng 3, phải rút về Plei-cu để đối phó.
Ngày 4 tháng 3, theo trách nhiệm đã hiệp đồng, các đơn vị lần lượt tiến ra cắt đứt giao thông địch trên các đường 19, 21 và 14, chia cắt chiến lược và chiến dịch. Tiếp theo, ngày 8 ta chiếm quận lỵ Thuần Mẫn ở phía Bắc và ngày 9 tiến công quận lỵ Đức Lập ở phía Nam Buôn Ma Thuột. Cũng trong thời gian đó, trên tất cả các hướng tiến công Buôn Ma Thuột bộ đội ta đã vào vị trí tập kết cuối cùng. Thế trận bày xong.
Suốt cả ngày 9 tháng 3, chúng tôi luôn có mặt ở Sở chỉ huy, theo dõi các động thái của địch và nhất là các hành động của bộ đội ta.
Một mặt, các hành động ấy là cuộc tiến công của Sư đoàn 10 vào Đức Lập, một cuộc tiến công theo kế hoạch sẽ diễn ra nhanh gọn (chúng tôi rất tin khả năng của sư đoàn này) nhưng đã phải chậm lại vì vấp hỏa lực bất ngờ của những xe tăng địch đặt âm dưới mặt đất. Mặc dù trận đánh ở đó vẫn còn đang tiếp diễn, chúng tôi vẫn quyết định điều lực lượng cao xạ ở hướng này về Buôn Ma Thuột để làm nhiệm vụ phòng không cho trận đánh then chốt ngày mai. Ngày mai, nếu Sư đoàn 10 vẫn chưa giải quyết xong Đức Lập thì đương nhiên máy bay địch cũng sẽ tập trung hết về Buôn Ma Thuột, đó là điều thấy trước được.
Mặt khác, các hành động ấy là những bước chuẩn bị cuối cùng của các đơn vị sẽ tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Vào lúc 14 giờ, trực ban tác chiến báo cáo với Bộ tư lệnh về kết quả chuẩn bị của từng đơn vị. Tiểu đoàn 4 trên hướng thọc sâu phía Tây, xong. Trung đoàn 95B trên hướng Đông Bắc, xong. Trung đoàn 149 trên hướng Đông Nam, xong. Trung đoàn 148 trên hướng Tây Bắc, xong. Trung đoàn 174 trên hướng Tây Nam, xong. Xe tăng, pháo binh, cao xạ, xong. Đặc công, xong. Các đơn vị bảo đảm, xong. Dự bị, xong.
Đồng chí trực ban tác chiến vừa báo cáo vừa nhìn tôi từ bên phải như có ý dò hỏi, hay sợ tôi nghe không rõ? Không, tôi vẫn chú ý nghe đồng chí đấy chứ, và tôi biết rằng mọi việc tất nhiên phải như thế, đồng chí hiểu không? Xoay người lại, tôi nói:
- Đồng chí trực ban, đồng chí cho kiểm tra lại phương tiện thông tin đi các hướng. Nhắc giữ nghiêm chế độ liên lạc theo giờ. Và yêu cầu cơ yếu sẵn sàng mã dịch ngay bức điện cho Sư đoàn 316. Hỏi xem phiên liên lạc cuối cùng với sư đoàn là mấy giờ?
Tôi muốn nói phiên liên lạc cuối cùng bằng máy vô tuyến điện 15W trước khi đơn vị này bước vào triển khai chiếm lĩnh. Đúng, chúng tôi đã dành cho Sư đoàn 316 mối quan tâm đặc biệt. Đương nhiên vì nó là đơn vị được giao nhiệm vụ đánh trận mở đầu chiến dịch, lại là trận mở đầu có ý nghĩa then chốt. Hơn nữa, nó còn những nguyên nhân sâu xa để chúng tôi càng phải quan tâm. Sư đoàn 316 là một trong những sư đoàn được thành lập sớm của quân đội ta. Không còn nghi ngờ là nó đã lập được nhiều chiến công vẻ vang qua hai cuộc kháng chiến và hiện nay nằm dưới sự chỉ huy của một Anh hùng LLVT nhân dân, Đại tá Đàm Văn Ngụy. Tên tuổi của nó gắn liền với núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc và Thượng Lào. Nhưng đây là lần đầu tiên nó đương đầu với một đối tượng khác hẳn trên chiến trường mới lạ. Đó là điều khiến chúng tôi băn khoăn. Phải thừa nhận rằng lúc đầu cũng đã có ý định để Sư đoàn 316 đánh Đức Lập - một mục tiêu ít khó khăn hơn, và chuyển Sư đoàn 10, một sư đoàn thiện chiến trên chiến trường Tây Nguyên đánh trận then chốt Buôn Ma Thuột. Nhưng bởi vì Sư đoàn 316 được bổ sung cho chiến trường hơi muộn trong khi Sư đoàn 10 đã hoàn thành nhiệm vụ trinh sát vị trí Đức Lập nên sự thay đổi này sẽ khiến ngày mở màn chiến dịch phải lùi sâu hơn nữa. Điều đó không được. Chúng tôi hạ quyết tâm để Sư đoàn 316 đánh Buôn Ma Thuột và tự thấy trách nhiệm phải quan tâm đến đơn vị này nhiều hơn. Sau khi có phương án tác chiến, tôi và Đại tá Nguyễn Năng cùng với Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền ở Cơ quan đại diện Bộ Tổng tư lệnh đã trực tiếp xuống theo dõi và giao nhiệm vụ hiệp đồng cho Sư đoàn 316 trên sa bàn ở khu huấn luyện Đắc Đam. Với một tinh thần hăng hái và nhạy bén "nghề nghiệp", vượt qua nhiều khó khăn, Sư đoàn 316 đã khiến chúng tôi hoàn toàn tin tưởng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải dành sự quan tâm theo dõi nhiều nhất đến sư đoàn này, đặc biệt là Trung đoàn 149.
Kỳ 5: Thời khắc của lịch sử
Đảm nhiệm hướng luồn sâu tạo yếu tố bất ngờ nhiều nhất đối với địch, trung đoàn phải hành quân trên một cung đường xa nhất - hai ngày hai đêm để đến vị trí tập kết cuối cùng. Và lát nữa, trung đoàn, do chính sư đoàn trưởng dẫn đầu sẽ lại hành quân vào vị trí triển khai chiếm lĩnh.
- Báo cáo, phiên điện cuối cùng với đồng chí Đàm Văn Ngụy là 15giờ 30 phút - Đồng chí trực ban chợt xuất hiện trở lại làm gián đoạn dòng suy tưởng của tôi. Tôi nhìn đồng hồ: 14 giờ 40 phút.
- Được, đồng chí ghi bức điện sau đây:
"Gửi anh Ba Đàm (biệt danh 316 - T.G)
Đêm 9 tháng 3, chiếm lĩnh trận địa đúng thời gian quy định.
Sáng 10 tháng 3, nổ súng đúng thời gian quy định.
Nắm chắc đơn vị, hiệp đồng chặt chẽ.
Bắt đầu hành quân, báo cáo.
Triển khai chiếm lĩnh, báo cáo.
Nổ súng xung phong, báo cáo" (*).
Tôi nhắc thêm: "Ký điện tên tôi và Chính ủy Nguyễn Hùng" (Đặng Vũ Hiệp).
*
* *
Tôi xin phép đi trước thời gian một chút. Ba năm sau, mùa Xuân 1978, người giúp việc của tôi - Đại úy Vũ Cao Phan - đã thực hiện một cuộc phỏng vấn các nhân chứng ở phía bên kia của các sự kiện mà tôi đang đề cập đến:
Tướng Phạm Duy Tất, phụ tá Chỉ huy trưởng Quân khu II đặc trách biệt động quân; tướng Lê Văn Thân, Phó chỉ huy trưởng Quân khu II đặc trách lãnh thổ; tướng Lê Trung Tường, Tư lệnh Sư đoàn bộ binh 23; Đại tá Phùng Văn Quang, Trung đoàn 53; Đại tá Võ Ân, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 53, Sư đoàn 23; tướng Trần Văn Cẩm, phụ tá Chỉ huy trưởng Quân khu II đặc trách hành quân; tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh Sư đoàn 6 không quân đặc trách cao nguyên (sở chỉ huy Plei-cu) và Đại tá Vũ Thế Quang, Phó sư đoàn trưởng Sư đoàn 23 kiêm Tư lệnh lãnh thổ Nam Tây Nguyên. Nghĩa là tất cả những kẻ chịu trách nhiệm chủ yếu ở Tây Nguyên năm 1975, trừ viên tư lệnh của nó - tướng Phạm Văn Phú đã trốn chạy sự thật bằng một viên đạn tự kết liễu vào phút hấp hối của ngụy quyền Sài Gòn. Cộng vào các "khuôn mặt cao nguyên" ấy còn có tướng Nguyễn Hữu Có, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng của một thời "tam hùng" Thiệu - Kỳ - Có, người có quan điểm gần cận với Dương Văn Minh, và tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, Tư lệnh Mặt trận phòng thủ Phan Rang vào phút cuối cùng, kẻ luôn luôn nhận sự che chở của Nguyễn Văn Thiệu.
Chúng tôi đã nêu ra một loạt vấn đề và để họ được phát biểu ý kiến một cách độc lập. Về vấn đề đầu tiên và cũng là vấn đề then chốt: "Anh hãy phát biểu một cách khái quát nhất về chiến dịch Tây Nguyên", hầu như tất cả bọn họ, diễn đạt dưới những cách tiếp cận vấn đề khác nhau, đều cho rằng đây là một đòn thối động chiến lược đã tạo nên khúc quanh của chiến tranh.
- Bước ngoặt của chiến tranh, đúng thế- Tướng Có còn đưa thêm ý kiến có vẻ tiên tri-ngay khi hay tin Quân đoàn 2 bị gục, tôi đã nói với ông Dương Văn Minh: Đừng mong gì hơn, đây không phải là cái kết cục mà chỉ là cú mở màn, thưa Đại tướng...
Không, tôi không muốn khẳng định một điều gì, nhất là với cương vị là người đã chứng kiến và tham gia vào các sự kiện ấy. Hơn nữa, đấy là những ý kiến từ phía bên kia và rốt cục họ lại cũng là những kẻ trong cuộc. "Thua trong một trận quyết định cũng là điều vinh hạnh", phải chăng châm ngôn ấy đã khiến họ đưa ra ý kiến chủ quan? Không, quả là tôi chưa muốn khẳng định một điều gì khi bản thân lịch sử-sự khách quan tuyệt đối - có thể chưa đủ sức nặng thời gian để khẳng định. Chỉ biết rằng, cho đến tận hôm nay và có lẽ suốt cả quãng đời còn lại của người lính, tôi vẫn còn xúc động sâu sắc về thắng lợi của chiến dịch Tây Nguyên cùng với những hệ quả của nó, cũng như buổi sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, tôi đã xúc động như thế nào khi nghe tiếng những giàn pháo nổ như chưa bao giờ nổ trên chiến trường quen thuộc này.
Lúc đó là 5 giờ 30 phút, giờ G. Cùng lúc với bộ binh và xe tăng chiếm lĩnh các vị trí xuất phát tiến công, pháo binh chiến dịch, pháo binh sư đoàn và các đơn vị pháo binh khác trút xuống đầu địch những loạt đạn đầu tiên. Một bất ngờ không phải không đáng kể là lúc đầu trời mù, chúng ta đã không nhìn thấy các mục tiêu để xác định ngay kết quả xạ kích một cách chính xác. Nhưng rồi tầng mù cũng xua nhanh và trời sáng rõ dần. Trận pháo bắn chuẩn bị thực sự bắt đầu từ 6 giờ 30 phút. Tiếng nổ đầu nòng lẫn với tiếng nổ của đạn phá, rồi tất cả đập vào vách núi từ bốn hướng đã tạo nên cả một biển triều không dứt những âm hưởng đặc trưng của chiến tranh. Từ sở chỉ huy chiến dịch cách Buôn Ma Thuột 9km đường chim bay có thể nghe rõ cả tiếng nổ hỗn độn của các kho đạn địch bị cháy và tiếng phản pháo yếu ớt của chúng. Tôi thấy gì lúc đó? Phải, chưa bao giờ trong hơn ba mươi năm cầm súng-cho đến lúc ấy - tôi đã tham gia một trận đánh mà trong đó lực lượng pháo binh của chúng ta lại hùng hậu và áp đảo đến như vậy. Áp đảo? Đúng thế, tỷ lệ so sánh là gần 5 trên 1 trong trận mở đầu. Nhưng số lượng không nhất thiết là yếu tố quyết định. Ở Điện Biên Phủ, chúng ta chỉ có 24 khẩu pháo mà vẫn giành được ưu thế hỏa lực khiến Tư lệnh Pháo binh Pi-rốt lúc đó phải tìm đường tự vẫn để biểu thị sự bất lực một cách "khẳng khái" nhất. Vậy thì vấn đề quyết định bao giờ cũng là ở cách sử dụng.
Trận pháo bắn chuẩn bị kéo dài hơn 2 tiếng đồng hồ đã làm tê liệt quan trọng sức đề kháng của địch. Chúng ta có dồi dào đạn pháo không chỉ do sự chi viện của trên mà còn do chúng tôi đã sử dụng tiết kiệm trong những năm 1973, 1974. Hầu hết đạn pháo sử dụng trong thời kỳ đó là cỡ 105mm và 155mm lấy được trong các kho của địch hồi năm 1972 và cả những năm tiếp theo, mà các chiến sĩ pháo binh Tây Nguyên thường gọi đùa là đạn "lương khô".
Khi các cỡ pháo chuyển sang bắn chi viện, từ các hướng, bộ binh và xe tăng ta dũng mãnh tiến lên xung phong đánh chiếm các mục tiêu đã được hiệp đồng. Cuộc tiến công có ít nhiều thuận lợi ban đầu ở hướng Trung đoàn 149 nhưng đã diễn ra khá ác liệt ở các hướng khác vì địch đã kịp thời tổ chức kháng cự. Trung đoàn 148 tiến công từ hướng tây bắc đã phải đột phá qua cả một tung thâm bố phòng của căn cứ trung đoàn thiết giáp và trận địa pháo binh địch. Bọn chúng tuy bị bất ngờ nhưng đã nhanh chóng củng cố lại các trận địa phòng ngự có sẵn. Bộ đội ta gặp nhiều tổn thất nhưng vẫn anh dũng tiến lên. Đến buổi trưa cửa đột phá được mở tung nhờ hành động dũng cảm của đồng chí tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn chủ công đã đích thân lao lên chỉ huy mở cửa, sau nhiều lần mở không có kết quả vì hỏa lực dày đặc từ trận địa pháo binh địch. Ở hướng thọc sâu của tiểu đoàn 4 bộ binh và tiểu đoàn 3 xe tăng cũng vậy. Các chiến sĩ tiến giữa một liên hợp kho tàng dài gần 2km được mệnh danh là Mai Hắc Đế mà địch vốn đã triển khai các hình thức bảo vệ chặt chẽ. Bốt canh dày chi chít là những điểm tựa khống chế cả một dải hành lang phát triển của bộ đội ta. Mặc dù một phần lực lượng xe tăng tiến trên hướng này phải nằm lại dọc đường, máu đổ nhiều, tiểu đoàn trưởng hy sinh, chính trị viên tiểu đoàn hy sinh, bộ đội thọc sâu vẫn tạo thành một mũi khoan nhanh và hiểm vào tung thâm địch. Ở hướng đông bắc do Trung đoàn 95B đảm nhiệm, tình hình có khác một chút. Tôi xin mở ngoặc để nói thêm, đây là đơn vị được tăng cường cuối cùng theo yêu cầu của chúng tôi, một đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong trận đánh thị xã Quảng Trị năm 1972, đến chiến trường mới được 20 ngày nhưng lại phải phát triển trên hướng chủ yếu của trận mở đầu then chốt. Trung đoàn không gặp nhiều khó khăn khi đột phá, đánh chiếm mục tiêu đầu khá nhanh nhưng phải trụ lại trong nhiều giờ để đánh bại các đợt phản kích địch, rồi ngoan cường tiến đến mục tiêu quan trọng đã được xác định là cơ quan tiểu khu quân sự Đắc Lắc. Hỏa lực pháo binh địch đã bị hạn chế do hình thái xen kẽ địch, ta trong thành phố, song để bù lại, chúng sử dụng tối đa lực lượng không quân có thể huy động được. Máy bay địch giội bom, vãi đạn cố bịt các đầu cầu, nhất là trên các hướng tây bắc, đông bắc, đông nam, nhưng cũng đã vấp phải hỏa lực mãnh liệt của bộ đội phòng không theo sát bộ binh.
Bộ tư lệnh Chiến dịch, trên cả hai sở chỉ huy cơ bản và phía trước đã theo dõi chặt chẽ các tình huống diễn biến. Nhưng chính lúc trận đánh đang diễn ra ác liệt trong thị xã thì nhãn quan chiến dịch đã buộc chúng tôi, một mặt vẫn phải hết sức chú ý đến nó, mặt khác bỏ qua nó để nhìn đến toàn cục. Trinh sát cho biết chưa thấy có động tĩnh quan trọng của địch trong phạm vi toàn Quân khu II. Tôi yêu cầu các đồng chí thông qua bộ phận tham mưu của Đại diện chiến lược để tìm hiểu thêm tình hình địch ở cả miền Nam và sự phối hợp tác chiến của các chiến trường bạn. Riêng trong phạm vi Tây Nguyên, vào hồi 15 giờ, chúng tôi đã được tin địch quyết định điều liên đoàn biệt động quân số 21 ở ngoại vi đông bắc vào phản kích hòng chiếm lại một số mục tiêu quan trọng đã mất trong thị xã. Nhưng lực lượng ô hợp này, rõ ràng sợ bị chung đòn trước cuộc tiến công như vũ bão của ta, vẫn chần chừ chưa dám tiến. Ở Plei-cu, Trung đoàn bộ binh số 45 được lệnh cấm trại để sẵn sàng đổ bộ trực thăng xuống vùng Buôn Ma Thuột. Những tin tức đó không có gì đặc biệt, địch tất nhiên phải phản ứng như thế, nhưng nó cũng đã khiến chúng tôi quan tâm. Tôi nhắc Tham mưu trưởng Nguyễn Quốc Thước:
- Nắm chắc lại tình hình cơ động của Trung đoàn 66. Đôn đốc Sư đoàn 10 khẩn trương dứt điểm Dak Sak ngay.
Trận đánh của Sư đoàn 10 ở Đức Lập - Dak Sak có quan hệ mật thiết đến trận đánh Buôn Ma Thuột và tình hình địch mà tôi vừa nói đến. Phải nhìn rộng ra một chút để thấy rõ vấn đề. Chúng ta có một lực lượng lớn ở Tây Nguyên nhưng trước ngày nổ súng, toàn bộ lực lượng này đã được đưa vào cài thế chiến dịch với các nhiệm vụ: Nghi binh (Sư đoàn 968), chia cắt (Sư đoàn 320, Trung đoàn 95A, Trung đoàn 25), sẵn sàng bước vào chiến đấu (Sư đoàn 320, Sư đoàn 316, Sư đoàn 10, Trung đoàn 95B, Trung đoàn 271). Khi chiến dịch bắt đầu thì ba sư đoàn và ba trung đoàn độc lập phải đảm nhiệm một chính diện tiến công 200km và một chiều sâu phát triển 10km (theo dự kiến ban đầu) ở hướng Nam Tây Nguyên, hướng chủ yếu của chiến dịch; còn một sư đoàn cùng với một trung đoàn độc lập phải đảm nhiệm một chính diện 300km ở hướng bắc, vừa để bảo vệ vùng giải phóng rộng lớn vừa tham gia tiến công phối hợp. Guồng máy đã được sử dụng hết công suất. Vào lúc đó, lực lượng dự bị có trong tay chúng tôi chỉ còn một trung đoàn (Trung đoàn 24 thuộc Sư đoàn bộ binh 10), nhưng cũng chỉ là trên danh nghĩa vì trung đoàn này đã phải rút ra một tiểu đoàn đảm nhiệm mũi thọc sâu trong trận Buôn Ma Thuột và một tiểu đoàn nữa làm dự bị cho Sư đoàn 10.
Kỳ 6: Đột biến chiến dịch
Một lực lượng dự bị chiến dịch như thế là quá mỏng. Để khắc phục tình trạng này, đã có dự kiến đưa Sư đoàn 10, ngay sau khi giải quyết xong Đức Lập ngày 9 tháng 3, về đứng chân phía đông bắc Buôn Ma Thuột làm dự bị. Nhưng như tôi đã nói, tình huống chiến đấu không suôn sẻ đã khiến sư đoàn này cho đến sáng hôm nay, ngày 10 mới dứt điểm Đức Lập và hiện đang phát triển vào mục tiêu cuối cùng là ngã ba Dak Sak.
Thời gian là lực lượng! Có điều gì khắc nghiệt mà dễ hiểu hơn chân lý đó của chiến tranh. Tranh thủ được một tiếng đồng hồ, lực lượng có thể tăng gấp đôi. Tranh thủ được 24 tiếng đồng hồ lực lượng có thể tăng gấp mười. Ngay sáng hôm qua, khi nhận thấy không còn cần thiết, Bộ tư lệnh đã điều tiểu đoàn dự bị của Sư đoàn 10 về trong đội hình Trung đoàn 24 và hôm nay, cho lệnh điều tiếp Trung đoàn 66 khi Đức Lập đã chắc thắng. Tôi lưu ý cơ quan tham mưu nắm tình hình cơ động của Trung đoàn 66 là vì thế. Và phải đôn đốc Sư đoàn 10 dứt điểm Dak Sak ngay trong chiều nay để có thể đưa nốt Trung đoàn 28 về trong đội hình sư đoàn ở phía đông bắc Buôn Ma Thuột. Thời gian là lực lượng! Để tranh lấy yếu tố thời gian, Bộ tư lệnh Chiến dịch đã huy động tất cả các phương tiện cơ giới có thể có được lúc đó để cơ động bộ đội. Vừa ra khỏi chiến đấu, đẫm mình hơi thuốc súng và bụi đất, nguyên cả âm vang của thắng lợi vừa qua và lòng hăm hở hướng tới, các chiến sĩ lao nhanh trên ô tô để bước tiếp vào trận chiến đấu mới. Dù kẻ địch có điều đến thêm lực lượng thì ngày mai hoặc chậm lắm là ngày kia, sư đoàn dự bị chiến dịch đã sẵn sàng đối phó. Và tôi có thể nói trước là, chúng ta đã tranh thủ được thời gian. Vừa cơ động đến nơi, từng đơn vị của Sư đoàn 10 đã lao ngay vào trận chiến đấu đánh địch trong hành tiến, trận chiến đấu quyết định số phận Sư đoàn bộ binh 23 và Liên đoàn biệt động 21 mà tôi sẽ đề cập đến.
Trở lại những diễn biến ở Buôn Ma Thuột trong ngày 10 tháng 3. Đến cuối ngày do những nỗ lực rất lớn của bộ đội, chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi trên các hướng tiến quân. Vào khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi liên tiếp nhận được báo cáo là bộ đội thọc sâu tiến công từ hướng tây và sau đó là một mũi của Trung đoàn 174 do Thiếu tá, Trung đoàn phó Nguyễn Văn Minh dẫn đầu tiến công từ hướng tây nam đã phát triển đến mục tiêu cuối cùng, sở chỉ huy Sư đoàn 23 của địch. Trong khi đó, các thông tin về tình hình địch do phòng 2 quân báo cung cấp thì lại cho thấy chúng ta chưa đến được mục tiêu chủ yếu này. Lịch sử có lặp lại không đấy? Tôi nhớ ngay một tình huống tương tự xảy ra năm 1972 khi chúng ta đánh vào thị xã Kon Tum: Bộ đội báo cáo là đã ở trong sở chỉ huy Sư đoàn 22 địch nhưng quân báo-lại vẫn là quân báo - thì khẳng định rằng, đó chưa phải là sào huyệt của chúng và quân báo đúng. Điều này không có gì lạ: Chúng ta chưa quen đánh trong thành phố, việc nhận dạng các vị trí địch thường có tính chất ước lệ và nếu có dựa vào bản đồ chiến thuật, ảnh chụp và các vật chuẩn thì những thứ ấy nhiều khi đã mất hiệu lực thời gian. Có sự nhầm lẫn là điều khó tránh khỏi. Nhưng điều quan trọng là tuyệt đối không để tình trạng mơ hồ đó kéo dài, tuyệt đối. Phải xác minh lập tức. Chỉ huy sở phía trước, do các Đại tá Nguyễn Năng và Phí Triệu Hàm chỉ huy, đã cử ngay Thượng tá, Phó tham mưu trưởng Lê Minh và một tổ các sĩ quan tham mưu gồm nhiều thành phần dùng xe "gíp" tiến theo hướng của bộ đội thọc sâu...
Đúng như dự đoán, các chiến sĩ của chúng ta đã nhầm lẫn. Do hình thái cấu trúc tương tự bên ngoài, bộ đội đã tưởng vị trí của khu thông tin và tiểu đoàn quân y địch mà họ vừa tiến đến là căn cứ của Sư đoàn 23. Nhưng như vậy là cũng đã tiến sát mục tiêu cuối cùng. Và trên tất cả các hướng, chúng ta đã làm chủ đại bộ phận thị xã. Các dấu hiệu chứng tỏ kẻ địch tuyệt vọng, mặc dù chúng không ngừng phản kích. Chúng tôi lệnh cho Thượng tá Lê Minh bắt liên lạc trực tiếp với 5 mũi tiến quân, cho bộ đội dừng lại ban đêm để củng cố, thống nhất các động tác hiệp đồng, chuẩn bị cho đòn tiến công ngày hôm sau.
Và trận công kích cuối cùng vào căn cứ Sư đoàn 23 sáng ngày 11 tháng 3 đã diễn ra đúng như dự kiến, tuyệt đẹp nữa là khác: sau trận pháo như thác giội, bộ binh ào lên từ các hướng và đến 9 giờ 5 phút, chiếc xe tăng đầu tiên phá vỡ hầm chỉ huy địch. Hầu như cùng một lúc các mũi tiến công đã hội quân ở mục tiêu cuối cùng. Sở chỉ huy của chúng tôi lúc ấy đã giống như một ngày hội.
Đến đây, tôi lại nhớ đến biên bản về cuộc thẩm vấn các sĩ quan ngụy do Đại úy Vũ Cao Phan thực hiện mà tôi đã đề cập tới ở trên. Chúng tôi đã đặt ra với họ câu hỏi này theo lối trắc nghiệm: "Trận tiêu diệt Quân đoàn II tháo chạy trên đường 7 đã có ý nghĩa theo chốt quyết định chiến dịch Tây Nguyên? Hay trận tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột rồi sau đó tiêu diệt Sư đoàn 23?". Hai trong số các ý kiến trả lời xác định trận truy kích trên đường số 7, còn tất cả-80%-xác định trận Buôn Ma Thuột. Có thể phải nói thêm điều gì nữa? Đòn điểm trúng huyệt! Nhìn lại trận đánh ấy từ góc độ lịch sử, chúng ta thấy điều đó đúng với cả ý nghĩa chiến thuật, chiến dịch lẫn chiến lược.
Chúng tôi vào thành phố 12 vạn dân vừa mới được giải phóng ít ngày sau đó. Tôi nhận ra một điều khá lạ lùng là để "Việt cộng khỏi có chỗ ẩn núp", tất cả các đồn điền cà phê kế cận Buôn Ma Thuột trong vòng 10km đều đã bị đốn sạch từ lâu, vậy mà trên đường đi của chúng tôi, sát ngay cửa ngõ thị xã, cà phê vẫn mặc sức trải thành rừng. Hỏi ra mới rõ là ông chủ của lô rừng cà phê này là mấy tay tư bản Pháp. Họ có nhiều tiền và tiền nhiều đã giúp họ thoát khỏi cái lệnh tai ác trên của những tướng tá ngụy và "giúp" luôn cho "mấy ông giải phóng". Bộ đội ta đã tìm được vị trí triển khai tuyến xuất phát tiến công kín đáo trong những lô cà phê này. Đi giữa thị xã, chúng tôi mừng nhất là mặc dù trận đánh diễn ra ác liệt như vậy, sự thiệt hại của nhân dân là không đáng kể cả về người lẫn vật chất. Điều đó chứng tỏ là bộ binh, pháo binh, xe tăng của chúng ta đã đánh rất trúng mục tiêu. Và bộ đội phòng không đã hoạt động có hiệu quả chống lại các hoạt động oanh tạc của máy bay địch. Đại tá Yblok Eban, dân tộc Ê Đê, Chủ tịch Ủy ban Quân quản đã báo cáo với tôi về tình hình thị xã. Đồng chí cho biết rằng dân cư có vẻ thưa thớt là vì đã có lệnh cho sơ tán triệt để tránh máy bay địch oanh tạc, tuyệt đại bộ phận nhân dân vẫn ở lại với cách mạng mà không chạy đi. Đây là một vấn đề quan trọng mà chúng tôi đã chú ý nhiều trong giai đoạn chuẩn bị. Đã có nhiều cuộc thảo luận về việc phối hợp tác chiến của bộ đội với nổi dậy của quần chúng trong thị xã giữa các đồng chí đại diện Khu ủy, Tỉnh ủy và Chính ủy Chiến dịch, đồng chí Đặng Vũ Hiệp.
Ngày 6 tháng 3, ba ngày trước nổ súng, tại Sở chỉ huy Chiến dịch, đã tiến hành cuộc họp đề ra sự phối hợp cụ thể giữa các đồng chí Đặng Vũ Hiệp, Bùi San, Huỳnh Văn Mẫn, Yblok Eban và nhiều đồng chí khác. Trước đây, Buôn Ma Thuột vốn là nơi có các cơ sở cách mạng khá hơn cả ở Tây Nguyên. Và cũng chính nơi đây đã nổ phát súng lệnh cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của cả miền Nam Tết Mậu Thân. Nhưng phong trào đã sút kém đi từ đầu những năm 70 vì bị đứt mối cơ sở. Đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là chúng tôi không thể thông báo sớm các ý định tác chiến để có thể bàn ngay một cách cụ thể, vì bí mật quân sự, cố nhiên, của một chiến dịch rất cần yếu tố bất ngờ. Bởi các lẽ đó, khó mà đặt vấn đề tổ chức cho nhân dân nổi dậy như cách hiểu thông thường được. Chúng tôi nhất trí với quan niệm của Khu ủy là, nổi dậy trong tình hình này trước hết là phát động làm sao để dân tin tưởng ở lại ủng hộ Quân giải phóng khi chúng ta tiến vào thị xã. Điều đó cũng đúng với khái niệm mà thuật ngữ cách mạng này bao hàm. Hiểu theo cách đó, chúng ta đã vượt yêu cầu. Các mũi tiến quân đều có các cơ sở quần chúng dẫn đường. Nhân dân đã tham gia tiếp tế và chỉ hướng cho bộ đội truy quét địch. Các công sở, xí nghiệp dân dụng giữ được nguyên vẹn và trở lại hoạt động bình thường ngay. Sự đoàn kết Kinh, Thượng được giữ vững và bước đầu củng cố. Trong việc bảo vệ nhà máy thủy điện Đray-H'ling, có công của các công nhân người Ê Đê phối hợp với các công nhân người Kinh. Chúng tôi lưu ý thêm Bộ chỉ huy quân quản về vấn đề bảo đảm đời sống cho nhân dân.
Vào đến Sở chỉ huy Sư đoàn 23, giữa ngổn ngang gạch đá và miểng pháo, Thiếu tá Nguyễn Xuân Yêm nhặt lên và đưa cho tôi xem một cuốn sách. Đó là cuốn hồi ký của một viên đại tá ngụy nào đó viết khá huênh hoang dưới tiêu đề: "Từ Điện Biên Phủ đến Kon Tum". Tôi lật qua vài tờ và nhìn thấy tên mình được nhắc tới ở một đôi chỗ. Thì ra, viên sĩ quan này muốn chứng tỏ y biết rõ đối phương từ những chi tiết sinh hoạt nhỏ nhặt nhất, nhưng y đã chẳng biết cái gì cả: Tôi chỉ dùng cà phê khi thật cần thiết chứ không phải là ham thích thứ đồ uống này.
*
* *
Đòn phản kích tiếp liền sau đó do Bộ chỉ huy Quân khu 2 địch tung ra đã tiêu nốt những lực lượng còn lại của Sư đoàn 23 khiến sư đoàn này hoàn toàn bị xóa sổ (1).
Ngay sau khi cơ động lực lượng từ Đức Lập sang phía đông thị xã, như tôi đã đề cập ở phần trên, từ ngày 11 tháng 3, những đơn vị đến trước của Sư đoàn 10 đã lập tức tiến công các căn cứ ngoại vi còn lại rồi bước vào đánh địch phản kích. Từ ngày 12 đến ngày 18 tháng 3, bằng vận động bao vây tiến công liên tục đánh địch trong hành tiến - một hình thức tác chiến mới mẻ có trình độ đánh tiêu diệt cao-các Trung đoàn 24 và 28 của Sư đoàn bộ binh 10 và Trung đoàn bộ binh độc lập 25, đã lần lượt tiêu diệt các trung đoàn 45, 44, 21 và các đơn vị tăng phái đổ bộ xuống. Còn cần phải nhắc đến ở đây trận tiêu diệt Trung đoàn 53 địch ở sân bay Phượng Dực (đông thị xã Buôn Ma Thuột), ngày 17 tháng 3, một trận đánh góp phần xóa sổ Sư đoàn 23 và cắt đứt bàn đạp mà địch hy vọng sử dụng để phản kích đánh chiếm lại Buôn Ma Thuột. Nhiệm vụ thực hiện trận đánh này, theo quyết tâm, được giao cho Trung đoàn 149 thuộc Sư đoàn 316. Nhưng do trung đoàn, một phần thấm mệt vì trận tấn công vào thị xã trước đó, và chủ yếu là vì nắm địch chưa chắc, nên trận đánh đã qua ba ngày mà vẫn chưa ngã ngũ. Một tình hình như thế bao giờ cũng cho thấy phải tăng cường lực lượng. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định đưa thêm vào trung đoàn 66 của sư đoàn 10. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh đồng chí chiến sĩ cảnh vệ ốm yếu gầy gò sau một cơn sốt rét ác tính đã nằng nặc không chịu về tuyến sau trong năm Mậu Thân. Bây giờ chính đồng chí ấy đấy, Thiếu tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66 Nguyễn Đình Kiệp. Nhận được lệnh, đồng chí lập tức dẫn ngay các cán bộ của mình vượt lên trước để nhận nhiệm vụ hiệp đồng. Không gặp người chỉ huy sư đoàn tại tọa độ xác định, các đồng chí đã chủ động đi tìm suốt một đêm ròng với lòng nôn nóng được lao vào trận đánh. 8 giờ sáng hôm sau gặp được chỉ huy, lập tức quay ra đưa bộ đội vào chiếm lĩnh. 14 giờ giao nhiệm vụ cho các tiểu đoàn tại trận địa, 17 giờ nổ súng tấn công, 8 giờ sáng ngày 17 tháng 3, cùng với trung đoàn 149, các đồng chí cắm cờ chiến thắng lên vị trí địch. Chúng tôi rất cần những chiến sĩ, những cán bộ như thế trong chiến đấu và nhận thấy rằng quân đội của chúng ta đã không bao giờ thiếu.
Kỳ 7: Bùng nổ chiến lược
Sư đoàn 23 bị tiêu diệt hoàn toàn. Trong những ngày đó, chúng tôi đã không thể hiểu được kẻ địch lại có thể tổ chức phản kích ốm yếu đến như vậy. Thứ nhất, Sư đoàn 23 được tung vào trận không hề đúng lúc. Nếu chúng đưa lực lượng đến trong ngày 10 hay thậm chí trong ngày 11 tháng 3 thì chúng ta sẽ gặp khó khăn, trận đánh chiếm thị xã có thể kéo dài hơn và như vậy các tình huống tiếp theo sẽ khác. Nhưng chúng lại đến sau khi ta đã rảnh tay, và kết cục... Thứ hai, cái lối ném lần lượt từng trung đoàn xuống để... chúng ta có điều kiện lần lượt tập trung tiêu diệt. Tại sao chúng làm như thế? Bây giờ nhìn lại, có thể thấy rõ hơn: Đúng là chúng đã chỉ huy tồi trước đòn choáng Buôn Ma Thuột, nhưng chúng đã muốn làm một đòn nghi binh: Vào lúc ấy, Thiệu đã quyết định bỏ Plei-ku, Kon Tum, thực hiện một cuộc rút lui chiến lược của Quân đoàn 2. Bỏ cao nguyên? Còn có thể nói gì hơn nữa: Đột biến chiến dịch, một kết cục nằm ngoài dự kiến.
* * *
Các tư liệu lịch sử và nhiều cuốn sách khác nhau nói về thời kỳ còn nóng hổi tính thời sự này đều coi bước ngoặt của chiến tranh đã được quyết định vào những ngày giữa tháng 3 Tây Nguyên năm 1975.
Xuất phát từ sự kiện là, lần đầu tiên một quân đoàn địch đã bị giập xương sống trên một địa bàn chiến lược rất trọng yếu. Nhưng đã khác nhau căn bản ở cách tìm đến nguyên nhân. Không ít tác giả phương Tây - tôi muốn nói đến ngay cả nhiều sĩ quan của ngụy quyền Sài Gòn - đã có xu hướng quy mọi thất bại lên đầu tên tổng tư lệnh tồi Nguyễn Văn Thiệu mà họ cho rằng quyết định rút bỏ Tây Nguyên của y là một sai lầm "chết điếng" đã dẫn đến sự tháo chạy chiến lược của cả Việt Nam cộng hòa. "Vậy thì trong trường hợp cụ thể đó, bộ chỉ huy chiến lược của các anh cần xử trí như thế nào thì hợp lý". Đáp lại câu hỏi đó của chúng tôi (trong cuộc phỏng vấn được thực hiện năm 1978 mà tôi đã nói đến), lạ thay, không ít sĩ quan cao cấp cũ của quân đội Sài Gòn lại tỏ ra khá lúng túng. Ít kẻ có thể đưa ra ngay một giải pháp rõ ràng. Thậm chí, có viên sĩ quan nọ lúc đầu cho rằng nên như thế này, về sau lại "à..." rồi đưa ra một kế hoạch khác. Và thậm chí nữa, có kẻ còn xin "để tôi suy nghĩ thêm rồi trả lời sau" (chết nỗi, ba năm qua rồi mà ngài chỉ huy vẫn lúng túng, để mất cả thời cơ chiến lược lẫn chiến thuật!). Nhưng đáng chú ý là tất cả những kẻ có nhãn quan chiến lược một chút đều cho rằng trong hoàn cảnh đó không có cách nào hơn, chỉ có thể "tẩu vi thượng sách"! Nghĩa là, "tướng Thiệu đã quyết định đúng khi rút bỏ cao nguyên, nhưng ông ta đã thiết kế hành quân quá vội vã..." - Nói như thế thì còn khả dĩ. Sai lầm của chúng là ở chỗ ấy nhưng rõ ràng sự thất bại đã không phải là sai lầm chủ quan của một cá nhân (điều đó nếu có cũng chỉ thứ yếu). Sự thất bại nằm trong tồn tại khách quan là, đối phương đã đẩy đến tình trạng không còn cách lựa chọn nào khác. Sẽ là đi quá xa phạm vi một hồi ký thông thường nếu tôi đưa thêm những ý kiến phân tích, cho nên chỉ có thể tóm tắt: Rút bỏ, khó mà lựa chọn cách nào khác. Giữ nguyên hiện trạng lúc đó? Lực lượng đối phương đang dồi dào trong thế chẻ tre, Tây Nguyên đằng nào cũng không thể giữ và Quân đoàn 2 sẽ bị tiêu diệt. Thiệu biết rõ điều đó. Tung lực lượng ứng cứu giải tỏa đến cùng? Trong trường hợp đó không có thể trông vào quân Mỹ, bị bó tay nhất định bởi Hiệp định Pa-ri và cũng khó mà dám liều lĩnh "thử thời vận" một lần nữa. Thiệu biết rõ điều đó. Cũng không thể trông vào lực lượng tổng dự bị chiến lược, đang bị căng ra đối phó ở các chiến trường khác, chưa nói tới nếu như tất cả các quân đoàn chủ lực của đối phương - đang sẵn sàng - đều nhất loạt vào trận thì... Thiệu biết rõ điều đó. Còn lực lượng của chính Quân đoàn 2, Quân khu 2? Cạn rồi! Cần khẩn trương gom lại nếu còn muốn có một đòn phản công tái chiếm Buôn Ma Thuột, nơi có vị trí chiến lược quan trọng hơn cả trên cao nguyên. Gom lại, co hẹp phòng tuyến lại nếu còn muốn giữ lấy đồng bằng hậu phương, nhân tố thường xuyên quyết định trong chiến tranh. Và thế là việc rút bỏ cao nguyên được quyết định và thi hành ngay.
Tôi nhớ đến những cuộc họp của chiến lược chuẩn bị cho năm 1975 mà tôi được tham dự ở Hà Nội. Khi bàn đến hướng phát triển tiếp theo của chiến dịch Nam Tây Nguyên, đồng chí Lê Duẩn đã nói: "Địch sợ nhất một đòn chia cắt chiến lược toàn miền Nam. Giải quyết xong nam Tây Nguyên, thì cần phát triển xuống đồng bằng duyên hải Phú Yên, Khánh Hòa cắt đôi miền Namra". Tình hình phát triển vào những ngày giữa tháng 3 đó đã tạo cơ hội cho quyết sách chiến lược ấy.
Nếu trận Buôn Ma Thuột đã quyết định Chiến dịch Tây Nguyên thì trận đường số 7 tiêu diệu Quân đoàn 2 tháo chạy, đẩy bộ tham mưu địch vào thế hoàn toàn bị động đã tạo nên bước ngoặt chiến lược.
Từ những ngày giữa tháng 3, thời gian đối với chúng tôi đã là một dòng chảy xiết đến chóng mặt các sự kiện chiến đấu, chảy xiết cho đến tận ngày cuối cùng của chiến tranh.
Chiều 15, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã gọi điện trực tiếp cho tôi nói rằng địch có khả năng rút chạy khỏi Plei-ku, Kon Tum. Thông tin ấy đến khá đột ngột vì chúng tôi chưa dự kiến tình huống lại có thể chuyển biến nhanh chóng đến như thế. Nhưng sau khi triển khai nắm lại các tin tức, quả nhiên có những hiện tượng để phán đoán khả năng này. Đêm 15, chúng tôi điện báo cáo về Bộ tổng tư lệnh, trong đó có đề cập đến chiều hướng địch rút chạy. Và ngay ngày đó, đã đề nghị với Thượng tướng Chu Huy Mân cho lực lượng Quân khu 5 sẵn sàng đón đánh địch ở Củng Sơn. Trong khi chúng tôi khẩn trương chuẩn bị các phương án đánh địch trên cơ sở những tin tức đang được sáng tỏ, vào lúc 20 giờ ngày 16, khi cả Bộ tư lệnh Chiến dịch lẫn các sĩ quan tham mưu đang có mặt bên tấm bản đồ chỉ huy thì chuông điện thoại réo vang. Tôi nhấc tổ hợp lên, và tiếng nói rành rọt của Đại tướng Văn Tiến Dũng vang từ đầu bên kia, cả hầm chỉ huy đều nghe rõ:
- Truy kích ngay! Địch đã rút chạy theo đường 7.
Sự điều động lực lượng tiếp theo là cả một cơn lốc. Những mệnh lệnh ngắn, gọn được khẩn trương phát đi. Kế hoạch tác chiến hình thành trong chốc lát. Chúng ta kiên quyết giành lại quyền chủ động thời gian!
Suốt đêm 16, chạy dưới ánh đuốc bập bùng do chính mình đốt lên (còn cách nào tốt hơn nữa!), Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 64 nhận lệnh xuyên rừng ra chốt chặn đường 7, làm bức tường chặn đứng cuộc tháo loạn ô hợp của cả vạn tên địch để lực lượng lớn phía sau có thể kịp vận động đến tiêu diệt. Và nhiệm vụ ấy đã được hoàn thành xuất sắc, mặc dù bộ đội ta phòng ngự trong hình thái dã ngoại không công sự. Chúng tôi được báo cáo về tấm gương của người chiến sĩ dũng cảm Nguyễn Vy Hợi và tiểu đội của đồng chí. Các đồng chí đã chốt giữ một đoạn đường đầu cầu diệt hàng chục xe tăng địch với một tinh thần anh dũng ngoan cường. Nhiệm vụ tiêu diệt những lực lượng tháo chạy của Quân đoàn 2 được giao cho Sư đoàn 320 lúc đó đang là lực lượng dự bị chiến dịch đứng chân ở đường 14. Hành quân thần tốc bằng mọi phương tiện, Sư đoàn đã triển khai ngay thành ba mũi bao vây đội hình mấy chục km của địch trên đường số 7. Mũi phía bắc do Trung đoàn 9, mũi phía nam do Trung đoàn 64, và hình thành một tay dao chém vào giữa cụm lực lượng chủ yếu của địch ở thị xã Phú Bổn (Cheo Reo) là Trung đoàn 48. Tiểu đoàn 2 của trung đoàn này, do Trung tá Tham mưu trưởng sư đoàn Ngô Huy Phát trực tiếp nắm lúc đó, đã kiên quyết táo bạo đánh bại một lực lượng địch đông gấp bội từ thị xã nống sục về phía tây, buộc chúng phải co về để trung đoàn từ phía sau kịp đến hình thành thế bao vây.
Tiếp cận địch trong ngày 17, Sư đoàn 320 lao ngay vào cuộc chiến đấu không một giây ngừng nghỉ. Truy kích, tập kích vào các cụm phòng ngự, đánh chặn giao thông, đánh gặp gỡ, vận động bao vây tiến công liên tục... Tất cả các hình thức tác chiến đã được cán bộ và chiến sĩ trong sư đoàn vận dụng trong từng trường hợp đánh địch cụ thể, quyết giành thắng lợi về mình. Và thắng lợi ấy đã đến vào ngày 19 khi sư đoàn giải phóng thị xã Cheo Reo, quét sạch địch trên đường số 7, diệt và bắt hàng vạn tên cùng rất nhiều trang bị kỹ thuật. Một bộ phận địch chạy thoát trước đó về Phú Yên đã bị hai tiểu đoàn bộ đội địa phương và du kích Phú Yên được lệnh của Bộ tư lệnh Quân khu 5, bỏ hết các mục tiêu khác, ra chặn đứng ở Củng Sơn, rồi cùng với Trung đoàn 64 vận động xuống tiêu diệt nốt.
Cùng thời gian đó, phối hợp với bộ đội địa phương và các lực lượng nổi dậy của nhân dân, Trung đoàn 29 tiến vào Kon Tum, Trung đoàn 95A tiến vào Plei-ku, Trung đoàn 19 tiến vào Thanh Bình ở hướng bắc Tây Nguyên.
Phía cực nam mặt trận, thị xã Gia Nghĩa nằm trên đường 14, hướng được dự kiến phát triển ban đầu của chiến dịch nam Tây Nguyên cuối cùng cũng đã được giải phóng bởi Trung đoàn 271.
Trong suốt những ngày tháng 3 ấy, khi thời gian được đếm không phải bằng ngày giờ mà bằng các sự kiện chiến đấu diễn ra liên tiếp, có một phút chúng tôi để cho lòng mình được thư thái. Ấy là cái phút chúng tôi nhìn vào bản đồ Tây Nguyên - 70.000km2 của bình sơn nguyên bao la - và lần đầu tiên bất chợt nhận thấy các sĩ quan tham mưu không còn tác nghiệp lên đó những lá cờ xanh nữa. Chúng ta đã qua một chớp mắt hay một thế kỷ? Hay bốn mươi thế kỷ để đến ngày hôm nay!
Một cái gì cay cay nơi mắt dễ mềm lòng người lính khiến tôi bước ra khỏi hầm chỉ huy. Chúng tôi vốn vẫn nhận ra Tây Nguyên ở những rừng khộp, những rừng già tán lá kín bưng, những sườn đá cheo leo mà mỗi "quăng dao" là một buổi đi đường cật lực. Ở đây, tại Sở chỉ huy Chiến dịch phía tây Thuần Mẫn, tôi lại bất chợt nhận thấy một Tây Nguyên nữa. Bình nguyên đất đỏ chạy đến chân trời. Đất tốt quá! Tây Nguyên giải phóng rồi, đồng bào các dân tộc sẽ thoát khỏi cảnh đói khổ. Với đất này, với bàn tay lao động cần cù của mình, đồng bào sẽ cùng cả nước đi lên ấm no, hạnh phúc. Có gì khác đâu, đấy là mục đích mà chúng ta cầm súng.
Ngày 27 tháng 3, đã chính thức tuyên bố thành lập Quân đoàn 3 rút ra từ những lực lượng chủ yếu của bộ đội Tây Nguyên, do Thiếu tướng Vũ Lăng làm Tư lệnh và Đại tá Đặng Vũ Hiệp làm Chính ủy. Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Bộ tổng tư lệnh đã hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn ngay trước mùa mưa, và Quân đoàn 3 được giao nhiệm vụ sẽ đảm nhiệm một hướng tiến công quan trọng. Nhưng ngay bây giờ, các chiến sĩ Tây Nguyên ấy còn phải hoàn thành trách nhiệm tiến xuống đồng bằng, cùng với bộ đội bạn giải phóng vùng duyên hải. Cánh cửa lớn đã bật tung, ba cánh quân tràn xuống theo ba con đường của Tây Nguyên: Sư đoàn 968 và Trung đoàn 95 trên đường 19, Sư đoàn 320 trên đường số 7, Sư đoàn 10 và Trung đoàn 25 trên đường số 21. Các đòn chiến đấu tiếp tục.
Tôi lại từ giã Tây Nguyên vào một ngày cuối tháng 3 để cùng các đơn vị Tây Nguyên tiến xuống vùng đồng bằng duyên hải miền Trung. Các hướng chiến trường đang phát triển, công việc trước mắt còn biết bao nhiêu! Tôi muốn nói với các bạn chiến đấu thân thiết của tôi rất nhiều mà hầu như không nói được gì cả. Vừa ký vào tấm bản đồ Quyết tâm Chiến dịch nam Tây Nguyên mà các đồng chí vừa xây dựng lại để giữ làm lưu niệm, tôi vừa nói:
- Xin hẹn giữa thành phố Sài Gòn giải phóng! Tạm biệt...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top