Chương II: Tôi và chuyện yêu đương
Ok, bởi vì chương trước tên ‘Tôi đi học’ nhưng lại chẳng liên quan tí nào đến học hành nên hôm nay tôi sẽ kể cho các bạn thiên duyên tiền định, nhất kiến chung tình giữa tôi và Sinh, môn chuyên tôi theo học.
Hè năm mười tuổi, tôi nhận ra tôi biết yêu.
Nàng tên Tiếng Việt, sau này đổi tên thành Ngữ Văn. Tôi với nàng nên duyên trong một kỳ thi, khi tôi sắp bật khóc vì điểm Toán của mình. Nàng là người vớt tôi lên khỏi vực sâu vạn trượng. Nàng nhẹ nhàng và dịu dàng như ánh trăng ngà, đẹp đẽ đến nỗi tôi chỉ có thể ngắm nhìn mà không dám chạm tới. Chúng tôi yêu nhau, không một cái nắm tay, không một nụ hôn, nhẹ nhàng như chính con người nàng.
Tôi đã vô cùng hạnh phúc, và, cứ tưởng rằng sẽ mãi hạnh phúc.
Một năm trôi qua, Ngữ Văn đã thay đổi.
Càng ngày, nàng càng đòi hỏi nhiều hơn ở tôi. Nàng chán mơ mộng với miêu tả và kể chuyện rồi. Cái nàng cần bây giờ là sự thực tế từ văn chính luận như nghị luận, thuyết minh.
Tôi chia tay nàng.
Nửa năm sau tôi quen Vật Lý. Khác với Văn, cô ấy nghiêm túc, giỏi giang. Cô ấy có sự trầm ổn và trưởng thành của người lớn. Con người cô ấy giống như những công thức và định luật, đơn giản mà không kém phần bí ẩn. Vật Lý chưa từng đòi hỏi quá đáng từ tôi. Cô ấy cũng không làm nũng, là một người vô cùng, vô cùng hiểu chuyện, tới nỗi mỗi khi đi cùng cô ấy tôi lại thấy bản thân ấu trĩ và hành xử như một đứa trẻ.
Hiểu chuyện nhưng thiếu đi sự tâm lý khiến tôi thiếu vắng cảm giác an toàn. Chúng tôi dần xa cách.
Cô ấy không thể hiểu tôi đang nghĩ gì, Vật Lý nói vậy với tôi. Y hệt như lúc tôi nói với Ngữ Văn rằng tôi không tài nào hiểu nổi nàng.
Well, chúng tôi chẳng thể cứu vãn mối tình này nữa. Hai năm lẻ ba tháng.
Sau đó tôi cũng dạo chơi với vài người. Hai anh em Đại Số- Hình Học nhà toán, Hóa Học, Tin Học, Mỹ Thuật,...nhưng không nghiêm túc với ai. Kiểu cả thèm chóng chán hoặc 419 thôi.
Tôi có một chị bạn thân tên English nhưng tôi thường xuyên gọi chị bằng tên tiếng Việt, Anh. Chị là người nước ngoài. Dù bất đồng ngôn ngữ, chủng tộc, văn hóa nhưng tôi và chị vẫn là bạn chí cốt suốt sáu năm. Anh là người duy nhất sẽ an ủi mỗi khi tôi thất tình thay vì cười vào mặt tôi như Lịch Sử và Địa Lý- chị em của Ngữ Văn và Vật Lý. Anh cũng nhiều lần cứu vớt cái bảng điểm nát như tương của tôi.
Một ngày kia tôi nhận ra mình đã trót phải lòng Anh, hình như hồi tôi lớp 7 thì phải. Nhưng từ trước đến giờ chị ấy luôn xem tôi như em gái mà chăm lo. Sự ôn nhu, nụ cười rực rỡ như ánh dương của Anh dành cho em gái Trần Nhật Nam, không phải bạn gái Trần Nhật Nam. Vả lại tôi vốn chẳng thể với tới chị. Thế giới của chị là nơi mà cả đời tôi cũng không thể đặt chân đến.
Tôi quyết định chôn vùi tình yêu này mãi mãi.
Từ ấy tôi chẳng còn thiết tha với chuyện yêu đương. Tôi lao đầu vào học hành mà không có mục tiêu, không có bất kỳ kế hoạch hay dự tính nào. Có lẽ ép buộc bản thân bận rộn sẽ giúp tôi không còn thời gian để nghĩ đến Anh nữa. Cuộc sống của tôi nhuốm một màu xám buồn tẻ. Tôi chán rồi. Cứ từ màu hồng rồi lại bị nhuộm thành màu đen tuyệt vọng. Chẳng thà mãi giữ màu xám, giữ mãi sự bình yên không gợn sóng như đáy hồ mùa thu.
Tôi đã nghĩ thế cho đến khi thế giới của tôi lại một lần nữa được tô màu. Không phải màu hồng, cũng chẳng phải màu đen. Thế giới của tôi bừng sáng bởi màu xanh của cỏ cây, của bầu trời và đại dương bao la.
Người tô màu là Sinh Học.
Một cô bé nhỏ nhắn, nhanh nhẹn như tinh linh. Cô bé ấy đột nhiên chạm mắt tôi, chạy nhanh như sóc đến ôm chầm lấy tôi rồi tuyên bố: ‘Chị sẽ là người yêu của em!’
Từ ngày hôm ấy con bé cứ quấn lấy tôi như loài dây leo, ríu rít lải nhải bên tai tôi như chim sáo. Kiên trì và nhẫn nại bám theo tôi từ ngày này qua tháng nọ. Bảo không phiền là nói dối nhưng không hiểu sao tôi chẳng thể ghét con bé. Có lần tôi vu vơ bảo con bé: ‘ Sao em cứng đầu vậy Sinh? Chị sẽ chẳng bao giờ thích em đâu.’
Con bé nhìn tôi rất lâu. Sau đó từng giọt nước mắt trong suốt lăn dài trên gương mặt nhỏ nhắn, tí tách rơi xuống. Vai con bé run run nhưng lưng vẫn thẳng tắp. Sinh vừa khóc vừa khẳng định: ‘Chị sẽ thích em!! Em thề đấy. Em sẽ khiến cho chị thích em, thích đến chết đi được!!!’
Tôi ngây người.
Ôi bé con của chị, chị mày đổ em rồi đấy.
Không được dịu dàng như Ngữ Văn, không có trầm ổn của Vật Lý cũng chẳng ôn nhu như English. Sinh tươi sáng quá đỗi, xinh xắn quá đỗi.
Và thế là chúng tôi yêu nhau. Nói đúng hơn, chúng tôi thương nhau.
Có những lúc chúng tôi cãi nhau, vì những lý do không đâu, nhưng rồi cũng chóng làm lành.
Có những lúc tôi muốn buông xuôi bỏ mặc tất cả. Sinh không nói gì, chỉ lẳng lặng biến mất vài ngày rồi quay trở lại khi tôi cảm thấy ổn hơn.
...
...
...
Rồi, hết rồi đấy. Con người có vài ba đứa ghệ cũ và giờ thì đang yêu đương với Sinh Học. Once more time say ‘Trần Nhật Nam thay bồ nhanh hơn thay áo’
Chính vì sự khốn nạn của mình, hiện giờ Trần Nhật Nam đang phải trả giá bằng việc phơi da dưới nắng hai tiếng đồng hồ.
“Toàn trường chú ý. Nghiêm. Chào cờ, chào!
Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu nước....”
Không biết đây là lần thứ bao nhiêu trong ngày tôi hát quốc ca. Gọi là ‘hát’ vì tôi đang sử dụng phép nói giảm nói tránh. Để miêu tả đúng, đáng ra nên dùng từ ‘gào’.
Học sinh toàn trường đang tập duyệt cho Lễ Khai Giảng năm học mới.
Trời nắng gắt thiêu đốt da thịt chúng tôi. Áo sơ mi ướt sũng vì mồ hôi, dính nhớp khó chịu vô cùng. Đầu tôi ong ong như có ai lấy cái búa trăm cân gõ lên từng hồi. Thể chất của tôi vốn chẳng khỏe mạnh gì cho cam, sáng nay còn chưa kịp ăn sáng nên bây giờ vừa đói vừa mệt.
Tôi đến giới hạn rồi, không ngất ra đây vì lả thì cũng xỉu ngang ra đây vì say nắng mất.
‘Ê, có chịu được nữa không? Nhìn mặt mày tái mét ấy.’
Tôi giật mình ngẩng đầu lên nhìn. Nữ, khá xinh, không nhớ tên.
‘Không chết được, say nắng tí thôi. Ừm, xin lỗi nhưng đằng ấy tên gì ấy nhỉ?’
‘Lan Anh, sáng nay mày vừa hỏi mà?’
Lan Anh tròn mắt nhìn tôi. Tôi cười trừ cho qua.
Đời tôi 16 cái xuân xanh. Vào mùa xuân thứ 11 tôi phát hiện bản thân có vấn đề trong việc nhớ mặt và tên của người khác. Một người mới gặp qua hai ba lần thì 90% tôi sẽ quên cả mặt lẫn tên nếu không có lần gặp thứ tư, thứ năm. Tôi không quá đặt nặng chuyện này và sẽ chẳng bao giờ quan tâm chuyện này nếu không có việc hơn một tuần qua tôi vẫn khốn đốn khi đi tìm thành viên lớp giữa sân trường rộng lớn mênh mông. Đúng là cái chuyện học với nhau một tuần nay rồi nhưng mỗi lần có việc là lại phải hỏi: ‘Ê, mày tên gì thế?’ nó khốn nạn thật. Nhưng vì ông trời đã ban cho tôi một bộ não có trí nhớ siêu phàm. Chịu thì chịu, không chịu vẫn phải chịu mà thôi.
‘Tao vừa hỏi Quân. Bây giờ là 9 rưỡi, sắp được về rồi.’
Tuyệt vời, vậy là 30 phút nữa chúng tôi sẽ được trả về nhà với gia đình để ngồi phòng máy lạnh mát rượi.
Những lúc như thế này tôi vô cùng biết ơn Willis Carrier vì đã sáng tạo ra chiếc máy điều hòa chạy bằng điện đầu tiên trên thế giới. Ngày 17 tháng 07 năm 1902 là một ngày tuyệt vời!! Bên cạnh đó, tôi cũng vô cùng biết ơn nền văn minh tiên tiến của nhân loại đã cải tiến từ một hệ thống điều hòa được sử dụng trong máy in của Willis Carrier thành chiếc máy điều hòa hiện đại như ngày nay. Điều hòa muôn năm!! Máy lạnh muôn năm!!
Nhân tiện, phòng tôi mới lắp điều hòa hai hôm trước rồi.
Once more time say: Điều hòa muôn năm!! Máy lạnh muôn năm!!
Đúng 10 giờ, chúng tôi được phép xách mông lên lớp ngồi để giáo viên chủ nhiệm dặn dò đôi ba câu. Sáng ngày mai, lúc bảy giờ buổi Lễ Khai Giảng năm học mới sẽ được tổ chức. Chúng tôi phải có mặt từ 6 giờ 30 phút để chuẩn bị. Ngoài thông báo học sinh khối 10 không cần phải mặc áo dài và chiều nay chúng tôi được nghỉ thì không có gì thay đổi. Chuẩn bị về thôi.
Đấy là tôi nghĩ thế.
‘Cả lớp nán lại một chút giúp mình được không ạ?’
Thôi xong, lại có biến rồi.
Giới thiệu với các bạn, người đang đứng trên bục giảng kia là Hương, lớp trưởng lớp 10 chuyên Sinh. Tên Hương nhưng là con trai, thủ khoa thi đầu vào và khó tính hơn cả bà la sát dạy Địa hồi cấp hai của tôi. Tôi nói rằng có biến rồi vì lúc này mặt Hương đang đanh lại, giọng thì đột nhiên ngọt xớt một cách bất thường.
‘Mình muốn nhắc nhở hai bạn bê ghế và cất biển lớp. Không biết các bạn vô tình hay cố ý quên nhưng vừa rồi mình, Lan Anh và Nam đã phải bê ghế cất biển cho các bạn. Các bạn đã được miễn trực nhật và trực tuần rồi nên mình mong lần sau các bạn sẽ có ý thức hơn. Nếu cần thiết thì chúng ta đổi người.’
Please, đừng ai nói gì cả. Im lặng và chúng ta sẽ nhanh chóng được về nhà, ăn cơm, và nằm phòng máy lạnh trong hạnh phúc.
‘Không phải cố ý, là do bọn mình quên nhưng bọn mình đã quay trở lại rồi mà.’
‘Lúc các bạn quay lại thì mình, Lan Anh và Nam đã bê lên lớp rồi. Đấy là chưa kể lớp có những 13 bạn nam nhưng lại để hai bạn nữ đi bê ghế đấy.’
Những tháng ngày đầu tiên của cấp ba ngập tràn drama và biến cố. Truyện xưa kể rằng, chỉ vì một tí tẹo tèo teo xích mích nhỏ hồi đầu năm mà Hương và mấy thằng làm nhiệm vụ bê ghế bê biển không ưa nhau cho đến khi ra trường.
Sau khi đếm đủ mười tám phút hai mươi ba giây, cuối cùng tôi cũng được bước chân ra khỏi cổng trường. Ăn cơm vội vàng, tắm táp qua loa, bật quạt, mở điều hòa. Khi làn gió mát mơn man trên da thịt tôi, tôi như sống lại, quay trở lại trần thế từ cõi chết.
Em đã sống lại rồi, em đã sống!
Trái với tưởng tượng của tôi, thời tiết ngày hôm sau khá dễ chịu. Mặt trời vẫn lên từ rất sớm, nắng vàng nhưng có gió. Làn gió mang theo hương hoa phượng nhàn nhạt, dịu dàng lay động tán cây, khiến người ta cảm thấy vô cùng dễ chịu. Dưới tán cây ấy, trong bộ đồng phục áo thủy thủ kèm váy dài ngang đầu gối của trường, tôi đứng mơ màng, mắt lim dim vì thiếu ngủ.
Hôm qua thức đến 2 giờ sáng đánh Liên Quân.
Thắng thì không nói làm gì, đằng này một chuỗi Defeat hiện lên trong mục nhật ký trận làm tôi muốn trầm cảm.
Tôi đến trường từ rất sớm. Không phải tôi thích thế mà do thằng anh trai tôi lôi tôi dậy từ khi gà chưa gáy sáng, mèo đi gọi đực chưa về. Cũng nhờ thế mà tôi có cơ hội thưởng thức bữa ăn sáng mua ngoài cổng ký túc lần đầu tiên kể từ khi học cấp ba thay cho mấy cái bánh chocopie và hộp sữa milo trữ trong rương.
Dù sao thì da mặt tôi cũng rất xịn. Ăn gì cũng không lo bị mụn, thức đêm không lo bị quầng thâm, đã vậy lại còn vừa mịn vừa trắng nên dù chỉ dùng sữa rửa mặt cũng ăn đứt da mặt mấy chị trường kỳ 7749 bước skincare. Khỏi phải nói tôi tự hào về điều đó như thế nào. Vì không giống như một số người phải đắp 9981 lớp phấn phủ kem nền lên mặt trước khi ra khỏi nhà, tôi chỉ cần một xíu son là xinh lắm rồi.
Hơi tự luyến but it’s true.
Chứ tôi sẽ không nói rằng do tôi lười skincare và khâm phục mấy chị chăm skincare như thế nào đâu.
Trong lúc tôi đang mơ màng, một cái mũ lưỡi trai được úp sụt xuống đầu tôi. Dấu hiệu chẳng lành cho thấy thời gian để lim dim của tôi chấm dứt rồi.
“Á, lún đầu rồi. Em không cao lên được nữa thì anh cũng đừng hòng có bồ!!”
“Ai mướn mày!? Anh mày độc thân vui tính đến già nhá!”
“Có mà ế đến già thì có.”
Tôi lầm bầm, tay nhấc cãi mũ thằng anh trai yêu dấu vừa chạy đi mua ra để buộc lại tóc. Tóc tôi khá ngắn, dài không đến chấm vai. Trong khi mẹ tôi năn nỉ tôi để tóc dài ngang lưng cho yểu điệu thục nữ thì tôi lại năn nỉ mẹ cho cắt tóc ngắn như Dương trong ‘Về nhà đi con’. Chính vì thế, vào cuối tháng 7 vừa rồi, khi mang quả đầu mulet layer quá vai về, mẹ tôi đã chửi cho vuốt mặt không kịp và đuổi tôi ra khỏi nhà.
Tất nhiên là sau đó anh trai yêu quý lại che chở tôi, xin mẹ cho tôi thêm cái chăn cái chiếu để có ngủ ngoài trời cũng đỡ bị chết cóng.
“Cầm hộ cái mũ đã.”
“Nói với ai đấy?!”
“Mang dây chun không?”
“Không mang!”
Rõ buồn cười. Miệng bảo không cầm, không mang mà vẫn tay trái nhấc mũ tay phải lục túi quần rồi xòe ra một nắm nịt. Tôi cười cười, miệng cắn dây chun tay giữ tóc. Loằng ngoằng mấy lượt cũng buộc được mớ tóc lên cho đỡ nóng cổ. Thực ra vì tóc ngắn nên tôi chỉ buộc nửa đầu được thôi, cổ vẫn hơi ngứa. Vừa nãy buộc cao quá nên phải chỉnh lại thấp thấp một tẹo để còn đội mũ.
Khi tôi buộc xong thì Việt lại hạ tay xuống chuẩn bị vò tóc tôi. Ngay lập tức, hai bước đi ba bước chạy, tôi nhanh nhẹn tránh thoát, nhân tiện cho Việt một phát đập vào lưng. Thằng anh tôi rú lên trong đau đớn. Nhưng người tôi cao chưa đến mét sáu, so với thằng anh hơn một mét tám chân dài tay cũng dài quả là nhỏ bé đến đáng thương. Chưa đầy 5 giây sau tôi đã bị anh ta tóm lại và lần nữa ăn quả úp sọt bằng mũ.
Lùn không có tội, thằng có tội là thằng cao.
Hận người cao hơn tôi.
Lễ Khai Giảng bắt đầu vào đúng 7 giờ sáng. Thay vì ngồi chơi xơi nước xem văn nghệ dưới phông bạt mát rượi, học sinh lớp 10 phải đứng chờ ngoài cổng để lát nữa diễu hành vào trong sân trường. Cũng may là ngoài cổng có cây che nắng nên chúng tôi cũng không đến nỗi chết cháy ở ngoài ấy. Lần lượt từng người lên đọc diễn văn, phát biểu, khen thưởng. Giám đốc sở giáo dục đào tạo tỉnh đánh hồi trống đầu tiên của năm học mới. Gần 10 giờ buổi lễ kết thúc.
Tôi cứ tưởng rằng sẽ được về ngay, ai ngờ lại bị giáo viên chủ nhiệm gọi lại để chụp ảnh lớp. Mà có phải chụp ngay đâu, lại còn phải chờ lớp khác chụp xong mới lấy được view đẹp nữa chứ. Tôi không thích chụp ảnh, từ bé đã không thích. Một phần vì tôi không ăn ảnh, phần khác vì trước ống kính tôi không thể nào cười tươi được.
Tôi đứng giữa sân trường, thả hồn trôi nổi theo những đám mây trắng giòn xốp trên bầu trời xanh. Hôm nay trời có gió, mây lơ lửng trôi nhanh đến mức có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Các bạn hỏi tôi đang nghĩ gì ấy à? Để tôi kể cho các bạn một câu chuyện nhé.
Một cửa hàng nọ có một chú cá hề tên Agnes. Chú được ông chủ nuôi trong một cái bể xinh xắn, có khóm hải quỳ màu trắng sữa vô cùng xinh đẹp. Ở đây chú có thức ăn ngon, có nhà, có cả những hòn sỏi đủ loại màu sắc nữa. Agnes rất hài lòng với cuộc sống của mình cho tới một ngày kia ông chủ dời bể cá của chú đặt bên cạnh một bể cá to hơn. Bể cá này không chỉ to hơn mà còn đẹp hơn nữa. Có rất nhiều hải quỳ, không chỉ màu trắng sữa mà có cả màu hồng cam, màu xanh ngọc. Bên cạnh đó, ngoài cơ man các loại rêu, sỏi ở đây cũng nhiều màu sắc và lấp lánh hơn so với bể của Agnes. Cái bể cá ấy thật sự rất rất đẹp. Nó thu hút, mê hoặc Agnes. Và thế là Agnes quyết tâm sẽ tìm mọi cách để có thể chuyển đến sống trong cái bể ấy. Trải qua bao gian khó, với nghị lực phi thường của mình, cuối cùng Agnes cũng thành công.
Câu chuyện sẽ có kết thúc thật đẹp nếu như Agnes có thể thích nghi với ngôi nhà mới. Chà, chú cá hề tội nghiệp không thể thích nghi với nơi ở mới. Chú cảm thấy vô cùng khó thở và bất an. Hải quỳ đẹp thật đấy nhưng chúng không thèm làm bạn với Agnes và chích chú rất đau. Rêu quá nhiều che hết ánh nắng mặt trời ấm áp làm nước ở đây rất lạnh. Sỏi thì quá to so với kích thước của Agnes, chú chẳng thể chơi được.
Nhưng Agnes vẫn không bỏ cuộc. Chú cá hề ấy không cam lòng. Đã cố gắng hết sức mới vào được đây cơ mà. Agnes tự hứa với bản thân, dù có chết cũng không rời bỏ cái bể đẹp đẽ này.
Đáng thương làm sao.
Người ta nói, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Mọi cảm xúc của con người sẽ được bộc lộ qua ánh mắt.
Không biết ngay lúc này đây, ánh mắt của tôi đang nói gì nhỉ.
Một làn gió lớn lướt qua, thổi ngược tóc và váy tôi. Tôi đứng đưa lưng lại với gió.
Khi đó, giữa sân trường rộng lớn tấp nập người qua lại và tràn ngập tiếng cười đùa, đôi mắt chứa nhiều tâm sự của tôi đã nhìn thấy mặt trời!
Dưới ánh nắng chói chang của mùa hè, người ấy cười rộ lên, rạng rỡ như mặt trời thu nhỏ. Tay áo sơ mi trắng tinh xắn gọn để lộ bắp tay trắng trẻo. Mái tóc nâu vàng óng lên, lấp lánh và đẹp đẽ lạ thường.
Người ấy bất ngờ xuất hiện, lại bất ngờ biến mất, như tinh linh ánh sáng, như giọt nắng cuối cùng từ vị trí bên cạnh đấng tối cao bị lưu đày xuống trần gian.
Đẹp đẽ đến vô thực.
Tôi ngẩn ngơ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top