I.
Tâm biết bản thân mình không có một chút gì giống cán bộ địa chất. Bộ quần áo anh mặc ôm gọn lấy thân hình cao dỏng, đẹp mắt của anh. Chất liệu vải quá đắt cho những chuyến hành trình như này, nhưng là một trong những bộ phù hợp nhất mà anh lấy ra từ cái tủ gỗ lim lớn trong phòng ngủ, rồi gấp gọn vào cái vali nhỏ. Vẫn quá đắt, nếu chạm vào nước, lớp da bọc màu nâu bên ngoài thế nào rồi cũng sẽ hỏng. Mà anh đến đây, thế nào cũng sẽ phải đi qua con sông dữ dội kia.
Nhìn anh, ai cũng biết anh không thuộc về nơi này.
Người xung quanh ai cũng tò mò. Cậu công tử lai Nga này đến đây làm gì? Nếu anh nói, anh đến đây chỉ để có thể lưu lại những hình ảnh hoang dã của thiên nhiên, núi rừng nơi đây bằng cọ và giấy canvas thì sao? Chắc người ta nghĩ anh không bình thường. Anh định trèo lên một con đò, trên một con sông nước đánh như muốn chìm thuyền, để dùng giấy và màu nước mà vẽ. Anh chắc chắn không bình thường.
Nhưng Tâm thích đối mặt với thử thách. Cũng như lời tâm sự của ông chủ cái lều tranh nghỉ chân. 'Già rồi, chứ có thể, ông vẫn sẽ cưỡi lên con thác kia.' Con thác mà một lát nữa thôi, đi qua cái thành vách đá kia, sẽ nghe được tiếng gầm thét của nó. 'Như tiếng gầm con cọp mà ngày xưa bộ đội mình giết vậy.' Ông cụ tả.
Có mấy cô cán bộ đi qua nhìn anh, cười khúc khích, thủ thỉ mấy câu, chụm mấy cái mái tóc đen óng áng vào sát nhau rồi mới leo lên con đò. Nhưng vài ba đôi ngươi đen láy vẫn e thẹn lén đưa về phía anh.
Tâm cũng không để trong lòng nhiều. Anh tiếp tục ngồi chờ chuyến đò của mình. Thật ra anh cũng chẳng đặt đò. Ở đây cứ gặp bác lái nào là đưa tiền rồi lên đò thôi. Nhưng anh đang tìm một chiếc thích hợp. Còn như nào là thích hợp, đợi đến lúc anh nhìn thấy mới biết được.
Anh ngồi đấy, không nhìn đồng hồ nhưng chắc cũng phải hai tiếng rồi. Mặt trời đã lên quá đỉnh, nắng đến mức đầu óc anh có chút váng. Nhưng anh cũng không than vãn, cũng chẳng tìm chỗ râm ngồi. Cứ vậy, để nắng vàng càng thêm vàng trên mái tóc màu mật của anh.
Người anh giờ chắc cũng chẳng còn mùi nước hoa đắt tiền mà chị anh hay mang từ bên Mát-xcơ-va về nữa. Gió thổi mạnh như này, vị mặn chắc hẳn đã sớm bám vào da vào thịt anh rồi.
Nhưng anh cũng không phải chờ lâu nữa. Anh nhìn thấy chuyến đò của mình rồi.
Con đò này vừa trở về, nhìn nó là biết nó vừa trải qua một trận chiến tốn sức thế nào. Cả trong lẫn ngoài nó đều ướt nước, sứt sẹo đầy mình, nhưng chắc cũng chẳng bao nhiêu là mới. Trông nó cũ kĩ lắm rồi. Như thể nó cũng đã sống cả một đời người vậy. Nhưng nó vẫn tốt, vẫn khoẻ, vẫn đẹp theo cách của riêng nó. Vì Tâm có thể nhìn thấy dấu vết của một đôi bàn tay tỉ mỉ săn sóc.
Tâm nghĩ đến một đôi bàn tay mềm mại, nhẹ nhàng mỗi khi anh nghĩ đến hai từ săn sóc. Như tay của bà anh vậy. Nhưng tay của một người lái đò không thể như vậy được. Phải là một đôi bàn tay to lớn, rắn chắc, chai sạn, thô ráp. Anh chưa bao giờ được chạm vào một bàn tay như vậy. Chưa bao giờ được nắm lấy nó, áp lòng bàn tay chai đi vì bút và giấy của anh, vào lòng bàn tay của một con người cầm mái chèo như cầm gươm, cầm kiếm.
Vậy nên anh chìa tay ra, ngỏ lớn muốn bắt tay người đàn ông trước mặt. Người đàn ông ấy cao to, vạm vỡ. Bắp đùi, bắp chân, rồi bắp tay lộ ra, màu da bánh mật, óng ánh vì ướt, từng thớ cơ một đều thật đẹp mắt. Tâm đã nghĩ, nếu lát nữa có thể vẽ con người này thì thật tuyệt. Tưởng tượng xem, khuôn mặt cương nghị, có chút hung tợn kia, lên tranh sẽ như thế nào? Anh sẽ lên màu ra sao? Sẽ làm nét đàn ông kia rắn rỏi chân thực, hay mềm mại nghệ thuật?
Anh ấy không bắt lấy tay Tâm, đôi mắt to đen láy hơi nheo lại trong cái nắng tháng tư.
- Cậu muốn vượt sông sao? Giờ không được.
Một chất giọng thật trầm, thật ấm. Nhưng nghe là Tâm đoán, anh lái đò này không hay nói chuyện. Anh thu tay lại, tiếc nuối vì không có cơ hội được nắm thử bàn tay kia.
- Không sao. Tôi đợi được, Tâm trả lời bằng chất giọng hơi ngọng của mình. - Nhưng mà, anh chỉ chở mình tôi có được không? Tôi sẽ trả nhiều tiền.
Tâm đã với tay đến cái ví tiền của mình, nhưng anh lái ngăn anh lại.
- Vậy chờ một chút.
Nói đoạn, anh lái lấy ra một cái rổ nhỏ, khoác lên bả vai rộng lớn đầy nắng và gió kia. Hai người bắt đầu thả cước bộ tiến vào trong thôn. Đi được tầm mươi, mười lăm phút thì dừng trước cửa một căn nhà nhỏ, một bà cô đang cho đàn gà ăn thóc nhìn thấy anh lái thì cười rộ lên, nhanh chân chạy tới.
- Ái Nông, hôm nay con về muộn vậy? Tía con thế nào rồi?
Ái Nông gật đầu, đưa cái rổ nhỏ cho bà cô. Tâm tò mò trong đấy có cái gì nhưng anh cũng không hỏi, chỉ im lặng đứng một bên nghe hai người nói chuyện.
- Sáng nay tía con ăn hết được một bát cháo cá, con có để lại ít hoa quả bên đầu giường để ông buồn miệng thì có cái để ăn. Cá dì om hôm qua ngon lắm ạ.
Hai người đối đáp đôi câu. Tâm nghe cũng đoán ra, gia đình nhà Ái Nông nghèo khó. Tiền anh làm ra không ít từ việc lái đò, nhưng tía anh bệnh nặng nên chắc cũng chẳng còn bao nhiêu. Tâm lại nhìn bờ vai rộng lớn kia, có chút nặng trong lòng. Cái cảm giác này cũng không có gì đặc biệt cả. Là sự thương hại khi nghe về một hoàn cảnh gia đình khó khăn. Mà thời điểm nay, có biết bao nhiêu gia đình như vậy? Là sự thương hại, nhưng cũng là sự mến phục. Ái Nông, một người nhìn như hung thân ác sát, lại có một ánh mắt cùng nụ cười nhỏ dịu dàng như vậy trò chuyện với một bà cô, anh lại càng muốn vẽ con người này trong muôn vàn sắc vẻ hơn.
Bà cô chạy vào trong nhà, nhanh lắm đã mang ra một túi đậu trắng, mềm, hình như đã chuẩn bị kĩ từ trước, chỉ chờ Ái Nông qua. Ái Nông nhìn thấy liền vội vàng định từ chối, nhưng bà cô đã dúi xong vào tay anh túi đậu rồi. Khuôn mặt già nua, gầy yếu kia thế mà lại bày ra vẻ mặt doạ nạt con người to lớn này như của một người mẹ đang quở trách con mình vậy.
- Con không được làm như vậy. Dì coi con như con đẻ, sao con cứ phải khách khí thế? Con muốn bà già này phải đau lòng sao?
Ái Nông hơi cúi đầu, rồi lại ngẩng lên mà cười nhẹ, đôi ngươi đen láy, trong sạch như gương đồng ngước lên, mà Tâm nhìn, như có phủ một màng sương mỏng vậy.
- Con cảm ơn dì.
Lúc hai người bước ra khỏi cổng thôn và đi xuôi bờ sông, trong đầu anh không ngừng ẩn hiện đôi mắt đen kia và chất giọng ấm. Chỉ là một câu cảm ơn, mà dù nó chẳng phải cho anh, anh cũng thấy ấm lòng cực kỳ. Hai người đã đi bên nhau được nửa tiếng rồi, tính cả khoảng thời gian từ lúc gặp nhau ở bến đò, nhưng Ái Nông vẫn chưa hề một lần bắt chuyện với anh. Còn Tâm? Anh tận hưởng sự tĩnh lặng này.
Sống ở thành phố lớn, anh nghe được quá nhiều thứ. Nhưng chẳng có thứ nào anh thật sự thích bằng âm thanh của thiên nhiên nơi đồng quê. Và nghe quá nhiều những lời nói dối, quanh co, vòng vo, chữ nhiều mà nghĩa ít, anh thích cái sự thiền định này mà Ái Nông đang đem đến cho anh.
Nhà của Ái Nông không to nhưng cũng không nhỏ. Xây bằng đá nên rất vững chắc. Nhà được chia thành ba gian. Gian chính giữa để làm phòng khách và phòng ăn luôn. Hai gian còn lại, Tâm đoán chắc là phòng ngủ. Nhà còn có một cái sân, nhưng không có gia cầm hay gì nuôi ở phía sau cả. Nhưng có một cái nhà nhỏ ở góc, thấy Ái Nông xách túi đậu vào đấy, anh đoán chắc hẳn là phòng bếp.
Tâm ngoan ngoãn ngồi ở chỗ hiên nhà, mũi giày đong đưa nghịch phần đất dưới chân. Trong nhà có tiếng ho khan nặng nề, chắc là của ông cụ. Rồi nhảy ra từ bụi cỏ ven đường là một con chó mực gầy, bộ lông đen của nó bết bệt vào. Chắc là chó hoang. Nó nhìn Tâm với một cách tò mò, khịt khịt cái mũi ướt một chút, nó lại ngoảnh đít đi. Chắc nó đánh hơi được là Ái Nông về rồi.
- Có khách sao con không đưa vào nhà?
Tâm nghe thấy ông cụ hỏi khi Ái Nông bưng mâm cơm vào. Dưa chua, cá om, cùng với miếng đậu vừa rồi. Anh nghe không rõ tiếng Ái Nông trả lời lắm. Nhưng một lúc sau trở ra, lần đầu tiên suốt một chặng đường ấy, Ái Nông nói chuyện với anh.
- Anh ăn gì chưa?
Tâm đã chuẩn bị sẵn câu trả lời. Anh ăn rồi. Sáng nay lúc trước khi đi, bà anh đã bắt anh ăn không ít đồ rồi. Nhưng cái bụng không biết xấu hổ của anh đánh trống kêu gào trong cái mùi thơm hấp dẫn của con cá rô phi om cần kia.
Ái Nông nghe vậy thì không nói gì, mà xới ra hai bát cơm. Một bát đầy, một bát vơi. Tâm lại càng ngượng chín khi Ái Nông cầm lấy bát vơi bắt đầu ăn.
- Tôi ăn cũng không nhiều..
Tâm nói, nhưng Ái Nông chỉ nhún vai. Rồi hai người lặng lẽ ăn cơm. Cả bữa ăn, Ái Nông chỉ tập trung gắp rau dưa. Tâm đành bất đắc dĩ nhìn anh, rồi làm một chuyện không tưởng. Anh gắp một miếng cá gỡ cẩn thận đặt vào bát Ái Nông.
Đũa Ái Nông dừng lại, cặp mắt đen láy nhìn anh. Rồi hình như Tâm bị say nắng nên hoa mắt rồi. Vì anh thấy Ái Nông đỏ mặt.
Hai người lên đường, hướng về phía con đò. Tâm muốn để cho Ái Nông nghỉ ngơi chút. Vừa ăn xong mà phải hoạt động mạnh thật sự không tốt chút nào. Nhưng Ái Nông xua tay, anh không muốn trễ giờ.
Sở dĩ Tâm muốn thuê hẳn một chiếc đò riêng như vậy, là vì anh muốn có một chỗ rộng rãi để vẽ. Anh không phải là người thích ngồi yên một chỗ, chỉ lấy một góc nhìn. Anh thích đảo, anh thích đa chiều. Vậy nên anh mới có cái thú lên một con sông nổi tiếng chảy siết và mạnh mà vẽ tranh.
Nhưng anh quên vẽ mất rồi.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top