Ký Ức
Tuyên bố công khai (Disclaimer): Lần đầu khi nghe được bài hát này, mình đang ở trong một khoảng thời gian dài rất tâm trạng trong chuyện tình cảm. Cụ thể là mình cần đặt khoảng ký ức đó vào sâu trong lòng để có thể bước tiếp. Do đó, mình quyết định sẽ cảm thụ và phân tích cảm nhận về bài hát này của mình. Mình không phải dân chuyên về nhạc hay văn nên những gì viết ra dưới đây đều chỉ để mang tính chia sẻ góc nhìn của mình. Hy vọng mọi người có thể thấu hiểu và góp ý thêm!
- Mimi
Lyrics:
[Intro]
vào một ngày không em, Hà Nội trong đêm đã chẳng còn đẹp
dù mọi vật vẫn còn y nguyên, dòng người đông thêm vội vàng bon chen
dù rằng hai ta đã đoạn tuyệt rồi, anh cũng đã nói lời tạm biệt rồi
dù rằng hai ta đã đoạn tuyệt rồi, anh cũng đã nói lời tạm biệt...
[Verse 1]
với những ký ức mà mình phí sức sau vài năm trời cố gắng nuôi
dùng hết lý trí nhắc nhở bản thân rằng ta phải cố gắng thôi
nhưng vào mỗi sáng khi thức dậy, chẳng còn tiếng báo thức thân quen
vài câu hát lẫn tiếng cười, cả ngày dài háo hức không yên
từng dành cho nhau ấm êm, mưa rơi nhẹ dần thấm lên
giờ chỉ còn mình anh với những chấm đen
[Chorus 1]
và anh vẫn thường đến những góc phố chốn thân quen khi em ngồi cạnh bên
phút chốc thấy nhớ những cái ôm khi đêm trời lạnh thêm
nhớ lúc tối đó, em khóc ướt hai đôi hàng mi đen
từng dòng ký ức như in vào tim chẳng thể nào quên
[Chorus 2]
đến những góc phố chốn thân quen khi em ngồi cạnh bên
có lúc thấy nhớ những cái ôm khi đêm trời lạnh thêm
nhớ lúc tối đó, em khóc ướt hai đôi hàng mi đen
từng dòng ký ức như in vào tim chẳng thể nào quên
[Verse 2]
giờ thì chẳng còn gì, anh đã dần mỉm cười để mọi thứ qua đi
ngồi làm thêm bài tập, sửa lại vài tật và cả thói đa nghi
rủ rê homie làm một vài game, thức trắng hết tầm một vài đêm
nhưng chẳng làm được gì, để mà quên em đi
[Verse 3]
vì anh vẫn muốn mãi như vậy, vào buổi sáng vẫn có em bên
chẳng muốn cứ mãi như này, cả ngày dài thức trắng đêm đen
cùng ngồi bên nhau nắm tay, hôn môi ngọt ngào đắm say
chẳng muốn dừng lại, với những đắng cay
[Pre-Bridge]
it's you, baby girl em cho anh biết đắng cay, ngọt ngào từ nụ hôn môi đắm say
nhạt dần đi theo tháng năm, giờ chỉ mình anh mỗi đêm, chìm vào hư vô tối đen
[Bridge]
ký ức vẫn thế giày vò anh mỗi đêm, anh đã cố xóa hết hình hài bóng dáng em
dùng lý trí để mà dần từ bỏ những thói quen, dù có nhớ
[Chorus 3]
liệu em có còn đến những góc phố chốn thân quen khi anh ngồi cạnh bên
phút chốc có ghé quán ăn xưa khi đêm dần lạnh thêm
nhớ lúc tối đó em đã khóc nhưng anh nào đâu hay
thật đẹp biết mấy khi em ở đây và đang ngủ say
[Outro]
với những ký ức mà anh phí sức sau một vài năm trời cố gắng thêm
dùng hết lý trí nhưng bản thân anh lại chẳng thể cố gắng quên
quên được em
-
Ở phần trên, mình đã gạch chân dưới các từ được gieo vần trong bài hát. Mở đầu bài hát là hoàn cảnh hiện tại của nhân vật chủ thể trong câu chuyện này. Không còn người trong lòng, mọi thứ xung quanh cũng như mất đi linh hồn. Đương nhiên là chúng vẫn vậy, sự vật không có gì thay đổi, thứ thay đổi chính là lòng người. Nguyễn Du trong Truyện Kiều đã nói:
"Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ."
Vậy nên, không có người ấy, Hà Nội, nơi đô thị phồn hoa ấy, cũng chẳng còn đẹp nữa. Cách gieo vần chữ "đ" ở trong phần mở đầu lời bài hát (intro) lại càng nhấn mạnh thêm ý này, có gì đó vẫn giống, nhưng cũng đã có gì đó khác khác. Cảnh vật vẫn vậy, bất dịch như cũ, những người khác vẫn vậy, bon chen trong sự vội vàng của cuộc sống bận rộn, ấy vậy mà chủ thể vẫn ở đây hồi tưởng lại phần tình cảm ấy, dù rằng hai người họ đã "đoạn tuyệt" và "tạm biệt" rồi. Gieo vần "tuyệt" và "biệt" như muốn gấp đôi niềm đau, gấp đôi ký ức, gấp đôi sự biệt ly. Thế gian có "sinh ly tử biệt", hóa ra chúng ta cũng chỉ là một hạt cát nhỏ trong dòng thời gian, trốn không được hai chữ "biệt ly". Ngoài mặt, chúng ta nói chấm dứt, hai chữ "chấm dứt" được nói ra thật dễ dàng, có phải vậy không? Lời nói quả là thứ vũ khí sắc bén nhất, con người cũng thật là sinh vật tuyệt tình nhất. Một lần nữa, chủ thể tự lặp lại:
"dù rằng hai ta đã đoạn tuyệt rồi, anh cũng đã nói lời tạm biệt..."
Nhưng câu thứ hai lặp lại không hoàn chỉnh. Ở câu trên, chủ thể đã nói lời tạm biệt rồi, nhưng ở câu dưới, dường như chủ thể vẫn còn chút gì đó vương vấn, không còn dứt khoát với chữ "rồi" như ở câu trên. Trong bài hát, chữ "biệt" cũng được ngân ra dài hơn như mang ý không nỡ chia tay phần tình cảm này. Và thế là chủ thể tìm lại về với miền ký ức lúc xưa.
"với những ký ức mà mình phí sức sau vài năm trời cố gắng nuôi
dùng hết lý trí nhắc nhở bản thân rằng ta phải cố gắng thôi"
Có lẽ khi yêu, người ta sẽ không kìm được mà nuôi dưỡng hy vọng về một tương lai tươi đẹp có hai người chung lối. Nhưng những hy vọng đó hóa thành gì đây khi giờ chỉ còn là ký ức? Lại là một lần nữa, sự đối kháng kinh điển giữa tình cảm và lý trí trong con người chúng ta, đặc biệt là chủ thể trong trường hợp này. Cụm từ "cố gắng thôi" được nhân lên thêm vài lần nữa trong nhạc nền (backing track) của phân khúc đầu (verse) như nói đến vô số lần chủ thể "dùng hết lý trí" tự động viên mình cố gắng vượt qua sự đuổi bám của ký ức, đặt lại đằng sau và bước tiếp như không có chuyện gì. Lý trí như một ngọn núi đá ngăn không cho dòng chảy của ký ức ùa về nhấn chìm mọi sự tỉnh táo. Nhưng trong tự nhiên vốn dĩ là "nước chảy đá mòn", một người dù cho lý trí đến mấy thì cũng không tránh khỏi có những lúc cũng chịu ảnh hưởng của cảm xúc, như chủ thế đó thôi.
"nhưng vào mỗi sáng khi thức dậy, chẳng còn tiếng báo thức thân quen
vài câu hát lẫn tiếng cười, cả ngày dài háo hức không yên
từng dành cho nhau ấm êm, mưa rơi nhẹ dần thấm lên
giờ chỉ còn mình anh với những chấm đen"
Phải rồi, sau cùng tất cả cũng chỉ còn là ký ức. Hai vần "ấm" và "ức" được lặp lại, góp phần đem lại sự trôi chảy cho dòng hồi ức. Ký ức tái hiện, mang theo cùng nó bao cảm xúc đã qua. Vần "ên" mượt mà nối lại những kỷ niệm xưa kia, những hành động tưởng chừng như rất đỗi bình thường và những cử chỉ dường như sưởi ấm trái tim thấm lạnh. Vậy nên, hỡi lý trí, chỉ một lần này nữa thôi, thật sự là vậy, xin hãy để chủ thể được sống lại những khoảnh khắc đó một lần nữa!
"và anh vẫn thường đến những góc phố chốn thân quen khi em ngồi cạnh bên
phút chốc thấy nhớ những cái ôm khi đêm trời lạnh thêm
nhớ lúc tối đó, em khóc ướt hai đôi hàng mi đen
từng dòng ký ức như in vào tim chẳng thể nào quên"
Vào điệp khúc (chorus), chủ thể đã tìm lại về nơi của những kỷ niệm quen thuộc ngày nào khi tình yêu còn ngọt ngào say đắm, tìm lại về vô vàn cung bậc cảm xúc vui buồn giận hờn khi yêu. Đoạn điệp khúc này nhắc lại cả chữ cái đầu và vần cuối trong các từ được gạch chân, tạo thành một bức tranh ký ức hoàn chỉnh, có khởi đầu, cũng có kết thúc. Duyên khởi duyên diệt, rốt cuộc trong biển người mênh mông, liệu chúng ta có phải định mệnh của nhau? Dù chỉ là phút chốc nhớ lại, nhưng những ký ức đó vẫn in sâu trong thâm tâm chủ thể, chẳng thể xóa nhòa.
Tuy đoạn sau tương tự đoạn trước, nhưng hiệu ứng vọng lại từ xa (reverb) đã khiến cho đoạn lời này giống như một giọng nói vang lên từ trong tiềm thức. Phải chăng có đôi khi chính lý trí cũng chẳng thể nhẫn tâm, tự nhủ rằng chỉ là nhớ thôi, sẽ không sao cả? Từ "phút chốc" chuyển thành "có lúc", tần suất tăng dần lên, cũng giống như việc chúng ta đặt dấu chấm. Chấm một lần là kết thúc, nhưng thêm hai, ba lần lại thành dấu ba chấm, dây dưa kéo dài không hồi kết... Để rồi đến cuối cùng, chủ thể vẫn là "chẳng thể nào quên". Trong video, tác giả đã khéo léo sử dụng hiệu ứng lên con chữ, nhân cụm từ "chẳng thể nào quên" lên thành rất nhiều hàng chữ trên dưới song song, thật giống như vòng lặp không có kết thúc trong lập trình.
Sang đến lời hai (verse), chủ thể vẫn không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đối diện với sự thật:
"giờ thì chẳng còn gì, anh đã dần mỉm cười để mọi thứ qua đi
ngồi làm thêm bài tập, sửa lại vài tật và cả thói đa nghi
rủ rê homie làm một vài game, thức trắng hết tầm một vài đêm
nhưng chẳng làm được gì, để mà quên em đi"
Chủ thể đã học cách chấp nhận những gì xảy ra trong quá khứ, "dần mỉm cười" làm quen với hiện tại để có thể bước tiếp về tương lai. Chủ thể tập trung vào học hành, công việc, phát triển bản thân, đồng thời cũng đã song song chơi hết mình. Bao nhiêu việc như vậy để có thể quên đi người trong lòng, nhưng cảm xúc vẫn luôn là vậy, đâu thể nói quên là quên được dễ dàng, tốt lắm thì cũng chỉ đủ để làm xao nhãng trong giây lát thôi. Và cách nối vần "i" ở cuối đã tạo thành một liên kết với đoạn sau để diễn giải thêm về nguyên nhân chủ thể chẳng quên được người trong lòng.
"vì anh vẫn muốn mãi như vậy, vào buổi sáng vẫn có em bên
chẳng muốn cứ mãi như này, cả ngày dài thức trắng đêm đen
cùng ngồi bên nhau nắm tay, hôn môi ngọt ngào đắm say
chẳng muốn dừng lại, với những đắng cay"
Sự tương phản giữa hai cụm từ "mãi như vậy" và "mãi như này" đã làm nổi bật hiện trạng và trước kia, và cũng chỉ rõ ra chủ thể dành bao nhiêu tình cảm và day dứt cho mối quan hệ này, ngay cả khi nó đã kết thúc. Đoạn hát thêm ngẫu hứng (adlib) đằng sau từ "say" vừa khéo làm rõ cảm xúc của tác giả khi hồi tưởng lại những rung động ngọt ngào khi yêu, lại một lần nữa nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa hiện tại và quá khứ.
"it's you, baby girl em cho anh biết đắng cay, ngọt ngào từ nụ hôn môi đắm say
nhạt dần đi theo tháng năm, giờ chỉ mình anh mỗi đêm, chìm vào hư vô tối đen"
Ở trước phần chuyển tiếp (pre-bridge), khi tác giả thêm phần lời bằng tiếng Anh, cũng như nói về ngọt đắng tình yêu, thính giả có thể liên tưởng tới từ "bittersweet" trong tiếng Anh. Pha trộn cả vị đắng (bitter) lẫn vị ngọt (sweet), "bittersweet" cũng giống như tình yêu, có cả ngọt và đắng hòa làm một. Chỉ là có chút chua xót, khi mối quan hệ này lại để lại dư vị đắng hơn là ngọt. Phần ngân dài ở chữ "đen" chẳng khác gì đang ám chỉ nỗi cô đơn dai dẳng đeo bám chủ thể mỗi đêm.
Thật vậy! Chuyển sang đoạn cầu (bridge), chủ thể lập tức thả chậm giai điệu và nhấn mạnh vào từng chữ trong từ "ký ức", "đã cố" và "lý trí", nói lên sức ảnh hưởng mạnh mẽ của những kỷ niệm và mối quan hệ này cũng như sự cố gắng buông xuôi của chủ thể.
"ký ức vẫn thế giày vò anh mỗi đêm, anh đã cố xóa hết hình hài bóng dáng em
dùng lý trí để mà dần từ bỏ những thói quen, dù có nhớ"
Đến cuối phần nối (bridge), tác giả đã xử lý giai điệu thật tuyệt diệu khi để cụm "dù có nhớ" đè dưới đoạn đầu của phần điệp khúc (chorus):
"liệu em có còn đến những góc phố chốn thân quen khi anh ngồi cạnh bên
phút chốc có ghé quán ăn xưa khi đêm dần lạnh thêm
nhớ lúc tối đó em đã khóc nhưng anh nào đâu hay
thật đẹp biết mấy khi em ở đây và đang ngủ say"
Chính điều này đã tạo nên một đoạn điệp khúc cuối với điểm nhấn chết người (killing part) cho bài hát này. Thứ nhất, việc để cụm từ "dù có nhớ" như một hòn đá bị dòng nước nhấn chìm là đang đại diện cho việc chủ thể kìm nén nỗi nhớ vào trong lòng, vì như vậy mới có thể "dùng hết lý trí" để từ bỏ các thói quen, có thể trong đó bao gồm cả thói quen nhớ về người trong lòng. Ngược lại, bản thân từ "dù" lại như muốn vươn lên để thoát khỏi sự kiểm soát của lý trí, giải phóng cho cảm xúc và giãi bày hết nỗi lòng sâu thẳm. Điều này một lần nữa cho chúng ta thấy sự giằng co không dứt giữa cảm xúc và lý trí trong tình cảm. Thứ hai, đoạn điệp khúc này đã cho chúng ta một bức tranh hoàn chỉnh, đồng thời cũng làm cho ký ức của chủ thể trọn vẹn. Giờ thì chúng ta đã hiểu tại sao chủ thể lại "thường đến những góc phố chốn thân quen", tại sao lại "nhớ những cái ôm khi đêm trời lạnh thêm", hay tại sao lại nhớ về chuyện không hay biết tối hôm đó... Tất cả cũng chỉ là vì một người trong lòng đấy thôi. Trong hai đoạn trước, chủ thể dùng cụm từ "trời lạnh", nhưng đến đây lại là "dần lạnh". Sự thay đổi tài tình này đại diện cho sự tinh tế và nhạy bén của chủ thể. Hai người vẫn hay lui tới quán ăn xưa mỗi khi "trời lạnh", vậy có phải giờ đây, khi trời chỉ mới chớm lạnh, những ký ức đó đã bất ngờ ùa về, khiến chủ thể giao động khi nhớ lại ký ức lúc xưa. Và phải chăng, dù chỉ là một cơ hội nhỏ nhoi, người ấy cũng sẽ như vậy? Thứ ba và cũng là điều quan trọng nhất, đoạn điệp khúc này chính là kết tinh của nỗi nhớ trong tác giả. Nếu như ở đoạn điệp khúc đầu, chủ thể bất chợt nhớ lại những ký ức thuở nào; ở đoạn tiếp, tuần suất của nỗi nhớ tăng lên; thì ở đoạn cuối, nỗi nhớ ở phần nối (bridge) đã thành công vượt qua lý trí để cuồn cuộn trỗi dậy như sóng biển bão tố. Câu hỏi kia là dành cho người trong lòng hay là đang tự hỏi chính tác giả? Có phải chăng từ "liệu" cũng đang mang một chút hy vọng rằng người vẫn còn nhớ chuyện cũ? Có lẽ không ai thật sự biết được câu trả lời. Đây cũng chính là đoạn tinh hoa nhất trong cả bài, gần như đẩy cảm xúc đến đỉnh điểm, đẩy mạch nội dung lên hoàn mỹ, đẩy cái hồn của bài hát thành bất tử.
"với những ký ức mà anh phí sức sau một vài năm trời cố gắng thêm
dùng hết lý trí nhưng bản thân anh lại chẳng thể cố gắng quên
quên được em"
Sau đoạn điệp khúc cao trào, tác giả kết lại bài hát với nghệ thuật đầu cuối tương ứng. Lúc này, chủ thể đã quay lại với thực tại. Sau tất cả, chủ thể vẫn cố gắng với những ký ức ấy sau vài năm nữa, nhưng dù thế nào cũng không thể quên được người xưa, để rồi tất cả được thể hiện ở những từ cuối cùng trong đoạn kết. Chữ "em" cuối cùng gần như không được hát rõ, thậm chí là hát ra, trong bài, giống như chủ thể đang muốn níu giữ lại bóng hình ấy cho riêng mình. Hơn nữa, trong video, hàng chữ chạy qua lần lượt trên màn hình rồi biến mất, duy chỉ có chữ "em" là vẫn còn đó, mang nghĩa là trong lòng chủ thể, "em" chính là người khiến cho chủ thể "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến". Có thể hai người không thể có được một kết thúc đẹp, nhưng dù sau này có thể nào đi nữa, thì "em" vẫn sẽ mãi là một "ký ức" chẳng thể nào quên trong "anh".
Hãy cùng trân trọng những gì chúng ta đã dành cho nhau! Cảm ơn vì đã xuất hiện trong cuộc đời và trở thành một phần trong cuộc sống của nhau! Tạm biệt!
P/S: Có nhiều người nói rằng cảm thụ và phân tích văn học thật nực cười, nhiều khi kiến thức được giảng dạy về cảm thủ còn không phải là ý đồ ban đầu của tác giả. Nhưng với mình thì không, mình không nghĩ vậy. Đích đến của cảm thụ và phân tích không hẳn chỉ là lột tả được hết cái ý của tác giả, mà tuyệt vời hơn chính là cảm được cái "nghệ" ("nghệ" trong "nghệ thuật", là cảm hứng và tài nghệ) của tác giả mà có khi đến chính tác giả còn không nhận ra.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top