Chương 4: Không ai miễn nhiễm với trầm cảm

Trầm cảm không phân biệt một ai cả. Nó tấn công mọi lứa tuổi, giới tính, tình trạng thể chất, trình độ văn hóa, địa vị xã hội... Trầm cảm là kết quả của một quá trình lâu dài, nhưng thường bùng phát trong một thời điểm bất thình lình. Do đó, bất cứ ai cũng cần trang bị kiến thức để đề phòng.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cứ 20 người bình thường sẽ có một người đã từng bị một giai đoạn trầm cảm trong năm trước. Mỗi năm trung bình 850.000 người chết vì trầm cảm. Rối loạn trầm cảm không phân biệt giới tính hay độ tuổi, nhưng tỷ lệ mắc chứng trầm cảm ở phụ nữ gấp đôi nam giới.

Những người bị trầm cảm có thể đã phải trải qua những biến cố lớn của cuộc đời như: phá sản, thất nghiệp, nợ nần, ly hôn... hoặc cũng có những cá nhân mắc rối loạn trầm cảm nhưng không nhất thiết phải qua những biến cố lớn, mà đó có thể là những thay đổi trong đời sống hằng ngày: thăng chức, thay đổi môi trường sống, đổi công việc, kết hôn... những sự kiện này tác động mạnh đến đời sống cá nhân hoặc tinh thần của họ, thách thức sự thay đổi ở họ.

Vincent van Gogh (1853-1890), danh họa người Hà Lan, bị nghi ngờ mắc chứng trầm cảm khi ông tự hành hạ, cắt một bên tai của mình. Nhiều bức họa nổi tiếng của ông mang đến cảm giác buồn bã, như thể ông đã chiết xuất cảm xúc của mình và vẽ lên trang giấy.

Nhiều người tin rằng một cuộc sống tốt đẹp, không âu lo sẽ giúp họ tránh được trầm cảm. Điều này hoàn toàn sai. Ngay cả những người giàu có nhất cũng từng trải qua ngày tháng đen tối với trầm cảm.

Đầu năm 2019. James Middleton, em trai của công nương Kate Middleton, hoàng gia xứ Wales, bất ngờ tiết lộ mình đang phải chống chọi với bệnh trầm cảm. Anh chia sẻ trên tờ Daily Mail:

" Tôi may mắn sinh ra trong giàu có và có nhiều đặc quyền trong cuộc sống. Nhưng điều đó không làm tội miễn nhiễm với bệnh trầm cảm. Thật khó để mô tả tình trạng đó. Tôi không cảm nhận được niềm vui, sự hào hứng hay muốn nghĩ ngợi gì về ngày mai cả. Thủ kéo tôi ra khỏi giường vào mỗi sáng là nhịp tim đập thình thịch lo lắng."

Sau khi trì hoãn, cuối cùng James đã phải nhờ đến các bác sĩ ở bệnh viện. Hiện tại, anh đã phục hồi một phần và hoạt động tích cực cho các tổ chức từ thiện, kêu gọi các bệnh nhân trầm cảm đừng bao giờ từ bỏ hi vọng.

"KHÔNG ĐƠN GIẢN LÀ BUỒN BÃ, TRẦM CẢM GIỐNG NHƯ BỆNH UNG THƯ CỦA TÂM HỒN"

Nhiều người lầm tưởng rằng trầm cảm chỉ là nỗi buồn bị làm quá. Một số còn chế giễu những ai mắc bệnh trầm cảm là "yếu đuối". Điều này hoàn toàn sai lầm, ảnh hưởng tiêu cực đến việc nhận biết, đối xử và chữa trị bệnh nhân trầm cảm.

Những người thuộc hàng mạnh mẽ nhất về thể chất là các vận động viên thể thao. Tuy vậy, họ cũng không tránh được trầm cảm.

Có câu chuyện về "Người cá" Michael Phelps và năm ngày tự bỏ đói như sau:

Michael Phelps, vận động viên giữ kỉ lục nhiều huy chương vàng nhất trong lịch sử Thế vận hội Olympic. Trong buổi trò chuyện trên chương trình Today của Mĩ, nam vận động viên chia sẻ:

"Tôi nhận ra có điều gì đó không đúng đối với cảm xúc của mình.. Tôi chẳng muốn chơi thể thao nữa, thậm chí chẳng muốn sống. Tôi từng giam lỏng bản thân năm ngày và nghĩ về kế hoạch tự sát."

Tình trạng của anh chỉ thực sự thay đổi khi anh nhận ra đó là bệnh trầm cảm và tìm tới trị liệu.

"Tôi chưa bao giờ nhờ ai giúp đỡ, kể cả trong sự nghiệp, đó là lần đầu tiên tôi làm như vậy. Tôi thật sự thảm hại, tha thiết cần được giúp đỡ. Tôi cảm thấy may mắn vì đã gặp được một nhà trị liệu, có thể trò chuyện và cởi mở về những vấn đế của mình."

Trầm cảm không phải là yếu đuối về mặt tâm lí càng không phải nỗi buồn hay đau khổ. Đó là một căn bệnh có thật và nguy hiểm, như ung thư hay bại liệt. Bất kì ai cũng có thể trở thành bệnh nhân, bản thân bạn hay người thân, bạn bè của bạn.

Điều đáng sợ nhất của trầm cảm là rất khó phân biệt với những cảm xúc tiêu cực.

Người ngoài cũng khó hình dung được những gì bệnh nhân trầm cảm đang trải qua, nếu thiếu kiến thức.

Hãy đề phòng, vì không biết lúc nào hạt giống của cây tầm gửi đen tối ấy có thể cấy vào tâm hồn chúng ta.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top