trai ti nan
ĐI TÌM TỰ DO
Hồi ký của David Trần
MỘT NGÀY Ở THANH CHÂU
Tầu bọn mình có 31 người, chết một còn 30. Tất cả được tầu cảnh sát Hồng Kông đưa vào một hòn đảo nhỏ nằm sát thành phố. Hòn đảo chỉ có một dãy nhà, nguyên bản là nhà tù giành cho các tội phạm nhưng đã cũ. Nay nó được dùng làm nơi chuyển tiếp thuyền nhân VN.
Việc đầu tiên, mọi người phải xếp hàng, tay giơ lên cao, cảnh sát HK đeo khẩu trang, gang tay, họ khám, lục túi từng người, cả trẻ em, người già.
Ngôn ngữ bất đồng họ phải ra hiệu, lúc ấy đã chiều tối, ai cũng đói, mệt. Cho nên họ bảo sao thì làm vậy, chẳng ai phản ứng gì.
Sau khi khám song cứ 5 người một đứng sếp hàng cho họ đổ thuốc diệt trùng lên đầu, lên quần áo, lên mặt. Trông ai cũng trắng lốp toàn bọt xà bông từ đầu đến chân. Ngâm trong thuốc diệt trùng chừng 10 phút, ai lấy đều cay mắt khó chịu. Rồi họ dùng vòi phun nước cỡ lớn cứ thế phun nước vào người, từ đầu đến chân, rồi từ chân đến đầu. Cứ như phun nước tắm cho heo vậy.
Tất cả quần áo, đồ dùng cá nhân mang từ VN đều bị tịch thu, họ phát cho quần áo mới. Nghĩa là họ ngăn ngừa không cho bệnh truyền nhiễm mang vào nước họ.
Song thủ tục đó thì cũng đến 8 giờ tối, vì đông người lắm, không chỉ có một tầu mình, những ngày cao điểm cứ 5 hay 10 phút lại có tầu thuyền dân VN cặp cảng Hông Kông.
Mình nhớ những ngày lênh đênh trên biển tầu này gặp tầu kia cứ í ới gọi nhau: Ở đâu đấy? - Tầu bên kia trả lời: Hải Phòng đây, đi lâu chưa? Rồi lại: Ở đâu đấy... cứ thế, hầu như ngày nào cũng gặp tầu tị nạn.
Trên biển có đủ các loại tầu vượt biên, có cái to hàng mấy trăm người đi như tàu Hoa Phượng đỏ. Có cái bé tí là loại thuyền nan, vài ba người. Chết đuối chết chìm cho tới nay không ai thống kê nổi, vì dân vượt biên đi là đi trốn, người ta chỉ ước lượng số dân vượt biên khoảng 2 triệu trong 10 năm, chết trên biển có cả mấy trăm ngàn người.
Chín giờ tối xếp hàng khai báo đưa tên vào sổ, ai cũng đói rũ ra, từng cặp vợ chồng khai riêng, độc thân khai riêng. Lúc bấy giờ nhiều người chẳng phải là vợ chồng, cũng chẳng yêu đương gì, mới gặp nhau trên đường đi, nhưng cũng nhận nhau là vợ là chồng để được hưởng chế độ gia đình, vì nghe nói gia đình thì được cho đi định cư nhanh hơn.
Khai báo xong cũng đến nửa đêm, họ đưa tất cả vào một gian buồng dài, hai bên sát tường là hai hàng giường sắt loại có ba tầng, đã kín mít người nằm, người ngồi. Lúc đầu cứ tưởng là VN, về sau biết họ toàn là dân Trung Quốc, đang nằm chờ để đưa trả về Trung Quốc, họ cũng đi đủ các hạng người, già trẻ, gái trai, lý do họ đi vì thấy dân VN được đi định cư nước thứ ba sung sướng hơn, nên họ giả mạo là dân VN, trà trộn vào dòng người VN vượt biển đến Hông Kông, nhưng qua vòng khai báo họ bị phát hiện không phải VN nên bị giam ở đây để đưa về quê cũ.
Khi bọn mình vào buồng thì cũng đã nửa đêm, ai cũng mệt, nhưng không có giường, bọn mình trải quần áo xuống nền xi măng nằm năn ra ngủ, nhưng đói quá không ngủ được. Một lúc sau họ đẩy vào một xe toàn cơm hộp, mỗi người được phát một hộp cơm. Cơm thơm phức, trắng ngần. Chưa bao giờ mình thấy cơm ngon như vậy.
Hộp cơm có ba ngăn. Một ngăn là cơm áng chừng cũng đầy hai tô nhỏ ở VN, hai ngăn bên là thịt và rau. Trông... như một mâm cỗ, thịt cũng ngon, rau cũng ngon.
Đang ở VN ăn toàn hạt mạch (một loại bo bo), toàn mì bột vàng ủng đầy mọt đen sì, mà không đủ no.
Nay cầm hộp cơm đầu tiên trong đời ứ nước mắt. Mình không dám ăn nhanh, xúc từng thìa, tí một bỏ vào mồm, cắn thêm tí thịt, cắn miếng mỡ thôi, còn miếng thịt nạc để dành sáng mai, biết đâu sáng mai không có gì ăn thì bỏ mẹ.
Từng hạt cơm thấm vị ngọt, thịt mỡ ngầy ngậy, thi thoảng liếc nhìn mọi người, thấy ai cũng ăn ngon lành, một vài người đã ăn hết đang mắt trước mắt sau nhìn nháo nhác hi vọng ai đó ốm không ăn được thì xin. Nhưng chẳng có ai ốm sất, ai cũng ăn như thuồng luồng, lại có người cần thận gói cất đi một nửa, chỉ ăn một nửa.
Mình cũng để dành một miếng thịt, một ít cơm cho sáng mai, sợ sáng mai họ không cho ăn cơm nữa mà cho ăn hạt bo bo như ở VN thì chết.
Ăn xong nghe chừng cái dạ dầy không làm phiền nữa, mọi người lăn ra đất ngủ.
Vừa chợp mắt đã thấy có người gọi ầm ĩ, cảnh sát chạy rầm rập, tất cả mọi người đều nhỏm dậy. Buồng bên cạnh, không hiểu chuyện gì. Nhưng thấy cảnh sát vào lôi ra hai cái thây người rũ rượi toàn máu, một cái thây bị chém rách toạc bụng, lòng mề xổ ra một đống trông chết khiếp. Cả hai đều đã chết. Hai cái xác được kéo qua cửa buồng mình để lại một vệt máu loang nổ ướt đẫm nền xi măng. Từ lúc ấy đến sáng mình cứ thức, chả hiểu sao không thể ngủ được.
Đó là đêm đầu tiên trên đất tự do.
TRẠI TỊ NẠN SAMSUIPO
Ở Thanh Châu một ngày, mọi người lại được đưa lên tầu. Chả biết họ đưa mình đi đâu, nhưng đã đến đây rồi thì tặc lưỡi mặc kệ, muốn đến đâu thì đến, muốn đi đâu thì đi.
Tầu cảnh sát chở mấy trăm thuyền nhân VN hướng vào đất liền, càng vào gần bờ, thành phố càng hiện ra nguy nga tráng lệ. Những tòa nhà mạ vàng cao ngất ngưởng, người xe đi bên dưới chỉ như con kiến.
Mọi người được đưa hết lên xe ôtô, loại xe chở nhà binh, nhưng có khóa cửa bên ngoài, nghĩa là không nhẩy xuống được khi xe đang chạy. Đoàn xe chạy vào trong phố, hai bên đường người đông như kiến, xe chạy ngược, chạy xuôi như lũ. Quả thật, chưa bao giờ mình thấy tận mắt một thành phố đông đúc, sầm uất như vậy.
Được một lúc thì đoàn xe dừng lại tại một công xưởng, hình như đây là xưởng dệt may, hay nhà máy sản xuất gì đó. Bốn bên tường cao có giây thép gai. Cổng sắt có khóa to như cổ tay. Từ trên xe mình thấy có ba dẫy nhà, tường cao, mái tôn. Ba dẫy nhà nằm lọt thỏm giữa thành phố, xung quanh là những tòa nhà cao chót vót.
Tất cả mọi người được đưa xuống đây, qua tiếng loa của người phiên dịch, mọi người hiểu rằng đây là trại tị nạn SAMSUIPO, trại nằm ngay trung tâm thành phố KOWLOON thuộc Hồng Kông.
Mọi người được thả xuống sân trại, ai cũng ngơ ngác lạ lẫm, mình đang ngồi trên tầu bồng bềnh quen rồi, bây giờ bước trên mặt đất thấy đất cứ nghiêng nghiêng. Ai cũng cứ nghếch cổ nhìn nhà cao tầng, đau hết cả cổ.
Ba dẫy nhà dài được chia làm bốn khu, hai dãy nhà được mở cho thuyền dân vào ở, còn dẫy thứ ba bên cạnh cửa sắt đóng im ỉm, chẳng biết bên ấy có cái gì.
Bên trong mỗi dẫy nhà là những cái giường sắt 3 tầng, kê thành nhiều hàng song song, những tấm phản gỗ ép được thay cho những cái chiếu. Cứ hai người một phản, một giường cao 3 tầng là 6 người. Người già trẻ nhỏ ở tầng dưới, thanh niên độc thân rủ nhau lên tầng trên, vợ chồng trẻ thì tầng giữa, hoặc bên dưới.
Mình vào trại từ sáng sớm, mà mãi đến chiều mới sắp xếp tạm ổn chỗ ở, vì nhiều việc nên buổi trưa nhà trại phát tạm cho mỗi người một ly sữa và một gói bít-quy ăn tạm. Ngon, buổi đầu ăn bít-quy HK ngon thật.
Buổi chiều nhà trại cấp cho mỗi giường vài mét vải nyloon, nghĩa là giường này được ngăn với giường kia bằng một mảnh vải mỏng. Ai là đôi vợ chồng thì cần kéo kín tấm vải là tình củm mà không ngại làm ảnh hưởng đến hàng xóm.
Rồi nhà trại tiếp tục cấp phát cho mọi người nào là đũa, bát, thau, chậu, giấy vệ sinh, thuốc đánh răng...v.v. Suốt ngày hôm ấy chỉ có nhận đồ chia nhau, đủ các thứ cần thiết cho một cá nhân. Mọi người nhận đồ và chia theo thuyền, thuyền trưởng đại diện tới văn phòng nhận đồ về chia cho bà con, bởi vậy chỗ này một nhóm dăm ba người, chỗ kia nhóm khác có cả mấy trăm người, thi thoảng có thấy to tiếng chỗ này, chỗ kia. Nhưng đến chiều tối thì mọi việc dường như cũng ổn.
Khoảng 5 giờ chiều họ gọi mọi người xếp hàng lấy cơm, (cơm họ đã nấu sẵn). Mỗi thuyền một thùng cơm, một chậu thau thịt kho, một thau rau, một thùng cam, cam California Mỹ hẳn hoi. Thuyền ít người thì ăn không hết, thuyền nhiều người thì xuống bếp xin thêm.
Chưa bao giờ mọi người ăn no, ngon, thừa mứa như thế. Ăn xong mỗi người còn có quả cam tráng miệng, cái này mình chưa thấy bao giờ, ở VN chỉ có ăn là ăn chứ làm gì có tráng miệng hay khai miệng bao giờ, đói bỏ mẹ, lấy đâu ra tráng miệng, quý lắm ai ốm thăm nhau mới có chục quả cam.
Buổi tối cả thành phố là một quả cầu lửa sáng rực. Đèn điện khắp nơi sáng choang cả bầu trời. Bên kia hàng rào là tự do, xe cộ chạy ào ào, thi thoảng tiếng xe cảnh sát, hay xe nhà thương chạy qua rú còi inh ỏi. Trên đầu cứ năm mười phút lại có một phi cơ hành khách bay sát nóc những tòa nhà quanh trại. Chúng đang hạ cánh xuống một sân bay quốc tế gần đó.
Mình lang thang đi dạo quanh trại, trong lòng vui buồn lẫn lộn. Vui vì đã thoát khỏi VN không bị bắt, không bị chết trên biển. Buồn vì bị giam vào bốn bức tường, mất tự do, không biết tương lai thế nào. Người ta nuôi mình như nuôi gà công ngiệp trong chuồng, không biết có được thả hay không.
Từ bên ngoài ánh đèn đường phố hắt ngang qua hàng rào dây thép gai, in hình xuống nền xi măng trông giống như những con rắn loàng ngoằng. Phía chân hàng rào thép gai ngay trước mặt mình, một bà già đang bế một cháu bé, tựa lưng vào hàng rào, ru cháu ngủ.
À ơi cháu ngủ với bà
Cha còn mải gánh sơn hà Việt Nam
Mẹ còn trong trại tù giam
Khi nào chết hết Việt gian cha về.
À ơi cháu ngủ xa quê
Ngủ trong trại cấm lê thê cuộc đời
Đời người sống mấy mươi nơi
Xương chìm dưới biển, xương phơi núi rừng.
...........
Sáng sớm hôm sau , mình còn đang say sưa với giấc mơ tiên, thì nghe tiếng loa nhà trại yêu cầu mọi người ra sân điểm danh (đếm người).
Bực thật, đang ngủ ngon, đêm đầu tiên được ngủ trọn giấc sau mấy tháng lênh đênh nắng gió. Mọi người ai nấy phải ra xếp hàng theo từng buồng, mình ở buồng 326 buồng này nhiều người Hải Phòng , đằng sau buồng mình là buồng số 327, rồi 328. Bên cạnh buồng mình là 325. Buồng 325 là buồng to nhất, nó có thể chứa đến mấy ngàn người.
Cảnh sát nhà trại là loại cảnh sát chuyên canh tù, người ta gọi bằng cái tên khác nữa là A SỀ. A Sề đi đi lại lại, đếm đếm ghi ghi, rồi họ phát cho mỗi người một cái thẻ có số như số chứng minh nhân dân ở mình vậy. Số của mình là 5004... chà chà cửu sừng đây. Nặn ba cây mà được số này là bố tướng.
Lòng cũng thấy vui vui, như vậy là trại này có hơn 5 nghìn người, vì mình xếp hàng gần cuối cùng.
Xong tiết mục đếm người, phát thẻ, mọi người về nhà mình (thực ra đấy là cái phản gỗ, nơi mình nằm, dài rộng như cái chiếu).
Ăn sáng được chia đến từng giường, mỗi người hai lát bánh mì, một quả trứng, một ca sữa... chà chà... chất quá... đúng là tư bản có khác. Nếu cứ ăn uống thế này chẳng mấy mà các bộ xương kia sẽ béo mú. Hôm nay đầu tuần, mỗi người lại còn được một bao thuốc, một bao diêm, thuốc có đầu lọc hẳn hoi.
Ăn sáng xong mình ngồi với anh Hà, hai anh em đi cùng tầu, châm thuốc hút. Hực... hơi đầu tiên nặng hơn cả thốc lào Vĩnh Bảo… khen khét... ngai ngái... không hút được. Anh Hà là dân ngiền thuốc nên đành hút tạm, mình thì thuộc loại con nhà lính, tính nhà quan. Bỏ không thèm hút.
Lại thấy A Sề vào trại, đến từng buồng yêu cầu từng buồng họp, bầu ra buồng trưởng, buồng phó, trật tự buồng. Những vị trí này sẽ được A Sề trả tiền, có tiếng nói thay mặt bà con, có quyền lãnh đạo, giữa an ninh, có nghĩa là quyền sinh, quyền sát trong trại chỉ sau A Sề.
Thành phần đến trại thì đủ cả, từ người bần cố nông, thuyền chài, đến công nhân nhà nước, công an, cán bộ nhà nước, giáo viên, bộ đội, cha đạo, thầy tu, thằng ăn cắp, kẻ ăn mày, kẻ tù, kẻ tội... đủ các thành phần.
Đây là cuộc bầu bán A Sề đứng ngoài giám sát, giống như Liên Hợp Quốc giám sát tổng tuyển cử ở Việt Nam vậy. Vì họ chỉ đứng nhìn chứ không tham gia ý kiến gì. Những người già, người trí thức, người hiền, cam chịu số phận thì ngồi im lặng. Những kẻ tù, tội, trộm cướp thì nhao nhao đứng lên tranh dành ngôi vị.
Cuối cùng những ai đã từng đi tù trong các nhà tù tội phạm Việt Nam, thì vào hàng ngũ lãnh đạo. Ai tội càng nặng, càng bị tù lâu, càng nhiều thâm niên trong các nhà tù vì giết người, cướp của thì nắm vị trí quan trọng.
Mình thấy có người còn đứng lên, gân cổ tuyên bố đã từng đi tù ở Côn Đảo với Lê Duẩn, Trường Chinh… Chà Chà, thảo nào hàng ngũ lãnh đạo chính phủ Việt Nam toàn là những người đi tù lâu năm, người thì tù Côn Đảo, người thì tù Phú Quốc.
Thế ra ở đâu cũng vậy, cứ đi tù lâu năm là được lên lãnh đạo, không cần bằng cấp, biết thế này tội chó gì phải đi học, chịu khó đi tù vài năm, ra tù là có vị trí, có ghế, những cái ghế ăn trên ngồi trốc... sướng... sướng...
Tạm thời buổi trưa hôm ấy các chức tước đã tạm ổn, hàng ngũ trung ương khoảng 15 người, ai cũng có tiền án, tiền sự, khắp từ nam ra bắc tụ họp ở đây. Tổng buồng trưởng tương đương Tổng bí thư đảng là Phong Bá Địa người Hải Phòng. Ủa! nghe cái tên đã thấy bá chủ thiên hạ.
Trật tự trưởng tương đương Bộ tưởng Bộ quốc phòng là Long Trắng, cũng người Hải Phòng. Trong đội hình lãnh đạo hầu hết là lưu manh Hải Phòng. Các cựu tù tội các tỉnh khác từ từ đứng lên vẻ không vui, ai cũng cởi trần khoe những hình xăm trổ xanh lè, rồng, hổ…
Chiều hôm ấy nhà trại cho một quả bóng để bà con cùng giải trí, thể thao. Một đám thanh niên, hình như là người Quảng Nình đang hò hét trên sân. Phong Bá Địa từ trong buồng lừ lừ đi ra, hắn to cao, chừng ngoài 50 tuổi có xăm mình nhưng không nhiều, đằng sau hắn là Long Trắng trật tự trưởng và khoảng chục đàn em thằng nào mình mẩy cũng xanh lè. Phong Bá Địa đi ra giữa sân, chân dẫm lên quả bóng tuyên bố xanh rờn. Trại này là của tao. Đ.m. chúng mày. Rồi hắn tung chân đá quả bóng bay ra ngoài hàng rào kẽm gai.
Nghe y như tuyên ngôn độc lập, thông điệp gửi cho toàn dân là từ nay mọi sự phải dưới sự chỉ đạo của hắn, không ai được tự do làm theo ý riêng, ở đây có tự do, nhưng tự do trong khuôn khổ, dưới sự lãnh đạo của nhóm lưu manh Hải Phòng.
Thế là hết chơi bóng, cả trại hơn 5 nghìn con người có một quả bóng hắn đá ra ngoài phố. Mấy ông bà già chậc lưỡi, lắc đầu. Những người đang xem từ từ tản về buồng mình.
Mình vẫn còn tiếc quả bóng, vẫn tần ngần đứng đó, mà cũng chẳng biết về đâu, loanh quanh trong cái ***g chim này thì về đâu cũng thế thôi. Bỗng mình nghe thấy một tiếng kêu: Ối! nó giết tao...
Mình quay lại nhìn thì thấy một tay đầu gấu Quảng Ninh dùng dao đâm vào bụng một tay đàn em của Phong Bá Địa, hắn đâm liên tục khoảng mươi nhát, rồi bỏ chạy biến vào buồng 325, hòa vào đám người đông như kiến, nhung nhúc. Buồng ấy có nhiều người Quảng Ninh.
Người bị đâm chắc bị bất ngờ, không kịp phản ứng chỉ ôm bụng kêu, máu chẩy ra từ các kẽ ngón tay, nhỏ xuống nền xi măng thành dòng như cắt tiết gà.
Phong Bá Địa vội cùng bọn đàn em hơn chục đứa, tay gậy, tay dao chạy đi tìm kẻ thù. Chúng lùng sục khắp nơi, mặt thằng nào cũng hùng hổ, vừa tìm vừa chửi thề. Nếu tay đâm người kia mà bị bắt thì chắc chết trăm phần trăm.
Cuộc lùng bắt kéo dài đến chiều tối mà chưa kết quả. Khắp các buồng, bọn đàn em Phong bá Địa vẫn đi đi lại lại. Không biết kẻ đâm người kia trốn ở đâu, liệu có thoát được không.
Người bị đâm đã được đưa đi nhà thương, trên sân máu vẫn chưa khô. Không khí trong trại thật ảm đạm, ai ai cũng buồn buồn, mấy cụ già nhìn bọn Phong Bá Địa lại lắc đầu.
Đó là lần thứ hai mình nhìn thấy máu trên đất tự do.
Trẻ em VN trong trại tị nạn HK năm 1989
QUYỀN LỰC Ở TRẠI TỊ NẠN
Thế là đã ở trại Samsuipo được 5 tháng, mấy hôm nay trời mưa tầm tã. Nghe đâu trại lại chuẩn bị đón thêm người vào.
Mình ngồi trong cái phản gỗ nhỏ bé, cái không gian duy nhất của riêng mình nhìn ra trời mưa. Từng cơn gió làm rung rung những cuộn dây thép gai, mưa trắng xóa bầu trời.
Đài báo đưa tin đây là cơn bão lớn số 5. Trời ơi, bão gió thế này không biết những thuyền đang trên biển có tránh bão kịp không. Nhớ lại trên đường đi, mình thấy mấy tầu bị đắm, tang thương lắm.
Hôm qua nói chuyện với anh Trí, dân Quảng Ninh, anh đi khác tầu. Anh nói tầu anh bị đắm khi vượt eo đảo Hải Nam, vợ con chết hết, anh may mắn được sóng đánh dạt vào bờ sống sót.
Đã chiều rồi mà mưa vẫn không ngớt. Không biết quê nhà có bị bão không, liệu bố ở nhà có biết sửa cái mái bếp đằng sau đã bị hỏng, phải thay, nếu không một cơn gió lốc là bay cả mái. Rồi cái nền nhà mình đang làm dở dang thì bỏ đi HK… Ngày mình đang làm thì cán bộ, công an đến đòi dừng công trình không cho làm, họ định cướp đất, cướp nhà của mình. Nhưng mình không chịu, định dùng võ cùn đánh lại họ. Chưa kịp đánh thì gặp bạn bè rủ vượt biên. Không biết bố có giữ nổi mảnh đất ấy không, bây giờ giá đất ngày càng cao, nhất là những miếng đất mặt đường.
Càng nhớ nhà ruột gan càng rầu rầu, bên ngoài trời vẫn còn mưa, trời mưa nên tối rất nhanh. Bọn Phong Bá Địa đang chuẩn bị đi xuống nhà chia cơm, bọn nó đi chia cơm mà cầm theo mỗi thằng một cái gậy, nó sẽ đánh bất kỳ ai không nghe theo bọn nó. Tuần trước không hiểu lý do gì mà bọn nó đánh thuyền trưởng tầu Hoa Phượng Đỏ gẫy mấy răng, máu me be bét. Chúng vẫn chưa tha, còn nhét cả cứt vào mồm. Đúng là kiểu sống trong tù, chúng rất độc tài.
Vì thế dạo này tình hình xung khắc vùng, miền càng rõ nét. Kể từ hôm một đầu gấu Quảng Ninh đâm bị thương một đàn em Phong Bá Địa, Bọn lưu manh Hải Phòng càng đàn áp dân tỉnh lẻ nhiều hơn. Chúng càng tức khi không bắt được kẻ thù.
Hôm ấy kẻ đâm người đã nhanh chân chạy tới phòng cảnh sát xin đi tù, nếu không làm vậy, đầu gấu Hải Phòng sẽ giết chết hắn ngay. Bây giờ nhìn kìa, chúng từng tốp 5 thằng vác gậy đi khắp các buồng, ai ngứa mắt chúng đập luôn, không cần nói lý do.
Nhưng có một quẫy (một nhóm) toàn dân Quảng Ninh, lưu manh Hải Phòng gườm gườm không dám động tới, đứng đầu là ba anh em Lý Mạnh, Lý Thành, Lý Hiển.
Dạo này sáng sớm tinh mơ khi mọi người đang ngủ ngon thì ba anh em Lý Mạnh đã dậy ra sân luyện võ. Hôm nọ mình cũng dậy sớm, chỉ là thể thao buổi sáng bình thường thôi nhưng mắt cứ nhìn trộm anh em Lý Mạnh đi quyền.
Lý Mạnh to béo, người dân tộc sán dìu, bình thường trông hắn rất chậm chạp, chân hắn đi vòng kiềng, lạch bạch lạch bạch. Thế mà khi đi quyền hắn thành con người khác hoàn toàn. Nhanh nhẹn và chắc chắn, hắn tung chân đá gió nghe vù vù.
Việc dậy sớm luyện võ của ba anh em Lý Mạnh cũng là một thông điệp gửi tới quẫy lưu manh Hải Phòng. Và cũng là lời hiệu triệu toàn quốc chuẩn bị kháng chiến. Chống áp bức. Dân các tỉnh lẻ ba tầu Sài Gòn, Huế, họ túm năm tum ba bàn tán, họ ủng hộ anh em Lý Mạnh.
Trại dần dần hình thành hai phe, Quảng Ninh và Hải Phòng. Hải Phòng mạnh hơn, ăn hiếp dân thường, chiếm hết những vị trí lãnh đạo béo bở. Quảng Ninh yếu hơn, co cụm lại, liên kết các nhóm dân khác chờ thời cơ. Vừa mới buổi trưa hôm nay thôi, khi trời còn đang mưa to, mấy đàn em Phong Bá Địa ôm đâu về một bó toàn ống sắt, loại ống nhỏ bằng hai ngón tay, dài hàng mấy mét. Chúng cắt đầu nhọn, mài sắc thành cây giáo dài, trên gần mũi nhọn lại buộc một cái dải màu đỏ, trông y như cây giáo của quân đội thời xưa.
Mình ở cùng buồng Phong Bá Địa, có điều mình không tham gia vào chính trường, chính trị. Khoảng 5 giờ chiều, mình tản bộ sang buồng 325, buồng có Lý Mạnh. Gần đến quẫy Lý Mạnh, mình thấy trên tầng 3 một đám đông đang ngồi, hình như là hội nghị Diên Hồng, ai trông cũng ngiêm nghị, chắc là đang bàn nhau nên hòa hay nên đánh?
Không khí trong trại căng như dây đàn, góc nào cũng thấy có người mài vũ khí. Người thì dùng ống kẽm làm giáo, người thì bẻ cả khung giường làm kiếm, những thùng đựng cơm bằng nhựa được cắt ra làm lá chắn. Những miệng cống thoát nước làm bằng gang cũng bị đập ra làm đá để ném. Họ cắt những ống quần, ống tay áo làm mặt nạ.
Cả đêm hôm ấy trong trại không ai ngủ, hai nhóm Quảng Ninh và Hải Phòng đang vờn nhau như hai con hổ sắp lao vào nhau cắn xé. Cả hai nhóm đang chờ đợi xem nhóm nào ra tay trước.
Năm giờ sáng ngày hôm sau dân chúng cứ rỉ tai nhau, rồi rủ nhau chuyển buồng, tất cả dân Quảng Ninh, cùng các dân tỉnh lẻ lũ lượt khuân đồ đạc cá nhân chuyển sang buồng 324.
Buồng 324 là một buồng khá độc lập, nó được ngăn cách với buồng 325, 326, 327 bởi một hàng rào sắt, chỉ có một cửa duy nhất để đi lại với các buồng bên. Buồng 324 có Hòa Teo người Quảng Ninh, hắn làm đầu gấu buồng này. Ba anh em Lý Mạnh đã quyết định tụ lại với hắn để chống lại đám Phong bá Địa.
Thế là dân chúng tỉnh lẻ lũ lượt chuyển sang 324 theo Lý Mạnh, còn dân Hải Phòng đang ở buồng 324 thì chuyển ngược lại buồng 325, 326, 327 theo Phong Bá Địa. Ai ủng hộ chính phủ nào thì đi theo chính phủ đó.
Hình như con người ai cũng có bản năng bênh vực kẻ yếu. Cho nên mình cùng mấy anh em thân cận cũng chuyển sang buồng 324, theo Quảng Ninh. Bỏ lại cái giường nhỏ bé xinh xinh ở buồng 326, cái giường mình đã bỏ bao công trang trí trông đẹp mắt.
Trên đường đi mình gặp một bà già, một tay chống gậy, một tay dắt cháu bé chừng hai, ba tuổi, lại đèo theo bọc quần áo trên lưng, vừa đi bà vừa khóc, vừa chửi trời, chửi đất. Cha bố chúng nó, sao ở đâu cũng phải chạy giặc thế này. Hết chạy hồi năm 54 vào nam, tưởng được yên, nào ngờ phải chạy đi sang đây, rồi ở đây cũng không ổn, nay lại chạy sang 324. Ngày mai chạy đâu hở giời... hở giời…
Thật là:
Trách đời đưa chiếc lá vàng
Qua sông Bến Hải lại sang trại tù
Trời mưa ướt tấm thân gù
Co ro cháu bé không dù che thân.
.............
Chỉ trong vòng mấy tiếng buổi sáng, bao nhiêu dân tỉnh lẻ đã sang hết buồng 324, còn dân Hải Phòng cũng dồn hết về với Phong Bá Địa bên 326. Bọn Phong bá Địa bị bất ngờ, chúng chuẩn bị đánh nhau mà không hề biết âm mưu phân chia đất đai, phân chia vùng, miềncủa đám lưu manh Quảng Ninh.
Xét về chiến thuật, chiến lược thì Lý Mạnh đã thắng một trận dòn dã. Phong Bá Địa nắm quyền lãnh đạo mà không có dân thì cũng vô ích. Nhưng cũng may cho Phong Bá Địa, hắn vẫn còn lại đám dân tỉnh nhà, và một ít dân tỉnh lẻ từng được hưởng lộc của hắn.
Đúng 12 giờ trưa thì cái cổng duy nhất để đi lại giữa hai bên bị khóa chặt, bên nào cũng có lính đứng canh phòng, tay lăm lăm vũ khí, mặt hầm hầm. Từ lúc đó dân hai bên không ai được qua lại nữa, ai cố tình trèo rào, vượt biên sẽ bị đâm chết ngay.
Từ bên trại Quảng Ninh, mình thấy bên Hải Phòng đang tập hợp từng toán người, ai cũng lăm lăm thanh kiếm. Kiếm Nhật hẳn hoi, sáng loáng. Hình như chúng được viện trợ vũ khí từ ngoài tự do. Mình nghe thấy những tiếng hô lớn: Phá rào đánh sang... phá rào đánh sang... giết hết bọn Quảng Ninh... giết... giết...
Hè đỏ lửa
Đã cả tuần nay, trời nắng như thiêu như đốt. Ngoài sân nền xi măng, hơi nóng bốc lên hừng hực, Ai mà quên không mang dép, nếu đi trên cái nền sân trại giữa trưa nắng thì chỉ còn đường đi viện vì phỏng chân.
Hơn hai ngàn con người, già trẻ, gái trai thuộc phân trại Quảng Ninh rúc hết vào trong một dãy nhà dài, mái cao đến cả chục mét.
Phía trên gần mái trần có lắp những cái quạt thông gió to tổ bố, chạy suốt ngày, suốt đêm. Tiếng máy chạy, tiếng gió thổi ầm ầm, cộng thêm hơn hai ngàn con người lúc nào cũng như chợ vỡ, tiếng cười, tiếng nói, tiếng đánh chửi nhau, trẻ con khóc oe oe. Trong trại không lúc nào yên tĩnh.
Nhiệt độ bên trong trại lúc nào cũng như cái chảo rang ngô.
Nóng... Nóng kinh khủng.
Nhưng trốn đâu bây giờ, cái nhà tắm chung thì lúc nào cũng chật cứng người. Ở dưới nhà chia cơm thì rộng rãi một chút. Nhưng cái mái tôn thấp lè tè. Nó mang hơi nóng mặt trời dội xuống không thể chịu nổi, lại còn mùi mắm muối gặp hơi nóng bốc lên nồng nặc.
Thế là không còn nơi nào tránh nóng, mọi người như cá trong chậu nước sắp sôi ùng ục. Đàn ông thì trần như nhộng. Ai cũng mỗi một cái quần cộc, từ già đến trẻ, chẳng ai xấu hổ, giữ kẽ.
Tội nghiệp bọn đàn bà, nóng lắm cũng chỉ cắt những bìa hộp cam làm quạt, quạt phành phạch.
Bên trong nhà có một cái phòng nhỏ, chỉ độ chục mét vuông. Phòng này để dành riêng cho nhân viên liên hiệp quốc. Chỉ có một hoặc hai nhân viên liên hiệp quốc làm ở đây.
Công việc của họ là giám sát, theo dõi, trợ giúp người tị nạn.
Mỗi buổi sáng họ từ ngoài tự do vào trại đều mang theo báo, thư từ. Mình rất thích đọc báo, khổ nỗi một chữ bẻ đôi không biết. Nhớ có lần cầm tờ báo tiếng Anh thấy trên mặt báo có nhiều chữ THE, chả biết nó là chữ gì.
Trong phòng có một phiên dịch người Việt, bác trước là đại tá, làm cho chính phủ ông Thiệu, sau giải phóng bị tù hơn chục năm, ra tù là bác đi Hồng Kông luôn. Bác tên là Tuyên, bác Tuyên.
Mình vác tờ báo đến hỏi. Bác ơi sao có nhiều chữ THE thế. Bác nói đấy là mạo từ, mình lại nghe ra là mạo tù… cứ vừa đi vừa nghĩ mạo tù... mạo tù... sao Hồng Kông lắm tù thế. Không khéo mình đến nhầm chỗ rồi, ai đời chạy trốn nhà tù, lại đến nơi nhiều tù hơn nước mình thì bỏ mẹ.
Ngoài giờ làm phiên dịch cho những người có nhu cầu nói chuyện với nhân viên Liên hiệp quốc bác Tuyên còn dịch báo, bác dịch từ báo tiếng Anh ra tiếng Việt cho bà con đọc.
Báo chí Hồng kông dạo này suốt ngày thấy đăng tin thuyền dân. Tờ báo buổi sáng hôm qua đưa tin thuyền dân Việt Nam ở trại bò (nghĩa là thuyền dân Việt nam đến nhiều quá, không có chỗ chứa, Chính phủ HK phải cho bà con tị nạn sống tạm trong những cái lều bạt trên một hòn đảo nuôi bò).
Thuyền dân ở đó cũng phân biệt miền vùng, đánh nhau. Đạt Lìn đầu gấu Hải Phòng bị đâm chết ngay trong lều. Dân Quảng Ninh kéo sập lều xuống rồi cứ thế lấy giáo mác đâm xuyên qua vải.
Chán đọc báo thì mình lại về cái khu mình ở, trèo lên tầng ba của cái giường sắt, trên đó lúc nào cũng có mấy sòng bạc, họ chơi đủ thứ để giết thì giờ, từ chơi cờ, chơi bài tây, đến chơi chắn, sóc đĩa. Thi thoảng cũng có người đánh nhau vì chơi. Thật rõ khổ.
Nhưng khổ hơn sự đó là nạn trộm cắp ban đêm. Chả là trong một nhà trại thế này, lại được chia làm nhiều khu nhỏ: khu Lý Mạnh, khu Hòa Teo, khu Bình Đẩu, khu Tú Mão. Toàn những tên lưu manh tù tội ở Việt nam sang đây làm lãnh đạo. Mỗi bọn đầu gấu lại nuôi hàng tá đàn em.
Ban đêm dân lành thì lăn ra ngủ, bọn lưu manh lại thức trắng đêm bài bạc, chơi chán thì rủ nhau đi (chân mèo), có nghĩa là đi ăn trộm.
Ban ngày chúng đi đi lại lại tăm tia, ai có vàng đeo tai, đeo tay. Nhà ai có người ngoài tự do vào thăm nuôi cho quà, cho thuốc lá, là đêm đến bọn lưu manh, tay chân của đầu gấu đến ăn cắp.
Hôm nọ có bà dấu vàng vào tận chim. Thế mà không hiểu sao bọn chân mèo nó biết. Đêm nó chờ cho ngủ say, lấy kéo cắt toạc cả quần trong, quần ngoài. Lấy hết vàng, còn cảnh cáo cái tội giấu vàng, bằng cách bơm thuốc đánh răng vào đầy chim.
Sáng dậy thấy mất của, tiếc, chửi ầm ĩ. Cứ dóng mồm... Cha bố thằng chân mèo, ăn máu ăn mủ bà... mày liếm mày không liếm... mày chơi mày không chơi... mày bôi cái của bố mày vào bà làm bà mơ tiên... làm bà sướng hụt.
Tối hôm sau bọn lưu manh hất cứt đầy vào nhà, cứt đái dính be bét khắp quần áo. Đấy là cảnh cáo cái tội gây mất trật tự nơi công cộng.
Nạn trộm cắp hoành hành mà không ai dám nói, không ai dám kêu. Mấy ông nhà báo, mấy ông nhà văn ở Việt Nam sang đây thấy ngang tai chướng mắt. Ngứa bút, viết mấy bài lên án tội trộm cắp dán trên tường. Bị bọn lãnh đạo gọi lên tầng ba huấn thị, mỗi ông ăn mấy bạt tai xanh cả mắt.
Hôm sau trên tường người ta thấy bài viết mới, sặc mùi ca ngợi lãnh đạo trại. Nào là tài tình sáng suốt, nào là công minh chính đại, nào là trong trại được tự do ngôn luận, ai muốn nói sao thì nói, lãnh đạo tôn trọng ý kiến cá nhân.
Có người sợ vãi đái còn làm ngay một bài thơ ca ngợi nhóm đầu gấu lãnh đạo trại.
Lãnh đạo trại đã cho ta một mùa xuân...
đã cho ta một mùa xuân đầy ước vọng
Một mùa xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi...
đã đem về mùa xuân cho...
Nói thật là lúc ấy mình đọc song bài thơ thấy cay mũi, vừa buồn cho số phận người tị nạn, vừa tức thằng cha nào viết bài thơ ca ngợi mấy thằng lưu manh vô học, người không ra người, thú không ra thú. Chỉ được mỗi cái chiến công là đã từng đi tù lâu năm.
Bọn tù tội, lưu manh sang Hồng Kông, sống trong trại đúng là gặp đất để phất. Vì trên chúng chẳng có ai để mà sợ, Liên hiệp quốc chỉ là bù nhìn, chúng lại không đi chùa, không tin đạo, chẳng sợ lương tâm, lương tháng dằn vặt. Cảnh sát Hồng Kông chỉ đứng canh bên ngoài hàng rào. Bên trong hàng rào chúng nó là tướng, là tá.
Dân lành thì yếu bóng vía, ở Việt Nam thì chăm đi chùa, đi đạo. Chính phủ bảo đi B thì đi B, bảo oánh thì oánh. Hết đánh nhau, chính phủ bảo đi kinh tế mới thì đi kinh tế mới. Bảo đi ra đảo Trường Sa thì đi Trường Sa.
Bây giờ sang trại cấm lại phải nghe mấy thằng tù tội. Văn hay chữ tốt, đạo đức hiền lành không giết được bọn lưu manh. Mà giống đời không thắng được thù thì phải coi thù như bạn, phải chấp nhận sống hèn, chứ dở dở ương ương mất mạng như chơi.
Nhưng nói thật, nếu mình là mấy tay nhà văn, nhà báo kia, thà mình ngồi im không viết gì như Trần Dần ở Việt nam còn sướng hơn là đi ca ngợi kẻ thù mình. Thật không còn tý nào là liêm sỉ.
Trời thì nóng, mỗi ngày mình chạy vào nhà tắm không dưới 5 lần. Chạy vào để cả quần cộc xối nước vào đầu, vào người cho mát.
Nhưng để vào nhà tắm người ta phải đi qua cái sân nóng như lửa, lại còn sợ pháo kích từ bên trại Hải Phòng bắn sang. Đạn pháo là những cục gang được đập vỡ từ những miệng cống quanh trại.
Vừa mới hôm qua hai mẹ con người Huế đi tắm đêm, đang đi ngang qua sân đến nhà tắm nữ thì bị ăn trọn một viên 105 li từ bên Hải Phòng bắn sang. Khổ cái là đạn nó không có mắt, cho nên không cứ dân tỉnh nào, ai xấu số phải chịu thôi.
Bên Quảng Ninh vội phản pháo, bắn bừa bắn ẩu mấy loạt rồi thôi.
Hai bên vẫn rất căng thẳng, Bên Quảng Ninh dân ít hơn bên Hải Phòng, nên mọi người đều có lệnh tổng động viên. Nếu Hải Phòng phá rào đánh sang thì tất cả già trẻ, gái trai đều phải tham gia kháng chiến.
Những ngày này các bà, các mẹ hễ ăn cơm xong là ngồi cắt những cái quần, cái áo, khâu lại thành cái áo trấn thủ cho chồng, cho con.
Còn những thanh niên trẻ thì miệt mài chế tạo vũ khí. Có người còn dùng kìm cộng lực, cắt dây thép gai làm mũi tên. Họ chế tạo súng bắn tên rất hiện đại. Nếu ai xấu số bị một mũi tên vào người thì chắc chết.
Hôm chế tạo xong súng bắn tên, họ gửi ra ngoài tự do dự triển lãm, được bên ngoài đánh giá cao thành tích sáng kiến.
Anh em bạn bè của bọn đầu gấu sống bên ngoài tự do còn viện trợ vũ khí, viện trợ thuốc men, thậm chí viện trợ cả hê rô in. Tất cả các thứ viện trợ từ bên ngoài đều được cho không, bên trong trại cấm không cần hoàn lại.
Những chiến sĩ dũng cảm như Hùng Chột. Long Tấn Quỷ, Dũng Điên, Hải Sẹo... Ai ai cũng được trang bị một thanh kiếm Nhật sáng loáng, thanh kiếm sắc như nước, nếu ngửa thanh kiếm lên để sợi tóc rơi xuống chạm lưỡi kiếm là đứt đôi sợi tóc.
Phải nói kiếm Nhật rất lợi hại. Hồi mới tới Hồng Kông, vừa ngày hôm trước, hôm sau, nghe tin bên trại tự do có giết người ở tổ nấu cơm. Tay nấu cơm người Cửa Ông dùng kiếm Nhật, chém đứt cổ người cùng làm chỉ vì xích mích rất nhỏ.
Chỉ một nhát kiếm đi ngang, đầu lìa khỏi cổ lăn lông lốc trên nền xi măng sân trại.
Bên trại Hải Phòng còn được trang bị vũ khí nhiều hơn, và có quân đội chính quy nhiều hơn. Bằng chứng là hôm chủ nhật, bên Hải Phòng tổ chức họp mít tinh toàn trại. Có cả cờ quạt, khẩu hiệu. Rồi có cả duyệt binh hẳn hoi. Cuộc duyệt binh đó chắc là để uy hiếp tinh thần quân và dân Quảng Ninh.
Kể từ hôm phân chia đất đai, hai bên đều tập trung củng cố lực lượng. Chưa có trận đánh lớn nào, chỉ có mấy trận lẻ tẻ của Hùng Chột bên Quảng Ninh, hắn cùng bộ hạ trèo lên mái bếp nhà trại bắn đạn pháo 105 li sang sân Hải Phòng làm bị thương mấy người già và trẻ con.
Thật tội nghiệp những người vô tội.
Bây giờ đang là 12 giờ trưa, nắng như đổ lửa, trong nhà hầm hập hơi người, hơi nóng. Ngoài sân vắng teo, không một bóng người. Chỉ có thi thoảng một bóng A Sề (cảnh sát coi tù) đi dọc hàng rào trại.
Họ đi kiểm tra xem có ai phá rào trốn trại không. Chứ họ đâu có quan tâm đến tình hình trong trại. Sống, chết ra sao kệ bố mày.
Bỗng mình thấy tay lính gác cổng biên giới giữa hai trại người Huế chạy vào buồng hô lớn... Bọn nó tấn công... Bọn nó tấn công…
Sơn Ca
Ngày mình sang trại 324, giường mình ở gần giường một tay tên Sơn. Nhưng mọi người trong trại lại gọi hắn là Sơn Ca. Người ta gọi thế bởi hắn dẻo mỏ lắm, hắn nói chuyện rất duyên, các bà các cô mà nghe hắn nói chuyện thì chỉ còn nước, mắt chữ A mồm chữ O, rồi từ từ ngả bàn đèn mời hắn xơi.
Nhưng không hiểu sao cũng có bà cho hắn chơi rồi lại chửi hắn. Có hôm mình chứng kiến có bà chửi hắn mặt L.. chỉ nói sạo, nói thì hay mà làm thì dở ẹch, chưa đến chợ đã hết tiền, không bõ công bà tụt quần.
Hắn cao to, da trắng như tây. Nhìn hắn đàn ông cũng thích chứ chẳng cứ đàn bà.
Nghe hắn kể. Ở Việt nam, hắn làm công an giao thông Thành phố Hồ Chí Minh. Ấy là thời vàng kim. Hắn nói ngày ấy cấp trên khoán cho hắn mỗi tháng phải nộp một cây vàng, rồi muốn làm gì thì làm.
Hắn tiêu tiền như rác, các bến xe miền đông, miền tây, xe vận tải hành khách, xe vận tải đường bộ, tất cả phải nộp tiền nuôi hắn.
Hắn như vua con, đi đâu cũng có em út theo cả tá. Tiền nhiều tiêu không hết, hắn ném vào cờ bạc. Nào ngờ hắn thua hết, chỉ trong hai tuần bao nhiêu tiền hắn ki cóp không cánh mà bay.
Hắn bán hết những gì hắn có để trả nợ con bạc, hai tháng liền hắn không nộp đủ tiền cho cấp trên. Hắn bị kỷ luật chuyển công tác. Từ đó hắn bị ngồi tại văn phòng, suốt ngày ở nhà làm sổ sách, thế là ăn cám.
Đang tiêu tiền như rác, nay ngồi trong văn phòng tù túng, không tiền, hắn không chịu nổi.
Trong một đêm hắn khoác áo công an, đeo súng ra đường chặn xe xin tiền. Bị phát hiện, hắn bị đuổi khỏi ngành. Thế là hắn tìm đường đi Hồng Kông.
Ấy là hắn nói thế, ai tin thì tin, còn thực hư thế nào bố ai mà biết. Trong cái đám dân hổ lốn này thiếu gì ăng ten làm cho cục an ninh Việt Nam.
Trại mấy ngìn con người hắn nổi tiếng là dâm dê, mà kể cũng lạ, bà vợ hắn không hề ghen, mỗi lần biết chuyên, mụ vợ chỉ nhổ một bãi nước miếng đánh… rẹt.
Hắn chuyên đi nhìn trộm phụ nữ tắm, chả là trong trại, buồng tắm nam và nữ chỉ cách nhau một tấm tôn mỏng, ai đó đã đục thủng một lỗ nhỏ gần trên trần buồng tắm.
Có hôm đi tắm, mình bắt gặp hắn đang kiễng chân trên ghế, chả biết hắn có nhìn thấy gì không, mà mắt thì cứ rán vào cái lỗ nhỏ tí, tay hắn thì cầm lấy chim xoa xoa, mồm hắn rên rỉ... sướng.. sướng... ui giời ơi sướng sướng.
Bất ngờ hắn nhẩy xuống ghế, mặt tái mét , người run cầm cập. Mình hỏi sao... sao...
Hắn nói bà xã... bà xã đi tắm... tôi nhìn thấy... của… bà xã tôi...
Thì sao... thế ông không nhìn thấy của bà xã ông bao giờ à? Mình hỏi hắn.
Hắn nói... Không... không, nếu tôi nhìn tôi bị xúi lắm, nhìn ai thì không sao, nếu nhìn của bà xã thì nhất định bị xúi... xúi… tôi đã bị xúi nhiều rồi.
Nghe hắn kể mình mới hiểu. Ngày ở Việt Nam, đêm nằm với vợ làm gì thì làm, cấm nhìn, nếu hôm nào hắn nhìn cái của vợ hắn, thì y như ngày hôm sau có chuyện, không bị kỷ luật, cũng bị viết kiểm điểm. Ít thì cũng bị cấp trên gọi nên chửi bới về chuyện gì đó.
Hắn nói hôm nay nhìn thấy cái của vợ, ngày mai, ngày mốt nhất định có chuyện. Người hắn vẫn còn run... run... không biết run vì rét hay run vì sợ cái xúi nó đến mà chim hắn biến đi đâu, chả thấy gì.
Hắn nói... Trong chăn mới biết chăn có rận, làm trong ngành công an giao thông mới biết nó khổ như thế nào, cứ nhìn thấy cái của vợ đêm trước thì ngày sau phải nhìn thấy mặt sếp. Cho nên nhiều khi đi họp phải nhìn mặt sếp lại thấy cái L… của vợ.
Hè đỏ lửa tiếp theo
Cả trại Quảng Ninh nhốn nháo khi nghe tin bên Hải Phòng bắt đầu phá rào đánh sang. Bấy giờ đang giữa trưa ngày hè tháng tám. Bên ngoài nắng như đổ lửa. Bên trong thì nóng như cái hầm.
Mình đương ở trần, ngồi chơi cờ trên tầng ba với mấy anh em. Nghe tiếng báo động, ai cũng hốt hoảng. Ngoài sân, Hải Phòng đang nã pháo 105 li tới tấp, những quả đạn gang bay vù vù, chúng rơi xuống nền xi măng xì khói, toé lửa. Có cả những trái đạn bắn quá mạnh, vượt hàng rào ra ngoài phố.
Cái hàng rào bằng tôn 3 li ngăn cách hai phân trại đang bị bên Hải Phòng đập phá rầm rầm. Tiếng hò hét của mấy ngàn con người vang trời, vang đất. Ai cũng gươm giáo sáng loáng, khí thế tiến công hừng hực.
Phong Bá Địa cởi trần, tay kiếm tay lá chắn đi đi lại lại hò hét... giết... giết… Đám đàn em thì hì hục quai búa phá hàng rào.
Phải công nhận những thứ đồ làm ở tư bản tốt hơn ở nước mình. Cái hàng rào trông mỏng manh là vậy mà mấy chục người lực lưỡng phá mãi không xong. Tiếng búa đập vào tôn, vào cọc sắt kêu chan chát chói tai. Hàng rào vẫn đứng sừng sững, họ chỉ có thể phá một lỗ chứ không thể làm đổ được hàng rào.
Bên phân trại Quảng Ninh mọi người chạy ngược, chạy xuôi như kiến vỡ tổ. Lý Mạnh đầu trần chân đất, tay kiếm lăm lăm vừa đi vừa hô lệnh tổng động viên. Theo lệnh thì ai cũng phải có vũ khí, ai cũng phải tham gia đánh giặc. Hắn tuyên bố: Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh. Ai có gươm dùng gươm. ai có giáo dùng giáo. Ai không có gươm giáo thì dùng gạch, đá.
Những người già yếu, bệnh tật, con nít được đưa về tuyến sau. Đó là khu sau cùng của nhà trại.
Những chiến sĩ dũng cảm như Hoà Teo, Bình Vẩu, Tú Mão, Công Ma Đói, Hùng Chột, ai cũng lăm lăm tay kiếm, tay giáo dẫn đầu toán quân của mình tiến lên phía trước. Án ngữ các cửa ra vào.
Không khí chiến tranh đã đến, mùi máu đã đến. Có người mới nghe thấy tiếng phá rào đã vãi cả đái, kéo kín màn gió nhà mình chắp tay khấn trời khấn phật, cứ vái như tế sao.
Nhưng cũng có những người rất dũng cảm. Họ sẵn sàng hiến dâng căn nhà nhỏ bé của họ cho cuộc kháng chiến. Họ phá ra để lấy những khung sắt làm gậy tầm vông, những thanh sắt mỏng hơn làm kiếm.
Một ông già người Quảng Bình vừa dùng kìm tháo giường nhà mình vừa khóc. Ông nói: Ngày chiến tranh đánh Mỹ ông đã rỡ nhà làm cầu cho xe bộ đội chở đạn vượt qua hố bom, nay ông lại phải rỡ nhà làm vũ khí.
Mình và mấy anh em đi cùng thuyền cũng được trang bị vũ khí. Mỗi người một thanh kiếm, làm bằng những thanh sắt mới tháo ra từ giường của mình. Anh Hà đang dùng cái khăn mặt quấn vào thanh sắt làm cái cán cầm cho khỏi đau tay. Hôm trước mấy anh em cứ hì hục mài mài giũa giũa, kể cũng sắc ra phết.
Mình cầm thanh kiếm của anh ngắm nghía. Chà chà... Đâm như thế nào nhỉ, sao đâm cho có hiệu quả chứ, ngày trước trong trường phổ thông không ai dậy môn đánh kiếm, đánh giáo.
Có lúc cứ tưởng tượng quân địch chạy thẳng vào mình, hai hay ba thằng gì đó. Tay lăm lăm kiếm Nhật, một thằng chạy trước gặp mình, hắn vung kiếm định chém ngang cổ.
Bấy giờ mình sẽ bắt chước Checmen, một anh hùng trong phim Liên Xô. Nhảy sang một bên, hơi cúi xuống, xoay người thọc một nhát thẳng vào bụng bên trái hắn,... Chết cha mày chưa... Không biết tao là anh hùng à. Rồi mình sẽ được thưởng huân huy chương, cái huân chương nào cũng đỏ ối trước ngực. Rồi được lên chức đầu gấu... Khối em mê... con gái cứ chạy theo mỏi cẳng... Rồi mình sẽ chọn em nào đẹp nhất... hi...hi…
Nghĩ đến đấy tự nhiên thấy mỉm cười, thì ra chiến tranh cũng mang lại khối lợi lộc cho kẻ chiến thắng. Trong chiến tranh càng giết được nhiều người càng nhiều huân chương. Gia đình, anh em càng vinh dự.
Không biết ở Việt Nam ngày trước, mỗi huân chương được đổi bằng bao nhiêu mạng người? Còn ở đây Lý Mạnh đã nói: ai giết được một người, hoặc làm bị thương một người thì được thưởng một bao thuốc lá.
Mà biết làm sao tránh được cảnh giết nhau, đã lâm trận mình không giết nó, thì nó giết mình. Cũng như ngày xưa, ta không giết giặc thì giặc giết ta.
Bên ngoài hàng rào, Hải Phòng đã phá được một lỗ, họ đang làm cho nó to hơn. Đạn 105 li vẫn câu sang tới tấp để yểm trợ cho phá rào.
Quảng Ninh phản pháo ít hơn, theo lệnh cấp trên, họ phải để dành đạn.
Hơn một tiếng đồng hồ, cuối cùng Hải Phòng đã phá một lỗ to tướng. Phong bá Địa dẫn đầu đoàn quân tiến vào sân Quảng Ninh, vừa mới vào được mấy bước bị bên Quảng Ninh bắn đạn tới tấp như mưa rào. Phong Bá Địa tay kiếm, tay lá chắn vẫn lừ lừ tiến tới.
Phải nói hắn rất dũng cảm, y như anh hùng Lê Mã Lương trong trận Khe Sanh năm 72 đánh Mỹ. Hắn không hề sợ chết, tả đột hữu xông nhanh như cướp.
Ban đầu Lý Mạnh định giáp lá cà, đánh áp đảo. Nhưng thấy quân Hải Phòng mạnh quá nên thay đổi chiến lược.
Quân chính quy được rút hết về án ngữ tại ba cửa chính, dùng chiến thuật đánh du kích, bảo toàn lực lượng.
Ba anh em Lý Mạnh án ngữ cửa chính, Bình Vẩu lãnh đạo một đội quân án ngữ cửa thông xuống bếp. Hoà Teo cầm một đội quân chặn cửa hậu. Hùng Chột lãnh một đạo quân tiếp ứng cho cả ba phía, bên nào cần tiếp viện sẽ có Hùng Chột.
Ngoài sân, quân Hải Phòng đã tràn đầy như kiến. Họ dàn hàng ngang, ai cũng hừng hực khí thế, gươm giáo tua tủa.
Rồi từng hồi đạn gang, đá bắn vào hai bên thành cửa, va vào tôn nhà kêu chan chát. Một vài người đã bị thương, đang được đưa về tuyến sau cho các bà, các cô băng vết thương.
Long Tấn Quỷ người Cửa Ông bị dính một viên vào đầu, máu chẩy dòng dòng. Vợ hắn xé áo băng vết thương cho hắn, đầu hắn trắng xoá, máu vẫn chẩy... mặc... hắn lại cầm giáo tiến lên đầu hàng quân.
Khoảng 3 giờ chiều Hải Phòng ngừng bắn pháo. Họ bắt đầu tổ chức các cuộc tấn công giáp lá cà. Đợt đầu khoảng hơn năm trăm người ào ạt tiến thẳng vào cửa chính.
Ba anh em Lý Mạnh phản công quyết liệt, đạn pháo huy động tối đa, Pháo bắn như mưa. Quân Hải Phòng người thì bị vào đầu ngục ngay tại cửa, người thì bị vào chân, tay. Máu chẩy be bét, tiếng la hét ôi ối.
Gần một tiếng, hai bên cứ xông lên lại lùi, xông lên lại lùi. Cuối cùng Hải Phòng phải tạm nghỉ. Quân đội được đứng dọc bờ rào tránh nắng, tránh đạn bắn tỉa từ phía Quảng Ninh.
Trong trại Quảng Ninh mọi người thu dọn chiến trường, chuẩn bị cho trận tấn công mới.
Lúc này cảnh sát Hồng Kông đã bao vây kín bốn xung quanh trại. Họ đã đến từ buổi sáng, khi họ thấy Hải Phòng chuẩn bị phá rào. Nhưng họ không vào trại, không can thiệp. Bây giờ mục đích của họ là không cho thuyền dân chạy trốn ra ngoài phố. Họ cứ để mặc cho dân Việt giết dân Việt.
Trên trời tiếng máy bay trực thăng bay phành phạch, không biết ở đâu ra mà nhiều thế, bốn năm cái, có cả máy bay quân đội, chúng cứ vòng đi vòng lại, mấy cái máy bay của dân sự thì bay sát nóc nhà chụp ảnh, quay phim.
5 giờ chiều bất ngờ Hải Phòng lại tấn công, lần này chúng tập trung hết lực lượng, ào ạt tiến vào cả ba cửa. Tại cửa chính Lý Mạnh đánh rất anh dũng, quân Hải Phòng không làm sao tiến vào được. Tại cửa giữa, Hải Phòng đánh bật Bình Vẩu lui về phía sau. Ở đây tận chiến rất gay go, Hùng Chột tiếp viện hơn một trăm quân giành giật từng thước đất, từng góc nhà. Các bà mẹ viện trợ kịp thời những chai dầu bọc vải đốt khói mù mịt ném ra cửa. Hải Phòng không biết đâu là ta, đâu là địch.
Cuối cùng Bình Vẩu và Hùng Chột đã lấy lại được cổng giữa, Hải Phòng bị đánh rát quá phải rút quân.
Trong khói lửa mù mịt, Lý Mạnh phong cho Bình Vẩu cái tên mới. Đó là đại tướng Ngô Quang Trưởng... Tướng Ngô Vẩu. Mấy người ba tầu quận Năm nói ngọng cứ gọi Ngô Cẩu... Ngô Cẩu (CẨU... tiếng Tàu là chó). Thế mới chết chứ, may mà tướng Ngô Quang Trưởng Bình Vẩu không biết tiếng Tầu, mới nị cả đời hắn đi tù suốt, làm gì có đến trường.
Trời sẩm sẩm tối thì Hải Phòng rút quân về trại mình, để lại bên sân trại Quảng Ninh gạch đá ngổn ngang, máu me be bét khắp sân. Trong trại giường chõng gẫy nát, khói bụi mù mịt, người khóc, người cười ầm ĩ.
Quảng ninh do sử dụng chiến thuật đánh du kích nên bị thiệt hại ít hơn Hải Phòng. Họ chủ yếu lợi dụng những góc nhà, cánh cửa, góc giường đánh bật Hải Phòng.
Khoảng hơn chục người bị thương đang rên rỉ, chỉ có hai người bị giáo đâm xuyên qua bụng, một người ngất xỉu, người kia lấy bát úp vào vết thương để ruột không lòi ra ngoài.
Mấy bà già đang băng lại vết thương cho mấy người bị nhẹ hơn. Ai cũng cầu mong cảnh sát Hồng Kông vào nhanh để đưa những người này đi viện.
Bên ngoài cảnh sát Hồng Kông bắt đầu vào đầy sân, có người chửi... Mẹ bọn chó... nó để người ta đánh nhau chết nó mới vào can thiệp.
Cảnh sát dùng loa gọi hết mọi người ra sân ngồi thành hàng, ai đi ra cũng phải đưa hai tay lên đầu, đàn bà, trẻ nhỏ ngồi sang một bên. Đàn ông, không phân biệt già trẻ, tất cả ngồi sang một bên. Ai đi ra mà lớ ngớ là ăn dùi cui ngay.
Sau khi tất cả đã ra ngoài sân, chỉ còn lại những người bị thương không đi được. Những chiến sĩ dũng cảm cũng ở lại trong nhà trại.
Cảnh sát họ vào khiêng đi hơn chục người bị thương, có cả những người sắp chết vì bị thương nặng.
Bên ngoài họ kiểm tra hễ ai có vết máu trên người là họ bắt đi, kết quả bên Quảng Ninh hơn năm mươi người bị bắt. Họ được chuyển sang trại khác, một số ít thì bị bắt vào tù. Thực ra là họ được chuyển từ trại tù này sang trại tù khác.
Mình và đám anh em đi cùng tầu may mắn không ai bị chuyển trại. Cánh cửa thông thương hai trại vẫn bị khoá chặt, ngay đêm đó, họ cho người vào hàn lại lỗ thủng hàng rào.
Ngoài trời đêm đã xuống. Mặt trời đã tắt từ lâu. Một mình mình lang thang bên cạnh cái lỗ rào vừa được hàn lại kín mít.
Không biết cái lỗ hàn này thọ được bao lâu, vì bên kia, bên sân Hải Phòng, Phong Bá Địa vẫn không bị chuyển trại. Hắn đang đi gần hàng rào, miệng chửi bới om sòm.
Những hàng rào thép gai cao vượt cả chục mét che hết ánh sáng. Trời phố Hồng Kông nhiều đèn sáng thế mà trong trại vẫn tối đen như mực.
Thế là mình đã ở trong trại một năm rồi, nhanh thật. Giờ này năm ngoái (1989) đến Hồng Kông còn như gà công nghiệp. Hết nhìn nhà cao tầng mỏi cổ, lại mắt chữ A mồm chữ O nhìn xe chạy trên phố ngược xuôi.
Sáng nay mình dậy sớm hơn thường lệ, có thể do tối qua mình ngủ sớm. Dạo này trong trại khá yên tĩnh, mặc dầu nạn đầu gấu, nạn trộm cắp vẫn còn nhiều, nhưng đánh nhau do phân chia vùng miền thì hình như không còn. Vì qua hai trận đánh nhau kể từ khi nhập trại đã có một số anh hùng được chuyển đi nơi khác, vài người chết.
Và cũng có thể sau khi phân chia ngôi thứ, các đồng chí lãnh đạo đã toại nguyện với chức vụ, đang còn say sưa chiến thắng, họ chưa có lý do để đánh nhau tiếp.
Ngoài trời đèn vẫn còn sáng, mặt trời chưa lên mà trời đã thấy oi oi. Mình vắt cái khăn mặt lên vai, cầm cái bàn chải đánh răng, sách cái xô nhựa màu vàng trại mới phát đi ra nhà tắm.
Tưởng mình đã dậy sớm, đến nhà tắm mới biết mình chưa nhầm. Trong nhà tắm đã đầy người. Ôi dào! cả trăm người trần như nhộng, đủ các loại kích cỡ.
Góc đằng kia mấy bác già đang trêu chọc nhau cười như chợ vỡ, có cả bác Tuyên đại tá. Ông già Tuyên cười cười nói ngày xưa trong trại tù Nam Hà bắc Việt Nam đi tắm không dám để trần truồng như vầy, nếu ai để cán bộ nhìn thấy chim là ăn đòn ngay, vì phạm tội coi cán bộ chẳng là cái con c… gì.
Đứng bên cạnh bác Tuyên là một ông đầu hói còn mỗi một ít tóc sau gáy, ấy là ông Thắng Hà Nội, bây giờ mọi người gọi kèm cái tên địa phương để dễ phân biệt với những người trùng tên.
Ông Thắng to béo, bụng chẩy một rổ mỡ, hai má phinh phính như má cụ nghị, con chim thì chẳng thấy đâu, bé tí như quả ớt thóc. Người ta nói ông Trời công bằng lắm, được cái này thì mất cái kia. Ông Thắng ngày trước làm quan to trong phòng đối ngoại ở Hà Nội, đi công cán nước ngoài nước trong liên tục. Ăn hút đủ thứ sung sướng lắm, nhưng mà càng ăn hút ông lại càng béo, con chim ông lại càng teo đi mới lạ chứ. Ông nói nhiều khi đi cùng phái đoàn đối ngoại ra nước ngoài, sau giờ họp, mấy ông rủ nhau đi chơi gái tây. Ông thèm lắm, muốn chơi mà chẳng có đồ chơi, chim ông bị cái bụng mỡ nó che kín, thụt lại như con giun.
Góc bên trái thì mấy thằng chân mèo đang tắm, bây giờ còn chưa thèm đi ngủ, chúng thức cả đêm rình mò trộm cắp. Có những đêm chán trộm cắp thì chúng lại đi rình xem những đôi vợ chồng mới cưới, những đôi hay hú hí hủ hỉ tình củm, chúng xem phim con heo miễn phí. Có những đôi vợ chồng đang lên cơn sung sướng thì chúng vạch màn té nước cứt vào giường, thối rinh cả khu. Đôi vợ chồng kia vừa xấu hổ vừa tức mà không dám chửi, bởi có ai ho he làm chúng ngứa mắt là khổ nữa.
Bọn chân mèo rỗi rãi lại đi cua gái, cái cảnh tán gái của chúng thì chỉ có ở trong trại cấm. Thường thì con gái độc thân được xếp lên giường tầng ba, trên tầng ba thì họ không mắc màn gió, mắc màn gió chỉ dành cho những giường tầng dưới cho những đôi vợ chồng. Đám đàn bà con gái độc thân cứ chơi chán thì lăn ngay ra giường ngủ, chẳng cần gì che đậy, bởi ai cũng như ai, chẳng ai xấu hổ.
Mấy thằng chân mèo, mấy anh đầu gấu thích gái cứ nhẩy lên, mặc mỗi cái quần cộc, mình mẩy xanh lè trạm trổ rồng phượng, cười cười nhăn nhở, hôm trước hôm sau là xuống tầng dưới kéo màn gió kín hành sự.
Mà cũng lạ, đa số các bà các cô lại thích cặp với bọn vô loài ấy. Tuần trước cái Hiền đi cùng thuyền mình lý sự, cặp với đầu gấu mới có miếng ăn ngon, mới được mọi người tôn trọng, ra đường ai cũng chào bà này, bà nọ. Cặp với mấy thằng nhà báo, nhà giáo, mấy thằng trí thức có ngày đang sướng bị hất cứt, bị cắt chim mất giống mà không dám kêu. Nhục lắm.
Nhưng thi thoảng cũng có em dám chống cự lại bọn đầu gấu. Lập tức em đó bị té cứt vào giường, hoặc bị đánh bầm dập, đến mức không chịu nổi phải chuyển trại. Sang đến trại khác là viết thư, viết báo chửi bới om sòm, cũng chẳng làm được gì.
Trong trại bọn chân mèo, bọn đầu gấu vẫn thả sức tung hoành. Có hôm mình nghe thấy Lý Mạnh chửi mẹ mấy con L.. thối, trong trại thì im thin thít, hèn nhát. Ra đến hải ngoại thì đua nhau tung cái mõm chó lên chửi, có giỏi thì quay lại trại đây chửi tao nghe… tao đập cho gẫy hết răng ăn cứt.
Mình không tắm chung với nhóm nào hết, phải tắm nhanh để về còn kịp thu dọn đồ chuyển trại. Lý do chuyển trại thì ai cũng đoán già đoán non. Người thì cho rằng họ muốn cho thuyền dân chỗ ở tốt hơn, vì dù sao trại Samsuipo cũng chỉ là cái nhà xưởng cũ. Người thì cho rằng họ muốn tháo cái răng sâu quẳng đi, ai đời giữa thành phố nguy nga tráng lệ lại tồn tại một cái ung nhọt, thi thoảng lại bốc mùi thối inh.
Lệnh chuyển trại đã được thông báo cả tuần nay rồi, không biết là chuyển đi đâu. Mấy hôm trước mình hỏi bọn cảnh sát coi trại họ nói là chuyển tới trại mới xây, tốt hơn ở đây. Chả biết là thật hay dối nhưng chuyển thì chuyển, sợ đếch gì. Mình còn chuyển từ Việt Nam sang đây, bỏ cả cửa, cả nhà được chứ bây giờ quanh quanh Hồng Kông này đáng là gì.
Nước buổi sáng mát lạnh, tỉnh hẳn ngủ. Nước ở đây cũng khác với nước ở quê mình, có nghĩa là vừa tắm vừa uống no, không đau bụng. Mấy hôm đầu mới nhập trại, thấy mấy bà tây bên chăm sóc bà mẹ trẻ em lấy nước vòi công cộng pha sữa bột cho trẻ mới sinh uống, mình ngạc nhiên tròn mắt. Hỏi ra mới biết nước ở đây được làm sạch đến độ uống vô tư. Từ hôm đó nghĩ bụng, tây nó uống được, mình cũng uống được. Thế là uống, hôm đầu thấy sợ sợ, chờ mãi không thấy đau bụng, từ hôm sau sướng, cứ thế uống nước lã.
Tắm xong thì trời cũng đã sáng hẳn. Về đến giường thấy mấy anh em đi cùng thuyền cũng đã dậy, ai cũng mải mê gấp chăn màn, quần áo. Mới hôm qua cảnh sát chở vào trại mấy xe quần áo cũ, bọn mình gọi là quần áo (phố lồ). Bà con thoải mái chia nhau, người thì vớ được cái quần, người thì vớ được cái áo đầm, mặc vào thùng thình trông như khỉ mặc áo cưới.
Có người lục lọi còn vớ được cả mấy đồng tiền lẻ ai đó đem cho quần áo mà để quên, hoặc cố tình để quên. Cầm mấy đồng tiền hét toáng lên sung sướng. Mọi người trầm trồ khen may... may. Chưa dứt câu khen thì Hòa Teo sai đàn em Công Ma Đói đến tịch thu nhập công quỹ. Người kia định không đưa bị ăn luôn một vả tí gẫy răng. Chờ cho chúng đi khuất mới dám lẩm bẩm...
Của ta nó bảo của công...
Kiếp sống nhà nông vừa trồng vừa biếu
Tiên sư một bọn bất hiếu
Bắt người ta cúng điếu hàng ngày
Mai sau bà lấy thằng tây
Nó dương b.. ngựa đập mày chết tươi.
Anh Hà đã nhét tất cả mấy cái quần áo trại phát vào một cái vỏ hộp cam, cả bàn chải đánh răng và đồ dùng cá nhân của hai anh em vẫn chưa đầy một hộp cam. Cái hộp cam mà đựng đầy cũng được ba chục quả cam, bây giờ ăn hết cam bà con giữ lại cái vỏ hộp làm thùng đựng tài sản cá nhân. Người giầu có cũng có hai ba hộp quần áo, người nghèo thì chẳng cần hộp hiếc gì, mỗi cái túi xách là xong. Mình với anh Hà thuộc loại không giầu cũng không nghèo, nên hai anh em chung nhau đựng đầy một hộp.
Cái tài sản quý nhất của anh Hà là cái máy nghe nhạc cá nhân, đứa em anh ở Canada mới gửi thì bị Tú Mão tịch thu mấy hôm trước. Mấy anh em tức lắm mà không sao được. Mình còn hậm hực chửi mấy câu, anh Hà thì không, anh hiền lắm, anh chỉ nói của đi thay người. Nó cướp của mình cũng không khác nào nó cướp của bố nó.
Các khu trưởng đã đi lấy đồ ăn sáng phát cho mọi người, sáng nay ăn cháo trắng với bánh mì. Mình chúa ghét ăn cháo, toàn nước. Anh Hà nói ăn cố đi hôm nay chuyển trại, không biết đi xa không, cứ phòng thân thì tốt hơn.
Nghe anh mình ăn hai lát bánh mì, vừa xong thì tiếng loa trại thông báo cho bà con lập danh sách từng nhóm, ai cùng quê, cùng tầu, hợp với nhau, thích nhau thì lập thành nhóm. Cảnh sát sẽ bố trí cho ở cùng buồng nơi trại mới.
Cũng hay, thế là mấy anh em cùng tầu và mấy người nữa mới quen làm thành một nhóm. Từng nhóm đưa danh sách cho cảnh sát.
Chừng 9 giờ sáng thì từng chiếc xe thùng bịt kín lùi đít vào trong sân trại. Mọi người í ới gọi nhau như cái tổ ong bị vỡ, người chạy ngược, người chạy xuôi, người dắt con, người bê thùng cam. Tiếng hò tiếng hét, ầm ĩ.
Khổ nhất mấy ông bà cụ tay dắt cháu, tay mang quần áo, lật bật từng bước tường bước đi đến xe. Mấy người cùng nhóm phải khiêng cụ lên xe, cụ già yếu quá không bước lên xe được. Có người hỏi cụ ơi sao cụ không ở lại Việt Nam, già yếu đi làm gì. Cụ nói con cháu cụ chết hết trong chiến tranh, chết tai nạn giao thông rồi. Việt Nam chẳng còn ai. Đi ra nước ngoài may ra còn có đất chôn, nhà của cụ đã bị giải tỏa, đất bị cướp hết, chết cũng không có đất mà chôn.
Mặt trời gần đứng bóng thì đoàn xe tù hàng trăm cái cũng đã xếp xong người. Cảnh sát đi xe máy hai bên dẹp đường, còi hú inh ỏi. Đoàn xe từ từ chuyển bánh. Dân Hồng Kông đứng dạt sang hai bên đường, ai cũng nhìn theo đoàn xe tù mấy trăm cái rồng rắn dài hàng cây số đi qua phố. Mình ngồi sau xe nên có dịp chiêm ngưỡng thành phố, cái thành phố mình chỉ được thấy trên báo, trên tạp chí cảnh sát mang vào trại. Hôm nay ban ngày giữa trưa thoải mái nhìn. Hai bên đường nhà cao ngút trời, mình phải nghiêng nghiêng cái đầu sát vào thành xe mà vẫn không nhìn hết tầng cao nhất của những tòa nhà chọc trời.
Đoàn xe chậm chạp rời trung tâm thành phố hướng về phía ngoại ô, càng đi xa những tòa nhà cao tầng càng nhỏ lại. Ra ngoại ô đoàn xe chạy nhanh hơn...
Tạm biệt thành phố nhé, không biết khi nào ta gặp lại mi, nơi ấy đã in trong ta hai mùa khói lửa, hai trận nội chiến người Việt giết người Việt. Nơi ấy đã nhuộm trong ký ức mình bao máu vô tội.
Rồi mình ngồi hình dung cái trại mới, không biết nó như thế nào nhỉ, liệu nó có to hơn trại cũ Samsuipo hay bé hơn. Giá mà nó có từng nhà riêng cho gia đình nhỉ. Được như thế thì mấy anh em ở chung một nhà, đêm khóa chặt cửa bọn chân mèo chỉ có ăn c..., bọn đầu gấu lãnh đạo cũng chết đói luôn, chẳng khác nào cá tách khỏi nước. Cán bộ mà không có dân thì thành cán cuốc cán xẻng... hi...hi... nghĩ thế là thấy sướng.
Khoảng hai giờ chiều thì đoàn xe đến một khu rừng dây thép gai, ngồi trên xe nhìn hết tầm mắt không hết rừng thép gai. Trong khu rừng được chia thành nhiều trại, trong mỗi trại lại có khoảng năm hoặc sáu chục dãy nhà tôn, mái tôn, tường tôn.
Tự nhiên mình nhớ đến bộ phim gì trong chiến tranh Xô - Đức. Bọn Phát xít bắt giam người Do Thái trong những trại tập trung giống y như ở đây.
Đoàn xe chạy dọc bờ biển, men theo hàng dào thép gai. Gió từ biển thổi vào mát rượi. Mình hít một hơi thật sâu cái không khí trong lành Trời cho. Mùi biển hơi tanh tanh, cái tanh mùi cá dễ chịu hơn nhiều cái mùi dầu mỡ bị các loại ống xả của xe hơi trong thành phố xả ra.
Xa tít tắp đằng kia có lẽ là đất Trung Quốc, vì xem trên báo thì mảnh đất này rất sát biên giới.
Đoàn xe từ từ từng cái tiến vào cái cổng sắt to như cổng sân vận động. Ngay trước cổng là hàng chữ Whitehead Detention Center. (Trung tâm giam giữ Whitehead)
Họ cho những xe chở dân Hải Phòng vào một trại, những xe chở dân Quảng Ninh vào một trại. Xe mình vào trại Quảng Ninh. Trong trại đã có người ở, đám người này cũng mới đến đây trước mình có hai ba ngày, nhưng họ đã ổn định chỗ ăn chỗ ở. Giờ họ đang bám hàng rào gọi í ới...
Ở đâu vào đấy... đảo bò hay xẹc koong...
Không phải... Samsuipo đây.
Có ai người Hòn Gai không...
Có ai người Huế không...
Sài Gòn đây... Sài Gòn đây... có ai Sài Gòn không.
Tiếng gọi nhau í ới, có một vài người nhận ra anh em, nhận ra đồng hương mừng muốn chết. Cánh cửa xe vừa mở là chạy đến ôm chầm lấy nhau... khóc khóc mếu mếu…
Không khí ồn ào hẳn lên, mọi người hình như quên cả mệt, quên cả đói. Vì từ sáng có ai ăn gì đâu, một bát cháo trắng toàn nước, hai lát bánh mì bây giờ bay đi đâu.
Cuối cùng thì mình cũng bước xuống xe, lại... sân si măng, lại bốn bên hàng rào thép gai. Đã một năm trời thèm được cầm cục đất, cành cây mà không có. Trong trung tâm giam giữ chỉ có xi măng và sắt thép. Mình được vào trại 4, bên cạnh là trại 3, trại này cũng đã có người ở, họ cũng đang bám bờ rào í ới gọi, tìm người quen.
Đối diện trại 4 qua một con đường chia đôi trung tâm là trại 7 trại 8. Toàn bộ Trung tâm có 9 trại giam giữ và một trại dành cho học sinh. Bên phải Trung tâm là biển, bên trái là núi Whitehead. Đỉnh núi này quanh năm mây phủ trắng, nên người dân ở đây gọi là núi đầu bạc, tiếng Anh là Whitehead.
Trời đã về chiều, mặt trời đã khuất đỉnh núi đầu bạc, trên lưng chừng núi những vành mây trắng bao quanh núi trông như người đội khăn tang đang đứng khóc. Thuyền dân lục tục kéo nhau vào trại như gà vào chuồng. Già trẻ gái trai cứ trăm người một buồng. Mấy anh em mình vào buồng 6A, tầng trên là buồng 6C, bên cạnh là buồng 5A, 7A.
Chà... trại mới xây, cái gì cũng mới, ở cuối buồng lại có cả nhà tắm, nhà vệ sinh, có vòi nước trong buồng. Thích hơn nữa là hai dãy quạt máy mới tinh.
Trời đã về chiều nhưng vẫn nóng, mọi người thi nhau xả nước. Cánh cửa sắt lại có khóa cài phía trong... hi...hi... thế này thì bọn chân mèo ăn cám rồi. Thế này thì không còn sợ đánh nhau nữa, ai đánh ai đây mặc... khóa chặt cửa là Hảo… hảo… ( ok...ok…)
Ai cũng mừng, ai cũng vui, mệt và đói không làm mất niềm vui nhà mới. Cảm giác an toàn, cảm giác vệ sinh sạch sẽ làm mọi người quên đói mệt. Ai nấy đều sắp đặt những phần tài sản ít ỏi của mình lên giường. Người thì bật thử cái quạt máy, người thì sờ sờ bức tường tôn màu trắng rồi vừa cười vừa khóc nói Hồng Kông nó làm nhà chắc chắn thế này không biết nó giam mình ở đây bao lâu…
Phải mất hơn 3 tiếng mọi người mới tạm ổn định chỗ ở. Trời đã tối hẳn từ lúc nào. Ăn bữa cơm chiều muộn mằn nhưng mà ngon, ăn xong mình đi lang thang xung quanh trại. Ngang đỉnh núi đầu bạc, trăng tròn như cái đĩa đang treo lơ lửng. Ánh trăng đẹp thế mà bị những bóng đèn cao áp quanh trại làm lu mờ. Đèn trại sáng trưng một vùng. Bóng hàng rào thép gai đổ xuống tận mép nước bờ biển. Trời đêm gió biển thổi vào càng ***g lộng, cái thèm muốn tự do lại trỗi dậy, mình lại hít đầy một hơi gió biển.
Biển ơi biển, biển đến từ đâu
Gió ơi gió, gió bay đi đâu
Ta ngồi đây đã lâu
Ước chi mình biến thành mảnh giấy
Trắng nhẹ vô tư bay khắp đó đây
Ta chẳng dám ước mình là gió
Ta không mong mình là mây
Chỉ ước ở nơi này
Có tự do.
Mình đi một vòng quanh trại cũng mất hơn tiếng đồng hồ, ấy là mình tản bộ chứ đi nhanh thì chỉ hai chục phút là hết chu vi một trại. Bên ngoài hàng rào cứ 5 phút lại có một xe cảnh sát đi tuần, đèn pha quét sáng loáng.
Khoảng 11 giờ đêm thì thấy mệt, muốn ngủ. Mình đặt lưng xuống cái giường mới tinh, còn thơm mùi gỗ ván. Ngày mai mình sẽ đi khắp các buồng xem mọi người ăn ở ra sao, ban nãy đi quanh trại mình nhận ra thằng bạn học cùng lớp hồi ở trường cấp ba. Nó ở buồng 9A, thằng Nghĩa Vân. Kiểu gì sáng mai cũng đến thăm nó, không biết nó đi với ai, không biết cu cậu phơi mặt trên biển lâu không mà ban chiều trông nó đen nhẻm, da cháy đen như than.
Vừa mới chợp mắt thì có tiếng la hét như xé vải bên buồng 5A. Ôi trời ơi chúng giết chết chồng tôi rồi... Ôi... ôi… giời.
Mình nhỏm dậy chạy ngay ra sân, ngay trước cửa buồng hai cái xác người không hồn nằm nhũn như sợi bún, máu me chẩy thành vũng. Một người bị đâm nát bụng, người kia bị chém gần đứt cổ. Chẳng hiểu đầu đuôi ra sao. Lập tức buồng 6A được đóng kín cửa, cài then bên trong, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Mọi người trong buồng í ới bàn tán rằng có bọn hơn chục thằng bịt mặt vào cướp buồng 5A. Hầu hết đàn ông trong buồng đều bị đâm, bị chém, hai người chết ngay, còn mấy người bị thương thì đi cấp cứu rồi.
Bên ngoài sân các buồng đều đóng cửa, chỉ có buồng 5A là cảnh sát đang vào khám hiện trường và đưa người chết đi. Tiếng kêu khóc càng thảm thiết, tiếng la hét xé toạc cả màn đêm.
Thế là hết ngủ, chẳng ai có bụng dạ nào đi ngủ, vừa mới chân ướt chân ráo chuyển đến đã hi sinh mấy mạng người. Ngoài kia tiếng cảnh sát đập cửa ầm ầm, gọi mọi người ra sân xếp hàng cho họ tìm kiếm kẻ giết người.
Quá mệt mỏi với việc chuyển trại, bây giờ lại phải ra sân xếp hàng đếm người, lục túi, khám vũ khí. Ai cũng uể oải.
Đêm khuya gió lạnh, một cơn gió khác từ biển bất ngờ tràn vào làm ai cũng rùng mình.
TRƯỜNG TCI
Tối hôm qua nó thức khuya chấm điểm thi cho học sinh, sáng bảnh mắt rồi mà nó vẫn say sưa kéo gỗ. Đến khi anh Hiền người trong tổ chia cơm ở trong buồng đập thành giường đánh thức. Keng... keng... keng… Dậy dậy lấy đồ ăn, bộ hôm nay tính không đi làm hả?
Nó giật mình, liếc nhìn đồng hồ. Ui đã 6h30 sáng. Nó chồm dậy, ngoài sân học sinh khối sáng đang lục tục kéo nhau ra cổng trại xếp hàng.
Trời mùa hè, đêm ngắn ngày dài. Vừa chợp mắt đã thấy sáng, ánh sáng chan hòa rực rỡ, từng tia nắng sớm soi qua cửa sổ vào tận giường nó đang nằm, bực thật. Nhưng mệt thì mệt vẫn phải dậy đi làm chứ, léng phéng mấy bà tây giám đốc cho nghỉ việc luôn.
Nó ở trại cấm một mình, người nhà nước thứ ba không có, tiếp tế bên ngoài tự do cũng không, phải cẩn thận. Nghĩ vậy nó nhanh nhẹn vắt cái khăn mặt, với tay lấy cái bàn chải đánh răng rồi tụt xuống dưới, cái giường sắt ba tầng kêu két két, hai gia đình ở bên dưới nó thì vẫn kéo kín màn gió ngủ im, chắc đêm qua họ xem phim chưởng Hồng Kông. Dạo này trên kênh TV chiếu nhiều phim chưởng dài tập lắm, nhưng nó đâu có thời gian mà xem, vì phim chưởng thường chiếu vào khuya, mãi đến gần sáng mới kết thúc.
Không khẩn trương đi làm, mất việc là khốn. Công việc trong trại tị nạn đâu có nhiều, xin được cái suất gõ đầu trẻ con như nó cũng là cái phúc trời cho, chứ người nhiều việc ít, kiếm việc đâu có dễ.
Những việc nhẹ nhàng trong trại thì con em bọn đầu gấu nó chiếm hết, chả bao giờ đến lượt nó. Mà ai không phải là con em lãnh đạo trại thì cũng phải cúng biếu cái gì đó thì mới may ra có cái suất đi rửa nhà vệ sinh, hay đi quét rác quanh trại.
Hồi năm ngoái nó nộp đơn xin phỏng vấn làm giáo viên tiếng Anh. Cả trại mấy ngìn người họ chỉ cần một giáo viên tiếng Anh, may sao qua phỏng vấn nó lại được nhận. Tuy lương giáo viên trong trại chỉ bằng 1/10 ngoài tự do, nghĩa là mỗi tháng nó được $180 HK. Trong trại cầm số tiền đó cũng là ước mơ của nhiều người, nó sẽ giải quyết khối thứ.
Nó đi xuống đến cuối buồng, chà...đông người quá, đúng là giờ cao điểm, vì buồng hơn trăm con người chỉ có hai cái vòi. Nước chẩy dò dò như nước đái bò. Hồi mới vào trại thì cũng ok lắm, nghĩa là nước chẩy nhanh, mọi người rửa cũng nhanh. Nhưng bây giờ mới sau vài năm, bao nhiêu hệ thống nước người ta xây cho đều bị mọi người đập phá. Người ở đầu nguồn đập ống nước ra để cho nước chẩy nhanh hơn, cho nên nước ở cuối nguồn chỉ còn chẩy nhỏ giọt.
Mà không hiểu sao cái dân Việt mình ở đâu cũng giỏi phá, giỏi đánh giết nhau. Còn nhớ ngày ở Việt Nam, công ty mới nhận từ bên Liên Xô mấy cái máy Kamax mới toanh, vừa về đến công ty, chưa kịp đưa vào sử dụng thì đã bị vặt trụi hết, đến khi mang vào sử dụng thì mất đủ thứ, không thể vận hành được.
Ngày đó máy móc thiết bị nhập từ Liên xô có hàng chữ CCCP, chúng nó đọc thành Các Chú Cứ Phá… Ôi... cả nước phá, người công nhân chân đất thì ăn cắp cục sắt vụn. Cán bộ lớn thì ăn cắp dự án, ăn cắp kế hoạch.
Mãi rồi nó cũng làm xong cái thủ tục buổi sáng, không kịp ăn sáng, nó thay quần áo rồi cầm vội cái cặp giấy tờ, vừa đi vừa chạy ra cổng trại. Mọi người đã xếp hàng đầy đủ, mấy trăm học sinh của hai phân trại 3 và 4 đang đứng thành hàng cho cảnh sát đếm. Việc đếm người được thực hiện mỗi khi có người ra hay vào trại. Học sinh và giáo viên đều phải xếp hàng cho cảnh sát đếm và khám xét, nếu ai vi phạm nội quy sẽ không được ra hay vào.
Buổi sáng gió thổi từ biển mát rượi, hôm nay gió to, mấy cuộn dây kẽm gai bên trên hàng rào rung lên từng hồi. Phải nói không khí ở đây trong lành hơn cái ngày còn ở trại Samsuipo. Ngày ấy tuy ở giữa thành phố nhưng không khí thì ngột ngạt, xe cộ chạy rầm rầm ngày đêm. Ở đây xa thành phố, lại sát biển, yên tĩnh hơn.
Nó đến muộn nên đứng sau cùng, phía trước cảnh sát đang khám mấy người phiên dịch đưa người đi viện. Lại phải đợi khám, đợi đếm. Có những ngày đứng mỏi cả chân, ai đời xếp hàng từ 6h sáng mà đến 8h cảnh sát chưa đếm xong. Mất toi hai tiếng.
Họ khám những người phiên dịch lâu hơn, vì những người này có nhiệm vụ đưa bệnh nhân đi ra bệnh viện ngoài tự do, khi về thường có đồ giấu trong người. Trong mỗi phân trại đều có trạm y tế, nhưng những người bệnh nặng vẫn phải ra bệnh viện ngoài thành phố.
Những người phiên dịch sau khi đưa người bệnh nhân đến viện là tranh thủ đi chợ, họ là nguồn cung cấp quan trọng những mặt hàng trong trại không có, như thuốc lá thơm, bánh, kẹo, kim, chỉ, quần áo v...v... và trăm thứ khác nhau.
Bà con trong trại ai muốn mua gì, cứ gửi, tất nhiên là họ phải ăn lãi. Vì thế những người phiên dịch trong trại họ làm giầu. Tuy nhiên làm ăn thì cũng có những vận đen đỏ. Thi thoảng họ bị cảnh sát trại khám tịch thu hết hàng, thế là mất hết.
Mặt trời mùa hè đã lên khỏi đỉnh núi bạc đầu, ánh nắng xuyên qua hàng rào gay gắt. Mấy người đã xòe ô che, mấy đứa học sinh thì đặt quyển tập lên đầu. Vừa mới sáng mà đã oi oi, ai đó lẩm bẩm. Đột nhiên nó thấy anh Thủy đi về phía nó.
Anh Thủy tổng hiệu trưởng sáng nào cũng hỗ trợ cảnh sát đếm học sinh.
Anh dong dỏng cao, khuôn mặt hiền từ phúc hậu, mái đầu đã bạc trắng từ khi nào.
Hồi ở Việt Nam anh Thủy là giáo viên kỳ cựu trường cấp 3 thành phố Hòn Gai. Vợ anh cũng là giáo viên dậy giỏi. Hai anh chị cũng đến Hồng Kông cùng năm 1989 với nó. Mọi người trong trường ai cũng tôn trọng, một phần họ cảm phục tài năng, một phần họ yêu mến đức độ của hai anh chị.
Anh đến gần nó rồi nói vừa đủ nó nghe. Thành đâu?
Ừ nhỉ. Thành đâu nhỉ? bây giờ nó mới nhớ đến thằng bạn nó. Thằng Thành nó ở cùng trại nhưng khác buồng. Buồng 3A... nên nó vẫn thường gọi là Thành 3A.
Nó không biết trả lời ông tổng hiệu trưởng ra sao. Nó cứ tưởng mình là người đến muộn nhất, ai ngờ còn thiếu Thành. Tối qua nó với Thành cùng thức khuya làm tổng kết điểm cho học sinh. Những người ra vào trại thường xuyên như bọn nó đã được đăng ký với cảnh sát. Việc vắng mặt là phải báo trước cho người ta. Nếu không có lý do là tất cả mọi người phải đợi, phải tìm, vì cảnh sát luôn nghi ngờ thuyền dân chốn trại.
Mấy trăm giáo viên và học sinh khối sáng lại phải đứng đợi, mỏi chân, chói nắng. Mấy người phía trước đã tỏ ra bực mình, có người đang lằm bằm… Thức khuya cho lắm vào... bây giờ đi đâm hàng rào, người thì như con cào cào.
Vừa lúc ấy thì Thành xuất hiện, đúng là cào cào di động. Nó cao ngổng cao ngều như cây nêu ngày tết, vừa đi vừa ngáp ngủ. Trông nó thế mà một thời khét tiếng, đi đâu cũng có miếng. Từng đeo lon đại úy, chỉ huy trưởng một con tầu quân cảnh của đặc khu Quảng Ninh, oai ra phết.
Mọi người thấy nó thì thở phào. Ai cũng như trút được gánh nặng, nếu không có nó, mọi người cứ phải đứng hứng nắng không biết đến khi nào. Tiếng mở cổng bắt đầu lạch cạch. Cái dây xích chó to tổ bố va vào nhau kêu chói tai, cái cổng sắt nặng hàng tấn từ từ mở ra. Học sinh lần lượt đi ra theo hàng một. Đi dọc hàng rào kẽm gai, con đường duy nhất dẫn ra trại TCI, hai bên đường là các trại thuyền dân. Các giáo viên chủ nhiệm phải đi kèm theo lớp của mình.
Đoạn đường từ trại 4 nơi nó ở đến trường học chỉ khoảng 1 cây số. Nhưng ngày nào cũng phải mất 2 tiếng mới đi đến nơi. Nó khoái chí vừa đi vừa hát, gió vẫn thổi mạnh, mang theo mùi cá biển tanh tanh nồng nồng. Phải nói ra khỏi trại, đi ra ngoài một lát cũng thấy sướng. Cái không khí bên ngoài trại khác hẳn ở trong, mặc dù gió biển thổi vào cùng lúc, nhưng ở ngoài nó có cái cảm giác của tự do. Thực tế nó vẫn trong trung tâm giam giữ , vì trại tị nạn nơi nó ở và trường học TC1 đều nằm trong trung tâm giam giữ, bốn bên, khắp nơi chỗ nào cũng thấy kẽm gai.
Khối người mong được đi như nó mà không đi được, suốt ngày phải sống trong bốn bức tường rào, tương lai thì mù mịt. Dạo này báo chí đưa tin các nước không nhận tị nạn Việt Nam nữa. Liên Hiệp Quốc đang họp tìm cách đưa chúng nó về lại Việt Nam.
Nhưng nó kệ... Nó chẳng thiết nghĩ đến việc đó, nước nổi thì bèo nổi. Về thì về cả trăm cả ngàn chứ đâu mình nó. Nó vừa đi vừa hát...
Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay...
Non nước mây trời lòng ta mê say...
Giữa hàng ngàn người đang buồn chán về tương lai thì nó lại vui. Có người nói nó là thằng khùng, sống trong đống kẽm gai lùng bùng mà thần kinh vẫn chùng.
Không ai biết tại sao nó lại khùng, chỉ một mình nó biết. Nó vui vì...
Ở trường học có một người giờ này đang đợi nó... Bạn gái nó tên Loan. Loan là cô gái trẻ đẹp, tóc ngang vai, hai má lúc nào cũng ửng hồng. Em rất giỏi tiếng Anh, vui tính và hay hát. Hình như cuộc sống trong trại cấm lại là nơi thiên đàng của em. Còn ở Việt Nam thì buồn.
Nghe em kể thì em đến từ thành phố hoa phượng đỏ, nhưng em không đỏ tí nào. Em lớn lên không biết bố mình là ai. Sống với mẹ, hai mẹ con đầu tắt mặt tối tần tảo nuôi nhau, kiếm bữa cơm bữa cháo cũng không được. May mà có người bà con cho đi ké đến Hồng Kông.
Đến trại tị nạn em tự học thêm tiếng Anh, nhờ trí thông minh, lại có chút năng khiếu ngoại ngữ, em vượt qua được nhiều đối thủ để trở thành phiên dịch cho nhân viên Liên Hiệp Quốc.
Hoa đẹp thì lại lắm ong bướm, mấy anh chàng độc thân thấy em ở đâu là tạo dáng ở đấy, là múa mép dẻo như kẹo. Cả mấy anh có vợ có con rồi thấy em cũng thích, cười duyên híp hết cả mắt mũi. Xung quanh em lúc nào cũng ồn ào. Hết anh này gọi Loan ơi... anh kia Loan à...
Tội nghiệp cô bé cả tin lại hay thương người. Ai gọi cũng dạ, ai nhờ cũng vâng… chờ em chút, em có ngay. Rồi vừa đi vừa nhẩy chân sáo.
Buổi chiều học sinh đứng điểm danh đầy sân, em đi ngang qua như nàng tiên giáng thế. Cả trường mấy ngìn học sinh và giáo viên mỏi mắt nhìn theo.
Hồi nó mới được ra TCI làm, ngày đầu gặp em nó ngỡ là mơ. Ngày hôm ấy đi làm về bỏ quên cả cơm chiều không ăn. Tối hôm ấy nó viết ngay một câu thơ…
Người đâu mà đẹp kiêu sa
Mới gặp một phút làm ta mất hồn...
Thế là từ đó nó như bị nam châm hút. Ở trong trại thì thôi chứ đi làm là kiểu gì nó cũng tìm cách gặp được em một lần thì về ăn cơm mới ngon. Rồi hình như ông Trời cũng thương nó, nó được điều về làm văn phòng, thôi không gõ đầu trẻ con. Nó được làm trợ lý tổng hiệu trưởng. Nghe cái tên thì oách lắm, nhưng thực ra là giúp việc cho anh Thủy.
Về văn phòng ngồi làm việc với một đống giấy tờ, lại giáp mặt các sĩ quan, hơi rát mặt nhưng nó vẫn vui. Vui vì có lý do gặp Loan nhiều hơn. Văn phòng của em ngay bên cạnh. Rảnh một tý là nó sang bên phòng em ngồi chuyện, đủ các thứ chuyện trên giời dưới đất. Có những hôm các sếp đi họp, hai đứa ngồi nói chuyện từ sáng đến tối.
Rồi nó cũng chẳng biết tình cảm của nó và em bén rễ từ khi nào, chỉ biết xa em là nó nhớ, ăn nó cũng nhớ, ngủ nó cũng nhớ. Em thương nó từ khi nào nó cũng không biết.
Buổi trưa giờ ăn cơm, mọi người đều về trại. Nhưng nó và em ở lại trường. Hai đứa tự nấu đồ ăn, ríu rít như chim, nó nhận phần rửa bát, em nhận phần nấu cơm.
Em trổ hết tài ra nấu những món ngon nhất. Có hôm nó vừa làm xong bản tổng kết, em đến từ phía sau nhẹ như hơi thở, em bịt mắt nó, bàn tay em mềm mại, thoang thoảng mùi nước hoa, nó cứ để im. Rồi em nói: Đố biết hôm nay em nấu gì nào.
Nó thoáng nghĩ, hôm nay nhà trại cho ăn thịt bò, người già cũng như trẻ con, hai miếng thịt bò như hai quả mật. Hôm qua ăn cá, mỗi người một con cá thắt đuôi to bằng hai ngón tay. Hôm kia ăn cánh gà, mỗi người một cánh gà.
- Ăn thịt bò. Nó nói.
- Sai, cho nói lại.
Nó nói:
- Ăn cánh gà.
- Sai!... cho nói lại.
- Chịu thua, nó nói.
Em buông tay ra, ngồi sát vào, đầu ngả vào vai nó nói:
- Anh sao biết được, hôm nay em nấu... canh riêu cua.
Nó tưởng em nói đùa, trong trại lấy đâu ra cua mà nấu. Quả cà chua, cây rau thơm cũng phải nhờ người ta mua từ bên ngoài, mà dễ dầu gì mang lọt vào trại. Có khi bị cảnh sát thu hết. Mất tiền mà không được ăn.
Rồi em thúc nó:
- Xong chưa, anh xong việc chưa.
Mồm nói mà tay em đã kéo nó đi về phòng ăn.Trên bàn là hai bát tô canh riêu cua, thịt cua đỏ như màu gạch nổi xung quanh miệng tô, trông thật ngon. Nó không thể hiểu em nấu kiểu gì, trong trại giam thế này lấy đâu ra những thứ cần có để chế tạo một bát canh riêu cua.
Đã gần năm năm trời trong trại cấm, hôm nay nó mới được ăn canh riêu cua. Nó ăn hết bát canh mà vẫn không hiểu làm sao em nấu giỏi thế. Chỉ biết nói giỏi giỏi.
Ăn xong em tiết lộ cho nó biết, em nấu canh riêu cua bằng...cá. Nó càng phục lăn, giỏi giỏi em là người đầu tiên nó thấy nấu canh riêu cua bằng... cá, nhưng ăn thì y hệt canh cua.
Vì phải chờ học sinh khối chiều, là khối cấp hai ra học, nên giờ nghỉ trưa có hai tiếng. Hai tiếng mà chúng nó thấy như là năm phút. Hôm nào ăn cơm xong em cũng ngả đầu vào vai nó thủ thỉ. Hai đứa quấn quýt như đôi sam, em lim dim chờ đợi, nó trao cho em những cái hôn nồng cháy. Em luồn tay vào tóc nó thì thầm, em muốn con gái đầu lòng, lớn lên con gái biết giúp mẹ rửa bát... bố nó rửa bát dơ lắm.
Nó hạnh phúc ôm em trong tay, em thả cho bàn tay nó tự do trên thân thể ngọc ngà. Cứ thế hai đứa bên nhau từ mùa đông sang mùa hè. Nó vẫn vừa đi vừa hát…
Chưa có bao giờ đẹp như hôm nay.
Non nước mây trời lòng ta mê say.
Sóng nước trùng dương dài theo bờ cát...
Theo những cánh chim bầu trời bao la.
Con sóng "đung đưa thuyền ra khơi xa".
.........................
Thành bạn nó vẫn đi bên cạnh nó từ nãy giờ, bất ngờ nói:
- Đến trường rồi. Nó như tỉnh ngủ, nhìn qua hàng rào sắt của trường, mọi hôm em đã đứng đó chờ nó rồi. Mà sao hôm nay không thấy em đâu.
Nó vội vàng đi tìm em, không thấy trong văn phòng, xuống phòng ăn cũng không thấy. Quái lạ, em đâu nhỉ. Nó bắt đầu linh cảm có chuyện gì không vui... Hay là nó đã làm điều chi em giận. Nó lục lọi trong trí nhớ, nó quay lại thước phim mấy ngày qua. Tuyệt nhiên nó không phạm lỗi gì.
Buổi trưa nó đi dọc hành lang các lớp học, nó đi xuống phòng thể dục, nó đi đến phòng máy in. Không thấy em, không thấy ai. Học sinh khối sáng đã về trại, phải hai tiếng nữa mới có học sinh khối chiều đến trường. Trường học vắng ngắt, mọi thứ im lìm. Hai tiếng nữa, học sinh khối chiều đến trường mà không có em đến cùng có nghĩa là em đã bị ốm, hay còn lý do nào khác.
Nó bắt đầu thấy sợ, sợ một điều mà nó không muốn tin. Vì dạo này mọi người ai cũng háo hức tìm mối lấy chồng, lấy vợ ngoài tự do. Chính sách đối với dân tị nạn đã thay đổi. Chính phủ Hồng Kông và Liên Hiệp Quốc đang tìm cách cưỡng bức thuyền dân hồi hương.
Mọi người sợ phải về lại Việt Nam. Nếu mà bị trả lại Việt Nam thì biết ở chỗ nào, đa số mọi người khi ra đi đã bán hết nhà cửa, góp tiền góp vàng cho chuyến đi. Vả lại nếu có chỗ ở thì cũng biết làm gì mà ăn. Không những thế, người ta còn cười thối mũi ấy chứ.
Người về từ nước thứ 3 là kiều hối, còn dân trại cấm mà về thì chỉ là kiều thối... Thối lắm chả ai muốn ngửi. Tiền không, thân thế không, lại bị coi là kẻ phản quốc, hám cơm thừa canh cặn của bọn tư bản.
Ôi thôi đủ thứ ê chề.
Có lẽ vì vậy mà các mẹ, các chị các em đua nhau làm hôn thê với người ngoài trại, bất kể người ấy già hay trẻ, tốt hay xấu. Bất kể là người Hông Kông hay nước nào. Nhiều em nhờ người tìm được một mối tưởng cũng OK, ai ngờ sau hôm ra phòng thăm nuôi gặp chồng tương lai cứ ôm chăn khóc. Hỏi ra mới biết chồng tương lai là ông già trên 60, da đồi mồi, đi chống gậy.
Thực ra ở Hồng Kông không thiếu gì gái đẹp. Nhưng những người phải vào trại tị nạn kiếm vợ là những người nghèo, hoặc là những người muốn tìm Ô-sin hợp pháp. Còn các chị, các em trong trại tị nạn thì chỉ cần thoát được cảnh giam cầm, không bị trả về Việt Nam là được. Lấy chồng già, lấy chồng què cụt, làm người hầu kẻ hạ nơi xứ người còn hạnh phúc hơn phải quay về Việt Nam.
Ở đây còn có cơ hội lấy chồng ngoại quốc, có nhục, có khổ cũng ít người biết, chứ về Việt Nam xếp hàng dài cả chục đứa, cho mấy ông già nước ngoài chọn như chọn heo còn nhục hơn.
Nó mải nghĩ miên man rồi bỏ cả cơm, chả thèm xuống phòng ăn. Cứ ngồi lì trong phòng đợi học sinh khối chiều đến trường. Sao thời gian chờ đợi lâu thế, có hai tiếng mà như mấy năm. Chiếc máy điều hòa cũ rích chạy hết công xuất, tiếng máy cứ ro ro làm nó vừa lóng ruột lại vừa bực mình. Nó nhìn qua cửa sổ. Bóng hai dãy nhà trường học nghiêng nghiêng in hình xuống sân xi măng im phăng phắc. Hai cánh cổng trại vẫn đóng im, chưa đến hai giờ.
Hôm nay nó mong học sinh đến sớm vì còn hy vọng Loan sẽ đi cùng học sinh đến trường. Chắc là sáng nay em bận gì thôi, nó tự an ủi mình. Cũng có thể buổi sáng hôm nay em tranh thủ đi khám ốm ở bệnh xá trong trại, vì mọi người vẫn thường làm thế mà.
Cuối cùng thì cũng đến 2 giờ, các thầy cô khối chiều cùng các em học sinh lục tục vào trường. Nó chạy ra tận cổng tìm em. Kia rồi, lòng mừng như thấy mẹ về chợ, nó đưa tay vuốt nhẹ mái tóc. Nhìn vào tấm kính cửa sổ xem dung nhan có thay đổi gì không. Vẫn thế, nó yên trí ngóng cổ nhìn. Loan đang đi cuối hàng, tít đằng kia, đúng Loan rồi làm sao nhầm được, mắt con trai mà. Nó nghĩ bụng.
Rồi em cũng đến, hai tay em buông thõng, mắt em buồn, mặt rầu rầu như tầu lá chuối luộc. Nó cầm tay em hỏi trong lo lắng. Sao vậy... có chuyện chi Loan?
Em không trả lời, từ hai khóe mắt những dòng nước mắt cứ thế tuôn. Nó vội đưa em vào phòng, đỡ em ngồi. Thân em như sợi bún, em ngục vào ngực nó khóc nức nở, những giọt nước mắt ấm ấm thấm vào vai nó, vào má nó.
Mãi sau em mới kể cho nó biết, sáng nay em đã đi theo mẹ ra phòng thăm nuôi. Một người bạn của mẹ đã giới thiệu em với một người đàn ông ngoài tự do. Hắn không phải là người Tầu, hắn là người Việt, nhưng là dân nghiện ngập, tù tội, người hắn xanh lè toàn xăm trổ rồng phượng. Hắn đến Hồng Kông trước thời hạn trại cấm, nên hắn không bị giam trong trại, nhưng hắn trộm cắp, nghiện ngập, suốt đời ở tù, hết nhà tù này sang nhà tù khác, hắn mới được ra tù mấy hôm nay. Người hắn gầy đét như que củi, hắn ở đây đã chục năm nhưng không nước nào nhận hắn.
Mẹ thúc em phải cứu lấy mẹ, mẹ nói mẹ không thể về Việt Nam. Khi đi vượt biên mẹ còn nợ chồng nợ chất. Bây giờ về ăn còn không có mà ăn, ở không có chỗ ở, lấy đâu trả nợ, rồi họ xâu xé, bắt đi tù cũng khổ. Nếu em lấy chồng, ra tự do em sẽ đoàn tụ cho mẹ theo em.
Nó nghe em nói mà như người đi trên mây, câu vào tai, câu ra ngoài. Thế là điều nó sợ đã đến. Rồi một ngày nó phải xa em, cuộc đời nó sẽ phải chẻ làm đôi, trái tim nó sẽ phải bửa làm hai. Phần trong trại cấm phần ngoài tự do.
Nó không trách em, không giận em. Ngược lại nó càng thương em hơn. Một thằng nghiện ngập ư, một thằng trộm cắp ư. Hắn sẽ vò em như vò chiếc lá, lá khô hắn sẽ quẳng ra đường. Ôi giao trứng cho ác ai mà không lo lắng.
Rồi bất ngờ em ôm chầm lấy nó, em hôn nó như chưa bao giờ được hôn. Em hôn nó như sợ ngày mai không được hôn nữa. Hơi thở em gấp gáp, ngực em nóng hổi tì vào nó, rồi em vít đầu nó xuống ngực em. Rồi nó bế bổng em lên... hai thân hình quằn quại.
Tiếng kẻng tan trường... keng... keng... keng.
Nhanh quá, thời gian khốn kiếp, sao ngươi đi nhanh vậy. Nó lẩm bẩm. Hai đứa rời nhau ra, chúng phải theo học sinh về trại. Buổi tối trường học không ai được ở lại. Em lại theo học sinh về trại của mình, nó theo học sinh về trại nó.
Phía trước anh Thủy tổng hiệu trưởng đang vừa đi vừa nói gì với Thành.Lòng trống trải, nó buồn rượi rượi như vừa mất vật vô giá trong đời, lặng lẽ lê bước chân đi sau cùng. Nó không muốn ai nhìn thấy nước mắt nó đang rơi. Chưa bao giờ nó có một ngày dài như ngày hôm nay.
Mặt trời đã ngả xuống dãy núi phía tây, ánh vàng trải rộng khắp trung tâm giam giữ. Qua hàng rào nó thấy đằng xa một con thuyền lẻ loi đang... xa dần... xa...
Thăm nuôi
Dạo này nó như thằng mất hồn, cứ thơ thẩn một mình dọc hàng rào kẽm gai.Cái hàng rào bên dưới có mắt cáo bằng sắt, ngày mới đến còn được nhìn ra biển. Từ ngày bị một nhóm người dùng kìm cắt rào trốn trại, hàng rào đã được gia cố thêm một tấm tôn dầy, chạy suốt xung quanh trại. Vậy nên không còn chỗ nhìn ra biển, không còn chỗ để mà ước, để mà mơ cái tự do lồng lộng gió trời biển cả.
Duy nhất còn cái cổng ra vào là họ không hàn tôn, chỉ có song sắt, những cái song sắt to như ngón chân cái chạy dọc từ dưới đất.
Nó tì cái mặt của nó vào hàng song sắt đứng trầm ngâm hàng giờ. Trước mặt nó là biển, những ngày gió lớn sóng cuồn cuộn. Từng đàn hải âu bay theo đuôi những tầu đánh cá, chúng cứ nhào xuống lại bay lên sau đít tầu, tiếng chim ríu rit, mùi biển, mùi cá tanh tanh.
Tâm hồn nó trống trải rỗng không, mắt nó nhìn biển mà chẳng thấy gì.Không thấy chim, cũng chẳng thấy tầu. Cả biển cũng không thấy. Trong mắt nó chỉ còn hình bóng một người, người đó từ đằng xa kia đi về phía nó, người đó bước trên mặt nước nhẹ như lông chim, bay qua chiếc tầu đánh cá, đàn chim hải âu bay dạt ra hai bên.
Người đó mặc một cái áo dài trắng, tóc ngang vai đang cười với nó bên ngoài hàng rào. Hình như có tiếng nói đâu đây, rồi nó lại nghe thấy tiếng hát, câu hát ngày nào em vẫn hát mỗi khi chỉ còn hai đứa chúng nó trong văn phòng: “...Anh nói đi, Anh nói đi. Dù chỉ một lời làm tan nát lòng nhau...”
Đúng là em rồi, em đang đứng kia cách nó chỉ một thước, mà sao em không bước thêm một bước nữa, chỉ một bước nữa là nó cầm được tay em, tay nó vươn dài qua song sắt, hụt hẫng. Rồi nó gọi, gọi khản cả cổ, mà hình như em không nghe thấy, em vẫn hát... chỉ còn đôi ba phút bên nhau...
Nước mắt nó nhỏ xuống hàng rào kẽm gai, từng giọt, từng giọt. Hình ảnh em nhòa dần, nhòa dần. Một cơn gió từ biển thổi vào, gió mạnh lắm, gió đưa em đi đâu?
Ngày liên hoan chia tay Loan, người yêu nó ngoài trường TCI thật là buồn. Nó đã chuẩn bị đón nhận buổi chia tay từ mấy tháng trước, nhưng không hiểu sao nó vẫn thấy hụt hẫng, trống vắng.
Buổi liên hoan chia tay em thật đông đủ, có cả hai bà tây giám đốc tới dự, mấy trăm giáo viên, ngồi chật cả phòng thể dục. Em không son phấn gì, nhưng rất đẹp. Em vẫn ăn mặc như mọi ngày, nhưng trông em buồn. Mọi người cười nói chúc mừng em được ra tự do. Ngày mai bằng giờ này em là người tự do rồi. Có chồng người Việt hẳn hoi. Ai cũng mừng cho em.
Nó biết em đang buồn lắm, nhưng em vẫn phải lăng xăng đi lại, bắt tay người này, viết lưu niệm cho người kia, mắt em chốc chốc lại nhìn nó. Nó ngồi im một chỗ cố bình thản như không, mà trong lòng thì như xát muối. Anh Thủy, thằng Thành bạn nó cũng ngồi gần đó. Hình như anh Thủy cũng biết chuyện, thấy anh nhìn nó vẻ ái ngại.
Khi bữa tiệc còn đang vui vẻ thì em nhờ anh Thủy đạo diễn tiếp, còn nó và em thì kéo nhau trốn vào phòng máy in. Căn phòng bé tí, mấy bà tây chỉ đặt hai cái máy in dùng để in giấy tờ cho nhà trường. Đây vẫn là nơi chúng nó hò hẹn sau những giờ làm việc.
Nó bừng tỉnh vì ai đó đập vào vai nó... Anh Hà người cùng thuyền, từ năm năm nay hai anh em nó vẫn gắn bó với nhau, vẫn chia xẻ ngọn bùi đắng cay. Anh Hà biết nó đang nghĩ gì. Anh không nói gì cả, mà anh đứng cùng nó nhìn ra biển mênh mông. Lại một cái tầu cá nữa về cảng, bây giờ là 5 giờ chiều, các tầu đánh cá ven bờ bắt đầu lục tục kéo nhau về bến. Mặt trời tròn như cái mâm, vàng ệch, đang ngả xuống sau mấy hòn đảo xa xa.
Anh Hà đi tìm nó về ăn cơm. Hôm nay là ngày giỗ bố anh, anh có đứa em gái ở Canada gửi cho mấy trăm để làm giỗ. Nghĩ cũng tội, anh là con trai trưởng, mọi thủ tục cúng giỗ là anh phải lo, nhưng mà sống trong trại cấm lấy gì mà lo. Hôm trước anh nhờ mấy người phiên dịch ra ngoài tự do mua được mấy bao thuốc, mấy chai nước coca. Anh cũng xuống nhà bếp mua thêm ít thịt. Thế là mấy anh em cũng xoay sở được một mâm cúng nho nhỏ.
Bữa cơm hôm nay có cả người yêu anh. Chị Dần, chị đến Hông Kông với một con nhỏ. Ngày mới tới đây. Người ta cho chị ở buồng độc thân nữ. Dạo này các cô các chị ở buồng độc thân nữ đua nhau tìm mối hôn thê ra tự do. Hồi mới thành lập buồng hơn trăm cô, bây giờ chỉ còn không đến chục cô. Người yêu anh Hà thật dũng cảm, chị cũng được người ta giới thiệu lấy một người Hông Kông nhưng chị từ chối. Chị ở lại trong trại với anh. Hôm nay trông chị thật hạnh phúc. Chị mặc bộ đồ mới gửi mua ngoài tự do rất đẹp. Cái áo màu hồng cái quần tây bó sát , tóc chị dài tới hết lưng. Đúng như người ta nói. Gái một con trông mòn con mắt. Chị đang nhanh nhẹn nấu thêm nồi nước. Mọi thứ khác thì chị và anh Hà đã nấu xong từ trước.
Nó chạy lại giúp anh cất dọn cái bếp than củi, ở trong trại dạo này họ phát than củi cho bà con chế biến đồ ăn, cải thiện món. Thức ăn nhà bếp nấu thì không thay đổi, ai cũng có phần như ai. Nhưng nhà bếp họ chỉ nấu qua loa cho lấy lệ, hợp thức hóa thủ tục. Sau khi chia cơm, thức ăn bà con cần phải nấu lại theo khẩu vị từng gia đình.
Kể cũng hay. Một buồng trăm người, vài chục gia đình là vài chục cái bếp đốt than củi. Nhà nào không có bếp thì nấu sau một tí, chờ người có bếp nấu trước, xong mượn bếp nấu lại đồ ăn.
Anh Hà đã tắm và thay quần áo xong, anh đang thắp hương cúng trên cái giường sắt tầng ba. Buồng hơn trăm người, mọi ngày ồn ào là thế, mà bây giờ ai cũng im lặng. Hình như ai cũng nghĩ về quê hương, nhớ về những người đã khuất. Mùi hương thơm thoang thoảng càng làm cho người ta nhớ về cội nguồn, có người rớm rớm nước mắt.
Chị Dần ở dưới cuối buồng đi lên đưa thêm cho anh Hà chai rượu. Rượu chị mới mua ở buồng 9A, buồng ấy là buồng đầu gấu, họ được quyền nấu rượu.
Ngày mới đến trại cấm, cánh đàn ông bị nhốt trong lồng thèm rượu mà không sao lần ra rượu. Phải mất đến năm thứ hai, một nhóm người chuyển từ trại khác vào đây chuyền cho bí quyết nấu rượu bằng cam. Mọi người hồi hộp nấu thử, sau bẩy ngày chờ đợi chai rượu đầu tiên trong trại tù ra đời, cả trại ăn mừng.
Từ bấy giờ quyền lợi đặc biệt này được các đồng chí lãnh đạo trại độc quyền. Lãnh đạo trại bổ nhiệm một số buồng được nấu rượu, nhưng phải đóng thuế cho lãnh đạo.
Dân tình ủng hộ, vì dù sao họ cũng có thêm cải thiện cho đời sống trong trại tù. Có điều họ cũng không được vui mấy, ấy là khẩu phần cơm của bà con bị cắt xén. Lãnh đạo trại lấy cơm để nấu rượu cùng với cam. Những người ăn ít thì không sao, khổ nhất những người ăn khỏe. Chia đi chia lại cũng chỉ hai lưng chén nhỏ. Mấy chàng độc thân đang tuổi ăn tuổi ngủ bị đói thường xuyên. Được cái bà con sống rất yêu thương nhau, những gia đình nhiều con nhỏ ăn không hết cơm thường cho các cậu độc thân cơm thừa, vì vậy đám độc thân cũng đỡ khổ.
Nó vừa mới ngồi xuống chưa kịp ăn thì thằng Thành bạn nó gọi í ới. Nó tụt từ tầng ba xuống, chạy ra ngoài sân. Thành đang cầm trên tay tờ thông báo số thẻ thăm nuôi trong ngày. Nó có số thẻ thăm nuôi lần chót. Từ ngày đến Hồng Kông không bao giờ nó có thăm nuôi. Có ai thân quen ngoài tự do đâu mà có thăm nuôi. Nghĩ vậy nên nó không bao giờ quan tâm đến chuyện đó.
Thường thì ngày nào cũng có người trong trại ra phòng thăm nuôi. Nhất là từ khi trại có phong trào hôn thê người Hồng Kông, Các chú rể tương lai vào thăm nuôi nhiều. Các cô lấy chồng ngoài tự do mỗi lần đi thăm nuôi về là túi lớn túi bé cười như hoa. Mọi người đến túm tụm thăm hỏi, chia quà, chia bánh kẹo, vui được một lúc. Mọi người ai về nhà đấy các cô lại ngồi khóc thút thít vì thương... trại cấm.
Có mấy cô biết là sắp phải hiến tấm thân ngọc ngà cho mấy ông già Tầu, vội vàng yêu khẩn cấp. Sướng nhất là mấy anh chàng độc thân được các cô chấm điểm. Mấy anh tốt số vừa được yêu, vừa được ăn, vừa được hút. Được đủ thứ, các cô cứ lấy của chồng già nuôi thằng trai tơ. Lấy của bộ đội nuôi anh du kích.
Mặt trời đã xuống hẳn dãy núi phía tây, những tia nắng vàng yếu ớt phản chiếu từ mặt biển hắt vào hàng rào kẽm gai lờ mờ. Nó phải đi nhanh ra cổng cho cảnh sát đếm người và dắt ra phòng thăm nuôi. Cành sát làm thủ tục cũng nhanh, vì bây giờ là chuyến thăm nuôi cuối cùng trong ngày nên có ít người đi.
Phòng thăm nuôi nằm trên ngọn đồi nhìn xuống toàn trung tâm giam giữ whitehead. Đó chỉ là một dãy nhà tôn, bên trong có một dãy bàn dài hình chữ U, mỗi bên đều có hàng ghế. Hàng ghế bên trong dành cho người trong trại cấm, hàng bên ngoài dành cho người ngoài tự do. Hai người có thể cầm tay nhau, có thể với qua bàn mà hôn nhau được, mặc dù đó là phạm luật.
Trên đường đi nó cũng đoán là chỉ có em thôi. Em vào thăm nó sau mấy tháng ra tự do. Mấy tháng qua nó sống như người không hồn. Trong đám người ra thăm nuôi này, mỗi mình nó là đàn ông, còn lại toàn là các cô độc thân hôn thê Tầu Khựa.
Các cô vừa đi và bô bô nói chuyện, có cô nói. Thằng chồng tao già lắm, sắp chết rồi. Trâu già mà ham cỏ non, tao mà làm vợ hắn, tao bắt hắn đêm bẩy ngày ba cho hắn đi luôn... Tao thành bà chủ hơ hơ. Còn có em thì khoe chồng tương lai bị thọt chân, mà béo như con heo trông gớm chết, em mà ra tự do là em trốn luôn đến nhà bạn em, dại gì mà ôm thằng chồng thọt. Ôi đủ các thứ chuyện, các cô hình như chẳng có gì buồn phiền.
Một mình nó lầm lũi đi sau cùng, vui buồn lẫn lộn.
Kia rồi, nó vừa bước vào phòng thăm nuôi là nhận ra em ngay. Mới có mấy tháng mà trông em đã khác rất nhiều. Bốn cái đèn cao áp bốn góc nhà sáng trưng mà trông em vẫn đen sạm, gầy ốm. Có điều là em mặc quần áo khác với ngày còn trong trại. Hôm nay trông em giống đặc người Tầu. Tóc em cũng để kiểu Tầu. Em đang cười như nắc nẻ, tiếng cười giòn tan làm nó tỉnh cơn bàng hoàng. Em trèo cả lên bàn với sang ôm lấy nó hôn lấy hôn để, chẳng cần để ý, chẳng cần xấu hổ với ai. Đến khi viên cảnh sát trông coi đến nhắc nhở em mới buông nó ra.
Chỉ những ai từng sống trong tù, chỉ những ai từng có những tình yêu cháy bỏng mới nhận thấy thời gian trong phòng thăm nuôi nó vô giá như thế nào.Người ta trước khi đi thăm nuôi đã chuẩn bị bao nhiêu quà cáp, chuẩn bị bao nhiêu ý tưởng. Bây giờ gặp nhau quên hết, hai đứa chỉ đứng cầm tay nhau ngậm ngùi. Ba mươi phút thăm nuôi trôi qua đến... vèo.
Nó không kịp nói với em lời cuối... Nhưng hình ảnh em đã khắc sâu vào tận tim gan nó. Hình ảnh em mặc bộ quần áo Tầu, tóc bím kiểu Tầu, hai hàng nước mắt lau vội nó không bao giờ quên.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top