tra hoa nu
Một thời gian khá lâu trôi qua. Tôi không nghe nói đến Armand. Nhưng trái lại tôi thường nghe bàn tán về Marguerite. Tôi không biết bạn có để ý không: chỉ cần cái tên của một người đúng ra xa lạ với bạn hoặc ít ra không liên can gì đến bạn, được nhắc một lần trước mặt bạn, là những chi tiết liên hệ khác sẽ dần dần đến vây quanh cái tên ấy. Và bạn sẽ nghe tất cả những người quen biết nói về những điều mà trước đây họ không bao giờ nói với mình. Và lúc đó bạn sẽ nhận ra rằng con người đó gần như có mối liên hệ với mình, đã nhiều lần đi qua trong đời mình mà mình không lưu ý. Bạn sẽ tìm thấy những biến cố mà bạn được nghe kể lại một sự trùng hợp, một mối quan hệ mật thiết thực sự với một số biến cố chính của đời bạn.
Trường hợp tôi không hoàn toàn đúng như thế, bởi vì tôi đã thấy nàng, đã biết nàng, đã gặp nàng rất nhiều lần. Tuy nhiên, từ ngày bán đấu gía, tôi thường được nghe nhắc đến tên nàng. Và trong trường hợp tôi vừa nói ở chương vừa qua, cái tên này hòa lẫn trong một niềm đau buồn sâu đậm, làm cho sự ngạc nhiên của tôi cứ lớn dần lên và sự tò mò của tôi cũng tăng lên theo.
Hậu quả là tôi không bao giờ tiếp xúc với một người bạn nào mà không nhắc đến Marguerite :
- Bạn có biết một người tên Marguerite Gautier không?
- Trà hoa nữ?
- Biết rõ!
Những tiếng “biết rõ” ấy đôi khi đi kèm theo những nụ cười mà người ta không thể không đoán được ý nghĩa của nó.
- Vậy à! Cô gái ấy như thế nào? - Tôi hỏi tiếp.
- Một cô gái tốt bụng.
- Chỉ có thế?
- Chúa ơi! Vâng, đúng thế. Có trí tuệ hơn và có thể có tâm hồn hơn những cô gái khác.
- Anh không biết gì đặc biệt về cô ta sao?
- Cô ta làm phá sản bá tước R...
- Chỉ có thế?
- Cô ta là tình nhân của ông quận công già tên...
- Có đúng cô ta là tình nhân của ông ta không?
- Người ta nói thế. Nhưng dù sao thì ông ta cũng đã chi cho cô ta rất nhiều tiền.
Luôn luôn vẫn những chi tiết đại để như thế.
Tuy nhiên, tôi vẫn tò mò muốn biết chút ít về câu chuyện tình giữa Marguerite và Armand.
Một ngày kia, tôi gặp được một trong những người đã sống nhiều trong mối thân tình với những kỹ nữ tên tuổi. Tôi hỏi :
- Anh có biết Marguerite Gautier không?
Cũng vẫn tiếng “biết rõ” được lặp lại.
- Cô gái ấy thế nào?
- Đẹp và hiền lành. Cái chết của cô đã làm tôi đau đớn nhiều.
- Có phải cô ta có một tình nhân tên là Armand Duval?
- Một anh chàng cao lớn tóc hung?
- Phải.
- Đúng vậy.
- Và Armand là người thế nào?
- Một anh chàng đã cùng tiêu hết với nàng số tiền ít ỏi của mình, tôi nghĩ vậy. Và sau đó bị bắt buộc phải xa nàng. Người ta bảo anh chàng mê nàng như điếu đổ!
- Còn nàng?
- Người ta cũng bảo nàng yêu hắn lắm. Nhưng anh bạn cũng biết thế nào là tình yêu của những cô gái đó. Không thể đòi hỏi nơi họ đến cái mức mà họ không thể cho được.
- Armand sau đó thế nào?
- Tôi không biết. Chúng tôi biết rất ít về anh ta. Anh ta sống năm hay sáu tháng với Marguerite, nhưng ở đồng quê. Khi nàng trở về thì anh ta đã đi rồi.
- Và từ đó đến nay anh không gặp lại anh ta?
- Không hề gặp lại.
Tôi cũng vậy.Tôi không gặp lại Armand. Đến nỗi có lúc tôi tự hỏi rằng phải chăng khi anh ta đi tìm tôi, cái tin mới nhận về cái chết của Marguerite đã khuyếch đại cả tình yêu ngày trước lẫn sự đau khổ của anh ta? Tôi tự nhủ, có lẽ anh ta đã quên người chết rồi, đồng thời cũng đã quên lời hứa trở lại gặp tôi.
Cái giả thiết ấy có vẻ khá đúng đối với một kẻ khác. Nhưng ở đây, nỗi thất vọng của Armand rất chân thành. Và đi từ thái cực này đến thái cực khác, tôi lại hình dung sự đau khổ của anh ta đã biến thành căn bệnh và nếu tôi không được tin tức gì của anh ta, chắc hẳn do anh ta bị bệnh, hay cũng có thể anh ta đã chết rồi.
Ngoài ý muốn của mình, tôi vẫn cứ để tâm nghĩ đến người con trai ấy. Có thể có cái gì giống như ích kỷ trong sự lưu tâm đó. Có thể tôi thoáng thấy được trong nỗi đau khổ đó một câu chuyện tâm tình cảm động. Cuối cùng, có thể vì câu chuyện tâm tình đó đã dự phần khá lớn trong niềm lo âu của tôi về sự im lặng của Armand Duval.
Bởi vì Duval không đến, tôi quyết định đi tìm gặp anh. Tìm ra một duyên cớ, không khó gì. Khốn nỗi, tôi không có địa chỉ. Và trong số tất cả những người tôi gặp hỏi, không một ai biết cả.
Tôi đi đến đường Antin. Người gác cổng của Marguerite có thể biết Armand ở đâu. Nhưng đây lại là người gác cổng mới. Anh ta cũng chẳng biết gì hơn tôi. Thế là tôi tìm tới nghĩa trang nơi cô Gautier an nghỉ. Đó là nghĩa trang Montmartre.
Thời tiết tháng tư thật đẹp. Những ngôi mộ không còn vẻ đau thương và hiu quạnh như trong mùa đông. Trời đã bắt đầu trở nên ấm áp để những người còn sống nhớ lại và đi thăm viếng những người đã chết. Tôi vừa đi đến nghĩa trang vừa tự nhủ: chỉ cần thăm mộ của Marguerite, tôi sẽ biết được nỗi đau khổ của Armand nay có còn không, và tôi có thể sẽ biết được Duval hiện giờ ra sao.
Tôi đi vào căn nhà của người giữ nghĩa trang và hỏi anh ta phải chăng ngày 22 tháng hai có một người đàn bà tên Marguerite Gautier đã được an táng tại nghĩa trang Montmartre.
Người ta lật tìm trong một quyển sổ lớn có ghi tên và đánh số tất cả những người đã đưa vào nơi an nghỉ cuối cùng này và trả lời cho tôi biết, đúng vào buổi trưa ngày 22 tháng hai, một người đàn bà tên là Marguerite Gautier đã được an táng tại đây.
Tôi yêu cầu người giữ nghĩa trang dẫn tôi đến ngôi mộ. Bởi vì đi vào đây mà không có người hướng dẫn thì chắc chắn không khỏi bị lạc giữa cái thành phố những người chết. Ở đây cũng có rất nhiều đường đi lối lại như thành phố của người sống. Người giữ nghĩa trang gọi bác làm vườn, chỉ bảo những điều cần thiết. Nhưng người này đã ngắt lời và nói :
- Tôi biết... Tôi biết... - Bác ta quay sang phía tôi và nói tiếp - Nấm mộ ấy dễ tìm lắm.
- Tại sao vậy? - Tôi hỏi.
- Bởi vì nó có những bông hoa khác hẳn những mộ khác.
- Chính ông đã chăm sóc ngôi mộ ấy?
- Thưa ông, vâng. Và tôi ước rằng tất cả những người thân thuộc đều chăm sóc những người đã chết như người con trai đó, người đã gửi gắm ngôi mộ cho tôi.
Sau vài phút đi quanh co, người làm vườn dừng lại và nói với tôi :
- Đây, chúng tôi đã đến nơi.
Quả vậy, dưới mắt tôi là một khoảng đất vuông vức đầy hoa, khiến người ta không thể nghĩ đây là một ngôi mộ, nếu không để ý đến một tấm bia cẩm thạch trắng khắc tên một người.
Tấm bia này dựng thẳng đứng. Một khung lưới sắt bao bọc mảnh đất đã mua làm nấm mộ, mảnh đất phủ đầy hoa trà màu trắng.
- Ông nghĩ gì về ngôi mộ đó? - Người làm vườn hỏi.
- Trông thật đẹp.
- Mỗi khi một cây hoa trà héo đi, tôi được lệnh phải thay ngay cây khác.
- Thế ai ra lệnh đó?
- Một người trai trẻ. Người này đã khóc rất nhiều khi đến đây lần đầu. Hẳn đó là tình nhân của người đã chết. Hình như người chết là một người đàn bà phóng đãng. Người ta bảo cô ta rất đẹp, chắc ông có biết chứ?
- Vâng.
- Cũng như cậu kia? - Người làm vườn nói với một cụ cười láu lỉnh.
- Không, tôi không hề nói chuyện với cô ta lần nào.
- Và giờ đây, ông lại đến thăm cô ấy ở đây. Việc làm của ông thật đáng quý! Bởi vì những kẻ đến đây để thăm người con gái khốn khổ ấy thật quá thưa thớt.
- Vậy không có người nào đến nữa sao?
- Không có người nào cả, trừ chàng trai trẻ đã đến đây một lần.
- Chỉ một lần thôi à?
- Vâng, thưa ông.
- Và từ đó đến nay, anh ta không trở lại nữa?
- Vâng, nhưng anh ta sẽ lại đến khi anh ta trở về.
- Vậy anh ta đã đi xa?
- Vâng.
- Ông có biết anh ta hiện nay ở đâu không?
- Tôi tin chắc anh ta đang ở nhà em gái của cô Gautier.
- Làm gì ở đó?
- Anh ta đến đó để xin phép mang người chết dời đi nơi khác.
- Tại sao anh ta không để cô ây nằm ở đây?
- Ông biết, thưa ông, người sống luôn có những ưu tư đối với người chết. Chúng tôi ở đây, ngày nào cũng chứng kiến được điều đó. Mảnh đất này chỉ mua trong thời hạn năm năm. Người con trai đó muốn có một sự nhượng bán vĩnh viễn, và một mảnh đất mới hơn trong khu đất mới. Như thế sẽ tốt hơn.
- Khu đất mới là gì?
- Đó là những mảnh đất mới nằm ở bên trái khu đất này, hiện giờ người ta đang bán. Nếu nghĩa trang này từ xưa luôn luôn được giữ gìn như hiện nay, trên thế giới sẽ không có một nghĩa trang nào có thể so sánh với nó. Nhưng còn lắm việc phải làm, trước khi mọi việc được hoàn toàn như mong muốn. Hơn nữa nhiều người còn ngơ ngác lắm.
- Ông muốn nói gì?
- Tôi muốn nói, có những con người rất tự phụ, ngay cả khi đã đến nơi đây. Ấy vậy, cô Gautier này, hình như cô đã sống khá phóng túng, xin ông thứ lỗi cho. Giờ đây, cô gái đáng thương ấy đã chết rồi. Còn bao nhiều cô gái khác mà người ta không nhắc nhở gì đến và chúng tôi ngày nào cũng đem nước đến tưới mộ cho họ. Thế nhưng khi bà con của những người đã an nghỉ bên cạnh cô được biết cô là ai, họ muốn nêu lên ý kiến rằng họ chống đối việc để cô ta nằm ở đây; rằng phải có những mảnh đất dành riêng cho hạng đàn bà như cô ấy, cũng như mảnh đất dành cho những người nghèo khó. Người ta đã bao giờ thấy điều đó ở đâu chưa? Tôi đã nhắc nhẹ cái sai trái của họ, một cách lễ độ, tôi đây... Những người giàu có, một năm không đến đây quá bốn lần để thăm những người chết, và chỉ đem theo những bông hoa đã mua, mà những bông hoa ấy nào có ra gì! Ngay đến việc trả tiền chăm sóc mộ cho những người mà họ giao, họ cũng rất dè dặt. Họ viết lên trên những ngôi mộ ấy những lời than khóc mà họ chưa hề nhỏ ra một giọt nước mắt nào. Rồi chính họ lại đến để làm khó dễ với người láng giềng của người đã chết. Ông hãy tin những điều tôi nói. Tôi không biết cô gái này, tôi không biết cô đã từng làm gì, nhưng tôi thương cô gái bất hạnh ấy. Tôi chăm sóc mộ cô, tôi bán những hoa trà với giá rất phải chăng. Đó là một người chết mà tôi quý mến. Chúng tôi thì, thưa ông, chúng tôi bắt buộc phải thương yêu những người chết. Bởi vì công việc rất bận rộn, chúng tôi gần như không có thì giờ để thương yêu một cái gì khác nữa.
Tôi nhìn bác làm vườn và có lẽ bạn đọc cũng hiểu được sự xúc động của tôi khi nghe những lời người làm vườn nói.
Chắc hẳn người làm vườn thấy được điều đó, nên bác hỏi tiếp :
- Người ta bảo rằng nhiều người phá sản vì cô gái đó. Và cô ta có những tình nhân rất yêu quý cô ta. Thế nhưng khi tôi nghĩ, không một người nào đến đây mua cho cô ta được một cành hoa, thì thật quá lạnh lùng! Tuy thế, cô gái này cũng chưa phải là đáng thương lắm. Bởi vì cô còn có một ngôi mộ và có một người còn nhớ đến cô. Người này đã làm những bổn phận chung cho cả những người khác. Nhưng ở đây, chúng tôi còn có những người con gái khốn khổ cũng cùng hạng và cùng lứa tuổi như cô Gautier mà người ta đã ném xuống cái hố công cộng. Tôi đứt ruột mỗi khi nghe tiếng những thi thể đó rớt xuống lòng đất. Và không có một ai đến chăm sóc những người con gái đó, một khi họ đã nằm xuống đây. Nghề của chúng tôi làm thật không có gì để vui, nhất là khi chúng tôi còn một ít lương tâm. Ông nghĩ thế nào? Điều này mạnh hơn tôi quá nhiều. Tôi có một đứa con gái hai mươi tuổi. Mỗi khi người ta đưa đến đây một người chết trạc tuổi con tôi, tôi lại nghĩ đến nó, và mặc cho người đó là một bà lớn hay một cô gái lang thang, tôi cũng không thể nào ngăn được nỗi xúc động.
- Chắc tôi đã làm phiền ông với những mẩu chuyện của tôi. Ông đến đây hẳn không phải để nghe những chuyện như thế. Người ta bảo tôi đưa ông đến mộ cô Gautier, tôi đã đưa ông đến nơi. Giờ đây, tôi còn có thể làm gì nữa để giúp ông?
- Ông có biết địa chỉ của Armand Duval không?
- Có, anh ta ở đường... Chính ở đó. Ít ra, tôi đã đến đó để nhận tiền trả cho tất cả những cây hoa ông thấy đấy.
- Cảm ơn ông.
Tôi nhìn lại lần cuối ngôi mộ đầy hoa. Tôi những muốn nhìn thấu đến chiều sâu ngôi mộ để được trông thấy đất đã làm gì với một con người xinh đẹp mà người ta đã giao phó cho nó. Rồi tôi buồn bã ra về.
- Có phải ông muốn đến gặp Duval không? - Người giữ vườn đi bên cạnh tôi hỏi.
- Vâng.
- Tôi tin chắc anh ta chưa trở về. Bởi vì nếu đã về, thì anh ta đã đến đây rồi.
- Như thế ông đoán chắc anh ta không quên cô Marguerite?
- Không những tôi tin chắc, mà tôi còn cam đoan rằng Duval muốn dời ngôi mộ chỉ cốt để được nhìn thấy lại cô gái đó.
- Như thế nghĩa là sao?
- Câu đầu tiên anh ta nói với tôi khi đến nghĩa trang là: “Làm thế nào để nhìn thấy mặt nàng?” Chỉ có một cách là dời ngôi mộ đi. Tôi đã hướng dẫn cho anh ta tất cả những thủ tục cần thiết để có thể dời được. Bởi vì ông biết, để chuyển những người chết từ mộ này sang mộ khác, phải được sự cho phép của gia đình và có một cảnh sát trưởng chứng giám. Chính vì để có được giấy phép Duval đã đi tìm đến nhà cô em gái cô Gautier. Khi trở về, dĩ nhiên việc đầu tiên của anh ta là đến đây thăm chúng tôi.
Chúng tôi đi đến cổng nghĩa trang. Một lần nữa, tôi cảm ơn ngưòi làm vườn và đặt vào tay bác vài đồng bạc. Sau đó, tôi tìm đến địa chỉ của Armand Duval mà người làm vườn vừa cho tôi biết.
Armand vẫn chưa về.
Tôi viết giấy để lại, yêu cầu anh ta khi trở về đến gặp tôi, hoặc cho tôi biết có thể tìm gặp anh ta ở đâu.
Hôm sau, vào buổi sáng, tôi nhận được thư của Duval cho biết anh đã về và mời tôi đến nhà gặp anh. Anh cũng cho biết thêm vì bị mệt đến kiệt sức nên không thể đến tôi được.
Tôi gặp Armand đang nằm trên giường.
Thấy tôi, anh ta đưa bàn tay nóng hổi bắt tay tôi.
- Anh bị sốt - Tôi nói.
- Sẽ không sao cả. Đây chỉ là sự mệt mỏi do một chuyến đi đường quá gấp.
- Anh đến nhà cô em gái của Marguerite?
- Phải. Ai nói cho anh biết thế?
- Tôi biết. Anh có được thỏa mãn điều anh yêu cầu không?
- Vâng, nhưng ai đã cho anh biết về chuyến đi và mục đích của tôi trong chuyến đi đó?
- Người làm vườn ở nghĩa trang.
- Anh đã thấy ngôi mộ?
Tôi lo ngại không dám trả lời. Bởi vì giọng nói chứng tỏ người nói ra câu đó đang sẵn sàng bị cuốn vào nỗi xúc động mà trước đây tôi đã có lần chứng kiến. Và một thời gian dài, cứ mỗi lần nghĩ đến hoặc nghe người khác gợi lại niềm đau thương cũ, sự xúc động ấy lại nổi lên giằng xé đau đớn trong anh.
Vì thế, tôi chỉ gật đầu.
- Ông ấy chăm sóc ngôi mộ tốt chứ? - Armand hỏi tiếp.
Hai dòng lệ lớn lăn dài trên mà người bệnh. Anh ta cố ý quay đầu để giấu đi. Tôi làm vẻ như không để ý đến và cố gắng đổi hướng câu chuyện.
- Như thế anh đi cách đây đã ba tuần rồi? - Tôi nói.
Armand đưa tay lên mắt và trả lời :
- Ba tuần đúng.
- Chuyến đi của anh khá lâu.
- Ồ! Tôi không đi liên tục được. Tôi đã đau hết mười lăm ngày. Nếu không tôi đã trở về lâu rồi. Vừa đến nơi, tôi đã bị sốt, và bắt buộc phải nằm mãi trong phòng.
- Và anh đã trở về đây, khi chưa lành hẳn.
- Nếu tôi ở lại thêm tám ngày nữa, có lẽ tôi đã chết rồi.
- Nhưng giờ đây, anh đã về, anh phải lo chữa trị đi. Bạn bè anh sẽ đến thăm. Tôi là người đầu tiên nếu được anh cho phép.
- Trong hai giờ nữa tôi sẽ dậy được.
- Đừng có liều thế.
- Không, được mà.
- Anh có việc gì đến nỗi phải vội thế?
- Tôi phải đi gặp ông cảnh sát trưởng.
- Tại sao anh không nhờ một người nào đó làm việc này. Nếu không anh có thể đau nặng thêm đấy.
- Chính đó là điều độc nhất có thể làm cho tôi khỏi bệnh. Tôi phải thấy được mặt nàng. Từ lúc tôi nhận được tin nàng chết, và nhất là khi tôi nhìn thấy mộ nàng, tôi không thể ngủ được nữa. Tôi không thể tưởng tượng được người đàn bà khi tôi xa, rất trẻ và rất đẹp như thế, lại chết đi. Tôi phải làm sao để có thể xác định chắc chắn điều đó. Tôi cần phải biết Thượng đế đã đối xử như thế nào với con người mà tôi đã yêu quý đến thế. Và có thể sự ghê rợn trước cảnh tượng đó sẽ thay thế sự thất vọng của kỷ niệm. Anh sẽ đi với tôi đấy chứ... nếu điều đó không làm anh phiền lắm!
- Em gái cô ấy đã nói gì với anh?
- Không có gì cả. Cô ta có vẻ ngạc nhiên khi thấy một người khách lạ muốn mua một mảnh đất để làm phần mộ cho Marguerite, và cô ta đã ký tên ngay vào giấy phép mà tôi yêu cầu.
- Anh hãy nghe tôi, hãy đợi lành bệnh hẳn rồi tính đến chuyện dời mộ.
- Ồ! Tôi sẽ khỏe hẳn. Anh yên tâm, vả chăng tôi sẽ điên mất, nếu tôi không kết thúc nhanh cái quyết định đó, sự thực hiện nó đã trở thành một nhu cầu cho nỗi đau của tôi. Tôi thề với anh, tôi chỉ yên tâm khi nào tôi thấy lại được Marguerite. Đây có thể là một sự khát khao so cơn sốt đã đốt nóng tôi, một mơ ước của những đêm không ngủ, một hậu quả của sự loạn trí. Tôi sẽ xem, tôi có nên đi tu dòng kín như ông Rânxê không, sau khi đã thấy nàng.
- Tôi hiểu điều đó - Tôi nói với Armand - tôi sẵn sàng giúp anh mọi việc. Anh đã gặp Julie Duprat chưa?
- Vâng, tôi đã gặp cô ấy ngay ngày đầu tiên trở về.
- Cô ta có đưa cho anh những giấy tờ mà Marguerite để lại chứ?
- Có đây - Armand rút một cuộn giấy dưới gối đưa ra rồi để ngay lại chỗ cũ.
- Tôi thuộc lòng tất cả những gì ghi trong những tờ giấy này - Anh ta nói với tôi - Từ ba tuần nay, mỗi ngày tôi đọc đi đọc lại đến mười lần. Anh cũng sẽ được đọc, nhưng sau này đã, khi tôi được bình tĩnh hơn. Và tôi có thể cho anh hiểu tất cả những gì là tâm tư, là tình cảm được bộc lộ trong những lời thú tội này. Còn bây giờ, tôi có một việc cần nhờ anh.
- Việc gì vậy?
- Anh có một chiếc xe dưới đó chứ?
- Có.
- Vậy được. Anh có thể cầm thẻ thông hành của tôi đi đến bưu điện hỏi xem có thư từ gì cho tôi không. Cha tôi và em gái tôi chắc đã viết thư đến Paris cho tôi. Tôi ra đi hết sức vội vã, đến nỗi không kịp báo tin về nhà. Khi anh trở về, chúng ta sẽ đi báo trước cho ông cảnh sát trưởng về việc dời mộ ngày mai.
Armand trao cho tôi tờ thông hành và tôi đi đến đường Jean Jacques Rousseau.
Có hai lá thư cho Duval. Tôi nhận và đem về. Khi tôi trở về, Armand đã ăn mặc chỉnh tề và sẵn sàng ra đi.
- Cám ơn - Anh vừa nói vừa nhận những lá thư - Vâng, - Anh nói tiếp sau khi nhìn địa chỉ - đây là thư của cha tôi và em gái tôi. Hẳn họ không hiểu về sự im lặng của tôi.
Anh ta mở thư ra và đoán đúng hơn là đọc. Bởi vì mỗi lá thư dài những bốn trang, nhưng chỉ giây phút sau anh đã xếp lại.
- Thôi chúng ta đi! - Anh nói với tôi - Tôi sẽ trả lời thư vào ngày mai.
Chúng tôi đến gặp ông cảnh sát trưởng.
Armand trình giấy cho phép của em gái Marguerite. Ông cảnh sát trưởng trao cho anh ta một giấy báo tin để đưa lại cho người giữ nghĩa trang. Việc dời mộ sẽ tiến hành trong ngày mai, vào 10 giờ sáng. Một giờ trước đó tôi sẽ đến gặp anh, để cùng đi với anh đến nghĩa trang.
Tôi cũng thế, tôi cũng hiếu kỳ muốn được xem cảnh tượng đó. Và tôi thú thật, đêm đó tôi không ngủ.
Chỉ với tôi cũng đã có biết bao ý tưởng đến khuấy động tâm trí rồi. Tôi nghĩ, đêm đó hẳn là một đêm dài đối với Armand.
Ngày hôm sau, lúc chín giờ, tôi đến nhà anh. Anh trông xanh xao dễ sợ, nhưng có vẻ bình tĩnh hơn. Anh mỉm cười và đưa tay nắm tay tôi.
Những ngon nến đã cháy sạch. Trước khi ra đi Armand lấy ra một bức thư rất dày để gửi cho cha anh. Trong đó chắc là tâm sự và những cảm giác của anh suốt một đêm.
Nửa giờ sau, chúng tôi đến Montmartre.
Ông cảnh sát trưởng đã chờ sẵn ở đó. Chúng tôi đi chầm chậm về phía phần mộ của Marguerite. Ông cảnh sát trưởng đi đầu. Armand và tôi tiếp theo sau cách vài bước.
Thỉnh thoảng tôi thấy cánh tay của bạn tôi run lên. Tôi nhìn anh. Anh hiểu cái nhìn và mỉm cười với tôi. Từ khi chúng tôi bước ra khỏi nhà anh đến giờ, chúng tôi không hề nói với nhau một lời.
Lúc gần tới phần mộ, Armand dừng lại để lau những giọt mồ hôi đọng trên mặt.
Nhân lúc đó, tôi cũng dừng lại để thở. Bởi vì, chính tôi cũng nghe như quả tim mình bị siết chặt giữa hai gọng kìm.
Từ đâu mà người ta có cái cảm giác thoải mái đau đớn để dự vào những cảnh tượng như thế? Khi chúng tôi đến ngôi mộ, người làm vườn đã chuyển những chậu hoa đi nơi khác. Cái lưới sắt cũng đã lấy đi rồi và hai người đàn ông đang cong lưng đào đất.
Armand đứng dựa vào một thân cây và nhìn.
Toàn bộ cuộc đời anh như hiện ra trong đôi mắt.
Thình lình, một nhát cuốc chạm mạnh vào một tảng đá.
Nghe tiếng động ấy, Armand lui lại như bị điện giật. Anh siết chặt tay tôi với một sức mạnh làm đau cả bàn tay.
Một người đào huyệt lấy một cái xẻng lớn xúc đất dưới hố đem để dần lên trên. Rồi khi chỉ còn những phiến đá mà người ta chặn trên quan tài, anh ta nhặt từng phiến một, vứt ra bên ngoài.
Tôi chú ý nhìn Armand. Tôi sợ những cảm xúc của anh, mỗi phút càng tập trung rõ rệt, có thể đánh quỵ anh. Nhưng anh vẫn cứ nhìn. Những con mắt như đóng đinh vào một chỗ và mở to như người bị điên. Má anh, môi anh nhè nhẹ run lên, chứng tỏ anh đang lâm vào một cơn xúc động rất dữ dội.
Còn tôi, tôi chỉ có thể nói một điều: Tôi hơi hối hận vì đã trót đến đây.
Khi nắp quan tài hoàn toàn hiện ra, viên cảnh sát trưởng nói với những người đào huyệt :
- Các anh mở ra.
Những người này vâng lời, bình tĩnh, như đang làm một việc giản dị nhất đời.
Quan tài bằng gỗ sồi. Những người đào huyệt bắt đầu mở những đinh vít nắp quan tài. Đất ẩm ướt đã làm cho những cái đinh sét gỉ, vì thế mở ra cũng không dễ lắm. Một mùi hôi khó chịu xông lên, mặc dù thi hài người chết đã được liệm giữa những loại cây cỏ có hương thơm.
- Thượng đế ơi! Thượng đế! - Armand thì thầm. Và anh trở nên xanh xao một cách đáng sợ.
Những người đào huyệt bước lui ra.
Tấm vải liệm màu trắng rộng lớn bao bọc thi thể vẽ nên những nếp uốn khúc nhăn nhíu. Tấm vải này, một đầu đã bị rã hỏng gần như hoàn toàn, để lộ ra một bàn chân của người chết.
Tôi có cảm giác nặng nề và giờ đây, khi tôi viết những dòng này, kỷ niệm về cảnh tượng đó còn hiện ra rõ ràng trong trí tưởng tượng của tôi, với tất cả sự nặng nề của nó trong thực tại.
- Nhanh lên! - Viên cảnh sát giục.
Thế là một trong hai người đàn ông kia bắt đầu mở tấm vải liệm và nắm chặt một đầu tấm vải kéo mạnh để lộ ra khuôn mặt của Marguerite.
Thật khủng khiếp và rùng rợn.
Hai con mắt chỉ còn hai lô sâu hoắm, đôi môi đã biến mất để lộ hàm răng nghiến chặt. Những sợi tóc đen dài và khô, dán chặt vào hai bên thái dương, che khuất phần nào những lỗ hõm màu xanh hai bên má. Thế nhưng tôi vẫn tìm thấy lại được trong khuôn mặt đó, cái khuôn mặt trắng hồng hào, vui tười ngày xưa tôi thường hay gặp.
Armand không rời mắt khỏi khuôm mặt đó và đưa chiếc khăn tay lên miệng cắn chặt.
Tôi cảm thấy như có một vòng sắt đang siết mạnh vào đầu, một cái khăn trùm lên đôi mắt, những tiếng vù vù trong trong hai tai. Tất cả những điều tôi có thể làm là mở nút lọ dầu đã tình cờ đem theo và hít mạnh hơi dầu.
Giữa sự choáng váng ấy, tôi nghe viên cảnh sát trưởng nói với Duval :
- Ông nhận ra chứ?
- Vâng! - Duval trả lời.
- Thế thì đóng lại và mang đi - Viên cảnh sát trưởng nói tiếp.
Những người phu đào huyệt phủ miếng vải liệm lên mặt người chết, đóng quan tài lại, và mỗi người một đầu khiêng quan tài về chỗ người ta đã định trước cho họ.
Armand không nhúc nhích. Cặp mắt như bị đóng đinh vào cái hố trống không. Anh ta xanh như thây ma chúng tôi vừa thấy... Có thể nói anh ta đã hóa thành đá rồi.
Tôi hiểu được cái gì đã đến, khi sự đau đớn đã giảm đi trước một cảnh tượng không còn nữa, và như thế là không có gì nâng đỡ anh nữa.
Tôi tiến đến gần viên cảnh sát trưởng :
- Sự có mặt của ông Duval - Tôi vừa nói vừa chỉ Armand - có cần thiết nữa không!
- Không - Ông ta đáp - tôi khuyên ông nên dẫn ông ấy về ông ấy có vẻ ốm đấy.
- Lại đây! Tôi nói với Armand và nắm tay anh ta kéo đi.
- Cái gì? - Anh ta vừa nói vừa nhìn tôi, hình như không còn biết tôi là ai.
- Xong rồi - Tôi tiếp - giờ đây anh phải về, anh bạn ạ. Anh quá xanh, lại bị lạnh. Anh sẽ tự giết anh với những cảm xúc như vậy.
- Anh có lý, chúng ta đi đi - Anh trả lời như cái máy những vẫn không nhúc nhích.
Thế là tôi nắm tay anh và kéo anh đi.
Anh để tôi dẫn đi như một đứa trẻ, thỉnh thoảng chỉ thì thầm: “Anh có thấy những con mắt?” Và anh ta quay lại nhìn, hình như cảnh tượng vừa rồi đã lên tiếng gọi anh.
Những bước chân của anh đi như đứt đoạn. Anh tiến tới bằng những bước giật. Răng của anh đánh vào nhau, tay anh lạnh ngắt. Một sự xúc động thầm kín dữ dội xâm chiếm toàn thể con người anh.
Tôi nói với anh. Anh không trả lời tôi.
Tất cả những điều anh có thể làm là để cho tôi dắt đi.
Ra khỏi cổng, chúng tôi tìm được một chiếc xe. Thật đúng lúc.
Duval vừa ngồi vào chỗ thì sự run rẩy của anh tăng dần. Cơn xúc động thần kịch liệt và dữ dội này là cho tôi hoảng sợ. Nhưng anh đã nắm lấy tay tôi và thì thầm: “Không sao cả, không có chuyện gì cả, tôi chỉ muốn khóc thôi”.
Tôi thấy ngực anh phồng lên. Và máu lên đỏ ngầu đôi mắt.
Tôi đưa cho anh hít lọ dầu tôi đã dùng lúc nãy. Và khi chúng tôi về đến nhà anh, thì anh chỉ còn run rẩy thôi.
Người giúp việc giúp một tay, tôi đặt anh nằm lên giường rồi đốt một lò sưởi lớn trong phòng. Sau đó, tôi chạy đi tìm thầy thuốc của tôi, kể lại những gì vừa xảy ra cho ông ta nghe.
Người thầy thuốc chạy đến.
Armand đỏ ửng cả người. Anh như loạn trí, và ú ớ những tiếng không ăn khớp gì với nhau. Giữa những tiếng đó, chỉ có cái tên Marguerite là nghe được rõ ràng.
- Thế nào? - Tôi hỏi bác sĩ, khi ông đã khám người bệnh xong.
- Anh ta bị một cơn sốt cao, không hơn không kém. Và cũng may đấy, tôi tin thế, lạy Chúa, anh ta đã có thể phát điên. May mắn thay cơn bệnh thể xác sẽ giết cơn bệnh tinh thần. Trong một tháng nữa anh ta sẽ qua khỏi cơn bệnh này, và có thể khỏi cả cơn bệnh tinh thần kia nữa.
Chương 7
Những loại bệnh như bệnh của Armand, có được điều may mắn là sẽ giết chết người bệnh ngay tức khắc hoặc sẽ được chữa lành rất nhanh chóng.
Mười lăm ngày sau những biến cố tôi vừa kể trên, Armand đã bình phục hẳn. Chúng tôi trở thành hai người bạn rất thân. Trong thời gian anh ốm, tôi thường xuyên có mặt ở cạnh anh, ngày tại phòng anh.
Mùa xuân đến đem lại sự tràn ngập của cỏ cây, hoa lá, chim muông và những khúc hát tình tứ. Cửa sổ phòng bạn tôi mở rộng, nhìn ra khu vườn tươi thắm mà những mùi hương dịu dàng bay vào tận phòng anh.
Thầy thuốc cho phép anh được ngồi dậy. Chúng tôi thường ngồi bên cửa sổ được mở rộng nói chuyện với nhau vào những giờ nắng gay gắt nhất, từ trưa đến hai giờ chiều.
Tôi giữ gìn không nhắc đến Marguerite. Tôi luôn sợ cái tên đó sẽ đánh thức một kỷ niệm buồn bã đã được ru ngủ dưới cái bề ngoài yên lành của bạn tôi. Nhưng Armand trái lại, hình như sung sướng được nhắc nhở đến nàng, không phải với một giọt lệ trong mắt như ngày xưa, mà với một nụ cười hiền lành, làm tôi yên tâm về trạng thái tâm hồn anh.
Tôi để ý, từ khi đến thăm nghĩa trang lần cuối, từ khi cảnh tượng bốc mộ gây cho anh một cơn xúc động dữ dôi, sự đau đớn tinh thần nơi anh hình như đã được thay thế dần dần bởi cơn bệnh thể xác. Cái chết của Marguerite không còn hịên ra trước mắt anh trong khung cảnh ngày trước nữa. Một thứ an ủi đã hình thành, sau khi anh đã biết chắc chắn cái sự thật phũ phàng rồi. Và để đẩy lui hình ảnh đen tối thường xuất hiện nơi anh, anh đã đi sâu vào những kỷ niệm sung sướng của những ngày thân ái với Marguerite, và hình như chỉ còn muốn giữ lại những kỷ niệm đó mà thôi.
Thân thể anh bị suy kiệt quá nhiều vì bệnh sốt, ngay cả lúc đã lành bệnh rồi vẫn không thể cho phép trí óc anh được xúc động mạnh. Và niềm vui mùa xuân của vũ trụ chung quanh Armand đã đưa tư tưởng anh trở về với những hình ảnh xinh tươi.
Anh luôn luôn cưỡng lại, không chịu tin cho gia đình biết chuyện tai biến đã xảy ra cho anh. Khi anh đã được cứu sống rồi, cha anh vẫn không hề biết gì về bệnh tình của anh cả.
Một buổi chiều, chúng tôi ngồi bên cửa sổ lâu hơn thường lệ. Thời tiết thật đẹp. Mặt trời lặn trong một hoàng hôn xanh tươi và vàng rực. Tuy chúng tôi ở Paris, nhưng màu xanh bao quanh như đã tách rời chúng tôi khỏi thế giới bên ngoài, và thỉnh thoảng mới nghe âm vang một chiếc xe nào xa xa vọng đến xen lẫn vào giữa câu chuyện của chúng tôi.
- Cũng vào khoảng thời gian này trong năm, vào một buổi chiều như chiều hôm nay tôi gặp Marguerite - Armand nói, anh như đang lắng nghe những ý nghĩ của chính mình chứ không phải nghe những điều tôi nói với anh. Tôi không trả lời.
Anh quay sang phía tôi, nói tiếp :
- Thế nào tôi cũng phải kể cho anh nghe câu chuyện này. Anh sẽ viết thành một quyển sách. Có thể người ta không tin quyển sách đó, nhưng viết nó ra có thể thú vị đấy.
- Anh sẽ kể cho tôi nghe chuyện đó vào lúc khác, anh bạn ạ, anh chưa được khỏe lắm đâu.
- Buổi chiều nay trời ấm áp tôi ăn hết một con gà giò - Anh nói với tôi và mỉm cười - Tôi hết sốt rồi. Chúng ta không có việc gì để làm, tôi sẽ kể cho anh nghe tất cả.
- Vì anh nhất định muốn thế, tôi xin nghe.
- Đó là một câu chuyện rất đơn giản. Tôi sẽ kể cho anh theo thứ tự những sự việc đã xảy ra. Nếu sau này anh có làm một cái gì đó, thì tùy ý anh, kể khác đi cũng được.
Dưới đây là những điều anh đã kể cho tôi nghe. Và nếu tôi có sửa đổi chăng, thì chỉ vài ba từ nào đó thôi trong câu chuyện cảm động này.
- Vâng - Armand nói và ngả đầu dựa vào lưng ghế bành - Vâng, đó là một buổi chiều như chiều hôm nay. Tôi đã sống suốt ngày ở đồng quê với một người bạn của tôi, Gaston R... Chiều đến, chúng tôi trở về Paris, và không biết làm gì nữa, chúng tôi vào nhà hát Varietes.
Trong lúc nghỉ giải lao, chúng tôi ra ngoài. Ra đến hành lang, chúng tôi gặp một người đàn bà đi qua và bạn tôi nghiêng mình chào.
- Anh chào người nào đó? - Tôi hỏi.
- Marguerite Gautier - Bạn tôi đáp.
- Hình như cô ta thay đổi nhiều, bởi vì tôi không nhận ra được. - Tôi nói với một cảm xúc mà chốc nữa bạn sẽ hiểu.
- Cô ta bị bệnh. Cô gái đáng thương ấy sẽ không còn sống lâu lắm đâu.
Tôi vẫn còn nhớ rõ những lời nói đó, như vừa mới được nói ngày hôm qua đây.
Anh nên biết, anh bạn thân mến, từ hai năm nay rồi, hình ảnh người con gái ấy, dù chỉ một lần gặp gỡ, đã để lại nơi tôi một ấn tượng lạ lùng.
Không hiểu tại sao tôi bỗng tái mặt và tim tôi đập dữ dội. Tôi có nói với một người bạn thân chuyên về khoa học huyền bí. Anh ta gọi cảm xúc đó của tôi là “ái lực của những truyền cảm”. Tôi thì nghĩ một cách đơn giản: định mệnh đã buộc tôi trở thành người phải lòng Marguerite, và tôi đã tiên cảm được điều đó.
Bao giờ nàng cũng là người gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt. Nhiều bạn thân của tôi chứng kiến điều đó và cũng đã cười tôi rất nhiều khi biết ấn tượng ấy từ ai đưa đến.
Lần đầu tiên tôi thấy nàng là ở quảng trường Bourse, tại cổng Susse. Một cỗ xe dở mui dừng lại. Một người đàn bà ăn bận toàn màu trắng trên xe bước xuống. Những tiếng thì thầm khen ngợi nổi lên đón nàng, khi nàng bước vào nhà hàng. Còn tôi như bị đóng đinh tại chỗ, từ khi nàng đi vào đến khi nàng đi ra. Xuyên qua của kính, tôi nhìn nàng lựa chọn những thứ nàng đến mua. Tôi có thể bước vào lắm. Nhưng tôi không dám. Tôi biết người đàn bà ấy là ai, và tôi sợ nàng có thể đoán biết lý do đã đưa tôi vào nhà hàng và sẽ cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng tôi sẽ được gặp lại nàng.
Nàng ăn mặc sang trọng. Một cái áo dài mutxơlin có tuy, một khăn choàng Ấn Độ hình vuông, bốn góc có thêu hoa và kim tuyến, một nón rơm Italia và một cái khuyên độc nhất làm bằng một sợi dây chuyền vàng lớn, thời trang của xã hội này.
Nàng lại lên xe và đi. Một cậu con trai nhà hàng đứng ở cổng dõi mắt nhìn theo cô khách quan trọng ấy. Tôi tiến lại gần cậu ta và yêu cầu cho biết tên người đàn bà ấy.
- Đó là cô Marguerite Gautier - Cậu ta trả lời.
Tôi không dám hỏi địa chỉ và bỏ đi.
Kỷ niệm về cuộc gặp gỡ ấy - bởi vì nó thật sự là một kỷ niệm - không ra khỏi đầu óc tôi như nhiều cuộc gặp gỡ khác trước đây. Tôi tìm khắp nơi người đàn bà áo trắng đẹp không khác gì một nữ hoàng đó.
Vài ngày sau có một cuộc trình diễn lớn tại Opera Comique. Tôi đến dự. Người đầu tiên tôi nhìn thấy trong lô trước sân khấu là Marguerite Gautier.
Người đàn ông trẻ đi với tôi cũng nhận ra nàng bởi vì anh ta vừa chỉ nàng, vừa nói với tôi :
- Xem kìa, một người con gái đẹp.
Vào lúc đó Marguerite nhìn về phía chúng tôi. Cô ta thấy bạn tôi và ra hiệu cho anh ta đến gặp cô.
- Tôi phải đến chào nàng - Anh ta nói - Tôi sẽ trở lại trong chốc lát.
Tôi không thể không nói với anh ta: “Anh sung sướng thật”.
- Vì sao?
- Được đến gặp người đàn bà đó.
- Anh mê nàng rồi phải không?
- Không - Tôi nói và đỏ mặt, bởi vì thật sự tôi không biết vì sao mình đã nói thế - Nhưng tôi rất muốn được quen biết cô ta.
- Anh đến với tôi, tôi sẽ giới thiệu.
- Anh hãy xin phép cô ta đã.
- Ồ! Có gì đâu. Không cần phải mệt trí với nàng, anh cứ đến với tôi.
Điều anh ta vừa nói làm tôi khó chịu. Tôi run người khi nghĩ đến quả thật Marguerite không xứng đáng như tôi nghĩ về nàng.
Có một câu chuyện ở quyển sách của Alphonse Karr, nhan đề “Am Rauschen”: Một chiều một người đàn ông đi theo một người đàn bà rất sang trọng. Mới gặp lần đầu, anh ta đã trở thành kẻ si tình. Bởi nàng quá đẹp. Để được hôn bàn tay người đàn bà ấy, anh cảm thấy có đủ sức mạnh quyết đoán được tất cả, đủ ý chí để chinh phục được tất cả, đủ can đảm để làm được tất cả. Anh chỉ hơi dám nhìn chiếc bít tất xinh xắn nơi chân mà nàng vén vạt áo để lộ ra vì sợ vạt áo dài buông chấm đất. Trong khi anh mơ mộng về tất cả những gì anh phải làm để có được người đàn bà đó, thì người đàn bà đó chặn anh dừng lại ở một góc đường, và hỏi anh muốn đến nhà nàng không.
Anh vội quay mặt đi và băng ngang qua đường buồn bã trở về nhà.
Tôi nhớ lại câu chuyện đó, và tôi sẵn sàng để được đau khổ vì người đàn bà đó. Tôi sợ nàng chấp nhận tôi quá nhanh, và trao cho tôi quá nhanh một tình yêu mà tôi muốn đạt được bằng sự chờ đợi lâu dài hay phải chịu hy sinh một to lớn. Chúng ta như thế đấy. Chúng ta - những con người! Và sung sướng thật, óc tưởng tượng đã trao cái thi vị ấy laị cho các giác quan, và những dục vọng của xác thịt đã chấp nhận sự nhân nhượng đó trước những ước mơ của tâm hồn.
Cuối cùng, nếu người ta bảo tôi: “Anh sẽ có được người đàn bà ấy chiều nay và ngay mai anh sẽ bị giết chết”, tôi sẽ chấp nhận. Nếu người ta bảo: “Anh hãy đưa ra mười ngàn đồng vàng và anh sẽ là tình nhân của người đàn bà ấy”, tôi sẽ từ chối và khóc. Không khác nào đứa bé khi tỉnh dậy bỗng thấy tòa lâu đài ở giấc mơ trong đêm tối đã tan biến mất rồi.
Tuy nhiên, tôi muốn được quen biết nàng. Đó là một phương tiện, và đó cũng là phương tiện độc nhất để tôi hiểu nàng như thế nào.
Tôi nói với bạn tôi rằng cần được nàng đồng ý việc anh giới thiệu tôi với nàng. Và tôi đi lại tha thẩn trong hành lang, tưởng tượng lúc nàng sẽ gặp tôi, và tôi không biết giữ thái độ như thế nào trước cái nhìn của nàng.
Tôi gắng sắp đặt trước những lời mà tôi sẽ nói với nàng... Tình yêu thật là một trò trẻ con tuyệt vời và cao cả.
Một lát sau, bạn tôi lại trở xuống.
“Nàng đang đợi chúng ta” - Anh ta nói với tôi.
- Chỉ có mình nàng? - Tôi hỏi.
- Có một người đàn bà khác nữa.
- Không có đàn ông?
- Không.
- Đi vậy!
Bạn tôi đi về phía cửa lớn nhà hát.
- Ồ, không phải ngã đó! - Tôi nói với anh.
- Chúng ta đi mua một ít quà. Nàng nhờ tôi.
Chúng tôi đến hàng bán bánh kẹo trong hành lang Opera.
Tôi như muốn mua hết tất cả cửa hàng này và tôi nhìn xem có thể mua những gì để đặt vào xách, thì bạn tôi bảo :
- Nửa cân nho ướp lạnh.
- Nàng có thích loại nho đó không?
- Nàng không bao giờ ăn thứ gì khác. Điều này, tôi biết rất rõ.
Chúng tôi bước ra khỏi cửa hàng. Anh nói tiếp :
- À, anh biết tôi giới thiệu anh với một người đàn bà như thế nào không? Anh chớ tưởng đây là một bà quận công. Nàng chỉ là một kỹ nữ với tất cả những gì thật là phóng đãng, anh bạn thân mến ạ. Anh chẳng phải băn khoăn gì cả. Anh cứ tự do nói toạc tất cả những ý nghĩ trong đầu anh ra.
- Được, được! - Tôi ấp úng như thế và đi theo anh ta, tự nhủ thầm: Thế là sự say mê của tôi sắp chấm dứt.
Khi tôi bước vào trong lô, Marguerite đang cười vang. Tôi muốn nàng buồn thì tốt hơn. Bạn tôi giới thiệu tôi. Marguerite nghiêng đầu chào tôi và nói :
- Quà của tôi đâu?
- Có đây.
Vừa nhận quà, nàng vừa nhìn tôi. Tôi đưa mắt nhìn xuống, đỏ mặt.
Nàng nghiêng đầu về phía người bạn gái ngồi gần bên, nói nhỏ vào tai người đó, và cả hai phá lên cười lớn.
Chắc chắn tôi là nguyên nhân của chuỗi cười đó. Sự bối rối nơi tôi nhân lên gấp bội. Vào thời gian ấy, tôi có một người tình nhân, hạng tiểu tư sản, rất dịu dàng và rất tình cảm. Tâm hồn đa cảm và những bức thư đượm buồn của nàng đã làm cho tôi phải cười. Giờ đây tôi hiểu sự khó chịu mà tôi đã gây cho nàng, qua sự khó chịu tôi đang cảm thấy, và trong khoảng năm phút, tôi bỗng yêu nàng hơn bất cứ một ai có thể yêu một người đàn bà.
Marguerite ăn nho, không hề chú ý gì đến tôi cả.
Người giới thiệu tôi không muốn để tôi trong vị trí đáng buồn cười ấy.
- Marguerite - Anh nói - cô không nên ngạc nhiên khi thấy ông Duval không nói gì với cô cả. Cô đã làm cho anh ta điên đầu, đến nỗi anh ta không tìm ra được lời nào để nói.
- Tôi lại cứ tưởng ông ấy đã đưa anh đến đây, bởi vì nếu để anh đến đây một mình thì có lẽ hơi buồn.
- Nếu điều đó đúng, - Tôi tiếp lời - tôi đã không yêu cầu ông Ernest xin phép cô để được giới thiệu tôi.
Đó có thể chỉ là một phương cách để trì hoãn giây phút của định mệnh.
Chỉ cần sống ít lâu với những cô gái như hạng Marguerite, người ta sẽ hiểu được cái thích thú các cô ưa dùng để đánh lệch hướng phán đoán và để trêu ghẹo, những người các cô mới gặp lần đầu. Đương nhiên, đây là một sự trả thù những sự nhục mạ mà các cô bắt buộc phải tiếp nhận từ phía những người các cô thường gặp hàng ngày.
Vì thế, để trả lời cho các cô, phải có một tập quán nào đó của thế giới các cô. Cái tập quán đó, tôi không có. Thêm nữa, ý tưởng mà tôi tự tạo ra về Marguerite làm cho tôi thêm khó chịu về sự đùa cợt của nàng. Không một cái gì thuộc về người đàn bà này có thể làm tôi thờ ơ cả. Vì thế, tôi đứng dậy, nói với cô ta bằng một giọng không bình thường mà tôi không thể che giấu được :
- Nếu đó là điều mà cô nghĩ về tôi, thưa cô, tôi chỉ còn việc xin cô tha lỗi cho sự bất nhã của tôi, và xin cô tin chắc điều đó sẽ không lặp lại lần thứ hai.
Thế là tôi chào và đi ra.
Tôi vừa đóng cửa lại thì lại nghe một lần thứ ba nữa những tiếng cười phá lên. Lúc ấy tôi rất muốn được kẻ nào đó thúc mạnh cùi tay vào người.
Tôi trở về chỗ cũ.
Người ta rung chuông báo hiệu sắp trình diễn.
Ecnec trở lại ngồi gần bên tôi.
- Anh làm sao thế? - Anh ta vừa nói vừa ngồi xuống - Các ả tưởng anh điên rồi.
- Marguerite nói gì khi tôi đã đi?
- Cô ta cười và nói với tôi, cô ta chưa bao giờ gặp một người lẩn thẩn đến như anh. Nhưng anh đừng nghĩ là mình đã bị đánh bại. Chỉ nên nhớ rằng đối với những cô gái đó, anh không nên nghĩ đến danh dự và nề nếp. Các cô ả không hiểu gì về cái gọi là thanh nhã và lịch sự cả. Đó cũng giống như những con chó mà người ta tưới nước hoa cho, thế thôi. Chúng nghe mùi nước hoa khó chịu và sẽ lăn tòm xuống nước để hết hôi.
- Tóm lại, tôi cũng không cần - Tôi gượng đáp với một giọng bình thản - Tôi sẽ không bao giờ gặp lại người đàn bà đó. Nếu trước kia cô ta đã lôi cuốn tôi khi tôi chưa biết cô ta, thì giờ đây, sau khi đã gặp cô ta, điều đó khác hẳn rồi.
- Ồ! Tôi sẽ không ngạc nhiên khi nhìn thấy anh một ngày nào đó sẽ ngồi tận chỗ trong cùng ở lô của cô ta. Và được nghe tin anh đã phá sản vì cô ta. Đồng ý anh nói có lý, cô ta là một người mất dạy. Nhưng lại là một tình nhân xinh đẹp!
May mắn là màn đã kéo lên và bạn tôi không nói nữa.
Kể lại hôm đó người ta đã trình diễn những gì thì tôi xin chịu. Tất cả những gì tôi nhớ, đó là thỉnh thoảng tôi lại đưa mắt nhìn lại nơi lô mà tôi vừa đột ngột từ giã; ở đó các khuôn mặt những người khách mới cứ lần lượt kế tiếp nhau xuất hiện.
Tuy nhiên, tôi không thể nào không nghĩ đến Marguerite. Một thứ tình cảm khác xâm chiếm lấy tôi. Tôi phải làm điều đó để quên đi sự nhục mạ của nàng và cái đáng buồn cười của tôi. Tôi tự nhủ, tôi sẵn sàng, bỏ hết của cải để có được người con gái ấy và cái quyền giữ lại chỗ ngồi mà tôi vừa vội vàng từ bỏ.
Trước khi buổi trình diễn chấm dứt, Marguerite và người bạn gái của cô đã rời lô đi ra.
Ngoài ý muốn, tôi cũng rời bỏ chỗ ngồi của tôi.
- Anh về à? - Ernest hỏi tôi.
- Vâng.
- Tại sao?
Ngay lúc đó anh ta nhận thấy không còn ai ở trong lô của Marguerite nữa, liền bảo :
- Đi đi, chúc may mắn, hay đúng hơn là chúc anh may mắn hơn.
Tôi bước ra.
Tôi nghe ở cầu thang tiếng áo xào xạc và tiếng người nói cười. Tôi đứng sang một bên và nhìn thấy hai người đàn bà bước ra cùng hai thanh niên. Họ không nhìn thấy tôi.
Tại tầng dười nhà hát, một thằng bé giúp việc tiến đến bên các ả.
- Chú hãy bảo người đánh xe chờ ở hiệu cà phê Ănglê - Marguerite nói - Chúng tôi sẽ đi bộ đến đó.
Vài phút sau, đang đi như rình mò trên đường phố, tôi nhìn thấy qua cửa sổ một phòng lớn khách sạn, Marguerite dựa vào bao lơn, tỉa từng cánh một bông hoa trà ở bó hoa của nàng.
Một trong hai chàng thanh niên đi cùng nàng đang cúi xuống bên nàng và nói chuyện thì thầm với nàng.
Tôi vào nhà hàng, ngồi trong một phòng khách tầng thứ nhất, mắt không rời khung cửa sổ nói trên.
Vào một giờ sáng, Marguerite lên xe với ba người bạn của mình.
Tôi cũng lên một chiếc xe nhỏ và cho đi theo nàng.
Chiếc xe dừng ở số 9 đường Antin.
Marguerite bước xuống xe và một mình đi vào nhà.
Dĩ nhiên đó là một sự tình cờ. Nhưng sự tình cờ này làm cho tôi rất sung sướng.
Kể từ ngày hôm đó tôi thường gặp mặt Marguerite tại các nhà hát và quảng trường Champs-Elysees. Luôn luôn vẫn niềm vui tươi đó ở nàng và luôn luôn vẫn sự xúc động đó đối với tôi.
Mười lăm ngày trôi qua, tôi không gặp nàng ở đâu cả. Tôi tìm gặp Gaston hỏi thăm tin tức về nàng.
- Cô gái đáng thương đó đang bị bệnh - Anh ta trả lời.
- Cô ta bị bệnh gì?
- Cô ta bị đau ngực. Cuộc sống của cô ta không cho phép cô ta lành bệnh được. Hiện cô ta nằm liệt giường, nói đúng ra, cô đang chết dần.
Trái tim thật lạ lùng.
Tôi gần như cảm thấy thỏa mãn trước căn bệnh của nàng.
Ngày nào, tôi cũng đến hỏi thăm tin tức và bệnh tình của nàng, nhưng không bao giờ ghi tên hoặc để danh thiếp lại. Vì thế, tôi được biết nàng đã bình phục và sắp đi Bagneres dưỡng bệnh.
Thế rồi, một thời gian trôi qua. Ấn tượng - nếu không phải là kỷ niệm - có vẻ như phai mờ dần trong tâm trí tôi. Tôi đi du lịch. Những tập quán, những công việc thế chỗ cho cái ý nghĩ kia. Nghĩ đến cuộc gặp gỡ đầu tiên đó, tôi chỉ thấy đây là một trong những đam mê thường có khi người ta còn trẻ và sau này nghĩ lại người ta sẽ mỉm cười.
Vả chăng, thắng được kỷ niệm đó cũng chẳng có vinh dự gì. Bởi vì tôi đã đánh mất hình ảnh Marguerite từ khi nàng ra đi; và như tôi đã nói với bạn điều đó, khi nàng đi qua bên tôi trong hành lang ở Variêtê, tôi không nhận ra nàng nữa.
Nàng mang một tấm voan, đúng vậy.
Nhưng trước đây, hai năm trước đây, nếu nàng có che giấu mặt nàng bằng cách nào, tôi cũng vẫn nhận ra nàng.
Điều này không thể ngăn tim tôi đập mạnh, khi tôi biết đó là nàng. Hai năm trôi qua không gặp nàng và những điều mà sự xa cách đó đã đem lại vụt chốc tan biến ngay như sướng khói khi tay tôi chạm khẽ vạt áo nàng.
- Tuy nhiên - Sau một phút, Armand nói tiếp - tôi vẫn hiểu, tôi còn yêu nàng và mạnh hơn cả ngày trước. Và trong ý muốn được gặp lại Marguerite còn có cả cái ý chí muốn cho nàng biết, tôi đã cao giá hơn nàng một bậc.
Để đạt được mục đích, con tim đã không ngoan việc dẫn bao nhiêu lý lẽ, lựa chọn bao nhiêu con đường.
Vì thế, tôi không thể đứng lâu hơn trong hành lang. Tôi trở về ngồi bên dàn nhạc và nhìn nhanh khắp nhà hát để xem nàng ngồi ở lô nào.
Nàng ngồi trước sân khấu, ở tầng dưới, và chỉ một mình thôi. Nàng thay đổi nhiều như tôi đã nói với bạn. Tôi không còn tìm thấy trên môi nàng nụ cười hờ hững nữa. Nàng đã ốm đau và nàng sẽ còn ốm đau nhiều.
Mặc dầu đã tháng tư rồi, nàng vẫn ăn mặc như giữa mùa đông, toàn người đều nhung len.
Tôi nhìn nàng một cách rất chai lỳ, đến nỗi cái nhìn tôi đã thu hút cái nhìn của nàng.
Nàng nhìn tôi một lúc, rồi lấy ống nhòm đưa lên để nhìn cho rõ hơn và chắc chắn đã ngờ ngợ nhận biết tôi, tuy không thể quyết chắc tôi là ai. Bởi vì khi nàng để kính xuống, một nụ cười - cách chào duyên dáng của những người đàn bà - nở trên đôi môi nàng và như chờ đợi một cái chào trả lời nơi tôi. Nhưng tôi không đáp lại, như để cản lối nàng và tỏ ra tôi đã quên rồi khi nàng còn nhớ lại.
Nàng tưởng đã lầm và quay đi nơi khác.
Màn kéo lên.
Tôi đã gặp Marguerite nhiều lần ở rạp hát. Tôi không hề thấy nàng để ý một chút nào về những gì người ta trình diễn.
Còn đối với tôi, những điều trình diễn cũng không hấp dẫn tôi lắm. Tôi chỉ chú ý đến nàng, nhưng lại cố gắng làm sao để nàng không thấy được điều đó.
Tôi thấy nàng trao đổi cái nhìn với người ở lô trước mặt nàng. Tôi đưa mắt nhìn theo và nhận ra một người đàn bà khá quen biết trong lô đó.
Người đàn bà này xưa kia sống bằng nghề kỹ nữ, đã từng cố gắng qua nhiều sân khấu nhưng không thành công. Và sau đó, do có nhiều mối quen biết với những người đàn bà sang trọng ở Paris, bà ta chuyển sang nghề buôn bán và đã lập ra được một nhà hàng thời trang.
Tôi thấy nơi người đàn bà này một phương tiện tốt để giúp tôi gặp Marguerite. Và nhân một lúc người này nhìn về phía tôi, tôi đưa mắt và đưa tay chào.
Điều tôi tiên đoán đã đến: bà ta gọi tôi đến lô của mình.
Người đàn bà buôn thời trang này tên là Prudence Duvernoy, trạc bốn mười tuổi, mập mạp. Với những người đàn bà như người này, chúng ta không cần gì nhiều đến tài ngoại giao để được biết điều muốn biết, nhất là khi điều muốn biết đó lại đơn giản như những điều tôi vừa nghĩ. Tôi, nhân lúc bà ta bắt đầu nhìn lại Marguerite, liền hỏi :
- Bà nhìn ai thế?
- Marguerite Gautier.
- Bà biết người đó?
- Vâng, tôi là người chăm sóc thời trang cho cô, và cô là người láng giềng của tôi.
- Thế ra bà ở đường Antin?
- Số 7. Cửa sổ phòng trang sức của cô ta đối diện với cửa sổ phòng tôi.
- Người ta bảo cô ta là một cô gái rất duyên dáng.
- Anh không biết cô ấy sao?
- Không. Nhưng tôi muốn được quen biết cô.
- Anh có muốn tôi bảo nàng đến lô chúng ta không?
- Không. Nhưng tôi muốn bà giới thiệu tôi với cô ta.
- Ở nhà cô?
- Vâng.
- Điều đó hơi khó.
- Tại sao?
- Bởi vì cô ta đang được một ông quận công già rất hay ghen che chở.
- Được che chở là một điều tốt.
- Vâng, được che chở - Prudence đáp - Ông già thật đáng thương, ông ta sẽ rất lúng túng nếu phải làm tình nhân của cô ấy.
Prudence kể cho tôi nghe Marguerite đã quen biết ông quận công già ở Bagneres như thế nào.
- Chính vì thế mà cô ta đến đây chỉ một mình?
- Vâng, đúng.
- Nhưng ai sẽ đưa cô ấy về?
- Ông ta.
- Vậy ông ta sắp đến?
- Trong vài phút nữa.
- Và ai đưa bà về?
- Không ai cả.
- Tôi xin được phép làm người đó.
- Nhưng anh đang đi với một người bạn, tôi tin thế
- Thế thì chúng tôi cùng đưa bà về.
- Bạn anh là ai thế?
- Đó là một chàng trai dễ thương, rất láu lỉnh, hắn sẽ lấy làm vui sướng khi được làm quen với bà.
- Thế thì đồng ý nhé. Sau màn này, tôi biết đây là màn cuối, bốn chúng ta sẽ cùng về.
- Sẵn sàng, tôi sẽ đi báo trước cho bạn tôi biết.
- Được, đi đi.
- A! - Prudence nói, khi tôi sắp sửa bước ra - Kìa xem, ông quận công đã vào lô của Marguerite rồi.
Tôi nhìn theo.
Quả thật, một người đàn ông chừng bảy mười tuổi vừa đến ngồi sau người đàn bà trẻ đó và đưa cho nàng một túi quà. Nàng đang lấy quà ra và mỉm cười, rồi nàng đưa túi quà ra phía trước lô, ra hiệu cho Prudence như hỏi :
- Chị có dùng không?
- Không - Prudence nói.
Marguerite thu túi quà về và quay lại, bắt đầu nói chuyện với ông quận công.
Kể lại tất cả những chi tiết này, thật là trẻ con. Nhưng tất cả những gì liên quan đến người con gái ấy đều hiện ra rõ ràng trong trí nhớ tôi, và hôm nay tôi không thể nào không nhớ lại.
Tôi bước xuống, báo cho Gaston biết trước việc tôi vừa sắp đặt cho anh ta và cho tôi.
Anh ta nhận lời Chúng tôi rời chỗ ngồi để lên lô trên với bà Prudence Duvernoy.
Chúng tôi vừa mở cửa phòng nhạc thì bắt buộc phải dừng lại để nhường lối cho Marguerite và ông quận công đi ra.
Tôi sẵn sàng đổi mười năm đời tôi để được cái vị trí của ông già này.
Ra đến lộ, ông ta đưa Marguerite lên ngồi trên một cỗ xe bốn bánh do ông điều khiển. Và cả hai khuất dạng theo nhịp tế nhanh của hai con ngựa cao đẹp.
Chúng tôi bước vào lô của Prudence.
Khi vở tuồng chấm dứt, chúng tôi xuống tìm một chiếc xe nhỏ để đưa chúng tôi đến số 7 đường Antin.
Đến trước cửa, Prudence mời chúng tôi vào nhà, để cho xem những hàng hóa mà chúng tôi không biết gì về giá trị của nó cả. Nhưng bà ta thì rất tự đắc. Hẳn bạn cũng hiểu tôi đã nhận lời một cách vỗn vã như thế nào.
Hình như dần dần tôi đã tiến đến gần Marguerite hơn. Tôi nhanh chóng đưa nàng vào đầu đề câu chuyện.
- Ông quận công già ở tại nhà người láng giềng của chị? - Tôi hỏi Prudence.
- Không! Không phải. Cô ta ở một mình thôi.
- Như vậy cô ta sẽ buồn ghê gớm lắm - Gaston nói.
- Gần như chiều nào chúng tôi cũng họp mặt với nhau. Hoặc khi đi đâu về, cô ấy lại gọi tôi, Marguerite không bao giờ ngủ trước hai giờ sáng, cô ta không thể ngủ sớm hơn được.
- Tại sao?
- Bởi vì cô ta bị bệnh đau ngực và gần như lúc nào cũng bị sốt.
- Cô ta không có tình nhân? - Tôi hỏi.
- Tôi không hề thấy ai ở lại, khi tôi ra về. Nhưng tôi không nói rằng không có người nào đến, khi tôi đã đi rồi. Thường thường tôi gặp tai nhà cô một ông bá tước N... nào đó. Ông này tin rằng công việc của mình có thể tiến triển tốt đẹp bằng những cuộc viếng thăm Marguerite vào lúc mười một giờ, và bằng cách gửi tặng những nữ trang nàng thích. Nhưng nàng lại không muốn gặp mặt ông ta bất cứ ở đâu. Nàng đã sai lầm; vì đó là một người đàn ông rất giàu. Thỉnh thoảng, tôi lại bảo nàng: “Cô em ạ, đó là người đàn ông cần cho cô em!”. Nhưng vô hiệu. Nàng quay lưng lại với tôi và trả lời rằng người đó đần độn lắm. Người đó đần, tôi đồng ý. Nhưng cô ta sẽ có một địa vị. Chứ ông quận công già thì có thể chết nay mai. Những người già đều ích kỷ. Gia đình ông luôn chỉ trích ông về tình thương đối với Marguerite. Đó là hai lý do để ông sẽ không cho nàng được thừa hưởng gì cả. Tôi giảng giải cho cô ta. Cô ta trả lời: khi ông quận công chết, sẽ nhận lời bá tước cũng không muộn gì.
- Sống như nàng thật lạ lùng - Prudence nói tiếp - Tôi, nếu tôi biết rõ ông ta không hợp với tôi, tôi sẽ không ngần ngại gì cho ông ấy cút nhanh đi cho rảng. Ông già kia thì rõ nhạt nhẽo. Ông gọi cô ta là con gái ông. Chăm sóc cho cô ta như một đứa trẻ nhỏ. Ông luôn luôn bám bên lưng cô ta. Tôi tin chắc, vào giờ này, một trong những người nhà của ông đang rình ngoài đường để xem có ai đi ra và nhất là có ai đi vào nhà Marguerite không.
- A! Cô Marguerite đáng thương - Gaston vừa nói, vừa ngồi lại bàn pianô và đáng một điệu vanxơ - Tôi không biết điều đó. Tuy nhiên gần đây tôi thấy cô ta ít được vui vẻ.
- Xuỵt! - Prudence vừa nói vừa lắng tai nghe. Gaston dừng lại - Hình như cô ta gọi tôi.
Chúng tôi lắng nghe.
Quả nhiên có tiếng gọi Prudence.
- Thôi các ông đi đi cho! - Bà Duvernoy bảo chúng tôi.
- A! Bà cho thế là tinh thần hiếu khách đấy à? - Gaston vừa cười vừa nói - Chúng tôi chỉ đi khi nào chúng tôi muốn đi.
- Tại sao chúng tôi phải đi?
- Tôi sang Marguerite.
- Chúng tôi đợi ở đây.
- Điều đó thì không thể được.
- Thế thì chúng tôi đi cùng với bà.
- Càng không được.
- Tôi biết Marguerite - Gaston nói - Tôi có thể đến thăm cô ta lắm chứ.
- Nhưng Armand không biết cô ta.
Tôi sẽ giới thiệu anh ta.
- Không thể được.
Chúng tôi lại lắng nghe lần nữa tiếng Marguerite gọi Prudence.
Prudence chạy đến phòng trang sức. Tôi và Gaston đi theo. Bà ta mở cửa sổ ra.
Chúng tôi đứng núp lại để bên ngoài đừng trông thấy.
- Tôi đã gọi chị hơn mười phút rồi - Marguerite nói từ cửa sổ nhà mình, với một giọng hơi khó chịu.
- Cô muốn tôi giúp gì?
- Tôi muốn chị đến ngay lập tức.
- Tại sao?
- Bởi ông bá tước N... vẫn còn đó. Ông làm tôi chán chết được.
- Tôi không thể đi ngay bây giờ được.
- Ai ngăn cản chị?
- Trong nhà tôi hiện có hai thanh niên, họ không chịu ra về.
- Chị hãy bảo họ là chị cần đi.
- Tôi đã nói với họ rồi.
- Cũng được, hãy để họ ở đó. Khi họ thấy chị đi rồi, họ sẽ đi.
- Sau khi đã xáo trộn tất cả mọi thứ ở đây?
- Nhưng họ muốn gì?
- Họ muốn gặp cô.
- Thế họ tên gì?
- Cô biết một người, ông Gaston R...
- À, vâng. Tôi biết ông ấy. Và ông kia?
- Armand Duval, cô không biết phải không?
- Không. Nhưng cứ đưa họ đến. Tôi nghĩ ai cũng vẫn hơn ông bá tước. Tôi đang đợi. Chị sang nhanh cho.
Marguerite đóng cửa sổ lại. Prudence cũng đóng cửa sổ lại.
Marguerite, đã có lần nhớ lại mặt tôi, nay lại không nhớ tên tôi. Tôi thích một kỷ niệm không tốt đẹp đối với tôi hơn là sự lãng quên ấy.
- Tôi biết chắc - Gaston nói - cô ta sẽ sung sướng khi được gặp chúng ta.
- Rất sung sướng thì chưa hẳn đâu - Prudence vừa đáp vừa quàng lại khăn choàng và để mũ lên đầu - Cô ta tiếp các anh để đuổi ông bá tước. Các anh phải cố gắng tỏ ra lịch sự hơn ông bá tước. Nếu không, tôi hiểu Marguerite lắm, cô ta sẽ lại gây chuyện với tôi đấy.
Chúng tôi đi theo Prudence, cùng đi xuống.
Tôi run sợ. Tôi nghĩ cuộc viếng thăm này sẽ có một ảnh hưởng lớn đối với đời tôi.
Tôi còn cảm động hơn cả buổi chiều tôi được giới thiệu với nàng tại nhà hát Opera Comique.
Đến cửa, tim tôi đập rất mạnh, đến nỗi các ý nghĩ trong đầu óc tôi biến đi đâu cả.
Tiếng đàn pianô thoảng đến tai chúng tôi.
Prudence gọi chuông.
Tiếng đàn dừng lại.
Một người đàn bà, có vẻ như một người bạn hơn là hầu phòng, ra mở cửa cho chúng tôi.
Chúng tôi vào phòng khách, rồi từ phòng khách đến phòng trang nhã (phòng khách đặc biệt ở nhà các bà sang trọng).
Một người thanh niên đứng dựa bên lò sưởi.
Marguerite ngồi trước đàn pianô, để những ngón tay chạy trên các phím và bắt đầu những bản nhạc.
Cảnh tượng ấy thật buồn tẻ. Người đàn ông thì bối rối trước sự bất lực của chính mình, và người đàn bà thì chán ngán do sự viếng thăm của một con người mà mình không ưa thích.
Nghe tiếng Prudence, Marguerite đứng dậy và tiến đến phía chúng tôi. Sau khi đã nhìn Duvernoy một cách biết ơn, cô ta nói với chúng tôi :
- Xin mời các ông vào, và hãy là những khách quý.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top