Văn hóa uống trà của người Việt Nam đã hình thành từ thế kỷ thứ 9.

Văn hóa uống trà của người Việt Nam đã hình thành từ thế kỷ thứ 9. Một nếp sinh hoạt đẹp lành, nhất là vào dịp tết đến xuân về, sau hương trà thơm ngát dâng lên tổ tiên là khay trà ấm áp hội tụ gia đình. Không cầu kỳ thủ tục như Chanoyu - trà đạo Nhật hay Gongfucha - trà đạo Trung Hoa, trà đạo Việt Nam tuy rất thoáng, nhưng cũng kén hương trà.

Lùi về lịch sử từ thế kỷ thứ 9 sẽ thấy văn hóa trà Việt đã có quá trình hình thành và phát triển rất lâu đời. Các cổ thư An Nam chí lược của Lê Tắc, Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn đều ghi nhận các dân tộc Lạc Việt đã uống chè tươi từ xa xưa, các triều vua ta đã dùng trà thơm làm cống phẩm khi đi sứ Trung Quốc. Trong Trà Kinh, bàn về trà, gốm trà và cách pha trà, Lục Vũ - nhân sĩ đời Đường, được xem là “tiên trà”, “sơ tổ” của trà đạo Trung Hoa - cũng khẳng định: “Trà là loài cây quý ở phương Nam...”. Nhiều công trình khảo cổ đã tìm thấy những trà cụ, những chén uống trà từ thời Bắc Thuộc, thời Lý - Trần; người ta cũng phát hiện những rừng chè dại trong đó có những cây chè hàng ngàn năm tuổi...

Từ những cứ liệu trên có thể khẳng định Việt Nam là một trong những cái nôi cổ nhất của cây chè và văn hóa uống trà của người Việt ít nhất cũng đã có từ thế kỷ thứ 9.

Trong dân gian thì những chứng cứ còn rõ ràng hơn. Ông bà ta bao đời nay vẫn truyền tụng câu ca dao:

Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà Mạn Hảo, ngâm Nôm Thúy Kiều.

Nghệ nhân Viên Trân cho biết: Mạn Hảo nay thuộc Vân Nam - Trung Quốc nhưng thuở xa xưa là lãnh thổ của tộc Bách Việt tức Việt Nam ta.

Cội nguồn thì cây Chè, văn hóa uống trà xuất phát từ nền văn minh lúa nước phương Nam sau đó mới du nhập vào nền văn minh du mục của các bộ tộc bờ Bắc sông Dương Tử, trung tâm của nền văn minh Hoa Hạ, để rồi lan khắp năm châu bốn biển như ngày nay.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: