Trà chiều

Chiều nắng, nắng vàng rực xuyên ngang những tán cây trĩu những hạt long lanh nhỏ xíu. Nền xi măng trước tiệm biến thành tấm thảm lốm đốm những vệt đen khó giặt, rồi lại cuốn theo điệu nhảy xinh đẹp của gió, từ lúc nào đã hòa mình tan theo màu gió nơi phố cổ, dịu dàng. Thử hỏi bao nhiêu người có thể nắm lại thời gian mà ngắm cái hương vị cổ kính nồng nàn giữa chốn Hà thành phủ kín những lo toan? Hương trà thơm thoang thoảng, thêm vào cho nắng vàng vị thanh thanh, đăng đắng, hệt như một loại mật ong kì lạ, chỉ có thể nhìn, có thể ngửi nhưng không thể ăn.

"Thưa thầy, có trà rồi ạ."

Con người cũng vậy, chỉ có thể quen, có thể thân, nhưng lại không thể gắn bó với nhau mãi mãi. Nhưng thầy và tôi hẳn là một trường hợp ngoại lệ.

Thầy nhấp một ngụm trà chiều, rồi đặt ly xuống. Ánh mắt thầy xa xăm, hệt như đang tìm kiếm một mảnh kí ức xa xôi nào đó. Gió làm quạt, quạt đi tóc thầy trắng xóa. Thầy không phải là một thầy giáo, thầy cũng chưa từng đứng trên giảng đường hay tham gia bất kì tiết học nào. Người ta nói: "Một đầu bếp giỏi không vì nấu ăn ngon mà giỏi, mà vì anh ta biết quan tâm đến người thưởng thức món ăn." Anh ta phải tỉ mỉ, cẩn thận, tinh tế, nhạy cảm và có con người trong tim. Thầy chỉ đơn giản là một người làm bánh, một người làm bánh với cả triệu tấm lòng.

Tôi sống với thầy từ bé. Tôi không nhớ khi nào, cũng không biết tại sao. Tôi chỉ đơn giản biết rằng mình sống với thầy, đó là điều may mắn. Lúc học mẫu giáo tôi thường hỏi thầy tại sao tôi không có mẹ đi đón như các bạn khác, thầy xoa đầu tôi bảo: "Bởi vì con rất ngoan nên mẹ con mới yên tâm giao con cho thầy." Tôi cười tít mắt rồi nắm tay thầy cùng ra về.

Thầy không dạy tôi học chữ, cũng không giúp tôi làm bài tập, thầy rèn cho tôi tính tự lập từ bé, tất cả mọi việc trong khả năng của mình, tôi phải tự làm, mà còn phải làm cẩn thận và nhanh chóng. Tất cả những gì thầy làm là đưa tôi đến trường và nuôi tôi từ lúc tôi còn bé xíu. Nếu là những đứa trẻ khác, ắt hẳn chúng sẽ nghĩ là thầy không thương chúng. Nhưng vì tôi là đứa trẻ dễ tính và nghe lời nên chưa bao giờ tôi suy nghĩ về chuyện đó. Lớn lên một chút, tôi mới ngộ nhận rằng: "Vì thầy là một người nghiêm khắc."

Những lúc thầy làm bánh, tôi chỉ đứng một bên nhìn thầy với ánh mắt cực kì ngưỡng mộ. Thầy không như các bác vì họ thường rất không thích trẻ con đứng gần họ khi làm việc. Cho nên tôi luôn bám sát lấy thầy để không phải trở thành một "con bé rắc rối." Thầy đi qua đi lại rất nhiều và nhanh, nhanh đến nỗi cứ chạy theo thầy một lúc là tôi chóng mặt, lại vấp chân va vào người lớn. Hôm thì bột dính đầy người, hôm thì đụng phải bác Hai làm đổ mẻ bánh. Bác Hai rất dữ, cứ mỗi lần như thế là bác lại quát tôi ngay, rồi sau đó lại cho tôi cục kẹo. Vậy nên cứ hễ bị mắng là tôi lại có kẹo ăn. Người lớn đúng thật là kì lạ, không như thầy, thầy hay cười khiến hai con mắt nheo lại và tạo thành rất nhiều vết nhăn.

Lên cấp hai, tôi lại hỏi thầy ba mẹ tôi như thế nào, thầy dẫn tôi vào bếp, bắt đầu từ đó, tôi gọi thầy là thầy. Cũng bắt đầu từ đó, tôi mới thực sự nhận ra rằng quá khứ chỉ là quá khứ, nhưng chỉ có quá khứ hạnh phúc mới khiến con người vui vẻ biến nó thành kỉ niệm, còn không thì tốt nhất là hãy tạo ra hạnh phúc khi còn có thể. Hạnh phúc của tôi là được làm bánh.

Vào đại học, tôi quyết định theo nghề của thầy, trở thành một đầu bếp thật giỏi.

Tôi nói với thầy như thế, thầy chỉ lắc đầu bảo tôi thầy không cần một đầu bếp giỏi. Khi nghe thầy nói vậy, tôi chỉ thẫn thờ đứng bên bàn bếp và nhìn chiếc bánh dần chuyển thành màu đen. Tự hỏi mình: "Vậy thầy dạy tôi nấu ăn để làm gì?"

"Vậy tôi học nấu ăn để làm gì?"

Từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ, suy nghĩ rất nhiều, thắc mắc cũng rất nhiều, nhưng lần đầu tiên, tôi không dám nói với thầy tất cả những điều ấy. Tôi hoang mang. Từ bé đến giờ, thầy chỉ dạy tôi nấu ăn. Vậy thầy dạy tôi nấu ăn để làm gì?

Khi quyết định điền giấy đăng kí nguyện vọng, tôi chọn ngành tâm lí học với một suy nghĩ đơn giản là tôi sẽ hiểu được thầy nhiều hơn, và cũng vì thầy không muốn tôi trở thành một đầu bếp giỏi. Tôi là một đứa trẻ mười tám tuổi dễ tính và biết nghe lời.

Sống với thầy, thế giới của tôi vốn dĩ rất đơn giản: nấu ăn và tin vào một thế tươi đẹp bên ngoài nơi tôi sẽ bước đến. Và tôi tin rằng thầy sẽ hài lòng với lựa chọn của mình. Vậy mà khi nghe tin, thầy lặng lẽ thở dài. Cái thở dài của thầy, vừa sầu não, vừa tức giận. Thầy hỏi: "Khi nấu ăn con nghĩ đến ai?"

"Con nghĩ đến thầy, thầy luôn tự hào mỗi khi con làm xong một chiếc bánh, cho dù nó có tệ đến thế nào, thầy vẫn khen con. Vậy nên con đã rất cố gắng, và con luôn mong thầy lúc nào cũng cười tươi như thế. Nhưng mà con thật sự rất hoang mang, lí do gì thầy lại không muốn con trở thành một đầu bếp giỏi?" Tôi nức nở, thầy lại cười hiền như ông Bụt. "Một đầu bếp giỏi không vì nấu ăn ngon mà giỏi, mà vì anh ta biết quan tâm đến người thưởng thức món ăn. Nấu ăn cũng phải hiểu người thưởng thức, muốn hiểu người thưởng thức thì phải thấy cái đẹp của con người."

Tôi nhận được học bổng sang Pháp du học. Ngày biết tin thầy rất mừng, tự tay vào bếp làm cho tôi một cái bánh gato kem thạch để chúc mừng, trong khi tôi phải tự dằn vặt bản thân mình. Sang Pháp là một cơ hội tốt để nâng cao tay nghề, nhưng tôi đi rồi đâu còn ai hiểu thầy hơn tôi, ai chăm sóc cho thầy khi thầy ốm... Tôi lo lắng như vậy mà thầy tỏ ra tức giận, mấy ngày liền không chịu gặp mặt tôi, kể cả đến giây phút cuối cùng khi tôi sắp không còn được gặp thầy mỗi ngày nữa.

Giận thầy, những bước chân nơi đất khách quê người lại khiến tôi đau lòng vì tội lỗi, nỗi nhớ thầy thấm ướt mèm cả hai đôi má. Vừa về đến chung cư, tôi vội gọi điện cho thầy, chỉ nửa hồi chuông đã nghe thấy tiếng thầy trong điện thoại, rồi lúc đó tôi mới sực nhớ ra ở Việt Nam đang là hai giờ sáng. Trong phòng le lói một ánh đèn vàng, thầy đau lưng lại ngồi lặng lẽ bên chiếc điện thoại... Cứ nghĩ đến hình ảnh đó tôi lại nức nở khóc. Thầy thở dài rồi cúp máy. Từ đó về sau, trước khi gọi tôi đều hỏi thăm mọi người, lặng lẽ khóc một mình rồi mới dám gọi cho thầy. Thầy bảo rằng chỉ cần nghe tiếng tôi khóc là biết tôi vẫn bình an, điện thoại quốc tế gọi nhiều sẽ rất tốn!

Ở Pháp, mùa đông tuyết rơi phủ trắng cả đôi ngói đỏ, ánh đèn vàng từ cây cột điện bên cạnh nhà hắt qua ô cửa sổ trắng muốt. Nhiều lúc tôi lại ngỡ rằng mình đã tự nguyện nhắm mắt đề được đi lạc vào thế giới thần tiên. Những ngày tuyết rơi, tôi một mình ngồi trong nhà, ôm lấy cái lò sưởi mà lòng ham muốn được bay nhảy trong lớp bột tuyết trắng ấy. "Nhiều lúc" như thế đã không thể giúp tôi kìm chế tham vọng, cũng không thể ngăn cản tôi thực hiện giấc mơ ngay cả khi đang ho sù sụ. Tôi như một quả bom chỉ chực chờ đám bạn cùng phòng châm ngòi là nổ. Vậy nên tôi có một tuần ngao du thế giới thần tiên của mình...trên giường bệnh.

Các bạn cùng phòng đều lên giảng đường, chỉ còn mình tôi lặng lẽ trùm chăn kín mít. Ngoài trời tuyết rơi càng dày đặc, hệt như có ai đang thả từng lớp bột để chúng bám lấy thời gian và bắt chúng đông lại, hành hạ tôi bằng sự nhàm chán. Những lúc như thế này tôi chỉ muốn gọi về cho thầy, báo cho thầy biết là tôi bên này bị ốm, muốn thầy bay qua đây nấu cháo cho tôi ăn. Dù biết là không thể nhưng ít ra tưởng tượng cũng là một việc để giết thời gian.

Điện thoại reo, tôi vội vàng tung chăn lao đến cái máy rồi lại lao trở về giường. Vừa bốc máy tôi đã ho liền một tràng dài, thầy ở đầu bên kia thở dài, trách tôi sao không đi bác sĩ. Tôi im lặng, không dám nói với thầy là tôi...tiếc tiền. Thầy lại thở dài: "Hệt như con bé ngày xưa vậy." Tôi bất động một hồi, rồi húng hắng ho. Không hiểu sao khi thầy nhắc đến mẹ tôi lại có cảm giác ấm áp đến thế, cũng chẳng có một chút tò mò hay nuối tiếc. Chỉ vì tôi biết ba mẹ tôi ắt hẳn là những người tuyệt vời, vậy nên họ mới có thể trao tôi cho thầy nuôi dưỡng. Bởi khi nhớ đến thầy đang ngồi ở nhà chờ tôi trở về, tôi biết tôi luôn có một gia đình. "Quá khứ chỉ là quá khứ, nhưng chỉ có quá khứ hạnh phúc mới khiến con người vui vẻ biến nó thành kỉ niệm..." Tôi chính là quá khứ hạnh phúc của ba mẹ.

Ba ngày sau, thầy gửi tiền ra cho tôi, thêm chăn và một chiếc áo len. Suốt cả cuộc đời, thầy không chỉ là một đầu bếp, mà còn là một người thầy, người cha. Thầy dạy tôi làm bánh, dạy tôi điều còn quan trọng hơn bất kì điều gì tôi được học: "Người ích kỉ không phải là người quan tâm đến mình quá nhiều, mà quan tâm đến người khác quá ít."

Hai năm du học, tôi tốt nghiệp, nhanh hơn một năm so với các bạn cùng khóa. Vừa đặt chân xuống Nội Bài đã được chứng kiến cảnh mưa Hà Nội, mưa đượm mùi đất và nắng ấm. Hóa ra những con người đi xa quê, khi trở về đều được đất mẹ ưu ái cho những yêu thương, lặng thầm da diết.

Tôi trở về nhà, vẫn là góc phố cũ, mái hiên xưa, chỉ khác nền xi măng lấm tấm những đốm đen khi trời trở nắng. Thầy tựa trên chiếc ghễ gỗ cũ kĩ, ngắm mưa và cái vị mật ong dịu dàng giữa buổi chiều Hà Nội. Tôi lặng lẽ vào nhà cất đồ rồi pha trà chiều.

Thầy vẫn giữ thói quen cũ, nhâm nhi thời gian khi đang tan vào ánh chiều của con phố cổ.

"Thưa thầy, có trà rồi ạ."

Thiên Nha

:@

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top