Phần 2

Cha của Tô Dương là Tô Gia Phúc - một giáo viên dạy môn Lịch sử. Ông vốn vĩ đã luôn bi ai về sự xấu xa của lòng người xưa nay, lại thêm trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa phải hứng chịu không ít tráo trở từ những người từng là bạn bè thân thiết; những điều ấy khiến ông sớm lạnh nhạt và tuyệt vọng với cuộc đời. Nếu không vì đồng lương giáo viên không đến nỗi tệ và cảm giác được người khác trọng vọng thì có lẽ ông đã xuất gia đi tu cho xong đời rồi.

Nhắc đến Cách mạng Văn hóa, Tô Gia Phúc cực kỳ uất hận, bởi vì ông nội Tô Dương vốn là địa chủ, cuộc sống vô cùng xa hoa. Chỉ tiếc rằng đời cha ăn mặn đời con khác nước, Tô Gia Phúc - " giai cấp địa chủ chó má" - phải đằng đẳng hết thời thanh xuân. Trong mấy năm ròng, không một cô gái nào chịu mở miệng nói chuyện với anh, áp lực tâm lí đó khiến sau này hễ nhìn thấy phụ nữ là Tô Gia Phúc lại bị kích động, chỉ cần nói vài câu với họ là toàn thân run rẩy, mồ hôi đầm đìa, giống như lên cơn sốt rét, không tài nào tự chủ được, cứ như thế cho đến tuổi thành thân lập nghiệp. Vì thành phần xuất thân không tốt nên tuy Tô Gia Phúc giỏi giang tài hoa song vẫn chẳng có cô nào để mắt đến, đến năm ba mươi bảy ba mươi tám vẫn giường đơn gối chiếc. Mãi đến cuối những năm 70, Tô Gia Phúc mới "lừa" được mẹ Tô Dương, hãnh diện từ biệt cuộc sống độc thân, đến lúc sinh ra Tô Dương thì Tô Gia Phúc đã bốn mươi - cái tuổi "tứ thập nhi bất hoặc"( bốn mươi tuổi thì an nhiên tự tại). Khi ngắm nhìn con trai Tô Dương lanh lợi hoạt bát đái ỉa sòn sòn, Tô Gia Phúc mới hết cảm thấy cách biệt với thế giới bên ngoài.

Sau Cách mạng Văn hóa, trong lòng Tô Gia Phúc vô cùng u ám, gần như là méo mó tâm hồn. Điều đó dẫn đến việc, ngay từ khi mới chào đời, Tô Dương đã bị ép buộc phải tiếp nhận sự giáo dục theo quan điểm
"nhân sư tính bản ác" từ phía người cha. Tô Gia Phúc muốn dốc hết những căm thù, đau khổ mà mình từng trải qua trong suốt mấy chục năm với con trai bé bỏng, hòng giúp nó giẫm lại vào vết xe đổ của cha. Chiết lý đầu tiên mà Tô Dương tiếp thu chính là "Lòng người khôn lường, thế nhân bạc bẽo". Vì thế ngay từ nhỏ, cậu bé Tô Dương đã có thói quen trầm mặt ít nói, bất kể là chuyện gì, dầu có hiểu rõ bản chất thật sự việc cậu vẫn không mở miệng nói một lời, cùng lắm cũng chỉ mỉm cười để lộ cái răng cửa bị sứt mà thôi. Trông thì có vẻ cực kỳ hiền lành, nhưng thực ra cái thái độ ấy lại dễ khiến người ta có cảm giác nghi ngờ, hình như đứa trẻ này quá mưu mô, tuổi còn nhỏ mà trong bụng đã chất chứa toàn những mưu kế hiểm độc.

Về sau, cùng với việc dần trưởng thành, sự trầm mặt của Tô Dương cũng được thăng cấp, ngay cả nụ cười mỉm cũng không có nữa, thay vào đó là ánh mắt trống rỗng, yếu đuối đến bất lực mà thôi. Có đôi lúc ánh mắt ấy chợt phảng phất sự u buồn, có như ai đó vừa chiếm lấy một thứ vô cùng quý giá của cậu ta vậy. Người hiểu biết thì bảo đó là sự thâm trầm, người không hiểu biết thì lại cho rằng cậu ta là một thằng ngố tàu.

Hình như ông trời cũng không thể chịu đựng được cái sự vô lý ấy nên đã bù đắp cho việc cạy mồm không ra được chữ nào bằng cách trao cho Tô Dương ít nói bỗng say mê điên cuồng bởi môn Văn và dốc hết toàn bộ tinh thần, sức lực vào môn học này. Tô Dương kiên trì làm thơ viết văn, thậm chí còn sáng tác truyện hàng ngày, nhìn chung tất cả thể loại văn học cậu ta đều "nhúng bút" đến. Và hình ảnh mà mười năm trước bạn thường gặp nhất chính là cậu học trò cấp ba Tô Dương trong nửa năm chẳng nói với ai câu nào nhưng trong vòng một tiếng có thể sáng tác được mười bài thơ, khiến cho định kiến của những kẻ vốn xem cậu là một đứa quái đản phải hoàn toàn sụp đổ.

Tóm lại, Tô Dương cứ lớn dần trong thế giới im lìm như thế, trong suốt quãng đời niên thiếu đằng đẵng, mặc kệ người đời xì xầm thế nào cậu vẫn cứ an nhiên và ôm ấp mộng tưởng riêng của mình. Nhiều năm sau, khi Tô Dương đã thực sự trưởng thành, ngoảnh đầu nhìn lại quãng thời gian đã qua, anh vẫn cho rằng khí chất được nuôi dưỡng từ nhỏ ấy quả là không tồi, rất xứng đáng nhận được sự tán thưởng.

Từ rất rất lâu rồi, Tô Dương từng nghe một câu nói dớ dẩn ra vẻ triết lý của một tay nào đó cố ngụy trang làm nhà triết học: "thế giới này là một dấu hỏi lớn còn cuộc sống lại là một ẩn số, chính vì thế trong mỗi cuộc đời đều tràn ngập hư vô". Lần đầu tiên nghe câu nói này là khi Tô Dương đang ở lứa tuổi thanh xuân tràn đầy nhiệt huyết, mỗi tế bào trong cơ thể đều đang rừng rực phát triển, thế nên cái tay cậu cảm thấy cái tay triết học ba que kia thật rõ ngớ ngẩn, nếu câu nói ấy đáng được gọi là triết lý thì có lẽ trên thế gian này triết lý nhiều không đếm xuể. Trong con mắt Tô Dương, đem thế giới so sánh với "một dấu hỏi lớn" thì chẳng thà so sánh với đống "sản phẩm" vừa được "sản xuất" ra kia còn sinh động hơn. Khi nghĩ đến vấn đề này, Tô Dương đang ở nhà vệ sinh. Chức năng tiêu hóa của cậu từ trước đến nay luôn rất tốt, vì thế đi vệ sinh là một hoạt động hưởng thụ hàng ngày thú vị của Tô Dương. Nhưng hôm ấy, khi cậu cười xuống nhìn rồi ngẩng đầu lên ngắm hoàng hôn, vầng tịch dương đỏ như máu dần trở nên mơ hồ, mấy cánh chim lạc đàn vừa bay vừa kêu thê thiết, để lại trên bầu trời rất nhiều cô đơn, lúc ấy Tô Dương bất chợt cảm thấy một nỗi buồn đè nặng trong lòng. Cậu đột nhiên rất muốn viết một bài thơ, song vì khi ấy đang trong nhà vệ sinh nên chẳng có cách nào viết cả. Thực ra nếu khi ấy không thể viết được gì, vì cõi lòng đang bận tê tái ngậm ngùi. Cảm giác mới này cậu chưa từng trải qua, có gì đó hơi giống với hồi quang phản chiếu của những người già sắp lìa đời.

Tô Dương bùi ngùi trong nhà vệ sinh một lúc, sau đó bắt đầu suy tư về những thứ cao siêu mang đẳng cấp của "hình nhi thượng". Cậu nghĩ, sức mạnh của thơ ca thực ra rất khó nắm bắt, sống là một trạng thái vừa đáng thương vừa đáng buồn, hạnh phúc là một thứ xa vời không thể nào với tới, suy nghĩ về nhân sinh là một việc ngu xuẩn, thế giới này là một bất luận là một dấu hỏi hay là một đống đại tiện thì cũng chẳng liên quan gì tới bản thân ta? Dẫu Tô Dương có thông minh hơn người đi nữa thì cũng chẳng thể nào tìm được đáp án cho những câu hỏi ấy, vì thế cậu cứ ngồi lặng yên như thế, thèm được khóc một trận cho thỏa lòng.

Đương nhiên là Tô Dương không thể làm thế, bởi nếu cậu òa lên khóc thì rất có thể đám nam sinh trong nhà vệ sinh khi ấy sẽ coi cậu là một con quái vật biến thái mà ném cậu vào bể phân. Vì thế cậu chọn cách im lặng như từ trước đến nay vẫn thế, chỉ có điều sau khi kết thúc công cuộc suy tưởng trong nhà vệ sinh, mặt mũi Tô Dương đã tèm nhem nước mắt, bộ dạng bô nhếch giống hệt như một đứa trẻ bị lạc không tìm được đường về nhà.

Tô Dương vẫn còn nhớ rất rõ khi ấy cậu mới mười sáu tuổi, năm đầu tiên của cấp ba.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #thuyet#tieu