Quá trình phá huỷ một đứa trẻ.

Quá trình phá huỷ một đứa trẻ.

Năm 2019 rồi.

Tôi nghĩ có lẽ người lớn bây giờ chẳng mấy ai hơi tý là nói với con trẻ những lời nhảm sh*t kiểu như "ba mẹ con không cần con nữa rồi", "con được lượm về đó" đâu nhỉ?
Hoá ra chỉ là suy nghĩ của tôi quá ngây thơ.
Đợt Tết vừa qua, nhìn cái cách giao lưu giữa người nhà với cháu gái, tôi mới hay thì ra rất nhiều người lớn vẫn luôn dùng những trò đùa "cổ lỗ sĩ" để ghẹo trẻ con.
Cháu gái tôi hơn 6 tuổi, tháng trước nó biết sắp được lên Bắc Kinh chơi, nó vui lắm.
Ngày nào nó cũng đếm ngược xem còn mấy ngày nữa là được ngồi máy bay.
Ngày nào trước khi đi ngủ, nó cũng bàn với mẹ nó hết, nghĩ đến Bắc Kinh rồi thì nên đi đâu, nên chơi trò gì.
Mấy vị trưởng bối trong nhà thấy vậy, mới lợi dụng tâm trạng này để đùa nó.
Họ nói với nó rằng: "Haiz, giờ cháu không được đi Bắc Kinh nữa, máy bay hỏng rồi, không bay nữa..."
Nó nghe vậy, vô cùng đau lòng, khóc tội lắm, khóc thương lắm.
Họ thấy nó như thế, lại cảm thấy rất thú vị......
Người lớn trong nhà chơi trò này vui vô cùng luôn, cứ 1, 2 ngày là lại lôi ra chơi tiếp, lần nào cũng phải đợi đến khi cháu tôi khóc quá trời mới thôi...
Lúc mẹ kể lại chuyện này cho tôi, mẹ cũng thấy rất vui.
Tôi biết ý mẹ muốn nói chỉ là xem nó thế kia là biết nó mong đến Bắc Kinh chơi nhường nào.
Nhưng tôi nghe mà khó chịu, nghe mà đau lòng.
Tôi nói với mẹ rằng mọi người cứ cố ý chọc cho cháu nó khóc tội như vậy không thấy mình rất tàn nhẫn sao?
Mấy hôm trước, cuối cùng thì cả nhà cháu với mấy người họ hàng nữa cũng đến Bắc Kinh, người lớn trong nhà vẫn tiếp tục trêu như vậy.
Ngày nào chúng tôi cũng dạo quanh các điểm du lịch, lúc ngồi xe thì đứa trẻ nào chả mệt, chả buồn ngủ.
Cháu gái tôi cũng vậy.
Nhưng cậu mợ tôi lại cứ đùa nó, bảo: "Cháu ngủ đi, đến lúc xuống xe mọi người không gọi cháu dậy đâu, cháu tỉnh rồi sẽ thấy trên xe chẳng có ai, còn mỗi cháu thôi..."
Nó bị doạ, không dám ngủ.
Tôi chịu không nổi trò này nữa, thế là ngăn cản lời trêu đùa của họ, chân thành nói với nó rằng: "Không sao đâu, cháu yên tâm ngủ đi, lát xuống xe rồi cô gọi cháu dậy."
Nó không có cảm giác an toàn, hỏi: "Thật không ạ? Cô hứa đi."
Tôi nói: "Thật mà, cô hứa, ngoéo tay đảm bảo luôn."
Nó cứ hỏi đi hỏi lại rồi mới dám ngủ.
Thực sự là tôi chẳng thể hiểu nổi tại sao mọi người lại cố tình làm trẻ lo lắng, sợ hãi như vậy?
Tại sao lại muốn đập tan sự tin tưởng của trẻ đối với người lớn?
Đối với trẻ, người lớn là cả thế giới của chúng.
Chúng ta lấy ưu thế về tuổi tác cùng kinh nghiệm trải đời để hù doạ trẻ, tổn thương trẻ như thế vui lắm sao?
Chẳng vui chút nào cả.

.

Tôi nhắc chuyện này trong group chat với mấy người bạn, ai cũng thổn thức.
Một người bạn kể, hồi nhỏ cô ấy sống dưới quê với ông bà nội, ba mẹ thì đi làm xa tận Thâm Quyến, cô ấy rất nhớ họ.
Hàng xóm thường hay trêu cô ấy rằng: "Nãy bác gặp ba mẹ cháu trên đường, họ nói tối nay sẽ về nhà."
Cô ấy nghe thế háo hức vô cùng, ra trước cổng ngồi chờ, chờ ròng rã cả một ngày, bất kỳ một tiếng động nào đều khiến cô ấy hồi hộp cùng mong ngóng.
Nhưng, chẳng có ai về cả.
Nếu như không có hi vọng, thì đã không phải thất vọng thế kia.
Lần nào cô ấy cũng ôm đầy hi vọng đợi đến tối muộn, rồi lại nếm trải nỗi thất vọng hết lần này đến lần khác.
Giờ đây nghĩ lại, cô ấy chỉ muốn đánh c hết những người hàng xóm rỗi hơi kia thôi.
Một người bạn khác lại kể cho tôi nghe một chuyện hết sức đáng sợ.
Lúc cậu ấy còn nhỏ, nhà bên có một cô mang thai bé thứ hai, hàng xóm suốt ngày doạ đứa lớn nhà cô ấy: "Mẹ cháu sinh em rồi thì cho cháu ra rìa đấy."
Thế là em bé vừa ra đời được mấy ngày đã bị đứa lớn bóp c hết.
Cả nhà vô cùng hằn học, thống hận đứa con lớn, mà chẳng hay căn nguyên tội ác chính là những người hàng xóm! Chuyện này không phải lỗi của con trẻ!
Tôi từng đọc một bài báo kể mẹ của bé gái kia sinh em, là con trai.
Hàng xóm mới bảo bé gái kia rằng: "Em cháu là con trai đấy, mẹ không cần đứa vịt giời như cháu nữa đâu! Cháu mau lấy kéo cắt chim em cháu đi!"
Bé gái kia làm theo thật.
Loại hàng xóm ác độc như vậy đáng bị xẻo thành trăm mảnh.
Đúng vậy, rất nhiều lúc người lớn sẽ bảo đùa thôi mà, trẻ con thì không được đùa à?
Không được!!!
Tôi có thể đùa mấy người như thế không?
Suốt ngày mấy người nói với trẻ con, ba mẹ cháu không cần cháu nữa đâu.
Vậy tôi có thể suốt ngày nói với mấy người rằng "vợ anh/chồng chị ngoại tình kìa, đi khách sạn với người ta luôn rồi đó" không?

.

Có thể bạn không ý thức được, một câu đùa nào đó mà bạn tùy tiện nói ra đều sẽ mang lại những ảnh hưởng trái chiều rất lớn cho trẻ.

Thứ nhất, khiến trẻ không có cảm giác an toàn.
Câu "ba mẹ cháu không cần cháu nữa" thật sự sẽ khiến con trẻ ám ảnh cả đời.
Đối với trẻ con, thứ mà chúng cần nhất, chính là cái cảm giác cho dù xảy ra bất kỳ chuyện gì, cha mẹ sẽ luôn yêu chúng vô điều kiện, đây là điểm tựa nâng đỡ cả thế giới của chúng.
Khi trẻ còn rất nhỏ, nếu cứ nghe mãi những lời vứt bỏ như thế, biết được ba mẹ không cần chúng nữa rồi, chúng sẽ cảm thấy mình không còn ai để dựa dẫm. Suy nghĩ thiếu cảm giác an toàn này rất đáng sợ, dẫn đến việc trẻ không hiểu yêu và được yêu.

Thứ hai, khiến trẻ không tin tưởng lời nói của người lớn.
Năm tôi 4 tuổi, sang chơi nhà họ hàng, nhà bác ấy có cái bàn ủi, tôi hỏi bác, bàn ủi có làm cháu bị bỏng không ạ?
Bác ấy cười nói, không đâu.
Tôi tin bác ấy, thế là đưa tay sờ, kết quả là bị bỏng, rộp hết cả lên.
Bác ấy thấy trò đùa của mình thành công, ngoác mồm cười ha hả. Trong khoảnh khắc ấy, tôi cảm thấy người lớn sao mà xấu quá chừng.
Nếu như người lớn chỉ biết vui thú riêng mình mà đi lừa gạt trẻ con, thì trẻ con sẽ cảm thấy chẳng thể tin vào lời nói của người lớn xíu nào cả, dần dà, sẽ không tin tưởng người lớn nữa.
Đồng thời, chúng sẽ học được nói dối.

Thứ ba, trẻ sẽ quen thói lấy lòng người lớn.
Có vài trẻ, không hùa theo trò đùa của người lớn, sẽ bị phê bình rằng: "Không biết đùa gì cả."
Có vài trẻ, học được cách nhìn sắc mặt người lớn, hùa theo mọi kiểu trêu đùa, thế là được khen: "Bé này hiểu chuyện quá."

Thứ tư, nghiêm trọng hơn cả, sẽ hình thành tính cách vặn vẹo nơi trẻ.
Tất cả những trò đùa cợt của người lớn cũng chỉ vì kích thích trẻ nhỏ sinh ra các loại cảm xúc khác nhau, chẳng hạn như: đau lòng, lo lắng, sợ hãi, tức giận, v.v... Đùa kiểu này nhiều sẽ khiến trẻ hình thành tâm lý phản kháng, chống đối kịch liệt, sẽ khiến trẻ bài xích việc giao lưu giữa người với người.

.

Nói thật thì ở nước ta, rất nhiều người lớn mới là kẻ không biết chừng mực, còn không hiểu chuyện bằng trẻ con.

Dưới đây là những cách trêu trẻ con sai lầm.

1. Không nên hỏi trẻ, thích ba hơn hay thích mẹ hơn.
Bạn là người lớn, bạn cũng không thích trả lời câu "Nếu mẹ với vợ cùng rơi xuống nước thì sẽ cứu ai?" đấy thôi. Trẻ con cũng vậy.
Vả lại, cho dù chúng trả lời thế nào đi nữa thì đều sai cả.
Nói thích mẹ, ba sẽ thất vọng. Nói thích ba, mẹ sẽ cảm thấy đứa trẻ này chẳng có lương tâm gì hết. Nói thích cả hai, sẽ bị đánh giá rằng khôn ranh, giả dối...
Cũng đừng hỏi trẻ mấy câu như, thích bà nội hay bà ngoại hơn, thích cô hay thích dì hơn. Mấy người rỗi hơi thế cơ à?

2. Đừng lấy bao lì xì để đùa trẻ.
Phát bao lì xì cho chúng còn bắt này bắt nọ: hát một bài rồi cô cho cháu, gọi bác là ba đi rồi bác cho,...
Tại sao phải làm vậy?
Con người ta không phải hát rong, cũng chẳng có thói nhận bố hờ.

3. Đừng dọa trẻ rằng sẽ bị chú công an bắt.
Người lớn vì tránh rách việc, lúc nào cũng dùng lời đe doạ để thay cho giáo dục, mấy câu kiểu như chú ông an bắt con đi bây giờ...
Khiến trẻ vô cùng sợ hãi công an.
Trên thực tế, nên nói với trẻ rằng, gặp việc gì thì phải tìm chú công an, chú công an là người bảo vệ chúng ta...

4. Đừng nói dối để qua loa lấy lệ trẻ.
Vụ này rất phổ biến.
Cháu gái tôi không nỡ rời khỏi Bắc Kinh, mọi người trong nhà mới dỗ nó rằng để mấy ngày nữa lại đến Bắc Kinh chơi.
Vì khiến trẻ yên lòng, họ thuận miệng hứa hẹn những chuyện không bao giờ xảy ra.
"Đừng khóc nữa, ngày mai mẹ dắt con đi khu vui chơi." "Giờ con đi ngủ đi rồi mai bà mua đồ chơi cho."
Chẳng có câu nói nào được thực hiện cả. À không, mấy người căn bản là chưa từng muốn thực hiện nó mới đúng. Nếu con trẻ nói dối thì mấy người lại tức giận, có tư cách để tức giận sao? Mấy người mới là những kẻ luôn miệng nói dối.

5. Không nên cho trẻ ăn một cách tuỳ tiện.
Lừa trẻ rằng rượu ngọt lắm, uống đi. Lừa trẻ rằng ớt ngon lắm, ăn đi. Rồi nhìn trẻ sặc sụa, cay chảy nước mắt thì cực kỳ vui vẻ, loại người lớn như vậy thực sự là có bệnh về thần kinh. Dạo trước có vị người lớn nọ cho trẻ uống rượu đế, khiến trẻ đột tử, chẳng lẽ những tin tức như vậy chưa đủ để ta sợ hãi sao? Bạn tôi còn kể, lúc Tết ăn cơm Tất niên với cả họ, mấy người họ hàng cứ cầm đồ ăn để trêu con của cô ấy, bé nó vươn tay lấy thì họ lại giật lại không cho, cười tít lên khi thấy bé thèm... Phóng đại mà nói, thì việc trêu trẻ kiểu Trung Quốc này chính là một loại văn hoá ỷ mạnh hiếp yếu.

Rất nhiều người Trung Quốc lúc nào cũng sùng bái quyền quý, kẻ mạnh, bắt nạt người nhỏ, người yếu hơn mình. Có giỏi thì bắt nạt sếp của bạn, ông chủ của bạn đi. Có gan thì lúc nộp báo cáo nói với sếp của bạn rằng, hát một bài đi rồi cho ông báo cáo, gọi tôi là bố đi rồi tôi cho. Bạn không nói thế với sếp, bạn chỉ nói thế với trẻ con thôi, ừ thì cũng bởi: Có ai nhỏ yếu, dễ bắt nạt hơn trẻ con đâu?
Bao giờ chúng ta học được đối xử công bằng với trẻ, tôn trọng suy nghĩ của trẻ, thì chúng ta mới thật sự văn minh, tiến bộ.

Cuối cùng, tôi muốn nói với tất cả các bậc làm cha, làm mẹ rằng: Nếu như có kẻ trêu đùa con bạn như thế, xin bạn hãy đứng về phía con trẻ, hãy tỏ thái độ với mấy kẻ kia ngay lập tức. Chẳng có ai quan trọng hơn con bạn cả.

Nguồn: 英语蔡Sir
Tranh minh hoạ: Slava Triptih
Dịch: Linh Lung Tháp

Còn có kiểu lấy chuyện xấu hổ của con cháu ra để kể với người khác, người lớn thấy nói ra để mua vui thôi, nhưng trẻ con thì không thấy vậy. Người lớn không biết trẻ con khó chịu thế nào đâu. Thử hỏi người lớn có chịu để người khác lấy mình ra làm trò cười không?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top