Tổng quan phong tục người Hà Nội
Tổng quan phong tục người Hà Nội
Năm 1010, mới lên ngôi được 5 tháng, Lý Công Uẩn đã ban chiếu hỏi ý kiến triều đình về việc dời đô. Bài chiếu có đoạn nói về vị thế của miền đất sau này sẽ mang tên gọi có ý nghĩa “Rồng lên”: “ ... Thành Đại La ở vào chính giữa trời đất, có cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, đã đúng ngôi nam bắc đông tây lại tiện thế nhìn sông tựa núi.
Đất ấy rộng mà bằng phẳng, cao ráo mà sáng sủa; dân cư không phải cái nạn tối tăm ẩm thấp, muôn vật cực kỳ giầu thịnh đông vui. Xem khắp nước Việt, đó là đất danh thắng, thật là đô hội trọng yếu để bốn phương sum họp và là đô thành bậc nhất đáng mặt làm kinh sư cho muôn đời ”.
Quần thần hoan nghênh, và vào mùa thu năm đó, kinh đô được dời ra Đại La và tên mới được đặt là Thăng Long thành. Kể ra thì vùng danh thắng ấy, từ lâu đã cùng các địa phương khác góp phần làm nên sự thịnh vượng của đất nước, ít ra là từ khi trở thành phụ cận của kinh đô Cổ Loa lịch sử, rồi khi bị Bắc thuộc với các tên gọi Tống Bình, Tống Châu rồi Đại La thành. Tuy nhiên, phải từ 1010 trở đi, Thăng Long mới tỏ rõ là một đô thành lớn nhất nước Việt Nam trong nhiều thời kỳ lịch sử và có một cốt cách văn hoá rất độc đáo, rất riêng. Được vậy là do vùng đất này có những ưu thế:
Đó là một đồng bằng cao ráo, tiện lợi cho việc xây dựng. Dải đất ấy nằm ở giao điểm một mạng lưới sông ngòi để lên rừng xuống biển, sang Bắc vào Nam đều dễ dàng, trở thành một đầu mối giao thông tiện lợi cho việc phát triển kinh tế cũng như giao lưu văn hoá. Đấy là còn chưa kể rằng, vùng đất đó khá mầu mỡ, đủ điều kiện canh tác nuôi sống đông đảo cư dân. Và cuối cùng, Thăng Long, ấy là nơi tụ hội nhân tài, kết tụ tinh hoa khắp bốn phương, để làm thành nơi đô hội phồn thịnh.
Với những thuận lợi trên, cùng với năm tháng, Thăng Long - Hà Nội trải qua bao thăng trầm, để đến nay là một thủ đô phát triển từng được Chính phủ tặng danh hiệu “Thủ đô anh hùng” và được Uỷ ban Giáo dục Khoa học Văn hoá (UNESCO) Liên hiệp quốc tặng danh hiệu “Thành phố vì hoà bình”.
Là trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế hàng ngàn năm, nên Hà Nội nhất định phải trở thành đầu mối giao lưu của các vùng miền trong cả nước. Trong các mối giao lưu này, có giao lưu về văn hoá, về phong tục tập quán, nhờ đó, lối sống “trăm miền” đã hoà thành lối sống Kinh Kỳ - Thăng Long - Hà Nội. Cho nên phong tục tập quán của Hà Nội đa dạng, phong phú. Tuy nhiên trong đó cốt lõi vẫn là kế thừa và phát triển những nhân tố hợp lý, đẹp đẽ của phát triển tập quán của cộng đồng người Việt.
Vì là Kinh Kỳ, Thủ đô, trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế của một nước nên bên cạnh sự giao lưu văn hoá trong phạm vi nội địa còn có sự thâm nhập những giá trị văn hoá từ bên ngoài nhất là các nước đã có những tiếp xúc lịch sử với Việt Nam, Hà Nội (như Trung Quốc, Pháp trước kia hoặc Liên Xô, Hoa Kỳ thời hiện đại).
Cơ sở cư dân
Muốn xét những phong tục tập quán của một vùng thì điều kiện không thể thiếu là phải tìm hiểu những chủ thể đã sáng tạo ra các lề thói sống của vùng đó. Còn chưa tìm hiểu kỹ nguồn gốc, quá trình hình thành và đặc tính của của cộng đồng dân cư, thì còn chưa thể nói đến những cơ sở làm nên nét đặc trưng của tập quán, phong tục của một vùng quê nói chung, và của vùng đất Thăng Long - Hà Nội nói riêng.
Cư dân Thăng Long - Hà Nội thật không thuần nhất. Dải đất này nếu tính từ khi ra khỏi ẩn số của lịch sử thì là từ thế kỷ thứ V. Nhưng hỏi liệu bao nhiêu gia đình có từ ngày đó và tồn tại đến nay ở Hà Nội thì câu hỏi ấy không ai trả lời được. Thậm chí, cũng chưa ai trả lời được câu hỏi có bao nhiêu gia đình đã hiện diện tại Hà Nội từ khi bắt đầu là kinh đô Thăng Long (1010) thì cũng không có cứ liệu.
Kể ra, ở những làng ngoại thành và ven đô cũ (nay đa số đã nằm trong nội thành) mà là thuộc những phường nông nghiệp cổ thì cư dân ít xáo trộn nên có nhiều gia đình còn giữ được gia phả ngược lên đến tận thế kỷ XV, XVI. Như ở làng Trung Tự vốn thuộc phường Đông Tác xưa, nay là phường Trung Tự quận Đống Đa có họ Nguyễn (của những học giả Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Kha...). Gia phả mà dòng tộc này còn giữ được cho biết: họ vốn gốc tự Gia Miêu, Thanh Hoá, ra cư trú tại Trung Tự từ thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) và đến nay (2004) trẻ nhất là thế hệ thứ 18. Hay phả hệ của họ Phạm ở Đông Ngạc (Vẽ), huyện Từ Liêm - một gia tộc lớn với những chi Phạm Gia, Phạm Quang, có nhiều danh nhân, bác học - cũng ghi là gốc ở làng Đông Biện, Thanh Hoá, ra cư trú tại Vẽ từ cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, nay trẻ nhất là thế hệ thứ 18. Còn họ Nguyễn ở làng Vân Điềm, huyện Đông Anh - dòng họ đã sản sinh ra các bậc đại nho như Nguyễn Án, Nguyễn Tư Giản và nhà viết tiểu thuyết lịch sử tài danh Nguyễn Triệu Luật - thì lại coi cụ Nguyễn Thực (1553 - 1637) là tổ thứ 1 và nay trẻ nhất là đời thứ 17 (gia phả còn cho biết đây chính là dòng dõi nhà Lý bị nhà Trần đổi ra họ Nguyễn; có điều là thời gian quá xa nên không rõ tên họ các cụ tổ họ Lý).
Đó là trường hợp những nơi ít biến động dân cư. Còn các khu vực vốn là những phường thương nghiệp và thủ công ở ven cửa Sông Hồng và ven Sông Tô (nay là khu vực các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng) thì dân cư xáo trộn nhiều. Người buôn bán và người làm hàng thường ít khi trụ nhiều đời ở một địa điểm. Là bởi hai lý do: một là phá sản, phải bật đi cầu thực ở tha phương; hai là, trong trường hợp ngược lại, do khá giả lên mà có nhu cầu tìm những nơi ở khác, sang trọng rộng rãi hơn, thuận tiện hơn cho kinh doanh, thậm chí chuyển hẳn sang tỉnh khác để làm giầu. Trong thực tế, nào có thiếu gì những trường hợp đúng như điều ghi nhận của câu ngạn ngữ cũ: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời!”. Việc hưng thịnh hay sa sút trong kinh doanh đâu có hiếm. Đấy là còn chưa kể đến hiện tượng nhiều con em các gia đình ở khu vực này thi đỗ, đi làm quan ở các tỉnh xa rồi cư ngụ luôn tại đấy, đôi khi kéo theo cả họ hàng đến ở cùng. Và luồng nhập cư vào Thăng Long cũng lại luôn diễn ra rất thường xuyên.
Thời nào cũng vậy, người “tứ chiếng” cũng vẫn đổ về Thăng Long - Hà Nội làm ăn. Có lần, vào thời Lê Thánh Tông, thế kỷ XV, dân các trấn về Thăng Long đông quá khiến triều đình toan đuổi tất cả về nguyên quán. Chỉ đến khi biết rằng chính họ là nguồn cung nạp thuế quan trọng và làm ra nhiều sản phẩm cần thiết thì nhà vua mới xét lại mà đuổi riêng bọn du thủ du thực vô nghề nghiệp mà thôi. Hay như thế kỷ XVIII, trong Thượng Kinh phong vật chí cũng phải ghi: “Khách bốn phương, những người thích nơi Thượng kinh đua nhau đến ở quanh cả kinh đô, không lúc nào ngớt, đều cố nhanh chân rảo bước mà đến như tranh đến kinh đô nước Yên xưa”.
Có thể nêu một ví dụ: ở ngõ Phất Lộc nay thuộc quận Hoàn Kiếm còn có một ngôi nhà thờ họ Bùi Huy là một họ lớn, nổi lên ở Thăng Long từ đầu thế kỷ XVIII và cho tới nay họ vẫn có nhiều thành viên thành đạt cả trong và ngoài nước. Họ Bùi ấy vốn không phải gốc ở ngõ này. Và cái tên Phất Lộc cũng không phải tên gốc của ngõ đó. Đây vốn là ngõ Phúc Lộc thuộc huyện Thọ Xương.
Cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, có một dòng họ Bùi quê quán làng Phất Lộc thuộc huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình lên Thăng Long ngụ ở cái ngõ lúc bấy giờ còn gọi là Phúc Lộc. Sau đó, con cháu phát đạt, người làm quan, người buôn bán giầu có, nên mua được phần lớn đất thổ cư trong ngõ. Sau đó, người làng Phất Lộc Thái Bình cũng theo gương ấy kéo ra ngụ cư tại đây, do vậy hầu hết đất ngõ thuộc về người Phất Lộc và đến một lúc nào đó, con ngõ được gọi là Phất Lộc. Nếu tính từ ông cụ tổ họ Bùi lên Thăng Long đến nay thì người trẻ nhất của dòng họ Bùi trong ngõ là đời thứ 11 (gia phả còn ghi được 8 đời trước đó ở Phất Lộc, Thái Bình).
Còn đây là một ví dụ khác: họ Đỗ Đức vốn ở phường Thịnh Quang (nay vẫn mang tên này, thuộc quận Đống Đa), sau có một chi di vào làng Hạ Đình, thuộc xã Nhân Mục, nay thuộc quận Thanh Xuân. Theo gia phả ghi lại thì cụ tổ thứ nhất của họ này có thể là ở Lạc Đạo (Hưng Yên) di sang Thịnh Quang từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Họ này từng có ông Đỗ Chân Thiết, một chiến sĩ của phong trào Đông du Phan Bội Châu, bị Pháp bắt xử tử, có bà Đỗ Thị Tâm đảng viên Quốc dân đảng Nguyễn Thái Học, bị bắt và đã tự sát trong nhà tù Hoả Lò để phản đối chế độ nhà tù thực dân. Gần đây, có nhà văn Đỗ Đức Thu nổi tiếng thời 1938 - 1945.
Nhưng trong thực tế lịch sử, vẫn còn một nguồn cư dân khác gia nhập vào cộng đồng Thăng Long - Hà Nội. Đó là những người nước ngoài đến lập nghiệp ở nơi đây. Phần lớn trong số họ là người Hoa. Không kể những người Hoa mà tổ tiên sang Việt Nam, cư ngụ ở Đại La từ thời Bắc thuộc mà chỉ kể những người Hoa được phép sinh sống ở Thăng Long trải qua các triều Lý, Trần, Lê, thì sử cũ cũng đã từng ghi: năm 1274, có 30 thuyền người Hoa xin nhập tịch nước ta, được phép cư ngụ ở Thăng Long. Dư địa chí của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) cũng chép là, trong số 36 phường họp thành Kinh đô Thăng Long, có hẳn một phường người Hoa được cư trú. Đó là phường Đường Nhân. (Thời cổ có lúc cả thế giới gọi người Hoa là người nước Đường). Phường đó tương ứng khu vực phố Hàng Ngang và lân cận.
Khoảng thế kỷ XVI, người Hoa chỉ được phép cư ngụ ở Phố Hiến (Hưng Yên). Sang thế kỷ XVII họ được lên Thăng Long. Hẳn là đông đúc nên có lúc họ xin chính quyền thành Thăng Long cho họ đứng ra tu bổ xây kè dọc bờ sông Hồng từ bến Hàng Mắm đến tận bến Tây Long (tức chỗ Nhà Hát Lớn ngày nay). Chả là thuở đó sông Hồng chảy sát chân đê, tức chân đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải bây giờ. Cho mãi đến năm 1945, ở Hà Nội, vẫn còn hàng chục cửa hàng của các chi phái họ Phan từ Quảng Đông sang mở cửa hiệu ở Hàng Ngang khoảng trăm năm trước, đã Việt hoá hoàn toàn. Đó là các hiệu Phan Hưng Thành, Phan Hoà Thành, Phan Đức Thành, Phan Thái Thành... và những thế hệ người Hoa ở phố Phúc Kiến (nay là Lãn Ông), Hàng Buồm, Hàng Bồ… Tuy nhiên, suốt quá trình nhập cư, có rất nhiều gia đình người Hoa đã Việt hoá, nhập tịch làng Việt, trang phục như người Việt, đàn bà cũng vấn khăn, nhuộm răng, ăn trầu.
Ngoài người Hoa phải kể đến người Chăm, những lớp người được đưa từ phương Nam ra trong nhiều trường hợp khác nhau. Trong đó, trừ những người bị bắt đưa ra sau các cuộc chiến tranh thì số người tự nguyện đến ViệtNam, đến Thăng Long - Hà Nội cũng là không ít. Sử cũ còn ghi: năm 1039, một hoàng tử con vua Chăm đã cùng 5 gia tộc vượt biển ra Thăng Long quy phục nhà Lý. Năm 1390, lại có hai hoàng tử làm như vậy đối với nhà Trần. Còn quy phục nhà Lê thì có một quý tộc Chăm, tên là Phan Mỗ, năm 1448, đem theo bà con họ hàng làng xóm tất cả 340 người. Các làng ở Hà Nội, nếu trong tên có chữ Sở thì phần lớn là các sở đồn điền dành cho người Chăm như Vĩnh Tuy Sở, Thịnh Quang Sở, Xuân Tảo Sở, Quán La Sở... Đặc biệt có làng Phú Gia (quận Tây Hồ) có hai họ Bố và Ông là gốc Chăm (mãi tới đời Tự Đức khoảng 1848-1950 một viên quan phủ hoặc huyện hách dịch không muốn dân xưng bố và ông với quan nên bắt đổi Bố ra Hi và Ông ra Công. Nay hai họ này vẫn là cư dân chính của làng Phú Gia. Sách Hoàng Lê nhất thống chí có kể chuyện ông Phương Đình Pháp, một vị quan can đảm thời vua Lê Cảnh Hưng, đã dám ngăn không cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đeo gươm đi lên chính điện gặp vua. ông Pháp là người Quán La Sở và gốc Chăm. Còn trước đó thì có bà Phan Ngọc Đô, một phi tần được vua Lê Thánh Tông (?) đưa ra Thăng Long, cho ở tại trang Thiên Niên (nay là Trích Sài, phường Bưởi, quận Tây Hồ). Bà đã dạy cho dân vùng này dệt một mặt hàng lụa rất mỏng, mịn, nhuộm thâm, bóng láng, mặc mát, gọi là dệt lĩnh.
Luồng nhập cư đã liên tục và mạnh mẽ thì cư dân tất phải xáo trộn. Các thế hệ “tứ chiếng” kéo về Thăng Long sinh cơ lập nghiệp đã lập ra các phố phường trải qua chiều dài của hàng chục thế kỷ. Những lớp người ấy, lẽ tất nhiên phải đem đến Thăng Long - Hà Nội những lề thói của địa phương mình. Song các lề thói ấy, theo thời gian, đã được chung đúc lại, chắt lọc ra, hoà với người Thăng Long bản địa để cùng tạo nên cái phong tục riêng của chốn Kinh Kỳ, cái vẫn được tục ngữ gọi là “đất lề quê thói”, nhưng đã là lề là thói mang những nét thanh lịch riêng có ở chốn Thượng kinh.
Nói cách khác, các thế hệ nhập cư Thăng Long đã tự điều chỉnh, tự hoàn chỉnh nhân cách, nâng cao lên cho hợp với điều kiện và môi trường kinh đô. Sự tồn tại của họ chính là kết quả của quá trình hoà đồng, dung hội lâu dài. Cho nên, dù không thuần khiết như làng quê, song ở Thăng Long - Hà Nội đã thực sự hình thành một cộng đồng mới với những quan hệ mới, và theo đó, hình thành những lề thói riêng của dải đất kinh kỳ này. Cứ thế, trải ngàn năm, miền đất đẹp đẽ, linh thiêng Thăng Long - Hà Nội đã thành một vùng văn hoá với những phong tục tập quán nảy sinh từ sự hoà hợp các cư dân của nhiều miền tụ hội về.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top