người lái đò
ĐỀ BÀI:
Cảm nhận về hình tượng ông lái đò trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân qua hai đoạn văn sau:
- “Ông đò hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình. Mặt nước hò la vang dậy quanh mình, ùa vào mà bẻ gãy cán chèo võ khí trên cánh tay mình. Sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên. Nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh ba não bạt. Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò […]. Mặt sông trong tích tắc lòa sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng. Nhưng ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lùng, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm. Tăng thêm mãi lên tiếng hỗn chiến của nước của đá. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái”.
- “Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với Sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ”.
Bài văn mẫu #HoàngKhánhDuy.
Cuộc sống lao động luôn là mảnh đất màu mỡ để các cây bút đào xới, ấp ủ những hạt mầm xanh non. Trong giai đoạn miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã có nhiều nhà văn hướng bút khám phá vấn đề này, tiêu biểu là Nguyễn Khải (với hình tượng nhân vật Đào trong “Mùa lạc”), Đào Vũ (với hình tượng nhân vật lão Am trong “Cái sân gạch”), đặc biệt là Nguyễn Tuân (với hình tượng người lái đò trong “Người lái đò Sông Đà). Tùy bút “Người lái đò Sông Đà” được in trong tập “Sông Đà” (1960), tác phẩm là kết quả của chuyến “xê dịch” thay đổi chỗ để tìm cảm giác mới lạ, tìm kiếm “chất vàng” của màu sắc núi sông cùng với “thứ vàng mười đã qua thử lửa” trong tâm hồn những người chiến đấu và lao động trên miền núi sông hùng vĩ mà thơ mộng này. Hình tượng ông lái đò trên Sông Đà trong bài tùy bút này mang vẻ đẹp chung của người lao động Tây Bắc trong công cuộc cải tạo thiên nhiên và xây dựng cuộc sống ở miền núi cao Tây Bắc. Trong đoạn văn miêu tả cảnh ông lái đò gồng mình chiến đấu với thạch trận sông Đà và đoạn văn miêu tả tâm trạng ông đò sau cuộc chiến, ta thấy được những nét đẹp khác nhau tồn tại trong con người anh dũng này.
“Phong cách” là một trong những yếu tố riêng biệt của nhà văn. Tuy nhiên, mấy ai dám chắc rằng trên hành trình viết văn mình sẽ giữ vững cái “phong cách” ấy như lúc bắt đầu, không hề thay đổi? Có lẽ là không! Đôi khi hoàn cảnh xã hội cùng khát khao làm mới chính bản thân mình buộc nhà văn phải thay đổi những điều vốn đã in hằn vào tim người đọc. Ngay cả Nguyễn Tuân, một nhà văn lớn của văn học đương đại Việt Nam cũng đã từng thay đổi phong cách. Nếu trước Cách mạng tháng Tám, thế giới nhân vật mà Nguyễn Tuân ưa thích hầu hết là những con người thuộc về cái thời vang bóng, hoặc sống trong thực tại cũng bơ vơ lạc lõng như những kẻ “sinh nhầm thế kỉ”. Với ông, đó là những người tài, những nghệ sĩ, xứng đáng để ông hạ bút tô vẽ. Nhưng sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tuân lại tiếp cận thế giới thiên về phương diện văn hóa nghệ thuật, tiếp cận con người thiên về phương diện tài hoa nghệ sĩ. Nhân vật chính của ông trong giai đoạn này là tập thể nhân dân đaị chúng: chị dân quân, anh bộ đội, ông lái đò…Dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, những con người ấy không chỉ là người lao động, chiến đấu mà còn là người nghệ sĩ tài hoa, được mô tả cụ thể trong khung cảnh phù hợp với tính cách tài hoa nghệ sĩ ấy. Ông lái đò trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà” được Nguyễn Tuân đặt trong miền không gian hùng vĩ, sông nước thác ghềnh trắc trở, hiểm ngụy Từ đây Nguyễn Tuân làm bật lên được chí khí, sức mạnh và vẻ đẹp nghệ sĩ của con người tuyệt vời này.
Con Sông Đà trong trang văn của Nguyễn Tuân chính là phông nền, là không gian nghệ thuật cho sự xuất hiện hình tượng người lái đò. Ông lái đò được Nguyễn Tuân miêu tả trong cuộc thủy chiến ác liệt. Thoạt nhìn, đây là cuộc chiến đấu không cân sức bởi một bên là thiên nhiên hùng vĩ, dữ dội, một bên là con người đơn độc, bé nhỏ giữa thiên nhiên. Ở hai đoạn văn trên, nhà văn đã khắc họa thật rõ nét hình ảnh người lao động Tây Bắc với hai nét đẹp: dũng cảm, mưu trí và nghệ sĩ, tài hoa. Với sự tự do phóng túng trong phóng cách, Nguyễn Tuân đã gây được sự hấp dẫn của những trang văn viết về thiên nhiên Sông Đà và con người Tây Bắc. Điều này không phải bất cứ nhà văn nào cũng làm được.
Đoạn văn thứ nhất tái hiện lại khoảnh khắc đối mặt chống trả lại với trùng vi thạch trận thứ nhất của ông lái đò. Trước đó, trong một lần trò chuyện, nhà văn đã gợi tả ngoại hình của ông lái đò trên sông, đó là một người có “cái đầu bạc gần bảy mươi tuổi. Cái đầu quắc thước ấy đặt trên một thân hình cao to và gọn quánh như chất sừng chất mun”. Đôi cánh tay “trẻ tráng quá”, rắn rỏi, mạnh mẽ sau những lần vượt thác nước và thạch trận Sông Đà. Sau khi qua những đoạn sông có đá bờ sông chẹt lòng sông đá, có sóng nước gùn ghè, những cái hút nước ghê rợn… thì chiếc thuyền đuôi én sáu bơi chèo bắt đầu hùng dũng tiến vào thạch trận đã dàn bày sẵn. Nguyễn Tuân gợi tả cái thế đứng của ông đò trên chiếc thuyền, tay chân linh hoạt phối hợp nhịp nhàng cùng quyết tâm hạ gục cái thạch trận hiểm trở đó: “Ông đò hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình”. Phải là một người nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh và thông minh mới có thể tự bảo vệ mình và con thuyền để sóng không tấn công trực diện. Bằng nghệ thuật nhân hóa, Nguyễn Tuân biến sóng nước ở đây thành thứ “kẻ thù số một” đang “hò la vang dậy” âm mưu “bẻ gãy cán chèo võ khí” trên cánh tay ông lái đò. Nhà văn so sánh sóng nước với “quân liều mạng” khi chúng đang giở những thế võ thuật của con người như: “đá trái”, “thúc gối” vào những bộ phận của con thuyền đuôi én này. Dữ dằn hơn là sóng nước “đội cả thuyền lên” đe dọa người lái đò. Bằng ngôn từ nghệ thuật, Nguyễn Tuân đã làm cho cuộc chiến đấu trở nên sinh động hơn, so sánh cuộc vượt thác của ông lái đò như một trận đô vật giữa con người với thiên nhiên. Câu văn nhiều tiết tấu: “Nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt” gợi tả không khí của cuộc thủy chiến có âm thanh náo nhiệt, tưng bừng (“thanh la não bạt”, “trận nước vang trời”), con người đang giành lấy sự sống từ thiên nhiên hùng vĩ, dữ dằn.
Trong cuộc chiến ấy, ông lái đò bị thương: “Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò”. Cuộc chiến không cân sức thì con người bị thương là chuyện thường tình. Tuy nhiên, người lái đò ông bị sóng nước hạ gục, không bị hủy diệt bởi con người tuy nhỏ bé giữa đất trời nhưng con người có khả năng cải tạo, thay đổi mọi thứ. Sức mạnh của thiên nhiên là vô biên, còn sự nỗ lực của con người là vô hạn. Trong tình thế đó, người lái đò “cố nén vết thương”. Hành động nhanh gọn và thông mình: “hai chân vẫn kẹp lấy cuống lái” giữ mình không bị hất văng xuống dòng sông. Dù bị đau “mặt méo bệch đi” nhưng ông đò không hề buông lơi tay chèo. Dũng khí mạnh mẽ lẫn khát vọng chiến thắng thiên nhiên khiến khí thế của ông vẫn trọn vẹn như lúc mới bắt đầu cuộc chiến. Thác nước đang lên tiếng khiêu khích ông lái đò, mỉa mai ông lái đò, nhưng phong độ trong ông không hề tuột dốc. Trái lại: “trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái”. Trùng vây thạch trận thứ nhất buộc ông lái đò phải dốc sức rất nhiều, ông bị thương, nhưng tâm thế chiến đấu của ông vẫn luôn sẵn sàng, mạnh mẽ tiến về phía trước. Vậy là ông đã hạ gục một trùng vây thạch trận, chiến thắng của ông thật ngoạn mục. Ở đoạn văn này, ông lái đò mang nét đẹp hùng dũng, mạnh khỏe, gân guốc. Sóng to gió lớn cũng chẳng thể nào khuất phục được ông.
Nhưng người lái đò đâu chỉ hiện lên với vẻ đẹp kiêu dũng hào hùng tựa như một người chiến sĩ trên mặt trận vũ trang? Ở đoạn văn thứ hai, Nguyễn Tuân đã vẽ ra một nét đẹp khác của ông lái đò. Trong miền không gian nghệ thuật lãng mạn, dịu êm, con Sông Đà trữ tình yên ả sau cuộc thủy chiến, ông lái đò hiện lên như một nghệ sĩ lãng du ngắm nhìn sông nước, tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên trù phú, tốt tươi. Đi qua ghềnh thác, dòng sông này mềm mại hẳn đi: “Dòng sông vặn mình vào một cái bến cát có hang lạnh”, “Sông nước lại thanh bình”. Những câu văn với nhịp điệu chậm rãi, nhẹ nhàng, hình ảnh rất đỗi trữ tình gợi tả nét đẹp của một miền sông nước mơ màng như giấc mộng. Trước cảnh tượng xinh đẹp, thi vị ấy, “Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ”. Từ láy “xèo xèo” diễn tả mức độ nhanh chóng, nhưng gian khổ hiểm nguy đã qua thoáng chốc tan nhanh trong tâm trí ông lái đò để rồi ông và những người trên chiếc thuyền đuôi én sáu bơi chèo này chẳng “bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn”. Ông lái đò nhìn chiến thắng vừa qua bằng cái nhìn bình dị, không màng kể đến chiến công, không xem đó là một cuộc chiến vĩ đại để tự ca ngợi chính mình. Rõ ràng tâm hồn người lao động chân chất, hồn hậu là thế! Chiến thắng đã qua chính nhờ vào sự am hiểu về “binh pháp của thần sông thần đá”, nhờ trí thông minh của ông lái đò lẫn kinh nghiệm đò gian sông nước: “nhớ tỉ mỉ như đóng đanh vào lòng tất cả những luồng nước của tất cả những con thác hiểm trở. Sông Đà, đối với ông lái đò ấy, như một thiên anh hùng ca mà ông đã thuộc đến tất cả những cái châm than chấm câu và những đoạn xuống dòng”. Thật tài hoa!
Nhà văn đã gợi tả cảnh yên ả của thiên nhiên và an bình của lòng người sau khi vượt thác. Cảnh nhà đò “đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn về cá anh vũ cá dầm xanh”, về “hầm cá hang cá” gợi không khí ấm áp của một gia đình trên miền sông nước hùng vĩ mà thơ mộng này. Người đọc bỗng thấy lòng mình ấm áp hẳn lên khi nghĩ về cảnh tượng ấy. Sự lạc quan, vui tươi của ông lái đò khiến người đọc phải trầm trồ thán phục. Đoạn văn tái hiện lại nét đẹp lãng tử, nghệ sĩ của ông lái đò, từ đó khắc họa một nét mới độc đáo cho hình tượng người lao động Tây Bắc trong công cuộc xây dựng vùng miền, xây dựng xã hội Chủ nghĩa.
Bằng tình yêu thiên nhiên thiết tha và tấm lòng quý trọng phẩm chất tốt đẹp, cần cù, hiên ngang, vẻ đẹp nghệ sĩ của người lao động, Nguyễn Tuân đã gợi tả hình tượng người lái đò Sông Đà mang những dáng dấp khác nhau. Trước hết đó là một người trí dũng song toàn, anh hùng đối mặt với sóng thác hiểm nguy (đoạn văn thứ nhất). Nhưng đó còn là một người nghệ sĩ sông nước, một tâm hồn phóng khoáng, thi vị, yêu Sông Đà, yêu miền núi sông đất Việt trù phú tốt tươi (đoạn văn thứ hai), Vẫn là những câu văn dài hơi, song nhịp điệu câu văn của đoạn văn thứ nhất có vẻ như gân guốc, gấp rút, mạnh dạn hơn; còn nhịp điệu các câu văn trong đoạn văn thứ hai lại yên ả hơn, với những thanh bằng dày đặc tạo không khí yên ả của vùng sông nước Tây Bắc. Sông Đà là “chất vàng” của thiên nhiên Tây Bắc. Còn ông lái đò là “vàng mười” đã được dòng sông này thử thách mà chói ngời phẩm chất cao quý, đáng trân trọng. Có lẽ vì những điều này mà tác phẩm của Nguyễn Tuân đã đem đến cho người đọc niềm tự hào của một dân tộc không chỉ có chính nghĩa và khí phách anh hùng, mà còn có tư thế sang trọng và vẻ đẹp của những người sinh ra trên đất nước vốn có truyền thống lao động, truyền thống yêu nước.
Ôi Sông Đà, “áng tóc mun dài ngàn ngàn vạn vạn sải. Áng tóc trên mảng đầu Tây Bắc” đã không ít lần thử thách, đe dọa con người, kể cả gây hại cho con người. Nhưng con sông ấy cũng thật hiền hòa êm dịu làm sao. Và người lái đò cũng thế, tuy ngoài mặt là đối thủ của Sông Đà nhưng thực chất ông xem con sông là người bạn, một thứ lửa thử thách tâm hồn ông. Tùy bút “Người lái đò Sông Đà” vẫn chảy trong lòng người đọc. Hình ảnh ông lái đò vẫn đủ sức lay động lòng người, từ đó có ý thức hơn về vấn đề xây dựng, cải tạo thiên nhiên, làm giàu cho quê hương xứ sở…
HOÀNG KHÁNH DUY viết
Nắng trưa, 9/6/2019
Nhà văn Hemingway có nói: “Con người không phải lúc nào cũng coi thiên nhiên là kẻ thù. Con người và thiên nhiên có thể vừa là bạn vừa là đối thủ”. Anh/ chị hãy phân tích hình tượng con sông Đà trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân qua hai lần miêu tả sau để làm rõ nhận định của Hemingway:
- “Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này […]. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông”
- “Con Sông Đà gợi cảm. Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách. Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân. Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà. Xuống một cái dốc núi, trước mắt thấy loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy. Tôi nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà”.
Bài văn mẫu của Hoàng_Khánh_Duy
Trong tiểu thuyết “Ông già và biển cả” của Hemingway, sau khi thuật lại cuộc chiến đấu giữa ông lão Santiago với con cá kiếm ngoài đại dương mênh mông, Hemingway có đúc kết một chân lí: “Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại”. Điều này có giá trị vượt thời gian, vượt không gian, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh vô cùng to lớn giúp con người mạnh mẽ đương đầu với thử thách. Từ câu nói của Hemingway, ta liên tưởng ngay đến hình ảnh ông lái đò trong cuộc chiến đấu với sóng thác Sông Đà trong tùy bút “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân – người nghệ sĩ tài hoa suốt đời đi tìm cái đẹp, khát khao xê dịch khắp mọi miền. Trong bài tùy bút, Nguyễn Tuân đã dụng công miêu tả hình ảnh con sông lúc thì dàn bày thạch trận sẵn sàng nuốt chửng ông lái đò, lúc thì êm dịu mềm mại hẳn đi. Không hẹn mà gặp, phải chăng Nguyễn Tuân cũng cùng chung một quan niệm với Hemingway khi tái hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên: “Con người không phải lúc nào cũng coi thiên nhiên là kẻ thù. Con người và thiên nhiên có thể vừa là bạn vừa là đối thủ”.
Từ thuở Trái Đất được hình thành cho đến ngày hôm nay, con người và thiên nhiên cùng hòa hợp với nhau tạo nên bức tranh muôn màu, sinh động và tràn đầy sức sống. Thiên nhiên che chắn, bảo vệ cho con người. Con người sống sảng khoái giữa thiên nhiên, tận hưởng những mát lành ngọt ngào mà thiên nhiên đã mang lại. Con người cũng ra sức giữ gìn môi trường thiên nhiên, giữ lấy cái màu xanh, giữ lấy từng cảnh quan tuyệt vời trên khắp địa cầu thăm thẳm. Song, đôi khi thiên nhiên ương bướng với sức mạnh vô biên đã chống đối lại con người, khiến cho con người gặp không ít phiền toái. Con Sông Đà trong trang văn của Nguyễn Tuân là một minh chứng! Dòng sông này bao đời nay thách thức con người, sẵn sàng nhấn chìm con người xuống lòng sông, hủy hoại sự sống con người. Trước mắt, Sông Đà là “kẻ thù” của con người. Nhưng ở một khía cạnh khác, Sông Đà là “bạn”, là “đối thủ’. Sông Đà là bạn đồng hành cùng người lao động Tây Bắc trên hành trình sông nước. Sông Đà chia sẻ những vui buồn đời người lái đò, khiến người ta cảm thấy nhớ thương khi xa sông và vui mừng khi được quay về tái ngộ. Sông Đà là đối thủ vì đã bao lần sông thách thức con người, buộc con người phải tranh đấu để dành lấy sự sống. Từ trong môi trường đó, con người đã lớn lên, đã chói ngời cái “thứ vàng mười đã qua thử lửa” trong tâm hồn khi chiến đấu và lao động trên miền núi sông hùng vĩ mà thơ mộng này.
Nếu ví “Người lái đò Sông Đà” của Nguyễn Tuân là một “tảng băng trôi” thì “ba phần nổi” chính là hình ảnh con Sông Đà trong dáng vẻ của một “kẻ thù” hung tợn sẵn sàng nuốt chửng người lái đò trên sông, sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai đi ngang qua những quãng sông đầy cạm bẫy. Ở “bảy phần chìm”, Nguyễn Tuân ngầm thể hiện sự hung bạo của con sông như một “thứ lửa” thử thách lòng người, thách thức ý chí và sự thông minh của con người. Sông Đà sẽ không gây hại nếu con người đủ bản lĩnh, tự tin, đủ sức mạnh vượt qua ghềnh thác, qua xoáy nước. Đồng thời, nhà văn cũng ca ngợi sự hùng vĩ của non sông đất Việt, hồn thiêng núi sông Tây Bắc nghìn trùng. Đoạn văn thứ nhất, Nguyễn Tuân tập trung tái hiện sự hung hãn, dữ dội của Sông Đà. Thấp thoáng đằng sau là bóng dáng của người lái đò, con sông trở thành “đối thủ” hách dịch, ngang tàn trong cuộc chiến đấu sinh tử.
Hành trình vượt xuôi Sông Đà bắt đầu từ phía trên thượng nguồn có quãng đá bờ sông dựng vách thành, có quãng mặt ghềnh Hát Lóng cuồn cuộn sóng gió, vượt qua những cái “hút nước” ghê rợn. Dòng nước đưa chiếc thuyền “đuôi én sáu bơi chèo” của người lái đò tới cái thác mà thanh âm tiếng thác nước dự báo những điềm không hề lành lặn. Nguyễn Tuân viết: “Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá”. Cái thác không phải là nỗi ám ảnh to lớn của những người qua song, song tiếng thác rầm rộ lẫn “sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá” không thể không khiến người lái đò rùng mình e ngại. Bọt sóng trắng che khuất màu xám xịt của đá, khiến quãng sông hiện lên hùng vĩ vô biên – biểu tượng cho uy lực của thiên nhiên Sông Đà. Thế nhưng, sóng đối với người lái đò trên sông chẳng đáng sợ là gì so với đá. Dường như đá ngầm trên sông “dàn bày thạch trận”, tạo thành những cửa sinh, cửa tử mới là thách thức lớn đối với người lái đò: “Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”. “Đường ngoặt sông” cong cong là cánh cửa dẫn dụ người lái đò vào quãng sông nhiều đá ngầm, khúc ngoặt áng cả tầm nhìn của người lái đò mà giả sử như không chuẩn bị trước tâm thế chiến đấu, chắc có lẽ người lái đò sẽ bị đánh tan xác ở những chặng ban đầu. Nguyễn Tuân khéo léo nhắc lại sức mạnh và sự dữ dội của đá trên Sông Đà: “từ ngàn năm vẫn mai phục hết lòng sông”. Phải chăng, từ khi nào Sông Đà xuất hiện ở núi rừng Tây Bắc, thì từ lúc đó đá “mai phục” sẵn chờ đợi người lái đò để thực hiện một “cú vố” bất ngờ. Nguyễn Tuân sử dụng ngôn ngữ mang tính võ thuật cao, khiến hòn đá vô tri cũng trở nên sinh động, có “tâm địa độc ác của thứ kẻ thù số một”. Cách nhân hóa: “một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy chiếc thuyền” khi chiếc thuyền tiến vào “thạch trận Sông Đà” khiến câu chuyển động mạnh mẽ, giúp người đọc hình dung ra sự đáng sợ của quãng sông này cùng với nỗi lo ngại cho sinh mệnh của người lái đò trên sông. Ta tự hỏi đá hay là một thứ quỷ quái nào trên Sông Đà mà cũng có mặt, có mũi, có tâm địa độc ác: “Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này”. Hàng loạt tính từ chỉ người: “ngỗ ngược”, “nhăn nhúm”, “méo mó” được Nguyễn Tuân sử dụng để miêu tả hình thù hòn đá khiến đá trở nên hống hách hơn, như “hất hàm” đòi một cuộc tuyên chiến mà một bên là thiên nhiên với sức mạnh oai hùm, một bên là con người nhỏ nhoi trên “chiếc thuyền đuôi én sáu bơi chèo” vượt qua cửa tử tiến vào cửa sinh. Nhà văn khép lại bằng câu văn: “Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông”. “Thạch trận trên sông” đã được dàn sẵn chờ đợi và thử thách ông lái đò. Tuy nhiên, với bản lĩnh, sự thông minh am hiểu cái quy luật phục kích của lũ đá nơi này kết hợp với tay lái “ra hoa”, ông lái đò đã chiến thắng ngoạn mục “đối thủ” hung hãn của mình.
Một góc nhìn khác, Sông Đà chính là “bạn” của Nguyễn Tuân. Người bạn này khoát lên mình vẻ đẹp tuyệt mĩ đặc trưng cho xứ sở Tây Bắc trù phú. Người bạn song hành cùng Nguyễn Tuân trong chuyến thực tế gian khổ mà hào hứng tìm đến miền núi non Tây Bắc điệp trùng. Trong đoạn văn tiếp theo, Nguyễn Tuân có cái nhìn thật độc đáo và khác biệt, gây bất ngờ về con Sông Đà: nhìn con sông như một “cố nhân” – một người bạn cũ lâu ngày không gặp, để rồi thương, rồi nhớ, rồi mong, rồi háo hức khi được tái ngộ với Sông Đà sau khi ra khỏi rừng già.
Mở đầu đoạn văn, Nguyễn Tuân viết: “Con Sông Đà gợi cảm”. Nhà văn đã vẽ nên một nét hoàn toàn mới về Sông Đà, con sông vắt ngang núi rừng, linh hồn của đất và người Tây Bắc. “Gợi cảm”, tính từ vốn để chỉ sự quyến rũ dịu dàng của người con gái bấy giờ được Nguyễn Tuân đem vào gán ghép với con sông để ca ngợi vẻ đẹp hữu tình, thi vị của dòng sông này khiến bao văn sĩ phải tốn giấy mực để tôn sùng, để say đắm. Qủa thật, “Đối với mỗi người, Sông Đà lại gợi một cách”. Người nhìn Sông Đà gay gắt, dữ dội, hung bạo; kẻ lại nhìn Sông Đà duyên dáng, mềm mại, ngọt ngào. Và Sông Đà trong tác phẩm của Nguyễn Tuân đã hiện lên qua hai nét, hoàn thiện hoàn mĩ. Hóa ra, “Đã có lần tôi nhìn Sông Đà như một cố nhân”. Nếu trước đó Nguyễn Tuân nhìn con sông này từ trên tàu bay xuống, ngắm Sông Đà theo thời gian để nhận ra cái màu nước trên sông thay đổi theo mùa thì đến đây, Sông Đà trở thành “cố nhân” trong mắt Nguyễn Tuân, một sự ví von tuyệt vời và thấm đượm nghĩa tình. Nguyễn Tuân hồi tưởng về chuyến thực tế ở rừng của mình: “Chuyến ấy ở rừng đi núi cũng đã hơi lâu, đã thấy thèm chỗ thoáng. Mải bám gót anh liên lạc, quên đi mất là mình sắp đổ ra Sông Đà”. Rừng Tây Bắc ngột ngạt, dữ dội, cái “uy” của rừng khiến Nguyễn Tuân ngột ngạt và thèm thuồng “chỗ thoáng”, thèm sông. Vậy là Nguyễn Tuân đã mải mê đi theo anh liên lạc, không xác định được phương hướng, không có ý niệm “mình sắp đổ ra Sông Đà”. Và rồi cuộc tương ngộ giữa Nguyễn Tuân với “cố nhân” đã diễn ra, không bịn rịn xúc động như bao cuộc gặp gỡ khác, nhưng thật thú vị và vui tươi biết chừng nào. Sông Đà gây ấn tượng trong mắt Nguyễn Tuân khi ông dòng sông “phát tín hiệu” với người bạn của mình bằng ánh sáng “loang loáng như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy”. “Xuống một cái dốc núi”, Một sự so sánh tài hoa, Nguyễn Tuân đã đưa những trò chơi tinh nghịch của trẻ nhỏ vào không gian yên ắng, vắng vẻ và hoang dã của núi rừng. Và khi “nhìn cái miếng sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi”, Nguyễn Tuân bỗng nhớ lại câu thơ của Lí Bạch năm xưa tiễn người bạn thân là Mạnh Hạo Nhiên lên đường đi Quảng Lăng tại Lầu Hoàng Hạc trong mùa hoa khói: “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Thật đẹp, thật mềm mại, nhà văn đã biến con sông của tâm hồn mình trở nên thi vị hơn rất nhiều. Hình ảnh bờ bãi Sông Đà sau lần xa cách hiện ra trước mắt Nguyễn Tuân: “Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà” thật yên bình, lặng lẽ và thi vị. Có lẽ vì đẹp và tình nghĩa như thế nên ta hiểu rằng vì sao Sông Đà lại chiếm trọn tâm hồn Nguyễn Tuân, sống trong lòng ông để rồi ông phát huy hết thế mạnh ngôn từ của mình và thể hiện, mà vẽ vời như thế.
Rõ ràng, hai đoạn văn trên tiêu biểu cho hai diện mạo Sông Đà, một là “bạn”, một là “đối thủ”. Hai cá tính trái ngược nhau nhưng cùng hòa vào làm thành một chỉnh thể Sông Đà trong mắt người nghệ sĩ. Sông Đà – một vẻ đẹp tuyệt mĩ của núi rừng Tây Bắc, hình tượng thiên nhiên trở nên lung linh, sống động trên trang văn của Nguyễn Tuân. Chính con sông này đã góp phần phát triển kinh tế, đời sống của đồng bào Tây Bắc trong những năm tháng xây dựng chủ nghĩa xây hội, cải thiện cuộc sống, đổi mới Tổ quốc. Quan niệm của Hemingway quả thật trùng khít và phù hợp khi soi chiếu hai tính cách của “nhân vật” Sông Đà trong trang văn của Nguyễn Tuân.
“Đà giang độc Bắc lưu”, có lẽ vì “độc Bắc lưu” nên dòng sông này cũng trở nên “lắm chứng lắm bệnh”, khó lòng mà hiểu hết được. Sông Đà tượng trưng cho vẻ đẹp thiên nhiên đất trời Tây Bắc, non xanh nước biếc Việt Nam. Và người lái đò của Nguyễn Tuân tuy nhỏ bé, nhưng tầm vóc lại vô cùng lớn lao. Con người là chủ nhân xây dựng đất nước, con người nhất định sẽ chiến thắng thiên nhiên nếu có ý chí, quyết tâm vững vàng. “Người lái đò Sông Đà” vẫn chiếm trọn tình cảm của bao người. Những dòng văn ấy thực sự không hề khó đọc nếu ta cũng yêu Sông Đà say đắm như Nguyễn Tuân, như người Tây Bắc.
HOÀNG KHÁNH DUY
#Hoàng_Khánh_Duy
Bài mang tính chất tham khảo.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top