NGÀY XƯA TÓC HÃY CÒN XANH
NGÀY XƯA TÓC HÃY CÒN XANH
Người viết: Tĩnh Dạ
Thể loại: không phải BL
Chú thích: nói về thời trai trẻ của hội người già, đặc biệt là Ngôn hầu. Fic dựa theo truyện và phim.
Đôi lời: Tình cờ nghe bài Cố nhân thán (ver. tam ca) nên có hứng viết cho Ngôn hầu và một số nhân vật đứng tuổi mà mình ấn tượng trong phim. Văn không hay chữ không tốt, nên tham gia cho thêm phần xôm tụ thôi nhá!
Fic này cũng xin tặng cho Hội mê lông lá (mặc dù chả có Lông trong đây), tặng Tình iu cứ bảo mình viết review cho hội người già trong phim, thôi giờ đọc fic đỡ đi ha ^.^
...........................................
Khi thái tử của đương kim Hoàng đế Tiêu Cảnh Diễm được mười tuổi, từng người quen xưa của Ngôn hầu dần dần qua đời.
Kỷ vương không ngờ lại là người bước đi đầu tiên. Ông còn nhớ rất rõ thằng nhóc mấy mươi năm về trước, thích đuổi bướm bắt hoa, lỗ mũi thò lò chơi đùa với mấy đứa bé thư đồng, chả có phong thái của một hoàng tử chút nào. Mà cũng phải, so với các hoàng huynh khác đã bắt đầu biết tính toán đường đi nước bước trong tương lai, Kỷ vương lúc đó vẫn còn ở tuổi ăn tuổi chơi.
Những tưởng sinh ra ở hoàng thất sẽ không tránh khỏi việc kết bè kết phái, mưu quyền đoạt vị, thế nhưng Kỷ Vương khi lớn lên vẫn cứ cà lơ phất phơ như thế, mặc cho biết bao hoàng huynh ra sức lôi kéo cũng chỉ làm bạn với nhạc với thơ, với hồng nhan tri kỷ cùng chén rượu nồng. Không biết là do cố ý hay vô tình, cái tính bất cần, vô tình với quyền thế đó lại giúp ngài sống qua trận huyết tẩy khi tiên đế bước lên ngôi đế vị.
Ngày tiên đế đăng cơ, Ngôn hầu ngồi cạnh Kỷ vương trong đêm yến tiệc, thấy ngài miệng cười toe toét, cung kính vái vị hoàng huynh ngồi trên ngôi cao một cái dài, lại nhìn sang vị quốc cữu gia quan sát mình nãy giờ mà nói bâng quơ: Hoàng huynh ta ấy mà, là có số làm việc lớn. Mà bổn vương thì năng lực có hạn, huống chi thời gian để bổn vương tầm hoa vấn liễu, để tiêu dao thoải mái còn không đủ, lấy gì để làm mấy cái việc lớn đó đây! Chỉ đành nhờ Quốc cữu gia thường xuyên phân ưu cùng hoàng huynh, chớ để Hoàng huynh cô đơn gánh vác một mình.
Ngôn hầu khi đó nghe xong cũng chẳng nói gì, chỉ kính Kỷ vương một ly rượu. Vài tháng sau, một bản mật sớ được Ngôn hầu cùng tân Thủ tôn Huyền Kính Ti Hạ Giang dâng lên Tiên đế, Kỷ vương lại tiếp tục cuộc sống vô ưu vô lo của mình.
Hôm Kỷ vương qua đời, Dự Tân là người ngoài họ duy nhất được ông giữ lại bên giường. Khi còn sống, Kỷ vương thích nhất là Dự Tân, luôn oang oang rằng con trai độc nhất của Ngôn hầu là bạn vong niên của mình. Dự Tân cùng Kỷ vương tuy niên kỉ cách biệt, nhưng đều là những người phong lưu anh tuấn một thời, dù nói không với danh lợi nhưng tuyệt đối là những người rất thông minh. Với trí óc như thế, sao có thể không hiểu được thế cuộc, thếnhưng lại chọn cách lờ đi khía cạch xấu xa tâm tối của triều cục, coi như không hay không biết mà vui thú an nhàn. Ngày xưa Kỷ vương như thế, bây giờ Dự Tân cũng như vậy.
Lại nhớ tới vị Tĩnh Nam quận vương tên Đình Sinh vừa mới được phong tước ở đất nam xa xôi kia, tuy nói là con nuôi của Tiêu Cảnh Diễm nhưng lại có rất ít người biết mặt. Lần đầu tiên thấy gương mặt có hơn năm phần giống Kỳ vương Tiêu Cảnh Vũ năm xưa của người thanh niên đó, Ngôn hầu gần như không khống chế được biểu cảm của mình. Sau, ngẫm đi ngẫm lại, ở thời điểm đó, người có khả năng và mưu trí để bảo vệ được giọt máu cuối cùng của Cảnh Vũ khỏi tai mắt của Hạ Giang và những nữ nhân trong cung, cũng chỉ có Kỷ vương trông luôn nhàn hạ này.
Mà ngày Tiên đế băng hà, có lẽ trong cả cung thành người thật sự nhỏ nước mắt cho vị hoàng đế luôn nghi kị và tàn nhẫn kia chỉ có Kỷ vương.
Sống cả đời người trong hoàng thành, thấu hết âm mưu thủ đoạn của bậc đế vương nhưng Kỷ vương vẫn không dằn lòng được thương tiếc.
Vì ngài biết rằng vị hoàng huynh năm xưa từng bắt chuồn chuồn cho ngài đã thật lòng muốn làm thằng bé hoàng đệ mũi thò lò này vui; rằng vị hoàng huynh đó cho dù có thế nào vẫn là người một nhà với ngài, mà trừ ngài thì cũng chẳng còn ai thương tiếc cho sự ra đi của y.
.............................................................
Hôm Ngôn hầu theo đoàn bá quan văn võ đưa tiễn Kỷ vương về hoàng lăng, ông thoáng thấy Thái hậu. Dường như đã trút gánh nặng cả cuộc đời khỏi vai, Thái hậu già đi trông thấy, tóc bà đã bạc đi rất nhiều nhưng trên mặt lại đầy vẻ an tường.
Khi Tiên đế còn tại vị, ông cũng từng gặp qua bà khi còn là Tĩnh tần. Lúc đó bà vẫn có vẻ bình tĩnh dịu dàng như thế, nhưng trong cái bình tĩnh ấy lại là sự chán ngán với chốn lồng son, còn có chút gì đó buông xuôi, có chút gì đó giống ông khi nghe tin Lạc Dao được tấn phong làm Thần phi. Nhìn Tĩnh tần như thế chắc không ai có thể đánh đồng bà với người thiếu nữ áo xanh năm xưa, dịu dàng sâu lắng nhưng cũng đầy sức sống cùng nụ cười tươi tắn luôn ngự trên môi.
Năm đó Ngôn hầu cùng Lâm soái vẫn còn là những thanh niên tuổi trẻ khí thịnh, lén trốn gia đình đi chu du giang hồ. Ngang qua núi Lang Nha, Lâm soái cứu được một y nữ bị kẹt dưới khe núi gần hai ngày đêm, người thiếu nữ đó một thân chật vật, vừa đói vừa khát nhưng vẫn không bỏ xuống gùi thuốc trên lưng. Lâm soái cứu người xong vẫn chăm sóc cho nàng đến khi vết thương của nàng đều lành hẳn, Ngôn hầu khi đó còn chọc người huynh đệ của mình rằng chẳng lẽ Lâm soái muốn người ta mang ơn rồi lấy thân báo đáp, làm Lâm soái rượt đuổi ông hết mấy con phố.
Sau đó là chuỗi ngày phiêu bạt giang hồ của ba người. Vị y nữ áo xanh đó mang trong mình lí tưởng chu du khắp đất trời, gặp bệnh chữa bệnh, rồi một ngày nào đó nàng có thể biết hết y thư trong thiên hạ. Nàng thường kê chiếc bàn nhỏ, ngồi trên một chiếc ghế trúc con con bên vệ đường, ai đưa tay cũng không từ chối bắt mạch, nét mặt nghiêm túc tĩnh lặng cùng nụ cười nhẹ nhàng không khỏi làm lòng người an tâm. Mỗi lần như thế Ngôn hầu lại tặc lưỡi nói nàng thật giống Lạc Dao, biết đâu chừng nếu có duyên gặp nhau hai người sẽ trở thành tỷ muội thân thiết. Lâm soái nghe thế cũng gật gù đồng ý, nàng lại thùy hạ mi mắt, che đi những rung động đầu đời. Lâm soái không thấy, lẽ nào người được trời phú cho sức quan sát kinh người như Ngôn hầu lại chẳng hay. Thanh niên gian manh lúc đó cũng chỉ cười gian mà ra hiệu với nàng: ta biết hết rồi!
Nhưng hành trình nào rồi cũng có ngày kết thúc, cuộc gặp gỡ nào mà tránh được chia ly. Y nữ tiếp tục hành trình xuôi Nam vì nghe nói ở đó có dịch bệnh mới bùng phát, còn hai thiếu hiệp đồng hành lại trở về phương Bắc. Ngày chia tay, nàng tặng Ngôn hầu một túi hương an thần, còn Lâm soái lại là một lời hứa: rằng để đền ơn cứu mạng, nàng nguyện vì Lâm soái làm bất cứ việc gì.
Mấy năm sau, vì lời hứa đó mà vị y nữ nọ tạm gác lại hành trình của mình, vào thành Kim Lăng chăm sóc cho song thân cùng thê tử của Lâm soái, trong khi ngài cùng Ngôn hầu mang quân đi bảo vệ bờ cõi Đại Lương trước cường địch.
Lại qua mấy năm, lần này nàng lại vì Lâm soái mà bước chân vào hoàng cung. Lời của Ngôn hầu năm nào thế là ứng nghiệm, nàng gặp được một Lâm Lạc Dao tính tình vừa dịu dàng như nước, vừa có nét nghiêm túc giống Lâm soái, hai người quả thật thân hơn tỷ muội.
Nhưng bước vào chiếc lồng son đó thì chẳng thể hồi đầu, một bước đó chôn đi vĩnh viễn tự do cùng lí tưởng hành y của nàng.
Nàng mang long thai, rồi được sắc phong và trở thành vị Tĩnh tần mà người người vẫn biết. Thế gian chẳng còn ai nhớ đến vị y nữ áo xanh lưng đeo giỏ thuốc, không ngại gian khó và luôn cười chân thành năm đó, trừ Ngôn hầu.
Hai năm trước Thái hậu có đổ một lần bệnh nặng tưởng không qua khỏi, hàng tháng trời phải nằm trên giường. Ngôn hầu nghe nói bà khăng khăng một mực nằm ngoài tiền điện cung Chỉ La mặc cho Đế Hậu can gián nhiều lần. Bà luôn nhìn hướng ra cái cây ngoài sân, tựa như để tin chắc rằng vào giây phút bà nhắm mắt lại, đó sẽ là hình ảnh cuối cùng trong mắt bà.
Nếu không phải Tiêu Cảnh Diễm đích thân dẫn tiểu Thái tử đến quỳ bên giường bà cả một buổi chiều, có lẽ Thái hậu đã chẳng thể tiếp tục gượng dậy một lần nữa. Vì trên đời này, vẫn còn người khiến bà không an tâm, không nỡ rời bỏ.
Nhưng lại có người, bà muốn nhớ mà chẳng được nhớ, muốn quên lại chẳng thể quên. Chỉ mong khi trở về cát bụi, dưới đầu cầu được gặp lại cố nhân năm xưa, cố nhân họ Mai, thắt đai đỏ mang trường kiếm năm nào từng giang tay ra với thiếu nữ áo xanh dưới khe núi.
.....................................................
Sau tang lễ của Kỷ vương, Tiêu Cảnh Diễm nhanh chóng tấn vương cho thế tử của Kỷ vương. Vị Lương Đế này, tác phong vẫn nhanh nhẹn như thế, không hề mang nặng tâm tư đề phòng.
Nếu để Ngôn hầu nhận xét, ông sẽ không nói Tiêu Cảnh Diễm là một vị hoàng đế hoàn hảo, nhưng là một hoàng đế tốt. Tiêu Cảnh Diễm tuy thỉnh thoảng vẫn có sai sót trong việc trị quốc, nhưng nhìn chung vẫn có những đường lối chính xác, lại bồi dưỡng được một lứa triều thần có tài có đức nên chưa có gì không thể giải quyết được.
Nhưng có tốt đến mấy, người ngồi trên ngôi cao, mấy ai có thể qua được sự cô độc. Năm xưa tiên đế vì đa nghi tàn nhẫn mà đến cuối đời lại chẳng còn ai ở bên. Mà nay Tiêu Cảnh Diễm, dù một tấm lòng ngay thẳng cương trực không đổi nhưng một người bạn cũng chẳng có. Nếu Tiểu Thù còn sống, liệu tình bạn thân thiết năm xưa có chống lại được cái nghĩa quân thần cao như trời biển ở giữa hai người hay không? Khi mà rất lâu về trước tình bạn giữa ông, Lâm soái và Tiên đế cũng chỉ có hơn chứ không kém, lại thêm đã vào sinh ra tử cùng nhau mấy bận, thế mà cuối cùng lại kết thúc bằng một trận Mai Lĩnh, một án Kỳ vương.
Kỷ vương đi chưa được bao lâu thì đến Lị Dương công chúa và Hạ phu nhân lìa đời. Một người tang lễ trong đình đài lầu các, kẻ lại ra đi trong một ngôi nhà tranh lẻ bóng, bên gối chỉ có gia đình ba người của hài nhi.
Khi Ngôn hầu hay tin, chạy đến căn nhà nhỏ ở ngoại thành thì chỉ còn kịp đốt nén hương tàn cho vị cố nhân từng vang danh Kim Lăng này, người mà nay thở ra một hơi dài lại chỉ còn là một cỗ quan tài lạnh lẽo sau làn nhang khói.
Hạ Đông từng được bao nhiêu người kính ngưỡng nào có là gì so với sư nương của mình, vị nữ chưởng kính sứ năm xưa từng được đích thân Lương Đế sắc phong, còn suýt trở thành Thủ tôn Huyền Kính Ti. Nhân vật phong vân truyền kì đó cũng là nỗi sợ hãi cho biết bao nhiêu người, vô cùng ngạo nghễ với câu nói: chỉ có chuyện xấu ngươi không dám làm, không có chuyện xấu nào ta tra không ra.
Nhưng có tài giỏi đến mấy, người phụ nữ tài hoa sắc bén ấy vẫn là một người vợ, một người mẹ. Đứa bé chưa biết trai hay gái động đậy trong bụng đã làm bà sinh lòng trắc ẩn cứu người con gái yếu ớt trong Dịch U đình, rồi lòng tin vô điều kiện vào phu quân đã làm bà mờ mắt trước những âm mưu dơ bẩn đang âm thầm thành hình trong chính ngôi nhà của mình.
Khi bà ôm đứa bé mới vài tuổi đến trước mặt Ngôn hầu, lần đầu tiên ông thấy bà người phụ nữ cứng rắn đó khóc nhiều như vậy. Bà chỉ cúi đầu thật sâu trước ông rồi quay lưng đi, đó là lần cuối cùng ông gặp Hạ phu nhân trước khi bà rời kinh thành và biệt tích hơn mười mấy năm.
.................................................................
Trong mấy ngày tang của Trưởng công chúa, Dự Tân luôn túc trực ngày đêm ở cạnh Tiêu Cảnh Duệ vì lo lắng cho bằng hữu của mình. Đứa nhỏ này cũng là một người đầy bất hạnh, biến cố đêm sinh thần đã làm Cảnh Duệ trong một đêm mà lớn lên hẳn. Nay nhà họ Tạ chỉ còn có ba người, làm huynh trưởng nên trách nhiệm của Tiêu Cảnh Duệ lại càng nặng nề hơn. Ngày Trưởng công chúa nhập Hoàng lăng, khi mọi người đã về hết, chỉ còn lại Cảnh Duệ cùng Dự Tân hai người đứng trước mộ Trưởng công chúa, Cảnh Duệ là không nỡ rời đi, còn Dự Tân thì chỉ có thể ở bên bạn, nắm vai Cảnh Duệ an ủi. Lúc đó Ngôn hầu nhìn thấy mà chẳng nỡ gọi, chỉ đành quay lưng đi về trước.
Từ hôm đó ông bắt đầu thường xuyên nhớ về những chuyện ngày xưa, có vui có buồn.
Nhớ đến rất lâu rất lâu về trước, khi Ngôn hầu và Lâm soái chỉ là hai thiếu niên đầy nhiệt huyết. Một người thông minh lanh lợi, đầy bụng học thức, với ba tấc lưỡi có thể xoay chuyển đất trời, nhưng lại thiếu hoài bão cùng quyết tâm; một người thì trầm tĩnh nghiêm túc, võ công cao cường, một thân chính khí nhưng lại không thạo lòng người. Còn có một người văn võ song toàn, ý chí khoáng đạt, lại mang trong lòng hoài bão bang nước an dân to lớn. Lục hoàng tử năm đó cùng với hai cận thần đã lớn lên với mình đã từng biết bao lần xây lên viễn cảnh một Đại Lương tốt đẹp đến mức nào; cho dù sau này có vì vương vị mà động can qua, Ngôn hầu vẫn vững tin vào tấm lòng son của Lục hoàng tử, tin vào tình bạn hơn hai mươi năm, vào những lần vào sinh ra tử, giao cả tính mạng cùng đại cuộc vào tay nhau.
Đáng tiếc Ngôn hầu nhìn đời thấu suốt, lại đánh giá thấp tác dụng của thời gian cùng quyền lực lên lòng người.
............................................................
Mấy ngày gần đây Ngôn hầu nhiễm lạnh. Dự Tân mỗi ngày đều giành lấy công việc của hạ nhân, mỗi ngày ba bận sắc thuốc bưng cơm cho ông. Nhìn nó làm ông không khỏi nhớ về tuổi trẻ của mình.
Dự Tân rất giống Ngôn hầu, mặc dù năm xưa ông không hề mong đợi gì với đứa con này, nhưng khi nó lớn lên lại giống ông đến lạ lùng, trừ một điểm. Ông biết Dự Tân từ nhỏ đến lớn luôn dõi theo mình, mong ông quay lại nhìn nó một lần, có điều nó chẳng bao giờ nói ra khỏi miệng. Còn Ngôn hầu, ngày xưa ở đâu có phụ thân đại nhân là ông kiếm đường vòng mà đi. Lão Thái sư năm xưa nổi tiếng nghiêm khắc và bảo thủ, từ rất nhỏ Ngôn hầu đã bị bắt học không biết bao nhiêu là thứ khô khan cứng ngắc, dù có thích hay không; ngoài giờ làm thư đồng cho Lục hoàng tử còn thoải mái được đôi chút thì mỗi ngày của Ngôn hầu đều không qua khỏi bốn bức tường của phủ Thái sư.
Mà cũng nhờ vậy mà sau này khi đã thành niên, tài học của ông không những đã vượt qua Thái sư mà vượt qua cả những lí luận khô khan của trang sách. Sau một lần cãi nhau với Thái sư, chàng trai trẻ Ngôn Khuyết liền lập kế hoạch tiêu dao giang hồ của mình. Chàng lôi kéo được Lâm Nhiếp, trốn khỏi kinh thành sau khi bỏ lại một bức thư mà sau khi Thái sư đọc xong đã tức đến râu dựng cả lên.
Hơn một năm sãi cánh tự do ngoài kia, đó là khoảng thời gian vui vẻ vô tư nhất của Ngôn hầu. Chẳng câu nệ lễ tiết, chẳng cần nho nhã phong lưu, chàng thanh niên mặc áo vải dáng vẻ thư sinh kia có thể to mồm chửi mắng khi giận, uống rượu bằng bát khi vui, kết bạn tứ phương, vung roi thúc ngựa tiêu dao trên một mảnh giang sơn tươi đẹp.
Chàng quen một Lang gia các chủ thích khoe khoang lại còn đỏm dáng, vậy mà có thể đánh nhau với Lâm soái ba ngày ba đêm không nghỉ.
Chàng quen một y nữ vô danh vô tính trên giang hồ, tuy y thuật chưa thâm nhưng lý tưởng lại to lớn không ngờ.
Chàng quen một đám nhân sĩ giang hồ bên bờ Giang Tả, thô lỗ cộc cằn nhưng trọng nghĩa hơn mạng.
Biết nhiều người, đi nhiều nơi càng làm chàng thêm hiểu biết, đôi mắt chàng lại càng thông thấu và trái tim lại càng yêu giang sơn gấm vóc Đại Lương.
Đến khi trở về kinh thành, mọi sự nào ngờ đã khác. Tứ hoàng tử vì tranh chấp với Thái tử mà bị định tội lưu đày, còn Lục hoàng tử thì đã bị cấm túc hai tháng. Một tháng sau khi Ngôn hầu và Lâm soái về kinh, khi thời hạn cấm túc đã hết, hai người liền lập tức đến phủ Lục hoàng tử. Người giờ gầy đi trông thấy, đôi mắt thũng sâu nhưng vẫn còn sáng lắm. Thấy hai người bước vào, Lục hoàng tử đã bước đến nắm lấy tay hai người hỏi một câu: Hai khanh có muốn cùng ta xây lên một Đại Lương tốt đẹp hơn hay không?
Tia hoài bão mà Ngôn Khuyết luôn luôn thiếu thốn ngay khi đó đã được ngọn lửa quyết tâm trong mắt Lục hoàng tử thắp lên, chàng chỉ gật đầu mà không nói gì. Nhưng chỉ cần cái gật đầu đó thôi là đã đủ.
Lục hoàng tử còn nói, hơn một năm nay người đã hiểu ra, muốn xây dựng Đại Lương theo ý mình, tất phải phá hết những thối tha ung nhọt, mà muốn làm được, không thể chỉ dùng phương pháp bình thường.
Chẳng bao lâu sau đó, Lục hoàng tử xin phụ hoàng tứ hôn, lấy nhi nữ duy nhất của Thái Sư làm chính phi.
Mà Ngôn Khuyết cùng Lâm Nhiếp cũng bắt đầu tạo thế lực cho người. Lâm thiếu soái làm người ngay thẳng, không biết đưa đẩy, chỉ có thể lấy quân công để gây tiếng vang. Còn Ngôn Khuyết thì tham gia triều chính, ngày ngày tiếp xúc với đủ loại quan viên cùng đủ thứ thế lực, mọi dơ bẩn chốn quan trường chàng đều thấy qua nếm qua. Mỗi lần đều như trầm mình vào vũng bùng lầy đen ngòm mà vẫn phải mở to mắt để có thể nhìn rõ mọi thứ ung nhọt trong đó. Điều duy nhất giúp giữ cho tâm chàng vẫn trong, níu lại bước chân chàng trước ranh giới giữa ánh sáng và bóng tối là một người con gái: Lâm Lạc Dao.
Ngôn Khuyết đã có lúc mệt mỏi phân vân, đã có lúc tưởng như sẽ bị vũng bùn chính trị nhuốm đen chính mình, nhưng chỉ cần nghĩ đến Lâm Lạc Dao thì chàng lại tĩnh tâm lại. Đơn giản vì chàng muốn xứng đáng với nàng, không phải trên địa vị mà trên nhân cách cùng tâm hồn. Vì người con gái trông dịu dàng điềm đạm như thế, trong mắt lại không chứa được một hạt cát, cũng sẽ không thỏa hiệp.
Lạc Dao sẽ uống trà đánh cờ với chàng, sẽ im lặng lắng nghe chàng nói nhưng sẽ không khuyên nhủ chàng, cũng sẽ không phê phán chàng. Nàng chỉ nói: Ngôn Khuyết, chàng có giỏi thì ba năm sau tự mình mang sính lễ tới, đến lúc đó ta tự mình quyết định.
Lời đó không khỏi làm Ngôn Khuyết kinh ngạc. Dù là con nhà võ tướng, nhưng Lâm Lạc Dao luôn được dạy dỗ theo nề nếp, xưa nay nàng cũng là người con gái vô cùng dịu dàng giữ lễ. Huống chi... huống chi lúc đó hai người còn chưa nói bất cứ lời yêu hay hứa hẹn nào, giờ nàng lại nói ra một câu táo bạo như thế không khỏi làm Ngôn Khuyết trợn tròn mắt. Lạc Dao chỉ cười, nụ cười như thấu hiểu tất cả tình tự của Ngôn Khuyết. Có lẽ cả cuộc đời này của Ngôn hầu cũng sẽ không quên cảnh tượng ngày hôm đó, hai người đứng dưới góc hạnh trong sân, ngàn lời vạn chữ cũng chẳng thay thế được nụ cười ngự trên môi của hai người.
Từ đó tâm của Ngôn Khuyết trở nên càng vững chãi, chàng biết, chỉ có giữ được niềm tin vững vàng vào cái tốt, vào hoài bão đẹp đẽ của Lục hoàng tử, chàng mới có thể vượt qua được cuộc chiến tranh đoạt vương vị đang càng ngày càng sục sôi này. Kể cả khi chàng đứng trên tường thành nhìn xuống vệt máu còn chưa khô dưới cung thành, dòng máu của những binh sĩ con dân Đại Lương rải đường cho ngày đăng cơ của Lục hoàng tử, kể cả khi điều đó làm lòng chàng đau như cắt, thì chàng vẫn bước tiếp với trái tim vững như sắt thép cùng tấm lòng sáng trong như gương. Ngôn Khuyết chàng sẽ không để những cái chết này trở nên vô ích, chàng sẽ trợ tân vương củng cố đất nước, để lê dân Đại Lương, con cháu của những người đã ngã xuống có thể sống trong một thời đại thái bình thịnh thế.
Rồi chàng sẽ tự tay mang sính lễ, đem kiệu tám người khiêng, đường đường đến trước Lâm phủ để đón nàng.
.........................................................................
Tính ra, Dự Tân cũng đã hơn ba mươi rồi thế mà vẫn lông bông không lập gia đình. Mấy cựu quan trên triều ai gặp Ngôn hầu cũng nói vào một câu, nói Dự Tân mà mãi như thế thì làm sao kéo dài dòng dõi hầu tước chứ. Đến cả Lương đế Tiêu Cảnh Diễm cũng từng ướm tiếng hỏi ông có cần ngài tứ hôn cho Dự Tân không.
Thật ra Dự Tân nó đã thưa chuyện với ông từ rất lâu rồi, rằng nó đã yêu một nữ tử phong trần nhưng người ta chẳng để tâm. Còn nói rõ người đó có thân thế rắc rối, là người Hoạt tộc, lại còn liên can tới vụ án của Tạ Ngọc năm xưa. Ngôn hầu không ép Dự Tân, ông nợ đứa con này rất nhiều rồi, làm sao nỡ lấy đi tự do của nó nữa chứ. Ông chỉ lo, người con gái có thân phận phức tạp như vậy e cũng không phải là người có tâm tính đơn giản, Dự Tân liệu có hạnh phúc hay không. Ngôn hầu không nghĩ Dự Tân là một người ngu ngốc, dễ bị tình yêu che mắt, nhưng ông cũng chưa bao giờ xem thường thủ đoạn cùng tâm kế của phụ nữ.
Chưa tính Toàn Cơ công chúa thông minh, thủ đoạn khó ai sánh bằng kia, chỉ xem hậu cung u ám của Tiên đế thôi cũng làm ông không khỏi rét lạnh.
Ngày xưa Lâm soái không như ông, người này luôn xem phụ nữ là những người cần được bảo vệ, trong mắt Lâm soái, người con gái nào cũng có tâm tính tốt. Vì điều này mà không ít lần Lâm soái làm Ngôn Khuyết bực mình, nhất là khi những tin tức về vị muội muội Hoàng Hậu của chàng được truyền ra từ trong cung. Hôm nay phạt cung nữ, ngày mai đánh nội thị, còn có biết bao nhiêu âm mưu thâm độc để đối phó với các phi tần khác của Lương Đế. Có lần Hoàng Hậu còn định cậy vào Ngôn Khuyết để diệt trừ thế lực bên ngoại của một sủng phi. Nếu không phải giờ nàng là mẫu nghi thiên hạ thì chàng đã lật bàn, lấy gia pháp ra mà dạy dỗ nàng một phen.
Dạy để nàng tỉnh ra, để nàng trở lại là muội muội thùy mị nết na mà chỉ một cọng cỏ lay cũng từng làm nàng hoảng sợ. Để nàng có thể nhờ đại ca Ngôn Khuyết bảo hộ như lúc nhỏ, chứ không phải bảo chàng hại người khác. Và cũng để nàng nhận rõ rằng địa vị của nàng là do Lương Đế ban cho, người cũng có thể lấy lại. Ngôn Khuyết đã không còn là thiếu niên khi xưa, mặc dù nói tình nghĩa của chàng và Lương Đế không thể đong đo, nhưng dù sao người làm vua không tránh khỏi có lúc vô tình, nghĩa quân thần sao lại có thể vượt qua. "Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ", nay kể cả trong nhà của mình mà còn không trị được, để Hoàng Hậu muốn làm gì thì làm với thê thiếp của mình, nhiễu loạn hậu cung thì Lương Đế làm sao có thể bàn đến trị quốc đây.
Lâm soái thường sẽ rót cho chàng một chén trà để hạ hỏa, rồi lại châm chọc Ngôn Khuyết một hai câu: Phải rồi phải rồi, nữ nhân thật sự không đơn giản, không thể xem thường. Cứ nhìn đệ thì biết, đường đường một Quốc cữu gia, trên triều có ai mà không sợ ba tấc lưỡi của đệ, đến cả lão Thái phó còn không lí luận được với đệ, bị đệ chọc tức đến râu cũng sắp cháy luôn. Thế mà Lạc Dao chỉ nói có mấy câu mà đệ đã ngậm miệng ngồi nghe rồi! Ha ha ha!
Thế mà Ngôn Khuyết chẳng những không tức giận mà còn phì cười, thế là mọi bực dọc bỗng biến đi đâu hết. Tính đi tính lại, Lương Đế đăng cơ đã hơn gần hai năm, ba năm thời hạn của Lạc Dao cũng đã sắp đến, Ngôn Khuyết mỗi ngày đều mong thời gian qua mau một chút.
Chỉ chờ qua Tết, một mâm sính lễ, một cái gật đầu. Rồi pháo đỏ sẽ đầy đường, chàng trên ngựa đỏ, nàng ngồi trong kiệu hồng, nắm tay nhau mà đi qua cả cuộc đời.
Không ngờ sau ba năm, Ngôn Khuyết lại chỉ chờ được một đạo thánh chỉ nạp phi được đưa tới Lâm phủ.
Ngày đó Ngôn Khuyết đạp tuyết vào cung, xin được gặp Lương Đế. Hoàng thượng triệu chàng vào, hai người không nói gì mà chỉ nhìn nhau. Thực ra Ngôn Khuyết có ngàn lời vạn chữ muốn hỏi, muốn giãy bày nỗi căm phẫn của mình, nhưng hỏi làm sao, giận làm sao khi người ngồi kia vẫn là ngồi trên cao nhìn xuống chàng, người mà từ hơn một năm trước chàng cùng Lâm soái đã không tiếc tính mạng nâng lên đế vị. Giờ đây một lời nói ra của ngôi cữu ngũ sao có thể rút lại, nghĩa quân thần sao có thể vượt qua chỉ để giành giật một người con gái. Dù rằng người con gái đó là tất cả những gì Ngôn Khuyết mong đợi trong rất nhiều năm.
Lương Đế cuối cùng nói một câu: Trẫm sẽ chăm sóc Lạc Dao thật tốt.
Ngôn Khuyết cúi đầu lạy người kia thật sâu, miệng nói bốn chữ: Tạ ơn hoàng thượng.
Ngày Lạc Dao nhập cung cũng là ngày Tết đến, đường phố kinh thành ngập tràn không khí chúc mừng, nhà nhà pháo nổ, tiếng nói cười vang khắp phố phường. Ngôn Khuyết rảo bước trên đường chính, nhìn pháo đỏ đầy đường, ngửi hương rượu thoang thoảng, nghe những lời chúc tụng. Đó là cảnh tượng mà chàng đã mường tượng ra không biết bao nhiêu lần cho ngày đại hỷ của chàng và Lạc Dao.
Mà Hoàng Đế nạp phi, nói trắng ra là nạp thiếp vào nhà, không được đi cửa chính cũng không được công khai chúc tụng. Ngày nàng nhập cung cũng chẳng có hỷ đường chờ đón, chẳng có đèn hồng hỷ phục cũng chẳng rượu giao bôi, chỉ có một tấm bài tử được lật.
Bước lên tường thành, ngước nhìn pháo hoa rực rỡ được bắn ra từ hoàng cung, hình ảnh Lạc Dao trong hỷ phục lướt qua trong mắt chàng, đôi má nàng hồng hồng dưới rèm châu, mỉm cười nắm tay chàng, đường đường chính chính bước qua cửa lớn Ngôn Phủ. Lạy trời đất, lạy cha mẹ, cùng chàng trao nhau lời hứa đến trọn đời.
Thế mà giờ đây tất cả những thứ đó lại trở thành giấc mơ. Xoay lưng một cái đã giật mình tỉnh dậy, pháo hoa đã lụi tàn, pháo đỏ rượu nồng tan đi như làn khói, chẳng thể bắt trở về.
.........................................................
Khi Lâm Lạc Dao được phong tần hơn một năm, Lương Đế phải đối mặt với nguy cơ lớn nhất từ khi đăng cơ tới nay. Ba nước Đại Du, Bắc Yên và Bắc Chu đột nhiên liên minh, ép sát biên giới phía Bắc, lấy binh lực khổng lồ hòng chia ba xẻ bảy Đại Lương, không khỏi làm lòng người hoảng sợ. Lương Đế vì muốn trấn định lòng quân nên ngự giá thân chính, đích thân ra trận chỉ huy, cùng đi còn có Lâm soái và Ngôn Khuyết.
Quốc cữu gia nhìn tình thế ngặt nghèo của quân ta, chàng bèn bàn với Lâm soái để mình đi làm thuyết khách bên quân địch.
Lâm soái làm người ít khi tức giận, lúc đó lại nắm lấy áo Ngôn Khuyết, tức giận đùng đùng mắng: Đệ tỉnh lại cho ta! Đệ vì chuyện của Lạc Dao mà uể oải cả năm nay, ta mặc kệ. Đệ bỏ ngoài tai lời khuyên của ta, suốt ngày uống rượu giải sầu, ta cũng mặc kệ. Thế là bây giờ đệ muốn đi tìm chết sao? Ngôn Khuyết, đệ thật làm ta thất vọng!
Ngôn Khuyết để yên cho Lâm soái mắng xong, chàng bình tĩnh trả lời: Lâm Nhiếp, huynh cũng quá xem thường ta rồi. Phải, chuyện của Lạc Dao làm ta không màng đến nhiều thứ, nhưng huynh xem hiện giờ là tình thế gì, ta lại là người như thế nào. Huynh cảm thấy ta là người sẽ vì chuyện tình trường mà chơi đùa với vận nạn quốc gia sao?
Đợi Lâm soái bỏ tay xuống, Ngôn Khuyết lại tiếp: Hiện giờ địch đông ta ít, nếu không dùng kế, tất sẽ mất nước. Liên kết của ba nước này lỏng lẽo, lại ngấm ngầm có tranh chấp về lợi ích, chỉ cần một mồi lửa, không chừng sẽ làm chúng nổ tan tác. Ta biết chuyến này rất nguy hiểm, nhưng dù ta chết, cũng chỉ là thêm một nam nhi đền nợ nước, ít ra còn có thể mở một cơ hội. Mà không đi, là hàng vạn binh sĩ bách tính lấy thân tuẫn quốc.
Miệng lưỡi của Ngôn Khuyết sao có thể không thuyết phục nổi Lâm soái. Ngài chỉ thở dài gật đầu, cùng chàng vào tâu với thánh thượng, xin chỉ đi sứ.
Hỏi chàng khi bước chân vào trại địch có sợ không? Dĩ nhiên là chàng sợ. Nhưng mỗi một bước đi chàng lại nhớ về nhiều chuyện: nhớ những con người nhỏ bé mang trong mình nghĩa tình sâu tựa biển, nhớ vệt máu chưa khô dưới chân thành, nhớ tới Lâm Lạc Dao cười dưới gốc hạnh. Và trên hết là nhớ năm đó ngắm nhìn giang sơn gấm vóc hùng vĩ của nước nhà. Chúng làm bước chân chàng thêm vững, làm mắt chàng dù thấy đao kiếm lăm lăm vẫn không mang một tia sợ hãi. Ngôn Khuyết một thân mũ trắng áo lụa, tay cầm vương trượng, dùng ba tấc lưỡi của mình lung lạc liên minh ba nước.
Hơn mười ngày đi sứ, không có bao giờ chàng tự tin là chuyện sẽ thành công trót lọt cũng như là chàng có thể bảo toản mạng sống mà thoát ra. Nhưng sự sợ hãi cũng làm chàng không thể quay đầu, làm chàng càng tin rằng nếu chàng ngã xuống, Đại Lương tất sẽ máu chảy thành sông. Chàng đeo lên dáng vẻ bình tĩnh thong dong, tự tin như mình nắm chắc phần thắng, đấu khẩu với triều thần của cả ba nước, vừa tung hỏa mù, vừa gieo vào lòng người sự nghi ngờ như tằm ăn dâu, dần dần ăn mòn liên kết giữa ba nước.
Gắng gượng đến khi Lương Đế phát động một cuộc tấn công ào ạt xộc thẳng quân chủ lực bên địch nhằm phô trương thanh thế, liên minh ba nước lúc đó chính thức tan rã. Trong đám hỗn loạn, Ngôn Khuyết được một nhóm tử sĩ của Lương Đế cứu khỏi doạnh trại địch. Nhưng đao thương nào có mắt, trên đường trở về chàng bị một mũi tên bắn trúng ngay vai phải rồi ngất đi giữa khói lửa mịt mù.
Khi Ngôn Khuyết tỉnh lại, bên giường là Lâm soái đang lo lắng đi đi lại lại, thấy chàng mở mắt bèn vội vàng sai người báo cho Hoàng thượng. Lâm soái cười báo cho chàng tin đại thắng, rồi lại ngập ngừng nói: Khoái mã từ kinh thành vừa truyền tin, Lạc Dạo mang thai rồi.
Nghe xong Ngôn Khuyết chỉ thở ra một hơi dài, nhắm mắt lại. Được rồi, có lẽ chàng buông tay được rồi.
Khi một lần nữa mở mắt đối mặt với người kia, trong mắt chàng chỉ có một mảnh thanh minh bình tĩnh.
Lương đế hỏi: Ngôn Khuyết, ngươi có hận trẫm không?
Ngôn Khuyết đáp: Hoàng thượng, ngài là quân vương minh đức, thần lấy gì mà hận ngài đây. Còn có mộng tưởng thiên hạ thái bình của bệ hạ, thần nhất định trợ bệ hạ hoàn thành nó.
Để trăm họ không còn lo sợ ấm no, không thù trong giặc ngoài. Để những người chàng quen biết không còn lo động binh đao.
Để Lạc Dao sống một cuộc đời vô ưu vô lo trong cung cấm.
Một tháng sau, Lương Đế khởi giá về kinh thành, lập tức tấn phong Lâm Lạc Dao làm Thần phi.
Còn Ngôn Khuyết, trong hơn mười năm sau đó, chàng đi qua đại giang nam bắc. Khắp mọi miền đất nước, nơi đâu có nổi loạn, giặc giã chàng đều xin chỉ đi đến đó, ít khi ở lâu tại kinh thành. Gần như khắp các biên giới Đại Lương nơi đâu cũng có dấu chân chàng, khi thì làm sứ giả, lúc lại làm quân sư, công lao hiển hách. Năm chàng ba mươi mốt tuổi, Lương Đế triệu chàng về kinh, hạ chỉ phong chàng làm Nhất phẩm quân hầu, tứ hôn cùng con gái út của Đại học sĩ, hoàng ân vời vợi nhưng Ngôn Khuyết lại chẳng mấy vui vẻ.
Hơn mười năm bôn ba ngoài kia nhưng không có nghĩa là chàng không biết đến tình hình triều chính. Đại Lương quả thật đang ở thời hưng thịnh nhất, nhưng cũng vì quá yên bình mà triều cục lại càng ngày càng mục rỗng. Dù chưa đến nỗi suy sụp nhưng vì Lương Đế không có những chính sách siết chặt nên tham quan ô lại, mua danh bán chức vẫn không trừ được; mà Lương Đế lại không thích nghe những lời can gián chói tai, chỉ cần không ảnh hưởng quá lớn tới quốc chính thì ông ta sẽ mắt nhắm mắt mở, coi như không biết để khỏi nhọc lòng, nào còn hùng tâm tráng trí năm xưa.
E rằng việc tứ hôn này cũng nhằm để củng cố thế lực chính trị bên Nội Các.
Lão Thái Sư tuổi già sức yếu, lấy tổ tiên cùng gia tộc ra ép chàng không được vào cung xin Lương Đế rút lại ý chỉ tứ hôn. Dòng chính của Ngôn gia đời này chỉ có độc đinh là Ngôn Khuyết, mà chàng thì đã hơn ba mươi, lão Thái Sư cũng không thể mặc kệ chàng được nữa.
Bây giờ cho dù cố gắng đến mấy, Ngôn hầu cũng không thể nhớ được dung nhan của người vợ xấu số của ngài, có lẽ vì khi nàng còn sống, ngài chưa bao giờ thật sự nhìn nàng.
Nhớ năm đó lụa đỏ khăn hồng, Ngôn Khuyết làm lễ bái đường với nàng một cách cứng nhắc, trên môi dù có chút nhoẻn cười nhưng ánh mắt nào có nửa điểm vui mừng. Chàng giở khăn hồng rồi chẳng nhìn nàng mà xoay người đi thổi tắt đôi nến long phụng.
Con gái Đại học sĩ nết na lễ nghĩa, nàng chẳng những không có tính cách tiểu thư mà còn có chút thẹn thùng nhát gan, mỗi lần gặp chàng cũng chỉ đỏ mặt cúi đầu thỏ thẻ một tiếng: Phu quân. Ngôn Khuyết lúc đó cũng chẳng quan tâm nhiều, chàng vẫn đi đi về về kinh thành, vợ chồng đối với nhau tương kính như tân, nhưng chàng lại chẳng thể có một chút tình. Kể cả khi nàng nói nàng có thai, chàng cũng chỉ theo lễ mà dặn nàng cẩn thận sức khỏe. Một người có ánh mắt sắc bén, nhìn thấu lòng người như Ngôn Khuyết lại chẳng nhìn ra khóe mắt hồng hồng của nàng, hay nói đúng hơn, chàng chưa bao giờ dành cho nàng một ánh mắt.
Lúc thê tử Ngôn Khuyết sắp sinh, lão Thái Sư gần như là nhốt chàng ở trong nhà, sợ chàng lại chạy đi xó xỉnh nào đó để lỡ ngày ra đời của con mình. Ngày đứa bé ra đời, chàng ôm nó trên tay mà chợt nhớ đến đứa con của Thần phi, vô thức mà đặt tên cho nó là Dự Tân.
Những tưởng có con rồi thì Ngôn Khuyết sẽ khác, nhưng chàng vẫn vô tâm vô tình với cả vợ lẫn con. Thê tử chàng ngày ngày ôm con chờ một ánh nhìn của phu quân, chờ một tia quan tâm của người chồng xưa nay chẳng hề màng đến nàng. Nhưng rồi vì sức khỏe yếu ớt, lại thêm vì chịu sự lạnh lẽo của phu quân mà sinh bệnh, đến năm Dự Tân được hai tuổi, nàng qua đời. Trước khi lìa trần, lần đầu tiên nàng dám vươn tay cầm lấy tay Ngôn Khuyết, đôi mắt nàng và chàng nhìn thẳng vào nhau, lệ nàng rơi nhưng trên môi lại là nụ cười nhẹ.
Lão Thái sư lúc đó cũng đang nằm trên giường bệnh, cố lấy chút sức mà nói với chàng: Đời này người ngươi có lỗi nhất là thê tử của ngươi. Nàng đúng là bạc phước mới lấy phải ngươi.
Khi đó Dự Tân chỉ vừa biết nói bập bẹ, hạ nhân mặc cho nó một bộ đồ tang trắng toát, phối hợp với ánh mắt trong trẻo ngây thơ của nó khi nhìn Ngôn Khuyết lại làm sự tang thương như một cái gai đâm thẳng vào tim. Chàng mang nó quỳ ở linh đường hết mấy ngày tang, đến tận hôm đưa linh cửu tới mộ phần của Ngôn gia, nó mới hoang mang nhìn chàng rồi nức nở hỏi mẫu thân ở đâu. Ngôn Khuyết ôm thân hình bé nhỏ đang khóc đến lã đi của Dự Tân trở về Ngôn phủ trống rỗng, cảm thấy như mình đã phí cả đời người.
Đại Lương bây giờ đã dần khác đi với Đại Lương mà chàng đã dốc cả tâm huyết để xây dựng, cố nhân còn đó nhưng tâm chẳng còn như xưa, người tại bên mình mà chàng lại chẳng hề để mắt.
Chỉ một năm sau đó, lão Thái sư cũng qua đời, tâm Ngôn Khuyết cũng lạnh hơn phân nửa. Chàng dần rút khỏi triều chính và bắt đầu dấn thân vào đạo môn để tìm chút thanh thản trong tâm hồn. Việc học của Dự Tân do một tay chàng dạy dỗ, thế nhưng Ngôn Khuyết chưa bao giờ mắng nó khi làm sai cũng như chưa bao giờ ôm nó khen nó, vì chàng nghĩ nếu dạy dỗ đầy đủ, tự nó sẽ biết việc làm của mình là tốt hay xấu. Chàng nghĩ thế là đủ, mà Dự Tân lại chẳng bao giờ mở miệng đòi hỏi tình thương của chàng, cha không hiểu con mà con cũng không hiểu cha.
Thấm thoát lại qua mười mấy năm, Dự Tân bắt đầu theo Hạ Thu và Hạ Đông học võ, nên thời gian nó chơi ở nhà người còn nhiều hơn ở Ngôn phủ. Ngôn hầu lúc đó lại càng có nhiều thời gian để học đạo, hoàn toàn không nhúng tay vào chuyện triều chính, cũng không qua lại với quan viên, ông lại luôn có vẻ mặt lạnh lùng không quan tâm nên chẳng mấy chốc người ta đã quên đi cái danh Hầu gia lừng lẫy năm xưa, chỉ còn nhớ tới một Quốc cữu gia, con trai lão Thái sư hai triều, huynh trưởng của đương kim Hoàng hậu.
Cái ngày tin Xích Diễm phản bội cùng Kỳ vương được loan ra, ông dù sốt ruột nhưng cũng chưa đi cầu xin, vì ông nghĩ Lương đế cho dù thế nào cũng sẽ không tuyệt tình tới nỗi chỉ bằng một bản tấu chương của Hạ Giang là đã khép tội đứa con trai xuất sắc nhất của hắn và Lâm soái, người huynh đệ không những từng trợ hắn lên ngôi mà còn không ít lần bảo vệ bờ cõi để hắn ngồi vững vàng trên long ỷ.
Thế mà chỉ một ngày sau, thánh chỉ dẹp loạn quân Xích Diễm đã được ban ra, Kỳ vương cũng lập tức bị bắt giam vào thiên lao. Bao nhiêu văn võ bá quan đứng ra cầu xin cũng chẳng thể lay động được tâm tư tràn đầy nghi kị của Lương Đế. Kinh thành lại một lần nữa máu chảy thành sông, lần này lại là máu của những trung thần, những rường cột tương lai của nước nhà bị chính quân chủ của mình chặt bỏ chỉ vì họ dám đứng ra xin tội cho con trai ruột của hắn.
Ngôn hầu đích thân mặc Hầu phục, đầu đeo quan ngọc năm xưa chính tay Lương Đế ban cho, tay dâng một tờ sớ can gián với lời lẽ hùng hồn đanh thép, quỳ trước sân chầu của Lương Đế xin được gặp. Đợi qua một ngày cũng chỉ có cung nữ thân cận của Hoàng hậu phái đến mời ngài đến gặp nàng. Ngôn hầu mặc kệ như không nghe thấy, mắt nhìn đăm đăm vào cánh cửa khép chặt trước mặt ông. Một lúc sau đích thân Hoàng hậu đến, khuyên ngăn ngài đừng chọc giận Lương Đế để rồi mất mạng, còn làm hại Ngôn gia. Thấy ông vẫn không ngó ngàng đến lời của mình, Hoàng hậu bèn nhét vào tay ông một tấm lụa trắng, bên trên chỉ viết bốn chữ: Ngôn Khuyết, đừng chết.
Là chữ của Lâm Lạc Dao, cho dù qua bao nhiêu năm tháng ông vẫn nhận ra nét chữ của nàng, cũng như tâm tính của nàng. Ngôn hầu ôm mảnh lụa trắng vào lòng mà rơi nước mắt, ông nhận ra đây là di vật cuối cùng của nàng dành cho ông. Quay qua Hoàng Hậu vẫn đang đứng đó, ông nói: Tình huynh muội giữa ta và ngươi coi như đoạn tuyệt ở đây. Sau này ngươi làm Hoàng Hậu của ngươi, Ngôn Khuyết ta dù sống hay chết không cần ngươi bận tâm. Nếu sau này ta có chết, ngươi cũng đừng bao giờ thắp nhang bái tế để ta phải thẹn với huynh đệ bằng hữu dưới suối vàng.
Chẳng bao lâu sau đó, tin từ Mai Lĩnh truyền về kinh, Tấn Dương công chúa mang theo bảo kiếm tự sát trước quần thần. Thanh bảo kiếm mà năm xưa Lương Đế lúc còn là Lục hoàng tử đã tặng cho Lâm soái, thanh kiếm mà Lâm soái vẫn treo trong phòng, nâng niu bảo quản như thứ quý giá nhất đời này, nay lại là hung khí kết thúc cuộc đời của người thiếu phụ thà làm ngọc nát đó.
Rồi Kỳ vương bị ban một ly rượu độc, Thần phi tự sát trong cung.
Năm xưa khi Lâm Lạc Dao vào cung, không pháo đỏ rượu nồng, không hỷ phục lễ đường; mà nay khi nàng rời khỏi cung, người nàng cũng chỉ được bọc bằng một tấm vải trắng, không bia không mộ, không người khóc than, còn mang trên vai hai chữ "tội nhân" ô nhục.
Chỉ qua một tháng mà tóc Ngôn hầu bạc đi hơn nửa, tâm cũng lạnh lẽo như hàn sương.
Ngôn hầu nghĩ, nếu năm xưa Ngôn hầu không góp sức cho Lục hoàng tử, không trợ hắn lên ngôi, không bỏ biết bao tâm huyết củng cố bờ cõi cho hắn, nhất định tấn thảm kịch này sẽ không diễn ra. Nếu năm xưa ông rước Lạc Dao về nhà trước, số mệnh của nàng sẽ tốt đẹp hơn biết mấy.
Nhưng tất cả chỉ là một chữ nếu, Ngôn hầu lúc đó ý nghĩ muốn chết đã có, nhưng ông không thể chết như thế. Ít ra ông phải mang theo Lương Đế, để khi xuống hoàng tuyền, ông phải bắt hắn phải quỳ dưới chân tất cả oan hồn mà lãnh hết mọi oán thán.
Thế nhưng trù tính mười hai năm, cuối cùng kế hoạch đó lại bị Mai Trường Tô bóp chết. Đối với con người này, ông vừa ghét vừa biết ơn. Vị Kì lân tài tử này thuộc loại người Ngôn hầu ghét nhất: luôn lén lút trong bóng tối mà thao túng, có thể không từ thủ đoạn để đạt mục đích. Nhưng cũng nhờ hắn mà ông mới không làm hại cả đời Dự Tân, cũng nhờ hắn phò tá Tĩnh vương lên làm Thái tử mà vụ án Kỳ vương và Xích Diễm quân mới được lật lại, ô danh của cả nhà Lâm thị mới được rửa. Nhờ hắn mà Ngôn hầu mới có thể đường hoàng đến trước linh đường Lâm gia bái tế chứ không phải trước một bài vị không tên ông đặt trong nhà.
Lâm Nhiếp, Lâm Thù, Tấn Dương và Lâm Lạc Dao, ngày ông thắp nhang trước họ, ông không cầm được nước mắt.
Hỏi người còn nhớ hay chăng ngày xưa tóc hãy còn xanh, thong dong tung hoành, đắng ngọt có nhau.
Mà nay cảnh còn người mất, cố nhân như phù du bay theo gió, người chẳng còn mà tâm cũng mất, chỉ còn người ở lại trông một lần tái ngộ dưới chân cầu.
...................................................................................
Dạo này Dự Tân quanh quẩn bên giường ông càng ngày càng lâu, Ngôn hầu chợt nhận ra thế là đã đến lượt ông bước đi. Gắng gượng đến bây giờ, có lẽ không còn do ông cảm thấy có lỗi với Dự Tân nữa, mà là ông thật sự không nỡ xa nó. Đứa con mà ông đã bỏ bê hơn hai mươi năm đầu đời, nay chỉ mới đứng cạnh nó gần mười năm, mới hiểu mới yêu thương nó nhiều hơn mà đã chẳng còn thời gian nữa.
Tiêu Cảnh Diễm có di giá đến Ngôn phủ thăm ông, nghe nói là Thái hậu cũng muốn đến nhưng vì sức khỏe sa sút nên không đi được. Ông nhìn vị Lương Đế hiên ngang đường đường trước mặt, cảm thấy đất nước này vào tay hắn cũng không tệ. Tiêu Cảnh Diễm cũng không nói nhiều, bảo ông yên tâm, hắn sẽ để tâm và giúp đỡ Dự Tân nếu cần. Ngôn hầu chỉ cười yếu ớt, giọng nói tuy đã khàn nhưng không giấu được nét tự hào cùng kiêu ngạo trong mắt: Đa tạ Hoàng thượng. Có điều Dự Tân họ Ngôn, lại là con trai của ta, với bản lĩnh của nó tất không phiền bệ hạ nhọc lòng.
Tiêu Cảnh Diễm cũng không phật lòng, chỉ gật đầu, hạ chỉ cho Thái y viện chăm sóc cho Ngôn hầu rồi về cung.
Một tối nọ, ông nghe tiếng Dự Tân khóc gọi, hơi thở của ông càng ngày càng khó khăn nhưng vẫn cố mở mắt. Ông thấy rõ Dự Tân quỳ bên giường, nước mắt giàn giụa. Ông muốn nhắc nó đã hơn ba mươi tuổi đầu rồi mà còn khóc to như hồi hai tuổi lúc mẫu thân nó mất, nhưng ông lại chẳng thốt nên lời. Thoáng nghe tiếng Tiêu Cảnh Duệ bên cạnh làm ông yên tâm hơn, ít ra đứa con này của ông cũng sẽ không bơ vơ một mình, nó vẫn còn một người tri kỷ ở bên những khi mất mát.
Ông lấy hết sức lực của mình, nâng tay vỗ vỗ lên đầu Dự Tân trấn an, khóe mắt ông lại không ngăn được giọt nước mắt rơi dài trên mái tóc bạc.
Chớp mắt một cái, không còn Dự Tân, chẳng có Tiêu Cảnh Duệ, chỉ thấy nơi chân cầu một Lâm Nhiếp tuổi trẻ lưng thắt đai đỏ nhoẻn miệng cười tươi, thấy Lục Hoàng tử năm xưa anh tuấn tiêu sái, đôi mắt sáng như gương nhìn ông.
Lại thấy Lạc Dao đứng dưới gốc hạnh, hoa rơi trên tóc, môi đọng nụ cười từ rất nhiều năm trước mà tựa như chỉ mới hôm qua.
Thấy chính mình áo vải mũ trắng, nắm tay nàng ngồi trên yên ngựa, ra roi thúc ngựa hướng về non xanh nước biếc nơi chân trời.
.
.
Hết
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top