[Từ điển] Điển cố

Nguồn: dichtienghoa.com

----------

ĐIỂN CỐ

1.Triều văn đạo, tịch tử khả hĩ

Chữ Hán: 朝闻道, 夕死可矣

Tạm dịch: Sáng nghe đạo, chiều chết cũng không hối tiếc

Xuất xứ: 《 Luận Ngữ · Lý Nhân 》

Giải nghĩa:

"Đạo" trong câu này không chỉ nói về đạo nhân nghĩa trong Nho gia mà còn có thể hiểu rộng ra các chân lý khác của vũ trụ, các loại đạo lý làm người.

Đạo nhân nghĩa trong Nho gia:《 Dịch · Thuyết Quái 》viết "Lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa", ý là đạo làm người gồm nhân và nghĩa. Ngày xưa giai cấp thống trị lấy "đạo nhân nghĩa" để cai trị thiên hạ. Bậc chính nhân quân tử đem đạo này coi như chuẩn tắc tu thân dưỡng tính. (Cho nên hay thấy câu, "Ngụy quân tử miệng toàn nhân nghĩa đạo đức", châm biếm những kẻ chỉ biết nói mà không làm được)

"Tử" trong câu này, ý nói buổi sáng nghe và ngộ ra đạo lý, thì dù buổi chiều có chết cũng không hối tiếc. Hình dung sự bức thiết khi theo đuổi một chân lý hoặc tín ngưỡng nào đó.

《 Thế Thuyết Tân Ngữ · Tự Tân 》(1) nói Chu Xử khi còn trẻ hung ác cường bạo bị người dân Nghĩa Hưng xưng là một trong "Tam Hoành" (hoành: hoành hành ngang ngược). Sau Chu Xử có ý hối cải, nhưng hắn sợ thời gian đã sống uổng, cuối cùng không có thành tựu gì. Lúc ấy trên văn đàn có vị danh nhân tên Lục Vân nói: "Cổ nhân quý điều triều văn tịch tử, huống chi quân tiền đồ còn lâu dài. Vả lại chỉ sợ người không bền chí, chứ lo gì danh thơm không lưu truyền?" Lục Vân lấy câu "Sáng nghe đạo, chiều chết cũng không hối tiếc" để khuyên lãng tử hồi đầu, chỉ cần lập chí hướng thiện, liền không cần lo lắng mỹ danh không truyền xa; một khi thức tỉnh, hiểu được đạo lý làm người, liền nên hạ quyết tâm đi làm. Chu Xử cuối cùng thành trung thần hiếu tử.

Con người trên thế gian vô luận là dạng nào, thông minh hay ngu dốt, giàu có hay nghèo khổ, đại đa số đều là tham sống sợ chết, bởi vì đây là bản năng sinh tồn. Có câu "chết tử tế không bằng còn sống", ý là nói dù chết và được chôn cùng vàng ngọc châu báu cũng không bằng còn sống mà chịu đói khổ rét mướt. Nếu một người không sợ chết, như vậy còn có điều gì đáng sợ đây? Nhưng mà cảnh giới tư tưởng này lại không phải người bình thường có khả năng đạt tới.

《 Hán Thư 》ghi lại, thời Hán Tuyên Đế năm Bổn Thủy thứ hai, Tuyên Đế hạ chiếu ca ngợi Hán Vũ Đế, yêu cầu quần thần vì Hán Vũ Đế chế "Miếu nhạc". Đại thần Hạ Hầu Thắng bởi vì phản đối cách làm này, bị buộc tội "Đại nghịch bất đạo" và hạ ngục. Lúc ấy thừa tướng trường sử Hoàng Bá bởi vì không phụ họa quần thần bỏ đá xuống giếng, cũng bị buộc tội hạ ngục, chờ xử tử. Trong ngục, Hoàng Bá thỉnh cầu Hạ Hầu Thắng truyền thụ 《 Thượng Thư 》, Hạ Hầu Thắng nói: "Chúng ta đều sắp chết, còn nói cái gì?" Hoàng Bá nói: "Thánh nhân nói qua, sáng nghe đạo, chiều chết cũng không hối tiếc, ta nguyện ý học tập." Vì thế Hạ Hầu Thắng dạy Hoàng Bá 《 Thượng Thư 》. Tới mùa đông năm sau, Quan Đông động đất chết rất nhiều người, Hán Tuyên Đế phải đại xá thiên hạ để cầu phúc, hai người đồng thời được tha. Lại qua một năm, Hoàng Bá được Hán tuyên Đế nhâm mệnh làm thừa tướng.

Từ xưa đến nay trong lịch sử Trung Quốc không ít người vì đạo mà siêng năng tìm tòi, cầu học, thậm chí hy sinh tính mạng. Dù có được đến "đạo" hay không thì lòng cầu đạo chân thành, kiên định của họ vẫn đủ để tác động người đời sau. Từ xưa cầu đạo khó, nghe đạo khó, đắc đạo càng khó. Một người khi đạt tới cảnh giới "triều văn tịch tử" thì bất luận trắc trở và khảo nghiệm gì đều không thể làm người đó dao động. Mà khi hiểu được đạo lý, người đó sẽ dùng suốt đời mình để thực hành nó, vì bảo vệ nó mà thậm chí không tiếc hy sinh mạng sống của mình. Đây là quan niệm đạo đức của Khổng Tử. Khổng Tử "sát thân dĩ thành nhân" (2), Mạnh Tử "xá sinh nhi thủ nghĩa" (3) chính là lời chú giải tốt nhất cho câu "Sáng nghe đạo, chiều chết cũng không hối tiếc".

----------------

Chú thích:

(1) tự tân nghĩa là làm lại cuộc đời, ăn năn hối cải

(2) Tử viết: "Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân."

子曰: "志士仁人, 无求生以害仁, 有杀身以成仁."

Dịch tạm là, Khổng Tử nói, "Một người mà trong lòng có chí lớn và sự nhân đức, sẽ không vì tham sống sợ chết mà tổn hại nhân đức, chỉ biết không tiếc hy sinh tính mạng mà thành toàn nhân đức."

"Sát thân dĩ thành nhân" có nghĩa là hy sinh tính mạng để thành toàn nhân đức.

(3) Tiên Tần · Mạnh Kha《 Mạnh Tử · Cáo Tử Thượng · Ngư Ngã Sở Dục Dã 》: "Sinh, diệc ngã sở dục dã, nghĩa, diệc ngã sở dục dã. Nhị giả bất khả đắc kiêm, xá sinh nhi thủ nghĩa giả dã."

先秦 · 孟轲《 孟子 · 告子上 · 鱼我所欲也 》: "生, 亦我所欲也, 义, 亦我所欲也. 二者不可得兼, 舍生而取义者也."

Dịch tạm là: Sinh mệnh, là thứ mà ta muốn, đạo nghĩa, cũng là thứ mà ta muốn. Nếu cả hai đều không thể đồng thời được đến, ta sẽ chọn bỏ đi sinh mệnh để giữ lấy đạo nghĩa.

"Xá sinh nhi thủ nghĩa" ý là "bỏ đi sinh mệnh để giữ lấy đạo nghĩa".

Biên soạn bởi dichtienghoa.com

2.Tri mộ thiếu ngải

Chữ Hán: 知慕少艾

Tạm dịch: đến tuổi biết yêu cái đẹp / đã biết yêu cái đẹp

Giải thích:

Tri mộ thiếu ngải, ý nói con trai đến tuổi tình yêu chớm nở, liền biết ái mộ thiếu nữ xinh đẹp. Sau lại dùng để chỉ tình cảm đẹp đẽ đầu đời của người thiếu niên.

Tranh minh họa về chuyện tình của Liễu Vĩnh với hoa khôi thanh lâu

Xuất xứ:

《 Mạnh Tử · Vạn Chương thượng 》 Chương 1: Nhân thiếu tắc mộ phụ mẫu, tri hảo sắc tắc mộ thiếu ngải, hữu thê tử tắc mộ thê tử, sĩ tắc mộ quân, bất đắc vu quân tắc nhiệt trung. Đại hiếu chung mộ phụ mẫu, ngũ thập nhi mộ giả, dư vu đại thuấn kiến chi hĩ.

Nguyên văn:

《 孟子 · 万章上 》 第一章: 人少则慕父母, 知好色则慕少艾, 有妻子则慕妻子, 仕则慕君, 不得于君则热中. 大孝终慕父母, 五十而慕者, 予于大舜见之矣.

Giải nghĩa:

Mạnh Tử nói: Con người ta lúc còn nhỏ thì sẽ kính yêu cha mẹ, sau khi lớn lên rồi thì hiểu được vẻ đẹp của nữ sắc, ái mộ những cô gái trẻ đẹp; chờ cho có vợ con thì yêu quý vợ con; người làm quan thì muốn lấy lòng quân chủ, không được quân chủ coi trọng thì trong lòng nôn nóng. Chỉ có người hiếu thuận nhất mới có thể trọn đời kính yêu cha mẹ. Kẻ mà tới năm mươi tuổi còn kính yêu cha mẹ, ta thấy được ở tấm gương của thánh nhân Thuấn.

Sau khi lớn lên biết cái gì là mỹ, thì sẽ ái mộ thiếu nữ trẻ tuổi xinh đẹp. Sự tò mò và hảo cảm đối với khác phái, là chuyện vô cùng tự nhiên, Mạnh Tử đã đứng từ góc độ bản năng của con người để miêu tả vấn đề này.

Bình luận:

Mạnh Tử là đàn ông phong kiến nên câu này lấy nhân vật chính là nam (thánh hiền cũng kỳ thị giới tính :v ). Nhưng nam nữ đều là người, đã là bản năng thì ai cũng có, nên phải nói là không chỉ đàn ông mê gái mà đàn bà (và đàn ông) cũng mê trai.

Chữ ngải 艾 tuy thường được dùng để chỉ thiếu nữ, nhưng bản thân chữ này là không có giới tính. Ta cũng có thể dùng câu này trong trường hợp nhân vật chính là nữ.

Tuy nhiên biết thưởng thức cái đẹp và háo sắc là hai việc khác nhau. Trong lịch sử không ít người sa đà vào nữ sắc, tự xưng phong lưu nhưng vì quá chú tâm vào chuyện yêu đương mà đường đời nhấp nhô như Liễu Vĩnh.

Trịnh Bá khắc Đoạn vu Yên

Dịch tên: Vua Trịnh đánh bại Đoạn ở đất Yên

Tóm tắt:《 Trịnh Bá khắc Đoạn vu Yên 》 là câu chuyện nổi tiếng trong《 Xuân Thu Tả thị truyện 》.

Thời Xuân Thu, hoàng tộc nhà Chu dần dần suy bại, các nước chư hầu bắt đầu chiến tranh thôn tính lẫn nhau, cuộc chiến tranh giành quyền thế giữa những người thống trị của các quốc gia cũng tăng lên. Vì tranh đoạt vương vị, cốt nhục chí thân trở thành kẻ thù sinh tử.

Năm 722 trước Công Nguyên, Trịnh Trang Công cùng em trai ruột cùng một mẹ của mình là Cộng Thúc Đoạn vì đoạt ngôi quân chủ mà tiến hành một hồi đấu tranh ngươi chết ta sống.

Trịnh Trang Công tính kế, cố ý dung túng em trai Cộng Thúc Đoạn và mẹ mình là Võ Khương, khiến em trai trở nên kiêu căng, muốn đoạt ngôi vị quốc quân, Trang Công liền lấy danh nghĩa này để thảo phạt Cộng Thúc Đoạn.

Trang Công oán trách mẹ mình bất công, đem mẫu thân đưa đi đất Dĩnh. Sau lại chính mình cũng hối hận, lại có Dĩnh Khảo Thúc khuyên nhủ, mẫu tử lại hòa hảo trở lại.

Chi tiết điển cố:

Thời xưa, Trịnh Võ Công cưới người vợ gọi là Võ Khương. (Võ Khương không phải họ tên thật, Võ là thụy hào của chồng, Khương là họ nhà mẹ, nên còn gọi là Khương thị)

Bà sinh ra Trịnh Trang Công và Cộng Thúc Đoạn. Trang Công lúc sinh ra bị khó sinh, chân ra trước, làm Võ Khương bị đau đớn và kinh hách, bởi vậy đặt tên cho ông là "Ngụ Sinh", cũng thực chán ghét ông. (Ngụ Sinh nghĩa là khó sinh, sinh ngược). Võ Khương thiên vị Cộng Thúc Đoạn, nhiều lần xin Võ Công lập hắn làm thế tử, nhưng Võ Công không chịu.

Đến khi Trang Công kế vị, Võ Khương liền thay Cộng Thúc Đoạn thỉnh cầu phong hắn đến Chế Ấp. Nhưng Trang Công nói Chế Ấp hiểm yếu, dễ chết ở nơi đó, nếu chọn nơi khác thì ông sẽ làm theo. Võ Khương liền xin Kinh Ấp. Trang Công đồng ý, phong Đoạn làm Kinh thành Thái thúc. (thành tên Kinh, theo tên ấp chứ không phải là chỉ kinh thành).

Đại phu Tế Trọng nói, thành ấp phân phong không hợp quy chế, sẽ trở thành tai họa cho quốc gia. Trang Công trả lời, Khương thị muốn như vậy, ta làm sao tránh đây? Tế Trọng lại nói: Khương thị có biết thỏa mãn bao giờ đâu? Tai họa phải sớm xử trí trước khi nó lan tràn. Cỏ dại còn khó nhổ sạch, huống chi em trai được sủng ái của ngài? Trang Công nói: Làm nhiều việc bất nghĩa, tự nhiên chính mình diệt vong, ngươi chờ xem đi.

Qua không lâu, Đoạn đem các biên ấp ở tây và bắc nước Trịnh gom về dưới trướng mình. Công tử Lữ mấy lần khuyên Trang Công hành động, Trang Công vẫn nói, hắn sẽ tự tìm đường chết.

Cộng Thúc Đoạn tu sửa thành quách, chiêu mộ bá tánh, chuẩn bị vũ khí, muốn đánh lén Trịnh Quốc. Võ Khương tính toán mở cửa thành làm nội ứng. Trang Công nghe được tin, nói: "Có thể xuất kích!". Sau đó phái người đi thảo phạt Kinh Ấp. Người dân Kinh Ấp phản bội Cộng Thúc Đoạn, hắn đành phải chạy tới Yên thành. Trang Công lại đuổi tới Yên thành thảo phạt hắn. Ngày hai mươi ba tháng năm, Đoạn chạy trốn tới Cộng Quốc.

《 Xuân Thu 》 ghi lại nói: "Trịnh bá khắc Đoạn vu Yên." Ý là Cộng Thúc Đoạn không tuân thủ bổn phận làm đệ đệ, cho nên không nói hắn là đệ đệ của Trang Công; hai anh em tranh đấu giống như hai quốc quân, cho nên dùng chữ "khắc"; xưng Trang Công làm "Trịnh bá", là châm chọc ông cố tình không dạy dỗ em mình; đuổi đi Cộng Thúc Đoạn là xuất phát từ bổn ý của Trịnh Trang Công, không viết Cộng Thúc Đoạn tự động bỏ trốn, là do sử quan lúc hạ bút có chỗ khó xử.

Trang Công đem Võ Khương an trí ở thành Dĩnh. Hơn nữa thề nói: "Không đến hoàng tuyền, không hề gặp mặt!"

Sau, có người tên Dĩnh Khảo Thúc dâng cống phẩm cho Trang Công, được ban cơm. Nhưng hắn chỉ ăn cơm, không ăn thịt, Trang Công hỏi tại sao, hắn đáp: Tiểu nhân có bà mẹ già, chưa từng ăn qua thịt quân vương ban cho, xin cho thần mang về cho mẹ ăn. Trang Công thở dài: Ngươi có mẹ để hiếu kính, ta lại không có. Dĩnh Khảo Thúc hỏi: Sao ngài lại nói vậy? Trang Công kể cho hắn nguyên nhân, còn nói mình đã hối hận. Dĩnh nói: Có gì phải lo, chỉ cần đào một địa đạo, gặp nhau nơi đó, ai có thể nói ngài vi phạm lời thề? Trang Công làm theo. Mẹ con hai người gặp mặt và "khôi phục quan hệ mẹ con như xưa".

Có người xưng kết cục này là trò hề, vì hai mẹ con Khương thị -Trang Công trước kia quan hệ cũng không tốt đẹp gì. Từ khi mới sinh ra đã chán ghét, cho tới tranh đấu chém giết giành quyền vị, còn có thể không hề khúc mắc mà cộng hưởng thiên luân? "Khôi phục quan hệ như xưa", chỉ câu này thôi đã bao hàm nhiều thâm ý.

Kỳ thật đứng từ góc độ khác mà phân tích, những hành động của Trang Công có thể nói là bản tính giả nhân giả nghĩa được vá một lớp áo ngoài mà thôi. Ngay từ đầu là cố tình dung túng, lạt mềm buộc chặt, dụ dỗ Cộng Thúc Đoạn sinh ra dã tâm, chờ em trai phạm tội thì đứng trên đạo nghĩa mà thảo phạt. Sau này vì muốn cứu vớt thanh danh về hiếu đạo nên ông mới vui vẻ tiếp thu sự "cảm hóa" của Dĩnh Khảo Thúc, nhân cơ hội tìm bậc thang xuống ngựa. Hình dung Trịnh Trang Công chỉ có một câu, đa mưu túc trí, âm hiểm giảo hoạt.

Câu "Trịnh bá khắc Đoạn vu Yên" này thường được dùng như một thành ngữ chỉ sự đấu đá của anh em trong nhà, sự tranh giành quyền vị, hoặc được nêu ra làm ví dụ để cảnh tỉnh người nghe đừng bước vào vết xe đổ của Cộng Thúc Đoạn.

3.Xỉ như hồ tê

Chữ Hán: 齿如瓠犀

Giải nghĩa:

Xỉ là răng.

Hồ là trái bầu. Tê là hạt (của trái bầu).

Hồ tê là hạt bầu.

"Xỉ như hồ tê" hình dung hàm răng trắng tinh chỉnh tề, răng như hạt bầu trắng và đều. Thường là tả người con gái.

Xuất xứ thành ngữ

Câu thành ngữ này có xuất xứ từ bài Kinh Thi. Vệ phong. Thạc nhân, xem giải nghĩa bài thơ .

诗经. 卫风. 硕人

硕人其颀, 衣锦褧衣. 齐侯之子, 卫侯之妻. 东宫之妹, 邢侯之姨, 谭公维私.

手如柔荑, 肤如凝脂, 领如蝤蛴, 齿如瓠犀, 螓首蛾眉, 巧笑倩兮, 美目盼兮.

硕人敖敖, 说于农郊. 四牡有骄, 朱 幩 镳镳. 翟茀以朝. 大夫夙退, 无使君劳.

河水洋洋, 北流活活. 施罛濊濊, 鳣鲔发发, 葭菼揭揭. 庶姜孽孽, 庶士有朅.

Dichtienghoa.com

Thi Kinh. Vệ phong. Thạc nhân

诗经. 卫风. 硕人

硕人其颀, 衣锦褧衣. 齐侯之子, 卫侯之妻. 东宫之妹, 邢侯之姨, 谭公维私.

手如柔荑, 肤如凝脂, 领如蝤蛴, 齿如瓠犀, 螓首蛾眉, 巧笑倩兮, 美目盼兮.

硕人敖敖, 说于农郊. 四牡有骄, 朱 幩 镳镳. 翟茀以朝. 大夫夙退, 无使君劳.

河水洋洋, 北流活活. 施罛濊濊, 鳣鲔发发, 葭菼揭揭. 庶姜孽孽, 庶士有朅.

Hán Việt:

Thi Kinh. Vệ phong. Thạc nhân

Thạc nhân kỳ kỳ, y cẩm quýnh y (1). Tề hầu (2) chi tử (3), Vệ hầu chi thê (4). Đông cung (5) chi muội, Hình hầu chi di (6), Đàm công duy tư (7).

Thủ như nhu đề (8), phu như ngưng chi, lĩnh như tù tề (9), xỉ như hồ tê, tần thủ nga mi (10), xảo tiếu thiến hề, mỹ mục phán hề.

Thạc nhân ngao ngao (11), thuyết vu nông giao (12). Tứ mẫu hữu kiêu, chu phần tiêu tiêu (13). Địch phất dĩ triều (14), đại phu túc thối, vô sử quân lao (15).

Hà thủy dương dương, bắc lưu hoạt hoạt (16). Thi cô uế uế, chiên vị phát phát (17), gia thảm yết yết. Thứ khương nghiệt nghiệt (18), thứ sĩ hữu khiết (19).

Giải thích:

(1) Thạc nhân: thạc nghĩa là to lớn. Thạc nhân ở đây chỉ người đẹp cao to, trắng trẻo mập mạp, cụ thể là phu nhân Trang Khương của Vệ Trang Công. (Đương thời lấy thân hình cao lớn làm tiêu chuẩn cái đẹp)

(2) Tề hầu: chỉ Tề Trang Công.

(3) Tử: ở đây là chỉ con gái chứ không phải con trai.

(4) Vệ hầu: chỉ Vệ Trang Công.

(5) Đông Cung: Thái tử, nơi này chỉ Tề thái tử Đắc Thần.

(6) Hình: tên nước thời Xuân Thu, nay là Hình Đài ở Hà Bắc. Di: ở đây là chỉ chị em của vợ mình.

(7) Đàm Công duy tư: ý nói Đàm Công là tỷ phu của Trang Khương. Đàm là tên nước thời Xuân Thu, nay là Lịch Thành, Sơn Đông. Tư: xưng hô của cô gái đối với chồng của chị em mình.

(8) Nhu đề: một loại thực vật có hoa thon dài như hình ngón tay.

(9) Lĩnh là cổ. Tù tề là ấu trùng của con thiên ngưu (天牛: một loài bọ cánh cứng), thân dài, màu trắng. Ai muốn xem có thể search từ khóa "天牛的幼虫", nhưng đừng xem khi đang ăn cơm.

(10) Tần: giống con ve nhưng nhỏ hơn, trán rộng, ngay ngắn. Tần thủ: hình dung cái trán rộng và đầy đặn. Nga mi là chỉ lông mày như râu con ngài, vừa dài vừa cong.

(11) Ngao ngao: chỉ dáng người thon dài cao ráo.

(12) Thuyết: nghĩa như 税 (thuế), tức là dừng xe. Nông giao là vùng ngoại thành. Có bản cũng nói là đông giao.

(13) Mẫu 牡 ở đây nghĩa là con đực. Tứ mẫu hữu kiêu chỉ bốn con ngựa đực lái xe rất cường tráng. Chu phần tiêu tiêu diễn tả hàm thiết ngựa được quấn lụa đỏ nhìn rất đẹp và khí thế.

(14) Địch phất, ý nói mui xe được trang trí bằng lông chim trĩ, gà rừng.

(15) Túc thối: sớm bãi triều.

(16) Bắc lưu: sông Hoàng Hà giữa nước Tề và nước Vệ chảy về hướng bắc nhập vào biển. Hoạt hoạt: tiếng nước chảy ào ạt.

(17) Thi cô uế uế ý chỉ lưới đánh cá được quăng vào trong sông vang lên tiếng bì bõm. Chiên vị là cá tầm. Chiên vị phát phát: cá tầm vẫy đuôi trên mặt nước.

(18) Thứ Khương: thứ có nghĩa là thiếp. Là đám con gái họ Khương gả đi theo tân nương. Có một danh từ là dắng thiếp - nghĩa là người thiếp đi theo thê đến nhà chồng. Nghiệt nghiệt ý là bộ dáng cao lớn, trang điểm lộng lẫy. Lưu ý là Trang Khương không phải họ Trang. Cách xưng hô của người xưa, Trang là thụy hào của người chồng, còn Khương mới là họ nhà mẹ.

(19) Thứ sĩ: là dắng thần, cũng như dắng thiếp, những người bề tôi đi theo cô dâu về nhà chồng. Hữu khiết: ý là vũ dũng oai hùng.

Cảnh đưa dâu ngày xưa

Dịch nghĩa:

Kinh Thi. Vệ phong. Người đẹp

Người đẹp cao lớn kia, khoác áo choàng, mặc cẩm y. Nàng là con gái Tề hầu, gả làm vợ Vệ hầu. Là em gái Thái tử, em vợ Hình hầu, tỷ phu là Đàm công.

Ngón tay nàng thon dài như hoa nhu đề, da nàng mịn màng như mỡ đông, cổ nàng như ấu trùng thiên ngưu, răng trắng đều như hạt bầu, trán đầy đặn như ve, mày cong dài như râu ngài, nụ cười duyên dáng xinh tươi, đôi mắt đẹp nhấp nháy có thần.

Đoàn xe đưa người đẹp cao lớn kia, nghỉ lại ở nông giao. Bốn con tuấn mã, hàm thiết quấn lụa hồng, xe có mui gắn lông chim trĩ, từ từ đi hướng triều đình. Các quan đã sớm bãi triều, hôm nay không nên làm phiền quân vương.

Nước sông cuồn cuộn, dòng nước ào ạt chảy về phía bắc. Tiếng giăng lưới bì bõm, cá tầm vẫy đuôi trên mặt nước, hai bờ sông lau sậy cao cao. Đoàn đưa dâu toàn những thiếp tỳ xinh đẹp, binh sĩ oai hùng.

Đây là dân ca Trung Hoa vào thời Tiên Tần (thời đại trước khi nhà Tần thống nhất giang sơn). Toàn thơ bốn chương, mỗi chương có bảy câu. Nội dung miêu tả cảnh tráng lệ trong hôn lễ và vẻ đẹp của cô con gái nhà Tề Công là Trang Khương khi xuất giá gả cho Vệ Trang Công, khắc họa hình tượng xinh đẹp cao quý của Trang Khương. Thơ bắt đầu miêu tả từ thân phận và gia thế hiển hách của Trang Khương, rồi mới tả đến bề ngoài của nàng, giống như máy quay từ trên không di chuyển đến cận cảnh. Chương cuối cùng lấy cảnh đẹp tráng lệ là "nước sông cuồn cuộn", "lau sậy cao cao", để diễn tả mức độ rầm rộ của "thiếp tỳ" và "binh sĩ", giống như màn ảnh chậm rãi chuyển ra xa, đoàn người đi hướng phương xa, cho người nghe lưu lại vô tận dư vị.

Các nhà phân tích đánh giá bài thơ miêu tả tinh tế, phép so sánh mới mẻ, là tác phẩm sớm nhất khắc họa vẻ đẹp dung mạo và nhất là vẻ đẹp thần thái của giới nữ trong văn học cổ đại Trung Quốc, khơi dòng cho đời sau miêu tả mỹ nhân trọng thần thái hơn hình dáng, được mọi người tôn sùng và ưu ái. Trong đó hai câu "xảo tiếu thiến hề, mỹ mục phán hề" càng được coi là thiên cổ tuyệt cú, cho dù đời sau nhân tài ra hết cũng không cách nào nhảy ra khỏi "tám chữ phong ấn vẻ đẹp" của người Vệ.

P/S: Nếu để ý sẽ thấy người Vệ toàn dùng những hình ảnh thường thấy trong nhà nông để miêu tả người đẹp trong thơ, như cây đề, mỡ, ấu trùng bọ cánh cứng, hạt bầu, ve, ngài... cho thấy chính sinh hoạt hằng ngày và phong cảnh đồng quê đã có ảnh hưởng sâu sắc và đem lại cảm hứng cho dân ca lúc bấy giờ. Tuy nhiên lấy thẩm mỹ của người thời nay, hình tượng mỹ nữ được tổ hợp lên từ thực vật và côn trùng quả thực không dám khen tặng :v
----------------

Lưu ý: phân tích của dichtienghoa.com về bài thơ này chỉ dựa theo quan điểm cá nhân, có thể chưa chính xác và chỉ mang tính chất tham khảo.

4.Tẫn kê tư thần

Giải nghĩa:

Tẫn kê: gà mái

Tư: chưởng quản

Thần: bình minh.

Tẫn kê tư thần (牝鸡司晨), hay còn đọc là tẫn kê ti thần, nghĩa đen là gà mái gáy vào sáng sớm giống như gà trống, ý nói gà mái mà đi báo sáng. Nghĩa bóng là việc của đàn ông mà phụ nữ làm thay.

Gà mái báo sáng là hiện tượng biến dị về giới tính của sinh vật, nhưng thời trước dùng để so sánh phụ nữ soán quyền loạn thế, bởi vì phụ nữ cổ đại chịu trình độ giáo dục rất thấp, thường thường làm ra những chính sách nhiễu loạn xã hội. Cho nên người ta cho rằng là điềm báo của tai họa.


Khi gà mái không lo ấp trứng mà đi báo thức

Từ gần nghĩa:

Tẫn kê thần minh (牝鸡晨鸣: gà mái gáy sáng)

Tẫn kê tư đán (牝鸡司旦: gà mái báo sáng)

Việt trở đại bào (越俎代庖: người phụ trách bày mâm cúng lại đi nấu nướng)

Âm thịnh dương suy (阴盛阳衰)

Nguồn gốc câu chuyện

Vua nhà Thương là Trụ Vương tấn công nước Tô được đến mỹ nữ Đát Kỷ, rất là sủng ái. Một lần, Đát Kỷ nhìn thấy con kiến bò lên trên chậu than đồng bị bỏng chết, liền nói cho Trụ vương, Trụ Vương sai người làm hai cây cột đồng, đem phạm nhân trói vào trên cột, dùng lửa đốt nóng cột đồng, hình phạt này gọi là "Bào cách" (hay bào lạc 炮烙, bào nghĩa là nướng, lạc nghĩa là ủi). Chu Võ Vương Cơ Phát tiêu diệt nhà Thương xong cảm khái mà nói, gà mái mà gáy sớm, gia cảnh liền phải suy sụp.

Thời Ân Thương, bạo quân Trụ Vương mỗi ngày chỉ biết sống phóng túng, sinh hoạt xa hoa hoang dâm vô sỉ, Trụ Vương không để ý chút nào tới lời nói của trung thần, chỉ nghe lời ái phi Đát Kỷ. Trung thần nhà Thương - Tỷ Can bởi vì hướng Trụ Vương đưa lời can gián lại bị Trụ Vương giết chết, còn bị mổ ngực moi tim, nói muốn xem trái tim thánh nhân "thất khiếu linh lung" của Tỷ Can trông như thế nào.

(Trụ Vương hỏi Tỷ Can dựa vào đâu mà tự cao, Tỷ Can nói ông tự cao vì làm việc tốt, sống nhân nghĩa. Trụ Vương mới giận mà nói rằng: Ta nghe nói thánh hiền tim có bảy lỗ, không biết có phải thật chăng?)

Hành vi của Trụ Vương khiến cho quần thần cùng bá tánh phản kháng mãnh liệt. Năm 1046 trước Công Nguyên, Chu Võ Vương mang binh thảo phạt Trụ Vương, quân đội của Chu Võ Vương ở Mục Dã khoảng cách Triều Ca bảy mươi dặm liền cùng quân Trụ Vương khai chiến, lúc đó khi Chu Võ Vương tuyên thệ trước khi xuất quân ở Mục Dã có nói: Người xưa nói gà mái gáy sáng là không hợp đạo lý , gà mái thay thế gà trống báo thức thì cửa nát nhà tan, người đàn bà mà cướp lấy chính quyền của kẻ trượng phu thì quốc gia phải vong. Trụ Vương một mặt tin vào lời gièm pha của Đát Kỷ lung tung thi hành biện pháp chính trị, là căn nguyên mất nước của Trụ Vương.

Trụ Vương thu được tin tức Võ Vương phản loạn, liền mang theo bảy mươi vạn nhân mã của y nghênh địch, chỉ là thủ hạ của y đã sớm đối y hận thấu xương nên sôi nổi phản chiến. Trụ Vương chính mình đem chính mình bức đến đường cùng, y đành phải trốn về Triều Ca tự thiêu kết liễu đời mình.

Ngày nay

Câu thành ngữ này đã không còn chính xác khi ngày càng nhiều phụ nữ có trình độ văn hóa cao và gánh những trọng trách quan trọng trong xã hội.

Biên soạn bởi Dichtienghoa.com

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top