Làm gì khi người đời chê bai mình?
“Chúng ta vốn dĩ đều là những người tài năng cho đến khi có một ai đó xuất hiện trong đời và nói rằng bạn không thể làm gì được”, đó là bài học lớn nhất mà sau mấy năm trải nghiệm – một du học sinh Mỹ mang về, chia sẻ với Edward. Anh nói, người Việt chúng ta thực ra tài năng đều có, nhưng những tài năng ấy lại không có cơ hội để phát triển. Cũng đúng thôi, trong một môi trường mà đôi khi, “định kiến” của người xung quanh – những cái nhãn dán mà người đời đặt lên người khác, vô tình làm cho những tài năng ấy thậm chí chẳng bao giờ có thể tỏa sáng. Ngày còn nhỏ, chúng ta ai cũng có những ước mơ, không nhiều thì ít, chẳng hạn ước mơ sau này trở thành bác sĩ, phi công, doanh nhân,… Khi lớn lên, những ước mơ ấy bắt đầu gẫy cánh, không phải bởi vì nó phi thực tế, mà bởi vì người đời nói nó viển vông. Giống như một mầm cây từ khi còn là chồi non, nếu như tưới nước, chăm bón, cây đủ ánh sáng, nắng, oxy, dinh dưỡng cây sẽ lớn. Ngược lại, nếu như tưới chất độc thì nó sẽ chẳng có cơ hội sống sót chứ đừng nói gì là phát triển và tỏa bóng mát hay sinh trái ngọt sau này.
Khi còn trẻ, chúng ta sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh mình. Đôi khi, một câu nói cũng có thể ảnh hưởng đến cuộc đời của một người trẻ. Về mặt tâm lý, con người ta tiếp nhận thông tin tiêu cực nhanh gấp 15 lần so với thông tin tích cực. Cho nên chúng ta dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những câu nói tiêu cực từ những người xung quanh. Đó là lí do vì sao các thông tin giật gân trên mạng, báo lá cải lại dễ khiến người ta tò mò. Chính vì thế, khi có một ai đó nói điều gì đó tiêu cực, chúng ta có xu hướng dễ tiếp nhận, suy nghĩ nhiều về nó. Khi điều tiêu cực được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần sẽ trở thành niềm tin, và không thay đổi được. Một đứa trẻ, nó bị nói là ngu dần dần, nó lặp đi lặp lại suy nghĩ ấy trong đầu, cứ thế trở thành niềm tin. Và cuối cùng khi làm bất kì việc gì, tiếng “ngu” trong đầu cứ lặp đi lặp lại. Hay các câu nói khác đại loại như “mày không làm được đâu”, “đồ cẩu thả, hậu đậu”, “dốt nát”,.. vô tình ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của biết bao nhiêu người. Lý giải nguyên nhân, bởi vì nhiều người không hiểu được tâm lý, cho nên họ không phân biệt được hai khái niệm là hành vi và con người. Vì thế mà họ vô tình dễ làm tổn thương người khác và vô tình dễ có những nhận xét tiêu cực về người khác. Khi thấy một hành động, họ sẽ không gọi tên hành động ấy ra được, mà thường có xu hướng là kết luận con người, vì vậy mà dẫn đến tình trạng dán nhãn. Chẳng hạn, ngày còn nhỏ thời đi học, bạn bị điểm 0 Toán. Hành vi của bạn là được 0 Toán – tức điểm xấu môn Toán. Vì bị 0 Toán nên bạn được thầy cô cho ngồi sổ đầu bài cùng với cuộc điện thoại nhắc nhở từ thầy cô giáo chủ nhiệm tới bố mẹ. Hành vi này có nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn do các nội dung trong bài kiểm tra ấy bạn chưa học, hoặc chưa hiểu gì. Cũng có thể do sức khỏe của bạn không tốt, lúc làm bài bạn sốt và không làm được gì cả. Cũng có thể là do bạn đọc sai đề, cuối cùng không được điểm. Nếu muốn giúp bạn tốt lên, thì người xung quanh cần phải chỉ ra được hành vi nào chưa tốt. Nhưng nghịch lí ở chỗ, tâm lý con người, não bộ có một cơ chế gọi là “thích liên kết và kết luận”. Khi thấy thông tin là điểm 0, có thể người lớn hay bạn bè sẽ vô tình nói những câu như “Sao con học dốt vậy?”. Khi bị ngồi sổ đầu bài, có thể mọi người sẽ nói “Đồ ý thức tồi”. Khi bị gọi điện về cho phụ huynh, có thể sẽ bị nói “Con cái không thương ba mẹ, đồ bất hiếu”,… Rõ ràng, những câu nhận định này đang là nhận định về con người, chứ không phải là mô tả khách quan hành vi đó. Từ chuyện điểm 0 dẫn đến học dốt, dẫn đến ý thức tồi, dẫn đến không thương ba mẹ là cả một sự sai lệch lớn trong tâm lý. Dẫn đến việc, khi tiếp tục việc học, bạn bị ám ảnh bởi những câu nói tiêu cực trong đầu. Nhưng nếu như, những người xung quanh có chút kiến thức tâm lý, họ sẽ phản ứng như sau: Ừ điểm 0 này nguyên nhân là vì điều gì vậy? Nếu nguyên nhân là chưa chuẩn bị bài thì bạn cần nhớ điều này, không chuẩn bị bài là một hành động không tốt chút nào, lần sau hãy thay đổi. Nếu nguyên nhân là học không hiểu gì, thì có lẽ bạn cần phải học lại (có thể do mất gốc), hoặc hỏi thêm bạn bè hay thầy cô cho đến khi nào hiểu thì thôi. Con người ta ai cũng có tài năng hết, tuy nhiên nếu chưa nỗ lực và chuẩn bị chu đáo thì có thể điểm sẽ bị kém. Vì vậy mà giờ là lúc cần phải nỗ lực nhiều hơn. Như vậy, thứ chúng ta được nhận là thông tin phản hồi về hành vi chưa tốt, chứ không phải dán nhãn tiêu cực về con người chúng ta. Ở đây có hai bài học quan trọng: bài học đầu tiên là cách mà chúng ta nhìn nhận về người khác sẽ là cách mà chúng ta đối xử với người khác, và đó sẽ là người mà họ trở thành. Nhưng nếu chúng ta không thể thay đổi cách người khác nhìn nhận mình, khi mà người khác nhìn nhận mình theo chiều hướng tiêu cực, thì phải phản ứng lại như nào? Không có cách nào khác để chứng minh tốt nhất bằng hành động và kết quả tạo ra. Quay lại ví dụ bạn bị điểm 0 Toán. Nếu bạn nỗ lực và quyết tâm chứng minh bằng hành động, điểm của bạn tăng lên, chẳng hạn được 9-10. Khi đó mọi người sẽ lại một lần nữa, theo tâm lý đánh giá con người, họ sẽ nói rằng bạn thông minh, tư duy nhanh nhạy, có tố chất. Thêm một điều nữa, con người có tâm lý bầy đàn. Khi có một người nói bạn thông minh, sẽ có người thứ hai, người thứ ba,..rồi tất cả mọi người. Cho nên, cái khó lớn nhất là trong giai đoạn ấy, bạn có vượt qua được chính mình hay không. Phần lớn nguyên nhân khiến một ai đó không vượt qua được là họ để cho cảm xúc, dãn nhãn, lời nói tiêu cực từ người khác ảnh hưởng đến mình quá nhiều, tin vào điều đó và cuối cùng không thể thay đổi được. Khi một ai đó chê bai bạn, và đặc biệt là dùng những tính từ để nói về con người của bạn, hãy bình tĩnh và hỏi xem điều gì giúp bạn có thể làm tốt hơn, hoặc họ thấy như vậy ở hành động cụ thể nào? Vẫn là ví dụ điểm 0 Toán. Nếu ai đó nói bạn là đồ học dốt, hãy bình tĩnh hỏi vậy điều gì có thể làm tốt hơn, dốt ở chỗ nào, có cách nào khắc phục không. Nếu người đó chỉ ra được những hành động cụ thể thì thật tốt, đó là cách để chúng ta tiến lên. Nhưng nếu ngược lại, những người đó chỉ đưa ra những nhận xét cảm tính, quăng những câu nhận xét tiêu cực, thì phản ứng lại như nào? Ở trong NLP, có một khái niệm là Meta Programs (Khái niệm này đã phân tích ở bài viết Làm thế nào để thay đổi mình và người khác?), thì việc chúng ta tin hay không tin, chấp nhận hay không chấp nhận những nhận xét ấy là cách chúng ta lập trình cho não bộ của mình. Vậy thì chỉ đơn giản, là bạn từ chối nhận nó thôi. Hãy khép lại bằng một câu chuyện kể về hai người đàn ông. Có một người đàn ông, ông ta rất hung hăng, gặp ai ông ta cũng cãi nhau, gây lộn, thậm chí mắng chửi người đó. Điều đó dần dần trở thành tính cách, khiến ai cũng sợ và bị ảnh hưởng bởi ông ta. Thế rồi người dân trong vùng bảo, ở xứ ấy có một người đàn ông khác, cho dù ông có làm gì, thì người ấy cũng vẫn điềm tĩnh, không gì xoay chuyển được. Ông ta không tin, và tìm đến nơi người đàn ông kì lạ đó, để xem như nào, và định mắng cho một trận. Người đàn ông này bình tĩnh bảo “Này ông, gì mà nóng tính thế, cứ bình tĩnh ngồi xuống, ông và tôi có chuyện gì thì cùng nhau từ tốn nói năng đàng hoàng”. Ông ta biết người đàn ông này nổi tiếng là điềm tĩnh, sợ rằng sau khi ngồi xuống sẽ bị thuyết phục, cho nên nhất quyết không ngồi và vẫn sục sôi trong lòng, định mắng cho người đàn ông đó một trận xem ông ta có bình tĩnh được không. Người đàn ông kia vẫn nhẹ nhàng, từ tốn “Thôi được rồi, ông không ngồi cũng được. Vậy thì để tôi hỏi ông một câu nhé: Nếu bây giờ có một vị khách đến nhà ông, họ tặng cho ông một món quà, và ông không nhận món quà đó thì sao?”. Ông ta nghe xong, dĩ nhiên câu hỏi đơn giản này ai mà không trả lời được “Thì món quà đó vẫn là của người khách kia chứ sao, tôi không nhận mà”. Nghe xong, người đàn ông ấy mới nói tiếp “Đúng rồi, ông thông minh lắm. Và ngày hôm nay cũng vậy, ông đến gặp tôi, ông định mắng chửi tôi, nhục mạ tôi, và nếu coi đó là một món quà mà ông là người khách đem đến tặng tôi, và tôi không nhận nó thì mọi chuyện sẽ thế nào?”. Nghĩ một hồi, ông ta đã tự hiểu ra “Thì những lời nhục mạ ấy sẽ không đến với ông mà sẽ ở lại với tôi”. Đó là câu chuyện kể về việc Đức Phật đã cảm hóa một người như nào. Dĩ nhiên, câu chuyện này ở đây không phải để truyền bá tôn giáo hay bất kì điều gì, mà câu chuyện ấy muốn gửi đến một thông điệp: khi một ai đó dùng những lời nhận xét tiêu cực, sự chê bai về con người bạn, mà họ không chỉ ra được hành vi cụ thể, hay cách để giúp bạn tốt hơn, thì đó chính là những cảm tính, những định kiến một cách hết sức chủ quan. Và nó chỉ đơn giản là một món quà người ta muốn đưa cho bạn, và việc nhận hay không nhận quà, đó là quyền của bạn.
*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng – Edward*
Về tác giả: Edward Edward - là một người theo đuổi lĩnh vực tâm lý hơn 5 năm nay, yêu thích cả tâm lý phương Tây và nền tảng tâm lý, triết học phương Đông. Tuy nhiên Edward chưa bao giờ nhận mình là chuyên gia tâm lý. Chỉ đơn giản là một người hướng nội, thích trải nghiệm, thích phiêu lưu trong thế giới nội tâm của riêng mình, và mong muốn chia sẻ những gì hữu ích về tâm lý cho mọi người.
Xem chi tiết tại: https://tamly.blog/lam-gi-khi-nguoi-doi-che-bai-minh-ung-dung-nlp/
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top